Thiền Và Ngộ

Bài 03. Thiền Và Trói



I/ “Anh, tôi và anh ấy” là ai?

Bài này có chủ đề là “Thiền và Trói”. Trước tôi giảng về “Trói”, sau sẽ giảng về “Thiền”, vì Thiền dùng để giải quyết vấn đề “trói”.

Đầu tiên tôi xin giới thiệu bốn câu: “Có thọ đều khổ, Chư hành vô thường, Chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh.”

Chữ “khổ” trong câu “Có thọ đều khổ” chính là chữ “trói” mà chúng tôi sẽ giảng. Vì bị trói nên khổ. Ai bị trói? “Tôi”(ngã) bị trói. Nếu có “Tôi”(ngã) thì không được tự tại. Người đời không biết tất cả hiện tượng đều vô thường, nên không thể nghiệm được cái “vô ngã” trong các hiện tượng đó. Do đó bị trói đến không thể thoát thân.

Tôi xin nêu lên hai tắc công án Thiền:

Tắc 1: Tứ Tổ Đạo Tín (580 – 651), lúc 14 tuổi gặp Tam Tổ Tăng Xán, thưa: “Xin Hòa Thượng từ bi dạy cho con pháp môn giải thoát.” Tổ gặn lại: “Ai trói ông?” Đạo Tín thưa: “Không ai trói con.” Tổ bèn nói: “Vậy cầu giải thoát làm gì?” Đạo Tín ngay đó đại ngộ. (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 3)

Tắc 2: Có vị Tăng hỏi Thạch Đầu Hy Thiên (700 – 796) (pháp tôn của Lục Tổ): “Thế nào là giải thoát?” Hy Thiên gặn: “Ai trói ông?” Tăng lại hỏi: “Thế nào là Tịnh Độ?” Hy Thiên lại gặn: “Ai làm nhơ ông?” Tăng lại hỏi: “Thế nào là Niết bàn?” Hy Thiên vẫn gặn: “Ai đem sanh tử cho ông?” (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 14)

Câu trả lời của hai vị Thiền sư này với đệ tử đều là dùng cách hỏi vặn mà không dùng cách giải thích, xem như chưa từng trả lời câu hỏi, nhưng thật là câu trả lời hay nhất, và là đáp án hữu dụng bậc nhất. “Ai trói ông?” “Ai làm nhơ ông?” “Ai đem sanh tử cho ông?”, chữ “Ai” và chữ “Ông” này rõ ràng đã nêu bật được chữ “ngã” trong “Chư pháp vô ngã”. Người đời không biết “vô ngã” nên chịu khổ, lại không biết tại sao bị khổ, còn nghĩ rằng tại đối phương hoặc người thứ ba khiến cho “ngã” (ta) phải chịu khổ. Đến nỗi người bậc thượng thì hy vọng dùng phương pháp tu hành để được giải thoát, người bậc trung thì cầu thần minh gia hộ gặp dữ hoá lành, người bậc hạ thì oán trời trách người, đểu không biết làm sao để tự mình xử lý.

II/ Giáo lý và thực hành đều quan trọng

Lúc nãy, trên đường chúng tôi đi từ Nông Thiền Tự (ở Bắc Đầu) đến đây, Tô Mẫn Vệ bàn luận với một người đệ tử xuất gia của tôi về vấn đề “Làm thế nào ứng dụng được Phật pháp trong đời sống thực?” Nếu Phật pháp không có công dụng gì trong đời sống thì nó chỉ là một loại tri thức hoặc là một loại tín ngưỡng mà thôi. Tô nói: “Điều phiền toái nhất chính là vấn đề tình cảm, người tin Phật học Phật lúc bình thường mở lời là nói đạo, nhưng vừa gặp phải vấn đề tình cảm liền trở nên nhập nhằng không rõ ràng.” Mọi người nghĩ kỹ xem: Ai trói mình? Lẽ ra không có ai trói được mình, chỉ là tự mình buông không được trở lại trói chặt mình.

Làm sao để giải quyết vấn đề này? Phải đi từ hai phương diện: Một là phải dùng sự hiểu biết về giáo lý để dẫn đường, hai là phải dùng phương pháp thực tiễn để tu trì. Giáo lý dẫn đường giống như phần mềm trong máy vi tính, phương pháp thực tiễn giống như phần cứng. Nếu chỉ hiểu giáo lý mà không tu thì không được, và chỉ tu mà không hiểu giáo lý cũng không được. Cho nên Phật giáo chủ trương “Giải hạnh đều quan trọng”. Dưới đây tôi sẽ giảng về giáo lý, và về phương pháp tu.

III/ “Trói” có 4 thứ

“Trói” là “Khổ”, khổ còn có tên khác là “phiền não”. Phiền não có nhiều thứ, chúng tôi tạm phân làm 4 loại lớn: Thuộc tâm lý, thuộc sinh lý, thuộc luân lý và thuộc vật lý.

1. Tâm lý xung đột:

Chính là “Sanh trụ dị diệt” mà Phật nói. Tức là những mâu thuẫn trước sau trong quan niệm của tự ngã và những xung đột kia đây trong cách nghĩ của tự ngã. Xin hỏi các bạn nam, nếu cùng lúc thương hai người nữ, phải làm sao? Hay chỉ nói việc đơn giản như mua một cái áo, một đôi giày, một cặp kiếng, một quyển sách v.v…, đểu có thể làm bạn dằn vặt rất nhiều. Tôi từng gặp một bạn trẻ, cậu muốn mua một cái máy chụp hình, nhưng lên phố xem tới xem lui rốt cuộc không mua, lần sau cũng xem qua xem lại rồi không mua. Lần nào cũng mượn bạn bè dùng, có người hỏi: “Cậu có tiền sao không mua?” Cậu đáp: “Tôi xem qua rồi đều không phải là cái tôi muốn, tôi muốn mua loại tối tân nhất, nên tôi đợi.” Thật ra, cậu đang tự dằn vặt mình.

Tháng trước ở Nông Thiền Tự có 6 người đệ tử phát tâm thế phát xuất gia, xem ra thật dễ dàng, một thoáng chốc là đầu tóc của 6 người đều cạo sạch. Nhưng có thật sự dễ dàng không? Trước khi xuất gia họ đã suy tư rất lâu, sau khi vào tự viện lại phải tiếp nhận sự khảo nghiệm, thậm chí có người ngay lúc cạo tóc vẫn tiếp tục nghĩ được nghĩ mất: “Con đường này ta đã chọn, nhưng ta chọn có đúng không?”

Còn các bạn đã kết hôn, có phải rất nhẹ nhàng bước một bước đến hôn nhân không? Hay là phải suy tới nghĩ lui, dằn qua vặt lại rồi mới quyết định kết hôn với người bạn đời của mình?

2. Những phiền não về sinh lý:

Chính là “sanh, lão, bệnh, tử” mà Phật nói. Thân xác chúng ta từ sanh mà có, sau khi sanh ra, mỗi phút giây đều ở giữa sự giao nhau của sống chết. Chúng ta có câu thành ngữ: “Cũ hoại mới thay”. Mới thay là sanh, cũ hoại là chết. Cho nên Cũ hoại mới thay là một hiện tượng bình thường của sanh, lão, hoại, tử. Người ta quen gọi lúc kết thúc sanh mạng là chết, còn sự sanh tử của các tế bào trong thân gọi là Cũ hoại mới thay. Thực tế, sự sanh tử của các tế bào cũng kể là chết. Người ăn ngũ cốc mà không bệnh trước nay chưa từng có, bất kể bệnh lớn nhỏ, hễ có bệnh đều phiền phức, đều khổ não.

3. Quan hệ luân lý:

Người đợi gọi sự tụ tán vô thường ở nhân gian là “bi, hoan, ly, hợp”. Quan hệ luân lý của con người không chỉ hạn cuộc trong phạm vi ngũ luân (vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè), mà còn có nghĩa rộng hơn, phàm mọi liên hệ qua lại giữa người với người đều gọi là quan hệ luân lý. Chồng vợ ly dị, anh em bất hòa, cha con từ nhau, vua tôi chống nhau, trên dưới lộn xộn v.v… đều là những bi kịch trong luân lý. Lại còn sự sai khác trong quan niệm giữa hai thế hệ cũng hay đem lại phiền phức, người hiện đại gọi đây là hiện tượng “lạch thế hệ” (giữa hai thế hệ cách nhau một con lạch, ý là hai bên không hiểu nhau), nhưng đây không phải là vấn đề đời nay mới có. Cộng thêm sự kỳ thị giữa các dân tộc trong một quốc gia, sự mâu thuẫn trong tín ngưỡng tôn giáo, sự đối lập trong tư tưởng chính trị, sự xung đột được mất nơi thương trường v.v… , không cái nào không là nguồn gốc của phiền não.

Tóm lại, thời khắc vui sướng của người đời cực kỳ hữu hạn, phần lớn thời gian người ta đấu đá nhau đến lổ đầu chảy máu. Tất cả đều là những việc khổ sở, khó chịu, kể cả những xô xát nhỏ nhiệm cũng không dễ chịu.

4. Những biến động về vật lý:

 Chính là “Thành, trụ, hoại, không” mà Phật nói. Tức là chỉ những hiện tượng biến đổi tự nhiên trong thiên thể, tinh cầu. Quá trình biến hoại của chúng kéo dài rất lâu, nên chúng ta không phát giác ra. Nhưng những hiện tượng vật lý có quan hệ thiết thực với chúng ta như gió, mưa, nước, lửa, hạn hán, côn trùng phá hoại v.v… đều hay đem lại khổ sở cho con người. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến ăn mặc, chỗ ở, đi lại, cộng với không khí ô nhiễm, môi trường không vệ sinh, nguồn tài nguyên thiên nhiên mỗi ngày bị phá hoại v.v…, mọi lúc mọi nơi đều làm chúng ta lo lắng.

Chúng ta xét xem tại sao có những khổ đau này? Vì chúng quan hệ đến cái Tôi (ngã). Tất cả những hoạt động tâm lý đều là sự vận động của cái Tôi (ngã). Như ý kiến, tư tưởng, quan niệm, mừng giận, buồn vui v.v… của chúng ta, không cái nào không là biểu hiện của cái “Tôi” (ngã) chủ quan.

Tâm lý đã vậy, sinh lý cũng vậy. Nếu có ai chỉ vào thân bạn hỏi: “Là của ai?”, bạn nhất định sẽ trả lời: “Của tôi.”

Sự chủ động và bị động trong quan hệ luân lý cũng đều là sự kéo níu của những cái gọi là “tôi” của anh, “tôi” của tôi, “tôi” của anh ấy. Cho đến thế giới vật lý cũng đều là môi trường “tôi” đang ở. Mới nhìn thì môi trường không phải là “tôi”, mà “nó” đối lập với tôi, cho nên nó vừa có thể làm lợi cho tôi, vừa có thể làm hại tôi; có thể khiến tôi đau khổ, cũng có thể làm tôi vui sướng. Nói theo Phật thì thân tâm chúng ta là chánh báo, môi trường mà thân tâm ở là y báo, đều là quả báo cảm ứng nên do nghiệp chúng ta tạo. Nhục thể là quần áo của ta, môi trường là thân thể lớn của ta. Do cái “Ta” này dùng thân, miệng, ý tạo các thứ nghiệp nhân thiện ác, để rồi cái “ta” đời sau nhận chịu những quả báo về thân tâm, hoàn cảnh, đều là tự làm tự chịu.

IV/ Vô thường và vô ngã

Để giải quyết vấn đề “Ngã”, trước tiên phải hiểu rõ cái gì là “Vô ngã”. Theo Phật pháp, “ngã” vốn không tồn tại. Câu “Chư hành vô thường” trong 4 câu nêu lên ở trước là nói tất cả hiện tượng (chư hành) đều thay đổi, nên gọi là vô thường. Sanh trụ dị diệt của tâm lý; Cũ hoại mới thay hay sanh già bệnh chết của sinh lý; Bi hoan ly hợp của luân lý; Thành trụ hoại không của vật lý, bốn loại hiện tượng này đều đang biến dịch không dừng. Do đó cái “Ta” (ngã) đại biểu cho chúng cũng không thực có.

Hiểu được đạo lý “Chư hành vô thường” thì sẽ hiểu được ý nghĩa “Chư pháp vô ngã”. Vì vô thường nên vô ngã. Biết được vô thường sẽ rõ được vô ngã. Nếu chứng vô ngã thì được giải thoát. Trái lại, phàm phu nghiệp chướng nặng không chấp nhận được chư hành vô thường nên phải khổ. Đây là hai con đường trái nhau. Sanh trụ dị diệt là khổ, Bi hoan ly hợp là khổ, Sanh già bệnh chết là khổ, Thành trụ hoại không là khổ. Có câu “Người già châu ố”. Tại sao? Vì Vô thường! Người sống lâu rồi phải già, châu ngọc trưng bày lâu phải ố vàng. Tất cả mọi vật trên thế giới này đều hay thay đổi, hay cũ hư. Có điều, người tu hành tu càng lâu càng tốt, bạn bè chơi càng lâu càng thân. Còn thân thể con người đều đang cũ hoại mỗi ngày. Các thứ đồ cổ quý giá như: Gạch Tần ngói Hán v.v… chẳng qua là vì ít nên quý. Cao Tăng có đạo càng già càng được người tôn kính, vì Cao Tăng quá ít, chớ không phải vì đồ vật để lâu hay người già mà được quý. Người già thường tự cảm thấy già rất khổ, người ngoài cũng không ai cho rằng càng già càng tốt.

V/ Tịch tĩnh và không động tâm

Tại sao vô thường là khổ? Vì tuy biết vô thường là thật nhưng không chấp nhận được sự thật của vô thường nên thành khổ. Như người thân lìa trần, người yêu chia tay là những việc khổ nhất. Nhưng ai đó đang gặp những việc này mà bạn đến khuyên: “Tất cả là vô thường, nhìn thoáng một chút, đừng buồn nữa.” Người ấy nhất định sẽ nói: “Biết là vô thường, mà tôi vẫn chịu không nỗi!” Đây chính là khổ.

Do đó, nếu chỉ biết đạo lý vô thường, vô ngã vẫn chưa thể thật sự lìa khổ, phải thực chứng “Niết bàn tịch tĩnh” mới có thể lìa khổ. “Tịch tĩnh” nghĩa là không động, ý là không có cái tôi (ngã) để động. Không có cái tôi làm việc, không có cái tôi tồn tại, không có cái tôi tìm cầu, cũng không cầu giá trị của cái tôi, không cần biểu hiện của cái tôi, đó chính là vô ngã (không có cái tôi). Niết bàn tịch tĩnh không phải như người đời tưởng là một trạng thái chết lặng, cho đến một chút sinh khí cũng không có, mà là tuy cái tôi không động nhưng chẳng ngại tất cả pháp đều động, tuy cái tôi không có nhưng chẳng ngại tất cả pháp đều có.

Chúng sanh vì nghiệp lực nên chịu khổ sanh tử phiền não, Bồ-tát dùng nguyện lực ở trong biển khổ độ chúng sanh. Cả hai đều không được tịch tĩnh, cũng không có Niết bàn. Vậy đến lúc nào mới đạt được tịch tĩnh và Niết bàn? Tiểu thừa phải đến A-la-hán, Đại thừa phải đến Bồ-tát đệ bát địa. Đệ bát địa gọi là “Bất động địa”(địa vị không động), hay “Vô công dụng địa”(địa vị không dụng công). Cái gì không động? Không có cái Tôi động, cho nên gọi là tịch tĩnh. Vô công dụng là không cần làm gì cả, tức là không dùng nghiệp lực làm các việc sanh tử, cũng không cho rằng ở trong sanh tử có chúng sanh để độ, nên không cần phát nguyện độ sanh. Người đạt đến trình độ này có thể dùng thân phận Phật giáo hóa chúng sanh. Ở giai đoạn này, chúng sanh thấy các Ngài có mặt, còn bản thân các Ngài tự biết cái Ta không tồn tại.

VI/ Bỏ ác làm lành

Muốn thành Phật phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, tu qua hai đại a tăng kỳ kiếp mới vào Đệ bát địa. Theo phương pháp tu hành thông thường thì phải dùng ba học Giới Định Huệ lần lượt tiến tu. Giới là “Không làm các việc ác, siêng làm các điều lành”, việc ác dù nhỏ cũng không làm, việc thiện dù nhỏ cũng không bỏ. Định có Cửu thứ đệ định (9 tầng định thứ lớp), 8 tầng định đầu giống với ngoại đạo, gọi là Tứ Thiền Bát Định, là 4 bậc Thiền của Sắc giới và 4 bậc Định của Vô sắc giới. Đây là định còn trong ba cõi, chưa được giải thoát. Đến tầng bậc thứ 9 (Diệt thọ tưởng định) mà các vị A-la-hán tu chứng mới hoàn thành trí huệ giải thoát vô lậu và ra khỏi ba cõi sanh tử. Huệ chia làm hai loại: Hữu lậu và vô lậu. Huệ hữu lậu là còn ngã. Ví dụ: Chúng ta thừa nhận và tin rằng vô thường là sự thật. Về mặt lý thuyết thì tiếp nhận được. Nhưng một khi gặp việc thành bại, được mất hoặc cảnh sanh ly tử biệt, vẫn không thể dùng tâm bình thường tiếp nhận sự thật này. Chỉ có Huệ vô lậu có được lúc đã giải thoát mới có tác dụng. Sơ quả của Tiểu thừa, Sơ địa của Đại thừa mới hiển lộ một phần trí huệ vô lậu. Đến Tứ quả của Tiểu thừa, Bát địa của Đại thừa trở lên, trí huệ thuần vô lậu mới hay xuất hiện. Đây gọi là pháp môn tiệm tu.

VII/ An tâm và không nghĩ thiện ác

Đốn ngộ không cần trải qua thứ lớp tu hành của ba đại a tăng kỳ kiếp, ngay thân phận phàm phu đạt được huệ vô lậu. Đây là phương pháp “Thiền”. Dưới đây là vài ví dụ:

1. Huệ Khả không tâm có thể an:

Sau khi Tổ Đạt ma ngó vách 9 năm, Huệ Khả đến cầu Tổ sư pháp an tâm. Huệ Khả thấy tâm mình rất loạn nên cầu một pháp an tâm để sau đó sẽ cố gắng tu hành. Nhưng Tổ Đạt Ma không làm như Ngài mong cầu, cũng không ngó ngàng, không quan tâm gì đến Ngài, để mặc Ngài đứng mãi ngoài cửa động. Huệ Khả rất kiên nhẫn, cứ chờ đợi mãi, cuối cùng tâm loạn không còn loạn nữa, vọng tâm cũng dừng lại. Chính lúc này Tổ Đạt Ma mới nhìn Ngài, Huệ Khả thấy cơ hội đến rồi liền quỳ xuống cầu xin pháp an tâm. Tổ Đạt ma nói: “Được, ông đã xin ta an tâm, vậy ông đem tâm ra, ta sẽ an cho!” Huệ Khả liền xoay lại tìm tâm mình, chẳng ngờ không tìm được, đành thưa: “Con tìm tâm không được.” Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ông rồi.”

Câu chuyện dường như rất giản đơn, đệ tử thỉnh cầu an tâm, Thầy hỏi vặn tâm ở chỗ nào, đệ tử tìm tâm không được, Thầy liền nói đã an tâm cho rồi. Nếu chúng ta ngày nay cũng theo kiểu này diễn lại xem có được hiệu quả giống như vậy không? Bảo đảm là không. Tại sao? Vì Tổ Huệ Khả lúc đó đã đạt đến trình độ tâm không còn sở duyên, nhưng bản thân không tự biết, nếu không được Tổ Đạt Ma điểm phá, có thể Ngài vẫn tiếp tục tìm tâm, cầu an tâm. Đến lúc Tổ Đạt ma bảo đem tâm ra, Ngài mới phát hiện “tìm tâm không thể được”. Trên thực tế, đây chính là tìm “cái tôi” mà “cái tôi” không thể được. “Cái tôi” mà lúc bình thường mình tự nhận đó chỉ là những huyễn ảnh kết nối nhau của những thứ loạn tâm, vọng tâm mà thôi.

Các vị thử kiểm tra lại tâm mình xem, nếu chín chắn xem kỹ sẽ phát hiện ra cái tâm mà chúng ta tự nhận đó chẳng qua chỉ là mối quan hệ của niệm trước niệm sau mà thôi. Sự kết nối liên tục của mối quan hệ này đã tạo thành quan niệm về “cái tôi” và sự chấp trước của “cái tôi”. Nhưng những niệm này thường biến động, nên đương nhiên không thể có được “cái tôi” bất biến. Nếu có thể lý giải được chỗ này thì có thể hiểu được ý nghĩa của câu “Tìm tâm không thể được” mà Huệ Khả nói. Nhưng đây là chúng ta nói trên mặt lý thuyết thôi, còn Huệ Khả lúc đó, trên thực tế đã thấy được cảnh giới “vô tâm” của chính mình rồi.

2. Huệ Minh không nghĩ thiện ác:

Sau khi Lục Tổ Huệ Năng nhận được y bát, Ngài qua sông đến vùng núi Đại Dữu thì bị một Tăng sĩ pháp danh Huệ Minh đuổi kịp để giành lại y bát, tín vật truyền thừa của Thiền môn. Lúc đó Huệ Năng đặt y bát trên phiến đá lớn, Huệ Minh cầm lên không nỗi, bèn thưa: “Tôi không phải đến giành y bát, mà đến vì cầu pháp.” Huệ Năng nói: “Ông đã vì cầu pháp, vậy tôi nói cho ông một phương pháp: Đừng nghĩ thiện, cũng đừng nghĩ ác, buông hết mọi thứ trong tâm, sau đó nhìn lại xem mặt mày xưa nay của ông là gì?” “Mặt mày xưa nay” này là chỉ cho cái hiện ra sau khi lìa 4 hiện tượng sanh già bệnh chết, sanh trụ dị diệt, bi hoan ly hợp, thành trụ hoại không. “Cái tôi” xưa nay này rốt cuộc là gì? Lìa 4 hiện tượng trên rồi thì không thể tìm được “cái tôi”, do đó khi Huệ Minh làm theo lời Lục Tổ dạy liền phát hiện ra “mặt thật xưa nay”. Vì trừ bỏ được sự chấp trước vào “cái tôi” nên ngộ cảnh hiển hiện.

VIII/ Nên không chỗ trụ

Hai ví dụ trên đều là pháp môn đốn ngộ trong Thiền tông. Có người sẽ hỏi: “Pháp môn đốn ngộ có phải không cần tu hành không?” Đã từng có người hỏi tôi: “Huệ Năng lúc chưa tu hành, vừa nghe Kinh Kim Cang liền khai ngộ. Đây có phải là việc rất phổ biến?” Sự thực, Đại Sư Huệ Năng trước khi nghe Kinh Kim Cang là một tiều phu đốn củi, giai đoạn này tuy Ngài không dùng các phương pháp tu hành như tọa Thiền, lễ tụng, niệm Phật, trì chú v.v…, nhưng Ngài đã từng chặt từng búa vào cành cây, nhặt từng nhánh củi bó lại, vác củi đi từng bước đến chợ để bán. Khi làm những việc này Ngài đã có thể thân tâm như nhất, tâm niệm bình thường của Ngài đã có thể lặng như nước đứng, nên khi vừa nghe câu “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia” trong Kinh Kim Cang, Ngài lập tức khai ngộ.

Chữ “trụ” trong “nên không chỗ trụ” là một cách biểu đạt khác của “cái tôi”, có nghĩa chấp trước, cho nên “không chỗ trụ” chính là không có cái tôi (vô ngã). “Không trụ” mà “sanh tâm” ý là tuy không chấp trước vào tất cả hiện tượng chủ quan cùng khách quan, nhưng không hề phủ định sự khởi diệt không ngừng của các hiện tượng đó. Không phải đóng bít các giác quan thấy nghe hiểu biết, mà là đối với tất cả sự vật tiếp xúc đến đều không khởi các thứ phiền não sân, ái v.v… Do đó “tâm” này không phải là vọng tâm ngu si, mà là Huệ tâm vô lậu vậy.

IX/ Bà già đốt am

Trong “Cảnh đức truyền đăng lục” có công án “Bà già đốt am”: Xưa có hai mẹ con cúng dường trong một thời gian dài cho một vị Thiền giả tu hành rất dụng công. Một hôm, khi sai con gái đem cơm cho Thiền giả, bà dặn con: “Hôm nay khi con đem cơm đến thì lập tức ôm Thiền giả thật chặt.” Cô gái làm như mẹ dặn, vị Thiền giả không có bất cứ phản ứng gì. Ngày hôm sau người mẹ đem cơm, và hỏi: “Bạch Sư phụ, hôm qua con gái con ôm Ngài, Ngài cảm giác thế nào?” Thiền giả trả lời: “Cây khô dựa núi lạnh.” Thiền giả xem thiếu nữ xinh đẹp tựa cây khô, còn bản thân như vách núi lạnh. Chẳng ngờ lại bị bà lão cầm chổi quét đuổi đi, nói: “Tôi không muốn cúng dường lầm người, mời ông cút đi!” Sau khi đuổi hành giả đi, bà nổi lửa đốt thảo am.

Tại sao bà lão đuổi hành giả bị thiếu nữ ôm mà không động tâm kia? Vì hành giả này chưa đạt được tâm trí tuệ. Tuy có công phu Thiền định, nhưng chưa có giải thoát. Nếu thật sự là Thiền sư triệt ngộ thì thấy thiếu nữ là thiếu nữ, sao lại có thể thấy thành cây khô? Chính mình là người, sao lại thấy thành vách núi lạnh?

Có người nói quá trình tu Thiền chia 3 giai đoạn: Một là trước khi tu hành, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Hai là trong giai đoạn tinh tấn tu hành, thấy núi không phải là núi, nước không phải là nước. Ba là sau khi khai ngộ, thấy núi vẫn là núi, nước vẫn là nước. Vị Thiền giả kia xem người con gái đang ở trong lòng mình như cây khô dựa núi lạnh, vừa không phải là tâm cảnh của người bình thường, cũng không phải là tâm cảnh của bậc triệt ngộ, mà là đang ở trong giai đoạn dụng công tinh cần. Bà lão đuổi Tăng đốt am, dường như đường đột, nhưng đây chính là phương pháp tốt nhất mà Thiền gia dùng để bức người tiến lên. Đây là pháp môn đốn ngộ.

X/ Công phu bình thường

Làm sao để đốn ngộ? Phải ngay lúc sinh hoạt thường ngày, thời thời khắc khắc chú ý đến từng việc cử tay động chân, khởi tâm động niệm của chính mình, không những làm việc gì cũng phải hết sức rõ ràng, mà còn phải thường ở trong tâm thái ổn định, quân bình, nhẹ nhàng, siêng năng không biếng lười. Làm sao để đến trình độ này? Bất luận làm bất cứ việc gì, gặp bất cứ ai, phải buông bỏ mọi quan điểm về tự ngã, như sân, ái, được, mất v.v…, sau đó làm tất cả việc theo tinh thần: “Thuận theo sự thật, gặp việc luận việc.” Như khi nấu cơm, quét nhà, ngủ nghỉ, đọc sách, làm việc…, đều đem hết tâm hết sức làm. Trong lòng không tư lợi, cộng thêm không phân tâm, đó chính là công phu lúc bình thường của Thiền. Gìn giữ công phu này dài lâu thì dù chưa đốn ngộ cũng đã là người khoái lạc.

Có điều công phu này cũng không phải dễ dàng làm được. Khi gặp phải việc đơn giản hoặc đối đãi với hạng người thường, còn có thể dùng tâm bình thường cư xử được, nhưng nếu gặp phải những vấn để có liên quan đến tình cảm như tình thân, tình yêu v.v…, hay gặp phải những việc có quan hệ đến sự được mất lớn lao như tài sản, danh dự, địa vị v.v…, thì không dễ gì dùng được tâm bình thường ứng phó. Tâm bình thường nghĩa là tâm tình thông thường khi thấy quen, nghe quen, chịu quen, làm quen… trong cuộc sống thường ngày. Phải dùng tâm thường quen này đối xử với tất cả các tình huống bất bình thường. Đối với bất cứ việc trọng đại cỡ nào cũng có thể tiếp nhận, xử lý nó như việc thông thường.

XI/ Giới thiệu ba loại phương pháp

Tâm bình thường chính là huệ tâm của người tu Thiền, tuy rất tốt, nhưng khó được. Do đó phải dùng phương pháp làm cho tâm cảnh đang xáo động trở nên thanh tịnh, quân bình. Phương pháp thực dụng mà đơn giản nhất là hai tay chắp lại, hai mắt chăm chú nhìn vào hai đầu ngón tay giữa, giữ tư thế này từ 30 giây đến một phút, tâm bạn sẽ tự nhiên quân bình lại.

Một phương pháp khác là chú ý hơi thở, để tâm nơi hơi thở ra vào nơi lỗ mũi cũng có thể làm an định tâm tình đang xáo trộn.

Một phương pháp nữa là niệm Thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Niệm A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ-tát, không những đời sau có thể sanh về Tây Phương, mà còn hay đem lại cho đời này sự bình an và vận khí tốt.

Các phương pháp này đều là những cách tu hành để đạt được tâm bình thường. Nguyên lý của các phương pháp này là dời đổi tác dụng của tình. Chuyên chú vào đầu ngón tay, quán hơi thở, niệm Thánh hiệu là để thay thế những tâm niệm xáo động kia, khiến nó bình yên lại. Nếu thường làm như vậy sẽ có thể luôn giữ được tâm cảnh bình ổn nhu hòa. Giống như muốn cho quần thể kiến trúc tránh bị sét đánh thì phải lắp đặt dụng cụ chống sét vậy.

Nếu thường dùng các phương pháp trên hoá giải những tâm tình bất an, thì sẽ có một ngày khi công phu thuần thục, bất chợt quay lại hỏi chính mình: “Mặt mày xưa nay của ta là gì?”, “Người chắp tay là ai?”, “Người niệm Phật là ai?” Bất cứ một câu hỏi nào trong số đó đều có thể khiến bạn đốn ngộ: ‘Ba đời chư Phật thở chung với mình một lỗ mũi.’ Các vị có muốn đốn ngộ chăng? Nếu muốn, xin hãy bắt đầu từ việc thường xuyên gìn giữ tâm bình thường.

XII/ Hỏi đáp

Hỏi: Pháp Sư hiện đã ở cảnh giới nào?

Đáp: Ngay đây xin nói rõ ràng cho ông biết, tôi đến cảnh giới mà hiện giờ tôi đang là.

Hỏi: Chúng ta dù sao cũng đang sống trong thế giới hiện thực này, các loại thanh âm hồng trần thời khắc nào cũng kích động vào chúng ta, phải làm sao để khắc phục được mình khiến không bị ảnh hưởng?

Đáp: Lúc nãy tôi đã nói qua, trước phải hiểu giáo lý để dẫn đường, sau phải ứng dụng phương pháp để tu hành. Phải có lý luận phối hợp với phương pháp. Có lý luận và phương pháp rồi mới có cách thực hành chính xác. Dùng phương pháp để thực hiện mục tiêu mà giáo lý chỉ dẫn, như vậy mới là quan niệm lý luận hữu dụng. Giảng giải giáo lý tuy cũng có thể dẫn dắt mình, nhưng chỉ giảng lý luận, quan niệm suông thì không cách gì giải quyết được vấn đề căn bản của bạn, cho nên phải thực hành, phải tu.

Hỏi: Pháp Sư đã giảng, thế giới của chúng ta loạn như vậy, thế gian vô thường như vậy, ngoài vấn đề tâm lý, sinh lý của mỗi cá nhân, còn có những vấn đề giữa người với người, giữa người với môi trường xung quanh. Thế thì, thế giới của chúng ta còn có thể cứu chữa không?

Đáp: Nếu thế giới không thể cứu chữa, hôm nay tôi cũng không đến đây giảng pháp. Vì chúng sanh trên thế gian đều có khả năng được cứu, cho nên tôi đến đây diễn giảng giáo pháp. Đừng tiêu cực, bi quan quá, tình hình thế gian là như vậy đó. Cái gọi là loạn, là vô thường đó chính là những hiện tượng bình thường. Làm sao để ở trong những hiện tượng bình thường đó chúng ta giảm được một ít phiền phức, một ít xung đột, một ít thống khổ. Muốn giải quyết những vấn đề đó thì phải dùng phương pháp, giáo lý đúng đắn để giáo dục, rèn luyện mình.

Hỏi: Tại sao ngồi thiền lại hữu dụng đối với nội tâm của chúng ta, lẽ nào những hành vi bên ngoài lại có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong nội tâm?

Đáp: Trong ngoài có thể tác dụng lẫn nhau, tuy ngồi thiền là hành vi bên ngoài, nhưng nếu tâm không muốn ngồi thì không thể phát sinh hành vi ngồi thiền, nếu bắt buộc phải ngồi cũng không thể ngồi tốt. Còn trong tâm muốn ngồi sẽ ngồi được lâu, nhờ đó tâm dần yên bình. Ngoài ra, ngồi thiền có thể điều hòa nội tiết tố trong thân thể, khiến hệ thống tiêu hoá và tuần hoàn của chúng ta tốt hơn, từ đó dẫn đến tâm lý cũng chịu ảnh hưởng mà được điều hòa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.