Kinh Pháp Cú giảng giải

III. Phẩm Tâm



Pháp Cú 33.

Tâm kẻ phàm phu thường dao động biến hóa rất khó chế phục gìn giữ. Nhưng kẻ trí lại chế phục tâm mình làm cho chánh trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên. 

Tâm phàm phu thường dao động mãi, nên nhiều người thối chí nói rằng mình không bao giờ làm chủ được nó. Thật ra trong khi tu tập ai cũng thấy tâm dao động vì còn nhiều duyên bên ngoài, như con cái, tiền của, sự nghiệp v.v… Lúc ngồi thiền, những hình ảnh âm thanh đã thấy nghe, những chuyện sinh hoạt hằng ngày liền sống lại. Nhìn thấy tâm lăng xăng vọng động khó kềm được. Vì vậy phải nỗ lực mượn những phương tiện như niệm Phật, đếm hơi thở hoặc dùng trí quán hay trì chú v.v… để điều phục tâm, chừng nào tâm yên rồi mới buông phương tiện. Nếu người nào bền chí nhẫn nại thì chế phục được. Đừng than rằng sao tu khó quá! Nếu cố gắng rồi thì sẽ tu được.

Còn người trí điều phục tâm dễ dàng như anh thợ khéo uốn nắn mũi tên, uốn đâu ngay đó. Tâm vừa chạy liền kéo lại được.

Pháp Cú 34.

Như con cá bị quăng lên bờ, sợ sệt và vùng vẫy thế nào thì cũng như thế, các ngươi hãy đem tâm lo sợ phấn đấu để mau thoát khỏi cảnh giới ác ma. 

Những người câu cá ở sông hay lưới cá ở biển, lúc cá bị mắc lưới, nó giãy đành đạch, vùng vẫy muốn nhào trở lại xuống nước. Tại sao? Vì nó biết rằng lên khỏi nước thế nào cũng chết. Cũng thế, đức Phật nói chúng ta là người tu phải đem tâm lo sợ ác ma lôi cuốn, phải phấn đấu để thoát khỏi cảnh giới ác ma. Ở đây không phải lo sợ bệnh hoạn, hết tiền mà lo sợ ác ma tham, sân, si lỗi mình, phá hoại tất cả công đức của mình. Cho nên tham, sân, si khởi lên thì phải điều phục ngay, buông ngay, chẳng khác nào như con cá phấn đấu để được trở lại nếp sống bình thường ở dưới nước.

Pháp Cú 35.

Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, dao động không dễ nắm bắt. Chỉ những người nào điều phục được tâm mới được an vui. 

Pháp Cú 36.

Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục biến hóa u ẩn khó thấy nhưng người trí lại phòng hộ tâm mình và được yên vui nhờ tâm phòng hộ ấy. 

Người phàm phu hằng ngày chạy theo ngũ dục, nên tâm dao động và biến hóa u ẩn khó thấy, khó điều phục. Thí dụ nếu tâm còn nặng về ngũ dục như người tham tiền của thì đi, đứng, nằm, ngồi chỉ nhớ chuyện tiền của; người mua bán ngoài chợ, lúc nào cũng nghĩ chuyện mua bán, khách tới mua nhiều thì vui, gặp người trả giá không đúng hoặc trả rồi không mua, lại mua của người bên cạnh thì buồn và tức giận. Như vậy tâm biến từ trạng thái này qua trạng thái khác không lường được. Mới vui rồi chợt buồn, mới tham liền sân. Tham là muốn được người ta mua giúp mình, sân vì người ta không mua nên nổi giận. Tâm biến hóa u ẩn rất khó khắc phục. Nếu biết khắc phục thì tâm sẽ thuần, muốn nghĩ gì thì nghĩ, không nghĩ thì thôi, như vậy là làm chủ được nó. Vì vậy người biết phòng hộ tâm mình, sẽ được yên vui nhờ cái tâm phòng hộ ấy.

Như khi có người làm mình bực tức thì biết và phòng hộ liền, đừng cho tâm sân dấy lên hay tìm nguyên nhân tại sao mình giận. Nhưng ở thế gian này hay than rằng tại sao tôi khổ, tôi buồn, đó là vì ít ai chịu phòng hộ tâm. Người biết tu, biết phòng hộ tâm thì càng tu càng vui vẻ, nếu người không biết tu thì càng tu càng buồn giận phiền não. Tóm lại, người trí thì luôn luôn phòng hộ tâm mình cho nên được yên vui.

Pháp Cú 37.

Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, đi rất xa, vô hình vô dạng như ẩn náu hang sâu. Ai điều phục được tâm thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc. 

Người biết tu chút ít sẽ thấy tâm mình lén đi hồi nào không hay. Thí dụ đang niệm Phật hay ngồi thiền, đáng lẽ là chỉ để tâm vào câu niệm Phật, đếm hơi thở. Nhưng đang ngồi thì nhớ chuyện năm trên năm dưới, giật mình lại thì tâm đã đi hết năm mười phút. Cho nên đức Phật nói tâm lén lút đi một mình rất xa, như ẩn náu hang sâu, có khi chỉ mười lăm phút mà không biết nó đi tới đâu. Ngồi thiền nửa tiếng mà đi mất mười lăm phút thì thôi còn gì!

Tâm thật là khó điều phục, vì nó vô hình vô dạng. Tìm thì không thấy, nếu lơ là nó chạy ra, cho nên tu tâm rất khó. Người luyện tập cơ thể, có thể nhào lộn dẻo dai, mới thấy thì cho là khó, nhưng sự thật còn dễ hơn luyện tập tâm. Tại sao? Vì có hình thức, tập mỗi ngày một chút lâu ngày thành quen. Còn tâm này không thấy ở đâu làm sao mà điều phục. Vì vậy đức Phật dạy chúng ta phải dùng một phương pháp để trị, như niệm Phật, thiền quán… là luôn kềm tâm trong một phạm vi, một khuôn khổ, như chiếc xe lửa chạy trên đường rầy, nếu trật đường rầy thì tai nạn.

Cho nên từ khi bắt đầu ngồi niệm Phật tới khi xả ra, chỉ biết câu niệm Phật thì mới là người điều phục được tâm. Nếu ngồi một lúc nhớ chuyện này chuyện kia, chạy như ngựa sải không kềm nổi, là chưa điều phục được tâm, tâm chưa thuần. Nếu người nào tâm đã thuần thục thì làm việc gì chỉ biết việc đó thôi, không nghĩ chen lẫn việc khác, nếu chen việc khác thì biết là chưa thuần. Phải bền chí lâu dài, vì tâm rất tế nhị, biến hóa không chừng. Đừng cho rằng điều phục tâm là khó rồi chán không tu. Tuy khó nhưng điều phục được thì sẽ thoát khỏi vòng ma trói buộc,

Pháp Cú 38.

Người tâm không an định, không hiểu biết chánh pháp, không tín tâm kiên cố thì không thể thành tựu được trí tuệ cao siêu,

Nhiều Phật tử lầm tưởng rằng, quy y theo đạo Phật rồi, nửa tháng đi chùa lạy sám hối một lần là xong. Nhưng tu như vậy chỉ mới hiểu đạo Phật có một phần chưa nhằm vào đâu. Người Phật tử phải hiểu đạo Phật là đạo giác ngộ, người tu theo đạo Phật là người đi trên con đường giác ngộ. Muốn giác ngộ phải có trí tuệ cao siêu, cho nên Phật đưa ra ba điều kiện. Một là tâm an định, có định mới sanh trí tuệ. Hai là hiểu biết chánh pháp. Muốn hiểu chánh pháp thì phải học hiểu Phật pháp tức là có trí tuệ, có trí tuệ mới giác ngộ. Ba là tín tâm kiên cố, là tin Tam bảo một cách vững chắc.

Phật tử chỉ tin Tam bảo mà không áp dụng ba điều kiện trên thì không được, vì đó là ba điều kiện tối quan trọng. Sau khi quy y, quý thầy dạy chúng ta mỗi đêm niệm Phật mấy chục chuỗi hoặc tụng một thời kinh hoặc ngồi thiền nửa giờ, một giờ là tập cho tâm an định. Chúng ta biết thực tập như vậy gọi là biết áp dụng tu theo đạo Phật. Đồng thời chúng ta phải học hiểu kinh điển, nếu không trực tiếp học nhiều, ít ra chúng ta phải học gián tiếp qua lời giảng giải của chư tăng, ni để ứng dụng tu. Nếu chỉ biết quy y Tam bảo, đi chùa lạy Phật trong hai ngày sám hối, cho đó là Phật tử thì chưa đủ. Nên nhớ phải đủ ba điều kiện: tâm an định, học hiểu chánh pháp và niềm tin kiên cố, như vậy mới xứng đáng là người Phật tử.

Pháp Cú 39.

Người tâm đã thanh tịnh không còn các điều hoặc loạn, vượt trên những nghiệp thiện ác thông thường là người giác ngộ chẳng sợ hãi. 

Nhiều người nói tôi làm việc lành là tâm thanh tịnh, nếu làm việc xấu ác là tâm ô uế. Hiểu như vậy chưa đúng nghĩa thanh tịnh. Vì còn thiện còn ác nghĩa là còn tạo nghiệp hoặc loạn chưa hết thì chưa hoàn toàn thanh tịnh. Người tâm thanh tịnh là vượt lên trên thiện ác thông thường, mới gọi là người giác ngộ không sợ hãi. Tại sao phải vượt trên nghiệp thiện, nghiệp ác? Vượt trên nghiệp ác thì phải, nghiệp thiện tại sao cũng phải vượt? Đây là chỗ giác ngộ của bậc A-la-hán chứ không phải thường.

Chứng A-la-hán thì thiện nghiệp vô lậu đã viên mãn. Ác nghiệp và thiện nghiệp hữu lậu đã hết rồi, không còn tạo thêm nghiệp mới nữa. Tuy đạo quả viên mãn mà thường làm những việc lợi tha. Phật dạy nếu chúng ta tu bình thường, là tu để đời sau tái sanh trong những hoàn cảnh tốt, như ở thế gian thì được làm quan, làm người khá giả hoặc tiến hơn nữa là sanh ở cõi trời, gọi là tu nghiệp thiện hữu lậu. Nếu người tu chỉ mong sạch hết tất cả những vọng tưởng điên đảo trong tâm, không mong đời sau hưởng giàu sang trong nhân gian hay hưởng sung sướng cõi trời, mà chỉ mong thoát ly sanh tử, đó là nghiệp thiện vô lậu tức là thiện viên mãn.

Vô lậu, vô là không, lậu là lọt hay rớt. Người tu nhân vô lậu không còn rơi rớt ở trong vòng sanh tử của cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, cho nên gọi là vô lậu. Hữu lậu là còn rơi rớt lại, nghĩa là tu nghiệp thiện mong được quả báo sanh ở cõi trời cõi người, là còn rơi rớt trong vòng sanh tử, cho nên gọi là hữu lậu.

Tâm thanh tịnh là chỉ cho tâm vô lậu, dứt mọi hoặc loạn và vượt hết các nghiệp thiện nghiệp ác thông thường ở thế gian. Người như vậy là người giác ngộ và không còn sợ hãi. Phật thường nói khi sanh trong cõi đời, dù sang hay hèn chúng ta đều còn sợ hãi. Như người nghèo thì sợ thiếu ăn thiếu mặc, người giàu thì sợ trộm cướp tiền bạc, cho tới sợ đau sợ chết. Chỉ có bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn thì mới hết sợ hãi.

Pháp Cú 40.

Hãy biết rằng thân này mong manh như đồ gốm và giam giữ tâm ngươi như thành quách, ngươi hãy đánh dẹp ma quân với thanh tuệ kiếm sẵn có của mình và nắm giữ phần thắng lợi, chứ đừng sanh tâm đắm trước

Hãy biết rằng thân này mong manh như đồ gốm. Đồ gốm là chén, dĩa làm bằng sành, lỡ sẩy tay rớt xuống thì bể làm hai làm ba. Chúng ta đang khỏe mạnh, rủi có viên đạn vô tình bay xuyên vào tim thì ngã ra chết, một luồng gió độc thổi qua cũng chết, hoặc đi đường sẩy chân té bể đầu cũng chết. Còn thân này là còn sợ hãi, vì bất cứ lúc nào thân này cũng tan được, cũng chết được. Như món đồ gốm cầm trên tay còn nguyên vẹn, chỉ cần sơ ý làm rơi xuống thì tan nát thành những mảnh vụn. Nếu nghĩ đến cái chết thì phải nỗ lực tu hành, để cho thân vô dụng trở thành hữu ích.

Thân này giam giữ cái tâm chẳng khác nào như thành quách. Khi mang thân này thì chúng ta hài lòng, chấp thân này là của tôi, tất cả những cái hiểu biết là tâm tôi. Tâm đó hạn cuộc ở trong thân này. Như vậy tâm mình chỉ hạn cuộc trong phạm vi tứ đại bốn năm sáu bảy chục ký này thôi.

Phật dạy tâm không phải chừng đó, mà rộng lớn mênh mông. Phá được ràng buộc của thân, bằng cách tu giải thoát thì tâm đồng với trời đất, chứ không còn hạn cuộc nhỏ nhen. Lúc đó mới thấy tuổi thọ của mình vô lượng vô biên.

“Ở Nhật Bản có một thiền sư hỏi vị tăng:

– Thầy tu pháp môn nào?

– Tôi tu pháp môn Tịnh độ.

Thiền sư liền hỏi:

– Phật Di-đà bao nhiêu tuổi?

Tăng trả lời:

– Bằng tuổi của tôi.

Thiền sư hỏi:

– Năm nay Thầy bao nhiêu tuổi?

– Bằng tuổi Phật A-di-đà.”

Theo định nghĩa thì A-di-đà là vô lượng thọ, như vậy tuổi thọ của Phật A-di-đà vô lượng vô biên. Tại sao vị tăng này dám cả gan nói bằng tuổi Phật A-di-đà? Chính chỗ này chúng ta đọc trong kinh Pháp Hoa thì mới hiểu. Kinh nói Phật Thích-ca tám mươi tuổi; các Bồ-tát từ đất vọt lên đông quá sức, người nào người nấy râu tóc bạc phơ. Các đệ tử thưa chúng con chưa từng thấy biết mấy vị này. Phật nói, đó là đệ tử của ta, ta hóa đạo độ được. Nếu không hiểu, tưởng đức Phật Thích-ca tuổi thọ chỉ tám mươi tuổi, còn hiểu như vị sư này thì đức Phật Thích-ca bằng tuổi Phật A-di-đà. Người giải thoát thì tuổi thọ không còn hạn lượng mấy mươi năm theo thời gian. Nếu tu mà thoát khỏi dòng sanh tử thì tuổi thọ của chúng ta vô lượng vô biên bằng tuổi của Phật A-di-đà. Và thân nầy cũng vô biên vô lượng, chứ không phải hạn cuộc mấy chục ký lô.

Thí dụ một cái bình tròn hoặc vuông, nhìn thấy trong bình có khoảng hư không. Khi đó hư không bị hạn chế trong phạm vi vuông tròn. Nếu bình vỡ thì hư không không còn bị hạn chế. Thấy hư không vuông tròn là cái nhìn bị hạn cuộc ở trong hình thức. Cũng như tâm chúng ta, nếu bị hạn chế trong thân này thì nói tâm bằng thân. Nếu hạn chế trong thân trời thì bằng thân trời. Thân dù nhỏ hay lớn đều là thành quách giam hãm tâm mình, chứ không phải tâm có chừng hạn.

Kế đến Phật dạy, ngươi hãy đánh dẹp ma quân với thanh kiếm trí tuệ sẵn có của mình và nắm giữ phần thắng lợi. Thí dụ có một người đi trên đường vắng, nhìn thấy cái bóp, lượm lên mở ra coi, thấy trong bóp có tiền, vàng. Những món đồ quý bỗng dưng nằm trong tay mình, lúc ấy lòng tham khởi lên. Nếu không dùng tuệ kiếm mà trừ, thì người đó sẽ bỏ bóp vô túi. Mai mốt nếu công an truy ra, biết mình giữ món đồ đó, bắt bỏ tù. Đó là tại ma tham xúi dục. Nếu khi vừa thấy của người liền dùng trí tuệ mà xét, tiền bạc của báu, thân này đều vô thường, tại sao lại tham. Nghĩ như thế chắc không bỏ vào túi, trả lại cho người hoặc để lại đây hay tử tế đem giao cảnh sát cho chủ tới nhận, như vậy là thắng được ma tham.

Ai cũng có kiếm trí tuệ mà vì quên, không đem ra dùng thì bị ma ám ảnh. Nếu biết dùng, khi ma dấy lên liền dùng kiếm tuệ dẹp trừ thì nó không làm gì được. Cho nên nói hãy đánh dẹp ma quân với thanh kiếm tuệ sẵn có của mình và nắm giữ phần thắng lợi. Đó là lời Phật dạy rất cần yếu, chúng ta phải luôn luôn áp dụng.

Pháp Cú 41.

Thân này thật là ngắn ngủi, nó sẽ ngủ một giấc dài dưới ba thước đất, vô ý thức bị vất bỏ, như khúc cây khô vô dụng. 

Vị nào sáu mươi tuổi trở lên nhìn lại lúc mình còn trẻ khoẻ, bây giờ đầu bạc răng long, thấy cuộc đời thật là ngắn ngủi vô thường. Thân này sẽ ngủ một giấc ngủ dài dưới ba thước đất. Hôm nào chui vô quan tài nằm thẳng, rồi người ta liệm luôn không bao giờ ngóc đầu trỗi dậy, không còn biết gì hết, bị vất bỏ như khúc cây khô vô dụng.

Nếu nhìn thi thể những người lính tử trận chưa được thân nhân lãnh về, mới thấy thân này như khúc cây. Khi còn hơi thở hơi ấm, còn nói năng thì thấy mình còn giá trị. Hết hơi thở hơi ấm và hết nói năng thì như khúc cây, không có gì quan trọng. Luôn luôn ý thức như vậy thì tất cả những tranh chấp hơn thua, oán thù, hờn giận, vui buồn, thương ghét v.v… không còn xâm chiếm được mình. Những vị sư ở các nước Phật giáo Nguyên thủy, lúc Phật tử tới giờ hấp hối, thỉnh các ngài đến, các ngài thường tụng câu Pháp cú này bằng tiếng Pali – Thân này thật là ngắn ngủi, nó sẽ ngủ một giấc dài dưới ba thước đất, vô ý thức bị vất bỏ, như khúc cây khô dụng, để nhắc Phật tử, nhưng cũng ít người thức tỉnh. Cứ thấy mình quan trọng rồi hơn thua phải quấy đủ thứ. Nếu ai cũng nhớ thân này thật ngắn ngủi thì sẽ tỉnh giác và lo tu hành.

Pháp Cú 42.

Cái hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù hay của oan gia đối với oan gia, cũng không bằng cái hại của tâm niệm hướng về hành vi tà ác gây ra cho mình. 

Người đời khi thù nhau, họ có thể giết nhau. Gây thù hận với ai, người đó sẽ đem thù hận trả lại, đó là cái hại lớn lao. Nhưng Phật nói tâm niệm hướng về hành vi tà ác, nghĩ những điều sai quấy còn nguy hiểm hơn. Tại sao? Thí dụ mình sống tám mươi tuổi mà lúc năm mươi tuổi bị giết, họ chỉ đoạn cái mạng sống của mình trước ba mươi năm. Còn hành vi tà ác của tâm niệm dẫn mình đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thời gian rất dài. So ra thì cái nào dài cái nào ngắn? Kinh thường nói, những người bị đọa địa ngục Vô gián chịu khổ liên miên không biết bao giờ hết. Vì vậy hành vi tà ác làm cho mình đau khổ dai dẳng hơn kẻ thù hại mình trong kiếp sống hiện tại.

Phật dạy người tu hành biết đạo lý sợ tâm niệm hướng về hành vi tà ác hơn là sợ người ta thù ghét mình. Sở dĩ người ta thù ghét, tại vì mình có những hành vi tà ác. Đó là một lẽ thật. Cứ sợ người này người kia giận hại mình, mà không sợ mình nghĩ xấu nghĩ ác, đó là sợ quả mà không sợ nhân. Người biết tu sợ nhân chứ không sợ quả, nhân xấu không gây thì quả xấu làm gì có. Người không biết tu chỉ muốn chuyển quả, đó là quan niệm sai lầm. Vì vậy lúc nào chúng ta cũng giữ gìn tâm niệm, đừng cho nó hướng về hành vi tà ác thì tránh được tất cả những quả báo đau khổ của hiện tại và vị lai.

Pháp Cú 43.

Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào khác làm, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện, làm cho mình cao thượng hơn. 

Người tu hành muốn trở thành người tốt mà không chịu tự sửa tâm, chỉ muốn trông cậy vào người khác, đó là sai lầm. Nếu tu đúng thì phải tự sửa tâm niệm của mình. Chính tâm niệm làm cho chúng ta được an lạc hay khổ đau. Không phải cha mẹ, bà con, anh em làm cho chúng ta trở thành người trụy lạc, hư hỏng, mà chính những tâm niệm hướng về hành vi xấu ác làm cho chúng ta hư hỏng. Trở thành hay hoặc dở cũng do mình. Biết vậy rồi không nên hướng tâm về hành vi tà ác, mà hướng về hành vi chân chánh cao thượng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.