Nội dung:
Ai cũng có thể thành Phật, ai cũng có Phật tánh. Nhưng thường người ta không biết làm sao mới có thể thành Phật. Phương pháp để thành Phật của Tổ Bồ-đề-đạt-ma là “Tâm như tường vách”. Có nghĩa là không cần nói lý luận, không cần tu hành gì cả, hành giả chỉ cần rèn luyện nội tâm mình giống như một bức tường vững chắc là được.
Bức tường này phải là loại thông suốt và không động, nhưng người dùng lúc nào muốn sử dụng cũng sử dụng được. Chúng ta có thể treo bất cứ thứ gì hoặc vẽ bất cứ thứ gì lên nó, nhưng bất kể chúng ta treo hay vẽ cái gì thì bản thân nó cũng không thay đổi gì cả.
Tôi thường nhắc quý vị: “Đừng lưu lại bất cứ thứ gì trong tâm mình”. Ví dụ như đối với tiền bạc, chúng ta có thể gửi tiền trong ngân hàng hay bỏ tiền trong túi áo v.v…, nhưng đừng nghĩ đến tiền trong nội tâm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần đến những thứ thuộc về tinh thần như tri thức, học vấn, kinh nghiệm v.v…. Những thứ tài sản thuộc về tinh thần, khi chúng ta đã có thì nó tồn tại đó, chúng ta giữ nó vì chúng sinh, chứ không phải vì bản thân chúng ta cần nó, bản thân chúng ta phải là “không có gì cả”.
Nội tâm chúng ta phải như một cái kho. Những thứ được cất giữ trong kho phải ở đâu ở yên đó. Nếu như những món đồ trong kho mạnh cái nào nấy chạy tới chạy lui thì người giữ kho sẽ gặp phiền phức vô cùng. Những thứ trong kho khi chúng ta cần dùng cái nào thì lấy cái đó ra, không cần thì đâu ở yên đó. Thế nhưng, tâm chúng ta rất kỳ cục, khi chúng ta không cần dùng thì một chút nó chạy món này ra, một lát nó nhảy món kia ra, lăng xăng không dừng, còn khi chúng ta cần dùng đến món nào đó thì kiếm hoài không biết nó trốn đi đâu. Tôi nhớ có lần tôi tiếp chuyện một Phật tử, cô muốn nói một câu gì đó, nhưng nhớ hoài không ra mình định nói câu gì. Thật ra, khi tâm chúng ta thường yên tĩnh, bình lặng thì không cần phải tốn công suy nghĩ, kiếm tìm, hễ cần đến thứ gì đó thì lập tức nó hiện ra.
Bởi vì nội tâm chúng ta cùng lúc dấy động rất nhiều thứ, cho nên khi chúng ta cần dùng thứ gì đó thì nó ẩn đâu mất, còn lúc chúng ta không dùng đến thì nó lại hiện lên. Thế nên, tôi mong mỏi quý vị cố gắng rèn luyện tâm mình, lúc nào cũng giữ cho nó bất động giống như tường vách vậy. Có như vậy tâm quý vị mới ứng hợp với tâm chư Phật.
Bây giờ tôi muốn hỏi quý vị: Quý vị có thể rèn luyện tâm mình như một bức tường vững chắc không? Quý vị làm được không? Đem tất cả những gì đã học được, những kinh nghiệm đã trải qua đặt vào kho và đừng đụng đến nó, quý vị làm nổi không? Nếu không làm được thì phải làm sao?
Lúc bình thường có ai đó ở trước mặt chúng ta nói năng lung tung, thô bạo làm chúng ta bực bội, chúng ta hay kêu người đó im miệng. Nhưng khi nội tâm chúng ta dấy loạn não phiền làm chúng ta không thể làm việc bình thường được, chúng ta có cách gì bắt nó im lặng không? Đây là điều không dễ dàng chút nào.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma dạy chúng ta muốn luyện tâm phải tu tập Nhị nhập tứ hạnh (hiểu theo tiếng Việt là phải thâm nhập hai điều và nằm lòng bốn thứ tâm hạnh). Nhị nhập là lý nhập và hạnh nhập. Tâm như tường vách là lý nhập, bốn hạnh là hạnh nhập. Bốn hạnh gồm Báo oán hạnh, Tùy duyên hạnh, Vô sở cầu hạnh, Xứng pháp hạnh.
Tất cả những quả báo mà chúng ta nhận đời nay đều có nguyên nhân của nó, nhưng chúng ta không thể biết hết về chúng. Theo quan điểm Phật giáo, chúng sinh từ vô thủy đến nay, trải qua không biết bao nhiêu đời kiếp, những nghiệp đã tạo tích tụ lại và đi theo chúng sinh qua mỗi đời. Thế nhưng chúng ta hoàn toàn không biết được đời quá khứ của mình, và cũng không cách gì chứng minh được sự tồn tại của nó. Ngay cả trong đời này, từ lúc chúng ta sinh ra cho đến nay, có rất nhiều việc chúng ta không thể nào nhớ lại được, huống chi là việc của đời trước, chúng ta càng không nhớ được gì cả.
Do vậy, khi chúng ta gặp phải việc bất hạnh, việc không như ý hay những việc não phiền, chúng ta phải tự nhắc mình “Điều này ắt có nguyên nhân của nó”. Có thể chúng ta không biết được đó là nguyên nhân gì, nhưng chúng ta chỉ cần không thèm để ý đến nó, chỉ cần chấp nhận rằng có quả là do có nhân, và chúng ta vui vẻ đón nhận quả báo này. Có điều, nếu chúng ta chỉ biết một mực chấp nhận mọi quả báo mà không làm gì cả thì đó là thái độ tiêu cực. Chúng ta phải biết rằng một việc gì xảy ra đều có nguyên nhân của nó, nhưng nếu như chúng ta thêm một nhân khác vào trong nhân cũ thì kết quả của nó sẽ có sự thay đổi, đó là thái độ tích cực. Thế nên, thái độ đúng đắn của chúng ta là khi gặp một việc phiền não nào chúng ta phải vừa vui vẻ chấp nhận nó vừa tìm cách giải quyết nó.
Khi chúng ta gặp việc bất hạnh đừng khởi phiền não. Ví dụ nhà chúng ta đang ở đột nhiên bị cháy, chúng ta phải làm sao đây? Nhà cháy chắc chắn là có nguyên nhân. Vậy chúng ta lập tức chữa cháy trước? Hay lập tức chạy ra khỏi nhà trước? Hay là ngồi xuống suy nghĩ xem tại sao nhà bị cháy? Đương nhiên, việc gì xảy ra cũng có nguyên nhân, nhưng khi việc đang xảy ra, đầu tiên chúng ta đừng quan tâm đến nguyên nhân của nó mà phải ưu tiên tìm cách giải quyết vấn đề đã. Giống như nhà bị cháy, điều đầu tiên chúng ta phải làm là chạy ra khỏi nhà để bảo vệ sinh mạng mình trước đã, kế đó là tìm cách chữa cháy để giảm thiệt hại về tài sản, sau cùng mới tìm hiểu nguyên nhân của nó để phòng ngừa về sau. Nếu có thể làm được như vậy thì mới giải quyết được những việc bất như ý xảy ra trong đời mình. Bất cứ việc khó khăn nào xảy ra chúng ta cũng có thể dùng cách này để tiếp nhận và giải quyết chúng.
Bất cứ việc may mắn, việc tốt lành nào xảy đến với chúng ta cũng đều có nguyên nhân của nó. Gặp việc bất hạnh chúng ta cảm thấy đau khổ, đó là tâm lý bình thường. Nhưng có một số người ngược lại, khi gặp việc may mắn chẳng những không vui mà còn thấy đó là khổ đau. Chúng ta thử hỏi những người có địa vị, có tài sản, có quyền thế, họ có thực sự vui vẻ không? Có nhiều người cho rằng chỉ cần có tiền của, có địa vị, có quyền lực là hạnh phúc rồi, nhưng thực ra không chắc là như vậy.
Một chàng trai theo đuổi một bạn gái, đó có phải là điều may mắn không? Không nhất định là may mắn, nhưng cũng không hẳn là không vui. Ý tôi muốn nói là trong quá trình tiến triển của sự việc này có thể sẽ phát sinh những điều không vui. Thế nên, bất cứ chúng ta gặp việc thành công hay gặp việc may mắn đừng quá vui mừng cũng đừng khởi tâm kiêu ngạo. Có nhiều người khi gặp việc đắc ý thường hay quên mất mình là ai. Tôn Trung Sơn (được người Đài Loan tôn xưng là Quốc phụ) từng kể một câu chuyện như sau: Một người ăn xin mua một tờ vé số và không ngờ trúng độc đắc, toàn bộ tài sản của anh ta chỉ là một cây gậy trúc, vì để phòng ngừa tờ vé số bị rơi mất nên anh nhét nó vào cây gậy. Sau đó anh mơ mộng nghĩ đến việc phát tài sau này, trong lòng hết sức hưng phấn vui mừng, càng tưởng tượng càng đắc ý, nhìn đến cây gậy và chợt nghĩ: Sau này mình phát tài rồi đâu cần phải đi ăn xin nữa, cây gậy dùng để đi xin ăn này đâu còn giá trị gì nữa, mình giữ nó để làm gì. Thế là trong lúc vui sướng anh ném cây gậy xuống sông. Đến khi nghĩ đến đi đổi vé số trúng mới chợt nhớ là tờ vé số mình nhét trong cây gậy. Vậy là, tiền không có mà cây gậy cũng mất luôn, vốn đã nghèo chỉ còn một cây gậy làm tài sản, do đắc ý quên mình, cả tài sản cuối cùng cũng mất luôn.
Đối với người tu thiền, khi gặp phải những việc tương tự như thế này, họ cũng chỉ xem là việc bình thường. Tiền đến thì tiền đến, nó đến ắt có nguyên nhân, cũng giống như một người đi rút một món tiền lớn trong ngân hàng, tiền này vốn do chính họ gửi vào, bây giờ họ rút ra, có gì đáng để vui mừng!
Dù là người phương đông hay người phương tây đều có cùng quan niệm rằng: Nếu một người sống ở đời mà không có mong cầu gì thì sống trên thế gian này để làm gì?
Bất cứ một mong cầu gì đều tương đương với một niềm hy vọng. Nhờ có một niềm hy vọng để mong cầu nên chúng ta mới nỗ lực làm việc, đó là việc bình thường của con người. Có ước mơ là việc bình thường. Thế nhưng, không phải ước mơ nào của chúng ta cũng đều có thể thực hiện được. Dân gian có câu: “Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở; Vô tình tiếp liễu liễu xanh um.”
Quý vị có mặt trong đạo tràng này phần lớn là thanh niên. Tôi muốn hỏi quý vị hồi ấu thơ có bao giờ quý vị nghĩ hay nói rằng: “Mai mốt tôi lớn lên tôi sẽ thế này thế này…”, rồi đến khi lớn lên học trung học, đại học, ước mơ lại bắt đầu thay đổi. Tôi có một đệ tử tại gia, trước ông là giáo sư triết học, sau chuyển qua học âm nhạc, bây giờ vừa giảng dạy Phật pháp vừa làm thầy dạy mát-xa. Cả đời ông cho đến bây giờ ông cũng không rõ cái nào mới là mục tiêu cuối cùng của mình. Và ông cũng không nhớ lúc ban đầu ông định học cái gì nữa. Tuy ông học rất nhiều thứ, nhưng những điều này cũng không trở ngại gì. Giống như một ngôi nhà lớn có nhiều cửa mở rộng cho mọi người vào. Những người muốn vào ngôi nhà này có thể đi vào từ cửa đông, cũng có thể đi vào từ cửa tây, hoặc đi từ đường hầm leo thang lên, hoặc đáp trực thăng đi từ sân thượng xuống v.v… Hoặc giả sử có người đi vào từ cửa này xong, lại muốn trở ra đi bằng các cửa khác tìm hiểu xem sao, thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình, muốn đi ra đi vào kiểu nào cũng được. Thế nhưng điều quan trọng nhất là, nếu bạn có thể vào được đến trung tâm của ngôi nhà thì dù bạn đi vào bằng bất cứ cửa nào, những điều bạn nhìn thấy, bạn cảm nhận được đều hoàn toàn giống nhau.
Giả sử ngay lúc ban đầu bạn chỉ đặt định một cửa cố định để vào, như thế vẫn có thể sẽ xuất hiện những vấn đề rắc rối. Vì có thể có một cửa nào đó bạn muốn vào nhưng không cách gì vào được, bạn thấy những người khác đi vào rất dễ dàng, nhưng đến phiên bạn thì làm gì cũng không vào được. Gặp phải trường hợp này bạn cũng đừng nãn lòng, vào không được cửa này, bạn đi vòng tìm cửa khác mà vào. Người ở trong cửa có thể sẽ nói “Sao bạn cũng có thể vào được từ cửa này?”
Thế nên, “không mong cầu” (vô sở cầu) là muốn chúng ta đừng cố theo đuổi những ước mơ mà sức chúng ta không thể nào làm được. Có điều, dù làm việc gì chúng ta cũng phải cố gắng nỗ lực, vì nỗ lực chính là đời sống của con người.
Nếu như bạn tu hành là vì một mục đích nào đó, thì sự tu hành của bạn chỉ là vô ích mà thôi, nó sẽ trở thành một loại chấp trước, một chướng ngại, ngăn trở bạn đạt đến mục đích. Chướng ngại này là gì? Đó là “Có mong cầu”. Vì mục tiêu mà làm bất cứ việc gì, điều này đối với người đời, hay đối với việc ngoài đời thì có thể cầu được ước thấy. Nhưng đối với việc tu hành, việc khai ngộ thì hoàn toàn khác. Mặc dù ai cũng có thể khai ngộ, ai cũng có thể phát nguyện khai ngộ, nhưng trong quá trình tu hành, nếu chỉ một mực cầu tìm khai ngộ thì khai ngộ sẽ càng ngày càng cách xa bạn. Vì khai ngộ có nghĩa là giải thoát, giải thoát khỏi mọi sự trói buộc đến từ ngoại cảnh hay nội tâm bạn. Nếu bạn theo đuổi sự khai ngộ tức là tâm bạn có chỗ mong cầu, nó sẽ trở thành sự chấp trước trong tâm bạn, trói buộc bạn và làm cho bạn bị chướng ngại, không thể giải thoát được.
Bốn hạnh này hay bốn phương pháp này được sắp xếp theo thứ lớp từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu.
Hạnh thứ tư gọi là xứng pháp hạnh (hạnh theo pháp mà làm). Hạnh này dạy chúng ta: “Bất cứ việc gì nên làm thế nào thì làm thế đó, cần mình làm cái gì thì mình làm cái đó.” Bởi vì, nếu chỉ dừng lại ở hạnh vô sở cầu rất có thể sẽ làm cho chúng ta có tâm lý tiêu cực, mình đã không mong cầu gì cả thì thôi mình đừng làm gì cả. Xứng pháp hạnh chính là dạy chúng ta tích cực làm việc, nỗ lực làm việc trong khả năng của mình.
Tôi có quen một thanh niên, cậu lập chí muốn trở thành luật sư. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu đăng ký thi vào đại học Luật, thi liên tiếp ba năm đều không đậu. Sau cùng thi đậu vào ngành quản lý thư viện. Cậu thất vọng chán nãn vô cùng, muốn làm luật sư nhưng ước mơ không thực hiện được. Sau vài năm, cậu du học qua Pháp, nghiên cứu sâu thêm về ngành quản lý thư viện và đạt được bằng tiến sĩ về ngành này. Nhân tài trong ngành này rất ít có, cho nên trước khi cậu trở về nước, chính phủ đã sắp xếp để mời cậu nhận chức quản lý thư viện lớn nhất và mới nhất của quốc gia, vì trong nước đang thiếu loại nhân tài này. Lúc cậu mới đậu vào ngành này, có người dạy cậu thế này: “Bước lên thuyền của hải tặc thì phải làm việc cho hải tặc, cậu đã đậu vào ngành quản lý thư viện thì cậu hãy cố gắng nỗ lực học tập và nghiên cứu sâu về nó.” Có nghĩa là dù chúng ta ở trong bất cứ địa vị nào, bất cứ ngành nghề nào hay bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải cố gắng nỗ lực làm hết sức mình trong môi trường đó, ngành nghề đó.
Nếu chúng ta gặp phải hoàn cảnh thay đổi, điều kiện thay đổi mà chúng ta biết đặt mình vào trong hoàn cảnh mới để sống, trong mọi tình huống chúng ta đều nỗ lực sống hết mình và giữ mãi thái độ sống này suốt đời thì đời sống của chúng ta sẽ vô cùng thuận lợi, không phải gặp nhiều phiền não. ¤