Sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Thuở nhỏ, Sư thọ pháp với Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm, đã lãnh hội yếu chỉ.
Ban đầu, Sư ở ẩn trên núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh mười hai năm. Mỗi khi nhập Thiền quán đến ba ngày mới xuất. Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm.
Vua Lý Anh Tông cảm nhận sự linh nghiệm của Sư, cho Sư được ra vào cung vua tự do.
Sau Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo làng Chân Hộ, Như Nguyệt, Tăng chúng đến tham học thường có mặt không dưới một trăm người.
Đến ngày 11 tháng 6 niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm đầu (1174), sắp thị tịch, Sư bảo chúng:
Đạo không hình tướng,
Trước mắt chẳng xa,
Xoay lại tìm kiếm,
Chớ cầu nơi khác.
Dù cho cầu được,
Được tức chẳng chân.
Ví có được chân,
Chân ấy vật gì?
Vì thế,
Chư Phật ba đời,
Lịch đại Tổ sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Cũng nói như thế.
(Đạo vô ảnh tượng
Xúc mục phi diêu
Tự phản suy cầu
Mạc cầu tha đắc.
Túng nhiêu cầu đắc
Đắc tức bất chân
Thiết sử đắc chân
Chân thị hà vật.
Sở dĩ
Tam thế chư Phật,
Lịch đại Tổ sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Diệc như thị thuyết.)
Nghe ta nói kệ đây:
Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,
Biến hóa linh thông bày tướng báu.
Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,
Hóa thân ứng hiện đâu tính được.
Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,
Xem ra nào thấy có tướng gì.
Thế gian không có vật để sánh,
Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.
Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,
Không có một lời cho thỏa đáng.
(Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hóa linh thông hiện bảo tướng.
Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,
Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Quan lai bất kiến như hữu tướng.
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.
Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.)
Nói xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch.