Vị thầy niên thiếu không nói lời nào để chỉ dạy, dường như hiển thị pháp vô ngôn. Tuy vô ngôn nhưng nghe trong hư không rền vang tiếng pháp. Xưa nay, đôi khi không cần ngôn ngữ nhưng xung quanh ta vạn vật bốn mùa, lá rụng rồi cây lại xanh, đều là lời chỉ dạy. Theo ý chỉ của thầy Biến Hữu, Thiện Tài đi tìm đồng tử Thiện Tri Chúng Nghệ để học hỏi. Cũng là vị thầy rất trẻ, rất thơ ấu nhưng giỏi tất cả môn học, tất cả công kỹ nghệ, văn chương, toán số, thiên văn, địa lý, nghe hiểu tiếng chim, tiếng cầm thú. Trên trời dưới đất đều thông suốt…
Có phải khi bắt đầu đi học, chúng ta nên có thái độ như trẻ thơ? Vô tư, hồn nhiên, không tính toán. Có phải khi bước vào con đường đạo, cần phải sạch mọi ý thức phải quấy, đúng sai? Tổ Tăng Xán nói:
Chí đạo vô nan
Duy hiềm giản trạch
Đản mạc tắng ái
Đỗng nhiên minh bạch
(Đạo lớn không khó
Chỉ ngại lựa chọn
Đừng quá yêu ghét
Tự nhiên sáng rỡ.)
Tuy học đạo là có ý thức lựa chọn, nhưng khi hành động phải ngay đó thẳng thắn không chần chừ. Thiện Tài gặp gỡ vị thầy nổi tiếng tài ba, dáng mạo trẻ như chưa từng già. Có phải trải qua nhiều suy tư, phán xét, tóc trên đầu chúng ta bạc trắng một vùng?
Đồng tử Silpabhijna đang đọc lên các mẫu tự, như đứa bé đang đánh vần, ráp vần thành chữ, mà từ đó đi vào môn trí tuệ. Mỗi âm thanh có một tiếng vang riêng, mỗi phát âm đều có một tần số rung động, như đứa trẻ bi bô những âm đầu đời. Nhưng từ đó, thế giới hình thành, âm thanh kêu gọi sự có mặt của trí tuệ, mỗi mẫu tự ráp lại thành một bài văn trường thiên.
Trẻ thơ nào cũng bắt đầu đánh vần học chữ, học chữ mà từ đó thành tựu khả năng của mình. Từ những mẫu tự đầu đời đến phi thuyền bay vào vũ trụ, từ con toán cộng “1 với 1 là 2” cho đến đại gia thành đạt, chỗ ban đầu ngây ngô là chỗ kết quả không ngờ. Học đạo với trẻ thơ là lời kêu gọi trở về sự tinh khiết, được không mừng, mất không lo, không tự kiêu tự mãn.
Thiện Tài trải qua biết bao kinh nghiệm từ các vị thầy, nhưng luôn luôn được nhắc nhở giữ tâm hồn nhiên. Nuôi dưỡng sự thuần khiết hồn nhiên của mình để đi qua những ứng xử khôn ngoan của người. Như trong chuyện cổ tích, những anh chàng khờ, vụng, lại thường thắng cuộc hơn mấy tay khôn ngoan lanh lợi. Những chuyến đi cầu đạo của Thiện Tài có thể như một chuyện thần tiên cổ tích. Vô số những điều thần thoại ngạc nhiên, dành cho những tâm hồn không kể tuổi tác, luôn tươi cười như bé thơ.