Chánh văn:
Phật dạy: “Cho cơm một trăm người ác ăn không bằng cho cơm một người thiện ăn. Cho ngàn người thiện ăn, không bằng cho một người trì năm giới ăn. Cho mười ngàn người trì năm giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn ăn. Cúng dường cho một trăm ngàn vị Tu-đà-hoàn ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm ăn. Cúng dường cho một triệu vị Tư-đà-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-na-hàm ăn. Cúng dường cho mười triệu vị A-na-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán ăn. Cúng dường cho một trăm triệu vị A-la-hán ăn, không bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cúng dường cho một tỷ vị Bích Chi Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị Phật trong ba đời chư Phật ăn. Cúng dường cho mười tỷ Phật trong ba đời chư Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị không niệm, không trụ, không tu, không chứng ăn.”
Giảng:
Chương này so sánh sự hơn kém của phúc báo cúng dường. Cúng dường người càng thiện, càng có công đức thì phúc báo càng nhiều, càng lớn.
Cho cơm một trăm người ác ăn không bằng cho cơm một người thiện ăn.
Người thiện hay nghĩ điều lành, nói lời lành, làm việc lành. Các vị được ăn no rồi càng làm lành nhiều hơn, mình giúp họ cũng được tăng thêm phước. Còn người ác thường làm việc ác, hại người hại mình. Họ ăn càng no càng có sức làm ác, mình không bị liên lụy là đã mừng rồi, đâu có thêm được phước báo nào, nên đương nhiên cho họ ăn không bằng cho người lành ăn. Tuy nhiên như thế, nếu người ác đang đói khổ mà mình không giúp thì tổn tâm thiện lành của mình, nên họ khổ mình cũng giúp, nhưng phúc báo có được sẽ không nhiều.
Cho ngàn người thiện ăn, không bằng cho một người trì năm giới ăn.
Người hay làm thiện tuy quý, nhưng không bằng người biết giữ năm giới. Năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống bia rượu hay các chất gây mê muội như ma túy v.v… Người giữ năm giới là người biết chủ động rèn luyện tâm mình, khắc chế những hành vi xấu ác nơi thân miệng, không làm tổn hại bất cứ ai, không khiến ai phải vì mình mà chịu khổ. Người như thế sẽ được phước báo lành ở đời này và cả những đời sau. Mình giúp họ thì phước của mình sẽ theo phước của họ mà tăng lên, thêm nữa, kết duyên lành với người biết tu tự nhiên mình cũng tu theo, từ đó thăng tiến trên đường luân hồi, sanh cõi trời người, không rơi vào đường dữ.
Cho mười ngàn người trì năm giới ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn ăn.
Tu-đà-hoàn dịch nghĩa là Thất lai, hay Nhập lưu. Là bậc đã vào quả vị hiền thánh, lòng tin bất thối, không còn đọa đường dữ, chỉ còn tối đa bảy lần sanh tử là giải thoát. Người trì năm giới tuy được phước báo sanh cõi trời người hưởng dục lạc vi diệu, nhưng vẫn chịu khổ luân hồi sanh tử. Nên cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn đương nhiên được phước báo lớn hơn cho người giữ năm giới. Hơn nữa, kết duyên với vị đã vào dòng thánh, mình cũng sẽ được cơ hội học pháp giải thoát, nếm được pháp vị, thành tựu pháp quả.
Cúng dường cho một trăm ngàn vị Tu-đà-hoàn ăn, không bằng cúng dường cho một vị Tư-đà-hàm ăn.
Tư-đà-hàm dịch là Nhất lai. Là quả vị thứ hai trong tứ quả Thanh văn. Vị này chỉ còn một lần sanh lên cõi trời, một lần trở lại cõi người là đắc thánh quả A-la-hán. Quả vị này cao hơn quả Tu-đà-hoàn, nên cúng dường cho ngài sẽ được phước báo lớn hơn.
Cúng dường cho một triệu vị Tư-đà-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-na-hàm ăn.
A-na-hàm dịch là Bất lai. Các vị tuy đã ra khỏi sự trói buộc của Dục giới, không sanh lại nhân gian, nhưng vì vẫn còn lậu hoặc, chưa thể hoàn toàn thoát khỏi sự trói buộc của ba cõi, nên khi xả báo thân sẽ sanh lên cõi trời tứ thiền của Sắc giới, ở riêng trong cõi giới dành cho A-na-hàm, gọi là Ngũ A-na-hàm thiên, gồm năm cõi: Trời Vô phiền, Trời Vô nhiệt, Trời Thiện kiến, Trời Thiện hiện, Trời Sắc cứu cánh. Vị này công phu sâu hơn nên công đức cũng nhiều hơn hai quả vị trước, nên cúng dường cho ngài sẽ được phước báo lớn hơn.
Cúng dường cho mười triệu vị A-na-hàm ăn, không bằng cúng dường cho một vị A-la-hán ăn.
A-la-hán dịch là Vô sanh. Vị này đã thoát hẳn sự trói buộc của ba cõi, khi hết thọ mạng rồi sẽ không còn thọ thân sau nữa. Quả vị cao hơn A-na-hàm, nên cúng dường ngài sẽ được phước báo nhiều hơn.
Cúng dường cho một trăm triệu vị A-la-hán ăn, không bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật ăn.
Bích Chi Phật dịch là Phật Độc Giác. Vị này chứng đạo giữa hai thời kỳ Phật, nghĩa là ngài ra đời trong giai đoạn không có Phật, không có Tam Bảo. Do quán sát sự vận hành của vạn pháp, nhận ra các pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành, vô thường biến đổi, không ngã, không chủ tể, từ đó giác ngộ và chứng đạo. Do không có thầy hướng dẫn mà tự ngộ nên gọi là Độc giác (giác một mình). Quả vị này tương đương quả Duyên giác trong thời Phật. Duyên giác là những vị quán 12 nhân duyên ngộ đạo, khác với quả Thanh văn quán Tứ đế. Thanh văn thuộc tiểu thừa, Duyên giác thuộc trung thừa, gọi chung là Nhị thừa. Quả Duyên giác cao hơn Thanh văn nên cúng dường quý ngài sẽ được phước nhiều hơn.
Cúng dường cho một tỷ vị Bích Chi Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị Phật trong ba đời chư Phật ăn.
Phật là bậc đã viên mãn mọi công hạnh, tự giác giác tha giác hạnh đều trọn vẹn. Trí tuệ và phước đức đều tròn đầy, không còn mảy may sót thiếu. Là quả vị cao tột hơn hết, đã đến cứu kính rốt ráo, không còn cảnh giới nào cao hơn, nên cúng dường cho Phật được phước nhiều hơn.
Cúng dường cho mười tỷ Phật trong ba đời chư Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị không niệm, không trụ, không tu, không chứng ăn.
Vị này là ai mà nhiều công đức như vậy? Thật không phải người ngoài, chính là bản tâm mình. Cúng dường vị này là quay về sống với bản tâm. Công đức cúng dường vô lượng Phật không bằng công đức quay về nhận lại bản tâm, sống lại với bản thể.
Chân tâm luôn lặng lẽ thanh tịnh, nên nói không niệm. Chân tâm không hình tướng mà hay trùm khắp, lại không dính mắc tất cả pháp, giống như hư không, nên nói không trụ. Chân tâm viên mãn trọn vẹn, chưa từng thiếu sót, không cần chỉnh sửa, nên nói không tu. Chân tâm là chính mình, tự có sẵn, không do ai cho, nên nói không chứng.
Sống lại với bản tâm là cốt lõi của người tu. Làm lành tạo phước chỉ là nương diệu dụng của bản tâm mà ứng duyên tiếp vật, không phải chỗ cứu kính giải thoát. Theo tâm mà làm, hợp tâm mà dụng, mới thật là khéo dụng. Giả sử định đem tiền cúng dường một vị Hòa thượng đức hạnh, trên đường gặp một người bị tai nạn cần cứu giúp, liền dùng tiền đó bố thí cho người đang cần, không so sánh phúc báo hơn kém, đó là theo tâm mà làm, là cúng dường cho vị vô tu, vô chứng. Nếu bố thí cúng dường với tâm cân nhắc, phân biệt, so sánh phúc báo hơn kém là chưa sống được với bản tâm, không thể có được công đức tâm, tức chưa đến chỗ rốt ráo.
Thái tử Tu-đạt-noa, một tiền thân Phật, khi hành bố thí, chỉ theo tâm, không so sánh phúc báo. Ai xin liền cho, không kể giàu nghèo, không phân biệt thân sơ, ân oán. Người nước láng giềng đến xin voi chiến, cho ngay, chẳng nghĩ sẽ làm mạnh cho kẻ địch. Một bà-la-môn lạ xin con, cũng cho, không nghĩ con mình có thể bị ngược đãi v.v… Ngài hành bố thí ba-la-mật, xin thân cũng vui vẻ cho, huống là những thứ bên ngoài. Chỉ một việc thí xả, xả đến tột cùng, chẳng luận gì khác.
Chư Bồ-tát hành thí ba-la-mật đều như vậy. Còn chúng ta bố thí chưa đạt đến cấp độ này. Khi người đến xin, mình sẽ xét xem họ có thật nghèo, thật đáng cho không; vật cho có vượt quá mức quy định ban đầu không v.v… Rất nhiều thứ tính toán phân biệt nên sự thí của mình không thể rốt ráo, không đến được ba-la-mật.
Thế nên, không có công đức nào bằng sống lại với bản tâm. Vì chỉ có như vậy mới không còn phân biệt, làm việc gì cũng thành việc lành, và việc gì cũng đến chỗ cứu kính ba-la-mật.