Kinh Pháp Cú giảng giải

XIX. Phẩm Pháp Trụ



Pháp Cú 256.

Xử sự lỗ mãng đâu phải hạnh của người phụng thờ chánh pháp, vậy các ngươi cần biện biệt cho rõ đâu chánh và đâu tà. 

Chữ lỗ mãng có nhiều nghĩa, là xử sự một cách cẩu thả, khinh suất, độc đoán, thiếu khiêm nhường, nói chung là không cẩn thận. Người như vậy không xứng đáng phụng thờ chánh pháp. Cho nên trong sự tu hành, cần phải có trí tuệ nhận xét phân biệt chánh tà rành rẽ. Những vị tu hành, có người chân chánh, có người chưa được chân chánh. Nếu xử sự lỗ mãng, khinh suất, đó là người không nghiêm túc. Nếu người chân chánh thì điềm đạm, nghiêm trang, nói năng từ tốn hòa nhã với mọi người. Ở đâu cũng có người tốt và người không tốt, chúng ta phải có con mắt sáng suốt phân biệt để khỏi lầm. Nếu không phân biệt rành rẽ thì dễ lầm, rồi xem thường những bậc chân tu.

Pháp Cú 257.

Không khi nào lỗ mãng, đúng phép và công bình mới là người dẫn đạo. Kẻ trí nhờ sống đúng pháp nên gọi là người an trụ pháp. 

Người làm thầy hướng dẫn cho mọi người tu hành, thì không bao giờ xử sự lỗ mãng, không bao giờ có cử chỉ khinh suất, cẩu thả v.v… lúc nào cũng đúng phép và công bình. Kẻ trí khéo biết gìn giữ chánh pháp nên gọi là người an trụ trong chánh pháp. Đem chánh pháp của Phật ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, hoặc đem phổ biến cho mọi người biết để tu hành, cũng gọi là hộ trì chánh pháp.

Pháp Cú 258.

Chẳng phải cậy nhiều lời cho là người có trí, nhưng an tịnh không cừu oán, không sợ hãi mới là người có trí. 

Theo quan niệm của đạo Phật, người trí không phải là người khôn lanh nói lưu loát, thao thao bất tuyệt, mà trong mọi trường hợp người ấy đều vững vàng an tịnh, không cừu oán phiền muộn, không sợ hãi lo âu, tâm hồn lúc nào cũng thư thái tự tại, sống an lành trong cuộc đời, đó mới thật là người trí.

Pháp Cú 259.

Chẳng phải cậy nhiều lời mà cho là người hộ trì chánh pháp, nhưng tuy học ít mà do thân thật thấy pháp, không buông lung, mới là người hộ trì chánh pháp. 

Người giảng nói Phật pháp thao thao bất tuyệt, chưa chắc là người hộ trì chánh pháp, tuy người học ít nhưng tu hành chân chánh, do thật thấy chánh pháp, thân chứng được đạo, đó là người hộ trì chánh pháp. Hơn nữa người không buông lung sáu căn chạy theo sáu trần cũng là người hộ trì chánh pháp.

Có nhiều người thấy vị giảng sư đi giảng khắp nơi, cho đó là người truyền bá Phật pháp, hộ trì chánh pháp và cho vị sư ở một chỗ tu hành thanh tịnh là không hộ trì chánh pháp. Nếu phê bình như vậy là chỉ nhìn qua sự truyền bá bằng ngôn thuyết, mà không nhìn về mặt tu hành, là cái nhìn phiến diện chỉ thấy có một bên. Người Phật tử chân chánh thì phải thấy một cách rõ ràng, đầy đủ để không lầm lẫn.

Pháp Cú 260.

Trưởng lão chẳng phải vì bạc đầu. Nếu chỉ vì tuổi tác cao mà xưng trưởng lão, thì đó chỉ là xưng suông. 

Trưởng lão không phải chỉ những vị bạc đầu răng long, mà chỉ cho vị nào trí tuệ sáng suốt, tu hành chứng quả A-la-hán. Dù người đầu bạc răng long nhưng trí tuệ không sáng suốt, tu hành không ra gì mà xưng là trưởng lão, đó là xưng suông chứ không đúng nghĩa thật.

Pháp Cú 261.

Đủ kiến giải chân thật, giữ trọn các pháp lành. Không sát hại sanh linh, lo tiết chế điều phục, người có trí tuệ đó, trừ hết các cấu nhơ, mới đáng danh trưởng lão. 

Đủ kiến giải chân thật là nhận thấy pháp Tứ thánh đế một cách đúng đắn. Giữ trọn các pháp lành, là tu hành các pháp để chứng từ sơ quả Tu-đà-hoàn đến tứ quả A-la-hán. Không sát hại sanh linh, lo tiết chế điều phục, là biết gìn giữ giới luật, lo điều phục sáu căn mới gọi là người trí. Trừ hết các cấu nhơ, dẹp hết mọi phiền não ở trong lòng mới xứng danh trưởng lão.

Pháp Cú 262.

Những người hư ngụy, tật đố và xan tham, tuy có biện tài lưu loát, tướng mạo đoan trang, cũng chẳng phải là người lương thiện. 

Pháp Cú 263.

Nhưng người trí nhờ trừ diệt tận gốc lòng sân hận, mới là người lương thiện. 

Người có đủ ba tật xấu, dối trá, tật đố, xan tham, tuy biện tài lưu loát, ăn nói thao thao bất tuyệt, tướng mạo đoan trang đẹp đẽ cũng chưa phải là người lương thiện. Cho nên đừng thấy người có tướng tốt, nói hay mà cho đó là lương thiện. Vậy thế nào là người lương thiện? Người dẹp sạch gốc sân hận mới thật là lương thiện.

Người nào vẻ mặt phúc hậu chưa chắc là lương thiện, nếu chọc tức mà họ an nhiên bình tĩnh ôn hòa nhã nhặn, đó mới thật là người lương thiện. Ngược lại giận dữ thì chưa phải, vì nổi giận lên họ có thể hại người, làm sao gọi là lương thiện. Nhiều người bề ngoài ra vẻ đàng hoàng đứng đắn mà trong lòng rất lôi thôi, người tướng tá lôi thôi mà tâm rất chín chắn. Vì vậy đừng nên nhìn bề ngoài mà phỏng đoán thì dễ sai lầm.

Pháp Cú 264.

Người vọng ngữ và phá giới, dù cạo tóc cũng chưa phải là Sa-môn. Huống còn chất đầy tham dục, làm sao thành bậc Sa-môn. 

Dù hình thức cạo đầu mặc áo nhuộm, nhưng còn nói dối, phá giới thì người đó chưa phải là tu sĩ. Huống gì trong lòng còn tham muốn đủ thứ, tham cái này, muốn cái kia, đòi cái nọ thì chưa phải là tu sĩ. Cho nên phải dứt sạch lòng tham dục, không nói dối, không phá giới mới thật là tu sĩ.

Pháp Cú 265.

Người nào dứt hết các điều ác, không luận lớn hay nhỏ, nhờ dứt hết các ác mà được gọi Sa-môn.

Nhờ dứt hết các điều ác không luận lớn hay nhỏ, cũng phải khéo gìn giữ, được vậy gọi là Sa-môn. Như con kiến hay con muỗi cắn, vì từ bi nên không sát hại nó, mới thật là tu sĩ. Nếu vị nào thật tình tu thì phải ráng làm cho đúng như vậy để phù hợp với lời Phật dạy.

Pháp Cú 266.

Chỉ mang bình khất thực, đâu phải là Tỳ-kheo, chỉ làm nghi thức tôn giáo, cũng chẳng phải Tỳ-kheo vậy. 

Pháp Cú 267.

Bỏ thiện và bỏ ác, chuyên tu hành thanh tịnh, lấy biết mà ở đời, mới thật là Tỳ-kheo. 

Không phải đi khất thực hay làm những nghi thức tôn giáo mà gọi là Tỳ-kheo, mà phải bỏ ác làm thiện, chuyên tu hạnh thanh tịnh mới gọi là Tỳ-kheo.

Có hai loại thiện: hữu lậu và vô lậu. Thiện hữu lậu là việc thiện còn trong vòng sanh tử; thiện vô lậu là việc thiện thoát ra khỏi vòng sanh tử. Việc thiện còn ở trong sanh tử chỉ có phước báo của cõi người, cõi trời. Tỳ-kheo chủ yếu thoát ly sanh tử, chuyên tâm tu hành cho được thanh tịnh, chuyên giữ giới luật, tu thiền định và phát huy trí tuệ sẵn có. Ba điều đó làm căn bản cho sự tu hành siêu xuất thế gian, người làm được như vậy mới thật là Tỳ-kheo.

Pháp Cú 268-269.

Kẻ ngu muội vô trí, dù làm thinh cũng không thể gọi được là người tịch tịnh. Kẻ trí tuệ sáng suốt như bàn cân, biết cân nhắc điều thiện lẽ ác mà chọn lành bỏ dữ mới gọi là người tịch tịnh. Biết được cả nội giới và ngoại giới, nên gọi là người tịch tịnh. 

Phật dạy tu hạnh tịch tịnh, là sống trong cảnh yên lặng không ồn náo. Nghe như vậy kẻ dốt nát không biết, cứ ngồi làm thinh, thiện cũng không biết, ác cũng không phân, đó chưa phải là hạnh tịch tịnh. Người có trí tuệ biết phân biệt thiện ác, việc lành thì làm, việc dữ thì bỏ, không phải làm thinh không nói, hay chẳng làm gì cả.

Nội giới, ngoại giới là chỉ cho mười tám giới gồm có sáu căn sáu trần và sáu thức. Trong mười tám giới nhận định rành rẽ, để khỏi lầm lẫn không mê chấp thân là thật, cảnh là thật, dùng trí tuệ giản trạch rõ ràng, là người có trí tuệ tu hạnh tịch tịnh.

Pháp Cú 270.

Còn sát hại chúng sanh, đâu được xưng là Ariya, không sát hại chúng sanh mới gọi là Ariya. 

Chữ Ariya là chỉ cho người hiền đức cao thượng, nếu còn sát hại chúng sanh không gọi là người hiền đức, cao thượng. Không sát hại chúng sanh mới gọi là người hiền đức, cao thượng.

Pháp Cú 271-272.

Chẳng phải do giới luật đầu-đà, chẳng phải do nghe nhiều học rộng, chẳng phải do chứng được tam-muội, chẳng phải do ở riêng một mình, đã vội cho là hưởng được cái vui xuất gia, phàm phu không bì kịp. Các ngươi chớ vội tin những điều ấy, khi mê lầm phiền não của các ngươi chưa trừ. 

Phật nói không phải giữ giới luật của người tu khổ hạnh đầu-đà hay nghe nhiều học rộng, tu chứng thiền định, ở riêng một mình mà vội cho là hưởng được cái vui của người xuất gia, người phàm phu không bì kịp. Muốn hưởng được cái vui của người xuất gia thì phải dứt sạch mê lầm phiền não. Cho nên, chúng ta học Phật phải nhận định cho chính xác, nhiều khi chấp vào hình thức rồi cho là cứu cánh, đó là sai lầm.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.