Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Vào Cát Bụi



VÀO CÁT BỤI

Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi.
Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa.
Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy
Dây sắt lôi đầu cọp đá về.
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

Giảng:

Vào cát bụi là vào cõi trần ai, tức là vào cõi đời nhiều bụi bặm nhớp nhơ.

Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi.

Đi nhanh một mạch vào cõi đời nhiều cát bụi, không ngại ngùng e sợ. Tuy vào vòng bụi bặm nhớp nhúa, mà đầu chân mày vẫn óng ả ánh sáng. Người đi vào đời mà ánh sáng mở rộng như vậy thì không bị nghiệp lôi dẫn, nên nói “vàng óng đầu mi, mở khơi khơi”. Cùng đi vào cõi trần mà người mê thì đi trong đen tối, người tỉnh thì đi trong sáng suốt.

Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa
Nhà đông cười nói nhập thai lừa.

Hàng Bồ-tát phát nguyện lợi sanh, đi vào xóm làng phía bắc thác sanh nhập vào thai ngựa sanh ra thân ngựa, đi về phía đông vào nhà người cười nói, thác sanh vào thai lừa sanh làm lừa. Bồ-tát sanh làm ngựa làm lừa là lăn lộn trong trần ai, chấp nhận trầm luân trong sanh tử, nay nơi này mai chốn nọ. Các ngài đi vào cảnh giới xấu, nhưng các ngài đi với bản nguyện lợi sanh, đến với cuộc đời bằng mắt trí tuệ, chớ không phải đi theo nghiệp dẫn. Thế nên, tuy có lăn lộn trong cõi trần ai, nhưng đến một ngày nào đó thức tỉnh thì:

Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy
Dây sắt lôi đầu cọp đá về.

Khi ấy rất trí dũng cầm roi vàng đánh trâu đất, trâu đất cũng phải chạy, dùng dây sắt lôi cổ cọp đá, cọp đá cũng phải quay đầu. Để thấy rằng Bồ-tát vì hạnh nguyện lợi sanh dù đi vào cõi trần, lăn lộn trong vòng bụi bặm. Khi thức tỉnh, các ngài vẫn có diệu dụng không thể nghĩ lường. Các ngài có thể xoay ngược lại tất cả những gì mà từ lâu nay người đời bị cuốn hút chao đảo.

Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

Người tu khi công hạnh tự lợi đã xong, phát nguyện độ đời, giáo hóa chúng sanh, kéo họ ra khỏi dòng sanh tử xong rồi thì giá băng đông lạnh không còn nữa, bấy giờ đứng trên đài xuân thấy trăm hoa đua nở đầy cả bầu trời, thật đẹp đẽ vui tươi.

Mở đầu bài thơ, Thượng Sĩ chống gậy đi vào đời đầy cát bụi với ánh sáng và từ bi mở rộng. Đối lại, cuối bài thơ thì công hạnh lợi sanh viên mãn, tất cả những tác nhân gây đau khổ, tới đây tan vỡ, không còn giá trị nữa, chừng ấy mới thấy bầu trời mùa Xuân, trăm hoa nở rộ, vui tươi đẹp đẽ vô cùng. Đó là giờ phút công hạnh tự giác, giác tha viên mãn của người tu, lúc đó là lúc an nhàn tự tại.

Quí vị dám vào cát bụi không? Thoạt đầu thấy đen tối quá! Nhưng ở đây đi vào cõi đời cát bụi với ánh sáng óng ánh ở đầu mi mở rộng, nên không bị cát bụi làm ô nhiễm. Nếu vào đời mà tối tăm không có ánh sáng thì sẽ bị bụi trần làm nhiễm ô, không lợi ích gì. Bồ-tát hay Thiền sư có lúc các ngài thị hiện ở những nơi rất lôi thôi để lợi sanh. Như ngài Huyền Sa Sư Bị, trước khi tu cũng ở trong cảnh mê muội, thường hay giăng câu bắt cá, khi thức tỉnh, liền đem thuyền lên bãi cát bỏ, xuất gia tu hành. Kiểm lại, lúc chúng ta còn nhỏ chưa hiểu đạo, đâu có hơn người thế tục chút nào. Người đời ăn thịt mình cũng ăn thịt, người đời cười giỡn ca hát mình cũng cười giỡn ca hát, cái gì quyến rũ mình đều ưa thích. Nhưng khi thức tỉnh mình mới khác người đời. Đâu quí vị xét lại mình coi có khác người đời chưa? Tất cả chúng ta phải đánh dấu hỏi chỗ này. Khi mê thì mình cũng như ai, nhưng khi tỉnh thì phải khác. Nói tỉnh mà không khác thì chưa thật tỉnh. Chỉ mang tiếng tỉnh mà không tỉnh. Vậy nên chúng ta phải tu cho thật tỉnh, để xứng đáng với danh nghĩa mà mình đã mang. Và, nhớ tỉnh rồi thì không được mê lại, mê lại là tội lỗi. Hai câu kết của bài này quá hay:

Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.