Kinh Pháp Cú giảng giải

II. Phẩm Không Buông Lung



Pháp Cú 21.

Không buông lung đưa tới cõi bất tử, buông lung đưa tới đường tử sanh. Người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma. 

Trước hết giải nghĩa chữ buông lung. Buông lung là thả trôi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chạy theo sáu trần, hay nói cách khác là tìm kiếm mong mỏi hưởng thụ ngũ dục cho nhiều, đó gọi là buông lung. Người không buông lung thì tới cõi bất tử; người buông lung thì đi tới đường tử sanh. Người không buông lung thì không chết; kẻ buông lung thì sống như thây ma. Tại sao nói người buông lung thì sống như thây ma? Bởi vì nhiều người nghĩ thế này, nếu sống mà không dục lạc ở thế gian thì coi như sống vô vị. Nhưng ngược lại đức Phật dạy rằng, người buông lung chạy theo dục lạc thế gian, tuy thân còn sống nhưng chẳng khác nào như kẻ chết. Chủ yếu của đạo Phật dạy chúng ta sống là phải làm chủ tâm mình, đừng bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, nếu bị ngoại cảnh chi phối nhiều thì đời sống của mình vô giá trị, vì tuy thân hoạt động tới lui ăn nói… nhưng không có chủ đích, chẳng khác nào như thân chết. Người có quyền làm chủ không cho sáu căn buông lung chạy theo sáu trần, thì đời sống có giá trị, nên nói là người bất tử. Trong kinh A-hàm đức Phật thí dụ có một con khỉ ham ăn bị mắc bẫy, cả sáu bộ phận đều dính nhựa, hết cựa quậy, khi đó bị người thợ săn bắt đem về nhà. Cũng vậy, người buông lung sáu căn, chạy theo sáu trần thì sẽ bị ma ngũ dục lôi cuốn. Khi sáu căn không lệ thuộc vào sáu trần chúng ta mới hoạt động tự do.

Thí dụ một người học trò vốn say mê âm nhạc đang ngồi ôn Pháp Cú thi, nghe nhà bên cạnh mở nhạc hay quá liền buông tập lắng nghe, bị âm thanh chi phối, không còn học Pháp Cú được nữa. Nó đang học Pháp Cú mà bị âm thanh chi phối nên mất quyền làm chủ, giống như thây ma. Do đó đức Phật nói rằng người buông lung sáu căn thì sống như thây ma. Người thế gian muốn hưởng nhiều dục lạc; trái lại người tu muốn chiến thắng được lòng mình, không bị dục vọng chi phối. Đây là điều khác nhau giữa người biết tu và người không biết tu.

Pháp Cú 22.

Kẻ trí biết chắc điều ấy nên gắng làm chứ không buông lung, không buông lung thì đặng an vui trong cõi Thánh. 

Người có trí tuệ biết chắc buông lung sẽ đưa tới chỗ chết, buông lung sẽ sống như thây ma. Biết chắc điều đó rồi nên cố gắng làm chủ, hạn chế những tật xấu của mình. Vì không buông lung nên người trí tiến lên bậc Thánh, còn kẻ ngu càng buông lung thì càng sa đọa trầm luân. Cho nên muốn biết người tiến lên bậc Thánh hiền hay trầm luân trong các đường xấu, thì chúng ta nhìn lại những hành động hằng ngày, buông lung theo dục lạc thì phải chìm đắm, chiến thắng được lòng mình thì thoát khỏi sự lôi cuốn của ác ma, và tiến dần lên cõi Thánh. Đó là một điều rất rõ ràng.

Pháp Cú 23.

Nhờ kiên nhẫn dũng mãnh tu thiền định và giải thoát mà kẻ trí được an ổn chứng nhập vô thượng Niết-bàn. 

Kinh nói muốn chứng được Niết-bàn thì phải trừ bốn ách, đó là dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách. Dục ách là sự tham dục; hữu ách là mê chấp ba cõi, kiến ách là tà kiến ác kiến; vô minh ách là sự mê mờ. Đức Phật dạy nhờ kiên nhẫn dũng mãnh, tu thiền định và giải thoát mà được chứng nhập vô thượng Niết-bàn. Như vậy thiền định và giải thoát thật là quan trọng. Nhờ tu thiền định mà được giải thoát.

Ở đây tôi không nói rộng tất cả các môn tu thiền định, mà chỉ nói tu thiền định trong phạm vi kinh A-hàm, tức là phương pháp tu chỉ quán. Chỉ là áp dụng phương pháp trụ tâm nơi chóp mũi hay rốn, nhờ tu chỉ mà tâm được an định. Quán tức là áp dụng phương pháp quán tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường v.v… ứng dụng những pháp quán như trên để tâm không chạy theo vọng tưởng, tâm an định rồi trí tuệ sáng suốt. Giải thoát là thoát khỏi bốn ách như đã nói ở trên, Người tu được an ổn là nhờ tu thiền định giải thoát và chứng Niết-bàn. Niết-bàn là tiếng Phạn, Hán dịch là vô sanh hay bất sanh, đạt được Niết-bàn rồi thì không còn sanh tử nữa. Thí dụ hằng ngày tâm niệm của mình lăng xăng, ngồi lại không bao giờ yên, hết nghĩ cái này đến nghĩ cái khác, đó là chưa làm chủ được tâm. Tâm luôn luôn xao xuyến làm cho trí tuệ không sáng suốt, khi nào tâm hết xao xuyến thì trí tuệ mới sáng.

Thí dụ có người bận nhiều việc quá nên đầu óc bị chi phối, những vật mới để đây chút nữa quên lửng. Tối lại sửa soạn đi ngủ, nằm yên, chợt nhớ bữa nay bỏ quên vật này ở đâu, hay có những việc chưa làm v.v… nhờ vừa yên, quên những việc bận rộn nên tâm mới sáng suốt mà nhớ lại. Cũng như đứa học trò đang làm toán, nếu có bạn bè chạy tới đùa giỡn lăng xăng và rủ đi chơi, thì nó làm Pháp Cú toán không được. Nếu muốn làm thì chờ không ai rủ đi đâu, ngồi yên một mình trong phòng, nghiệm lại làm mới ra.

Cho nên có nhiều người cứ than phiền rằng tại sao ban ngày lo làm công kia việc nọ, thấy tâm ít nhớ chuyện này chuyện kia, tối lại ngồi niệm Phật vài ba câu, hoặc ngồi tham thiền một chút thì nhớ đủ thứ? Tại vì ban ngày làm nhiều chuyện lăng xăng đâu còn thì giờ mà nhớ, tới tối mọi việc gác qua một bên, ngồi yên thì mới tỉnh táo để nhớ. Như vậy chứng minh rằng tâm lặng được một chút mới sáng. Cho nên chủ trương của đạo Phật là dạy mình phải lắng lặng tâm tư, bằng cách làm chủ toàn vẹn, nghĩa là khi tâm dấy niệm, mình liền biết và làm chủ được, đó gọi là người toàn thắng là người thật sống. Còn người bị tâm khiển cách nào theo cách nấy là chưa làm chủ, chưa phải là người thắng được mình. Vì vậy nếu muốn đạt Niết-bàn vô sanh thì phải làm chủ được mình.

Pháp Cú 24.

Không buông lung cố gắng hăng hái chánh niệm khắc kỷ theo tinh hạnh, sinh hoạt đúng như pháp thì tiếng lành càng ngày càng tăng trưởng. 

Người không buông lung là người biết kềm chế sáu căn của mình và cố gắng hăng hái chánh niệm. Niệm là nhớ, chánh là đúng đắn ngay thẳng. Chúng ta nhớ chuyện danh lợi, buồn phiền giận dữ v.v… như thế gọi là tà niệm. Nhớ thân này do nhân duyên hòa hợp không thật, tất cả sự vật ở thế gian vô thường… gọi là chánh niệm. Tóm lại nghĩ nhớ đúng lời Phật dạy gọi là chánh niệm; nghĩ nhớ những điều tội lỗi, sai lầm là tà niệm. Người biết tu lúc nào cũng phải chánh niệm, người dùng câu niệm Phật, người dùng phương pháp quán chiếu thân, người dùng trí quán sự vật bên ngoài là vô thường quán chiếu đúng như pháp, gọi là chánh niệm. Suy nghĩ theo dục lạc của thế gian gọi là tà niệm. Khắc kỷ theo tịnh hạnh là hạn chế không để cho tâm buông lung theo dục lạc, không bị ô nhiễm bởi tham sân si. Sinh hoạt đúng như pháp là sống đúng với lẽ chân thật, làm gương tốt cho người khác và tiếng lành càng ngày càng đồn xa.

Pháp Cú 25.

Bằng sự cố gắng hăng hái không buông lung tự khắc chế lấy mình mà kẻ trí tự tạo cho mình một hòn đảo chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được. 

Người trí tạo cho mình một hòn đảo an toàn là chỉ cho người có sức tự chủ vững vàng, không bị ngoại cảnh chi phối, không ai lôi cuốn được mình, như hòn đảo không bị thủy triều nhận chìm. Không buông lung cố gắng vươn lên là tạo hòn đảo vững chắc, thủy triều ngũ dục sẽ không còn lôi cuốn được.

Thí dụ có nhiều người than phiền, còn sống ngoài đời mà phát tâm ăn chay trường thật khó quá, vì còn giao thiệp qua lại, bạn bè rủ rê tiệc tùng đủ thứ. Nhưng có nhiều người cũng làm việc và giao tế, mà vẫn ăn chay trường. Khi đã có lập trường thật vững thì chuyện xử sự tình cảm hay ân nghĩa qua lại vẫn làm, nhưng chuyện ăn uống là quyền cá nhân, không ai bắt buộc, dù có người rủ rê mời mọc, nhưng khẳng khái từ chối thì sau này họ không còn lôi kéo. Như ông Mai Thọ Truyền ăn chay trường mà cũng làm quan không có gì trở ngại. Quan trọng là cố gắng làm chủ được mình, như đã có hòn đảo an toàn thì ngọn thủy triều hết nhận chìm. Người lập trường chưa vững thì hay đổ thừa cho người khác; chiều theo bạn bè cho đó là xã giao lịch sự, không ngờ sau này bị lôi kéo. Cho nên mình phải có lập trường thật vững thì không bị người khác chi phối, như hòn đảo an toàn không bị thủy triều nhận chìm.

Pháp Cú 26.

Người ám độn ngu si đắm chìm trong vòng buông lung, nhưng kẻ trí lại chăm giữ tâm mình không cho buông lung như anh nhà giàu chăm lo giữ của. 

Người giàu thường ham của báu, nếu mất họ tiếc lắm cho nên ít khi nào dám bỏ nhà đi đâu, ai tới nhà họ canh chừng không dám lơi lỏng. Cũng vậy người trí chăm giữ tâm mình, không cho buông lung, mỗi một niệm dấy lên liền biết tốt hay xấu. Nếu tốt thì cho phát khởi, nếu xấu thì phải buông ngay. Người ngu si ám độn là kẻ buông lung, mặc tình tâm nghĩ gì thì chạy theo không kềm chế. Cho nên chúng ta học đạo, quan trọng là học phát huy trí tuệ, để biết làm chủ tâm mình.

Pháp Cú 27.

Chớ nên đắm chìm theo buông lung, chớ nên say mê với dục lạc. Hãy nên tỉnh giác và tu thiền mới mong được đại an lạc. 

Phật dạy không chạy theo buông lung, cũng không say mê dục lạc. Hãy luôn luôn tỉnh giác và cố gắng tu thiền, làm chủ tâm mình, mới mong được đại an lạc. Thành ra sự an vui lớn nhất của con người là hoàn toàn làm chủ được mình.

Như chúng ta đang bình thản, lúc đó thật an ổn. Nếu ra đường có người chọc tức, không làm chủ được nổi nóng la lên, lúc đó hết an ổn vui vẻ. Cho nên bình thường thì vui, nhưng gặp cảnh trái ý không làm chủ được thì khổ. Chỉ người nào hoàn toàn làm chủ, gặp cảnh nào cũng vẫn an nhiên không bực tức, người đó lúc nào cũng vui. Cho nên làm chủ được thì mới có niềm vui vĩnh cửu, còn chưa làm chủ được, nếu có vui cũng chỉ là vui tạm thời. Do đó người biết tỉnh giác tu thiền mới gọi là được đại an lạc.

Pháp Cú 28.

Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc Thánh hiền khi bước lên lầu trí tuệ nhìn lại thấy rõ kẻ ngu si ôm nhiều lo sợ, chẳng khác nào khi lên được núi cao cúi nhìn lại muôn vật trên mặt đất. 

Phật dạy, người nào hết buông lung thì không còn lo sợ. Người ngu si tâm buông lung muốn chạy đâu thì chạy, muốn đuổi theo cái gì thì đuổi, như thích gì ăn nấy, nhậu nhẹt say sưa, hại gan hại bao tử… Khi bị đau ốm thì tâm lo sợ, uống thuốc gì, có hết bệnh không, không biết mai mốt sẽ ra sao, lo hoài không dừng được. Người trí làm chủ tâm mình dứt được sự lo sợ, chẳng khác nào như người lên núi cao, nhìn xuống thấy người ta chạy ngược chạy xuôi thật đáng thương.

Tóm lại câu kinh này đức Phật chỉ rõ người trí là người biết tu, không còn buồn phiền lo sợ, sống an ổn, thấy kẻ ngu nhiều buồn phiền lo sợ bất an sanh lòng thương xót.

Pháp Cú 29.

Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn. 

Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ – mạnh mẽ vô cùng. Hiện giờ chúng ta là kẻ mê ngủ hay người tỉnh táo? Đa số tưởng mình là người tỉnh táo nhưng đâu biết mình đang ngủ mê. Đức Phật nói cuộc đời là giấc mộng, nhiều người không tin. Nếu người nào sống được sáu bảy mươi tuổi thì dễ tin điều đó. Nhìn lại đời mình, những sự việc đã qua chỉ là ảo ảnh mà thôi, nhất là khi hấp hối càng thấy rõ cuộc đời là giấc mộng. Ở độ tuổi hai ba mươi, không hề thấy cuộc đời là giấc mộng, nên xông xáo giành giật hơn thua, làm đủ thứ chuyện.

Khi nằm mộng chúng ta thấy người vật sinh hoạt như thật, thức dậy mới biết nó là giả. Tại sao đức Phật nói cuộc đời này là mộng? Vì ngài đã vượt qua sanh tử và nhận được Niết-bàn vô sanh, mới thấy cuộc sống này ngắn ngủi. Nếu chúng ta đem cuộc sống ngắn ngủi sáu bảy chục năm so với Niết-bàn vô sanh mới thấy cuộc đời là mộng.

Tỉnh táo giữa đám người mê ngủ. Đám người mê ngủ có hai ý. Ý thứ nhất là chỉ những người say mê theo dục lạc, như say mê ma túy, không làm chủ cuộc sống mà dục lạc làm chủ họ, tuy thức cũng như ngủ mê. Ý thứ hai, cuộc đời không lâu dài mà tưởng lâu dài, đó là kẻ si mê. Tỉnh táo cũng có hai trường hợp, thứ nhất khi người say mê theo dục lạc mà mình vẫn tỉnh táo không theo; thứ hai, người ta cho cõi đời này là thật, nên tranh danh đoạt lợi, còn mình lại thấy rất tạm bợ huyễn hóa, không lâu dài. Biết như vậy gọi là người tỉnh táo, chiến thắng được ma ngũ dục, không còn bị chúng lôi kéo.

Kế đến người trí như con ngựa mạnh thẳng tiến bỏ lại sau con ngựa gầy hèn. Con ngựa gầy hèn là chỉ cho những người ngu, người ngu cứ đắm chìm trong dục lạc, vì buông lung nên bị bỏ lại đằng sau. Người trí đã chiến thắng được mình, tỉnh táo, vươn lên cho nên chẳng khác nào như con ngựa mạnh, vượt qua tất cả con ngựa yếu.

Chúng ta là người biết đạo lý lúc nào cũng phải nhớ mình là con tuấn mã, đừng nghĩ là con ngựa gầy, phải tỉnh táo giữa đám người đang mê ngủ. Nhớ lấy lời Phật dạy mà áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thấy mình có sức mạnh hơn những kẻ tầm thường.

Pháp Cú 30.

Nhờ không buông lung, Ma-già lên làm chủ cõi chư thiên. Không buông lung luôn luôn được khen ngợi; buông lung luôn luôn bị khinh chê. 

Nhờ không buông lung, Ma-già lên làm chủ cõi chư thiên. Ma-già là chỉ cho trời Đế-thích, làm vua trời nhờ không buông lung. Không buông lung nên được người trời khen ngợi, còn buông lung luôn luôn bị khinh chê.

Pháp Cú 31.

Tỳ-kheo nào thường ưa không buông lung hoặc sợ thấy sự buông lung. Ta ví họ như ngọn lửa hồng đốt thiêu tất cả kiết sử từ lớn chí nhỏ. 

Tỳ-kheo nào thường ưa không buông lung, cố gắng tinh tấn, hoặc sợ thấy sự buông lung, Phật ví họ như ngọn lửa hồng đốt thiêu tất cả kiết sử từ lớn chí nhỏ. Kiết là cột, sử là thúc đẩy. Kiết sử là phiền não trói buộc thúc đẩy chúng ta đi theo nghiệp xấu. Kiết sử nếu nói đủ thì có năm hoặc mười. Tham, sân, si, mạn, nghi là ngũ độn sử – năm thứ sai sử thầm kín ở trong. Thêm thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến nữa là mười. Năm thứ sau sai sử lanh lẹ gọi là ngũ lợi sử. Thập sử này toàn là những thói xấu ở trong tâm chúng ta.

Một vị Tỳ-kheo sợ sự buông lung và không bao giờ ưa buông lung thì người đó chẳng khác nào đống lửa đốt hết tất cả kiết sử. Thí dụ chúng ta nhóm củi rồi châm lửa đốt, ngọn lửa cháy phừng phừng, lúc đó nếu có những mảnh vụn giẻ rách… quăng vô thì cháy tiêu hết. Cũng vậy, người một bề tinh tấn không bao giờ buông lung thì những thói xấu dở không chi phối được họ, chỉ có những kẻ lười nhác như lục bình trôi sông thì sẽ bị kiết sử cột trói lôi cuốn. Người có sức mạnh của sự tinh tấn, không buông lung thì người đó sẽ chiến thắng tất cả tật xấu của mình.

Pháp Cú 32.

Tỳ-kheo nào thường ưa không buông lung hoặc sợ thấy sự buông lung, ta biết họ là người gần tới Niết-bàn, nhất định không bị sa đọa dễ dàng như trước. 

Trong câu 31 đức Phật dùng thí dụ ngọn lửa hồng phá tiêu tất cả kiết sử. Qua câu này đức Phật nói thẳng người không buông lung hay sợ sự buông lung, người đó gần tới Niết-bàn nhất định không bị sa đọa dễ dàng. Người tu chẳng khác nào người chèo thuyền ngược nước ngược sóng, nếu gác chèo ngủ thì bị sóng nước lôi ra biển. Muốn đừng bị lôi thì phải nỗ lực mới có thể tiến lên. Cũng vậy người tu hành lúc nào cũng cố gắng vươn lên không buông lung, tất nhiên người đó sớm muộn gì cũng tới chỗ an ổn không còn sanh tử. Ngược lại người nào cứ rề rà lôi thôi thì dễ bị sa đọa.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.