Kinh Di Giáo Giảng Giải

15. Dặn Dò "Phát Triển Trí Huệ"



Tỳ-kheo các ông! Nếu có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh sát không để tạo lỗi, thế là ở trong giáo pháp của ta hay được giải thoát.

Nếu có trí tuệ nhận được thật tướng các pháp, hiểu rõ các pháp do nhân duyên hòa hợp sanh, vô thường tạm bợ, tự nhiên không còn tham đắm. Không nhận ra sự giả dối của các pháp mới sanh đắm trước. Người học pháp Phật tuy chưa buông hết mọi dính mắc, nhưng nhờ học, nhờ huân, dần dần rõ bản chất các pháp, không đến nỗi bị pháp điều khiển hoàn toàn. Nếu quá đắm mê pháp chứng tỏ mình không có trí tuệ, không rõ bản chất thực sự của pháp.

Kinh Kim Cang Phật dạy:

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện.
Nên khởi quán như thế.

Tất cả pháp hữu vi đều nhanh chóng tiêu diệt, hoặc gặp nghịch duyên liền vỡ tan. Như núi cao vòi vọi, sừng sừng như vậy, mà một trận động đất mạnh sẽ khiến nó sạt lở. Nhà cao tầng được xây dựng kiên cố vẫn bị một chiếc máy bay đâm đổ sụp. Cả thành phố với bao công trình to lớn, tưởng như chắc chắn, nhưng một quả bom nguyên tử rơi xuống liền trở thành tan hoang… Pháp thấy như cứng chắc lại dễ tan vỡ vô cùng. Khi nhân duyên đến, không phải chỉ nhà cửa, phố thị, đồi núi, mà cả đại lục cũng chìm xuống biển.

Những thứ đồ sộ, to lớn như vậy mà còn tan biến theo thời gian, theo nhân duyên, huống chi những thứ nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày càng thay đổi nhanh chóng, vậy mà mình cứ vô minh tham đắm chúng!

Ham thích món ngon, đâu nhớ món ăn là thứ hoại nhanh nhất. Vừa ăn vào, nôn ra đã là thứ khác rồi, đợi đến ra cửa sau càng đáng sợ hơn. Nếu để đến chiều hay hôm sau, thức ngon mấy cũng đổi vị, đâu còn gì là ngon, thậm chí còn không dám để vào miệng.

Thân cũng vậy, dễ vỡ, dễ tan, gặp duyên dao kiếm, súng đạn, lửa, nước, xe v.v… đều sẽ khiến nó gặp nguy hiểm. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ nói: “Thân này sớm còn tối mất, trong khoảng sát na đã qua đời khác, như sương mùa xuân, móc sáng sớm, chốc lát đã tan.”

Sanh ra cũng đồng thời mang án tử, duyên nghịch đến là bỏ thân ngay, con người có thể chết bất cứ lúc nào, đột ngột, bất ngờ. Lên xe không biết có an toàn xuống xe không, ngủ không biết có thức dậy được không, đi đường không biết có bị ông nào đụng nhằm không v.v… Mạng sống mỏng manh vậy đó.

Nếu mình thấy được tánh chất dễ tan vỡ, mỏng manh, vô thường của thân này và muôn pháp, tâm tham đắm sẽ tự tiêu. Lỗi ở chỗ mình hay quên, không có trí tuệ, cứ nghĩ nó bền chắc, bên ngoài đắm pháp, bên trong đắm thân, cả đời phục vụ thân, đuổi theo pháp. Suốt ngày ăn chơi hưởng lạc, chìu chuộng thân, đến khi bệnh ngặt bức bách, hối hận đã muộn. Thân này sẽ rất quý nếu mình biết dùng nó tạo thiện nghiệp, nhưng nếu mình đắm vào thân, phục vụ ngũ dục lạc cho nó là mình đang dùng thân tạo ác nghiệp, gây khổ cho mình đời này và cả những đời sau.

Để có nhà lầu, xe hơi, chức cao, tước trọng, vợ đẹp, con xinh v.v… thì phải kiếm thật nhiều tiền. Nếu có phước tự nhiên đầy đủ, nhưng nếu thiếu phước mà vẫn muốn có nhiều thì phải tạo nghiệp ác. Đâu biết tài sản do tạo ác mà có sẽ nhanh chóng mất đi. Như đức Phật từng nói: Tài sản là của năm nhà: Nước, lửa, con hư, giặc cướp, vua quan. Nước lụt cuốn trôi, lửa cháy tan tành, con hư phá hết, kẻ cướp cướp đi, vua quan tịch thu. Tài sản bất hợp pháp tiêu đi, nghiệp ác đã tạo còn ở lại, phải trả trong nhiều đời nhiều kiếp, không biết bao giờ mới hết.

Thế nên phải có trí tuệ, thường học, thường huân, thường nhớ tự kiểm soát để không tham trước, không tạo tội. Nếu không thường kiểm điểm, nhắc nhở, để tâm buông lung tham đắm các pháp, nhân đó tạo lỗi lầm là mình phải tự lãnh lấy quả ấy.

Nhìn lại cái mê của mình mà thấy đáng cười. Mình cuồng nhiệt, tham đắm phụng sự cho thân này, rốt cuộc được gì? Ăn ngon lắm bao tử cũng chứa tới mức nào đó, cố nhồi nhét thêm cũng không được, vì thân không chấp nhận. Vậy mà mình cứ nhiệt tình với nó, đến khi nó nằm ngay đơ hết thở, không trả ơn mình chút nào mà nghiệp tham ăn mình phải mang theo. Ngủ cũng vậy, thân chỉ cần một chỗ ngã lưng là đủ, nhưng mình không chịu, phải cất nhà to, sắm giường rộng, trong khi thân cũng chỉ nằm có bấy nhiêu và ngủ có mấy tiếng. Quần áo một bộ là đủ, đâu thể khoác lên người năm bảy chục bộ được, vậy mà trong tủ lúc nào cũng đầy ắp đồ mặc.

Chúng ta phục vụ cái không cần phục vụ, ngu mê xài phí phước, không biết để dành. Thân thật sự không đòi hỏi nhiều, chỉ cần khi đói cho ăn, khi mệt cho nghỉ, khi lạnh cho mặc, khi bệnh cho thuốc. Nó đâu cần, tại mình làm quá, tìm cách phục vụ nó tốt nhất. Phủ phàng là dù phục vụ tốt đến mấy cũng tới lúc nó phản bội mình, vẫn bệnh làm mình đau đớn, vẫn chết làm mình khổ sở. Nó đâu vì được phục vụ mà thương chìu mình, cho mình sống lâu, cho mình khỏe mạnh! Hễ đến duyên là nó hoại. Vậy mà mình không chịu thức tỉnh, không chịu quán sát, cứ đắm mê thân, dính mắc vào các pháp giả dối tạm bợ bên ngoài, để rồi tạo không biết bao nhiêu tội lỗi.

Chúng ta được học Phật pháp, có được trí tuệ, biết cái nào thật, cái nào giả. Cái giả không thể tồn tại lâu dài, nên không cần chạy theo phụng sự nó. Trái lại, nương pháp tạm bợ này để tu học, phát triển trí tuệ, trở về với cái chân, ngay đó là giải thoát, là Niết-bàn. Sở dĩ chúng sanh khổ não vì không biết pháp hư dối, đắm vào pháp nên bị pháp làm não phiền. Không ai làm phiền mình được, không ai trói mình được, vì mình đắm chấp nên tự trói. Hiểu rồi không đắm, không chấp nữa, ngay đó giải thoát.

Như đức Phật dạy ngoại đạo “buông, buông, buông”, tức buông sáu căn, buông sáu trần, buông sáu thức. Chỉ cần buông là giải thoát. Tuy nói buông ba chỗ, nhưng thật ra chỉ cần buông tâm, buông sự đắm chấp của mình, căn trần vốn không lỗi, chỉ vì tâm đắm mới thành sự. Buông tâm đắm mê, ngay đó giải thoát. Mà muốn buông được tâm đắm mê này phải có trí tuệ, nhận rõ cái gì thật, cái gì giả. Hiểu rõ các pháp hư dối để không đắm nữa.

Có hai cách tu thể nhận tự tánh: Một là “từ không vào có”, hai là “từ có ra không”.

“Từ không vào có” là thấy rõ các pháp hư dối không thật, buông bỏ không theo, đến khi tâm hoàn toàn rỗng lặng liền thể nhận bản tâm thanh tịnh. Như một thiền sư nói: “Không tâm còn cách một lớp rào”, tức khi tâm đã không rồi phải thể nhận được tự tánh mới xong việc.

“Từ có vào không” là đã nhận được cái thật, đã thấy tánh, từ đó dụng công chỉ sống với cái thật, ngoài nó ra không quan tâm gì khác nữa, lâu ngày tâm hoàn toàn rỗng lặng, thể nhập hoàn toàn vào tự tánh. Như Bàng Uẩn nói: “Tâm ‘không’ được đậu về”. Kiến tánh rồi phải tu đến tâm “không”, tức không còn dấy niệm nữa mới được.

Không ai trói buộc mình nên không cần tìm cầu giải thoát bên ngoài. Chính mình chấp mê, tự mình trói buộc thì phải biết cách buông chấp để giải thoát.

Ngài Đạo Tín đến lễ Tam Tổ Tăng Xán, thưa: Xin Hòa Thượng dạy cho con pháp môn giải thoát? Tổ hỏi: Ai trói ông? Thưa: Không ai trói con. Tổ bảo: Vậy cầu giải thoát làm gì? Ngay đó, Ngài Đạo Tín ngộ, biết rõ đường tu.

Tự giải thoát là thế, không ai trói và không ai có thể giúp mình mở được, mình phải tự mở. Thiền sư nói: Ai cột linh lên cổ sư tử, người đó tự mở. Tự chấp thì tự buông, không ai chấp thay mình nên chẳng ai buông giùm mình được.

Chỉ cần có trí tuệ thấy được thật tướng các pháp, nhận được bản tâm tự nhiên buông được, tự nhiên giải thoát.

Nếu không như vậy chẳng phải là bực đạo nhân, cũng chẳng phải là người bạch y, không biết gọi là gì?

Phật quở những người xuất gia không có trí tuệ, không biết thật tướng các pháp, để ngũ dục lôi kéo, tham sân si như người thế gian không khác. Tâm thế gian, thân xuất gia, vậy gọi là bạch y (người đời) hay gọi tu sĩ? Nếu gọi là người tu, sao vẫn còn đắm chấp, vẫn tham sân si? Nếu gọi là người đời, sao lại cạo tóc, đắp y? Vậy gọi sao cho đúng?

Tổ sư gọi người như vậy là hạng chim chuột (dơi). Chim không ra chim, chuột không ra chuột. Gọi nó là chim nhưng nó lại ăn uống, đại tiểu tiện như chuột; gọi nó là chuột nhưng nó lại có cánh như chim. Xuất gia rồi còn đắm mê trong danh lợi, đời không ra đời, đạo không ra đạo, như loài dơi không khác.

Hoặc có khi quý Ngài gọi hạng người này là Cư sĩ trọc. Có tướng người tu, không có tâm người tu. “Thân tại tự trung; tâm tại tự ngoại”: Thân ở trong chùa, tâm ở ngoài chùa. Mang hình tướng xuất gia mà cư xử không khác người thế gian không được học Phật pháp. Bởi một Phật tử được học giáo lý Phật sẽ có cái nhìn chánh kiến, biết buông xả, mở rộng lòng từ với chúng sanh. Họ hiểu và ứng dụng pháp Phật vào cuộc sống hằng ngày, tuy không mang hình tướng xuất gia nhưng tâm lại có thể giải thoát.

Rất nhiều cư sĩ ở giữa thế gian đạt đạo, như thời Phật ở Ấn Độ có Ngài Duy-ma-cật, đời Đường ở Trung Hoa có Ngài Bàng Uẩn, nước ta đời Trần có Tuệ Trung Thượng Sĩ v.v… Các Ngài đã nhận và sống lại được với tự tâm nên rất tự tại giữa thế gian. Ngài Duy-ma-cật tùy duyên độ người vô số, để lại bộ kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết rất uyên thâm. Ngài Bàng Uẩn cả nhà sáng đạo, đem gia tài đổ xuống sông, trai làm ruộng nuôi mẹ, gái đan sáo nuôi cha, ung dung sống đạo. Ngài Tuệ Trung thê thiếp đầy nhà mà lòng không mảy may rung động, sống chết nhàn nhã.

Việc Ngài Bàng Uẩn đổ gia tài xuống sông cũng gây tranh cãi. Có người cho rằng nên đem bố thí cúng dường, đổ vậy phí quá. Nhưng làm sao mình lường được tâm của bậc đạt giả! Có thể bản thân Ngài nhận thấy vật chất bên ngoài giả tạm, cho người chỉ khiến người tăng thêm dục nhiễm. Hoặc theo nhân quả, mình bố thí cho người tức người nợ mình, nợ thì phải trả, dù bố thí là việc tự nguyện, nhưng nhân quả vận hành như vậy, nhận của ai đều mắc nợ, dù người đó tự nguyện hay không tự nguyện, người nhận đều phải trả. Có lẽ Ngài không muốn người nợ mình, không muốn kết duyên, không muốn dính líu v.v… Thật ra, những luận điểm này cũng chỉ là lạm bàn, việc làm của Bồ-tát, chúng sanh không hiểu nổi, nói nhiều thêm lỗi.

Người tu mà tâm không tu, nhận của cúng dường càng nhiều, nợ thí chủ càng lớn, không biết đời nào mới trả hết, lẩn quẩn trong cảnh nợ nần, không biết chừng nào mới ra thoát! Nếu tu không tốt, đời sau đổi thân trả nợ, dùng chính thân này trả.

Có một vị vừa vào thai mẹ đã ăn chay, ra đời sống như một người tu, không đắm dục lạc, không thích chuyện nam nữ, không sửa soạn chưng diện… Tuy yêu thích hạnh xuất gia nhưng không đi được, phải ở nhà làm lụng nuôi gia đình. Không phải gia đình không cho đi tu, mà vì thương quá không muốn xa. Khi còn cha mẹ, muốn ở cạnh chăm sóc, khi cha mẹ qua đời, thương các em các cháu, nên không dứt áo đi được. Vị đó không phải nợ một người mà nợ cả gia đình.

Nếu sự tu tập của mình không đủ để tiêu của thí chủ thì đời sau, dù có tập nghiệp của người tu, vẫn không thể xuất gia, phải trả cho hết nợ còn thiếu.

Người tu không tu gọi là cư sĩ trọc, còn cư sĩ hiểu đạo tu hành gọi là Bồ-tát tại gia. Gia đình Cư sĩ Bàng Uẩn bốn người đều sáng đạo, bỏ hết của cải, sống đời sống thanh bần mà vui với đạo. Một hôm, ông bỗng thốt lên: “Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt”; Bà Uẩn đáp: “Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư; Cô Linh Chiếu thưa: “Chẳng dễ chẳng khó, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò.” Ba vị đều đắc đạo, nhưng đứng trên khía cạnh khác nhau nên nêu quan điểm khác nhau, cũng không có mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi.

Bàng Công nói khó là đứng trên mặt dụng công, với những vị chưa kiến tánh mà tu thì giống như đi trên băng mỏng, không cẩn thận là chìm xuống nước, vì rất dễ rơi vào hai bên, hoặc yêu thích rồi trụ lại cảnh giới nào đó, từ đó dính kẹt, không được giải thoát. Bàng Bà nói dễ là đứng trên mặt tự tánh hiển dụng, “tất cả pháp đều là Phật pháp”, sắc hiển tánh thấy, tiếng hiển tánh nghe… Qua sáu căn, tự tánh thường phóng quang, ngay đó nhận lấy tự tâm, rõ biết người hay thấy hay nghe ấy. Rất dễ, tất cả pháp đều hiển hiện Phật pháp, tự tánh thường chiếu dụng, ngay đó nhận lấy là được. Cô Linh Chiếu đứng ở vị trí người đã nhận, đã sống trọn vẹn, tùy duyên mà đói ăn khát uống, vượt hai bên đối đãi, tự tại vô ngại.

Là Phật tử ở đời, nếu dụng công tốt vẫn thấy đạo, tự tại ngay giữa thế gian, không bị pháp thế gian buộc ràng, giữa cái rối loạn của danh lợi vẫn không rối loạn, ngũ dục bao quanh mà không đắm. Thế nên, không thể nói người đời không tu được. Ai cũng có chân tâm, ai nhận được sống được đều gọi là đạt giả, bậc tác gia, bất kể tại gia xuất gia.

Ngài Sa-di Cao từ Trường An về, Tổ Dược Sơn hỏi: – Ta nghe nói Trường An rất náo nhiệt. Ngài thưa: – Đất con an ổn.

Vậy ngoại cảnh động chẳng động không quan trọng, quan trọng là tâm mình có động hay không. Nếu mang tướng xuất gia, ở trong cảnh tịnh mà tâm vẫn rối loạn thì khác gì người thế tục ở giữa chợ đời. Với những người như vậy, Thế Tôn không biết gọi họ là gì, là Tăng Ni hay cư sĩ đây?

Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền kiên cố vượt qua biển già bệnh chết; là ngọn đèn sáng lớn chiếu phá bóng tối vô minh; là thuốc hay trị lành tất cả bệnh; là búa bén chặt đứt cây phiền não.

Phương pháp ví dụ là một trong 12 bộ kinh, đức Phật sử dụng rất linh động và vô cùng độc đáo. Ngài ví trí tuệ như chiếc thuyền kiên cố, loại thuyền gặp sóng gió nào cũng vượt được hết, chắc chắn đưa người bình an đến bờ kia.

Đây là trí tuệ trong đạo Phật, khác với trí thức thế gian. Trí thức là hiểu biết về khoa học xã hội, loại hiểu biết còn hạn chế trong thế gian. Còn trí tuệ là trí thấy đúng thật tướng các pháp, nhận rõ tự tâm. Đây mới là trí tuệ thật sự, chẳng những chân thật mà còn siêu việt, giúp mình giải thoát rốt ráo, nên ví như chiếc thuyền kiên cố, không phải giúp mình vượt qua sóng gió bình thường, mà là vượt qua biển sanh tử. Chúng ta có vượt được biển sanh tử hay không tùy thuộc chúng ta có sở hữu được chiếc thuyền trí tuệ này không.

Đức Phật khi thành đạo đã nói: “Ta thấy ngươi rồi, hỡi người thợ làm nhà kia, từ đây ngươi không còn có thể làm nhà cho ta được nữa.”

Ngài đã biết cái gì tạo nên thân này, cái gì dẫn Ngài đi trong sanh tử, bây giờ nó không thể làm như thế với Ngài được nữa, Ngài không còn bị nó trói buộc. Người thợ làm nhà chính là ái ngã, chấp ngã. Ngài đã biết nên không còn chấp ngã nữa, vì không chấp nên không bám víu, vì không bám víu nên không bị lôi dẫn trong sanh tử.

Thấy biết như vậy là trí tuệ, chính trí tuệ giúp mình phá chấp, không còn si mê cho thân thật, pháp thật để rồi chìm đắm trong đó, kết duyên sâu dày với chúng.

Nói trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc chắn, kiên cố giúp mình vượt qua biển sanh tử, vậy đức Phật đã có trí tuệ, đã vượt sanh tử, sao Ngài còn Niết-bàn?

Pháp hữu vi có sanh phải có diệt, đó là chân lý. Phật đã sanh ra, đã mang thân tứ đại hữu vi thì đến lúc phải diệt mất dù nó có thù thắng thế nào. Nhưng trí tuệ thấy biết như thật này sẽ không tạo nhà mới, căn nhà tứ đại này hoại không bị bắt buộc phải tạo căn nhà tứ đại khác. Lúc đó tự tại muốn đi đâu tùy ý, không bị trói cột trong căn nhà nào hết.

Ý nghĩa của thoát ly sanh tử là tự tại trong sống chết, tự tại dạo đi trong ba cõi. Còn một khi đã mang thân thì thân đó phải hoại, thân hoại không phải chân tâm hoại, không phải trí tuệ hoại.

Kinh Kim Cang nói: “Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi đâu”. Như Lai là thể tâm chân thật ai cũng sẵn có, nó trùm khắp nên không thể nói có đến có đi. Vì bao trùm nên không tách rời sanh tử, những ai sống được với nó sẽ tự chủ ra vào sanh tử, chớ không phải không sanh tử.

Theo giáo lý Đại Thừa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật hóa thân, Ngài thị hiện vào sanh tử, thị hiện đản sanh, xuất gia, thành đạo, Niết-bàn. Thậm chí cả tiến trình từ khi phát tâm tu Bồ-tát hạnh cho đến đắc đạo cũng đều là hóa hiện. Mục đích là để chúng sanh biết được tiến trình tu là vậy, giống như diễn tập lại cho mình xem, chớ không phải Ngài bị trôi trong sanh tử. Thêm nữa, điều đó chứng minh rằng không phải giải thoát rồi là không vào sanh tử, khi cần vẫn vào, nhưng vào ra tự tại, vậy gọi là thoát ly sanh tử, tức thoát khỏi sự trói buộc của nó.

Các vị Đại Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng v.v… cũng vậy. Các Ngài ra vào sanh tử tự tại, muốn sanh chỗ nào, làm việc gì đều tự quyết định. Biết rõ sẽ vào nhà ai, tự chọn cha mẹ, chọn nghề nghiệp, chọn thọ mạng. Khi không còn muốn tiếp tục hiện diện cõi đời thì chọn bỏ thân, ra đi nhẹ nhàng thanh thản.

Còn chúng sanh chúng ta không tự quyết được việc sanh tử của mình, mà bị ép vào sanh tử. Là con ai, giàu nghèo, thọ yểu v.v… đều không biết, không có quyền chọn lựa. Chết rồi đời sau đi đâu, làm gì cũng không tự chủ. Giống những người ở tù, người ta nhốt ở đâu thì ở đó, chuyển chỗ cũng không cần cho mình biết. Bồ-tát thì khác, như người không bị tù lại có quyền lực, muốn vào nhà tù nào thì vào, gặp tù nhân nào thì gặp, xong việc ra về, chẳng ai dám cản ngăn, tự do tự tại.

Thế nên phải hiểu, vượt biển sanh tử là tự tại sanh tử, tự quyết được việc sanh tử của mình, không bị ép buộc. Tự tại sanh tử mang ý nghĩa hay hơn thoát ly sanh tử. Khi tu hành đắc đạo, đã có thể tự tại sanh tử thì phải vào sanh tử độ sanh, chớ không thể nhập Niết-bàn ở đâu đó tự vui. Vì trên chặng đường tu mình đã thọ biết bao ân huệ: cha mẹ cho thân, thí chủ cúng dường, huynh đệ trợ duyên v.v… và v.v… Ân tình đó nhiều không kể xiết, mình phải trở vào hóa độ họ để đền ân, chớ tu xong đi luôn thì giống như kẻ mượn nợ rồi quỵt.

Chư Bồ-tát vì yêu thương chúng sanh, nhớ ân chúng sanh, cũng là hoàn mãn công hạnh Bồ-tát mà không ngừng ra vào sanh tử, thọ vô số thân cũng xả vô số thân. Tất cả tướng hữu vi có sanh phải có diệt, có trí tuệ sẽ tự tại, thản nhiên trước sự sanh diệt của chúng.

Lại ví trí tuệ như đèn sáng lớn chiếu phá bóng tối vô minh. Chỉ có ánh sáng phá được bóng tối, bóng tối không thể phá ánh sáng. Cũng vậy, trí tuệ phá vô minh, vô minh không thể phá trí tuệ. Cho nên, có trí tuệ chắc chắn vô minh diệt, tức mọi lầm chấp sẽ hết. Lúc đó, tự nhiên thể nhận được tự tánh, biết rõ cái gì là thật mình, không còn bị lầm nữa.

Các vị Tu-đà-hoàn đã có chánh kiến, tức đã sanh trí tuệ nên không bao giờ bị đọa lại, không có vấn đề bị lầm trở lại, nên gọi là vào dòng Thánh. Nói các vị còn bảy lần sanh tử nữa sẽ đắc A-la-hán, không có nghĩa là các vị phải sanh lại bảy lần mới chứng Thánh quả, mà là nói các vị chỉ cần hoàn mãn sự tu là việc làm xong, khoảng giữa không bị lui sụt. Số 7 là con số tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn.

Nói cách khác, khi đã có trí tuệ rồi không thể bị vô minh che mờ trở lại. Khi có chánh kiến rồi không bao giờ bị đọa lại, như khi đèn sáng lên thì không thể có bóng tối, khẳng định như vậy. Như người thợ vàng giỏi biết rõ bản chất của vàng thì không thể bị vàng giả lừa.

Kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói: Chúng sanh có sẵn bản giác diệu minh như Phật, nhưng do bất giác nên làm chúng sanh, khi giác ngộ rồi sẽ thành Phật. Có vị thắc mắc hỏi như chư Phật đã giác ngộ thành Phật, khi nào bất giác trở lại làm chúng sanh? Đức Phật ví dụ như quặng trong khoáng có lẫn tạp chất, khi đã lọc thành vàng ròng rồi, không bao giờ trở lại thành khoáng. Người lầm phương hướng khi đã biết lầm rồi thì không bao giờ lầm trở lại.

Cũng vậy, khi đã giác rồi không mê trở lại, khi có trí tuệ chắc chắn không còn vô minh. Có vị sẽ thắc mắc: Tại sao trước bị vô minh, giờ trở lại sáng suốt? Tánh linh của mình có từ khi nào không biết, chỉ biết mình có sẵn nhưng không biết đó là tánh linh, bị bất giác – tức vô minh che phủ, nghĩa là ngay từ lúc có linh tri là mình đã bất giác, mờ mờ mịt mịt nên làm chúng sanh trôi lăn sanh tử. Nhưng khi giác ngộ rồi thì không có việc bị vô minh trở lại, như vàng trong khoáng có thể lọc thành vàng ròng, mà vàng ròng không thể thành khoáng lại.

Một đứa trẻ mới sanh tâm hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không có phân biệt hai bên. Nhưng sự trong sạch thanh tịnh đó là do vô tri không biết mà có, nên sau này lớn lên, huân tập ngoại cảnh, dần dần có tâm phân biệt phải trái, đúng sai v.v…, tâm bắt đầu nhiễm ô, không còn thanh tịnh nữa. Bây giờ muốn thanh tịnh trở lại phải chắt lọc, khởi sanh trí tuệ biết cái nào thật, cái nào giả, buông bỏ tâm ô nhiễm chấp trước, tâm dần thanh tịnh. Sự thanh tịnh này là do trí tuệ mà có nên không thể bị nhiễm ô lại, bị vô minh lại.

Hai vị thiền sư ngồi đò qua sông, thấy một ngư phủ kéo lưới đánh cá, một con cá trong đó vùng vẫy thoát ra khỏi lưới, rơi xuống sông, có lại tự do. Thiền sư A vỗ tay cười lớn nói: – Con cá này hay quá! Thiền sư B nói: – Tốt nhất là đừng lọt lưới. Thiền sư A nói: – Huynh không hiểu đạo!

Chúng ta giống như con cá trên, lúc trước không biết nên huân tập pháp nhiễm, sau hiểu ra thật tướng các pháp bèn vượt qua, không bị pháp trói buộc nữa. Đó mới thật sự là thành tựu của mình. Còn đứa trẻ do vô tri nên không nhiễm, cái không nhiễm đó là do vô tri, không phải do trí tuệ có nên sẽ mất đi khi lớn lên. Người đã từng nhiễm, khi biết cái nhiễm nguồn gốc từ đâu, hiểu được bản chất của nó và tự thoát ra, đó mới thật sự là thoát và không thể bị nhiễm lại.

Cái linh tri ban đầu của mình không biết đâu là nhiễm, đâu là tịnh như đứa bé mới sanh. Sau trôi nổi trong luân hồi bắt đầu huân tập, trải vô số kiếp sanh tử, ô nhiễm càng lúc càng nhiều. Giờ được học Phật, nghe pháp, có trí tuệ nhận ra cái sai của mình, thấu được bản chất các pháp, biết tự tâm chính là tài sản chân thật của mình, ngoài ra đều hư dối. Từ đó buông bỏ mọi ngã chấp, pháp chấp, sống trở lại với cái linh tri ban đầu, không bao giờ bị nhiễm trở lại. Đã nhận và sống được với bản tâm thì không bao giờ lui sụt, chỉ có tiến mãi đến tột quả cứu cánh. Như các vị Tu-đà-hoàn đã có chánh kiến rồi không bao giờ bị đọa lại, thẳng đến quả A-la-hán.

Lại ví trí tuệ là thuốc hay trị lành tất cả bệnh. Mà tất cả bệnh đều từ chấp mà ra, sở dĩ chúng ta phiền não là do chấp. Có trí tuệ sẽ hết chấp, vì biết các pháp không thật tự nhiên không chấp, không dính; còn tâm chân thật là chính mình, lại không hình tướng thì chấp cái gì? Hết chấp tức hết bệnh, đơn giản như vậy thôi!

Lại ví trí tuệ là búa bén chặt đứt cây phiền não. Tiều phu đốn cây cần búa bén, chúng ta muốn chặt cây phiền não cần búa trí tuệ sắc bén. Có trí tuệ như có búa bén, chặt đứt cây phiền não dễ dàng. Như bị chửi mắng, người không có trí tuệ nghĩ rằng bị làm nhục nên sân giận, bực tức; có khả năng thì trả thù liền, không có khả năng (nhỏ tuổi hơn, sức yếu hơn, quyền thấp hơn v.v…) sẽ ôm hận trong lòng, khi đủ duyên sẽ trả thù. Người trí tuệ thấy lời mắng chửi chỉ là hư huyễn, tâm vẫn bình thường, chẳng sanh oán hận.

Xưa đức Phật đi khất thực bị một bà-la-môn đi sau lưng dùng vô số câu thô tục mắng chửi, lăng mạ; Phật lặng thinh bước đều. Ông càng tức, chạy lên chặn trước mặt Phật, hỏi: Ông có điếc không mà tôi chửi ông không trả lời? Phật đáp: Ông đem lễ vật cho người, người không nhận, lễ vật đó về ai? Đáp: Về tôi. Phật nói: Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận, lời đó trở về ông.

Hoặc với một vị khác, Ngài đọc bài kệ:

Người hơn thì thêm oán,
Kẻ thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.

Không phải Phật không biết đó là lời mắng chửi, nhưng Ngài biết rõ bản chất của nó nên không dính, không chấp, vì vậy cũng không giận. Thiền sư nói: Nghe như điếc, thấy như mù. Người mù không thấy nên không chấp sắc, người điếc không nghe nên không chấp tiếng. Người trí thấy sắc biết không thật nên không chấp, nghe tiếng biết hư giả nên không dính, nên nói thấy như mù, nghe như điếc. Người mù chỉ không chấp sắc, người điếc chỉ không chấp tiếng, nếu không có trí tuệ, đối với các trần khác họ vẫn dính.

Bốn hình tượng chú tiểu bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, bịt thân mang ý nghĩa biểu tượng không thấy, không nghe, không nói, không làm. Không phải chúng ta nhắm mắt lại để không thấy, bịt tai lại để không nghe,… mà là thấy nghe… đều không dính mắc. Muốn được vậy phải có trí tuệ, chính trí tuệ giúp mình chặt đứt gốc phiền não. Không phải không có nghịch cảnh, mà vì mình có trí tuệ không xem nó là nghịch cảnh nên không phiền não.

Người chưa hiểu đạo bị bệnh nan y sẽ lo sợ, chán nản… Người hiểu đạo chấp nhận mọi hoàn cảnh, nghiệp đến thì trả, hết duyên thì đi. Thân cần trả nghiệp thì để nó trả, đâu thể làm gì khác! Quả đã trổ thì không thay đổi được, chỉ đổi được khi chưa trổ. Hiểu vậy mình hoan hỷ tiếp nhận mọi cảnh duyên.

Thiền sư Huyền Giác nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ; theo thời mặc áo xiêm”. Nghiệp đến thì trả, người đắc đạo vẫn trả nghiệp, chỉ là tâm luôn thản nhiên dù nghiệp quả xấu ác đến đâu.

Pháp sám hối giúp tiêu nghiệp, nhưng không phải tuyệt đối, có khi tiêu sạch, có khi còn chút ít, có khi còn nguyên. Vì còn tùy thuộc mình có thành tâm sám hối không, người bị hại có vui lòng tha thứ hay không… Nhân duyên khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Ví dụ mình nổi giận đánh mắng một người, sau đó đến xin lỗi. Hoặc bị áp lực bên ngoài nên phải xin lỗi chớ không phải thành thật xin lỗi, hoặc nhận ra mình sai nên thành tâm xin lỗi, hai thái độ xin lỗi này khác nhau. Người được xin lỗi hoặc vui vẻ tha lỗi, hoặc ngoài miệng tha trong lòng vẫn hận, hoặc khẳng định không tha, quyết sẽ trả thù. Đó là những lý do vì sao có khi mình sám hối không linh. Nên muốn tiêu hết nghiệp phải thành tâm sám hối, thật sự thấy mình lỗi, vô cùng ăn năn, kiên quyết không tái phạm, nguyện bù đắp cho lỗi lầm của mình, như phát nguyện dứt ác hành thiện, tế độ chúng sanh, hồi hướng công đức cho oan gia trái chủ v.v…

Nếu tu giỏi hơn, thấu rõ bản chất của nhân quả, nghiệp duyên lành dữ đều chỉ là pháp huyễn nên cảnh thuận cảnh nghịch đều chẳng làm động tâm. Lúc ấy, không cần sám hối mà vẫn tiêu nghiệp, tiêu nghiệp theo kiểu của thiền sư “tùy duyên tiêu cựu nghiệp”. Như Tổ Sư Tử vui vẻ để vua Kế Tân chặt đầu; Tổ Huệ Khả tự đến chỗ thiếu nợ để trả, bị bắt và bị đánh đến chết; Ngài An Thế Cao tìm đến người từng nợ mạng để họ giết v.v… Các Ngài chẳng những không trốn tránh mà còn tự nguyện trả.

Như có người khi nghèo mượn nợ rất nhiều, đến khi trở thành tỷ phú, gọi hết những người ấy đến trả, còn cho thêm để cảm ơn họ. Vì họ đủ khả năng để làm việc đó. Còn có người mượn nợ nhưng không có tiền trả, bị chủ nợ đến đòi phải khóc lóc, năn nỉ, van xin chủ cho khất lại hoặc giảm bớt.

Cũng vậy, công phu mình chưa tới, trí tuệ chưa sanh như người nghèo không tiền, phải sám hối để đừng bị nghịch cảnh bứt ngặt. Còn chư Bồ-tát thánh hiền như tỷ phú, dư sức trả nợ nên gọi con nợ đến, vui vẻ thanh toán. Các Ngài chẳng những không trốn tránh nghịch cảnh còn tự nguyện đi vào.

Đức Phật dạy: Người hoan hỷ sẽ sanh phiền muộn; người phiền muộn sẽ sanh hoan hỷ; chỉ có người không phiền muộn, không hoan hỷ mới thật sự an lạc.

Khi tâm còn động, gặp chuyện vui hoan hỷ thì gặp cảnh sẽ phiền muộn, ngược lại cũng vậy. Chỉ có tâm không còn động trước mọi cảnh thuận nghịch mới thật sự an ổn. Vui buồn đều không phải, thương ghét đều không đúng, vì còn dính chấp, còn động. Nhưng không có nghĩa là không có tình thương, mà là thương bình đẳng, không phân biệt oán thân, vì không dính với tất cả mọi người nên thương mọi người như nhau.

Đức Phật thường nói: Ta thương tất cả chúng sanh như La-hầu-la.

Khi chúng ta có thể thương hết mọi người tự nhiên sẽ không dính ai. Như mình có hai tay, một lúc chỉ có thể nắm hai món, không thể hơn. Trái tim mình có dính cũng dính một vài người, không thể dính cả thế giới. Nên nếu thương tất cả sẽ không sợ dính, không sợ nhiễm.

Không thương không ghét không phải là không còn lòng từ bi, mà mang ý không dính, không nhiễm. Mở lòng thương tất cả mọi người, tâm dính sẽ từ từ biến mất. Có thể thực tập lấy tình thương dành cho người mình thương nhất nhân rộng cho thật nhiều người, không giới hạn ở một vài người nào cả, lâu ngày tâm dính vào một người sẽ không còn nữa, mà tâm từ bi lại được mở rộng. Đó chính là phương pháp quán từ bi. Phương pháp này vừa giúp tăng trưởng lòng từ, vừa giúp phá tâm nhiễm trước.

Công năng của trí tuệ mạnh mẻ như vậy đó, phá phiền não, nhiễm ô dễ dàng vô cùng.

Thế nên, các ông phải lấy trí tuệ văn, tư, tu mà tự làm tăng ích.

Văn huệ, tư huệ, tu huệ là Tam huệ học, tức ba cách làm cho trí tuệ phát triển.

Văn huệ là trí tuê có được nhờ nghe chỉ dạy. Đức Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấu rõ chân lý, đem những gì đã nhận đó chỉ dạy cho mình để mình cũng biết được cái nào thật, cái nào giả. Mình nương lời dạy của Phật biết được chân lý, sanh được trí tuệ, đó là văn huệ.

Tư huệ là trí tuệ do suy nghiệm mà có, nghĩa là suy nghiệm những gì đã học được từ Phật để biến nó thành chỗ thấy biết của mình, thành trí tuệ của mình. Nếu nghe lỗ tai này qua lỗ tai kia cũng đâu có ích gì! Nghe mà không suy nghiệm sẽ không sanh được trí tuệ.

Tu huệ là trí tuệ có được do ứng dụng tu tập, nghĩa là dùng những điều mình đã thấu hiểu phá bỏ vô minh phiền não, xa lìa ngũ dục, tâm không còn nhiễm ô, từ đó phát sanh trí huệ.

Như một học sinh đi học, ngồi trong lớp mà lo ra, không chú ý lời dạy của thầy cô thì không thể có được kiến thức đó, đây là không có văn huệ. Còn ngồi nghe đó, nhưng lại không dụng tâm suy nghĩ để hiểu thầy cô giảng cái gì, tức không chuyển được nó thành tri thức cho mình, gọi là không có tư huệ. Nếu hiểu rồi, nhưng khi thầy cô cho bài tập về nhà thì không làm, rốt cuộc không thể biến kiến thức đó trở thành hữu ích, đó là không có tu huệ.

Còn học sinh nào vào lớp chăm chú nghe giảng, suy nghĩ để hiểu được những gì thầy cô nói, ứng dụng làm các bài tập đầy đủ, thì tất cả những kiến thức thầy cô truyền dạy, học sinh đó sẽ nắm thật vững, biến nó thành kiến thức của chính mình.

Cũng vậy, người tu nghe pháp Phật chăm chú, suy nghiệm để thấu tột nghĩa lý, ứng dụng những điều đã học để điều phục tâm mình khiến tâm ngày một thanh tịnh, phá sạch mọi vô minh phiền não, tự sanh trí tuệ chân thật. Đó là dùng tam huệ học giúp mình tiến tu, thẳng bước đến bờ giác ngộ giải thoát.

Nếu người có trí tuệ chiếu soi, tuy là mắt thịt cũng là người thấy sáng.

Đức Thế Tôn có năm loại nhãn: Nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn và Phật nhãn. Mắt trên thân ngũ ấm là nhục nhãn; mắt thấy rõ sự sanh tử của chúng sanh là thiên nhãn; mắt thấy rõ chân tướng các pháp là pháp nhãn; mắt thấy rõ mọi chân lý của vũ trụ và con người là huệ nhãn; mắt thấu suốt tất cả không còn mảy mai mê lầm, chỉ có bậc chí nhân (Phật) mới có là Phật nhãn.

Tất cả chúng sanh đều chỉ có nhục nhãn (mắt thịt) trên thân tứ đại ngũ uẩn thôi. Kể cả chư thiên cũng chỉ có nhục nhãn, nhưng thấy xa hơn và rõ hơn mình thôi, gọi là thiên nhãn chỉ có nghĩa là mắt trời, nên cũng thuộc nhục nhãn, không phải thiên nhãn trong ngũ nhãn của Phật giáo.

Các vị Thánh đã đắc quả A-la-hán hay các vị đại Bồ-tát mới có thiên nhãn thấy được sự sanh tử của chúng sanh, còn gọi là sanh tử trí. Trí này có cạn sâu tùy theo quả chứng của quý Ngài. Chỉ có thiên nhãn của Phật mới đến chỗ tột cùng, rốt ráo.

Pháp nhãn là trí thấy rõ bản chất các pháp. Trí này cũng có cạn sâu. Các vị Thánh Thanh văn thấy các pháp là khổ. Các vị Thánh Duyên giác thấy các pháp là nhân duyên hòa hợp, vô thường biến dịch. Chư Bồ-tát rõ biết các pháp như huyễn như hóa, đều từ tâm sanh. Chỉ có Phật thấu tột các pháp, thấu rõ nguyên lý vận hành, sự sanh khởi, sự diệt tận v.v…

Huệ nhãn là trí tuệ thấu rõ chân lý của vũ trụ vạn vật, kể cả chúng sanh hữu tình cùng vô tình. Trí này cũng theo chỗ tu chứng mà có cạn sâu. Chỉ có trí Phật mới là rốt ráo.

Phật nhãn là trí tuệ của Phật, chỉ có Phật mới có trí này. Trí Phật là trí tuệ rốt ráo, tột cùng, không hạn lượng, không bờ mé, không ví dụ được. Bao gồm cả bốn trí trên, tức chúng đều nhiếp thuộc Phật trí.

Chúng ta tu là làm sao để có được trí tuệ như các vị Thánh trước. Trong ngày xuất gia, thầy bổn sư có đọc bài kệ:

Thiện tai thiện nữ nhân!
Năng liễu thế vô thường,
Khí tục thú nê-hoàn,
Công đức nan tư nghì.

Thầy tán thán mình là một người nữ thiện lành, hiểu được thế gian vô thường nên bỏ thế tục, xuất gia cầu đạo giải thoát. Công đức đó không thể nghĩ bàn.

Nếu để tâm nhiễm đắm trở lại pháp thế gian là chính mình đã cô phụ hạnh nguyện xuất gia của mình. Chí nguyện cao cả của mình là thẳng đến chỗ giải thoát, tự tại sanh tử.

Chúng ta có phúc lớn lắm mới gặp được Phật pháp, giống như người đi vào núi báu. Nếu không ứng dụng pháp Phật tu hành, tự làm lợi ích cho mình thì như người được vào núi báu mà về tay không, không lấy được gì.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.