Chánh văn:
Phật dạy: “Có người nghe ta giữ đạo, hành đại nhân từ, cố ý đến mắng ta. Ta lặng yên không đáp. Người ấy mắng rồi, ta hỏi: “Ông đem lễ vật cho người, nếu người không nhận, lễ vật ấy có trở về ông không?” Đáp: “Trở về.” Ta nói: “Nay ông mắng Ta, Ta không nhận, ông tự mang họa về thân, như vang theo tiếng, bóng theo hình, quả ác không tránh khỏi.” Thế nên, hãy cẩn thận chớ làm ác!
Giảng:
Trong suốt chặng đường giáo hóa, đức Phật không ít lần gặp những người bất đồng chánh kiến kiếm chuyện mắng chửi, gia hại. Đây chỉ là một trong nhiều lần như thế, đức Phật luôn dùng trí tuệ và lòng từ bi đối lại. Chương này kể vắn tắt, vốn ông bà-la-môn này đi sau lưng Phật dùng vô số lời thô tục, dữ tợn nhục mạ Phật, Phật lặng lẽ bước đi như không nghe thấy. Ông chửi mãi mà Phật không phản ứng chi, càng tức khí vội chạy nhanh lên chặn trước mặt Phật, hỏi:- Cồ-đàm! Ông có điếc không? Phật thản nhiên đáp:- Không! Ông tức, hỏi:- Vậy sao tôi chửi, ông không trả lời? Phật bình tĩnh hỏi:- Nếu nhà ông có giỗ, ông đem lễ vật tặng người, người không nhận, lễ vật đó thuộc về ai? Ông đáp:- Đương nhiên là về tôi. Phật ôn hòa bảo:- Khi ông chửi ta, ta không nhận, những lời chửi đó tự nhiên trở về ông. Ngay lời nói này, ông bà-la-môn thức tỉnh, hối hận.
Thế Tôn là bậc đại trí, Ngài thấu rõ các pháp đều là huyễn mộng, sắc tướng, âm thanh… đều không thật, lời nói như gió bay. Giả sử ông bà-la-môn không chặn Phật lại hỏi, ắt Ngài sẽ lặng lẽ bước đi, ông chửi là việc của ông, ta đi là việc của ta, chẳng ai dính dáng đến ai. Tâm Ngài luôn ở trong định, không gì làm lay động, “không cùng muôn pháp làm bạn”.
Có lần, hai cha con một trưởng giả đi sau lưng Phật và thánh chúng. Người cha dùng vô số lời mắng chửi, chê bai Phật và chư Tỳ-kheo, người con ngược lại, dùng mọi lời đẹp đẽ tán thán, ca ngợi Phật cùng đại chúng. Về đến giảng đường, chư Tỳ-kheo bàn tán không thôi, Phật quở, rồi dạy:- Những lời khen chê có dính dáng gì đến các ông, khen không làm các ông giải thoát, chê không làm các ông sa đọa, chỉ có tự mình làm mình giải thoát hay sa đọa.
Vì bà-la-môn hỏi nên Phật phương tiện khai mở khiến ông được ngộ giải, có thể bỏ ác làm lành. Bởi mắng chửi người là tạo nhân ác, tự mình phải nhận quả ác, không ai thay cho được. Mắng chửi thuộc ác khẩu, là một trong bốn lỗi nặng của miệng, gây họa vô cùng.
Có một con cá thân hình to lớn, vảy óng ánh sắc vàng, vô cùng đẹp đẽ, nhưng khi nó há miệng thì mùi hôi thối lan khắp cả thành, ai cũng kinh sợ. Phật khiến nó có thể mở miệng nói cho dân chúng biết duyên do sa đọa của mình. Cá vốn là một Tỳ-kheo xuất gia trong giáo pháp của một vị Phật quá khứ, nhưng không giữ giới thanh tịnh, thường buông lung khẩu nghiệp, dùng lời độc ác mắng chửi nhục mạ huynh đệ, thí chủ… Sau khi chết đọa làm cá, nhờ từng đắp ca sa nên được thân hình to lớn với vảy vàng óng ánh, do mắng chửi người nên miệng tỏa mùi hôi thúi. Tuy thế, đây chỉ mới là hoa báo, quả báo chánh ở địa ngục, nên khi xả thân cá rồi lại phải xuống địa ngục thọ tiếp khổ hình, chưa biết bao lâu mới có lại thân người.
Quả ác ở miệng vô cùng đáng sợ, nên người trí chẳng những không giận người mắng mình, còn khởi tâm thương xót cho tương lai của họ. Tạo nhân gì thọ quả đó, và quả luôn gấp nhiều lần nhân, như vang theo tiếng, bóng theo hình, và tiếng vang luôn lớn dội hơn tiếng thật.
Phải cẩn thận giữ gìn ba nghiệp, không ai giúp mình tạo nhân, cũng không ai thay mình chịu quả. Chí thân như cha con cũng phải nghiệp ai nấy trả, quả ai nấy mang, không ai thay được ai. Cho nên, dứt ác làm lành mới thật là thương mình.