Nội dung:
Thời gian và không gian là tên khác của vũ trụ. Không gian gồm bốn phương cộng phương trên phương dưới gọi là “vũ”, thời gian từ xưa đến nay gọi là “trụ”. Nói cách khác, thời gian và không gian ngang dọc giao nhau, kéo dài đến vô cùng gọi là vũ trụ. Thời gian và không gian cũng là tên khác của thế gian. Thời gian kéo dài liên tục từ quá khứ, hiện tại đến vị lai gọi là “thế”, “thế” có thể ngược dòng kéo dài đến tận cùng của quá khứ, cũng có thể suy diễn đến vô hạn trong vị lai. Sự phân chia trong không gian gọi là “gian”, nó có thể rất nhỏ như một tiểu vi trần dùng kính hiển vi cũng không nhìn thấy, cũng có thể là rất lớn đến chỉ có những nhà thiên văn mới tưởng tượng nổi. Đường của thời gian hợp với điểm và mặt của không gian tạo thành thế gian.
Thời gian và không gian cũng là tên khác của “hoạt động”. Sự di động của vật thể, sự biến thiên của vật tượng và sự biến hóa của vật chất đều phát sinh từ các hoạt động trong thời gian và không gian. Nếu lìa thời gian, không gian thì hiện tượng hoạt động không tồn tại. Từ đó suy ra, nếu có vật nào đó vĩnh hằng thì vật đó nhất định phải bất động, đồng thời nó cũng không được chiếm một vị trí nào trong thời gian và không gian.
Thời gian và không gian cũng là tên khác của “tồn tại”. Phàm tất cả những vật nào tồn tại, dù là vật lý, sinh lý, tâm lý, năm tháng cho đến những thứ thuần túy tinh thần v.v… đều có hiện tượng và tên gọi riêng của chúng, hễ có hiện tượng và tên gọi đều không thể tồn tại ngoài thời gian và không gian. Cho dù là hoạt động thuần túy tinh thần như những hoạt động của linh thể, quỷ thần v.v… cũng phải nương tựa vào hoạt động của vật thể mới biểu hiện được, bản thân cõi linh không thể có động tác biểu hiện, chúng chỉ là một loại năng lượng tồn tại, mà loại năng lượng này muốn phát sinh phải nương tựa vào hiện tượng vật thể. Thế nên, hễ có hoạt động, có tồn tại đều không thể ra ngoài phạm vi của thời gian và không gian.
Thời gian và không gian tại sao là huyễn có? Huyễn có nghĩa là có hiện tượng nhưng không có thực thể, có tác dụng nhưng không có thực chất. “Có” chia ra “có chủ quan”, “có khách quan” và “có duy tâm”. Có khách quan là chỉ thế giới mà tất cả chúng sinh đồng chung hưởng. Thế giới cộng đồng khách quan của tất cả chúng sinh không lúc nào rời thế giới chủ quan của mỗi cá nhân, sự ra đời và mất đi của bất cứ cá nhân nào cũng đều làm cho thế giới khách quan thay đổi. Tuy hành vi của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến cả thế giới không phải lúc nào cũng rõ rệt, nhưng chỉ cần có tham dự hoạt động, bất kể là về nhân văn hay về môi trường tự nhiên v.v… đều sẽ tạo ra ảnh hưởng thế giới. Cũng có thể nói, từ quá khứ đến nay, từng cá nhân ra đời và mất đi đều làm cho thế giới thay đổi không ngừng. Chính vì nó không phải vĩnh hằng không đổi nên gọi nó là huyễn có.
Còn thế giới chủ quan là chỉ thế giới tự ngã của một cá nhân từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời, vừa thuộc về tâm lý cũng vừa thuộc về hiện thực. Bất kể là môi trường sống của chúng ta hay mối quan hệ xã hội giữa bạn bè người thân v.v…, hễ tôi còn là có, tôi mất đi là không. Từ sau khi ra đời, mỗi phút mỗi giây chúng ta đều đang ở trong sự biến hóa. Tổ chức tế bào trong thân thể, các phần tử trong gia đình, các mối quan hệ ngoài xã hội cho đến sự sự vật vật ngoài môi trường tự nhiên v.v… không có cái nào không thay đổi từng sát na, ngay cả hoạt động trong tâm cũng đang niệm niệm sinh diệt, trong suốt quá trình từ ra đời đến mất đi, sự thay đổi không lúc nào dừng nghỉ. Thế nên, sự tồn tại của mỗi cá nhân chỉ là huyễn có chứ không phải thật có.
“Có duy tâm” có thể chia ra duy tâm theo triết học tây phương, duy tâm theo khoa học và duy tâm theo Phật giáo. Duy tâm theo triết học tây phương là quan niệm về hình nhi thượng, lấy lý niệm tối cao làm Tâm, có chia ra chủ tri, chủ tình, chủ ý, trên thực tế, nó tương tự thuyết “lương tri” của đông phương hoặc chữ “lý” trong thiên lý. Duy tâm theo khoa học thì dựa vào sự phân tích các hoạt động tâm lý, nội dung của nó chỉ là dựa vào các cuộc khảo sát về kinh nghiệm và ký ức rồi thuyết minh thêm, thế nên lý luận của nó gần giống với lý luận về duy vật, còn những vấn đề về toàn bộ thế giới và đời sống trước khi sinh, sau khi chết của cá nhân đều không nằm trong sự nghiên cứu của họ.
Duy tâm trong Phật giáo gọi là ý thức, thuyết duy tâm này là đứng trên lập trường của Phật Bồ-tát, những vị đã giải thoát, cho rằng tất cả mọi hiện tượng trên thế gian đều là những sự vật trong tâm Phật, chúng sinh là chúng sinh trong tâm chư Phật, chư Phật là chư Phật trong tâm chúng sinh, “Tâm” này chính là Chân như Phật tánh mà chư Phật và chúng sinh đồng có. Còn ý thức là đứng trên lập trường của chúng sinh phàm phu, tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay do vô minh phiền não mà có hiện tượng sinh tử, có sinh tử nên có phân biệt chấp trước về nhân ngã, do đó mà tạo nghiệp thọ báo. Nghiệp đã tạo dù thiện, ác hay vô ký đều có sức mạnh của nó, gọi là nghiệp lực hay chủng tử, cũng gọi là nghiệp nhân. Trung tâm tập hợp các chủng tử nghiệp nhân gọi là Thức, tiếng Phạn gọi là A-lại-da, có nghĩa là tàng thức, nó cất chứa những chủng tử nghiệp này, sau đó đợi đủ nhân duyên làm cho chủng tử hiện hành, đây chính là sự hiển hiện của quả báo. Do vậy, Phật giáo gọi là duy tâm cũng được, gọi là duy thức cũng đúng, đều là để giải thích rõ các hiện tượng mà chư Phật, Bồ-tát và tất cả chúng sinh hoạt động trong thế gian, mà tất cả các hiện tượng này đều thay đổi không dừng, chỉ là tạm có chứ không phải có mãi. Phật giáo gọi hiện tượng này là “Không”, hoặc nói “Chư pháp không tướng”, hay nói “Tính Không”.
Theo quan điểm Phật giáo, thời gian và không gian không thể phân chia. Pháp thế gian do Đức Phật nói ra gọi là Phật pháp. Phật pháp là gì? Nguyên tắc căn bản của nó là pháp nhân quả và nhân duyên, mà nhân quả và nhân duyên lại không thể phân chia, trên thực tế chúng làm thành cho nhau. Quan hệ trước sau từ nhân đến quả là tướng thời gian, quan hệ chủ khách giữa các hiện tượng đây kia là tướng không gian, bất kể là quan hệ trước sau của thời gian hay quan hệ đây kia của không gian đều thuộc về pháp nhân duyên. Gọi là nhân duyên thì phải có chủ khách, chúng làm chủ khách cho nhau, nhân chủ thể chỉ có một, duyên khách quan thì có thể nhiều có thể ít, giữa nhân và duyên lại có thể thay đổi quan hệ chủ khách cho nhau, thế nên nhân duyên không lìa nhân quả, nhân quả cũng không lìa nhân duyên.
Nhân duyên mà người bình thường hiểu chỉ là chỉ mối quan hệ hỗ tương trong vị trí của thời gian, ví dụ như nói “chúng duyên hợp thành” tức là nói do nhiều nhân tố hợp lại làm phát sinh một hiện tượng nào đó. Sự thực, đối tượng nhân duyên của Phật giáo không phải là vật mà là người, do đó bài giảng nhân duyên đầu tiên của Phật không phải nói về mối quan hệ đây kia của các hiện tượng vật chất trong không gian, mà là chỉ mối quan hệ trước sau của sinh tử, gọi quá khứ, hiện tại, vị lai. Vô lượng kiếp quá khứ, vô lượng kiếp vị lai cộng với đời hiện tại gọi là Tam thế vô cùng (ba đời không cùng tận). Pháp 12 nhân duyên còn gọi là ba đời mười hai nhân duyên. 12 nhân duyên gồm Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Hai loại đầu thuộc đời quá khứ, tám loại giữa thuộc đời hiện tại, hai loại cuối cùng thuộc đời vị lai. Duyên quá khứ có hiện tại, duyên hiện tại có vị lai, cũng tức là do mối quan hệ của quá khứ mà có hiện tại, do mối quan hệ của hiện tại mà có vị lai. Nếu muốn giải thoát nhân quả trong ba đời thì phải phá trừ căn bản “vô minh” để ra khỏi thế gian, tức là vượt thoát khỏi phạm vi của thời gian và không gian, mà muốn vượt thoát thì phải tu hành.
Kinh A-hàm của Phật giáo nguyên thủy lấy hai câu “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” để nói rõ sự không vĩnh hằng của thời gian và sự không thực tại của không gian. Chư hành ở đây là chỉ hành vi của thân tâm, trong đó lấy hành vi của tâm làm chủ. Tâm niệm sinh diệt từng sát na nên là vô thường, giữa niệm trước và niệm sau tuy không có một quỹ đạo tuần hoàn nhất định, nhưng niệm trước không phải là niệm sau, cho nên bất cứ niệm nào cũng đều là hiện tượng xuất hiện tạm thời trên mặt thời gian. Còn chư pháp là chỉ tất cả hiện tượng tồn tại trong không gian, bao gồm cả ngôn ngữ văn tự và tư tưởng quan niệm. Tuy giữa các hiện tượng có liên quan với nhau, nhưng hễ là hiện tượng thì không có cái nào không mất đây sinh kia, nằm giữa sự tăng giảm của nhau, cái mà chúng sinh cho là Ta (ngã), ngoài những hiện tượng này không còn chỗ nào có thể chỉ ra được, cũng không còn chỗ nào có thể loại trừ được. Tuy tất cả các hiện tượng đều biến đổi không dừng, nhưng bất luận là tâm tướng, sự tướng hay vật tướng cũng đều không có cái nào là ngã thật. Đây là điều không thể nghi ngờ.
Các pháp hữu vi thế tục thì không lìa thời gian và không gian, còn các pháp vô vi xuất thế thì không chiếm vị trí nào trong thời gian và không gian, cũng không nằm trong phạm vi của quan niệm, lý luận, và không có chỗ dính dáng, chỗ chấp trước. Quan niệm về thời gian và không gian của Phật giáo Đại thừa cũng có nhiều loại, ở đây tôi xin giới thiệu hai hệ thống:
Trung Quán Luận phẩm Quán Thời nói: “Nếu nhân quá khứ có hiện tại vị lai thì hiện tại vị lai phải ở trong quá khứ. Nếu trong quá khứ không có hiện tại vị lai thì hiện tại vị lai sao lại có nhân quá khứ?” Câu này có nghĩa là nếu nhân quá khứ có hiện tại vị lai thì hiện tại vị lai phải ở trong quá khứ, nếu trong quá khứ không có hiện tại vị lai thì hiện tại vị lai không thể do nhân quá khứ mà có. Nếu không phải do nhân quá khứ có hiện tại vị lai thì hiện tại vị lai cũng không tồn tại. Đây là Trung Quán Luận nói rõ thời gian không tồn tại, nếu bắt buộc phải nói có chỗ tồn tại thì chỉ là sự tồn tại tương đối mà thôi.
Tại sao biết có tương đối? Đây là do sự vận động của vật thể trong không gian mà liên tưởng đến sự tồn tại của thời gian. Nhưng bản thân vật thể đều do nhân duyên hợp mà thành, từng phút giây đều đang biến đổi, chứ không phải là vật thể chân thật không đổi. Vậy, thời gian nhân vật thể mà có, vật thể do nhân duyên mà có, bản thân nhân duyên là pháp giả lập, thế nên thời gian và không gian đều không thật tồn tại. Do đó, Trung Quán Luận phẩm Quán Thời nói: “Nhân vật nên có thời gian, lìa vật thời gian làm sao có, vật còn không chỗ có, huống nữa là có thời gian.” Đây là phủ định triệt để tính chân thật của thời gian và không gian.
Trong 75 pháp của Câu Xá Luận lấy bốn tướng “sinh, trụ, dị, diệt” để nói rõ các hiện tượng vận động của chư pháp trong thời gian và không gian. Trong bách pháp của Duy Thức Luận lấy “sinh, lão, trụ, vô thường, lưu chuyển, định dị, tương ưng, thế tốc, thứ đẳng, phương, thời, số, tánh hòa hợp, tánh không hòa hợp v.v…” để nói rõ các trạng thái của các hiện tượng trong thời gian và không gian. Kinh điển thời kỳ đầu chỉ nói ba tướng sinh, trụ, diệt, kinh điển thời kỳ sau nói bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt, dị trên thực tế là sự biến hóa của trụ. Bất cứ hiện tượng nào đều ở khoảng giữa sinh và diệt, dù thời gian dài hay ngắn đều có một quá trình tiếp diễn, mới xem tựa như không có gì thay đổi, sự thực từ lúc sinh ra đến khi tiêu mất không có lúc nào không đang thay đổi, từ thay đổi về chất đến thay đổi về lượng, rồi thay đổi về hình, cuối cùng là tiêu mất. Còn 14 loại tướng pháp được nêu lên trong bách pháp đều nói chư pháp trước sau liên tục trên mặt thời gian, và vị trí thay đổi trên mặt không gian. Thật ra, dùng bốn tướng thuyết minh cũng được, dùng 14 tướng thuyết minh cũng tốt, đều chẳng phải là con số cố định, mà chỉ là để nói rõ tất cả các hiện tượng đều vận động không ngừng trong thời gian và không gian. Mục đích của Duy thức chính là để chỉ ra hiện tượng tuy có nhưng thực chất là không, dùng lý luận này để phá trừ chấp trước cho chúng sinh.
Gồm 2 nội dung:
Phật giáo gọi tất cả những gì có ý nghĩa sinh mạng là hữu tình chúng sinh. Thực vật, khoáng vật gọi là vô tình chúng sinh. Chữ “Tình” là chỉ sự nắm giữ về sinh mạng. Chúng ta có thể chia sự nắm giữ sinh mạng làm ba tầng bậc: Bậc 1: Có tế bào và thần kinh; Bậc 2: Có tế bào, thần kinh và có ký ức; Bậc 3: Có tế bào, thần kinh, ký ức cộng thêm khả năng suy nghĩ.
Nếu chỉ có tế bào và những tổ chức vi mô do tế bào tạo thành, bao gồm cả sinh vật và thực vật đơn bào, tuy chúng có hiện tượng sinh mạng nhưng không có sự nắm giữ sinh mạng nên gọi chúng là vô tình chúng sinh. Bắt buộc phải có tổ chức thần kinh mới biết đau, có ký ức mới biết sợ đau, có suy nghĩ mới biết đau có thể tránh và mong có thể tránh được. Do đó, sau khi có tổ chức thần kinh mới phát sinh sự nắm giữ sinh mạng và trình độ nắm giữ có cạn sâu. Sự nắm giữ sinh mạng của con người là sâu nhất vì họ có đầy đủ khả năng suy nghĩ. Kế đến là những động vật cao cấp như voi, chó, ngựa, khỉ, anh vũ v.v… đều có khả năng ghi nhớ tương đối tốt. Thứ đến là động vật cấp thấp, chúng có tác dụng của hệ thống thần kinh nên được gọi là hữu tình.
Chữ Tình ở đây không chỉ giới hạn ở chữ tình trong tình cảm, phạm vi của nó có thể chia làm ba: ưa thích, cảm tình, tình yêu. Chỉ có con người là đủ cả ba loại tình này, động vật cấp cao có ưa thích và cảm tình, động vật cấp thấp chỉ có ưa thích, cũng tức là loại nhu cầu bản năng. Khổng Tử nói: Thực (ăn uống), sắc (hình thể), tính (bản năng) là vận động tự nhiên khiến cho sinh mạng tồn tại và không ngừng sinh sôi nảy nở, những thứ này cũng thuộc về phạm vi của chữ “tình”, do vậy Phật pháp gọi chúng là hữu tình.
Phật pháp chia quá trình sinh mạng của hữu tình chúng sinh làm bốn giai đoạn sinh già bệnh chết, chia thực vật thuộc vô tình chúng sinh làm bốn giai đoạn sinh trụ dị diệt, chia thế giới vật lý mà tất cả chúng sinh cư ngụ làm bốn hiện tượng thành trụ hoại không. Bất kể là bản thân sinh mạng chúng sinh hay thế giới mà chúng sinh nương tựa đều đang không ngừng biến đổi liên tục, không có bất cứ thứ gì vĩnh hằng không đổi, nên Phật pháp gọi đó là duyên khởi, duyên tụ thì sinh, duyên tán thì diệt.
Theo quan điểm Phật giáo, hữu tình chúng sinh là chủ thể của sinh mạng, vô tình chúng sinh là nơi nương tựa của sinh mạng. Hữu tình chúng sinh là chánh báo, vô tình chúng sinh là y báo. Y báo nhân nơi chánh báo mà hình thành, nếu chỉ có chánh báo không có y báo thì hiện tượng sinh mạng không thể biểu hiện ra được. Nói cách khác, nếu hữu tình chúng sinh không có thời gian và không gian để hoạt động sinh tồn thì hiện tượng sinh mạng cũng không thể thành lập. Chúng ta có thể dụ y báo như ngôi nhà, chánh báo như chủ nhân của ngôi nhà. Nếu không có người ở, nhà không còn cần thiết nữa, vì có người mới cần có nhà cửa. Tóm lại, nguyên nhân thế giới hình thành và tồn tại là vì phục vụ cho hoạt động của hữu tình chúng sinh. Đây là kết quả cảm ứng từ vô số nghiệp lực do chúng sinh tạo từ vô thủy kiếp đến nay. Nhất thần giáo chủ trương thần tạo ra vạn vật và con người có nhiệm vụ giữ gìn, quản lý; còn Phật giáo nói thế giới vạn vật có ra là do cộng nghiệp của tất cả chúng sinh sinh đến thế giới này cảm nên.
Vậy khởi nguyên của sinh mạng là gì? Đây là một câu hỏi rất thông tục, các tôn giáo khác đều cho là sinh mạng do Thần sáng tạo ra. Nếu truy vấn thêm Thần do ai tạo ra? Tại sao Thần phải tạo ra sinh mạng? Từ đây sẽ không tránh khỏi tự rơi vào mâu thuẫn. Phật giáo chủ trương sinh mạng chúng sinh từ vô thủy đã có, không có ai sáng tạo ra. Điều mà Phật giáo đề cập là làm sao để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sống của chúng sinh, và làm sao từ những vấn đề này đạt được giải thoát. Ví dụ có người trúng tên độc, điều quan trọng hơn hết là phải rút mũi tên độc đó ra rồi trị liệu vết thương, nếu chỉ lo nghiên cứu mũi tên này do ai phát minh ra, cách chế tạo nó như thế nào v.v…, những điều này không có ý nghĩa gì đối với người bị trúng tên cả.
Có hai lập trường nói về cách hình thành sinh mạng là lập trường của phàm phu và lập trường của Thánh nhân. Phàm phu cho rằng sự hình thành và nối tiếp của sinh mạng là do nghiệp cảm duyên khởi và A-lại-da duyên khởi.
Như trước nói tạo nghiệp gì sẽ cảm quả đó. Do chúng sinh đắm trước sinh mạng nên có tình chấp, do đó, sẽ có bản năng ham sống. Từ bản năng ham sống phát triển thành xu thế tự tư, do trung tâm tự ngã tự tư đó mà có các tâm tham, sân, si, mạn, nghi v.v…, từ đó tạo ra các hành vi ở thân miệng như sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối v.v… Đứng về phương diện tốt, vì sự an toàn của gia đình, dân tộc, quốc gia, xã hội mà phát sinh những hành vi phù hợp với đạo đức luân lý. Theo cách nói thông thường, những việc làm nào chỉ vì lợi ích tự tư cá nhân là xấu, còn vì lợi ích gia tộc, xã hội, nhân loại v.v… là tốt. Thế nhưng, bất luận là vì cá nhân hay vì người, thiện hay ác đều là sự chấp trước vào sinh mạng. Tất cả những hành vi do chấp trước sinh ra đều gọi là nghiệp hữu lậu, nó chắc chắn sẽ tạo ra quả báo cho một sinh mạng khác. Nói cách khác, trong quả báo sinh mạng đời này lại tiếp tục tạo ra các nghiệp thiện ác làm nhân để hình thành quả báo cho đời vị lai, đây gọi là nghiệp cảm duyên khởi. Nếu không biết làm sao để từ sự chấp trước sinh mạng đạt được giải thoát thì sẽ đời này qua đời khác sinh tử không dứt, vĩnh viễn không dừng.
Nghiệp chúng sinh tạo sẽ hình thành chủng tử cho quả báo đời vị lai, tạo nghiệp đời này, bất luận là thiện hay ác, có thể ngay trong đời này nhận quả báo, nhưng phần lớn khó thấy được kết quả trong hiện đời. Vì nhân quả báo ứng chia làm ba loại là hoa báo, quả báo và dư báo. Đời này tạo nghiệp ngay trong đời thọ báo gọi là hoa báo, loại quả báo này có thể nói chỉ là một góc nhỏ của núi băng, báo ứng chủ yếu là ở đời vị lai, gọi là quả báo; một đời thậm chí nhiều đời ở vị lai vẫn thọ không hết quả báo, gọi là dư báo. Ví dụ: Tạo ngũ nghịch tội sau khi chết đọa địa ngục là quả báo, trước khi xuống địa ngục ở nhân gian bị người xa lánh là hoa báo, sau khi trả báo xong ở địa ngục sinh lên nhân gian vẫn bị nghèo cùng, bệnh tật, đê tiện thấp hèn, tứ chi không đủ, giác quan khiếm khuyết v.v… đây là dư báo. Sau khi tạo nghiệp, ngay hiện đời chưa thọ báo, tất cả những nghiệp đã tạo đều là nhân để đời sau thọ báo, những nhân này tàng trữ trong chủ thể sinh mạng của chúng ta, cũng tức là thức thứ tám A-lại-da. A-lại-da là tiếng Phạn, có nghĩa là tàng trữ. Nó có công năng chứa giữ tất cả nghiệp nhân đợi đến vị lai khi nhân duyên chín muồi sẽ biến thành sinh mạng và thế giới quả báo. Nghiệp nhân cũng gọi là nghiệp chủng, A-lại-da cũng gọi là chủng tử thức hay dị thục thức. Dị thục có nghĩa là dị thời (lúc khác), dị loại (loại khác), biến dị nhi thục (thay đổi để chín muồi). Dị thời có nghĩa là đời này tạo nghiệp đời sau thọ báo. Dị loại có nghĩa lúc làm người tạo nghiệp có thể sẽ thọ báo trong súc sinh hoặc địa ngục, cũng có thể sẽ thọ báo trên thiên đường. Biến dị có nghĩa là từ chất biến dẫn đến lượng biến, ví dụ giết chín người cứu một người, lúc thọ báo ở vị lai không phải sẽ tương đương bị giết chín lần và giết lại người một lần, bởi vì nghiệp ác nặng mà nghiệp thiện yếu, lúc thọ báo sẽ không được làm người, có thể sẽ thọ báo súc sinh hoặc địa ngục, bất luận là chất hay lượng đều sẽ thay đổi. Nhưng vì họ có cứu một người, điểm nhân thiện này sẽ khiến họ sau khi trả ác báo xong có thể sẽ gặp nhân duyên tốt, như gặp quý nhân giúp đỡ họ một lần, hoặc nghe được một câu Phật pháp khiến họ có tỉnh ngộ, nhưng không chắc họ sẽ được cứu khi gặp nguy hiểm sinh mạng. Đây là ý nghĩa biến dị nhi thục. Nếu muốn hiểu rõ ý nghĩa chi tiết về A-lại-da duyên khởi có thể nghiên cứu Duy thức học.
Người bình thường thường hiểu lầm Phật giáo, thậm chí tín đồ Phật giáo cũng có một số hiểu lầm Phật giáo cho Phật giáo là xuất thế. Thế gian quá khổ, sau khi lìa khỏi thế gian liền được giải thoát, cho nên họ tin theo Phật giáo và hành trì Phật pháp với mục đích là để chạy trốn hiện thực, lìa khỏi thế gian là giải thoát, Niết bàn. Dường như có ý cho rằng những sinh mạng sống ở thế gian đều là những chúng sinh tội ác, vì họ tạo nghiệp gì thì thọ báo đó. Nếu tu thành công tức được giải thoát, tự nhiên lìa khỏi thế giới chúng sinh.
Sự thực, những tín đồ Phật giáo có chánh tín hiểu rõ Phật pháp chân chính không phải như vậy. Tuy trong giáo lý Phật giáo, Thánh nhân tiểu thừa đạt đến quả vị thứ ba A-na-hàm sẽ không trở lại nhân gian, đến tứ quả A-la-hán là ra khỏi ba cõi, nhập vào cảnh giới tịch diệt Niết-bàn, không còn bất cứ quan hệ gì với thế giới chúng sinh. Trên thực tế, từ lúc Đức Giáo Chủ Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập đạo Phật cho đến ngày nay, tư tưởng Tiểu thừa tuy tồn tại, những người hành theo tiểu thừa có xuất hiện qua, nhưng đây không phải là mục đích Đức Phật sáng lập Phật giáo mà chỉ là vấn đề của một số người cục bộ mà thôi. Vì ngay trong Tăng đoàn lúc Đức Phật tại thế có hơn ngàn vị Đại A-la-hán, tuyệt đại đa số đều là những Tỳ Kheo ở nhân gian, tức là những Thánh nhân A-la-hán đang hoằng hóa trong nhân gian. Nếu nói chứng A-la-hán thì phải lìa khỏi thế gian, điều này không đúng với lịch sử đạo Phật. Nếu thực có Tăng đoàn tiểu thừa thì Tăng đoàn này không qua lại với nhân gian, theo lý thì sẽ không có chỗ để sinh tồn. Các bộ phái Phật giáo đã lưu truyền khắp nơi trên thế giới và trải dài trong lịch sử nhân gian, điều này chứng tỏ rằng trong Phật giáo thực sự không có pháp tiểu thừa đúng nghĩa. Bất luận là tư tưởng của họ như thế nào cũng đều không hề lìa khỏi nhân gian. Trước khi thành đạo, họ ở nhân gian tu hành, sau khi thành đạo họ ở nhân gian giáo hóa chúng sinh, và đây mới là ý nghĩa thật sự của Phật giáo.
Thế nhưng điều này lại dẫn đến một vấn đề thắc mắc khác: Phàm phu vì giải quyết sinh tử phiền não mà tu theo Phật pháp, mục đích là để rời khỏi vị trí phàm phu tiến vào cảnh giới Thánh nhân. Đã thành Thánh nhân thì không còn những vấn đề tự thân cần phải giải quyết nữa thì cần gì phải ở lại nhân gian? Mục đích ở nhân gian là để làm gì? Nếu Thánh nhân vẫn sống cùng một nơi với phàm phu thì nhất định sẽ gặp phải những vấn đề như phàm phu, như là ăn uống, thuốc men, quần áo, chỗ ở, giao thông v.v…, không thể thoát khỏi phạm vi của đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, ngủ nghỉ, đi lại v.v… Nếu phải gặp những vấn đề y hệt như phàm phu thì sao được gọi là Thánh nhân? Tu để thành Thánh nhân kiểu như vậy là vì sao? Rất đơn giản, phàm phu xuất phát từ quan điểm tự tư, cho mình là trung tâm rồi tạo ra mọi hành vi nơi thân tâm, còn Thánh nhân vô ngã dùng lòng từ bi vô tư giúp đỡ chúng sinh, cho nên tuy cùng sống chung với phàm phu nhưng cảm thọ của các Ngài đối với ngoại cảnh hoàn toàn khác. Vì vô tư vô ngã nên Thánh nhân không có các phiền não chấp trước như tham, sân, si, tự ti, ngã mạn v.v…, chư vị là những bậc đã giải thoát. Vì đã giải thoát nên các Ngài đối đãi với chúng sinh đều bình đẳng như nhau, tùy thời cứu giúp chúng sinh theo khả năng của mình.
Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài vẫn ở tại thế gian, thuyết pháp giáo hóa quảng độ chúng sinh hơn bốn mươi năm cho đến khi sinh mạng của nhục thể chấm dứt mới dừng. Những vị ngay hiện đời tu thành Thánh quả không những cũng giống như Đức Phật không hề lìa khỏi thế gian mà còn đời này tiếp nối đời sau liên tục trở lại thế giới phàm phu này, giáo hóa và cứu độ chúng sinh vĩnh viễn không dừng nghỉ. Thế thì, sinh mạng của chư vị được sinh ra như thế nào? Phàm phu theo nghiệp lực mà nhận chịu quả báo sinh tử, Bồ-tát nhờ nguyện lực mà ra vào sinh tử, chư Phật không do nghiệp lực cũng không nhờ nguyện lực, các Ngài ra đời từ tịnh tâm duyên khởi và chân như duyên khởi.
Tâm Phật thanh tịnh vì không chấp trước, vì không chấp trước nên không có ta, không có người. Đứng về mặt thời gian, một vị Phật đồng một tâm với ba đời chư Phật, đứng về mặt không gian, Phật đồng một thể với tất cả chúng sinh trong pháp giới. Chư vị không tự cho mình là Phật, cũng không thấy có chúng sinh cần độ, vì chư vị không còn tự ngã nên cũng không có đối tượng. Thế nhưng, chỉ cần bất cứ chúng sinh nào phát khởi một niệm thiện liền có duyên với Phật, Phật sẽ tương ưng với chúng sinh đó, sẽ xuất hiện trước chúng sinh đó. Phật có thể dùng phân thân xuất hiện dưới nhiều hình tượng để ứng hóa cho cùng lúc nhiều chúng sinh cần Phật ở một khu vực nào đó, một sự việc nào đó hay một thời gian nào đó. Phật có thể dùng hình tượng Bồ-tát, La-hán, thậm chí là hình tượng chúng sinh xuất hiện trong một đoạn thời gian nào đó ở một nơi nào đó trong một nhóm người nào đó hay trước một chúng sinh nào đó, bởi vì tất cả chúng sinh chưa từng rời khỏi tâm thanh tịnh của Phật, tâm đó không dính, không mắc, không ngại, không nơi chốn, không thời gian.
Chân như là mặt thật xưa nay mà chúng sinh và Phật đồng có. Chân như có hai loại công năng tùy duyên: Nếu chân như theo duyên nhiễm đó là nhân duyên của các thứ phiền não như tham, sân, si v.v…, liền đó biến thành chúng sinh phàm phu tự tư, chấp trước. Nếu chân như theo duyên tịnh đó là nhân duyên của trì giới, tu định, tu huệ v.v…, kết quả là sẽ tương ứng với Thánh nhân xuất thế, cuối cùng kết thành quả Phật, cùng với chư Phật ba đời không hai không khác. Chân như của Thánh nhân không nhiễm, nhưng cũng không chấp tịnh, không tịnh không nhiễm. Bất kể nhiễm tịnh đều không động, không đổi, vĩnh hằng, trùm khắp, như thế mới gọi là chân như. Vì không tịnh, không nhiễm, vĩnh hằng, trùm khắp nên chúng sinh thấy đó là chân như của chư Phật, nhưng dưới con mắt của quý Ngài, thế giới của chúng sinh cũng là cảnh giới chân như không nhiễm, không tịnh, không tăng, không giảm, vĩnh hằng, trùm khắp. Thế nên chúng sinh theo duyên tịnh có thể thành Phật, chư Phật theo duyên nhiễm có thể ở nơi thế giới chúng sinh cứu độ chúng sinh. Vì chỉ có không nhơ không sạch, không tăng không giảm, không đến không đi mới gọi là Như Lai. Đã là Như Lai nên chư Phật không cần phải khai mở thế giới phàm phu, cũng không cần phải phát nguyện độ chúng sinh. Vì chỗ nào cũng có Phật, lúc nào cũng có Như Lai, đây chính là sinh mạng của chư Phật, vĩnh viễn trụ thế giáo hóa thế gian.
Ý nghĩa của Như Lai Tàng phần lớn nhìn theo góc độ của chúng sinh, tức là mỗi chúng sinh đều có khả năng thành Như Lai. Trong thức thứ tám A-lại-da của chúng sinh, nếu chúng sinh nào chuyên tạo các nghiệp thiện ác hữu lậu thì những thứ chứa đựng trong thức này sẽ là chủng tử phàm phu. Nếu chúng sinh nào tu ba vô lậu học Giới định huệ và dùng tâm lượng vô ngã, vô tư tu các thiện nguyện bố thí v.v… thì sẽ tạo thành các thiện pháp vô lậu, như vậy những thứ mà thức thứ tám chứa đựng sẽ là những chủng tử thành Phật. Thức thứ tám chứa chủng tử phàm phu gọi là A-lại-da, thức thứ tám chứa chủng tử vô lậu gọi là Như Lai Tàng Thức, nên nói: “Trong Như Lai Tàng có chứa Như Lai”.
Dưới cái nhìn của Phật, tất cả chúng sinh cùng Phật không khác, tâm của tất cả chúng sinh chính là kho báu Như Lai, trong đó có chứa Như Lai. Như Lai sau khi thành Phật cũng đồng với Như Lai Tàng của tất cả chúng sinh, thế nên trong kinh Thắng Man chương “Nghĩa Không ẩn chứa chân thật” nói Như Lai Tàng có hai tên gọi là Không và Bất Không: “Không Như Lai Tàng, hoặc lìa, hoặc thoát, hoặc khác, tất cả phiền não chứa trong đó; Thế Tôn, Bất Không Như Lai Tàng, vượt qua hằng sa, không lìa, không thoát, không khác, là Phật pháp không thể nghĩ bàn.” Có nghĩa là, đối với tự thân Phật, Như Lai Tàng là Không, vì Phật không tương ưng với phiền não. Còn đối với lòng từ bi trí tuệ giáo hóa thế nhân của Phật thì Như Lai Tàng Chẳng Không, vì Ngài đang ở giữa chúng sinh, có vô lượng công đức không thể nghĩ bàn. Kinh Thắng Man chương “Pháp thân” cũng nói: Như Lai tuy “đoạn tất cả phiền não” nhưng “pháp thân Như Lai không lìa kho phiền não nên gọi là Như Lai Tàng”. Tức là, Như Lai đã đoạn tất cả phiền não nhưng pháp thân Như Lai không lìa phiền não, đó là để Đức Như Lai có thể thành tựu vô lượng Phật pháp không thể nghĩ bàn.
Thánh nhân không chấp trước và phàm phu có chấp trước đều có cùng một Như Lai Tàng, cho nên sau khi thành Phật, chư Phật vừa không phải là chúng sinh vừa không cần rời khỏi chúng sinh. Nếu sau khi thành Phật cần phải lìa khỏi thế giới chúng sinh, hoặc phải biểu thị một hình tượng Phật khác với chúng sinh, như thế thì không thể gọi là Như Lai. Do đó, Thánh nhân hóa hiện trong thế giới phàm phu đều mang sinh mạng phàm phu, không có gì khác lạ với phàm phu, chỗ khác nhau chỉ là Thánh nhân không chấp trước, còn phàm phu còn chấp trước mà thôi.
Vượt khỏi thời gian không gian có nghĩa là vượt khỏi sinh mạng, từ chúng sinh có sinh tử phiền não, có tự ngã, tự tư, chấp trước trở thành Thánh nhân không phiền não, vô ngã, vô tư, sinh tử nhất như, đó gọi là giải thoát tự tại. Muốn đạt được mục đích này phải có giáo lý đúng đắn dẫn đường và phương pháp tu hành thực tiễn. Dưới đây tôi nêu lên ba lập trường để nói rõ việc này:
Tứ Thánh Đế là giáo lý được Đức Phật thuyết khi mới thành đạo, đây là chân lý về bốn điều tương quan với nhau là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ và Tập là thọ báo và tạo nghiệp của chúng sinh phàm phu, thọ báo là Khổ, tạo nghiệp là Tập. Khổ bao gồm sinh, già, bệnh, chết, cộng thêm thương yêu xa lìa, oán thù gặp gỡ, tìm cầu không được, năm ấm hưng thạnh, tổng cộng tám loại. Tất cả những thứ phiền não dày vò phát sinh trong quá trình sống mà chúng sinh phải cam chịu là kết quả do đời trước tạo nghiệp mà có. Đời trước tạo nghiệp gì, bất kể là thiện hay ác, hễ có ngã, tự tư, chấp trước đều là nguyên nhân của khổ, chúng sẽ tập hợp và kết tập các nghiệp nhân lại với nhau tạo thành “Tập”. Thế nên tạo nghiệp thọ báo chính là hai giai đoạn của Khổ và Tập không ngừng tuần hoàn, cũng chính là hiện tượng lưu chuyển sinh tử trong ba cõi. Muốn vượt khỏi hiện tượng này phải nương theo giáo lý Phật dạy mà ứng dụng tu hành.
Đạo gồm các nghĩa đạo lý, con đường và phương pháp, nếu theo đây tu hành không nghỉ nhất định sẽ đạt được mục đích vượt khỏi sinh tử. Nội dung của Đạo là gì? Tổng cộng có tám điều gọi là Bát chánh đạo.
Diệt đế trên thực tế là kết quả của Đạo đế, là quả báo do tu đạo mà diệt được sinh tử, nhờ đó vượt qua được thời gian không gian, không còn bị trói buộc của các hiện tượng sinh diệt trong thời gian không gian nữa. Đây gọi là Niết-bàn.
Như vậy, trong Tứ thánh đế này, Khổ đế Tập đế là một tầng nhân quả trong địa vị phàm phu, Đạo đế Diệt đế là một tầng nhân quả khác vượt khỏi phàm phu tiến vào vị Thánh.
Nhân quả ở vị phàm phu là nhân quả hữu lậu, nhân quả ở vị Thánh nhân là nhân quả vô lậu. Nhân quả hữu lậu là hiện tượng sinh mạng trong thời gian không gian, nhân quả vô lậu là hiện tượng sinh mạng vượt khỏi thời gian không gian. Nhưng theo kinh A-hàm, hiện tượng sinh mạng sau khi vượt khỏi thời gian không gian thì không còn tướng hiện tượng có thể thấy nữa nên gọi đó là Niết-bàn tịch tĩnh.
Năm ấm là năm hiện tượng bao gồm sinh lý và tâm lý, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc ấm là chỉ những hiện tượng vật chất trong cơ thể chúng ta, bình thường gọi là bốn đại đất, nước, gió, lửa. Trong đó xương cốt, da, thịt, thần kinh v.v… là địa đại. Máu, mỡ, các chất nước trong thân là thủy đại. Hơi ấm trong người là hỏa đại. Hơi thở là phong đại. Thọ ấm là chỉ các cảm thọ khổ, vui, buồn, mừng v.v… Tưởng ấm là những sự phân tích tốt, xấu, thiện, ác v.v… Hành ấm là ba loại hành vi ở thân, miệng, ý. Thức ấm là tên gọi chung của phân biệt, chấp trước, tạo nghiệp và nghiệp chủng.
Như vậy, bốn ấm sau thuộc về hiện tượng tâm lý và phạm vi hoạt động của tinh thần. Sinh mạng chúng sinh không vượt khỏi giới hạn của năm ấm này. Nếu không thể nghiệm, thực chứng được năm ấm đều Không thì sẽ vĩnh viễn thuộc về cảnh giới phàm phu, phiền não không cùng, sinh tử không dứt. Làm sao để có thể thực chứng được năm ấm đều Không thì phải thảo luận thêm một bước nữa.
Năm ấm là vô thường mà cũng là vô ngã. Vì tất cả hiện tượng đều theo thời gian lưu chuyển không dứt, thay đổi rồi lại đổi thay, cho nên là vô thường. Đồng thời, tất cả hiện tượng đều ở trong không gian, mất đây sinh kia, biến hóa không ngừng, cho nên không có cái ngã bất biến. Bất luận là hiện tượng vật chất hay hiện tượng tâm lý đều biến thiên không dừng theo thời gian không gian, do đó chúng ta biết trong năm ấm không có cái nào là thường hằng, không có cái nào là ngã thật. Mà tổ hợp của sinh mạng là năm ấm, năm ấm đã vô thường vô ngã, thế thì còn có cái gì để ta đắm chấp nữa? Vừa không có đối tượng chấp trước, vừa không có cái Ta chấp trước thì đương nhiên là được giải thoát.
Vô thường và vô ngã chính là “không”, ý của Không là tuy có tướng hiện tượng tạm có thể thấy nhưng không tồn tại cái thực chất bất biến. Tuy không có cái thực chất bất biến nhưng không ngăn ngại các hiện tượng biến đổi, cho nên cái Không trong Phật pháp hoàn toàn không phải là phủ định sự có mặt của thế giới hiện tượng. Vì không thực thể cũng không chướng ngại, tuy tên gọi là Không, nhưng không ngăn ngại cái Có. Không chấp cái Có vĩnh hằng cũng không phủ định cái Có đổi thay, đây gọi là cái Không không tự tính. Không tự tính có nghĩa là tất cả hiện tượng không có tự tính bất biến và thực thể vĩnh hằng. Nếu có thực thể thì không phải là tính Không. Thế nên, nếu có thể thực chứng được “năm ấm đều Không” trong Bát Nhã Tâm Kinh thì sẽ vượt qua sinh mạng. ¤