Nội dung:
Thiền tông Trung Quốc đến giai đoạn đầu thời Nam Tống, tông Lâm Tế xuất hiện Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163), Ngài đề xướng pháp thiền thoại đầu. Tông Tào Động xuất hiện Thiền sư Hoằng Trí Chánh Giác (1091-1157), Ngài đề xướng pháp thiền Mặc Chiếu. Đây là hai viên ngọc quý của Thiền Môn đời Tống. Pháp thiền thoại đầu cho đến nay vẫn được xem là một phương pháp ứng dụng tu thiền rất sống động ở Trung quốc và Nhật bản. Thiền Mặc Chiếu lưu truyền ở Trung quốc một thời gian không lâu, đến Nhật bản thì trở thành một pháp tu thuộc tông Tào Động nhưng chỉ chú trọng tọa thiền mà thôi.
Công án thoại đầu đến nay vẫn là một phương pháp tu thiền rất quen thuộc trong giới Phật giáo Trung quốc. Còn thiền Mặc chiếu cho dù ở các tự viện thuộc tông Tào Động cũng rất ít người biết. Thực ra ngay từ cuối thời Minh, các bậc Thiền đức trong Tông Tào Động phần lớn cũng dùng pháp niệm Phật và thoại đầu để tham thiền, đến nỗi không còn phân biệt được rốt cuộc tông này thuộc tông Lâm Tế hay tông Tào Động. Đây là động cơ thúc đẩy tôi giảng giải bài Minh Mặc Chiếu của Thiền sư Hoằng Trí Chánh Giác để làm sáng tỏ pháp tu Mặc chiếu của Tông Tào Động.
Từ ngày 27/11 đến ngày 02/12 năm 1980, tôi tổ chức tuần Thiền thất ở chùa Đông Sơ (Newyork), liên tiếp 5 đêm giảng hết 58 câu 232 chữ trong bài Minh Mặc Chiếu (toàn bài Minh gồm 72 câu 288 chữ, ở tuần thiền thất này tác giả chỉ giảng 58 câu đầu, là phần đã được dịch qua tiếng Anh. Đến năm 1982, bài giảng này được chỉnh lý thành văn biên tập trong quyển Phật Tâm, do Nhà xuất bản Pháp Cổ xuất bản).
Vì lúc giảng giải tôi cố gắng tránh dẫn chứng kinh điển để không gây cảm giác xa lạ cho thính giả, và khi giảng cũng không để ý lắm đến cách dùng từ ngữ, đến nỗi khi đọc lại bài giảng ghi lại từ băng ghi âm (cư sĩ Ngô Lệ Hoàn ghi), chính tôi cũng cảm thấy bài giảng không lớp lang lắm. Mười năm sau, cư sĩ Ngô Lệ Hoàn lại đưa bản thảo đã chỉnh sửa từ băng ghi âm nhờ tôi chỉnh lý lại. Một là kính trọng tấm lòng của cô, hai là tôi thấy tự mình phải có trách nhiệm với bài giảng của mình, nên đã chỉnh sửa lại từng chữ từng câu. Dưới đây là bài giảng về bài Minh Mặc Chiếu mà tôi đã chỉnh sửa rồi:
Mặc Mặc vong ngôn,
Chiêu chiêu hiện tiền.
Lặng lẽ quên lời,
Rỡ rỡ hiện tiền.
“Lặng lẽ” là sự tịch tĩnh trong nội tâm, “rỡ rỡ” là sự sáng suốt rõ ràng của tâm địa. “Quên lời” là không dùng lời nói cũng không khởi tâm nghĩ suy. Chúng ta khi trầm lặng thì tuy miệng không nói nhưng trong tâm không chắc là không khởi vọng niệm, như vậy không thể gọi là “quên lời”. “Hiện tiền” là hiển hiện rõ ràng không sai sót một ly một tý. Nghĩa là, tất cả những hiện tượng thấy nghe trước mắt mình đều được hiển hiện đúng như thật tướng của nó. Nếu có thêm một ý kiến chủ quan nào thì hiện tượng trước mắt mình sẽ không còn hiện ra đúng như thật tướng của nó.
Hai câu này vừa là phương pháp tu thiền, vừa là sự thể nghiệm khi tu thiền.
“Lặng lẽ quên lời” là không có ngôn ngữ cũng không có đối tượng, cho đến không có cả sự máy động trong tâm niệm. Trước tiên tách mình ra khỏi ngoại cảnh, kế đó tách hiện tại ra khỏi quá khứ, vị lai, cuối cùng là tách niệm hiện tại ra khỏi niệm quá khứ, niệm vị lai. “Rỡ rỡ hiện tiền” là đạt được sự sáng suốt rõ ràng trong nội tâm sau khi đã “quên lời”. Đầu tiên là biết được niệm khởi niệm diệt trong tâm, kế đó là niệm vừa khởi liền phát giác ngay, cuối cùng chỉ còn một tâm thanh tịnh sáng rỡ giống như một mặt gương lớn sáng bóng không nhuốm một chút bụi nhơ nào.
Cách dụng công tu tập trong thiền Mặc Chiếu có thể dùng pháp tu chặt, cũng có thể dùng pháp tu lỏng. Pháp tu chặt là người tu thiền phải dùng ý chí của mình đè nén vọng niệm không cho khởi lên, và phải phấn khởi tinh thần không cho hôn trầm, tư thế ngồi phải ngay ngắn, lưng thẳng cổ thẳng, giữ chặt thân tâm, nhiếp niệm nơi một cảnh, lâu dần sẽ đến cảnh giới “quên lời”. Nhưng có một số người lại thích hợp với cách tu lỏng. Cách tu lỏng là người tu thiền dùng ý thức của mình hoặc cố ý hoặc vô ý buông lỏng toàn thân, buông lỏng cả cơ thể và tinh thần, sau đó không khống chế vọng niệm, cũng không đuổi theo vọng niệm, không sợ niệm khởi, không lo cảnh duyên, chỉ buông lỏng thân tâm, không nhớ quá khứ, chẳng nghĩ vị lai. Không đè không khởi, đạm bạc thanh tịnh, dần dần sẽ đi vào cảnh giới Mặc Chiếu (lặng lẽ mà sáng rỡ).
Giám thời khuếch nhĩ,
Thể xử linh nhiên.
Lúc soi rộng khắp,
Thể tại linh nhiên.
Lúc bạn dụng công tu hành, nếu vẫn còn thấy thời gian có lâu mau là chưa đạt đến trình độ “lặng lẽ”. Nếu ở trong cảnh “lặng lẽ” sẽ không thấy thời gian mau chậm, chính bạn cũng không cảm nhận có sự tồn tại của thời gian. Không có thời gian tức là thời gian vô hạn, thời gian vô hạn có nghĩa là cái nhanh vô cùng đồng nghĩa với cái chậm vô cùng. Nếu bạn cho rằng bạn đã đến cảnh giới “lặng lẽ”, nhưng bạn vẫn còn có khái niệm về thời gian, điều đó chứng minh rằng bạn không thật sự đạt đến cảnh giới “lặng lẽ” này, vì trong tâm bạn niệm vẫn còn động. Vì còn có niệm khởi diệt nên mới cảm thấy có thời gian. Nếu niệm sinh diệt không còn thì thời gian cũng sẽ tiêu mất. Như Đại Sư Thái Hư, có một đêm Ngài tọa thiền chợt mất đi khái niệm về thời gian, chỉ nghe tiếng chuông báo giờ ngủ, sau đó nghe tiếng chuông báo giờ thức. Dù đã trải qua một đêm, nhưng Ngài không cảm nhận được sự tồn tại của thời gian mà chỉ nghe hai lần tiếng chuông báo. Thế nên khi dụng công đến không còn niệm khởi thì thời gian sẽ không còn tồn tại nữa.
“Thể tại linh nhiên” đồng nghĩa với “sáng rỡ hiện tiền”, tức là cũng nói về không gian vô hạn. Và cái vô hạn này dung chứa tất cả pháp sinh sinh diệt diệt. Trong không gian vô hạn, tất cả pháp đều sống động, tự do tự tại. Trong môi trường như vầy, niệm không có chỗ trụ, bất động. Nếu niệm còn có chỗ trụ, còn động thì sẽ mất đi cái tự tại của “linh nhiên”, và sẽ bị trói buộc trong một không gian hạn định. Nếu niệm không trụ, không động thì bạn sẽ thể nghiệm được không gian vô hạn, rộng lớn khoáng đạt. Nếu niệm theo cảnh động thì không gian của bạn sẽ bị giới hạn trong phạm vi của sáu căn, sáu thức. Lấy ví dụ về căn mắt, nếu niệm không trụ, không động, dù bằng mắt thường bạn cũng sẽ thấy được rất nhiều thứ giống như công năng của máy chụp hình, vì phim (trong máy chụp hình) không trụ, không trước, không động nên sẽ chụp được mọi thứ trong phạm vi mà máy chụp hình chiếu tới, nếu như phim của máy chụp hình có trụ, có động, nó làm sao có thể tạo ra những bức ảnh chụp rõ ràng được.
Khi mở thiền thất, thỉnh thoảng tôi hay dùng một phương pháp như sau: Tôi bảo mọi người đừng dùng đầu óc suy nghĩ mà chỉ dùng mắt nhìn, hoặc dùng tai nghe, khi đó, các bạn sẽ nhìn thấy cái gì? Nghe được cái gì? Nhưng trong hai ngày đầu của thiền thất, dùng phương pháp này thường không thành công, vì tâm bạn chưa được an định nên không thể không dùng đầu óc suy nghĩ. Sau bốn ngày, số người có thể không dùng đầu óc suy nghĩ cũng không nhiều. Người tu hành nếu tâm không động thì sẽ có thể thể nghiệm được cảnh giới tương tự với cảnh giới không gian vô hạn.
Không gian vô hạn thật sự là gì? Có ba ý nghĩa: 1. Đây là cảnh giới thần thông của Phật, còn cảnh giới thần thông của chư Thánh, của quỷ thần hay của phàm phu chúng sinh thì không thể vô hạn được. 2. Đây là cảnh giới từ một điểm rất nhỏ mà thấy được vô hạn, như Kinh Lăng Nghiêm nói: Trên đầu lỗ chân lông ba đời Chư Phật đồng chuyển pháp luân. Ba đời chư Phật cùng lúc ở trên đầu một lỗ chân lông thuyết vô lượng chư pháp độ vô biên chúng sinh. Đây là vì nhỏ vô cùng đồng nghĩa với không, đã là không có cái nhỏ để gọi là nhỏ, đây không phải là cảnh giới lớn vô cùng sao? 3. Đây là cảnh giới minh tâm kiến tánh, thật thấy được thật tánh cũng tức là lúc thấy không có tánh.
Linh nhiên độc chiếu,
Chiếu trung hài diệu.
Linh nhiên riêng chiếu,
Trong chiếu có diệu.
“Linh nhiên” không phải là hư không mà là không gian. Không gian này không phải ở trong, không phải ở ngoài cũng không phải ở khoảng giữa. Vì không gian này là nói về tâm, chỉ có tâm không động mới thể nghiệm được không gian vô hạn. Thế nên, “linh nhiên” có nghĩa là rõ ràng, minh bạch, thực tại, sống động. “Riêng chiếu” có nghĩa là quán chiếu và giác chiếu. Khi lặng thì không một tạp niệm, lúc chiếu thì không tán loạn. Lúc lặng thì tâm tĩnh, lúc chiếu thì tâm sáng. Loại thể nghiệm này chỉ có khi lặng (Mặc) và chiếu hỗ tương cho nhau mới có thể phát sinh. Nếu không được như vậy, thì cái chiếu này chỉ có thể là cái chiếu tối tăm. Thế nên, chúng sinh thấy chúng sinh đều là chúng sinh. Nếu có thể phá được cái tối tăm, đạt được sự sáng suốt thì sẽ hóa nghi ngờ thành chiếu soi. Thế nên, Phật thấy chúng sinh đều là Phật. Có một thiền sinh lúc tiểu tham thưa với tôi: “Hình như con đang tranh đấu với ai đó.” Tôi nói: “Đó là chú tự đấu tranh với chú.” Thiền sinh thưa: “Một mình mình làm sao có thể có hai cái tôi để đấu tranh chứ?” Tôi bảo: “Không phải chỉ có hai cái tôi mà là có vô số cái tôi. Những vọng tưởng tạp niệm giống như những sợi tơ hay những dây gai. Vì niệm trước và niệm sau mâu thuẫn nhau nên tưởng như có hai người đang đấu tranh với nhau trong nội tâm. Đây là nghi ám (nghi ngờ và tối tăm) chứ không phải là Mặc Chiếu (lặng lẽ và sáng chiếu).” Sau đó tôi dạy: “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân”. Không cần cố gắng xua đuổi vọng tưởng, chỉ cần đừng thèm quan tâm đến chúng thì tự nhiên sẽ được yên tĩnh. Giống như nước trong hồ vốn trong, chỉ vì ngoại cảnh bên ngoài nhiễu loạn mới làm nó vẩn đục, nếu có thể thuận theo tự nhiên thì sẽ khiến nó trở lại thanh tịnh. Công năng của “linh nhiên riêng chiếu” chỉ hiển hiện khi đã trải qua quá trình tĩnh Mặc (tĩnh lặng).
“Trong chiếu có diệu” có nghĩa là trong sự sáng suốt rõ ràng này không có chỗ nào không dung chứa. Ý là nói khi dùng công lực của Mặc Chiếu thì có thể đối với bất cứ sự vật nào dù lớn dù nhỏ đều có thể biết được vô lượng tin tức về chúng từ rất nhiều góc độ và rất nhiều phương diện, thậm chí là có thể “từ một hạt bụi thấy được cả thế giới, từ một đóa hoa biết được Như Lai”. Đây là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, dùng ngôn ngữ lời nói không thể diễn tả được, đồng thời cũng vượt ra ngoài phạm vi suy nghĩ tưởng tượng. Tất cả sự áo diệu trong đây đều nằm trong sự giác chiếu không lời.
Lộ nguyệt tinh hà,
Tuyết tùng vân kiệu.
Trăng sáng, sao trời,
Tuyết tùng, mây núi.
Hai câu này là hình dung tâm cảnh của Mặc chiếu. “Lộ nguyệt” (trăng sáng) là nói trên trời không có mây cũng không có sương, chỉ có một ánh trăng tròn vạnh sáng rỡ, đây là tâm cảnh lúc Mặc Chiếu, sáng trong như trăng rằm. “Tinh hà” (sao trời) là chỉ ngân hà, lúc có trăng ánh trăng sáng chiếu, lúc không trăng, khắp trời là sao lắp lánh sáng ngời. Đức Thích Ca khai ngộ chính là nhờ nhìn thấy ánh sao lắp lánh này. Từ “sao trời” này là hình dung cảnh giới khi chúng ta dùng công phu Mặc Chiếu đến một trình độ tương đối cao, tâm cảnh chúng ta sẽ giống như muôn vạn ánh sao chiếu khắp bầu trời. Tâm của phàm phu tối tăm, không thấy được trăng cũng chẳng thấy được sao, chỉ thấy một trời mây đen phiền não mà thôi.
“Tuyết tùng” cũng là một ẩn dụ nói về tâm cảnh khi dụng công Mặc Chiếu. Tuyết phủ khắp cội tùng, nhìn bên ngoài chỉ thấy tuyết không thấy tùng. Vào mùa đông, sau khi đổ một trận tuyết lớn, nhìn khắp rừng tùng sẽ thấy giống như từng tảng ngọc hay thủy tinh điêu khắc nên hình dáng cội cây vậy, hiện lên trước mắt chúng ta một cảnh sắc thanh lương sáng rỡ. Tâm chúng ta nếu đến được cảnh giới này thì chắc chắn sẽ thông suốt, an định, thoải mái, yên tĩnh. “Mây núi” cũng là hình dung tâm cảnh lúc Mặc Chiếu, nó giống như mây trên núi. Mây trên đỉnh núi có thể che lấp núi, nhưng núi không thể ngăn được mây. Đây là để biểu đạt tâm cảnh tự do, tự tại, không bị trói buộc. Tại sao không dùng dụ mây trên trời mà lại dụ mây trong núi? Vì mây trên trời vốn không gì ngăn được nó, còn núi vốn là một thứ có công năng ngăn ngại, thế nhưng vẫn không ngăn cản được mây, như thế mới có thể hình dung được tâm cảnh siêu thoát tự tại của công phu Mặc Chiếu. Lúc ở cảnh giới này, dù có người đẹp ngồi trong lòng tâm vẫn chẳng loạn, dù bị uy hiếp, hay bị dụ hoặc tâm vẫn chẳng động, bị cắt chân chặt tay tâm cũng chẳng sợ. Bởi vì, tâm đã tự tại không còn bị ngoại cảnh dẫn dắt nữa.
Hối nhi di minh,
Ẩn nhi du hiển.
Tối lại càng sáng,
Ẩn lại càng hiện.
“Hối” là tối, “minh” là sáng. Trong bóng tối hiện thực, tâm cảnh càng thêm sáng suốt. Có nghĩa là ánh sáng trí tuệ tăng trưởng ngay trong phiền não tối tăm. “Di” là kéo dài mãi mãi. Người đã đạt đến cảnh giới Mặc Chiếu, nhìn bên ngoài thấy họ dường như rất khờ khạo, sự thực là họ ẩn sâu tâm trí của mình, như dân gian có câu: “Bậc đại trí trông như người ngu”. Người trí có thể có vẻ khờ khạo, nhưng tâm họ quang minh lỗi lạc, không bao giờ có tâm khinh mình khi người.
“Ẩn” là ẩn giấu, “hiển” là biểu hiện ra. “Hối” và “ẩn” là nghĩa của chữ “Mặc”, “minh” và “hiển” là nghĩa của chữ “Chiếu”. Lúc Mặc (lặng) thì như si như dại, nên dụ như tối, như ẩn, lúc Chiếu thì trí tuệ linh lợi nên dụ như sáng, như hiển. Mặc Chiếu đồng thời tức là lúc tâm cảnh không động nhưng trí tuệ chiếu sáng vạn cổ. Đây là nói hình thái và sức mạnh của tâm trí tuệ. Hình thái của tâm trí tuệ là Mặc, tối, ẩn. Sức mạnh của tâm trí tuệ là chiếu, sáng, hiển.
Hạc mộng yên hàn,
Thủy hàm thu viễn.
Mộng hạc, sương khói,
Nước chứa thu xa.
“Mộng hạc” nghĩa là tâm giống như trong mộng hóa làm chim hạc bay lượn tự tại giữa hư không bao la, không bờ không mé. “Sương khói” nghĩa là mịch mịch mờ mờ, không ngăn không cách, động tĩnh nhất như, không ngằn không mé. Đây là hai cách vận dụng trong tâm cảnh của Mặc Chiếu.
“Nước chứa thu xa” là hình dung tâm cảnh của Mặc Chiếu trong lặng, tịch tĩnh, sâu xa. Tâm cảnh trong lặng như nước đầm trong xanh của mùa thu tịch lặng. Đầm sâu không thấy đáy, từ mặt đầm nhìn xuống, tuy mắt có thể nhìn thấy mọi cảnh vật hiển hiện rõ ràng trong nước đầm trong xanh, nhưng không thể nhìn thấu đáy đầm. Đồng thời, nước đầm vào mùa thu sáng trong như gương, có thể phản chiếu hư không vô biên. Vào mùa thu, bầu trời trong sáng, ít mây ít sương, nên thấy bầu trời dường như cao thêm, xa thêm, nhìn không thấy bờ mé, không khí trong lành mát mẻ. Đây là miêu tả cảm giác về không gian khi Mặc Chiếu. Khi Mặc chiếu, không gian trở nên trong lặng, tĩnh mịch và sâu xa.
Hạo kiếp không không,
Tương dữ lôi đồng.
Kiếp dài không không,
Cùng nhau tương đồng.
“Kiếp dài” là thời gian dài vô tận, bất kể thời gian dài bao nhiêu cũng có người tin thời gian là vĩnh hằng. Trong cảnh giới Mặc Chiếu, thời gian không tồn tại. “Kiếp” là thời gian có thể dài, có thể ngắn. Thời gian dài vô tận là không, thời gian ngắn ngủi chốc lát cũng là không. “Tương đồng” là nói rõ trong cảnh giới Mặc Chiếu không có sự phân biệt giữa niệm trước và niệm sau. Niệm trước vắng lặng, niệm sau cũng vắng lặng, trong tâm không một vật nhưng vẫn chiếu sáng không sót vật gì. Từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến vị lai, quan hệ giữa chúng gọi là “cùng nhau”. Trong cảnh giới Mặc Chiếu, tâm tuy chẳng có mà có, muốn tìm quá trình thời gian trước sau của chúng là không thể được, nên gọi là “cùng nhau”. Cảm giác về thời gian được thành lập trên sự biến đổi của niệm, nếu niệm là vô niệm thì thời gian dù dài dù ngắn đều ngay đó thành không.
Diệu tồn Mặc xứ,
Công vong Chiếu trung
Diệu ở chỗ lặng,
Công quên trong chiếu.
“Diệu ở chỗ lặng” là nói tất cả công năng vi diệu đều ở trong chỗ tĩnh lặng, ngạn ngữ phương Tây có câu “im lặng là vàng”, câu này vẫn không thể hình dung được cái vi diệu của sự tĩnh lặng. Nếu tâm phan duyên theo cảnh, niệm niệm dấy động thì sẽ mất đi sự tĩnh lặng, mất đi sự sáng suốt, nên sẽ che lắp con mắt trí tuệ, không thể hiện được cái diệu của tâm. Chữ “chiếu” trong “công quên trong chiếu” là nói về công năng của sự quán chiếu. Khi dụng công quán chiếu sẽ không biết mình đang quán chiếu, tức là đã quên đi công năng của chiếu. Đây chính là công phu chiếu mà thường lặng. Đây là cảnh giới mà Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) nói trong bài tụng Xa-ma-tha: “Khéo khéo lúc dụng tâm, khéo khéo không tâm dụng”.
Hai câu “Diệu ở chỗ lặng; Công quên trong chiếu” là ý nói trong chỗ lặng có hàm chứa công năng trí tuệ vô lượng, còn khi dùng trí tuệ quán chiếu tất cả cảnh thì tâm vẫn vắng lặng, không thấy có mình quán chiếu và vật bị quán chiếu.
Diệu tồn hà tồn,
Tỉnh tỉnh phá hôn.
Diệu ở chỗ nào?
Tỉnh phá hôn trầm.
Câu trước nói “Diệu ở chỗ lặng” là ý trong lặng có diệu, nhưng đừng lầm cho rằng chỉ cần tĩnh lặng là được diệu. Lặng mà không chiếu thì có thể sẽ rơi vào trạng thái hôn trầm. Thế nên, câu tiếp theo này nhắc nhỡ chúng ta phải dùng tâm minh giác tỉnh táo không mê mờ để phá hiện tượng hôn trầm buồn ngủ. Phải ở trong trạng thái tỉnh táo mà tâm vẫn yên tĩnh như nước lặng không sóng mới được.
Hai chữ “tỉnh tỉnh” (tỉnh táo) này là lấy ý trong bài tụng Xa-ma-tha của Thiền Sư Vĩnh Gia Huyền Giác: “Dùng lặng lẽ trị duyên lự, dùng tỉnh táo trị hôn trầm”.
Mặc chiếu chi đạo,
Ly vi chi căn.
Pháp tu Mặc chiếu,
Nhổ gốc vô minh.
Dùng phương pháp Mặc Chiếu tu hành thì sẽ dứt trừ phiền não, thậm chí là nhổ bỏ được gốc rễ vô minh vi tế. Tâm phiền não có thô có tế, có gốc có ngọn. Trong quá trình tu hành, phiền não sẽ từ thô giảm dần đến tế. Khi đạt đến cảnh giới lặng mà thường chiếu, chiếu mà thường lặng thì ngay cả cội gốc phiền não vi tế cũng sẽ dứt trừ. Khi tâm theo cảnh động và dính mắc vào bất cứ cảnh nào thì lúc đó tâm lượng sẽ trở nên rất nhỏ hẹp. Nếu tâm không dính cảnh, trong lặng có chiếu thì tâm lượng sẽ rộng lớn vô hạn. Đây là sự khác biệt rõ ràng giữa công năng của trí tuệ và tác dụng của phiền não. Trí tuệ càng lớn thì phiền não càng ít, công năng của trí tuệ lớn đến vô hạn thì tác dụng của phiền não sẽ ít đến vô cùng. Sau cùng thì không còn thấy có trí tuệ rộng lớn, đương nhiên lúc đó cũng sẽ không còn thấy có phiền não nhỏ nhiệm nữa. Tức là, vô minh phiền não nhỏ đến không còn nữa, trí tuệ cũng rộng lớn đến không còn thấy nữa. Chúng sinh tu hành vì mong đoạn trừ phiền não, tăng trưởng trí tuệ. Còn Phật không thấy có phiền não, cũng chẳng thấy có trí tuệ.
Trong bài ca Bảo Cảnh Tam Muội của Thiền Sư Động Sơn Lương Giới (807-869) có các câu “Trùng, ly sáu hào; Chánh thiên hồi hỗ”, “Chánh thiên diệu hợp; Gõ xướng song hành”. Những câu này là lấy sự biến hóa vi diệu của quẻ Ly trong Kinh Dịch để hình dung công năng của tâm trí tuệ. Thiền Sư Hoằng Trí là một vị đại thiện tri thức trong tông Tào Động nên Ngài cũng dùng sự vi diệu của quẻ Ly để hình dung công năng của Mặc chiếu.
Triệt kiến Ly vi,
Kim thoa ngọc cơ.
Thấu rõ quẻ Ly,
Thoa vàng, máy ngọc.
Tâm cảnh vắng lặng thì không chứa một vọng tưởng tạp niệm nào, thấu suốt triệt để Phật tánh rỗng lặng. Chính vì “Mặc” không phải là cảnh chết, nên công phu về “Mặc” càng sâu thì công lực của “Chiếu” càng mạnh, tức là trong cảnh “Mặc” có ẩn chứa tác dụng vi diệu của quẻ Ly. “Thoi vàng” và “máy ngọc” dùng để hình dung công năng chủ khách hỗ tương nhau của “Mặc” và “Chiếu”. Dệt vải cần phải dùng máy dệt và con thoi, máy dệt đứng yên nên thuộc trạng thái tĩnh, còn con thoi chạy tới chạy lui nên thuộc trạng thái động. Máy dệt và con thoi kết hợp với nhau mới tạo ra được vải lụa. Dùng thoi vàng máy ngọc để nói về pháp tu “Mặc Chiếu” là một cách ẩn dụ rất hay về tu thiền và chứng ngộ.
Chánh thiên uyển chuyển,
Minh ám nhân y.
Chánh thiên đổi nhau,
Sáng tối nương nhau.
Từ “chánh thiên” xuất xứ từ câu “chánh thiên hồi hỗ” (chánh thiên đổi nhau) trong bài ca Bảo cảnh tam muội của thiền sư Động Sơn Lương Giới. Từ “uyển chuyển” (đổi nhau) xuất xứ từ câu “uyển chuyển thiên viên” (tròn dẹp đổi nhau) trong lời tựa bài minh Huyền Trung cũng của Thiền sư Lương Giới. Từ “sáng tối” xuất xứ trong bài Tham Đồng Khế của Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (700-790): “Khi trong sáng có tối, đừng để tối gặp sáng; Khi trong tối có sáng, đừng để sáng gặp tối”. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác trong bài tụng về Ưu-tất-xoa (thiền) cũng có nói: “Gốc tối sáng chẳng khác”, lại nói: “Trong tối mà sinh được sáng tức là chuyển ngu thành tuệ vậy.”
Tông Tào Động dùng hai từ Thiên (lệch, nghiêng…) và Chánh (thẳng, chánh, đúng…) để hình dung cho phiền não và bồ đề, hai thứ này nương nhau chứ không phải lìa nhau. Do công phu tu hành có sâu cạn nên từ hai từ Thiên Chánh này mà lập ra ngũ vị (5 vị): 1/ Kiến tánh gọi là Chánh trung thiên; 2/ Phiền não mỏng ít gọi là Thiên trung chánh; 3/ Phiền não đã được hàng phục gọi là Chánh trung lai; 4/ Phiền não đoạn dứt gọi là Kiêm trung chí; 5/ Phiền não tức bồ đề gọi là Kiêm trung đáo. Năm vị này đều không ra ngoài mối quan hệ đổi nhau của thiên và chánh nên gọi là “uyển chuyển”. Chỉ có uyển chuyển đổi nhau mới có thể diễn đạt được sự giảm xuống và tăng lên của phiền não và bồ đề. Tuy tướng có tăng giảm nhưng tánh vẫn bất động. Đây chính là công dụng của Mặc và Chiếu.
Sáng và tối đại biểu cho trí tuệ và phiền não, không có phiền não thì không thể diễn đạt được công năng của trí tuệ. Trí tuệ được sinh ra do phiền não dấy khởi, thế nên công năng của trí tuệ biểu hiện ngay trong phiền não. Lúc này chúng ta phải nương vào trí tuệ chứ đừng nương vào phiền não. Khi phiền não ngu si khởi lên, chúng ta biết đây là phiền não ngu si, đó chính là trí tuệ. Thế nên, khi chúng ta biết rõ có phiền não tức là trí tuệ đã sinh, có điều chúng ta đừng lầm cho trí tuệ là phiền não. Giống như tuy sáng và tối nương nhau mà tồn tại, nhưng chúng ta phải phân biệt rõ ràng cái nào là sáng, cái nào là tối.
Chúng ta đừng tách rời phiền não với bồ đề, sinh tử với Niết bàn, nhưng phải phân biệt rõ ràng tiền nhân hậu quả của chúng. Đây là chân tướng của Mặc Chiếu, vừa không lẫn lộn sự và lý, vừa không lầm lẫn nhân với quả.
Y vô năng sở,
Để thời hồi hỗ.
Chẳng nương năng sở,
Ngay đó đổi nhau.
Hai câu “Chánh thiên đổi nhau; Sáng tối nương nhau” ở trên đều là để nói về mối quan hệ đổi nhau và nương nhau cùng tồn tại của sáng tối, chánh thiên. Theo hiểu biết thông thường của chúng ta, bất cứ hai sự vật đối đãi nào phần lớn đều có mối quan hệ chủ khách. Chủ là vật hay nương, khách là vật bị nương, chủ khách là hai vật có quan hệ với nhau chứ không phải là hai vật giống nhau. Còn ở đây, Thiền sư Hoằng Trí cho chúng ta thấy rằng hai sự vật đối nhau không mang mối quan hệ chủ khách, cũng không có mối quan hệ năng sở. Vì chúng thực sự là hai mặt của cùng một thể, cùng làm chủ khách cho nhau, cùng làm năng sở cho nhau, cùng nương tựa với nhau, chứ không phải có một cái cố định làm chủ, một cái cố định làm khách. Trong chỗ giống nhau có chỗ khác nhau, trong chỗ khác nhau có chỗ giống nhau. Tuy giống và khác rõ ràng nhưng chúng cùng tồn tại với nhau chứ không lìa nhau.
Cách dùng của chữ “để” trong ngữ lục đời Tống đồng nghĩa với chữ “đích”. “Để thời” có nghĩa là “ngay lúc đó”. Mối quan hệ của Mặc và Chiếu giống với mối quan hệ chánh thiên của Thiền sư Lương Giới và mối quan hệ sáng tối của Thiền sư Hy Thiên. Giữa chúng tuy không phân chủ khách nhưng thường đổi nhau mà dùng.
Ẩm Thiện Kiến dược,
Oa đồ độc cổ.
Uống thuốc Thiện Kiến,
Đánh trống bôi độc.
Hai câu này là hai câu ví dụ. Có nghĩa là tu pháp Mặc Chiếu giống như “uống thuốc Thiện Kiến” có thể trị được tất cả bệnh sinh tử phiền não, hay giống như “đánh trống bôi độc” có thể hàng phục tất cả đoàn quân phiền não sinh tử.
Dụ “uống thuốc Thiện Kiến” này xuất xứ trong quyển 37 của kinh Hoa Nghiêm. Thiện Kiến còn có tên là Thiện Hiện. Tương truyền trong núi Tuyết có vị Đại Dược Vương (Vua thuốc) tên là Thiện Hiện, ai thấy được Ngài thị giác sẽ tăng lên, ai nghe được tiếng nói của Ngài thính giác sẽ bén nhạy, ai ngửi được thuốc của Ngài khứu giác sẽ tinh tường, ai nếm được thuốc của Ngài vị giác sẽ trở nên vi diệu, ai chạm vào thuốc của Ngài xúc giác sẽ thanh tịnh, ai lấy được đất nơi Ngài ở sẽ trị được tất cả các bệnh, thân tâm an ổn khoái lạc.
“Đánh trống bôi độc” là một ví dụ nói về sức mạnh của Phật pháp: Có một mặt trống lớn được bôi thuốc cực độc cộng thêm thần chú gia trì, khi trống được đánh lên, chúng sinh dù ở gần hay xa, lớn hay nhỏ vừa nghe tiếng trống liền vỡ não mà chết. Trống này là dụ cho Phật pháp, vỡ não chết là chỉ các phiền não tham, sân, si bị tiêu diệt. Trong Kinh Niết Bàn, trống pháp chia làm hai loại là trống trời (thiên cổ) và trống độc (độc cổ). Phật nói pháp ngũ thừa là đánh trống trời. Phật nói pháp Đại thừa Phật tánh thường trụ là đánh trống độc.
Hai câu này là nói pháp tu và công năng của thiền Mặc Chiếu, đây là pháp tối thượng thừa diệt trừ tất cả bệnh khổ mê lầm cho chúng sinh.
Hồi hỗ để thời,
Sát hoạt tại ngã.
Ngay lúc đổi nhau,
Sống chết do ta.
Hai câu này có nghĩa là ngay lúc đổi nhau, nương nhau là lúc chủ quyền ở trong tay ta, có thể tự do quyết định sống chết của chúng. Mặc Chiếu cũng tức là Chỉ Quán, “đổi nhau” có nghĩa cùng lúc vận dụng cả hai pháp. Mặc và Chiếu đối đãi nhau, làm thành cho nhau, tuy Mặc mà thường Chiếu, tuy Chiếu mà thường Mặc, đây cũng chính là thời điểm cùng lúc vận dụng hai pháp Chỉ Quán thích hợp nhất.
“Sát” (giết) là ma đến giết ma, Phật đến giết Phật, dứt bỏ ý thức chấp trước, tâm không phan duyên, không dính mắc ngoại cảnh. “Hoạt” (sống) là Hán đến hiện Hán, Hồ đến hiện Hồ. Tâm như gương sáng trên đài cao, tuy ngàn vạn cảnh đồng thời xuất hiện vẫn có thể mỗi mỗi hiện rõ, vật vật tự chiếu, đâu đó không loạn.
Cần giết thì giết, cần cho sống thì cho sống, không bị ngoại lực ảnh hưởng, đây gọi là “Sống chết do ta”. Chỉ có biết Mặc mới có thể hay Chiếu. Công phu của Mặc càng sâu thì công lực của Chiếu sẽ càng mạnh. Và chỉ có hay Chiếu mới có thể giỏi Mặc, công lực của Chiếu càng mạnh thì công phu của Mặc sẽ càng sâu. Chúng nương tựa nhau, giúp nhau tăng trưởng. Mặc Chiếu phải ứng dụng đồng thời, chứ không phải như cảnh thiền định thông thường chỉ có “Chỉ” (dừng lặng) mà không có “Quán” (quán chiếu), càng không phải là tâm cảnh tán loạn hôn trầm của phàm phu.
Môn lý xuất thân,
Chi đầu kết quả.
Xuất thân trong cửa,
Trên cây kết quả.
“Xuất thân” có hai nghĩa: Một là đầu quân làm quan võ, hai là thi cử làm quan văn. Dù nghĩa nào cũng phải ra khỏi nhà, hoặc là ra sa trường giữ gìn tổ quốc, hoặc là ra làm quan lo cho dân. Chế độ khoa cử từ thời Tống đến thời Minh quy định những ai thi ra làm quan đều phải trải qua các kỳ thi hương, thi phủ, thi kinh, sau khi thi đậu ra làm quan sẽ được gọi là xuất thân ở cửa nào đó. “Xuất thân” ở đây là chỉ công dụng của Mặc, Mặc có nghĩa là dừng lặng nên dụ “trong cửa”, tuy ở trong cửa nhưng không có nghĩa tiêu cực là trốn tránh, mà có nghĩa tích cực là trợ giúp cho sự quán chiếu ra bên ngoài. Nếu không có cái Mặc thật sự thì sẽ không có cái Chiếu chân chánh. Thế nên, Mặc tuy không hiện ra ngoài nhưng có tác dụng cống hiến cho Chiếu.
“Trên cây kết quả” là chỉ kết quả hiện rõ của công năng quán chiếu giác sát. Phá vỡ phiền não là công lao của giác chiếu.
Khi ở trong cửa là lúc chuẩn bị cơ sở cho vì pháp hiến thân, tuy ẩn nấp không hiện nhưng là điều kiện vô cùng quan trọng. Giống như một cội cây, gốc rễ và thân cây đều nằm ở trong khuôn viên vườn nhà, chỉ có cành nhánh là vượt ra ngoài tường, người đi ngang đường có thể thấy quả trên cành cây. Tuy không trực tiếp thấy được thân cây nhưng họ hoàn toàn có thể suy đoán được thân cây ở sau bức tường. Thân cây và cành nhánh nương tựa nhau, không rời nhau, mới nhìn thấy như hai hiện tượng, thực ra chỉ là hai phần của cùng một vật.
Mặc duy chí ngôn,
Chiếu duy phổ ứng.
Tận lời là Mặc,
Ứng khắp là Chiếu.
Lặng lẽ không lời mới là ngôn ngữ cao minh nhất. Nghĩa là ngôn ngữ chân chánh vô thượng là không thể dùng lời nói hay văn tự diễn đạt. Đức Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, sau cùng lại nói: “Ta chưa từng nói một lời”, điều đó chứng minh rằng ngôn ngữ chỉ là một công cụ vạn bất đắc dĩ mới được dùng để biểu đạt tâm ý mà thôi, bản thân nó không có cách gì thật sự biểu đạt được toàn bộ tâm ý. Tâm ý phải dùng tâm thể hội. Tâm càng tĩnh, càng lặng thì sự thể hội sẽ càng sâu, càng rộng, qua đó, tâm cảnh sẽ càng trong, càng sáng.
Thế nên, chân lý thật sự không cần giảng, ngôn ngữ thật sự không cần nói. Cái Mặc của Mặc Chiếu là cảnh giới ngôn ngữ tối cao.
Chiếu ở trong Mặc có thể chiếu sáng khắp nơi, có thể ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào chiếu hiện tất cả chúng sinh, đem đến cho chúng sinh sự bình đẳng tương ứng. Có người hỏi: “Cái Chiếu này có phải là nhìn thấy rõ ràng ngoại cảnh không?” Tôi đáp: “Trong đời sống bình thường, cái Chiếu này có thể giúp mình thấy rõ ràng môi trường xung quanh, nhưng như thế chưa đủ, cái Chiếu này là sự giác chiếu của trí tuệ, là sự sáng suốt sâu xa vô hạn của nội tâm, cũng là sự chiếu sáng vô hạn ở khắp nơi.”
Ứng bất đọa công,
Ngôn bất thiệp thính.
Ứng mà chẳng dính,
Nói mà chẳng nghe.
“Ứng” là tương ứng, cảm ứng, hô ứng, tiếp ứng v.v…, tức là tất cả mọi ứng đối của mình đối với môi trường xung quanh. Khi ứng đối không cần chuẩn bị trước, sau khi ứng đối xong không để lại một dấu vết nào, như thế gọi là “không dính”. Sự việc trước khi xảy ra giống như hư không rỗng trong, sự việc sau khi xảy ra giống như chim bay trong hư chẳng để lại dấu vết. Tâm lúc nào cũng tịch lặng rỗng sáng, không chút tỳ vết. Tuy ứng đối tất cả ngoại cảnh mà tâm vẫn tịch lặng. “Công” có nghĩa là chấp trước, dính mắc, “bất đọa công” là chẳng rơi vào sự dính mắc. Nếu tu pháp Mặc Chiếu được viên mãn thì tâm sẽ không còn trụ nơi tướng, không thấy mình có công đức, phước đức chi cả.
Ngôn ngữ dùng để truyền đạt tin tức. Chiếu của Mặc Chiếu là chiếu sáng muôn pháp, cho nên tự nhiên sẽ tiếp nhận tất cả tin tức từ mười phương truyền đến, tuy tiếp nhận tin tức nhưng không nhất thiết phải dùng lỗ tai để nghe. Sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, căn nào cũng có thể tiếp nhận tin tức, nhưng cách biểu đạt tốt nhất lại là ở chỗ không lời. Thế nên, Thiền sư Phó Đại Sĩ (497-569) khi được vua Lương Vũ Đế mời đến hoàng cung giảng kinh, Ngài bước lên pháp đài dùng thước gõ lên bàn một cái, sau đó xuống đài bỏ đi. Vua Lương Vũ Đế ngạc nhiên không hiểu tại sao Thiền Sư lên đài mà lại không giảng. Thật sự, cảnh giới Phật pháp tối cao chính là không pháp có thể nói. Kinh Kim Cang Phật dạy: “Nếu ai nói Như Lai có nói pháp là phỉ báng Như Lai.” Hay: “Pháp là không pháp có thể nói, ấy là nói pháp.”
Vạn tượng sâm la,
Phóng quang thuyết pháp.
Vạn tượng sâm la,
Phóng quang thuyết pháp.
Trúc biếc xanh xanh, hoa vàng rậm rạp đều là Phật đang thuyết pháp. Không có chỗ nào, không có vật nào chẳng phải Phật đang hiện thân thuyết pháp.
Thiền sư Ngưu Đầu Huệ Trung (682-769) chủ trương rằng tường vách ngói gạch đều là tâm Phật, tất cả vật vô tình cũng có thể thuyết pháp. Ngài dẫn phẩm Hạnh Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm để chứng minh cho quan điểm này: “Phật thuyết chúng sinh thuyết, nhẫn đến quốc độ thuyết, tam thế thuyết như vậy”. Ngay cả Kinh A Di Đà cũng viết rất rõ về điều này: “Có các loài chim diễn nói 37 phẩm trợ đạo, cây cối phát ra trăm ngàn điệu nhạc khiến người nghe khởi tâm niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng.”
Trong tâm không một vật, tâm địa sáng suốt tự nhiên sẽ thấy vạn tượng trong vũ trụ đều là pháp thân Phật. Nhục thân Phật có màu vàng kim sáng rỡ, trước khi thuyết pháp đều phóng hào quang. Nếu có thể thân chứng được pháp thân Phật có ở khắp nơi tự nhiên sẽ thể hội được tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều đang phóng quang, đều đang diễn nói chánh pháp.
Bỉ bỉ chứng minh,
Các các vấn đáp.
Cùng nhau chứng minh,
Cùng nhau hỏi đáp.
Nếu đã thể hội được vạn tượng trong vũ trụ mọi nơi, mọi lúc đều đang phóng quang thuyết pháp thì sẽ thấy được các hiện tượng, các sự vật này đều đang chứng minh cho nhau, và dùng lời không lời hỏi đáp lẫn nhau. Giống như cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, tất cả những sự vật ở đó, dù hữu tình hay vô tình đều là Thánh nhân, đều là hóa thân Phật, giữa họ với nhau, dù dùng lời nói hay không dùng lời nói đều là biểu đạt hiện tượng luận vấn Phật pháp.
Vấn đáp chứng minh,
Kháp kháp tương ứng.
Chiếu trung thất Mặc,
Tiện kiến xâm lăng.
Hỏi đáp chứng minh,
Khéo léo tương ứng.
Chiếu mà không Mặc
Liền thấy hỗn loạn.
Phàm phu nhìn vạn tượng trong vũ trụ thấy có thiện ác, tốt xấu, lợi hại, xấu đẹp v.v… Gió mát trời trong là tốt, bão táp mưa sa là xấu; sản vật phong phú, dân sống an vui là tốt, thiên tai liên miên là xấu v.v… Nhưng trong tâm của người tu Mặc Chiếu lúc nào cũng thuận theo tự nhiên, các vật tương ứng với nhau, chúng tự khéo léo sống theo bổn phận của mình, giữa chúng không hề có mâu thuẫn xung đột. Trồng nhân lành được quả lành, trồng nhân dữ chịu quả dữ, đời trước gieo nhân đời này nhận quả, đời này trồng nhân đời sau hái quả. Cái này động thì cái kia sẽ ứng, đều là tự làm tự chịu, vừa vặn chính xác. Thế nên, không có gì đáng vui cũng không có gì đáng sợ, không có gì đáng hận cũng không có gì đáng buồn.
Chỉ có lúc vận dụng Mặc Chiếu mới có thể đạt đến trình độ chính xác, vừa vặn. Nếu chỉ có Chiếu mà không có Mặc sẽ phát sinh hiện tượng tâm hỗn loạn. Nếu có Chiếu không Mặc không những mất đi sự tĩnh lặng, trong sáng trong tâm, mà còn sẽ thấy ngoại cảnh xung quanh trở nên đối lập và mâu thuẫn với mình, sẽ thấy các hiện tượng tranh đấu nhau, tàn sát nhau, khắc chế nhau. Thế là, tự mình sẽ phát sinh phiền não, mất đi công năng của trí tuệ.
Chứng minh vấn đáp,
Tương ứng kháp kháp.
Mặc trung thất Chiếu,
Hồn thành thặng pháp.
Chứng minh hỏi đáp,
Khéo léo tương ứng.
Có Mặc không Chiếu,
Liền thành pháp thừa.
Bốn câu này là để nhấn mạnh ý của bốn câu trước, câu cú được dùng với nghĩa tương đối với đoạn trước. Đây là để biểu đạt mối quan hệ giữa Mặc và Chiếu, hai thứ này không thể tách rời nhau. Nếu thiếu một hoặc là trọng khinh không đều thì sẽ làm mất đi sức mạnh vốn có của chúng.
Nếu có Mặc mà không Chiếu thì sẽ giống như cây khô, tro lạnh. Hoặc rơi vào trạng thái hôn trầm, hoặc trở thành ngu ngơ, hoàn toàn không phải là pháp Thiền định huệ đồng thời.
Mặc Chiếu lý viên,
Liên hoa mộng giác.
Ngộ lý Mặc Chiếu,
Sen nở, mộng thức.
Ứng dụng công phu Mặc Chiếu được thành thục viên mãn sẽ thấy được chân lý, tức minh tâm kiến tánh. Thân chứng thực ngộ, tâm trí tuệ khai mở giống như hoa sen thanh tịnh nở tròn, tỉnh giấc mộng mê sinh tử. Phật pháp thường dùng từ mộng huyễn để hình dung về sinh tử, ý là sinh tử chỉ như giấc mộng, chẳng phải cảnh thực, chỉ cần sáng Phật tâm, thấy Phật tánh, tự nhận được bản lai diện mục của mình, biết được tự tánh là không tánh, đây gọi là thức mộng hay tỉnh mộng. Trong bài Chứng Đạo Ca của Thiền Sư Huyền Giác có câu: “Trong mộng rõ ràng có sáu thú, giác rồi rỗng rỗng không đại thiên.”
Bách xuyên phú hải,
Thiên phong hướng nhạc.
Trăm sông về biển,
Ngàn núi hướng nhạc.
Hai câu này hình dung sự khoáng đạt rộng khắp của tâm cảnh Mặc Chiếu. “Trăm sông về biển” là dụ cho căn tánh chúng sinh tuy có trăm sai ngàn khác nhưng cuối cùng đều sẽ thành Phật. Trăm sông khi về biển sẽ mất đi các vị sai khác của trăm sông, chỉ còn một vị mặn của biển cả, như Kinh Pháp Hoa phẩm Phương Tiện nói: “Chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba.” “Ngàn núi” là dụ cho phiền não vô tận của chúng sinh, “hướng nhạc” (nhạc đại biểu cho ngũ nhạc, là năm ngọn núi lớn tiêu biểu của Trung quốc) là dụ tâm Mặc Chiếu hay thống nhất tất cả phiền não.
Trong tâm cảnh Mặc Chiếu đồng thời, sự rõ ràng phân minh của “trăm sông, ngàn núi” là dụ cho công năng của Chiếu, sự quy nhất thuận dòng của “về biển, hướng nhạc” là dụ cho sức mạnh của Mặc. Cảnh giới sai biệt và không sai biệt tương thông với nhau. Trăm sông chảy xiết, ngàn dòng nước trôi đều đồng chảy về biển cả. Ngàn ngọn núi cao thấp, vạn đồi núi chập chùng đồng quy hướng về đỉnh nhạc. Đây là để nói rõ động của Chiếu, tĩnh của Mặc hỗ tương cho nhau, nương tựa với nhau. Bi và Trí cùng tồn tại thì diệu dụng vô biên.
Như nga trạch nhũ,
Như phong thái hoa.
Như ngỗng lựa sữa,
Như ong hút hoa.
Đây là hai ví dụ để dụ cho thiền giả khi dụng công tu Mặc Chiếu đến lúc thuần thục sẽ có năng lực biện biệt được cái gì cần lấy, cái gì cần bỏ. Trong Kinh Chánh pháp Niệm xứ có nói đến truyền thuyết về ngỗng chúa: “Trong một cái bình chứa sữa và nước, sữa nước hỗn hợp nhau, nhưng khi ngỗng chúa uống, nó chỉ lựa sữa uống, để nước lại trong bình.” Kinh Di giáo nói: “Khi ong hút hoa, nó chỉ hút lấy vị hoa mà không làm tổn hại đến hương sắc của hoa.” Hai ví dụ này là để biểu thị cảnh giới của một vị thiền giả tu Mặc Chiếu đã thành công, vị này đã chứng được pháp không phân biệt, không còn bị các khổ phiền não, phân biệt, chấp trước, buông không nỗi, cầu không được v.v… trói buộc nữa. Nhưng đối với thế giới hiện thực như luân lý, pháp luật, phong tục, giới luật của người học Phật v.v… các Ngài không theo nhưng cũng không phủ nhận. Hơn nữa, còn khéo léo nắm bắt được bổn phận của từng thứ, biết xử sự hợp thời hợp lúc, lấy những gì cần lấy, bỏ những gì phải bỏ. Như dân gian có câu: “Đứng ở lập trường nào thì nên nói những lời theo thân phận đó, làm Hòa thượng ngày nào thì đánh chuông ngày đó.” Đây là công phu tu dưỡng tích cực và xử sự đâu đó đàng hoàng.
Mặc Chiếu chí đắc,
Thâu ngã tông gia.
Đắc tột Mặc Chiếu,
Truyền tông pháp Ta.
Nếu có thể chuyên tu pháp Mặc Chiếu ắt sẽ thân chứng pháp tối thượng thừa, đây gọi là “chí đắc” (đạt đến chỗ tột cùng), đắc mà thực không đắc. Kinh Kim Cang nói: “Nếu có pháp đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề thì Đức Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho Ta.” Câu này cũng đồng nghĩa với câu: “Không trí cũng không đắc” trong Tâm Kinh. Nếu tu pháp Mặc Chiếu mà còn thấy có trung tâm tự ngã, thấy có giá trị khẳng định về sở đắc sở chứng của mình, thì người đó chưa thực được giải thoát. Chỉ có trước tiên phải dùng pháp tu Mặc Chiếu phá ngã chấp, trừ thân kiến, tự thân trải nghiệm được cảnh giới mình cùng chư Phật ba đời đồng thở chung một lỗ mũi, sau đó mới có thể chuyển bánh xe đại pháp, xiển dương giáo pháp chư Phật.
Tông gia Mặc Chiếu,
Thấu đỉnh thấu để.
Tông phong Mặc Chiếu,
Tột đỉnh tột đáy.
Gia phong của tông Tào Động là gia phong của Thiền tông, gia phong của Thiền tông là gia phong của Phật Tổ. Phật pháp giáo hóa thế gian là dựa vào công năng của Bi và Trí. Bi trí được khai mở từ pháp tu trì chỉ quán. Thiền Sư Hoằng Trí Chánh Giác xiển dương thiền pháp Mặc Chiếu, coi trọng sự tu dưỡng nội tâm, tức là phải vận dụng đồng thời hai pháp chỉ và quán. Chỉ Quán tiếng Phạn là Xa-ma-tha và Tỳ-bà-xá-na. Dịch sang tiếng Hán có các nghĩa là chỉ quán, định tuệ, tịch chiếu, minh tĩnh. Đây là pháp tu thiền quán thông dụng của cả Đại thừa và Tiểu thừa. Ở Trung Quốc, danh từ chỉ quán tạo cho người ta ấn tượng danh từ này đã bị tông Thiên Thai độc chiếm. Chỉ quán của tông Thiên Thai chia làm bốn loại là: Tiểu chỉ quán, tiệm thứ chỉ quán, bất định chỉ quán và viên đốn chỉ quán. Pháp tu viên đốn chỉ quán của tông Thiên thai tương tự với pháp môn đốn ngộ của Thiền tông. Và phương tiện nhập môn của thiền giả tu theo thiền tông cũng thường dùng pháp tu chỉ quán. Luận Ma ha Chỉ quán có câu: “Pháp tánh tịch lặng gọi là Chỉ, tịch mà thường chiếu gọi là Quán.” Câu này tương tự với ý nghĩa hai câu “Lặng lẽ quên lời, rỡ rỡ hiện tiền” của thiền Mặc Chiếu. Thiền Sư Hoằng Trí Chánh Giác rõ ràng đã dùng phương pháp tu căn bản của “Chỉ Quán” phối hợp với lý luận “nương nhau” của tông Tào Động mà sáng tạo nên pháp Thiền Mặc Chiếu.
“Tột đỉnh tột đáy” có ba nghĩa: 1/ Thiền Mặc Chiếu là pháp Tối thượng thừa trong Phật pháp, thâu nhiếp cả ba hạng căn cơ thượng, trung, hạ. 2/ Thiền Mặc Chiếu có thể khiến thiền giả triệt ngộ thật tướng của chư pháp. 3/ Thiền Mặc Chiếu là pháp tu trên có thể nói dòng chư Phật, dưới có thể giáo hóa muôn đời.
Tôi thường cho rằng: Viết sách, tạo luận không dễ, chú thích kinh luận càng khó hơn. Vì chúng ta không phải là Phật cũng không phải là chư Tổ, làm sao có thể thực sự hiểu đúng tông chỉ Phật Tổ để lại, làm sao có thể chú thích chính xác ý nghĩa của quý Ngài. Thế nên, bài văn này tuy tôi ghi là giải thích, thực ra tôi chỉ dựa vào kinh Phật và ngữ lục của chư Tổ rồi nêu lên một số cách nhìn, cách nghĩ về bài Minh Mặc Chiếu của cá nhân tôi mà thôi.
Mặc Chiếu Minh
Mặc Mặc vọng ngôn,
Chiêu chiêu hiện tiền.
Giám thời khuếch nhĩ,
Thể xử linh nhiên.
Linh nhiên độc chiếu,
Chiếu trung hài diệu.
Lộ nguyệt tinh hà,
Tuyết tùng vân kiệu.
Hối nhi di minh,
Ẩn nhi du hiển.
Hạc mộng yên hàn,
Thủy hàm thu viễn.
Hạo kiếp không không,
Tương dữ lôi đồng.
Diệu tồn Mặc xứ,
Công vong Chiếu trung
Diệu tồn hà tồn,
Tỉnh tỉnh phá hôn.
Mặc chiếu chi đạo,
Ly vi chi căn.
Triệt kiến ly vi,
Kim thoa ngọc cơ.
Chánh thiên uyển chuyển,
Minh ám nhân y.
Y vô năng sở,
Để thời hồi hỗ.
Ẩm Thiện Kiến dược,
Oa đồ độc cổ.
Hồi hỗ để thời,
Sát hoạt tại ngã.
Môn lý xuất thân,
Chi đầu kết quả.
Mặc duy chí ngôn,
Chiếu duy phổ ứng.
Ứng bất đọa công,
Ngôn bất thiệp thính.
Vạn tượng sâm la,
Phóng quang thuyết pháp.
Bỉ bỉ chứng minh,
Các các vấn đáp.
Vấn đáp chứng minh,
Kháp kháp tương ứng.
Chiếu trung thất Mặc,
Tiện kiến xâm lăng.
Chứng minh vấn đáp,
Tương ứng kháp kháp.
Mặc trung thất Chiếu,
Hồn thành thặng pháp.
Mặc Chiếu lý viên,
Liên hoa mộng giác.
Bách xuyên phú hải,
Thiên phong hướng nhạc.
Như nga trạch nhũ,
Như phong thái hoa.
Mặc Chiếu chí đắc,
Thâu ngã tông gia.
Tông gia Mặc Chiếu,
Thấu đỉnh thấu để.
Thuấn nhã đa thân,
Mẫu đà la tý.
Thuỷ chung nhất quỹ,
Biến thái vạn sai.
Hoà thị hiến phác,
Tương Như chỉ hà.
Đương cơ hữu chuẩn,
Đại dụng bất cần.
Hoàng trung thiên tử,
Hàn ngoại tướng quân.
Ngô gia để sự,
Trúng quy trúng củ.
Truyền khứ chư phương,
Bất yếu khiêm cử.
Bài Minh Mặc Chiếu
Lặng lẽ quên lời,
Rỡ rỡ hiện tiền
Lúc soi rộng khắp,
Thể tại linh nhiên,
Linh nhiên riêng chiếu,
Trong chiếu có diệu.
Trăng sáng, sao trời,
Tuyết tùng, mây núi.
Tối lại càng sáng,
Ẩn lại càng hiện.
Mộng hạc, sương khói,
Nước chứa thu xa.
Kiếp dài không không,
Cùng nhau tương đồng.
Diệu ở chỗ lặng,
Công quên trong chiếu.
Diệu ở chỗ nào?
Tỉnh phá hôn trầm.
Pháp tu Mặc chiếu,
Nhỗ gốc vô minh.
Thấu rõ quẻ ly,
Thoa vàng, máy ngọc.
Chánh thiên đổi nhau,
Sáng tối nương nhau.
Chẳng nương năng sở,
Ngay đó đổi nhau.
Uống thuốc Thiện Kiến,
Đánh trống bôi độc.
Ngay lúc đổi nhau,
Sống chết do ta.
Xuất thân trong nhà,
Trên cây kết quả.
Tận lời là Mặc,
Ứng khắp là Chiếu.
Ứng mà chẳng dính,
Nói mà chẳng nghe.
Vạn tượng sâm la,
Phóng quang thuyết pháp.
Cùng nhau chứng minh,
Cùng nhau hỏi đáp.
Hỏi đáp chứng minh,
Khéo léo tương ứng.
Chiếu mà không Mặc,
Liền thấy hỗn loạn.
Chứng minh hỏi đáp,
Khéo léo tương ứng.
Có Mặc không Chiếu,
Liền thành pháp thừa.
Ngộ lý Mặc Chiếu,
Sen nở, mộng thức.
Trăm sông về biển,
Ngàn núi hướng nhạc.
Như ngỗng lựa sữa,
Như ong hút hoa.
Đắc tột Mặc Chiếu,
Truyền tông pháp Ta.
Tông phong Mặc Chiếu,
Tột đỉnh tột đáy.
Thân Thuấn-nhã-đa,
Tay Mẫu-đà-la.
Xưa nay một kiểu,
Thay đổi muôn hình.
Họ Hòa dâng ngọc,
Tương Như chỉ vết.
Đương cơ có phép,
Đại dụng không siêng.
Vua trong hoàng cung,
Tướng ngoài biên ải.
Việc nhà của Ta,
Theo phép theo tắc.
Truyền khắp muôn phương,
Chẳng cần lợi lộc. ¤