Thiện Tài lên đường đi Ma-kiệt-đà, đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Thành này đã một thời rực rỡ chứng kiến Phật đản sanh. Sau khi các vương tử theo Phật xuất gia, vua Tịnh Phạn qua đời vào năm 80 tuổi, thành bị vua Tỳ-lưu-ly tàn phá rồi trở thành một thái ấp lệ thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà. Gió vô thường đã thổi qua đây, không ngoại trừ một thánh tích linh thiêng.
Thiện Tài đi tìm nữ thần đêm tối Bà-diễn-đề. Bầu trời đêm mênh mông với vô số sao sáng lấp lánh, đêm càng tối thẫm thì sao càng long lanh, nhiều ngôi sao xa tít cũng vội hiện ra đầy cả một vùng. Nữ thần đêm Bà-diễn-đề xuất hiện với tất cả hào quang lộng lẫy. Bà tượng trưng cho vẻ đẹp diễm lệ của ban đêm, để đánh thức mọi người ra khỏi cơn mê ngủ. Thiện Tài cung kính hỏi bà về con đường hành Bồ tát đạo, bà nói pháp môn của ta là Ánh sáng phá trừ tất cả tối tăm si ám. Đêm tối là cơ hội cho trộm cướp, tội ác hoạt động, ta dùng ánh sáng tự thân để cứu vớt chúng sanh hiểm nạn. Thần đêm biết rằng bóng tối, sương mù là những thứ làm con người hoảng sợ. Bồ tát tình nguyện đi trong đêm, soi đường cho người. Từ trước Thiện Tài đã tiếp xúc với cảnh tượng tươi đẹp của vạn vật ban ngày, dưới ánh triều dương hoan hỷ. Đây là lúc gặp gỡ, học hỏi, chiêm ngưỡng những điều kỳ lạ mà ban đêm ban tặng. Ngày và đêm là hai mặt của cuộc đời. Không có ban đêm, mọi loài không an ổn nghỉ ngơi để tiếp tục làm việc cho ngày mới, nên ban đêm cần được trân trọng biết ơn. Địa cầu chúng ta, phân nửa đêm thì phân nửa kia là ngày, không có gì khác lạ.
Tinh thần cầu đạo của Thiện Tài là tinh thần dung nhiếp của kinh Hoa Nghiêm, hai mặt cuộc đời hỗ tương giao thoa. Trong sáng có tối, trong tối có sáng. Trong nhà Thiền, tông Tào Động chủ trương tính cách giao thoa hỗ tương giữa mọi vật, để tránh sự chấp trước cứng chắc, cho tốt là tốt, xấu là xấu. Tình trạng phân chia hai cực đối lập làm chúng ta không có sự dung thông. Chỉ cần một nụ cười minh triết, hiểu rõ mọi vấn đề, người đối người dễ chịu, hoan hỷ.
Thần đêm Bà-diễn-đề nói: “Ta là căn nguyên của mọi hiện tượng trong vũ trụ, và vũ trụ là căn nguyên của ta ”. Từ vô lượng kiếp, thần có năng lực đưa người ra khỏi vùng tăm tối, vì đã có kinh nghiệm trải qua vô lượng tối tăm si ám. Nhờ học hỏi Phật Pháp, tự đánh thức mình ra khỏi si mê. Với nguyện lực rộng lớn, để đốt lên ánh lửa đêm đen, làm trăng sáng, làm hải đăng soi rọi trên biển.
Thiện Tài tư duy chiêm nghiệm về cuộc gặp gỡ kỳ thú này, thấm nhuần tinh thần Bồ tát của một vị thần đêm, và biết rằng, nếu biết học hỏi thì ở đâu, bất cứ cây cỏ nào mình cũng học được, cũng trân trọng biết ơn.
Cây và cối, Bầu trời và mặt đất
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát
Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa.
(Bùi Giáng)