Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu



HỌA THƠ HƯNG TRÍ THƯỢNG VỊ HẦU

Thiền phong không trước cũng không sau
Bản thể như như sẵn vậy nào.
Thiếu thất chín năm không một tiếng
Hoàng Mai đêm giữa tạm riêng truyền.
Tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm
Khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời.
Vì bảo Nguyên quân Trần Xử Sĩ
Nhạn khuya một tiếng, hết đêm mù.

Giảng:

Đây là bài thơ Thượng Sĩ họa lại để tặng Hưng Trí Thượng Vị Hầu(1). Trong sử ghi rằng khi quân ta đánh với quân Nguyên, quân Nguyên thua bỏ chạy, nhà Vua ra lệnh đuổi theo chớ không giết. Trần Quốc Nghiễn quá hăng nên xua quân đuổi theo giết quân địch rất nhiều. Khi làm lễ thưởng công tướng sĩ thì Trần Quốc Nghiễn bị nhà Vua chê là không tuân lệnh, và giặc thua chạy mà còn đuổi theo giết là không có lợi. Vì sao? Vì Việt Nam là nước nhỏ dân ít, còn quân Nguyên nước lớn dân đông, tướng tài của mình đánh thắng họ là mừng rồi, họ thua để cho họ chạy về nước, đuổi theo giết họ chỉ gây thêm thù oán. Quốc Nghiễn vì quá hăng không nghĩ đến cái lợi hại lâu dài, khi bị quở và không được thưởng công, ông hơi buồn làm thơ than thở do đó Thượng Sĩ họa lại với lý Thiền để khuyên ông. Mở đầu Ngài nói:

Thiền phong không trước cũng không sau
Bản thể như như sẵn vậy nào.

Sống Thiền là cốt trở về với Bản thể như như, Bản thể như như đó không trước không sau. Trước sau là chỉ cho không gian và thời gian, Bản thể như như thì sẵn đó chớ không phải mới có mới thành.

Thiếu Thất chín năm không một tiếng
Hoàng Mai đêm giữa tạm riêng truyền.

Tổ Đạt-ma chín năm ngồi xây mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, lặng im không một tiếng để nói lên Thể như như. Sống với Bản thể như như thì không còn một tí vọng động. Ở Hoàng Mai giữa đêm Ngũ Tổ truyền ý bát cho Lục Tổ là việc tạm thôi.

Tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm
Khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời.

Nếu tâm mình chẳng dính một mảy tơ, không một niệm nhỏ nhiệm khởi lên thì lo gì cái miệng mình nói bậy mà phải lựa lời. Sở dĩ miệng hay nói tào lao là tại tâm lăng xăng lộn xộn, nếu tâm lặng lẽ thì miệng không còn nói bậy. Chúng ta sở dĩ lựa lời nói cho khéo léo là tại tâm mình lộn xộn, khi thì nghĩ tốt, khi thì nghĩ xấu, cho nên phải kềm chế bằng cách lựa lời hay khéo để nói. Một khi tâm đã lặng lẽ không dấy niệm thì không còn lo sợ cái miệng nói bậy. Hai câu này ý nói người ta hay sợ cái quả mà không sợ cái nhân, lời nói phát ra là để diễn tả tâm tư của mình, tâm suy nghĩ tốt xấu thì thốt ra lời nói có hay có dở, nếu tâm tư lặng lẽ thanh tịnh thì lời nào thốt ra cũng thanh tịnh. Thế mà người đời cứ lựa lời nói cho hay cho khéo mà không chịu gạn lọc phiền não cho tâm được thanh tịnh. Lo lựa lời nói khéo là chúng ta chỉ lo tránh quả mà không sợ nhân. Thói thường chúng ta không sợ tạo nghiệp mà chỉ sợ cái khổ sanh tử luân hồi. Luân hồi thọ khổ là cái quả không đáng sợ, sợ là sợ tạo nghiệp, vì có nghiệp mới dẫn đi luân hồi. Song, nghiệp cũng không đáng sợ mà phải sợ cái nhân đưa đến sự tạo nghiệp là vọng tưởng. Như vậy muốn không tạo nghiệp, phải buông vọng tưởng, nên nói “tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm, khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời”. Nghĩa là nội tâm không còn vọng tưởng thì lo gì tạo ra khẩu nghiệp. Vậy người tu Thiền muốn tránh cái quả luân hồi thì phải tránh cái nhân tạo nghiệp, muốn không tạo nghiệp thì phải buông hết vọng tưởng, dứt được manh mối ban đầu thì luân hồi làm sao có? Đó là cái gốc mà ai tu cũng phải lo thực hiện cho tốt.

Vì bảo Nguyên quân Trần Xử Sĩ
Nhạn khuya một tiếng, hết đêm mù.

Trần Xử Sĩ cũng là hiệu của Trần Quốc Nghiễn. Về đêm trời khuya vắng lặng, một tiếng nhạn kêu thì sương mù tan ngay. Đây muốn nói khi tâm chúng ta thanh tịnh thì, mê mờ đau khổ đều sạch hết. Chỉ cần một phen ngộ thì mọi sự đều yên, nếu còn mê còn lăng xăng lộn xộn mà muốn tránh những cái khen chê, làm sao tránh khỏi? Chỉ khi nào tâm bừng sáng thì mọi cái mê mờ hết sạch, đó là lời khuyên chí lý của Ngài. Qua bài thơ này chúng ta thấy Thượng Sĩ khuyên Trần Quốc Nghiễn đừng buồn phiền vì đi đánh giặc có công mà không được trọng thưởng. Ngài khuyên ông phải ráng tu để tâm thanh tịnh thì mọi sự buồn phiền đau khổ đều hết.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.