Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.
Nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chánh trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ pháp sư. Nhà vua nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.
Năm Thiên Phước thứ bảy (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Đại Hành. Vua nhờ Sư cải trang làm lái đò để đón sứ. Trên sông, bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi, cảm hứng liền ngâm:
Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời.
(Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.)
Sư đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.
(TT. Mật Thể)
(Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.)
Lý Giác rất thán phục.
Vua Đại Hành hỏi vận nước dài ngắn thế nào, Sư đáp bằng bài kệ:
Vận nước như dây quấn
Trời Nam sống thái bình
Rảnh rang trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh.
(Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.)
Về sau, Sư trụ trì chùa Cổ Sơn làng Thừ, quận Ải.
Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi. Tác phẩm của Sư có:
Bồ-tát Hiệu Sám Hối Văn
Thơ tiếp Lý Giác
Một bài kệ.