“Tuy nhiên thiền môn cũng cho dùng chánh tri kiến để trị đó.” Ở trong nhà thiền, cũng có cho dùng chánh tri kiến để trị, tức là dùng cái tỉnh giác để trị cái mê lầm. Nhưng: “Nếu luận người đương thời (người đương thời là người như chúng ta chẳng hạn), tức chẳng phải như thế.” Nghĩa là không nói ngộ rồi mới tu, mà phải nói: “Phật đạo dài lâu, hằng chịu siêng năng khổ nhọc, mới có thể được thành.”Người đương thời như chúng ta thì phải nói như vậy. Ở đây Ngài giải thích theo lý thiền câu: “Phật đạo dài lâu, hằng chịu siêng năng khổ nhọc mới có thể được thành.” Có nghĩa là: “Dài suốt ba đời phàm thánh nhất như, nên nói: Phật đạo dài lâu.” Bởi vì như chúng ta thấy, cái tâm thể này nó không bị hạn cuộc trong thời gian. Sở dĩ có ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai là chúng ta căn cứ trên thời gian sinh diệt mà nói. Tâm thể thì nó không mắc kẹt trong thời gian, cho nên nói: ”Phật đạo dài lâu.” Nghĩa là nó thấu suốt cả ba thời, không bị chi phối, phàm và thánh đều là nhất như. Vì tâm đó không có đối đãi, không có hai (nên không có chia ra, đây là Phàm, kia là Thánh). Chẳng hạn chúng ta, đối với Phật thì chúng ta là Phàm, Phật là Thánh. Đó là đứng về mặt đối đãi, mê ngộ mà nói. Phật vì ngộ được tâm thể, nên gọi Ngài là Thánh, chúng ta vì quên tâm thể ấy nên gọi là phàm. Nhưng thật ra tâm thể ấy, không có phàm, cũng không có thánh. Nhưng giờ đây chúng ta muốn làm thánh thì sao? Chỉ một việc hết sức đơn giản là nhớ thôi. Vì chúng ta không phải trèo non, lội biển nhọc nhằn, mà chỉ có một việc nhớ, nhớ là thánh, quên là phàm, nhớ là ngộ, quên là mê. Vậy chúng ta nhớ cái gì? Nhớ mình có tâm thể. Còn quên cái gì? Quên tâm thể, chạy ra ngoài. Cho nên chữ mê, ngộ thực ra rất đơn giản. Vì chúng ta thường hay quan trọng nó, nói ngộ là phải ngộ được cái gì? Và mê là mê cái gì? Nó dầy đặc mà mình không hiểu?
Ở đây, mê chỉ có nghĩa là quên. Như trong Kinh Pháp Hoa nói: “Có người có hòn ngọc quí, ở trong chéo áo mà quên, nên phải lang thang đi xin ăn nơi này, nơi nọ chịu nhiều khổ sở. Đến khi gặp người bạn chỉ cho, liền biết là có hòn ngọc quí cất trong áo, tức là người đó nhận ra mình có hòn ngọc quí, từ đó về sau không còn phải đi xin ăn đói khổ nữa.
Chúng ta bây giờ cũng vậy. Ai ai cũng có tâm thể đó, nhưng quên đi, nên cứ chạy theo vọng tưởng sinh diệt, duyên theo sáu trần nó cứ cuốn chúng ta đi nơi này nơi kia, gọi đó là luân hồi. Chỉ khi nào chúng ta sực nhớ lại, không chạy theo vọng tưởng, sáu trần, hằng sống với cái tâm thể, thì đó là đạo. Còn quên nó để chạy theo vọng tưởng, duyên theo sáu trần, đó là mê. Nói thì hết sức đơn giản, tưởng chừng trong chốc lát chúng ta giải quyết xong! Tuy nhiên, đến khi thực hành thì quả thật cay đắng, phải vậy không?
Bởi gì chúng ta quên lâu đời quá, quên nó để chạy theo những cái rất tầm thường ở bên ngoài, nhưng mình cứ chạy theo mãi. Thật tình nếu chịu khó ngẫm nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy:
Buổi sáng ta ăn lót lòng, và làm vài công việc đến trưa. Trưa vào nấu cơm ăn xong, nằm nghĩ một chút đã đến xế chiều. Tiếp tục công việc, rồi nấu cơm ăn là đến tối. Đêm nghĩ một giấc thức dậy là sáng. Hết sáng đến tối, tối đến sáng như vậy… Rồi chính trong cái sinh diệt triền miên đó, mình lại đặt điều kiện này điều kiện kia, chớ không bao giờ có niệm tỉnh giác. Nào biết đâu, thời gian rất là chóng vánh! Chăngr hạn như những vị 6, 7 mươi tuổi. Giờ sực nhớ lại 6, 7 mươi năm qua nào có xa xôi gì đâu? Những cái đó nó cứ trôi qua, trôi qua trong chốc lát. Như vậy, mà mình thì ngày nay mong ngày mai, ngày mai làm sao sáng sủa hơn ngày nay. Rồi mong năm này sáng sủa hơn năm ngoái. Chúng ta cứ sống với những cái gì ở bên ngoài, mà quên mất mình, quên lững đi, chớ không nói là quên chút ít. Cho nên Phật nói, Ngài thấy chúng sanh đáng thương là ở chỗ đó! Nếu chúng ta không có tâm thể, hoặc phải tạo ra một cách cực khổ, và mình tạo không được thì không biết làm sao, còn nó rõ ràng mà bỏ quên đi để chịu khổ, thử hỏi không đáng thương sao được? Đáng thương là tại vì nó có, mà chúng ta lại quên đi. Tuy quên mà đi đến đâu cũng mang nó theo, nhưng không biết đem ra dùng. Giờ đây khi hiểu được lẽ này thì chúng ta thấy rõ, sự tu hành của chúng ta chỉ là làm sao nhận ra, thấy rõ được cái mặt thật của chính mình (nhà thiền gọi là: Bản lai diện mục), để rồi từ đây về sau không còn kẹt ở trong đối đãi, trong phàm thánh, mê ngộ. Vì trên tâm thể đâu có phàm thánh, đâu có mê ngộ?
“Chẳng khởi thấy khác chưa từng trái bỏ.”
Nghĩa là bây giờ, lúc nào chúng ta cũng nhận ra mình, và hằng sống trong cái đó và không chạy theo cái khác, đó là không thấy khác, đó là chưa từng trái bỏ. Nên nói: “Hằng chịu siêng năng khổ nhọc.”
Muốn hằng sống trong thể đó thì cũng phải lâu mới được. Vì vậy nên nói: “Người mà khi đi, đứng, nằm, ngồi đều không có niệm khác, người đó gọi là thấy tánh.” Không phải chúng ta ngày đêm lạy Phật thật nhiều gọi là thấy tánh. Thấy tánh là suốt ngày đêm không để cho các niệm khác dấy lên, hằng sống với cái chân thật của chính mình.
“Tột cùng không có pháp khác nên nói: “Mới có thể được thành.”
Nghĩa là khi đến chỗ tột cùng, thì chỉ có tâm thể đó , chớ không có pháp nào khác, không có quả vị nào ai đem đến cho mình.
“Đây là việc của Đại Trượng Phu.”
Người nhận được sống được là Đại trượng Phu chớ không phải là kẻ tầm thường.
“Người không biết đi hỏi, liền y nơi đó mà đáp. Chẳng biết bèn tự hỏi thì ông muốn đáp cho ai? Người không biết đáp, liền y lời nói khởi kiến giải. Chẳng biết bèn tự đáp thì ông có chỉ thú gì? Cho nên nói: Thảy là Ông, khéo xem, khéo xem!”
Đoạn này thật là khó hiểu! Nếu người không biết được tâm thể của mình, rồi đi hỏi kẻ khác. Người đó nói y theo câu hỏi của mình, mà đáp lại cho người.
Đó là trường hợp người không biết chạy theo bên ngoài để hỏi. Còn bây giờ Ngài nói chẳng biết, bèn tự hỏi thì ông muốn đáp cho ai? Nếu mình chạy theo bên ngoài để hỏi, thì đã có người hỏi và người đáp, rõ ràng là có hai, tức thuộc ở ngoài. Thực tình nếu không biết thì mình tự hỏi lấy mình, tự vấn lấy mình, như vậy còn có ai hỏi? Ai đáp? Cho nên nói: Đáp cho ai?
“Người không biết đáp, liền y lời nói khởi kiến giải, chẳng biết bèn tự đáp thì ông có chỉ thú gì?”
Người không biết đáp, là người khi nghe hỏi liền khởi cái hiểu biết phân biệt, thế này, thế kia để đáp lại người hỏi. Đó là khởi kiến giải. Nếu chẳng biết bèn tự đáp cho mình, thì còn có chỉ thú gì? Tóm lại, câu chót Ngài nói: “Cho nên nói thảy là ông, khéo xem! Khéo xem!”
Như vậy đoạn này Ngài nói, nếu chúng ta không biết thì nhận nơi mình, ta vấn nơi mình mà biết. Còn nếu chúng ta biết đáp thì cũng tự thầm đáp, để xoay lại mình, chớ đừng có chạy theo câu hỏi của người mà suy nghĩ, tính toán. Thế mới không bị mắc kẹt, các ý nghĩ khác ở bên ngoài, mà hỏi và đáp đều chính nơi mình hết. Cho nên, trong nhà thiền thường dùng những câu nói như vấn tức là đáp. Khi hỏi tức là đáp. Tại sao khi hỏi là đáp? Và hỏi là hỏi cái gì? Phải chăng hỏi đạo? Hỏi Phật? Hỏi Tâm? Đạo Phật ở đâu? Rõ ràng ở ngay đầu câu hỏi đó, đã có đạo, đã có Phật rồi! Vậy mà mình cứ chờ người khác đáp, rồi bám theo cái đó mà suy nghĩ, cuối cùng chấp lấy chỗ kiến giải, cho là của mình. Thật đáng hổ thẹn thay!
Cho nên người biết hỏi là hỏi ngay nơi mình, vừa dấy niệm lên biết đầu cái niệm ấy là gì? Tự nhiên sẽ thấy! Trái lại, nếu dấy niệm chạy theo ra ngoài hỏi, chờ người đáp rồi suy nghĩ, đó là mắc kẹt. Đến người đáp cũng vậy, khi người hỏi, mình đáp, thì cũng đáp cho khéo, để cho họ xoay lại họ, mình xoay lại mình, đó mới là đáp đúng.
Chính chỗ này nên quí vị thấy, trong nhà thiền nhiều khi có những hành động lạ lùng. Chẳng hạn như hỏi: “Thế nào là câu cứu cánh.” Vị Thiền Sư chỉ ngồi làm thinh. Đó là đáp hay không đáp? Đáp đó là dùng cái gì đáp? Tức là trở lại mình. Bởi vì cái cứu cánh là cái tự mình nhận, tự mình thấy trước khi vọng tưởng chưa sanh, nên hỏi: “Thế nào là cứu cánh?” chỉ ngồi làm thinh. Nếu người không hiểu thì thôi, còn nếu khéo thì nhận ra ngay, vì trong cái làm thinh đó đã chỉ cái cứu cánh rồi. Đó là đáp để trở về mình, và người hỏi kia, họ cũng trở về họ. Đây tôi dẫn thêm một câu chuyện:
Có một Thiền sư một hôm hỏi thị giả:
– Oâng họ gì?
Thị giả đáp:
– Con đồng họ với hoà thượng.
Vị Thiền Sư lại hỏi:
– Ta họ gì?
Chúng ta ai trả lời dùm câu hỏi đó xem?
Thị giả thưa:
– Đầu câu nói đó là gì?
Thật là câu nói khéo làm sao! Đầu câu nói đó là gì?
Vị Thiền Sư hỏi:
– Ngươi từng học ở đâu?
Thị giả thưa:
– Không có chỗ khác!
Vậy ông Hòa Thượng họ gì? Nghe câu chuyện như là nói đùa mà thật thấu đáo. Nếu thị giả không trả lời như vậy, mà nói: Thưa Hòa Thượng con họ Nguyễn, họ Lê gì đó… Thì chắc là nguy! Hỏi: “Đầu câu nói là gì? Tức vị Hòa Thượng kia đã biết họ của Ông thị giả rồi. Nghĩa là chú đồng họ với ta. Đó là những cái khéo của nhà thiền, mà người ngoài (ngoại cuộc) có vẻ lạt lẻo làm sao! Nhưng thật tình nó rất thâm thúy! Chính lối đáp như vậy, mới thật là cái hỏi đáp trở về mình. Còn chúng ta cứ nghe hỏi rồi đáp, không khéo là hỏi đáp theo phân biệt của ý thức. Vì vậy nên Ngài nói: Thảy là ông, khéo xem! Khéo xem. Tức là cái gì cũng xoay về chính mình. Trong Kinh Lăng Nghiêm đâu chẳng nói: “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai.” Nghĩa là, người nào chuyển được vật, thì người đó đồng với chư Phật. Cũng như Lục Tổ nói: “Người chuyển Kinh và người bị Kinh chuyển. Như câu chuyện Ông Pháp Đạt tụng kinh Pháp Hoa ba ngàn bộ, mà không hiểu chỉ thú của Kinh, như vậy là bị kinh chuyển. Còn giờ đây biết chuyễn được Kinh thì đó là người thấy đạo. Do đó, bao nhiêu lời Phật dạy là để thấy lại mình, nhưng chúng ta không chịu thấy, mà cứ cho lời Phật nói thế này là hay, thế kia là tuyệt diệu… Rồi suy nghĩ hoài câu nói đó, đến nỗi chưa bao giờ thấy được mình.
Không thấy được mình thì dù lời Phật nói có hay thế mấy đi nữa, cũng là của báu thiên hạ (Thiền Sư nói: Mặc áo nhà bên cạnh), không phải của báu nhà mình. Nên nhân lời Phật nói mà thấy được mình, đó mới thật là chuyển Kinh. Cũng như chúng ta thấy sự vật, chúng ta nghe tiếng. v.v… Tất cả sau trần đối đãi bên ngoài ta, nhưng mỗi cái thấy, cái nghe chúng ta đều xoay trở lại mình nhận rõ nơi mình, thì đó gọi là chuyễn vật, là đồng với chư Phật.
“Hoặc có người bảo: từ trước cổ nhân Phật Tổ chỉ bày ngôn giáo, lưu bố thế gian, mỗi mỗi phân minh. Cớ sao đều nói là “tự mình”, đâu không phụ lòng từ bi của Thượng Tổ, chư Thánh nhọc nhằn dạy bảo?”
Đến đây Ngài đặt nạn vấn. Ngài nói: có người hỏi; từ xưa đến giờ Phật Tổ đã chỉ dạy, bao nhiêu Kinh điển rõ ràng, truyền bá đầy đủ trên thế gian rành rẽ. Giờ đây cái gì Ngài cũng bảo là “tự mình.”
Như vậy có phải Ngài phụ lòng chư Phật, chư Thánh hay chăng? Ngài đáp:
“Tôi thuận theo tông thú của Phật Tổ, chính Ông phụ lòng từ bi của chư Thánh trước, chớ tôi đâu có phụ. Tâị sao? Nếu nói có sở thuyết, tức là chê bai Phật, Tổ. Ông chớ nên làm người rốt sau đoạn hạt giống Phật. Nếu chẳng đến nơi mình biết trở về, thì việc làm đều thành hư ngụy. Dù Ông nhớ được như hà sa, hiểu được như trần mặc ở nơi mình nào có ích gì? Cho nên nói: “đem cái nghe nhớ lại chư Phật, sao chẳng nghe lại tánh nghe, cầu tướng ở bên ngoài, cùng ông đâu dính dáng gì. Có một vị tôn túc bảo: nay ta đáp ông một câu, mà tiến được, vẫn còn đôi phần so sánh. Nếu Ông chẳng hội, Lão Tăng thành vọng rồi.”
Đoạn này Ngài nói thật rõ, tại sao chúng ta phải trở về mình như câu hỏi trên. Nếu cái gì chúng ta cũng nói trở về mình. Như vậy là chúng ta đã phụ lòng chư Phật chỉ bảo. Nhất là đức Phật A Di Đà đang đưa tay đón tiếp chúng ta (nghĩa là Ngài sẵn sàng đón tiếp chúng ta, mà chúng ta không chịu đưa tay cho Ngài dìu, thành ra như vậy mình đã phụ Ngài sao?). nhưng ở đây Ngài Phật Nhãn nói lại: “Đó là Ông phụ, chớ không phải ta phụ.” Tại sao Ngài trả lời như vậy? Vì “nếu có sở thuyết (chỗ nói) tức là chê bai Phật, Tổ.” Trong Kinh Kim Cang Phật nói: “nếu nói Phật có thuyết pháp tức là chê bai Phật.” Như vậy nói có sở thuyết, tức có cái bị nói, Ông chớ nên làm người, rốt sau đoạn hạt giống Phật.” Nghĩa là Ông chớ làm chớ làm cái kẻ sau cùng dứt hạt giống Phật. Bởi vì lời của chư Phật nói ra, cốt chỉ chúng ta ngộ tâm thể của mình, chớ không phải để nói thành câu hay, lời khéo cho chúng ta học thuộc. Thế nhưng chúng ta thường hay bị mắc kẹt ở lời Phật nói, không chịu nhận nơi mình. Do đó Phật nói Kinh suốt 49 năm, mà sau cùng Ngài kết luận một câu: “Ta chưa từng nói một chữ,” để thấy rằng có nói đó chỉ là phương tiện tạm thời, chớ không phải cứu cánh chơn thật. Cái thật chính là trở về nơi mỗi người chúng ta, nên nhận ra được nơi chính mình. Nếu không như vậy, chính chúng ta đã tự đoạn hạt giống Phật của chính mình, chớ không ai khác.
“Nếu chẳng đến nơi mình biết trở về, thì việc làm đều thành hư ngụy.” Nếu chúng ta không trở về nơi chính mình, thì những việc làm của chúng ta như: gõ mỏ, tụng Kinh, niệm Phật. v.v… là cầu những cái bên ngoài (tức những cái đó) đều là hư ngụy. Như vậy, cái chính yếu, cốt phải trở về mình. Thế nên, chúng ta ngồi thiền là để làm gì? Là không chạy theo vọng tưởng. Nếu ngồi mà mong thấy Phật, thấy tướng hào quang… đó là mong những cái bên ngoài, đó cũng là hư ngụy, mà chạy theo cái hư ngụy tức đã là tà. Vì vậy cho nên nói: “Dù Ông nhớ được như hà sa (nhớ Kinh, nhớ lời Tổ nhiều như cát sông Hằng), hiểu được như trần mặc (hiểu Kinh, hiểu lý nhiều như bụi mực), nơi mình nào có ích gì? Nghĩa là nếu chúng ta hiểu nhiều, nhớ nhiều. Nhưng chính nơi mình nào có ích gì? Chính Phật đã từng trách Ngài A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm: “Dù cho Ông đa văn, học thuộc lòng ba tạng Kinh của chư Phật, không bằng một ngày Ông thật hành tu để thấy đạo.” Tức là một ngày mà chúng ta tu, chúng ta sống thật với mình, còn quí hơn thuộc lòng ba tạng Kinh Phật.
“Cho nên nói: đem cái nghe nhớ lại lời chư Phật, sao chẳng nghe lại tánh nghe?” Câu này trích lại trong Kinh Lăng nghiêm: “Tương văn trì Phật, Phật hà bất tự văn văn”. Nghĩa là đem cái nghe mà nhớ lời chư Phật, sao chẳng nghe lại tánh nghe của mình. Bởi chúng ta có cái bệnh, nghe câu nào trong Kinh nói hay thì nhớ cho thuộc, mà không chịu sống lại tánh nghe hằng có của chúng ta.
“Cầu Phật có tướng ở bên ngoài, cùng Ông đâu có dính dáng.” Câu này trích ở trong lời các Tổ nói. Nghĩa là chúng ta đã có Phật mà không biết trở về, lại cứ cầu Phật ở bên ngoài như Phật Thích Ca, Phật A Di Đà. v.v… vậy Phật ở bên ngoài đâu làm cho mình trở về được? Muốn trở về, phải là chính mình chớ không ai khác! Vậy nên Ngài dẫn “Có vị Tôn túc bảo: nay ta đáp Ông một câu cũng chẳng khó, nếu Ông ngay một câu mà tiến được, vẫn còn đôi phần so sánh.” Bởi nếu chúng ta nhân câu nói của vị đó mà có tiến, có hiểu thì cũng vẫn còn trong vòng đối đãi, so sánh. Lại “nếu Ông chẳng hội thì Lão Tăng trở thành vọng rồi.” Còn nếu chúng ta không hiểu thì đó cũng là lời nói rỗng, vô ích.
Nói tóm lại, chúng ta phải thấy rằng, học đạo gốc là trở về mình. Nhưng bây giờ chúng ta và Phật tử học đạo như thế nào? Trở về mình hay chạy ra bên ngoài. Gần hết 90% là chạy ra ngoài. Nghe nói ở đây, kia có thầy bói giỏi, tức liền đi đến để xem. Nghe đằng nọ có gò mối nổi lên giống hình Ông Phật liền tới lễ. v.v… Cứ như vậy mà chạy ngược chạy xuôi tìm Phật. Cuối cùng Phật ở đâu không thấy, mà Phật chính mình thì đành quên mất tự lúc nào.
“Học Giả thời nay đua nhau, lấy hỏi đáp làm quan yếu trong Thiền Tông, chẳng biết là tâm thủ xả khởi tưởng. Than ôi cái học đến lý, đến sự đều là lối nói của người gần đây, dù có chút ít nhận hiểu cũng chưa được thôi dứt. Đâu chẳng nghe nói: Đạo Niết bàn dứt bặt nghĩ lường. Phải biết thẳng thắn tự kiểm điểm mới được.”
Ngài nói rằng nhiều người cho hỏi đáp là chỗ quan yếu của người học Thiền. Nhưng thật ra đó cũng là tâm thủ xả. Vì nếu người đáp hay, thì ta cũng chấp vào câu đáp để mà nhớ, còn người đáp dở thì chúng ta chê. Như vậy cũng còn là cái tưởng thủ xả thôi. Cái học dẫn đến lý, đến sự, là người học thì chia ra đây là sự, kia là lý, lý khác, sự khác. Cái đó đều là lối nói của người gần đây. “Và có những người như vậy, dù có chút ít nhận hiểu, cũng chưa được thôi dứt.” Vì sao? Vì chúng ta còn kẹt trong cái suy tư, phân biệt. “Đâu chẳng nghe nói, Đạo Niết bàn dứt bặt nghĩ lường.” Nếu chúng ta còn suy nghĩ, dù suy nghĩ cái hay như Niết bàn, như Phật chăng nữa, thì cũng chỉ là Niết bàn tưởng, Phật tưởng mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta không nghĩ, không tính toán đó mới thật là đạo Niết bàn. “Phải biết thẳng thắn, tự kiểm điểm mới được.” Do đó mà chúng ta phải thẳng thắn, nhìn lại mình để kiểm điểm nơi mìnht hì mới thấy được Niết bàn. Còn nếu chúng ta cứ chạy ra ngoài, theo cái bên ngoài thì ắt không bao giờ thấy.
“Người do mê tâm nên tìm đạo, bèn đến trong núi rừng cầu gặp thiện tri thức, cho là riêng có cái đạo, có thể khiến người được an lạc. Họ không biết nghiên cứu trở lại, chằm chỗ mê hạ thủ công phu là tối đệ nhất. Nếu không đến được chỗ mê này, dù vào núi rừng không trở lại, cũng uổng công mà thôi. Chỗ mê cũng rất dễ nói mà khó vào. Cho nên Tiên Đức nó: “khó tin, khó hiểu!” lại bảo đây là nói đạo của Tông Đốn. Nói phản chiếu vốn là lời tẩu tác, huống là chẳng như thế. Người đời sau, bèn dùng lời trên làm bình thường vô sự, một vị chơn thật. Đây là chỗ không rõ của kẻ hậu học, ăn mặc chẳng xét.”