Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Cây Gậy



CÂY GẬY

Ngày một trong tay nương gậy rong
Bỗng dưng như cọp cũng như rồng.
Nắm lên lại ngại núi sông nát
Quơ gậy e rằng trời, trăng mờ.
Ba thước Song Lâm chỗ nào có
Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.
Dù cho thế đạo gai chông lắm
Chẳng nệ từ xưa lão chập chùng.

Giảng:

Ngày một trong tay nương gậy rong
Bỗng dưng như cọp cũng như rồng.

Mỗi ngày mỗi ngày cầm cây gậy rong chơi, nhưng cây gậy này nó có muôn ngàn diệu dụng không thể nghĩ lường nên nói:

Nắm lên lại ngại núi sông nát
Quơ gậy e rằng trời, trăng mờ.

Đây là diệu dụng của cây gậy, hễ Ngài nắm đưa lên thì núi sông tan nát, nếu quơ một cái e trời đất trăng sao đều mờ. Đó là diệu dụng quá mức của cây gậy.

Ba thước Song Lâm chỗ nào có
Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.

Song Lâm có người hiểu lầm là chỗ của Phật nhập Niết-bàn, nhưng Song Lâm đây là chỉ cho chỗ của ngài Phó Đại Sĩ ở Trung Hoa. Ngài Phó Đại Sĩ tự là Huyền Phong hiệu là Thiện Huệ sanh năm 497 tịch năm 569 Dương lịch, quê ở Đông Dương huyện Ô Thương tỉnh Chiết Giang. Ngài tự xưng là Thiện Huệ Đại Sĩ hay là Phó Đại Sĩ hay Song Lâm Đại Sĩ (Song Lâm là chỗ Ngài ở). Năm mười sáu tuổi lập gia đình với bà Lưu Diệu Quang. Sanh được hai người con đặt tên Phổ Kiến và Phổ Thành. Đến năm hai mươi bốn tuổi Ngài đi thả lưới ở sông Chiết Giang, gặp một vị Tăng người Ấn hiệu là Đạt-ma hay Tung Đầu-đà nhắc lại tiền kiếp của Ngài. Vị Tăng bảo: “Ngài cùng tôi lúc xưa tu ở trên cung trời Đâu-suất, bây giờ xuống đây Ngài quên rồi sao?” Nói rồi dẫn Ngài tới một bờ hồ bảo Ngài nhìn xuống dòng nước thì thấy rõ hình ảnh của Ngài là vị Tăng. Khi đó Ngài thức tỉnh xin xuất gia tu hành. Rồi đến huyện Ô Thương ở Tùng Sơn dưới hai cây tùng cất am tu nên để hiệu là Song Lâm am. Sau này thành chùa cũng là Song Lâm. Ngài tu rất đắc lực và có nhiều sự kỳ bí (xem trong Tục Cao Tăng truyện quyển thứ 25, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ 27 – 30, Thánh Tăng Truyện quyển 4 kể lại sự tích đời Ngài). Ngài có làm bài kệ “đêm đêm ôm Phật ngủ…” Sau đây là bài kệ Pháp Thân của Ngài:

Không thủ bả sừ đầu
Bộ hành kỵ thủy ngưu.
Nhân tùng kiều thượng quá
Kiều lưu thủy bất lưu.

Tạm dịch:

Tay không cầm cán cuốc
Đi bộ cỡi lưng trâu.
Người trên cầu đi lại
Cầu trôi nước chẳng trôi.

Đây là lối nói ngược: tay không lại cầm cán cuốc, đi bộ mà cỡi lưng trâu, cầu trôi nước không trôi v.v.. toàn là chuyện nói ngược, nghĩa là ai muốn nhận ra Pháp thân thì phải có cái nhìn ngược lại. Chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh dính mắc các duyên cho nên không nhận được cái chân thật của mình. Bây giờ muốn nhận ra cái chân thật thì phải xoay trở lại, đừng chạy ra ngoài. Đó là ý nghĩa của hai chữ Song Lâm. Hơn nữa, Phó Đại Sĩ đi đâu cũng cầm cây gậy Song Lâm ba thước (một thước bằng bốn tấc tây). Bây giờ muốn thấy cái diệu dụng của Ngài qua cây gậy phải làm sao? “Sáu khoen Địa Tạng ưa khó tầm.” Quí vị thấy tượng Bồ-tát Địa Tạng cầm cây tích trượng, trên đầu tích trượng có gắn sáu khoen tượng trưng cho Lục độ. Ngài Địa Tạng cầm cây gậy sáu khoen chúng ta thích lắm, nhưng cũng khó tầm ra.

Dù cho thế đạo gai chông lắm
Chẳng nệ từ xưa lão chập chùng.

Dù cho đường đời có gai chông, nhưng mà không ngại, vì lão già đi chập chững đã có cây gậy tùy thân, nên vượt qua hết, thật là diệu dụng của cây gậy khôn lường. Thượng Sĩ nói rằng cây gậy là chỗ nương thân của người yếu đuối. Cũng vậy người tu khi nhận ra Thể chân thật, đó mới chính là chỗ của mình nương tựa. Nó có diệu dụng khôn lường nên ở đây Thượng Sĩ dẫn cây gậy của ngài Phó Đại Sĩ và cây tích trượng của Bồ-tát Địa Tạng, ở đời ít ai có, hoặc có mà không nhận ra, nhưng nếu nhận ra thì dù cho đường đời nhiều chông gai, dù cho thân này già yếu cũng vẫn xông pha một cách nhẹ nhàng. Cho nên các Thiền sư nói: “Ông không có cây gậy thì ta cướp cây gậy của ông, còn ông có cây gậy thì ta sẽ cho ông cây gậy.” Các ngài nói nghe ngược đời, không có lấy gì mà cướp, đã có rồi cho làm gì? Mới nghe dường như ngược, nhưng mà đúng vậy, mình nhận mình có cây gậy thì cho mình mới dùng, còn không nhận mình có cây gậy thì bỏ luôn đâu có dùng. Cho nên nói không có thì cướp, mà có thì cho. Cây gậy đó không phải là cây gậy tầm thường, mà là cây gậy để chúng ta nương thân qua bờ bên kia; đó là chỉ Pháp thân của mỗi người vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.