Tỳ-kheo các ông! Muốn cầu cái tịch tịnh, yên vui trong pháp vô vi, phải xa lìa chỗ ồn náo, riêng ở nơi vắng vẻ.
Vào thời Phật, chư Tăng chuyên tu, chỉ khi khất thực mới vào xóm làng, thời gian còn lại ở chỗ vắng vẻ thọ trai, tọa thiền, kinh hành… để cầu sự yên tĩnh trong tâm.
Phật giáo Đại thừa sau này quan niệm ồn náo hay không là do tâm, không phải do cảnh. Tâm ồn mới thấy cảnh ồn, nếu tâm lặng lẽ dù ở giữa thế gian vẫn bất động. Nên điều quan trọng là phải tự điều phục tâm mình, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tu được, không lệ thuộc vào ngoại cảnh, vì vốn dĩ mình không thể xa rời xã hội được.
Lục Tổ dạy:
Phật pháp tại thế gian,
Chẳng lìa thế gian giác.
Lìa thế tìm Bồ-đề,
Giống như tìm sừng thỏ”.
Chúng ta có thân tức cần phải ăn mặc ngủ nghỉ, những thứ đó phải tìm ở thế gian, tức chỗ ồn náo. Nếu thích yên tĩnh, sợ ồn náo là rơi vào thái cực thích tĩnh ghét động. Phải sống theo trung đạo, không đắm ồn, không thích tĩnh. Ở chỗ ồn nào mà vẫn yên tĩnh, nếu đợi đến chỗ yên mới yên là không thật sự yên, vì cảnh làm mình yên chứ không phải tâm thật yên. Khi đối duyên xúc cảnh mà vẫn yên mới thật là yên. Không phải lúc nào mình cũng ở được chỗ yên tĩnh, có lúc cũng phải đến chỗ ồn náo. Nếu đến chỗ ồn náo liền sanh phiền não, chỉ khi ở chỗ yên tĩnh mới yên, thì cái yên đó chỉ là sự đè nén tâm mà có. Cho nên, điều quan trọng là làm sao nhận được bản chất các pháp để có thể như như bất động trước mọi hoàn cảnh.
Ngài Sa-di Cao có hôm đi Trường An – kinh đô nhà Đường thuở đó, trở về đảnh lễ Tổ Dược Sơn, Tổ hỏi: – Ta nghe nói Trường An rất náo nhiệt? Ngài đáp: – Bạch Hòa thượng! Đất con an ổn.
Trường An náo nhiệt hay không chẳng ảnh hưởng đến tâm Ngài. Các bậc Cao Tăng không cần tìm kiếm chỗ yên tĩnh để tu, vì lúc nào tâm các Ngài cũng lặng lẽ, đối diện các pháp, tâm luôn bất động.
Tu là làm sao thấu được nguồn gốc các pháp, giải quyết sự ồn náo trong tâm, không phải trốn tránh cái ồn bên ngoài. Các pháp vốn không lỗi, chỉ vì mình đắm mà thôi. Tuy nhiên, nếu mới tu, tâm chưa vững, mà cứ tiếp cận hoài với thế gian sẽ khiến chúng ta không kịp quay về tự tâm, không kịp nhận ra chỗ chân thật của mình, nên cần có chỗ yên tĩnh, ít bị tác động bên ngoài để có thể nhìn lại tâm. Nhưng phải hiểu chỗ yên tĩnh này chỉ là tạm thời, không phải cứ mãi trốn nơi chỗ yên tĩnh, khi tu một thời gian phải ra chỗ ồn náo để kiểm tra tâm mình. Như khi đi học, bình thời học với thầy cô, nương tựa sách vỡ, nhưng khi thi thì buông bỏ tất cả, tự dùng kiến thức học được để làm bài, không nương tựa ai.
Tu cũng vậy, bình thời có thể ở chỗ yên vắng dụng công, thỉnh thoảng ra ngoài đối duyên xúc cảnh kiểm xem mình đã tu thế nào, dụng công kết quả ra sao, đã thấu được bản chất các pháp chưa, đã sống được với tâm thanh tịnh của mình chưa, đã bất động trước ngoại cảnh chưa v.v… Tóm lại, dùng cảnh động để kiểm tra tâm mình có thật yên chưa, có thể “đối cảnh vô tâm” được chưa. Đó chính là ý nghĩa thật sự của pháp “viễn ly” theo Phật giáo Đại thừa.
Nếu cả đời chúng ta chỉ đóng cửa tu một mình sẽ rất khó kiểm chứng công phu tu tập của mình. Có vị ở thất riêng, không gặp nghịch duyên, nghĩ rằng mình đã hết sân, nhưng chưa chắc. Chỉ khi đi ra ngoài, bị người mắng chửi đánh đập, hoặc gặp việc bất như ý mà vẫn không sân, không não mới thật là hết sân.
Trong nhà thiền có câu: “Trâu ở trong núi đủ nước đủ cỏ; trâu ra khỏi núi chạy đông chạy tây.” Ý là tu ở trong thất một mình thấy yên ổn, nhưng khi ra sống với chúng là tâm liền loạn lên, chạy đông chạy tây, không còn giữ được sự yên tĩnh nữa. Điều đó chứng tỏ tâm mình chưa thật sự tĩnh, do ở trong thất không gặp cảnh nên tạm lắng, tưởng như là yên, chớ gốc loạn trong tâm vẫn còn, gặp duyên liền khởi.
Chư Tăng thời Phật ngày ngày đi khất thực, chính khi đi khất thực là lúc nhập thế, kiểm xem gặp cảnh duyên mình có dính mắc không để khi về tu sâu thêm. Như vậy, tuy nói viễn ly mà không có nghĩa là hoàn toàn tách biệt với thế gian, mỗi ngày đều có một khoảng thời gian vào thành thị, đối duyên xúc cảnh, luyện tâm trong cả cảnh tĩnh lẫn cảnh động.
Người ở nơi vắng vẻ được Đế Thích, chư thiên thảy đều kính trọng.
Người ở chỗ vắng vẻ có thể được hiểu theo nghĩa sâu rộng hơn là tâm vị ấy không dao động, không đắm thích ngũ dục lạc, dù ở giữa thành thị tâm vẫn lặng lẽ.
Tôn giả Tu-bồ-đề ngồi yên lặng dưới gốc cây, trời Đế Thích rải hoa cúng dường, Ngài hỏi: – Sao ông rải hoa? Đế Thích thưa: – Ngài thuyết Bát-nhã hay quá nên con cúng dường. Ngài bảo: – Ta đâu nói gì. Đế Thích thưa: – Chính khi Tôn giả không nói, con không nghe, mới thật là thuyết Bát-nhã.
Bát-nhã ở đây không phải nói Kinh Bát Nhã, mà muốn chỉ trí Bát-nhã. Trí Bát-nhã là sống trở lại với tự tánh thanh tịnh, tâm không dấy động, không dính mắc, lặng lẽ như như. Người ở nơi vắng vẻ nghĩa là thường sống với tâm thanh tịnh. Nếu tìm chỗ không người lui tới, thân ngồi yên ở đó mà tâm vẫn chạy nhảy thì không gọi là ở chỗ vắng vẻ.
Thế nên, phải bỏ chúng mình và chúng người, ở chỗ vắng vẻ, suy nghĩ diệt cái gốc khổ.
Muốn giải thoát phải giảm bớt việc độ chúng, vì độ chúng rất vất vả, sẽ ảnh hưởng đến công phu tu tập của mình.
Có một thiền sư khi sắp tịch nói nếu không độ chúng Ngài đã tiến lên quả vị Thập Trụ, do độ chúng nên Ngài dừng lại ở vị Thập Tín. Vì sao vậy? Vì khi độ chúng, người thầy phải bỏ nhiều thời gian dạy chúng, quan sát xem chúng có gì thiếu sót không, quán sát mọi việc trước sau trong chùa… Nếu không làm thầy thì không cần để ý chúng, ai tu nấy hưởng, ai buông lung nấy chịu, không cần quan tâm. Còn làm thầy độ chúng phải nhìn lỗi chúng để chỉ dạy nhắc nhở, do đó phóng tâm ra ngoài khiến tâm khó yên. Thế nên, độ chúng quả thật ảnh hưởng đến sự tu tập của bản thân.
Hòa thượng Thích Nhật Quang dạy đệ tử: “Tụi con còn làm chúng chưa có Phật sự nhiều thì ráng tranh thủ tu, khi lớn phải làm Phật sự, hy sinh cho chúng sẽ ít có thời gian dụng công hơn.” Chư tôn đức tham gia công tác giáo hội đều phải nhín nhiều thời gian để lo cho Tăng đoàn, vất vả nhọc nhằn, ảnh hưởng đến công phu không ít.
Tuy nhiên nếu tu cứng, biết mọi pháp không ra ngoài tâm, nhận và sống lại được với bản tâm, làm gì cũng có thể dụng công, không đợi lễ Phật, tọa thiền, tụng kinh… mới là dụng công.
Chiêm ngưỡng tôn tượng Mười tám vị La Hán sẽ thấy mỗi vị một tướng, không ai giống ai, vô cùng thú vị. Vị ngồi thiền, vị xem kinh, vị ngáp, vị móc lỗ tai, vị bắt rồng, vị cưỡi hổ, vị chống cằm trầm tư, vị đưa bát lên đùa v.v… Nghĩa là làm bất cứ việc gì cũng hiện thân Thánh, tự tâm hiển dụng khắp cả, mọi lúc mọi nơi, không cố định ở một tư thế nào, một việc làm nào. Tuy hiện thân thánh mà hành hạnh Bồ-tát.
Chúng ta tu theo Bồ-tát hạnh phải tuệ giải tương ưng, nghĩa là hiểu được phải làm được. Tự độ mình cũng phải độ người. Nếu là người xuất gia phải có bổn phận độ Phật tử, thí chủ cúng dường tứ sự để mình an ổn tu, có công phu rồi phải tìm phương tiện giáo hóa chúng sanh, đền ơn các vị đã trợ duyên cho mình tu hành. Nếu công phu chưa vững chắc thì đừng vội giáo hóa, vì sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của mình. Bản thân mình chưa rõ đường đi thì đừng dẫn người, nếu không thầy trò đều đi lạc, hại mình hại người. Nếu đã biết đường thì dẫn người cùng đi, mình lợi người cũng lợi.
Bồ-tát khi phát tâm đại thừa là vừa tu vừa độ người, tu bao nhiêu độ bấy nhiêu, biết đến đâu dạy đến đó, giống như người vừa học vừa làm. Còn Thanh văn tu đến đích rồi mới giáo hóa người, giống như người học xong mới xin việc. Đó là nói bậc hồi tâm đại A-la-hán, giải thoát rồi phát tâm đại thừa trở lại sanh tử độ chúng sanh. Nhưng có vị giải thoát rồi không muốn trở lại ba cõi độ sanh, Phật gọi là bất hồi tâm độn A-la-hán, không phát tâm hướng đến đại thừa vô thượng.
Thiền sư Thích Thanh Từ vừa thấy đạo, vừa biết pháp tu thiền liền mở khóa dạy thiền, đem những gì Ngài ngộ được dạy lại những vị đồng chí hướng. Ngài nói: – Tôi không giấu được niềm vui trong lòng, biết chữ a dạy chữ a, mai mốt tôi học lên biết chữ b sẽ dạy chữ b. Cho nên, những bài giảng của Ngài sâu dần, rộng dần theo năm tháng và công phu tu tập. Càng về sau Ngài dạy càng sâu, càng rõ.
Đây là cách độ sanh của Bồ-tát, biết tới đâu dạy tới đó. Nếu bản thân còn mờ mịt trên đường tu thì để hết thời gian giải quyết việc mình, nếu cố độ chúng sẽ ảnh hưởng đến công phu tu tập. Nên ở đây Phật dạy “phải bỏ chúng mình và chúng người” là vậy.
Nếu người ưa chỗ đông phải chịu các phiền não.
Lỗi ở chỗ ưa thích đắm mê nên mới chuốc phiền não. Nếu tự cảnh xung quanh ồn náo, còn mình chẳng đắm thích thì cảnh mặc cảnh, mình vẫn sống và tu bình thường. Như các chùa ở thành phố, xung quanh là nhà hàng, quán nhậu, karaoke v.v…, mà chư Tăng Ni trong chùa vẫn dụng công tu theo thời khóa như thường. Ngoài kia tiếng nhạc xập xình, trong chùa chuông ngân khánh vọng, quý thầy cô công phu bình thường, tâm chẳng não phiền.
Khi ưa thích chạy theo chỗ đông người thì chính cảnh đó làm não loạn tâm mình. Nếu chẳng ưa thích thì cảnh chẳng thể ảnh hưởng đến tâm lặng lẽ của mình. Bởi không phải cảnh lặng tâm mới lặng, nếu tâm ồn dù cảnh lặng vẫn ồn. Thế gian có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” Tâm trạng không vui thì thấy cái gì cũng buồn. Thế nên buồn vui, ồn lặng đều do tâm, không phải do cảnh.
Nước ta có câu tục ngữ “Đứng núi này trông núi nọ”. Luôn thấy chỗ mình đứng không đẹp bằng chỗ mình thấy. Một số tu sĩ sống ở chùa không vui, trách chùa nhiều việc, chúng khó khăn, thầy nghiêm khắc v.v…, bỏ qua chùa khác ở, rồi thấy tình trạng cũng phiền phức tương tợ, đi hết chùa này đến chùa khác, không thấy được chùa nào vừa ý mình, cuối cùng ra ở thất riêng. Khi tâm đã không yên thì ở đâu cũng không yên, cho dù ở một mình rồi cũng sẽ không yên.
Một vị Ni trưởng từng nói vui: “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”. Trong chúng, mỗi người có tập khí riêng, có hay dở riêng, còn đang tu nên tập khí còn, xích mích bất hòa chút đỉnh là chuyện bình thường, không lộn xộn mới là phi thường. Miễn đừng chia bè kết phái, phá hòa hợp Tăng, còn đụng chạm gây gỗ nhau rồi thức tỉnh sám hối thì không sao. Vì chúng còn dở nên mới tu, nếu đã thành Thánh thì đâu cần tu nữa. Giả sử huynh nào lỡ nổi sân mắng chửi huynh đệ, bản thân vị đó phải gánh chịu quả báo không lành, mình khởi tâm thương xót chớ không giận hờn.
Thời Phật có lục quần Tỳ-kheo, lục quần Tỳ-kheo Ni, thập thất quần Tỳ-kheo là những vị hay gây chuyện, hay phạm lỗi nhưng Phật vẫn dung thứ vì muốn làm thành cho chúng. Ai gây chuyện với mình là giúp mình tiêu nghiệp, mình hoan hỉ đón nhận mọi hoàn cảnh dù thuận dù nghịch. Đó là cách ở chúng, đừng đòi hỏi chúng đều là Thánh hiền, ngay thời Phật còn có người quậy huống là đời nay. Không bao giờ có đạo tràng nào không có người gây chuyện, giả sử không có, hộ pháp Bồ-tát cũng sẽ hóa thân thành người quậy. Bởi như vậy mới có thể làm thành cho chúng, nếu yên tĩnh quá làm sao kiểm nghiệm được công phu tu, có gặp nghịch cảnh mới biết tâm mình còn động hay không.
Thí như cây lớn nhiều chim làm tổ thì sẽ bị cái họa gãy nhánh.
Ví dụ này là Phật dành cho người chưa rõ đường tu tập, bản thân không biết đường đi mà độ người, chẳng những hại mình mà còn dẫn người đi sai đường, nên sẽ chuốc lấy phiền não. Nếu chưa có lực, dựa vào người có lực nhờ hướng dẫn mình; nếu đủ lực rồi, mạnh dạn ra làm lợi ích chúng sanh. Vì đã đủ sáng suốt, mạnh mẽ, có khả năng giáo hóa nên không bị phiền não ảnh hưởng.
Còn bị thế gian ràng buộc thì phải chìm trong các khổ.
Bị thế gian ràng buộc nghĩa là dính mắc vào pháp thế gian. Muốn giải thoát phải rời thế gian, tức không đắm nhiễm các pháp. Rời thế gian không phải là trốn tránh, vẫn ở thế gian để nhận ra lý vô thường, khổ, không, vô ngã của các pháp để việc tu tập của mình được mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn. Nếu ở thế gian mà đắm vào pháp thế gian là bị thế gian ràng buộc.
Lục Tổ dạy: “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian giác”. Chính ngay ở thế gian này mà mình giác ngộ được, không thể tìm giác ngộ ngoài thế gian.
Kinh Kim Cang Phật dạy: “Phật pháp là tất cả pháp”. Khi đối diện tất cả pháp mà không bị ràng buộc là giải thoát, không phải trốn tránh các pháp rồi nói không ràng buộc.
Thế gian này là pháp giới trùng trùng duyên khởi, mình là một pháp trong thế gian, tức đang ở trong cái trùng trùng duyên khởi đó, làm sao tách ra được? Không thể tách ra mà muốn không bị ràng buộc, phải sáng suốt nhận ra thật tướng các pháp, hiểu rõ tại sao mình bị trói buộc. Bị trói buộc không phải lỗi ở pháp, mà lỗi tại mình không thấy được sự tạm bợ, sự giả dối của nó, tự mình ràng buộc vào pháp, không phải pháp ràng buộc mình. Hiểu được rồi mình sẽ tự tại trước tất cả pháp, thậm chí còn thấy tất cả pháp đều đẹp đẽ, đáng yêu.
Một Thiền sư đọc kinh Pháp Hoa đến câu: “Chư pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng”, bèn khởi tâm nghi: Các pháp vô thường biến dịch, ồn ào nhiệt náo, sao Thế Tôn lại nói vắng lặng? Chuyên cần tu tập một thời gian, Ngài nhận được tự tánh mới hiểu rõ ý nghĩa lời Phật dạy, nên đã làm thêm hai câu: “Chư pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng, xuân đến trăm hoa nở, hoàng oanh hót trên cành.”
Các pháp vận hành theo luật vận hành của nó: mùa thu lá rơi, mùa xuân hoa nở, chim hót khi đậu, chó sủa khi gặp người v.v… Đó là tướng thường trụ của pháp, theo nhân duyên vận hành, rất bình thường, rất tự tại. Nếu mình thấy các pháp đương nhiên như vậy thì sẽ không phiền não về sự thay đổi của pháp, thấy sự vô thường là điều tự nhiên nên không khổ đau khi pháp biến dịch.
Thế nên, thế gian vốn không lỗi, bởi mình không rõ thật tướng rồi đắm mến vào pháp nên mới bị ràng buộc, chìm trong các khổ.
Thí như con voi già mắc lầy, không thể tự ra được.
Từ trói mình vào pháp thế gian là tự chịu khổ, như voi già mắc lầy không thể tự ra. Phật dạy pháp viễn ly ở đây có thể hiểu theo nghĩa đại thừa là viễn ly tâm đắm trước, cắt đứt sự đắm mê của mình.
Một ngoại đạo đến hỏi Phật về pháp tu giải thoát, trong tay ông cầm hai cây ngô đồng cúng dường Phật. Phật bảo: – Buông! Ông liền buông một cây. Phật lại bảo: – Buông! Ông buông cây thứ hai. Phật tiếp tục bảo: – Buông! Ông thưa: – Con có hai cây ngô đồng, đã buông hết rồi, giờ đâu còn gì để buông. Phật dạy: – Ta không bảo ông buông cây ngô đồng, mà Ta bảo ông buông sáu căn, sáu trần, sáu thức. Ngay đó ông đại ngộ, chứng Thánh quả.
Như vậy, tu là buông. Buông tất cả tâm đắm trước, không dính vào bất cứ pháp nào, đó là thật sự viễn ly, thật sự xa lìa. Nếu thân ở chỗ vắng vẻ mà tâm vẫn náo động là chưa thật sự xa lìa.
Một tu sĩ tu thiền đắc các tầng định rất sâu, bà lão chuyên hộ thầy muốn thử công phu của thầy nên sai cháu gái trẻ đẹp đem cơm cúng dường, gặp thầy liền ôm, rồi hỏi: – Thầy thấy thế nào? Thầy đáp: – Cây khô trên đá lạnh, ba năm không hơi ấm. Cô gái về kể lại với bà, bà lên thất gặp thầy nói: – Bao năm qua tôi đã hộ một vị thầy tu không ra gì. Rồi bà mời thầy đi, không cho thầy ở và không hộ nữa. Thầy đi khắp nơi tham vấn, chợt nhận được chân lý, trở lại gặp bà lão nhờ bà tiếp tục hộ mình. Bà vui vẻ nhận lời. Không bao lâu, bà lại sai cháu gái đến thử thầy như lần trước. Khi cô gái ôm và hỏi thầy thấy thế nào, thầy đáp: – Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già biết. Cô gái về thưa lại, bà khen: – Giờ mới thật sự giỏi.
Tu đến gặp cảnh như cây khô đá lạnh lại bị bà chê, vì mục đích mình tu là để tự do tự tại, không phải tu để biến mình thành cây đá, không còn cảm giác chi. Tu làm sao khi đối duyên xúc cảnh rõ ràng thường biết mà tâm chẳng máy động, chẳng dính, chẳng mắc, chớ không phải nhốt mình ở nơi vắng vẻ rồi cho rằng mình đã giải thoát.