Thầy ngưng hơi lâu, bây giờ mới hỏi thăm tất cả đều khỏe mạnh, luôn giữ tinh thần gần gũi với nhau. Khi thế giới chia cắt, chúng ta cần rất nhiều thăm hỏi, một đôi lời qua điện thoại cũng hỗ trợ rất nhiều, nếu người bạn nào đó đang gặp chuyện khó chịu. Đây không phải là xã giao, mà là sự quan trọng của kết nối. Chúng ta không phải là sinh vật sống đơn độc trong khung trời riêng của mình, chúng ta tự lo cho thân của mình được – chuyện này ở Mỹ dễ như ăn cơm – nhưng chúng ta là sinh vật quần tụ, cần sự truyền thông kết nối bằng hình ảnh âm thanh. Tự nhiên nương vào nhau mà sống.
Thầy tìm được một hình ảnh dễ thương của sự hợp đoàn kết nối. Đây là sinh hoạt của một vị thầy và các đệ tử, có cảm thông, có giáo dưỡng, và trên hết có nụ cười vui. Gửi trước để gợi ý viết tiếp thư sau.
Phải mất thời gian gần 12 năm để đi từ một khung thành cũ đến thành phố mới. Vì sao phải đi lâu như thế? Trong mỗi bước đi là một khám phá chính mình. Với các bài học của những vị thầy trước, Thiện Tài cần có thời gian suy ngẫm. Trên đường đi, mỗi người gặp gỡ trên đường, mỗi bông hoa nở dưới bước chân, đều là sự nhắc nhở, đều là lời dạy dỗ ân cần của thiên nhiên.
Người lên đường cầu học, không phải với tâm thức nôn nóng, muốn chụp bắt chân lý trong tay, muốn chứng đạo liền ngay lập tức. Có một học trò hỏi thầy:
– Thưa thầy, nếu con cố sức học rất chăm chỉ, con sẽ thành công trong bao lâu?
– 20 năm.
– Nhưng cha con đã rất già, cần thấy con đạt đạo trước khi ông nhắm mắt. Con sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, nỗ lực không ngừng. Thưa thầy, cần mấy năm?
– Thế thì, 50 năm!
Như vậy, chúng ta đi theo bước chân Thiện Tài, cũng không nóng vội, để xem anh chàng đã trải qua ngày giờ, xứ sở nào bao lâu, mỗi lúc tâm càng tế nhị hơn.
Lần thứ năm, Thiện Tài đến thành phố Trụ Lâm, sau khi qua nhiều giấc mơ dài ngắn, qua nhiều biến đổi tâm tư. Đi tìm và hỏi thăm, gặp được Trưởng giả Giải Thoát. Vị Bồ-tát này đang ở trong đạo tràng, với vô biên niệm lực, giảng nói cho Thiện Tài về con đường hành đạo, bắt nguồn từ nguyện lớn.
Vị thầy tên Giải Thoát, mời Thiện Tài xem một bức tường, trong đó phản chiếu vô biên hình ảnh. Từ cuộc đời của các đức Phật, vừa khởi niệm muốn được thấy cõi Phật nào thì cõi đó liền bày hiện diệu kỳ. Bức tường như tấm gương tâm, nghĩ đến Phật thì có Phật, nghĩ đến ma thì có ma. Thiện Tài chợt hiểu rằng, bằng phương tiện chiếu hiện, năng lực của tâm có vô số vô biên hình ảnh, và không hình ảnh nào có thật.
Trưởng giả giải thích thêm:
Này nam tử, Như Lai như mộng
Cùng tâm ta, huyễn vọng đó thôi
Ba mươi hai vẽ tuyệt vời
Gồm trong chữ Hóa, vậy thời do tâm.
Như ra khỏi một giấc mộng, Thiện Tài bừng tỉnh, những hình ảnh cõi Phật, cõi Ta-bà chợt biến mất. Nhà Thiền có câu khai thị: “Nếu gặp Phật chớ dừng bước. Nếu gặp ma, cứ đi qua”. Đó là sự giải thoát tuyệt đối. Hiểu ra điều này, Thiện Tài càng thấy rõ hơn, không dính mắc bất cứ những gì, dù tốt dù xấu. Trên đường hành đạo cứ thẳng bước triển khai những tính tốt lợi ích và nguyện độ sanh không cùng tận, luôn biết rằng mọi thứ như mộng, thì cứ nằm mộng tốt cho khỏe. ¤