Tỳ-kheo các ông! Phải tự vò đầu, đã xả hết những trang sức đẹp đẽ, mặc áo hoại sắc, ôm bình bát đi xin ăn để tự sống. Tự thấy như thế, nếu khởi tâm kiêu mạn phải mau diệt nó.
Người tu đã cạo tóc mặc áo nhuộm, buông bỏ mọi trang sức thế gian, đâu còn đẹp đẽ gì nữa mà kiêu mạn! Lại ngày ngày xin của thí chủ để nuôi thân, một chút tài sản cũng không có, vậy kiêu mạn cái gì?
Tăng trưởng lòng kiêu mạn, kẻ thế tục còn không nên có, huống nữa là người xuất gia nhập đạo, vì giải thoát nên tự hạ mình mà đi xin ăn.
Người thế gian cậy xinh đẹp, ỷ giàu có, khởi tâm kiêu mạn còn bị người chê. Hà huống người xuất gia, vì cầu giải thoát nên hạ mình đi xin ăn, có gì để kiêu mạn?
Phật tử cúng dường để mình an ổn tu hành, lẽ ra phải nhớ ơn họ.
Nếu Phật tử không chào hỏi mình, hoặc Phật tử lớn tuổi gọi mình bằng con; hoặc Phật tử không biết giáo phẩm mình, chỉ gọi bằng cô…, tâm liền không vui. Hoặc huynh đệ nhỏ đi về không chào hỏi mình; hoặc ỷ mình lớn tuổi đi về không chào hỏi sư huynh…, đó đều là những biểu hiện của tâm kiêu mạn.
Muốn dứt tâm kiêu mạn, lúc nào cũng phải tự xét, phải thấy mình có gì hơn người mà kiêu? Miếng ăn cái mặc hàng ngày do thí chủ cúng dường, ơn lớn đó đã trả được chưa mà kiêu với Phật tử? Mình xuất gia tuy lâu, đã giải thoát chưa mà kiêu với người mới học? Mình lớn tuổi mới phát tâm xuất gia, có gì hay mà kiêu?… Lúc nào cũng thấy mình không bằng người, tự nhiên sẽ bỏ được tâm kiêu mạn.
Học giỏi, làm việc hay, gia đình giàu có, dung mạo xinh đẹp v.v…, là những lý do khiến dễ khởi tâm kiêu mạn. Tâm đó ăn sâu trong tâm thức, huân thành tập khí, lúc nào cũng thấy mình hơn người. Đâu biết kiêu mạn làm tăng chấp ngã, lớn vô mình, chướng ngại đạo tâm. Nên người chân tu rất sợ sự kiêu mạn.
Xưa có một vị quan quyền cao chức trọng, sau ông giác ngộ thế gian vô thường nên từ quan đi học đạo. Ông tìm đến một ngôi chùa ở tỉnh xa, không ai biết nguồn gốc ông để xin xuất gia. Vị thầy hỏi: – Ở thế gian ông làm gì? Ông thưa: – Con chỉ là nông dân thất học, không biết chữ. Thế là tri sự xếp ông làm những việc tay chân như làm bếp, chăm rẫy vườn, gánh phân bón tưới… Dù việc nặng nhọc, dơ bẩn gì ông đều vui vẻ làm. Do ông khai mù chữ nên không được thọ giới Tỳ-kheo, cũng không được học giáo lý, chỉ làm Sa-di công quả cho chúng Tăng. Không bị ảnh hưởng bởi danh lợi, ông một dạ tu hành, dần dần thành tựu đạo quả. Cuối đời, ông rõ biết ngày giờ ra đi, thanh thản từ biệt Tăng chúng rồi nhẹ nhàng từ bỏ báo thân, để lại rất nhiều xá lợi. Ông mất một thời gian Tăng chúng mới biết ông là quan lớn, vô cùng kính phục tâm đạo mãnh liệt của ông.
Nếu thật tâm tu sẽ bỏ hết những gì làm ảnh hưởng đến sự tu tập của mình, ngăn ngừa kiêu mạn không để nó có dịp tăng lên. Khi cần học, chỉ học đủ để rõ pháp tu, để có phương tiện độ sanh, chớ không nên mãi đuổi theo cái học thế gian, chạy theo bằng cấp, quên mất mục tiêu chính của đời mình.
Giỏi ở lãnh vực nào dễ kiêu mạn ở lãnh vực đó. Nên phải thường nhắc mình chẳng bằng ai để tránh khởi kiêu mạn, vì kiêu mạn ảnh hưởng tâm đạo rất nhiều.