Kinh Trung A Hàm

17. Phẩm Bô Đa Lợi



202. Kinh Trì Trai

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trụ trong Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường.

Bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư, vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc chiếc áo trắng tinh, dẫn các con dâu với đoàn tùy tùng vây quanh đi đến chỗ Phật. Cúi đầu làm lễ, rồi đứng sang một bên, Thế Tôn hỏi:

“Này Bà cư sĩ, bà vừa tắm gội chăng?

Đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai. Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Bà cư sĩ, hôm nay bà trì loại trai nào? Vì trai có ba loại. Những gì là ba? Thứ nhất là loại trai của mục đồng; thứ hai là loại trai của Ni-kiền; thứ ba là Thánh trai tám chi.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của mục đồng? Mục đồng buổi sáng thả trâu trong đầm, buổi xế dẫn trâu về thôn. Khi về thôn, nó nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta thả trâu ở chỗ này; ngày mai ta sẽ thả trâu ở chỗ kia. Ngày hôm nay ta cho trâu uống ở chỗ này; ngày mai ta sẽ cho trâu uống nước tại chỗ kia. Này Bà cư sĩ, nếu người trì trai nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta ăn đồ ăn như vầy; ngày mai ta sẽ ăn đồ ăn như kia. Ngày hôm nay ta uống thức uống như vầy; ngày mai ta sẽ uống thức uống như kia. Ngày hôm nay ta nuốt thức ăn như vầy; ngày mai ta sẽ nuốt thức ăn như thế kia’. Người ấy ở đây trải qua ngày đêm hoan lạc, đắm trước trong dục vọng như vậy. Đó gọi là loại trai của mục đồng. Nếu trì loại trai mục đồng như vầy, không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không có đại công đức, không được phát triển.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của Ni-kiền? Nếu có người xuất gia học theo Ni-kiền, vị ấy khuyên người rằng, ‘Ngươi đối với chúng sanh ở ngoài một trăm do-diên về phía Đông, để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy. Cũng vậy, đối với phương Tây, phương Nam và phương Bắc, ngoài một trăm do-diên mà có chúng sanh nào, vì để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy’. Người ấy khuyến khích sách tấn người khác như vậy. Hoặc chúng sanh có tưởng được thủ hộ, hoặc chúng sanh không có tưởng không được ủng hộ, ngươi vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cởi bỏ y phục, để mình trần truồng, đứng ngay về phương Đông, nói như vầy, ‘Ta không có cha mẹ, không thuộc về cha mẹ. Ta không có vợ con, không thuộc về vợ con. Ta không có nô tỳ, không thuộc về nô tỳ’. Này Bà cư sĩ, người ấy khuyến khích sách tấn bằng lời nói chân thật, nhưng ngược lại sự khuyến khích sách tấn trở thành những lời nói hư dối. Người ấy ngày ngày gặp mặt cha mẹ mình và nghĩ rằng, ‘Đây là cha mẹ ta’. Cha mẹ người ấy ngày ngày cũng thấy con mình cũng nghĩ rằng, ‘Đây là con ta’. Người ấy gặp mặt vợ con và nghĩ rằng, ‘Đây là vợ con ta’. Vợ con cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng ‘Đây là tôn trưởng của ta’. Người ấy gặp mặt nô tỳ cũng nghĩ rằng, ‘Đây là nô tỳ của ta’. Nô tỳ cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng, ‘Đây là chủ của ta’. Người ấy thọ dụng dục lạc này, không được cho mà thọ dụng, chứ không phải được cho mà thọ dụng. Đó gọi là loại trai của Ni-kiền như vậy không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không được phát triển.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là Thánh trai tám chi? Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng, vị ấy đối với sự sát sanh tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng. Đối với việc sát sanh nay tôi tịnh trừ tâm ấy.Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho rồi mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, không trông chờ báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình, hay tự chế ngự. Vị ấy đối với việc không cho mà lấy, tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, thường không trông chờ sự báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình hay tự chế ngự. Đối với việc không cho mà lấy, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí thành tâm tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm, vị ấy đối với phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh tu hành phạm hạnh, chí thành tịnh tâm, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không nói láo, đoạn trừ sự nói láo chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịch trừ. Tôi nay trọn đời không nói dối, đoạn trừ sự nói dối, chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Đối với sự nói dối, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa việc uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Vị ấy đối với việc uống rượu buông lung, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay cũng trọn đời xa lìa sự uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Đối với việc uống rượu buông lung, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Vị ấy đối với giường lớn cao rộng, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Đối với giường lớn cao rộng, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Vị ấy đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Vị ấy đối với sự ăn phi thời tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Đối với sự ăn phi thời, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này như của A-la-hán, ngang nhau không khác, do đó gọi là trai.

“Người ấy sau khi đến với Thánh trai tám chi này rồi, để tiến lên, lại nên tu tập năm pháp.

“Những gì là năm? Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt. Cũng như một người trên đầu có cáu ghét, do cao, nước nóng, sức người tắm gội cho nên được sạch. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy ác lam tham nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng bị diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì trai giới Phạm thiên, cùng cộng hội với Phạm thiên, nhân Phạm thiên cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt.

Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được chứng giác bởi chánh trí’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp nên tâm tĩnh, được hỷ; ác tham lam nếu có liền diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Cũng như một người trong mình có cấu ghét, nhờ bột tắm, nước nóng và sức người tắm gội kỹ cho nên được sạch sẽ. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi’. Người ấy sau khi niệm pháp như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì pháp trai, cùng cộng hội với pháp, nhân pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng, Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi, tám hạng Thánh sĩ. Đó là chúng tăng đệ tử của Thế Tôn, thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước là ruộng phước tốt cho trời và người’. Người đó sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một người nơi áo có cấu ghét, bất tịnh, nhờ tro, bột kết, bột giặt, nước nóng, sức người giặt giũ, nên nó được sạch sẽ như vậy. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng. Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi tám hạng Thánh sĩ, đó là Tăng chúng của Thế Tôn, thành tựu, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cung kính, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước tốt cho trời và người’. Người ấy niệm tưởng Tăng như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì tăng trai, cùng tăng cộng hội, nhân tăng mà tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không uế, không ô, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới, nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một tấm gương bụi nhơ, không sáng, nhờ đá, đá mài, ngọc oanh, và sức người lau chùi, mài dũa mà được trong sáng. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không ô, không uế, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ trì như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì giới trai. Cùng Giới cộng hội, nhân Giới, tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng, ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tuệ ấy’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi chư Thiên nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như vàng ròng thượng sắc, bị bụi đóng bất tịnh, nhờ lửa, bài, kiềm, chùy, đất đỏ, sức người lau chùi mài dũa mà được minh tịnh. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy; tôi cũng thành tựu tuệ ấy’. Người ấy niệm tưởng như vậy, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Này Bà cư sĩ, nếu hành trì Thánh trai tám chi này như vậy và ở đây với mười sáu đại quốc này, một là Ương-già, hai là Ma-kiệt-đà, ba là Ca-thi, bốn là Câu-tát-la, năm là Câu-lâu, sáu là Ban-xà-la, bảy là A-nhiếp-bối, tám là A-hòa-đàn-đề, chín là Chi-đề, mười là Bạt-kỳ, mười một là Bạt-ta, mười hai là Bạt-la, mười ba là Tô-ma, mười bốn là Tô-ma-tra, mười lăm là Dụ-ni, mười sáu là Kiếm-phu. Trong các nước này những sở hữu tiền tài, bảo vật, kim ngân, ma ni, chơn châu, lưu ly, tương-già, bích ngọc, san hô, lưu-thiệu, bệ-lưu, bệ-lặc, mã não, đồi mồi, xích thạch, tuyền châu, và giả sử một người làm vua trong đó, sẽ được xử dụng tự tại, tùy ý. Nhưng người ấy so với người thọ trì Thánh trai tám chi hoàn toàn không bằng một phần mười sáu.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nếu nhân gian năm mươi năm, ở trên Tứ vương thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Năm trăm năm như vậy là tuổi thọ của Tứ vương thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi, thân hoại mạng chung sẽ sanh lên Tứ vương Thiên.

“Này Bà cư sĩ, do đó mà ta nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nếu nhân gian sống một trăm tuổi, thì ở Tam thập tam thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm và một nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Tam thập tam thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tam thập tam thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Ở nhân gian hai trăm năm thì Diệm-ma thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Hai nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Diệm-ma thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên Diệm-ma thiên.

“Này Bà cư sĩ, ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nhân gian bốn trăm năm thì Đâu-suất-đà thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Bốn ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Đâu-suất-đà thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Đâu-suất-đà thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian sống tám trăm tuổi, thì Hóa lạc thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, tám ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Hóa lạc thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói rằng, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian một ngàn sáu trăm năm, thì Tha hóa lạc thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, một vạn sáu ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Tha hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thì trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tha hóa lạc thiên.”

Lúc bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thánh trai tám chi thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, đại lợi, đại quả, có đại công đức, có đại quảng bố, con từ nay cho đến trọn đời xin thọ trì Thánh trai tám chi này, tùy theo năng lực mà bố thí tu phước.”

Rồi Lộc Tử Mẫu sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo thọ trì, khéo tu tập, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.

Thế Tôn thuyết như vậy, Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

203. Kinh Bô Lị Đa

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại Na-nan-đại, trong khu rừng xoài của Ba-hòa-lị.

Bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù, mang guốc thế tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi, thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí bèn nói rằng, ‘Chư Hiền nên biết, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí nói lại bằng những lời dịu dàng rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.

Rồi Cư sĩ Bô-lị-đa trong khi du hành khắp nơi, thong dong tản bộ đến chỗ Đức Phật, chào hỏi xong, chống gậy đứng ngay trước Phật.

Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Cư sĩ Bô-lị-đa bạch rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự, mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”

Thế Tôn nói:

“Ngươi có hình tướng, biểu hiệu như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Thế Tôn lại ba lần nói rằng:

“Này Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì ngồi.”

Cư sĩ Bô-lị-đa cũng ba lần bạch Phật rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”

Thế Tôn trả lời rằng:

“Ngươi có hình tướng, biểu hiện như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Rồi Thế Tôn hỏi:

“Ngươi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như thế nào?”

Cư sĩ Bô-lị-đa đáp:

“Tất cả những tài vật trong nhà, tôi đều cho con cái hết rồi tôi sống vô vi, vô cầu, chỉ đi lấy thức ăn để duy trì mạng sống mà thôi. Tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như vậy.”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật, sự đoạn tuyệt các tục sự không phải như vậy. Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật có Tám chi đoạn tuyệt tục sự.”

Lúc bấy giờ Cư sĩ Bô-lị-đa bèn bỏ gậy, xếp dù, cởi guốc tục, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật, thế nào là Tám chi đoạn tuyệt tục sự?”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát, y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho, y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ nói láo, y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước, y trên không nhuế hại mà đoạn trừ nhuế hại, y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch, y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai giết chóc phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta giết chóc, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai giết chóc như vậy, sẽ chịu quả báo này, trong đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên y trên lìa sát mà đoạn trừ sát chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa sát hại mà đoạn trừ sát hại. Như vậy là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai lấy của không cho tất phải chịu quả báo ác trong đời này và đời sau. Nếu ta lấy của không cho, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai lấy của không cho phải chịu ác báo trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tà dâm tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tà dâm ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương thảy đều nghe đồn tiếng xấu của ta. khi thân hoại mạng chung phải đi đến ác thú, sanh trong địa ngục. Ai tà dâm tất phải chịu ác báo này trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai nói láo tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta nói láo ấy là tự hại mà cũng xuyên tạc phỉ báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai nói láo tất phải chịu ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta nên y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tham trước tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tham trước ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai tham trước tất phải thọ ác báo này trong đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta hại nhuế ấy là tự hại, mà cũng là hủy báng xuyên tạc người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo đời này và đời sau. Nếu ta đố kỵ thù nghịch ấy là tự hại và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tăng thượng mạn tất thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta có tăng thượng mạn ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai có tăng thượng mạn tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên y cứ không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn chăng?’ Rồi vị ấy y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.

“Đó là Tám chi đoạn tuyệt tục sự trong Thánh pháp luật.”

Cư sĩ hỏi rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật chỉ như vậy là đoạn tuyệt tục sự hay còn những điều khác nữa?”

Thế Tôn nói:

“Trong Thánh pháp luật không chỉ có chừng đó đoạn tuyệt tục sự, mà còn Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ.”

Bô-lị-đa Cư sĩ nghe xong, bèn cởi khăn trắng chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu quạ diều ấy không chịu xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, ‘Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểâm, hãy nên xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, ‘Này, mổ đi! Này mổ đi!’ Như vậy chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, ‘Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chen gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, ‘Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy’. Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn, bèn tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt, những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, ‘Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt’. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?’ Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?’, bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.

“Đó gọi là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác, đạt đến chứng ngộ.

“Này Cư sĩ, rồi vị ấy có giác có quán, đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy ly hỷ, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân thọ lạc, điều mà Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng diệt, không lạc không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Rồi vị ấy với định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và chứng ngộ lậu tận trí thông, biết như thật ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Khi nói pháp này Bô-lị-đa Cư sĩ viễn ly trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ thấy pháp, đắc pháp, chứng giác bạch tịnh pháp, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, bèn cúi đầu đảnh lễ chân Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, con nay quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, từ hôm nay suốt trọn đời, tự quy y cho đến lúc mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con trước đây mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù và mang guốc tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí, bèn nói như vầy, ‘Chư Hiền, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí ấy bèn những lời dịu dàng nói với con rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.

“Bạch Thế Tôn, con lúc bấy giờ các vị ấy thật sự vô trí, lại đặt vào chỗ trí, thật sự vô trí mà thờ tự, thật sự vô trí mà cúng thực, thật sự vô trí mà phụng sự như người trí. Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay chúng Tỳ-kheo và đệ tử Thế Tôn, đây mới thật sự là có trí, xứng đáng đặt ở chỗ trí, thật sự có trí xứng đáng thờ tự, thật sự có trí xứng đáng cúng thực, thật sự có trí xứng đáng phụng sự người trí tuệ.

“Bạch Thế Tôn, con nay lại lần nữa tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung. Bạch Thế Tôn, con trước kia kính tín kính trọng các Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, kể từ hôm nay đoạn tuyệt. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Bô-lị-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

204. Kinh La Ma

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu.

Bấy giờ Thế Tôn vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Bây giờ ta và ngươi đến sông A-di-la-bà-đề để tắm.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan cầm then cửa tản bộ đi đến khắp các cốc, gặp Tỳ-kheo nào cũng nói rằng:

“Chư Hiền, hãy đi đến nhà Phạm chí La-ma.”

Các Tỳ-kheo nghe nói, bèn cùng nhau đến nhà Phạm chí La-ma.

Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-bà-đề, cởi y để trên bờ, rồi xuống nước tắm. Tắm xong, trở lên lau mình, mặc y. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nhà của Phạm chí La-ma rất tốt, ngăn nắp, rất khả ái. Cúi mong Thế Tôn vì lòng từ bi mẫn đi đến nhà của Phạm chí La-ma.”

Thế Tôn im lặng nhận lời của Tôn giả A-nan. Rồi Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến nhà Phạm chí La-ma. Bấy giờ tại nhà của Phạm chí La-ma một số đông Tỳ-kheo đã tụ tập ngồi lại để thuyết pháp. Đức Phật đứng ngoài cửa, đợi các Tỳ-kheo nói pháp xong. Khi số đông các Tỳ-kheo đã nói pháp xong, các ngài ngồi im lặng. Thế Tôn biết rồi bèn tằng hắng và gõ cửa.

Các Tỳ-kheo nghe, tức thì đi ra mở cửa. Thế Tôn bước vào nhà Phạm chí La-ma, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi và hỏi:

“Các Tỳ-kheo vừa rồi nói những câu chuyện gì vậy? Vì công việc gì mà tụ tập ngồi ở đây?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, chúng con thuyết pháp. Do pháp sự này mà tụ tập ngồi tại đây.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay, Tỳ-kheo khi tụ tập ngồi lại nên làm hai việc; một là thuyết pháp, hai là im lặng. Vì sao vậy? Ta sẽ giảng pháp cho các ngươi. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy tư niệm kỹ.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Chúng con kính vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật nói:

“Có hai loại tìm cầu. Một là Thánh cầu  và hai là phi Thánh cầu. Thế nào là phi Thánh cầu? Có một hạng người thật sự lệ thuộc bệnh tật nhưng lại tìm cầu tật bệnh; thật sự lệ thuộc sự chết nhưng lại tìm cầu sự chết, thật sự lệ thuộc vào ưu bi khổ não, lệ thuộc sự tạp uế, nhưng lại tìm cầu sự tạp uế.

“Thế nào là thật sự lệ thuộc vào bệnh tật nhưng lại tìm cầu sự bệnh tật? Thế nào là sự tật bệnh? Con cái, anh em, đó là bệnh pháp. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, lúa gạo, là sự bệnh pháp. Chúng sanh ở trong đó xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu.

“Thế nào là sự lệ thuộc sự già, sự chết, sự sầu bi ưu não, sự tạp uế? Con cái, anh em đó là sự tạp uế. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, đó là sự tạp uế, sự tổn hại. Chúng sanh ở trong đó đắm nhiễm, xúc chạm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Người đó muốn tìm cầu cái không tật bệnh, an ổn, vô thượng, Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn an ổn vô thượng là trường hợp không thể có. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn vô thượng an ổn là trường hợp không thể có. Đó gọi là phi Thánh cầu.

“Thế nào là Thánh cầu? Có một hạng người suy nghĩ như thế này, ‘Ta thật sự lệ thuộc tật bệnh, nhưng không bỏ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thật sự lệ thuộc sự già, sự chết, sự sầu bi khổ não, sự tạp uế, nhưng không bỏ sự tìm cầu tạp uế. Vậy ta hãy tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn, Niết-bàn’. Người ấy bèn tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn và đạt được không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn là trường hợp có thể có. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, là trường hợp có thể có.

“Ta trước kia khi chưa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác cũng suy nghĩ như vầy, ‘Ta thực sự lệ thuộc tật bệnh, không bỏ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thực sự lệ thuộc già, chết, sầu bi ưu não, tạp uế, nhưng không bỏ tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế. Vậy ta có nên tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn chăng?’

“Ta vào thời thiếu niên trong trắng, mái tóc xanh mướt, cho đến thời tráng niên năm hai mươi chín tuổi, bấy giờ sống cực kỳ hoan lạc, vui đùa, trang sức, du hành. Ta vào lúc ấy mặc dù cha mẹ khóc lóc, thân thuộc không ai vui, nhưng Ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo; thủ hộ thân mạng thanh tịnh, thủ hộ khẩu và ý mạng thanh tịnh. Ta đã thành tựu giới thân ấy rồi, lại muốn tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, cho nên lại tìm nơi A-la-la Già-la-ma, hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, tôi muốn theo pháp của người để tu học phạm hạnh được chăng?’ A-la-la trả lời rằng, ‘Này Hiền giả, không có gì là không được. Hiền giả muốn hành thì hành’. Ta lại hỏi, ‘Người làm thế nào để tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ A-la-la đáp, ‘Ta vượt qua tất cả thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Do đó, pháp của ta được tự tri, tự giác, tự tác chứng’. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng A-la-la mới có niềm tin này. Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này’. A-la-la đối với pháp này đã tự tri, tự giác, tự tác chứng. Ta muốn chứng pháp này nên sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh. Sau khi tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, không bao lâu Ta chứng pháp ấy. Sau khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại tìm đến chỗ A-la-la Già-la-ma, hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ?’ A-la-la trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, đó là pháp ta tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ’. A-la-la lại nói với Ta rằng, ‘Hiền giả, ấy là cũng như sự tác chứng của ta đối với pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như sự tác chứng của Hiền giả đối với pháp này, ta cũng vậy. Hiền giả, người hãy đến đây, cùng ta lãnh đạo đồ chúng này’. Đó là A-la-la đối xử với Ta với địa vị Tôn sư, coi Ta ngang hàng, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ.

“Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa đến trí; pháp này không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này, để cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta bèn bỏ pháp này đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi đến chỗ Uất-đà-la La-ma Tử, hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la, tôi muốn ở trong pháp của người mà học hỏi, có thể được chăng?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, không có gì là không được. Người muốn học thì học’. Ta lại hỏi, ‘Thưa Uất-đà-la, cha ngài là La-ma, người tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp gì?’ Uất-đà-la La-ma Tử đáp, ‘Hiền giả, ta vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Hiền giả, pháp mà cha ta La-ma tự tri, tự giác, tự tác chứng, là pháp này’. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng La-ma mới có niềm tin này, Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng La-ma mới có sự tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng La-ma mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này. La-ma đã tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này, tại sao ta lại không tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ Vì Ta muốn chứng pháp này, cho nên sống cô độc tại một nơi xa vắng, không nhàn, yên tĩnh, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Sau khi Ta sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh, không bao lâu chứng được pháp ấy. Khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại đến Uất-đà-la La-ma Tử hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la La-ma Tử, cha ngài là La-ma, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, cha ta là La-ma, đây là pháp được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ’. Uất-đà-la lại nói với Ta rằng, ‘Cũng như cha ta tác chứng pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như Hiền giả tác chứng pháp này, cha ta cũng vậy. Hiền giả hãy đến đây cùng ta lãnh đạo đồ chúng này’. Uất-đà-la đối xử với Ta ngang địa vị Tôn sư, coi Ta cũng như bậc Tôn sư, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa đến trí, không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này để đi tìm cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta liền xả bỏ pháp ấy để đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi về phía nam núi Tượng đỉnh, đến tại Uất-bệ-la, một ngôi làng của Phạm chí tên gọi là Tư na đây là một khoảng đất xinh xắn, khả ái, núi rừng sầm uất, sông Ni-liên-thuyền với dòng nước trong xanh chảy lên bờ. Ta thấy khoảnh đất ấy bèn nghĩ rằng, ‘Nếu một thiện nam tử muốn học đạo, nên ở nơi này mà học, Ta cũng học đạo; vậy Ta hãy ở nơi này mà học. Rồi Ta ôm cỏ đến cây giác thọ. Đến nơi, Ta rải cỏ xuống, trải ni-sư-đàn lên và ngồi kiết già, kỳ hạn sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi nào chứng đắc Lậu tận. Và Ta không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi chứng đắc Lậu tận.

“Ta tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, liền đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Liền đạt được sự không già không chết, không ưu bi sầu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp.

‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa’.

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Ta có nên đi đến thuyết pháp cho A-la-la Già-la-ma trước chăng?’

“Lúc bấy giờ có Thiên thần trụ trong hư không nói với Ta rằng: “Đại Tiên nhân, xin biết cho, A-la-la Già-la-ma vừa mạng chung đến nay đã được bảy ngày’. Ta cũng tự biết A-la-la Già-la-ma đã mạng chung được bảy ngày. Ta lại nghĩ như vầy, ‘A-la-la Già-la-ma, thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu được nghe pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp.

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho Uất-đà-la La-ma Tử trước nhất chăng?” Thiên thần lại trụ trong hư không nói với Ta rằng, ‘Đại Tiên nhân, xin biết cho, Uất-đà-la La-ma Tử mạng chung đến nay đã hai tuần thất’. Ta cũng tự biết Uất đầu la La-ma Tử mạng chung đã hai tuần thất. Ta lại nghĩ như vầy, ‘Uất-đà-la La-ma Tử thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu nghe được pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp’.

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, Ta liền suy nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Xưa kia, năm Tỳ-kheo theo hầu hạ Ta, giúp Ta nhiều điều hữu ích. Khi Ta tu hành khổ hạnh, năm Tỳ-kheo ấy đã thừa sự Ta, nay Ta có nên thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước kia chăng?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Năm Tỳ-kheo thuở xưa ấy, bây giờ đang ở đâu?’ Bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hẳn người thường, Ta thấy năm Tỳ-kheo đang ở tại Ba-la-nại, Tiên nhân trú xứ, trong vườn Lộc giả.

“Ta tùy thuận trụ dưới gốc cây Giác thọ. Sau đó Ta thu vén y, ôm bát đi về Ba-la-nại, đến đô ấp Gia-thi.

Bấy giờ Dị học Ưu-đà từ xa trông thấy Ta đi đến, bèn nói với Ta rằng, ‘Hiền giả Cù-đàm, các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu, khuôn mặt ngời sáng. Hiền giả Cù-đàm, ai là Tôn sư? Theo ai học đạo? Tin tưởng pháp của ai?’ Lúc bấy giờ Ta liền nói bài kệ để trả lời Ưu-đà rằng:

Ta tối thượng, tối thắng;
Nhiễm trước pháp đã trừ;
Giải thoát, ái diệt tận;
Tự giác, ai tôn sư?
Bậc Vô đẳng, Đại hùng,
Tự giác, Vô thượng giác,
Như Lai, Thầy thiên, nhơn,
Biến tri, thành tựu lực.

“Ưu-đà hỏi rằng:

“– Hiền giả Cù-đàm tự cho là tối thắng chăng?”

“Ta lại nói bài kệ trả lời rằng:

Đấng Tối thắng như vậy
Các lậu đã tận trừ.
Ta sát hại ác pháp,
Nên tối thắng là Ta.

“Ưu-đà lại hỏi Ta rằng:

“– Hiền giả Cù-đàm, bấy giờ muốn đi về đâu?”

“Bấy giờ Ta nói bài kệ rằng:

Ta đến Ba-la-nại,
Dóng trống diệu cam lồ,
Chuyển pháp luân vô thượng
Chưa ai chuyển trong đời.

“Ưu-đà lại nói với Ta rằng:

“– Hiền giả Cù-đàm, hoặc có thể là như vậy.”

“Rồi vị ấy bước sang con đường tắt mà đi trở lui.

“Ta một mình đi đến Tiên nhân trụ xứ, trong vườn Lộc dã. Bấy giờ năm Tỳ-kheo từ xa trông thấy Ta đi đến, ai cũng lập giao ước với nhau rằng, ‘Chư Hiền, nên biết đó là Sa-môn Cù-đàm đang đi đến. Người ấy đa dục, đa cầu, ăn với loại ẩm thực thù diệu, bằng cơm gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, và bôi xoa thân thể bằng dầu mè nay lại đến đây. Các người cứ ngồi. Chớ nên đứng dậy đón tiếp, cũng đừng làm lễ. Dành sẵn cho một chỗ đó, nhưng đừng mời ngồi, hãy nói rằng ‘Nếu bạn muốn ngồi, xin cứ tùy ý’. Rồi Ta đi đến chỗ năm Tỳ-kheo. Bấy giờ năm Tỳ-kheo không kham nổi uy đức tối thắng thù diệu của Ta, tức thì rời chỗ ngồi đứng dậy, người thì ôm y bát của Ta, người thì trải chỗ ngồi, người thì lấy nước cho Ta rửa chân. Ta nghĩ rằng, ‘Những người ngu si này sao lại không bền chí, đã tự mình thiết lập điều ước hẹn, rồi lại làm trái điều giao hẹn’. Ta biết như vậy rồi bèn ngồi trên chỗ ngồi mà năm Tỳ-kheo đã dọn sẵn. Khi ấy năm Tỳ-kheo gọi thẳng tên họ Ta và xưng hô với Ta là “Bạn”. “Ta nói với họ rằng, ‘Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các người đừng gọi thẳng tên họ Ta, cũng đừng gọi Ta là ‘Bạn’. Vì sao vậy? Ta vì tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Ta tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đã sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Họ nói với Ta rằng:

“– Này bạn Cù-đàm, trước kia bạn hành như vậy, đạo tích như vậy, khổ hạnh như vậy mà còn chưa chứng được pháp thượng nhân, gần kề với Thánh tri, Thánh kiến, huống là ngày hôm nay đa dục, đa cầu, ăn với thực phẩm thù diệu với gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, bôi xoa thân thể bằng dầu mè chăng?

“Ta lại nói rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, các ngươi trước kia có bao giờ thấy Ta như vậy, với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời chăng?

“Bấy giờ năm Tỳ-kheo lại trả lời với Ta rằng:

“–Trước kia chúng tôi chưa từng thấy bạn với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời. Này bạn Cù-đàm, nay bạn với các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu khuôn mặt sáng ngời.

“Ta lúc ấy nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có hai lối sống cực đoan mà những người học đạo không nên học. Một là đắm trước dục lạc, nghiệp hèn hạ, là lối sống của phàm phu. Hai là tự gây phiền, tự gây khổ, không phải là pháp Hiền Thánh, không tương ưng với cứu cánh. Này năm Tỳ-kheo, xả bỏ hai cực đoan ấy, có con đường giữa, thành minh, thành trí, thành tựu định, đạt đến tự tại, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn. Đó là tám con đường chân chánh, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám.

“Rồi Ta lần lượt giáo hóa năm Tỳ-kheo. Khi giáo hóa cho hai người thì ba người đi khất thực. Ba người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Khi giáo hóa cho ba người thì hai người đi khất thực. Hai người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Ta giáo hóa như vậy, họ tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế và vô thượng an ổn Niết-bàn; sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa’.

“Rồi Thế Tôn lại nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có năm thứ công đức của dục, khả ái, khả lạc, khả ý, khả niệm, hoàn toàn tương ưng với dục. Đó là sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không điều ngự trong Thánh pháp, chúng xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không biết sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết chúng nghe theo ác ma, làm theo ác ma, rơi vào ác ma, bị lưới ma quấn chặt, bị cùm ma khóa chặt, không thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng bị dây buộc chặt nên biết nó phải nghe theo thợ săn, làm theo thợ săn, rơi vào tay thợ săn, bị lưới thợ săn quấn chặt, khi thợ săn đến, không thể trốn thoát. Cũng vậy, năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không điều ngự trong Thánh pháp, chúng đối với năm thú diệu dục mà xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo, lăn xả vào, thọ dụng mà không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết, chúng phải nghe theo ác ma, làm theo ác ma, rơi vào tay ác ma, bị lưới ma quấn chặt, bị dây ma trói xiết, không thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, những vị ấy đối với năm diệu dục, không xúc, không nhiễm, không tham, không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết, họ không nghe theo ác ma, không làm theo ác ma, không bị rơi vào tay ác ma, không bị lưới ma quấn chặt, không bị dây ma trói siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng thoát khỏi trói buộc, nên biết nó không phải nghe theo thợ săn, không phải làm theo thợ săn, không rơi vào tay thợ săn, không bị lưới thợï săn quấn chặt, không bị dây thợ săn buộc siết. Khi thợ săn đến, nó có thể trốn thoát. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, vị ấy đối với năm công đức của dục không xúc, không nhiễm, không tham không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết những người ấy không phải nghe theo ác ma, không phải làm theo ác ma, không rơi vào tay ma, không bị lưới ma quấn chặt, không bị dây ma buộc siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, nếu lúc Như Lai xuất hiện trong thế gian, là Bậc Vô Sở Trước, Minh Hạnh Thành Tựu, Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật, Chúng Hựu. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ.

Vị ấy với định tâm thanh tịnh, như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, biết như thật đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy bây giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vị ấy đã tự mình thấy rõ vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận. Cho nên, vị ấy tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Này năm Tỳ-kheo, cũng như trong khu rừng vắng, nơi không có bóng người, ở đó nai rừng tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Nai rừng ấy không nằm trong cảnh giới của thợ săn. Cho nên nó tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vì vị ấy tự mình thấy vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận, cho nên tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Này năm Tỳ-kheo, đó gọi là giải thoát vô dư, đó gọi là sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đó gọi là sự không già không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.”

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

205. Kinh Ngũ Hạ Phần Kết

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời. Thế Tôn lại hỏi đến lần thứ ba:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời đến lần thứ ba. Lúc bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Thế Tôn đã từng nói năm hạ phần kết. Con có thọ trì.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, Ta đã từng nói năm hạ phần kết, ngươi có thọ trì chăng?”

Tôn giả Man Đồng tử đáp:

“Thế Tôn nói dục là hạ phần kết thứ nhất, con thọ trì như vậy. Nhuế, thân kiến, giới thủ và nghi, Thế Tôn nói nghi là hạ phần kết thứ năm, con thọ trì như vậy.”

Thế Tôn quở rằng:

“Man Đồng tử, ngươi sao lại thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy? Man Đồng tử, ngươi nghe từ miệng ai mà thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy?”

“Này Man Đồng tử, há không phải số đông các người dị học cật vấn chỉ trích ngươi với thí dụ về trẻ nít sơ sanh này chăng? Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngủ, trong ý còn không có ý tưởng về dục tưởng, há lại có quấn chặt nơi dục chăng? Nhưng kết sử nằm trong bản tính của chúng nên nói là dục sử. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh, mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về chúng sanh còn không có, há lại có tâm về quấn chặt nơi sân nhuế chăng? Nhưng do kết sử nằm trong bản tính của nó, nên nói là nhuế sử. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về tự thân còn không có, há lại có quấn chặt nơi thân chăng? Nhưng do kết sử ở nơi bản tính của nó nói là thân kiến sử. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về giới còn không có há lại có tâm quấn chặt nơi giới chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là giới thủ sử. Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, ý tưởng về pháp còn không có, há lại có tâm quấn chặt nơi pháp chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là nghi sử. Há không phải số đông các dị học đem thí dụ con nít mới sanh này mà chỉ trích cật vấn ngươi chăng?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Thế Tôn quở trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ biện bạch, suy nghĩ mông lung. Thế Tôn sau khi mắng Tôn giả Man Đồng tử ngay mặt rồi, ngồi im lặng. Lúc ấy Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay thật đúng lúc, bạch Thiện Thệ nay thật đúng lúc, nếu nói cho các Tỳ-kheo nghe năm hạ phần kết. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin vâng lời lắng nghe.”

Phật nói:

“A-nan, ở đây có một hạng người bị dục quấn chặt. Dục tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly; do không biết như thật về sự xả ly, nên tham dục càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nhuế quấn chặt. Nhuế tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly sân nhuế càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị thân kiến quấn chặt. Thân kiến tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, thân kiến càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị giới thủ quấn chặt. Giới thủ tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, giới thủ càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nghi quấn chặt. Nghi tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly, nghi càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên đạo tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“A-nan, cũng như có người muốn tìm một cái gì chắc thật. Vì để tìm cái gì chắc thật nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, lá và lõi. Nhưng nếu người ấy không chặt nơi rễ nơi thân mà tìm được cái gì chắc thật mang về, thì trường hợp này không thể có. Cũng vậy, này A-nan, phải y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này, y trên tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết, trường hợp này tất có.

“A-nan, cũng như một người muốn tìm cái gì chắc thật. Vì để tìm cái gì chắc thật, nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, và lá với lõi. Nếu người ấy chặt nơi rễ, nơi thân và được cái chắc thật để mang về, trường hợp này chắc có. Cũng vậy này A-nan, y trên đạo và y trên tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này và y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết trường hợp này tất có.

“Này A-nan, y trên đạo nào, y trên tích nào để đoạn trừ năm hạ phần kết? A-nan, hoặc có một hạng người bị dục quấn chặt. Nếu dục triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly; biết như thật về sự xả ly rồi dục triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nhuế quấn chặt; nếu nhuế triền phát sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Nếu biết như thật về sự xả ly rồi, nhuế triền nơi người ấy liền diệt. A-nan ở đây có một người bị thân kiến quấn chặt. Nếu thân kiến đã quấn chặt, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, thân kiến triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây có một người bị giới thủ quấn chặt. Nếu giới thủ triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, giới thủ triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nghi quấn chặt, nếu nghi triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, nghi triền nơi người ấy liền diệt.

“Này A-nan, y trên đạo này, y trên đạo tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết.

“Này A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy suy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc bờ bên kia nên muốn qua sông. Nhưng tự thân ta không đủ sức để bình an lội sang bờ bên kia’. A-nan, nên biết rằng người ấy không đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn mà tâm không thú hướng, không thanh tịnh, không trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết người ấy cũng giống như người gầy yếu không sức lực kia.

“A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này với nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc ở bờ bên kia. Tự thân ta đủ sức để bình an lội qua bờ bên kia’. A-nan, nên biết rằng người ấy đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn, mà có tâm thú hướng, thanh tịnh mà trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết, người này cũng như người có sức lực kia.

“Này A-nan, cũng giống như giòng nước lũ rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi nhiều thứ, mà ở quãng giữa không thuyền, không cầu, giả sử có một người đến, có công việc ở bờ bên kia, nên tìm cách để qua. Khi tìm cách để qua, người ấy nghĩ rằng, ‘Nay giòng nước lũ này rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi mọi thứ, ở khoảng giữa lại không có thuyền, không cầu để có thể qua. Với phương tiện để ta có thể bình an sang bờ bên kia. Ta có công việc ở bờ bên kia cần đi qua. Với phương tiện nào để ta có thể bình an qua bờ bên kia?’ Rồi người ấy lại nghĩ rằng, ‘Bây giờ ở bờ bên này ta hãy thu lượm cỏ, cây buộc lại mà làm chiếc bè để bơi sang’. Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia. Cũng vậy, này A-nan, nếu có Tỳ-kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Rồi vị ấy giác quán tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói là được Thánh xả, với niệm an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy diệt lạc, diệt khổ, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu ngại tưởng, không suy niệm đến bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng vô lượng không xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Nơi vị ấy nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, khổ, hoặc không lạc, không khổ, vị ấy quán sát cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy quán thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Cũng như cách thôn không xa có một bụi chuối to lớn, nếu có một người xách búa đến đốn ngã cây chuối, xẻ thành mảnh, xả làm mười phần, hoặc làm trăm phần. Sau khi xả làm mười phần hoặc trăm phần rồi, bèn vạch từng sợi, nhưng mắt chuối không tìm thấy, há lại tìm thấy lõi được sao? A-nan, cũng vậy, Tỳ-kheo nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không khổ không lạc, vị ấy quán cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy, quán sát thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:

“Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Hy hữu thay! Thế Tôn vì các Tỳ-kheo y trên y, thiết lập y, giảng thuyết về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận.”

Thế Tôn nói:

“Thật vậy, A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ lạ. Thật là hy hữu, Ta vì các Tỳ-kheo, y trên y, thiết lập y, nói về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng vượt chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận. Vì sao vậy? Vì sự thắng liệt nơi mỗi người cho nên sự tu học có tinh, có thô. Do sự tu học đạo có tinh có thô, cho nên mỗi người có sự thắng liệt khác nhau. A-nan, vì vậy Ta nói mỗi người có sự thắng liệt khác nhau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

206. Kinh Tâm Uế

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.

“Thế nào là không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm?

“Ở đây có một hạng người nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Nếu hạng người nào nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Đó gọi là không nhổ sạch loại tâm tạp uế thứ nhất, nghĩa là đối với Thế Tôn. Cũng vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn,  hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi mà sân nhuế, mạ lỵ, lăng nhục, xúc não, xâm hại, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín, đó là loại tâm tạp uế thứ năm không được nhổ sạch, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hanh.

“Thế nào là không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người thân chưa ly nhiễm, chưa ly dục, chưa ly khát, chưa ly ái. Nếu ai thân chưa ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ nhất, nghĩa là nơi thân.

“Lại nữa, nếu ai đối với dục mà không ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, vị ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ hai, nghĩa là nơi dục.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với điều được nói tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái mà nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về sự thiếu dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa nói về duyên khởi; những điều như vậy được Tỳ-kheo hay Sa-môn nói, nhưng tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải, không tinh tấn, không tĩnh tọa, đó gọi là loại tâm phược thứ ba, nghĩa là đối với thuyết.

“Lại nữa, thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi. Nếu ai thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh cần và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa, thì đó gọi là loại tâm phược thứ tư, nghĩa là đối với sự tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến, người đấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa, đó gọi là tâm phược thứ năm, nghĩa là đối với sự thăng tiến.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp tất thối vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh.

“Thế nào là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm? Ở đây có một hạng người không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Nếu ai không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín, đó là hạng người thứ nhất vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn. Hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh được Thế Tôn khen ngợi mà không sân nhuế, không lăng nhục, không xúc não, không sân hại, có ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo nhổ sạch tạp uế trong tâm, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hạnh.

“Thế nào là khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ nhất khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, nghĩa là đối với thân.

“Lại nữa, đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần, tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ hai khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với dục vậy.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với những điều được thuyết giảng, tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái, nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về đoạn trừ, nói về vô dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi, những điều như vậy được thuyết giảng bởi Sa-môn hay Tỳ-kheo, mà người ấy tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ ba khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với thuyết vậy.

“Lại nữa, không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi. Nếu ai không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi, người ấy có tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ tư khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự không tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại, nhưng mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại nhưng mong cầu thăng tiến, người ấy tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự thăng tiến vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh. Vị ấy an trụ nơi mười chi này rồi, lại tu tập thêm năm pháp. Thế nào là năm?

“Tu dục, định thành tựu đoạn như ý túc, y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt, y xả, thú hướng phi phẩm. Tu tinh tấn định, tâm định tư duy, thành tựu đoạn như ý túc, y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt y xả, thú hướng phi phẩm, và kham nhiệm là thứ năm. Vị ấy thành tựu kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này thành tựu tự thọ, chắc chắn đạt đến tri, đến kiến, đến Chánh đẳng chánh giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.

“Cũng như gà sanh mười trứng, hoặc mười hai trứng, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn trông chừng. Giả sử con gà mái ấy buông trôi, nhưng bên trong đã có gà con nó sẽ lấy chân mà chọi, lấy mỏ mà mổ vỏ trứng, tự nó bình an chui ra. Nó là con gà con đệ nhất. Cũng vậy, Tỳ-kheo thành tựu, kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này, tự thọ, chắc chắn đạt đến tri kiến, đến chánh đẳng giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói, không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

207. Kinh Tiểu Mao (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đang an cư mùa mưa.

Bấy giờ trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác y ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học trong rừng Khổng tước.

Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao là một vị danh đức, là bậc Tông chủ, được nhiều người tôn làm Thầy, có tiếng tăm lớn, nhiều người kính trọng ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh, như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.

Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn dò chúng của mình rằng: “Này các ông, hãy ngồi im lặng, người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm. Đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể sẽ đến thăm.”

Dị học Tiễn Mao dặn chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.

Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay mà bạch Phật rằng:

“Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây. Mời Ngài ngồi xuống chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi rằng: “Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì, do việc gì mà cùng nhóm họp ở đây?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”

Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:

“Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những vấn đề gì? Do việc gì mà cùng nhóm họp nơi đây?”

Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Nó không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe sau này nghe cũng không khó. Nhưng Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi cùng với số đông các Phạm chí nước Câu-tát-la cùng tụ tập ngồi ở học đường Câu-tát-la bàn luận như vầy, “Thật tốt đẹp và lợi ích cho dân nước Ương-già Ma-kiệt-đà! Thật tốt đẹp và lợi ích cho người nước Ương-già Ma-kiệt-đà! Chúng Đại phước điền như thế cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá.

“Đó là có ngài Phất-lan Ca-diếp

Vì sao? Bạch Cù-đàm, Phất-lan Ca-diếp là bậc Tông chủ danh đức, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, lãnh đạo đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.

“Cũng vậy, Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi là danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa ở thành Vương xá.

“Vừa rồi cùng bàn đến Sa-môn Cù-đàm rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm này là bậc danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lĩnh đại chúng Tỳ-kheo được một ngàn hai trăm người tôn trọng, cũng cùng nhau an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, ‘Nay trong các Sa-môn, Phạm chí được tôn trọng này, ai là người được đệ tử cung kính, cúng dường, không bị đệ tử đúng theo pháp mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể có, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi?’

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mà mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử nạn vấn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa Phất-lan Ca-diếp đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn, ‘Các ông hãy dừng lại! Không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết việc này, nhưng ta có thể giải quyết được việc này’. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó lại bàn luận việc khác nữa, không chờ ngươi nói xong vấn đề. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường. Bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng: ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi liền bỏ đi.

“Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, ‘A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi này, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn rằng, ‘Các ông hãy dừng lại, không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết được việc này’. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó, lại bàn luận việc khác không chờ ngươi nói xong. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường mà bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Sa-môn Cù-đàm này được đệ tử hầu hạ, cung kính, tông trọng, cúng dường, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa Sa-môn Cù-đàm đã có lần nói pháp tại đại chúng, vô lượng trăm ngàn người vây quanh. Ngay bấy giờ có một người ngủ mà ngáy. Lại có một người bảo người kia rằng ‘Đừng có ngủ ngáy. Ông không muốn nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu như cam lồ sao?’ Người kia liền im lặng không gây tiếng động nữa.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy Sa-môn Cù-đàm được đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng, cúng dường, không bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều đó hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi liền bỏ đi.”

Thế Tôn nghe rồi liền hỏi Tiễn Mao rằng:

“Ưu-đà-di, ông thấy Ta có bao nhiêu pháp khiến cho các đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng và cúng dường, thường theo Ta không rời?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Tôi thấy Cù-đàm có năm pháp khiến đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời. Những gì là năm? Sa-môn Cù-đàm trí túc về thô y, khen ngợi tri túc về thô y. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y, khen ngợi tri túc về vải thô, nên tôi thấy tri túc đó là pháp thứ nhất mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến cho hàng đệ tử phụng sự cung kính, tôn trọng cúng dường, thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc đạm bạc. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc ăn uống đạm bạc, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ hai khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng cúng dường, phụng sự thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn ít. Vì Sa-môn Cù-đàm ăn ít và khen ngợi sự ăn ít, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ ba khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ. Vì Sa-môn Cù-đàm tri túc như vậy, nên tôi thấy đó là pháp thứ tư mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, thường theo không rời.

“Lại nữa Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen tĩnh tọa. Vì vậy tôi thấy đó là pháp thứ năm mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành thường theo không rời.

“Đó là năm pháp mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành, thường theo không rời.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ưu-đà-di, Ta không phải do năm pháp ấy mà khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường thừa sự, thường theo không rời. Này Ưu-đà-di, áo ta mặc được cắt theo con dao Thánh và nhuộm màu sắc xấu xa. Như vậy, y Thánh được nhuộm màu sắc xấu xa. Ưu-đà-di! Nhưng đệ tử Ta cũng có người trọn đời chỉ mặc áo phấn tảo do người ta bỏ, và cũng nói thế này, ‘Thế Tôn ta tri túc về thô y’, khen ngợi sự tri túc về thô y. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử ta nhận sự tri túc về thô y mà khen ngợi Ta, thì người đó do sự kiện này đã không cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta ăn đồ ăn gạo nếp, nấu chín và không có hạt xép, vô lượng tạp vị. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử Ta có người trọn đời khất thực, ăn đồ ăn đã bỏ, cũng lại nói rằng, ‘Thế Tôn ta tri túc về thô thực’, khen ngợi tri túc về thô thực. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tri túc về ăn uống thô sơ, mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta chỉ ăn bằng một trái cây bệ-la hoặc bằng nửa bệ-la. Nhưng đệ tử của Ta có người ăn bằng một câu-tha, hoặc bằng nửa câu-tha, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn ăn ít, khen ngợi sự ăn ít’. Nếu đệ tử Ta nhân sự ăn ít mà khen ngợi Ta, người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự và theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta hoặc ở trên lầu cao, hoặc trên nhà rạp. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trải qua chín mười tháng, suốt đêm ngủ ngoài trời, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ nên khen ngợi Ta, thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta và cũng không theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta thường sống trong sự náo nhiệt giữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nhưng đệ tử của Ta có người quá nửa tháng mới nhập chúng một lần vì pháp thanh tịnh cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta tĩnh tọa và khen ngợi sự tĩnh tọa’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tĩnh tọa mà khen ngợi Ta, vị ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Ưu-đà-di, Ta không có năm pháp này, khiến hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo không rời. Ưu-đà-di, Ta lại có năm pháp khác, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.

“Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do giới vô thượng, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.

“Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do vô thượng trí tuệ, khen ngợi Ta, ‘Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ, nếu có ai đến bàn luận hay đối đáp, Ngài đều khuất phục được. Nghĩa là đối với Chánh pháp luật, họ không thể nói. Đối với điều chính mình nói, họ cũng không thể nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử nhân vô thượng trí tuệ, mà khen ngợi Ta, vị ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, theo Ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chớ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do nhờm tởm mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ưu-đà-di, nếu có đệ tử đến hỏi Ta được trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ, người đó nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta vì các đệ tử hoặc nói Túc mạng trí thông, tác chứng, hoặc nói Lậu tận trí thông tác chứng minh đạt. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta trong Chánh pháp luật này được thọ được độ, được đến bờ bên kia, không nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, phụng sự Ta, thường theo ta không rời.

“Này Ưu-đà-di, Đó là năm pháp Ta có khiến cho các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo không rời.”

Bấy giờ Dị học Tiễn Mao, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo mặt, chắp tay hướng về Phật bạch rằng: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ngài khéo nói những điều vi diệu thấm nhuần thân thể con cũng như cam lồ. Bạch Cù-đàm, cũng như mưa lớn, cõi đất này từ cao đến thấp thảy được thắm nhuần khắp cả. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm nói cho chúng tôi những điều vi diệu, thấm nhuần thân thể chúng tôi cũng như cam lồ.

“Bạch Thế Tôn, tôi đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay con trọn đời tự quy y cho đến mạng chung.”

Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

208. Kinh Tiểu Mao (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm vườn Ca-lan-đa cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, an cư mùa mưa.

Bấy giờ, trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học, trong rừng Khổng tước. Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao là một danh đức, bậc tông chủ, được mọi người tôn làm thầy, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lãnh đồ chúng đông đảo, được năm trăm vị dị học tôn trọng. Vị này ở giữa một đại chúng đang ồn ào, nhiễu loạn, nói năng lớn tiếng, bàn luận đủ mọi vấn đề súc sanh, tức là vấn đề vua chúa, về giặc, về việc đấu tranh, việc ăn uống, về y phục, về đàn bà, về con gái, về dâm nữ, về thế gian, về đồng trống, về dưới biển và việc nước, việc dân. Những người ấy cùng nhau nhóm họp ngồi bàn luận về những vấn đề như súc sanh vậy.

Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn đồ chúng của mình rằng: “Này các ông, hãy ngồi im lặng. Người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm, đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể đến thăm.

Dị học Tiễn Mao dặn đồ chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.

Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây, mời Ngài ngồi xuống chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn, sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhau ngồi họp ở đây? Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”

Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:

“Ưu-đà-di, vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà nhóm họp ngồi đây?”

Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, nó không hay ho gì, Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe, sau này nghe cũng không khó. Nhưng nếu Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.

“Bạch Cù-đàm, tôi có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, khi nghe có người nói: ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, thấy tất cả, biết tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi liền vấn sự vị ấy, nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Đây là những ai?’.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ông có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, nhưng ai nói, ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không có gì không biết, không có gì không thấy’ nhưng khi ông đến vấn sự, thì vị ấy không biết?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết, không gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trụ trong sách lự, trụ trong tư duy có trí tuệ, có biện tài; tôi đến vấn sự. Nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi nghĩ thế này, ‘Đây là những ai?’

“Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Bà-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phù Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, các vị này cũng vậy. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi tự cho thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả thấy tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trú trong sách lự, trú trong tư duy, có trí tuệ, có biện tài, tôi đến vấn sự những vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi khởi ý nghĩ rằng, ‘Đây là những ai?’

“Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi lại suy nghĩ, ‘Như vậy ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi những việc quá khứ. Sa-môn Cù-đàm ắt có thể đáp những việc quá khứ của ta. Ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, hỏi những việc vị lai, Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ đáp những việc vị lai của ta. Lại nữa, ta tùy những việc mà hỏi cùng Sa-môn Cù-đàm, ắt Sa-môn Cù-đàm cũng tùy mà trả lời những việc ta hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di! Thôi! Thôi, ông luôn luôn có dị kiến, dị nhẫn, dị lạc, dị dục, dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân, có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước, trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, chết như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây. Ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trú lâu như vậy, thọ chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, Ta đáp việc quá khứ cho vị ấy. Ta cũng đến hỏi việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho Ta. Ta tùy theo sự việc đó mà hỏi, vị đó cũng tùy theo việc Ta hỏi mà đáp.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này, khi sanh khi chết, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay bất thiện, tùy theo sự thọ nghiệp của chúng mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu và ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt đến chỗ dữ, sanh vào trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, thành tựu khẩu và ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi Ta việc vị lai, Ta đáp việc vị lai cho họ; ta cũng hỏi việc vị lai nơi họ, họ cũng đáp việc vị lai cho ta; ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy theo việc ta hỏi mà đáp.”

Dị học Tiễn Mao bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu như vậy, tôi càng trở thành không biết, không thấy, càng trở thành ngu si, rớt vào ngu si. Nghĩa là vì Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Ưu-đà-di! Thôi! Thôi! Ông luôn luôn dị kiến, dị nhân, dị lạc, dị dục và dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành kiếp, vô lượng bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, mạng chung như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây, ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống lâu như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, trú lâu như vậy, mạng chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, ta đáp việc quá khứ cho vị ấy; ta cũng đến hỏi vị ấy việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho ta. Ta theo sự việc người đó hỏi mà đáp, người đó cũng tùy theo sự việc ta hỏi mà đáp. Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này khi sanh khi tử, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay chỗ bất thiện, tùy theo sự tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu, ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung, ắt đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu, ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi ta việc vị lai, ta đáp việc vị lai cho họ. Ta cũng hỏi việc vị lai nơi vị ấy, vị ấy cũng đáp việc vị lai cho ta. Ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy việc ta hỏi mà đáp’.

“Bạch Cù-đàm, tôi đối với đời sống này làm những gì đã làm, được những gì đã được, nhưng vẫn không thể nhớ huống gì có thể nhớ được sự việc trong vô lượng đời sống về trước, có nhân có duyên sao? Bạch Cù-đàm, tôi còn không thể thấy con quỷ Phiêu phong thì làm gì mà được thiên nhãn thanh tịnh vượt qua người thường, thấy chúng sanh này khi chết, khi sống, sắc tốt, sắc xấu, đẹp hoặc không đẹp, đưa đến chỗ thiện hoặc chỗ bất thiện tùy sự tạo nghiệp của chúng sanh này, thấy đó như thật.

“Bạch Cù-đàm, tôi lại nghĩ như vầy, ‘Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta vấn đề theo Thầy học pháp, hoặc giả có thể đáp khiến Ngài vừa ý.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông theo Thầy học những pháp gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, người đó nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc kia tối thắng, sắc kia tối thượng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, sắc là gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng hơn, tối diệu hơn là tối thắng hơn; vậy sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hòi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, ‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ưu-đà-di, ông nói như vầy, ‘Người đó nói sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thắng. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói, ‘Sắc đó vượt hơn sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu mà đáp. Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng lấp lánh của đom đóm trong đêm tối và ánh sáng lấp lánh của đèn dầu trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng đèn dầu đối với ánh sáng đom đóm, thì ánh sáng đèn dầu tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa cây lớn đối với ánh sáng đốt đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn, trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng, trời không u ám, hai ánh sáng ấy, ánh sáng nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của saoThái bạch đối với ánh sáng của lửa đống cây lớn, thì ánh sáng của sao Thái bạch tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng tỏa chiếu của mặt trăng nửa đêm không u ám, trong ánh sáng ấy, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trời vào mùa thu, đứng ngay giữa bầu trời trong suốt, không u ám, trong hai ánh sáng ấy cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng mặt trời so với ánh sáng mặt trăng thì ánh sáng mặt trời tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ưu-đà-di, có rất nhiều chư Thiên; mà nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này, tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã cùng với chư Thiên tụ tập luận sự, nhưng những điều ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, tuy vậy Ta không nói: ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Này Ưu-đà-di, còn ông đối với ánh lửa đom đóm, lửa sâu bọ, sắc rất tệ, rất xấu mà nói ‘Sắc đó vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng,’ và khi được hỏi lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói này.” [06]

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói đó, bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói đó?’.”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, con nói như vầy, ‘Sắc kia vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Sa-môn Cù-đàm nay khéo tra xét tôi, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến sự hư vọng của tôi không còn nữa. Bạch Cù-đàm, vậy nên con nói như vầy. ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện thệ con xin hối lỗi về lời nói này’.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, ‘Đời sau tuyệt đối lạc, có một đạo tích để chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, thế nào gọi là hậu thế tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, giả sử có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa trộm cắp tà dâm, nói láo; cho đến, xa lìa tà kiến được chánh kiến. Bạch Cù-đàm, đó gọi là đời sau tuyệt đối lạc, đó gọi là chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn lại bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, theo sự hiểu biết mà đáp. Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ thế nào? Nếu có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

“Nếu có một người xa lìa trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến có chánh kiến, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“BaÏch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, há không phải rằng hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới?”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới vậy.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông nghĩ thế nào mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này?’

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con vừa nói, ‘Đời sau tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc’. Nay Sa-môn Cù-đàm khéo tra xét con, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến cho sự hư vọng của con không còn nữa. Bạch Cù-đàm, do đó con nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, đời quả có tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là đời quả có tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu; người ấy đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Trong đời, tuyệt đối lạc chỉ cùng cực là thế chăng?”

Thế Tôn nói:

“Trong đời, tuyệt đối lạc không chỉ cùng cực là thế. Ưu-đà-di, còn có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, phải chăng đệ tử của Sa-môn Cù-đàm vì thế giới tuyệt đối lạc, và vì đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đệ tử của Ta không phải chỉ vì thế giới tuyệt đối lạc và vì chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo học phạm hạnh. Nhưng còn có sự tối thắng, tối diệu, tối thượng khác để chứng đắc nữa.”

Bấy giờ cả đại chúng này cùng lớn tiếng nói:

“Cái ấy là tối thượng, tối diệu, tối thắng; vì để chứng đắc cái ấy mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh.”

Sau khi làm cho đại chúng của mình im lặng rồi, Phạm chí Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cái gì là tối thượng, tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy, mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, và ưu, hỷ đã có từ trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Ưu-đà-di, đó gọi là tối thượng tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy mà đệ tử Ta theo học phạm hạnh.”

Bấy giờ Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, muốn cúi đầu sát chân Phật. Ngay lúc đó các đệ tử dị học phạm hạnh của Dị học Tiễn Mao thưa với Dị học Tiễn Mao rằng: “Tôn giả nay đáng làm bậc Thầy mà muốn làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm ư? Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồi hãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy.”

Đó là các đệ tử của Dị học Tiễn Mao là chướng ngại cho Dị học Tiễn Mao đối với sự tu học phạm hạnh.

Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

209. Kinh Bệ Ma Na Tu

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu, sau giờ ngọ, thung dung đến chỗ Phật, chào hỏi xong, hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, sắc này hơn, sắc này hơn. Này Cù-đàm, sắc này hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Ca-chiên, đó là những sắc nào?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng, tối diệu, tối thắng hơn, Cù-đàm, sắc đó là tối thượng, sắc đó là tối thắng.”

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hỏi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, ‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ca-chiên, ông nói như vầy, ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Bệ-ma-na-tu thưa:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’.

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu biết mà đáp. Ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và ánh lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa đống cây lớn trong đêm tối đối với ánh sáng đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám, ánh sáng nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của sao Thái bạch đối với ánh sáng lửa đống cây lớn, thì ánh sáng sao Thái bạch sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng vào nửa đêm trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa mặt trời vào mùa thu đứng ngay giữa bầu trời trong suốt không u ám, trong hai ánh sáng đó cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trời, so với ánh sáng của mặt trăng thì ánh sáng mặt trời sáng hơn.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ca-chiên, có rất nhiều chư Thiên, nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã từng cùng chư Thiên tụ tập luận sự. Những điều Ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, nhưng Ta không nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.” Này Ca-chiên, còn ông, với lửa đóm, lửa sâu, sắc rất tệ xấu mà nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Và khi được hỏi lại nói không biết.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu bị Thế Tôn quở trách trước mặt trong lòng buồn bã, cúi đầu im lặng, không còn lời nào biện bạch.

Sau khi Thế Tôn quở trách, muốn khiến ông ta hoan hỷ nên bảo:

“Này Ca-chiên, có năm công đức của dục khả hỷ, khả ái, khả niệm, khả ái, có lạc tương ưng với dục. Mắt nhận biết sắc, tai biết tiếng, mũi biết hương vị, lưỡi biết mùi, và thân biết cảm xúc. Này Ca-chiên, sắc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với sắc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người ấy đối với sắc khác dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện cầu. Người đó cho sắc này là tối thắng tối thượng. Này Ca-chiên, thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. Này Ca-chiên, xúc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với xúc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người đó đối với những xúc khác, dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện, không cần. Người đó cho xúc này là tối thượng, tối thắng vậy.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu chấp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm! Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay. Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện nói, ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’. Bạch Cù-đàm, cũng như do lửa cỏ mà đốt lửa cây, do lửa cây mà đốt lửa cỏ. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện, nói: ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’.

Thế Tôn bảo:

“Thôi! Thôi! Này Ca-chiên, ông là người vì luôn luôn có sở kiến dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sở thích dị biệt, ý dục dị biệt, ý hướng dị biệt, cho nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói.

“Này Ca-chiên, đệ tử Ta đầu hôm và cuối đêm thường không nằm ngủ, mà chánh định, chánh ý, tu tập đạo phẩm, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Những người ấy mới thấu triệt những điều Ta nói.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Phật, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Thế Tôn, muốn hạ nhục Thế Tôn, và ông vu báng Thế Tôn như vầy, hạ nhục Thế Tôn như vầy:

“Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?”

Lúc đó Thế Tôn liền nghĩ rằng:

“Dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Ta, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Ta, muốn hạ nhục Ta, và vu báng Ta như vậy, hạ nhục Ta như vậy mà nói với Ta như vầy, ‘Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?’.”

“Thế Tôn biết rồi bảo rằng:

“Này Ca-chiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’; thì người đó phải nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Nhưng này Ca-chiên, Ta cũng nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo của Ta đến, không nịnh hót, không lừa gạt, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như một đứa trẻ nhỏ thân còn yếu, nằm ngửa. Cha mẹ nó buộc tay chân nó lại. Đứa bé đó sau lớn lên, các căn thành tựu, cha mẹ lại cởi trói tay chân cho nó ra. Nó chỉ nhớ khi được cởi trói, chớ không nhớ khi bị trói.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như do dầu, do tim, mà đốt đèn, không có người thêm dầu, không có người đổi tim, dầu trước đã hết, sau lại không rót thêm thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như có mười đống cây, hoặc hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi hay sáu mươi đống cây, dùng lửa mà đốt, tất cả đều bùng cháy, bèn thấy ngọn lửa. Đống lửa ấy nếu không có người thêm cỏ cây hoặc đổ thêm vỏ trấu vào củi trước đã hết, sau không thêm nữa, thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.”

Khi thuyết pháp này Dị học Bệ-ma-na-tu xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Lúc đó, Dị học Bệ-ma-na-tu thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ bạch tịnh pháp, không còn thấy ai hơn, lại không do kẻ khác mà độ nghi, đoạn hoặc, không còn do dự, đã an trú quả chứng đối với pháp của Thế Tôn, chứng được vô sở úy, cúi đầu sát chân Phật mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin được theo Phật xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh.”

Thế Tôn dạy:

“Thiện lai Tỳ-kheo, hãy hành phạm hạnh! Dị học được theo Phật xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh. Tôn giả Bệ-ma-na-tu xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc rồi, biết pháp, thấy pháp, cho đến chứng được quả vị A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bệ-ma-na-tu và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

210. Kinh Tỳ Kheo Ni Pháp Lạc

Tôi nghư như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có bà Ưu-bà-di Tì-xá-khư, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc, cúi đầu lê dưới chân, rồi lui ngồi một bên, thưa rằng:

“Bạch Ni sư, tôi có điều muốn hỏi, mong Ni sư nghe cho chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tì-xá-khư, có điều gì xin cứ hỏi, sau khi nghe xong tôi sẽ suy nghĩ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư liền hỏi:

“Thưa Ni sư, tự thân, nói là tự thân; vậy thế nào là tự thân?

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thế Tôn nói năm thạnh ấm. Tự thân là năm thạnh ấm. Đó là sắc thạnh ấm, là thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm. Đó là năm thạnh ấm được Thế Tôn nói.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là Tự thân kiến?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không biết Thánh pháp, không chế ngự theo Thánh pháp, kẻ ấy thấy sắc là thần ngã, thấy thần ngã có sắc, thấy trong thần ngã có sắc, thấy trong sắc có thần ngã. Thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thấy ngã có thức, thấy trong ngã có thức, thấy trong thức có ngã. Đó gọi là thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là không thân kiến?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, biết Thánh pháp, khéo léo chế ngự trong Thánh pháp, kẻ ấy không thấy sắc là thần ngã, không thấy thần ngã có sắc, không thấy trong sắc có thần ngã, không thấy trong thần ngã có sắc. Không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không thấy trong ngã có thức, không thấy trong thức có ngã. Đó gọi là không thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là diệt tự thân?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sắc thạnh ấm bị đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Đó là tự thân diệt.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, ấm nói là thạnh ấm, thạnh ấm nói là ấm. Ấm tức là thạnh ấm, hay thạnh ấm tức là ấm? Ấm khác với thạnh ấm chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Hoặc ấm tức là thạnh ấm. Hoặc ấm chẳng phải là thạnh ấm. Sao gọi là ấm tức là thạnh ấm? Nếu sắc hữu lậu, được chấp thủ; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, được chấp thủ, thì nói ấm tức là thạnh ấm.

“Thế nào nói ấm tức chẳng phải là thạnh ấm? Sắc vô lậu, không bị chấp thủ, thì nói ấm chẳng phải là thạnh ấm.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, thế nào là Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thánh đạo tám chi là từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó gọi là Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi là hữu vi chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đúng vậy, Thánh đạo tám chi là hữu vi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu tụ?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Có ba tụ là giới tụ, định tụ và tuệ tụ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ hay ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Không phải Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ, nhưng ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba chi Thánh đạo này được nhiếp về Thánh giới tụ. Chánh niệm, chánh định, hai chi này được thâu nhiếp vào Thánh định tụ. Chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, ba chi này thân nhiếp vào Thánh tuệ tụ. Đó là nói rằng không phải Thánh đạo tám chi ba tụ, nhưng ba tụ nhiếp Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, diệt là hữu đối chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Diệt là vô đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành, lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Sơ thiền có bao nhiêu chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sơ thiền có năm chi là giác, quán, hỷ, lạc và nhất tâm. Đó là năm chi của Sơ thiền.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, sao gọi là đoạn, sao gọi là tưởng, sao gọi là định lực, sao gọi là định công, sao gọi là tu định?”

Pháp Lạc Tỳ-kheo-ni đáp rằng:

“Nếu có thiện tâm thuần nhất được gọi là định. Bốn niệm xứ được gọi là định tưởng. Bốn chánh đoạn được gọi là định lực. Bốn như ý túc được gọi là định công. Nếu tu tập các thiện pháp này rồi lại thường chuyên tu tập tinh cần, đó gọi là tu định.

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu sự kiện mà sanh thân sau khi chết rồi, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba sự kiện khiến sanh thân sau khi chết, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Đó là ba pháp khiến sanh thân sau khi chết thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Chết là mạng đã dứt, hơi ấm lìa thân, các căn bại hoại. Còn Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tuổi thọ chưa dứt, hơi ấm cũng không lìa thân, các căn không bại hoại. Đó là sự khác biệt giữa một người chết và nhập diệt tận định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người diệt tận định và một người nhập vô tưởng định khác nhau thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Một người nhập diệt tận định thì tưởng và tri đều diệt còn một người nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt. Đó là sự khác biệt giữa một người nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra không khởi suy nghĩ này, ‘Ta từ diệt tận định ra’. Tỳ-kheo khi từ vô tưởng định ra, khởi ý nghĩ này, ‘Ta là hữu tưởng? Hay ta là vô tưởng?’ Đó là sự khác nhau giữa một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định không’?”

Pháp lạc Tỳ-kheo đáp:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định không khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định,’ nhưng do theo tâm thức đã tu tập từ trước, y như vậy mà tiến tới.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, tỳ-kheo từ diệt tận định ra có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta từ diệt tận định ra’ hay không?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo khi từ diệt tận định ra không khởi ý nghĩ, ‘Ta từ diệt tận định ra”, nhưng bởi thân này và sáu xứ duyên mạng căn, cho nên từ định mà ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc những gì? Thú hướng những gì? Và thuận những gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc đối với viễn ly, thú hướng viễn ly và tùy thuận viễn ly.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư có bao nhiêu thọ?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba thọ, là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Chúng duyên vào đâu mà có? Duyên vào xúc.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, thế nào là cảm thọ lạc? Thế nào là cảm thọ khổ, và thế nào là cảm thọ không khổ không lạc?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Nếu lạc được cảm xúc bởi lạc xúc mà sanh, thân và tâm cảm giác rất khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ lạc. Nếu khổ được cảm xúc bởi khổ xúc mà sanh, thân và tâm cảm thọ khổ, không khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ khổ. Nếu không khổ không lạc được cảm xúc bởi xúc không khổ không lạc mà sanh, thân và tâm cảm thọ không khổ không lạc, không phải khoái cảm hay không khoái cảm, thì cảm thọ này gọi là cảm giác không lạc không khổ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Đối với cảm thọ lạc, thế nào là lạc? Thế nào là khổ? Thế nào là vô thường? Thế nào là tai hoạn? Thế nào là sử? Đối với cảm thọ khổ, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử? Đối với cảm thọ không khổ không lạc, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đối với cảm thọ lạc, sanh là lạc, trụ là lạc; biến dịch là khổ; vô thường tức là tai hoạn, và dục là sử; đối với cảm thọ khổ, sanh là khổ, trụ là khổ, biến dịch là lạc, vô thường tức là tai hoạn, sân nhuế là sử. Đối với cảm thọ không khổ không lạc, khổ hay lạc không được biết đến, vô thường tức là biến dịch và vô minh là sử vậy.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, phải chăng tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử? Tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử? Tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Không phải tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử, không phải tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử; không phải tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử. Vì sao cảm thọ lạc không phải là dục sử? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ lạc không phải là dục sử. Vì sao vậy? Vì đã đoạn dục. Vì sao cảm thọ khổ không phải là nhuế sử? Như mong cầu vô thượng giải thoát lạc, do sự nguyện cầu canh cánh mà sanh ra ưu khổ. Đó là cảm thọ khổ không không phải là nhuế sử. Vì sao? Vì nó đoạn sân nhuế. Vì sao cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử? Khi lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã có trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử. Vì sao? Vì nó đoạn vô minh.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc lấy cảm thọ khổ làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ khổ lấy cảm thọ lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ vừa lạc vừa khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc khổ lấy không khổ không lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ không khổ không lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ không khổ không lấy vô minh làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, vô minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Vô minh lấy minh làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Minh lấy Niết-bàn làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Niết-bàn đối đãi với cái gì?”

“Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Ông muốn hỏi những việc vô cùng, nhưng việc ông hỏi không thể cùng tận giới hạn của tôi được. Niết-bàn không có đối đãi. Niết-bàn không có quái ngại, vượt qua quái ngại, diệt trừ quái ngại, do nghĩa này nên tôi theo Thế Tôn hành phạm hạnh.”

Bấy giờ Ưu-bà-di Tì-xá-khư, khi nghe Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc nói, khéo léo thọ trì, tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc, đi nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc sau khi tiễn Ưu-bà-di Tì-xá-khư đi cách đó không lâu, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng một bên, đem hết những điều thảo luận cùng Ưu-bà-di Tì-xá-khư bạch lại với Phật, chấp tay thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Thế Tôn chăng? Nói chân thật, nói như pháp, không có trái nhau, không có tranh cãi, nhầm lẫn chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Tỳ-kheo-ni, ngươi nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Ta, ngươi nói chân thật, ngươi nói như pháp, nói theo thứ lớp của pháp. Đối với như pháp, không có chống trái nhau, không tranh, không lỗi vậy. Này Tỳ-kheo-ni, nếu Ưu-bà-di Tì-xá-khư đến hỏi Ta, Ta cũng bằng những văn cú như vậy, Ta cũng trả lời Ưu-bà-di Tì-xá-khư bằng nghĩa này, bằng văn cú này. Này Tỳ-kheo-ni, nghĩa này đúng như ngươi đã nói, ngươi cứ như vậy mà thọ trì. Vì sao, những lời này tức là giáo nghĩa vậy.”

Phật thuyết như vậy, Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc và chư Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

211. Kinh Đại Câu Hy La

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, bất thiện, được nói là bất thiện; bất thiện căn, được nói là bất thiện căn. Thế nào là bất thiện? Thế nào là bất thiện căn?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy. Đó là bất thiện và bất thiện căn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Lành thay! Hiền giả Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Câu-hy-la, thiện, được nói là thiện; thiện căn, được nói là thiện căn. Thế nào là thiện? Thế nào là thiện căn?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, đó là thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si, đó là thiện căn vậy. Đó là thiện và thiện căn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Trí tuệ, được nói là trí tuệ. Thế nào là trí tuệ?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Biết như vậy, cho nên nói là trí tuệ. Biết những gì? Biết như thật ‘Đây là Khổ’, biết như thật ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt Đạo’. Biết như vậy cho nên được nói là trí tuệ.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thức, được nói là thức; thế nào là thức?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thức, nhận thức, cho nên nói là thức. Nhận thức những gì? Nhận thức, sắc, nhận thức thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thức, nhận thức, cho nên nói là thức.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ và thức, hai pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai pháp này riêng biệt chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Hai pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt. Không thể thi thiết hai pháp ấy riêng rẽ. Vì sao vậy? Những gì được biết bởi trí tuệ cũng được biết bỡi thức. Cho nên hai pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt, và không thể cho rằng hai pháp này riêng rẽ.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, người biết, ngài lấy gì để biết?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Biết, tôi do trí tuệ mà biết.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Đại Câu-hy-la!”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ có nghĩa gì? Có sự thù thắng gì? Có công đức gì?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Trí tuệ có nghĩa yểm ly, có nghĩa vô dục, có nghĩa thấy như thật.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là chánh kiến?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Đó gọi là chánh kiến.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, có bao nhiêu duyên sanh chánh kiến?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến. Những gì là hai? Một là duyên từ người khác, hai là nội tâm tư duy. Đó là có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có năm chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả; đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức. Những gì là năm? Một là được thâu nhiếp bởi chân đế, hai là được thâu nhiếp bởi giới, ba là được thâu nhiếp bởi bác văn, bốn là được thâu nhiếp bởi chỉ, năm là được thâu nhiếp bởi quán. Đó gọi là năm chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, như thế nào sanh sự hữu trong tương lai [06]?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Phàm phu ngu si, vô tri, không đa văn, bị vô minh che lấp, bị ái kết trói buộc, không gặp thiện tri thức, không hiểu biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, đó gọi là làm phát sanh sự hữu trong tương lai.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là không sanh sự hữu trong tương lai?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Nếu vô minh đã diệt, minh đã sanh, tất diệt tận khổ. Đó gọi là không phát sanh sự hữu trong tương lai.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu thọ?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba thọ, là khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. Thọ này duyên đâu mà có? Duyên xúc mà có.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la!”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thọ, tưởng, tư, ba pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết ba pháp này riêng biệt chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Thọ, tưởng, tư, ba pháp này hiệp nhất không riêng biệt. Không thể thi thiết ba pháp này là riêng biệt. Vì sao? Những gì được cảm thọ bởi thọ, cũng được tưởng bởi tưởng, được tư bởi tư. Cho nên nói ba pháp này hiệp nhất không riêng biệt, và không thể thi thiết ba pháp này riêng biệt.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Diệt có sự đối ngại gì?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Diệt không có sự đối ngại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có năm căn với hành dị biệt, cảnh giới dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Năm căn hành tướng dị biệt, cảnh giới dị biệt, mỗi căn tự lãnh thọ cảnh giới riêng. Vậy cái gì lãnh thọ tất cả cảnh giới cho chúng? Cái gì làm sở y cho chúng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Năm căn với hành tướng dị biệt, với cảnh giới dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Năm căn này với hành tướng riêng biệt, với cảnh giới riêng biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng; ý lãnh thọ tất cả cảnh giới cho chúng. Ý làm sở y cho chúng.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Ý nương tựa vào đâu mà tồn tại?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Ý nương tựa vào tuổi thọ mà tồn tại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ nương vào đâu mà tồn tại?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Tuổi thọ nương vào hơi ấm mà tồn tại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ và hơi ấm, hai pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai pháp này riêng biệt chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tuổi thọ và hơi ấm hai pháp này hiệp nhất không riêng biệt. Không thể cho rằng hai pháp này riêng biệt. Vì sao? Nhân tuổi thọ mà có hơi ấm; nhân hơi ấm mà có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cũng như do dầu do bấc mà đốt được đèn; và ở đây do ngọn mà có ánh sáng, do ánh sáng mà có ngọn. Nếu không có ngọn thì không có ánh sáng, không có ánh sáng thì không có ngọn. Cũng vậy, nhân tuổi thọ mà có hơi ấm, nhân hơi ấm mà có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có hơi ấm, không có hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cho nên hai pháp này hiệp nhất không riêng biệt, và không thể cho rằng hai pháp này riêng biệt.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu pháp khi sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba pháp khi sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Ba pháp này sau khi sanh thân chết rồi, bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Chết là thọ mạng đã diệt, hơi nóng ấm đã đi, các căn tan rã. Tỳ-kheo nhập diệt tận định, tuổi thọ chưa hết, hơi ấm cũng chưa đi, các căn chưa tan rã. Chết và nhập diệt tận định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tưởng và tri đã diệt. Tỳ-kheo nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt. Nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, ra khỏi diệt tận định và ra khỏi vô tưởng định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định không nghĩ như vầy, ‘Ta ra khỏi diệt tận định’. Tỳ-kheo ra khỏi vô tưởng định suy nghĩ như vầy, ‘Ta có tưởng hay ta không có tưởng?’ Ra khỏi diệt tận định và vô tưởng định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo nhập diệt tận định trước hết diệt pháp nào, thân hành, khẩu hành hay ý hành?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo nhập diệt tận định trước hết diệt thân hành, kế đến khẩu hành và sau hết là ý hành.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, pháp nào phát sanh trước hết? Thân hành, khẩu hành hay ý hành?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, trước hết sanh thân hành, kế đến sanh khẩu hành và sau cùng sanh ý hành.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định, xúc bao nhiêu loại xúc?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, xúc ba loại xúc. Những gì là ba? Một là xúc không di động; hai là xúc vô sở hữu; ba là xúc vô tướng. Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định xúc ba loại xúc này.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, không, vô nguyện, vô tướng, ba pháp này khác nhau về nghĩa, về văn? Hay cùng một nghĩa một văn?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Không, vô nguyện, vô tướng, ba pháp này khác nghĩa, khác văn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh bất động định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có bốn nhân, bốn duyên phát sanh bất động định. Những gì là bốn? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ. Đó gọi là bốn nhân bốn duyên phát sanh bất động định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh vô sở hữu định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba nhân, ba duyên phát sanh vô sở hữu định. Những gì là ba? Nếu Tỳ-kheo vượt tất cả sắc tưởng cho đến chứng đắc vô sở hữu xứ thành tựu an trụ. Đó gọi là ba nhân ba duyên phát sanh vô sở hữu định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định. Những gì là hai? Một là không suy niệm tất cả mọi tưởng, hai là suy niệm vô tưởng giới. Đó gọi là có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên trụ vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, hai duyên trụ vô tưởng định. Những gì là hai? Một là không niệm tất cả tưởng, hai là niệm vô tưởng giới. Đó là hai nhân duyên hai duyên trụ vô tưởng định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân bao nhiêu duyên ra khỏi vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba nhân ba duyên ra khỏi vô tưởng định. Những gì là ba? Một là niệm tất cả tưởng; hai là không niệm vô tưởng giới; ba là do thân này và do sáu xứ duyên mạng căn. Đó gọi là có ba nhân, ba duyên ra khỏi vô tưởng định.”

Như vậy, hai vị Tôn giả tán thán lẫn nhau rằng: “Lành thay! Lành thay!” và những điều được thảo luận đó, hoan hỷ phụng hành, rồi rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.