Là bậc một nhảy thẳng vào thì không phải nhọc roi vọt, lôi kéo về, mà trâu trắng vẫn sờ sờ sẵn vậy, chẳng rơi vào giai cấp, trong sát-na dứt bặt cả năng và sở. Vậy thì tranh vẽ trở thành món hàng ế, bài tụng thành là lời thừa, huống chi nói thẳng, bàn thẳng đấy ư! Nếu khiến nhóm người này xem qua, ắt phải một phen tức cười.
Trên lẽ thật mà luận thì, nói cũng chẳng được, nín cũng chẳng được, dù nói nín cả hai đều quên cũng không dính dáng gì. Tại sao? Vì quang minh của cổ Phật, phong thái của Tiên đức, mỗi mỗi đều từ trong không ham muốn không nương tựa mà phát hiện ra. Hoặc vòi vọi cao vót trọn không thể bám víu. Hoặc bao trùm lẫn hợp trọn không thể nhìn thấy. Cuối cùng chẳng đóng cứng một chỗ, chẳng ràng buộc ở hai đầu, không phải mà không gì chẳng phải, không quấy mà không gì chẳng quấy. Được cũng không chỗ được, mất cũng không chỗ mất. Chẳng từng cách ra một mảy lông, chẳng từng dời đổi một sợi tóc. Sáng ngời lối xưa chẳng thuộc nơi sâu mầu. Ngay mặt đem lại, nhưng thoáng đó liền qua mất. Ở vị chẳng chánh, đâu rơi vào đường tà. Chẳng đi giữa trời thênh thang, nào rơi vào lối nhỏ. Xoay đầu mà chẳng gặp, chạm mắt mà không đối diện, một niệm xem khắp, thênh thang rỗng lặng. Tông yếu này ngàn Thánh chẳng truyền, chính ngay đó rõ biết, ngay đây vượt lên. Cần biết Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể đem âm thanh cầu. Diệu đạo không lời nói, chẳng thể đem danh tự hội. Dẫu cho vượt lên trên Phật Tổ, vẫn còn rơi thềm bực, dù là nói diệu bàn huyền, trọn dính trên môi lưỡi vậy thôi.
Tướng tròn này, chính là Diệu đạo nhất thừa tối thượng, bậc trí có thể đem thực hành, khi công đức đầy đủ liền vượt lên viên đốn, ánh sáng thanh tịnh soi khắp, cùng Phật không khác. Song tự tánh thanh tịnh liền là Phật Vô Cấu, tự tánh như như liền là Phật Tự Tại, tự tánh chẳng mê mờ liền là Phật Quang Minh, tự tánh kiên cố liền là Phật Bất Hoại, tất cả Pháp thân chư Phật đều chẳng thể nói năng tột đến được, chỉ một Chân tánh thôi. Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật, như Phật xưa khi mới thành cũng không có hai thể. Chư Phật như tượng Phật đúc bằng vàng đã thành, chúng sanh như quặng vàng chưa thành tượng. Như đã thành và chưa thành đều chia ra có trước sau, nhưng thể vàng thì thủy chung trọn không có sai khác. Nên kinh Viên Giác nói: “Đã thành vàng ròng rồi thì không trở lại làm quặng. Dù trải qua thời gian không cùng tận, tánh vàng vẫn chẳng hoại.” Nguyên tánh vàng này người người cũng có, ai ai cũng đủ, cho đến chúng sanh trong cả mười phương đều có Phật tánh kim cang, trời đất vạn vật thì đều gồm đủ Pháp thân Như Lai của chúng ta vậy. Nếu như người học tu hành thành tựu, đến địa vị này, mới rõ biết trời đất cùng ta đồng cội nguồn, muôn vật cùng ta đồng một thể, khắp pháp giới là Như Lai tạng, tột quả đất là thân Pháp vương. Nơi mé chân thật vốn không sai khác, thành đạo cùng một lúc với chư Phật trong ba đời. Chân không vốn bình đẳng, mười sáu loài sanh đồng một ngày vào Niết-bàn. Phải biết Pháp thân rất to lớn, hư không dù rộng cũng khó bao hết thể của nó. Nên Chân tâm thật là vi diệu vậy. Quỉ thần cũng không ai lường được cơ của nó. Cùng tột mé vị lai là một ngày đêm, tận biển vi trần là một sát-na. Từ trước đến giờ không cái gì mà nó chẳng gom giữ hết. Nên Nhị Tổ nói: “Nguyên vẹn lành lặn thành cái ấy, đời đời kiếp kiếp chẳng đổi dời. Trời đất có hoại mà cái ấy chẳng hoại. Cái ấy vừa là Chân ngã, vừa là Chân như, vừa là Chân thể, vừa là Chân không, vừa là Thật tướng, vừa là đạo tràng Bồ-đề, vừa là chân tịnh Niết-bàn, vừa là chẳng nhơ chẳng sạch, vừa là chẳng phải sắc chẳng phải không, vừa là tự giác Thánh trí, vừa là pháp luân vô thượng, vừa là diệu dụng của Phật, vui thích vô lượng. Cái ấy cũng vừa là nghiệp phiền não thanh tịnh, xưa nay rỗng lặng, vừa là tất cả nhân quả đều như mộng huyễn, vừa là sanh diệt đã diệt tịch diệt là vui, vừa là Chân thể kim cang chẳng biến đổi chẳng hư hoại, vừa là Nguyên thần từ vô thủy chẳng sanh chẳng diệt, vừa là chẳng thể đo lường, chẳng thể ca ngợi, chẳng thể nghĩ bàn, công đức không ngằn mé, vừa là Pháp thân thanh tịnh, Báo thân viên mãn, Hóa thân thiên bá ức, Phật Tỳ-lô-giá-na.”
Những người học đạo, nếu như hiện hành chưa đoạn, tập khí phiền não lại sâu đậm, ghé mắt sanh tình, chạm trần thành trệ, dù rõ xong ý nghĩa sanh tử, mà sức kia chưa đủ, chẳng thể chấp rằng: “Ta đã ngộ xong, phiền não tánh là không, nếu khởi tâm tu lại là điên đảo.” Thế nhưng, tánh phiền não dù không, mà hay khiến thọ nghiệp. Nghiệp quả không tánh, mà cũng tạo nhân khổ. Khổ đau tuy hư dối, vậy mà khó nhẫn là sao? Nếu như bị chứng bệnh không thì thể bệnh toàn là không, đâu cần tới thầy thuốc và uống các thứ thuốc men? Nên biết là nói và làm trái nhau, hư thật có thể nghiệm thấy rõ. Chỉ lượng căn cơ, lực dụng, chẳng thể tự dối gạt mình. Xét niệm ngừa lỗi quấy, cần phải chín chắn. Nên nói: Muôn pháp do nơi tâm, tất cả ở tại ta. Trong rỗng, ngoài trọn chẳng thật. Trong tinh tế, ngoài trọn chẳng thô suất. Tâm phàm thì ba độc quấn chặt. Tâm Thánh thì sáu thông tự tại. Tâm không thì một đạo thanh tịnh. Tâm có thì muôn cảnh dọc ngang. Như hang trống đáp tiếng vang, nói to thì vang lớn. Tợ gương soi hình tượng, hình cong thì bóng nghiêng. Nên nói: Muốn ngoài được an hòa, chỉ bên trong cần yên tĩnh. Tâm rỗng rang thì cảnh vắng lặng, niệm dấy lên thì pháp sanh khởi. Nước đục thì sóng mờ, đầm trong thì trăng hiện. Yếu chỉ tu hành chẳng ra ngoài điểm này. Có thể nói: Chỉ nắm được tâm, lo gì chẳng xong vậy!
GIẢNG
Sau khi giải thích về mười bức Tranh chăn trâu, Thiền sư Quảng Trí làm bài Tổng luận này.
Là bậc một nhảy thẳng vào thì không phải nhọc roi vọt, lôi kéo về, mà trâu trắng vẫn sờ sờ sẵn vậy, chẳng rơi vào giai cấp, trong sát-na dứt bặt cả năng và sở. Vậy thì tranh vẽ trở thành món hàng ế, bài tụng thành là lời thừa, huống chi nói thẳng, bàn thẳng đấy ư! Nếu khiến nhóm người này xem qua, ắt phải một phen tức cười.
Ngài nói mười bức Tranh chăn trâu là phương tiện để hướng dẫn người tu từ thấp đến cao. Nếu là bậc một nhảy thẳng vào tức là nhảy thẳng vào vô sanh thì không phải roi vọt, nghĩa là không phải chăn giữ, rầy đánh hay lôi kéo mà con trâu trắng sờ sờ sẵn vậy. Như Lục tổ Huệ Năng một phen nghe liền ngộ, ngộ thì liền được. Cho nên với hàng một phen nhảy vọt lên thì trâu trắng sờ sờ. Không như chúng ta có lúc mở mắt thấy mà đi vẫn vấp như thường. Tại sao? Người mù vấp là phải, còn người có mắt sáng cũng vẫn vấp, là vì chúng ta chưa phải là bậc một phen nhảy vọt liền tới chỗ vô sanh. Thế nên chúng ta phải đi từ từ, từng bước từng bước, gọi đó là tiệm tu.
Mười bức Tranh chăn trâu là hình ảnh tiệm tu tức là tu từ thấp đến cao, chớ không có nhảy vọt. Chỉ có hàng nhục thân Bồ-tát thì một phen nghe liền ngộ, ngộ liền sạch tập khí. Còn phàm phu như chúng ta nghe thì có thể ngộ, nhưng tập khí chưa sạch phải dẹp từ từ.
Chẳng rơi vào giai cấp, trong sát-na dứt bặt năng và sở.
Nghĩa là trong chốc lát năng sở đều dứt sạch. Năng là chủ hay là người, sở là khách hay là cảnh. Một phen ngộ rồi người cảnh không hai, cho nên không còn có năng sở đối đãi. Đã người cảnh không hai thì làm gì cần tới những bài tụng, những bức tranh vẽ này. Thế nên những người ấy thấy tu chầm chậm thì liền tức cười, còn chúng ta thấy chăn giữ con trâu của mình là cực khó. Đối với những bậc thiện tri thức thì chúng ta tu như thế này là còn thứ lớp, chưa phải là đốn ngộ triệt để.
Trên lẽ thật mà luận thì, nói cũng chẳng được, nín cũng chẳng được, dù nói nín cả hai đều quên cũng không dính dáng gì.
“Nói cũng không được, nín cũng không được.” Tại sao? Nói cũng không được vì chỗ chân thật mà dùng ngôn ngữ giả dối nói không thể đến. Nói cũng không được, nín cũng không được vì còn nói còn nín là còn hai bên chưa phải chỗ cứu kính.
Dù nói nín cả hai đều quên cũng không dính dáng gì.
Dù cho mình quên cả nói nín, thì cái chân thật cũng là chân thật, chớ không phải quên nói nín liền cứu kính chân thật. Cho nên ở đây nói:
Tại sao? Vì quang minh của cổ Phật, phong thái của Tiên đức, mỗi mỗi đều từ trong không ham muốn, không nương tựa mà phát hiện ra.
Chỗ quang minh của cổ Phật tức là chỗ sáng suốt của Phật xưa và phong thái của Tiên đức tức là phong thái đẹp đẽ của các bậc đạo đức cao siêu trước kia đều từ trong không ham muốn, không nương tựa mà phát hiện ra. Còn chúng ta hiện nay tu thì ham mau thành Phật, muốn được thần thông, muốn được thành công v.v…, rồi nương tựa vào một hình ảnh, một câu nói hay một ý niệm. Còn cái quang minh sáng suốt của Phật xưa của Thánh trước phát hiện được do không có lòng ham muốn, không có tâm nương tựa.
Hoặc vòi vọi cao vót trọn không thể bám víu. Hoặc bao trùm lẫn hợp trọn không thể nhìn thấy.
Vì chỗ đó vòi vọi, cao vót nên không nắm bắt được, không bám víu được.
“Hoặc bao trùm lẫn hợp trọn không thể nhìn thấy”, nghĩa là cái chân thật bao trùm lẫn hợp ở trong cho nên không bao giờ chúng ta nhìn thấy.
Cuối cùng chẳng đóng cứng một chỗ, chẳng ràng buộc ở hai đầu, không phải mà không gì chẳng phải, không quấy mà không gì chẳng quấy.
Chỗ này nghe thật khó hiểu. Tôi cho ví dụ, như hư không và các sắc tượng như núi sông, nhà cửa, cây cối, những gì chúng ta nhìn thấy thì nói đó là sắc, còn cái rỗng không thì nói là không. Như vậy có chí lý chưa? Như thân này chúng ta nói là sắc, nhưng trong thân có cái không. Nếu bít hết không có cái trống không thì lỗ mũi làm sao thở? Lỗ tai không trống làm sao nghe? Như vậy trong thân tất cả cái có lẫn với cái không. Vì thế chúng ta không thể xác định ngoài sự vật có hư không, mà ngay trong sự vật đã có hư không, hư không lẫn trong sự vật. Như vậy nếu nói ngoài vật có không, ngoài không có vật thì cũng không đúng, cũng chưa chí lý. Chính trong hư không đã có vật. Thí dụ chúng ta nhìn trong hư không chỗ ánh nắng xuyên qua kẽ hở thì thấy bụi lăng xăng. Bụi là vật đã lẫn ở trong không. Rồi cái không cũng lẫn trong thân con người là vật. Thế nên không thể tách rời vật và không ra được, đó gọi là hàm dung hay bao trùm. Trong vật có hư không, trong hư không có vật, không và vật lẫn nhau nên gọi là lẫn hợp.
Tâm thể của chúng ta cũng vậy, nó lẫn với thân này, giống như hư không lẫn trong hình sắc, không tách rời, không chia hai ra được. Như vậy dùng từ nào nói cho chính xác? Nói nó có, nói nó không, nói nó phải, nói nó quấy, có được không? Nó không tách rời mà lẫn lộn chung hợp, cho nên nói một không được, nói hai không được, nói thế nào cũng sai, vì vậy mà nói không phải không quấy.
Được cũng không chỗ được, mất cũng không chỗ mất.
Tại sao? Như hiện giờ, khi chúng ta chạy theo tâm nghĩ tính lăng xăng thì chúng ta quên mất Tâm thể thanh tịnh. Nói quên mất mà có thật mất không? Chỉ là chúng ta không chịu nhìn nó nên gọi là quên, chớ nó không có mất. Nếu chúng ta dừng tâm nghĩ tính lăng xăng, không chạy theo nó nữa, thì nhận ra được Tâm thể thanh tịnh. Có phải là được không? Nó có sẵn, chỉ quên không chịu nhìn nó thì gọi là mất, nhìn lại thấy nó thì gọi là được. Mất được là một lối nói gượng gạo, không có lẽ thật. Cho nên nói: “Được cũng không chỗ được, mất cũng không chỗ mất.”
Chẳng từng cách ra một mảy lông, chẳng từng dời đổi một sợi tóc. Sáng ngời lối xưa chẳng thuộc nơi sâu mầu. Ngay mặt đem lại, nhưng thoáng đó liền qua mất.
Khi chúng ta quên nó thì nó có chạy đi đâu, có vắng lúc nào không? Đến khi nhận ra nó, nó có ở đâu tụ lại không? Không có di chuyển, không có tách rời một li một tí nào hết.
Sáng ngời lối xưa chẳng thuộc nơi sâu mầu.
Cái đó sẵn có, lúc nào cũng sáng ngời, “chẳng thuộc nơi sâu mầu”, nghĩa là nó không phải là cái sâu xa mầu nhiệm, nó sẵn có vậy thôi. Thí dụ như chúng ta có vấn đề phải suy nghĩ, suy nghĩ việc này việc kia, gọi đó là tâm loạn tưởng. Đang khi suy nghĩ, cái hay thấy hay nghe của mình có tách rời, có ẩn náu ở đâu không? Nó cũng hiện tiền, không tách rời, không ẩn náu ở đâu hết, nó không thiếu vắng một phút nào, mà sẵn sàng ở đó, sáng ngời lối xưa, không phải là chuyện sâu xa mầu nhiệm gì cả.
Ngay mặt đem lại, nhưng thoáng đó liền qua mất.
Ngay mặt tức là ngay trước mắt thì liền thấy, mà sơ xuất một chút là nó ẩn mất. Như vậy, nó rất là gần, mà cũng rất là xa. Thí dụ như cái hoa hồng trước mắt, có người nào không thấy chăng? Nhìn là thấy hoa hồng liền. Nhưng có người thấy, có người không thấy. Nhìn hoa hồng liền thấy hoa hồng, nhưng nếu nhìn hoa hồng để phân biệt đẹp xấu là không thấy hoa hồng, thấy đẹp xấu chớ không thấy hoa hồng. Thế thì nhìn hoa hồng chỉ là hoa hồng đó là thấy, là trước mắt. Đó là một lẽ rất đơn giản. Chúng ta phải nhớ như vậy thì mới thấy sự tu của mình. Tu thì nói phải dụng công cực khổ, chớ thật ra không có gì cực khổ, chỉ vì chúng ta điên đảo mà thành cực khổ. Ngồi lại đừng nghĩ cái gì khác thì nó hiện tiền chớ gì. Vì nghĩ nhớ chuyện khác nên nó không hiện tiền, rồi đè, kềm, giữ thành ra nhọc sức. Nếu ngồi lại mà không nghĩ cái gì hết, thản nhiên tự tại thì nó hiện tiền, thật là đơn giản.
Ở vị chẳng chánh, đâu rơi vào đường tà. Chẳng đi giữa trời thênh thang, nào rơi vào lối nhỏ.
“Ở vị chẳng chánh” tức là không phải ở đường ngay, thì nó đâu có ở lối cong, nghĩa là ngay để đối với cong, mà nó không ở ngay thì nó không ở cong. Nó không phải là thênh thang thì đâu có trái với nhỏ. Đây là để nói nó không phải là cái đối đãi, cái so sánh, cho nên nó không phải là ngay thì chẳng phải cong, không phải rộng lớn thì đâu phải nhỏ.
Xoay đầu mà chẳng gặp, chạm mắt mà không đối diện, một niệm xem khắp, thênh thang rỗng lặng.
“Xoay đầu mà chẳng gặp”, bởi vì nó ở ngay đó, cho nên quay đầu kiếm thì không gặp.
“Chạm mắt mà không đối diện”, vì nó hiện tiền cho nên gọi là chạm mắt, mà không phải là cái bên ngoài cho nên không phải đối diện.
Một niệm xem khắp, thênh thang rỗng lặng.
Chỉ một niệm thì khắp, một niệm không có sanh, không có nghĩ thì nó hiện tiền.
Tông yếu này ngàn Thánh chẳng truyền, chính ngay đó rõ biết, ngay đây vượt lên. Cần biết Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể đem âm thanh cầu. Diệu đạo không lời nói, chẳng thể đem danh tự hội. Dẫu cho vượt lên trên Phật Tổ, vẫn còn rơi thềm bực, dù là nói diệu bàn huyền, trọn dính trên môi lưỡi vậy thôi.
Chỗ chân thật này tức là chỉ cho Thể pháp thân, nó không có hình tướng. Vì không hình tướng nên không thể đem âm thanh mà cầu. Còn diệu đạo thì không lời nói, nên không thể đem danh từ mà hiểu. Dù nói lối tu đó siêu thoát vượt trên Phật Tổ, vẫn còn thứ bậc. Dù nói hay bàn khéo cũng là ở trên môi lưỡi. Cái thật của nó là nó hiện tiền. Đây là Thiền sư Quảng Trí muốn chỉ thẳng cho chúng ta biết nơi chúng ta ai ai cũng có cái chân thật mà chúng ta không khéo nhận, lại dùng cách này, cách khác để phăng tìm cho ra. Nhưng càng phăng tìm nó càng mất. Chỉ có ai khéo dừng yên lại thì thấy ngay đó chớ không đâu xa.
Đến đây Ngài mới giải thích về tướng thứ mười.
Tướng tròn này, chính là Diệu đạo nhất thừa tối thượng, bậc trí có thể đem thực hành, khi công đức đầy đủ liền vượt lên viên đốn, ánh sáng thanh tịnh soi khắp, cùng Phật không khác.
Theo cái nhìn của ngài Quảng Trí, tướng tròn này gọi là Viên giác, tròn là viên, sáng trong là giác. Ai thực hiện được tướng tròn này thì gọi là viên đốn, viên là tròn, đốn là chóng, chóng được tròn đầy, thì ánh sáng thanh tịnh soi khắp cùng Phật không khác.
Song tự tánh thanh tịnh liền là Phật Vô Cấu, tự tánh như như liền là Phật Tự Tại, tự tánh chẳng mê mờ liền là Phật Quang Minh, tự tánh kiên cố liền là Phật Bất Hoại, tất cả Pháp thân chư Phật đều chẳng thể nói năng tột đến được, chỉ một Chân tánh thôi.
Chúng ta tu là để nhận ra Chân tánh tức là tánh thật sẵn có nơi mỗi người chúng ta. Chữ tánh là chỉ cái không sanh diệt, còn thân này là tướng sanh diệt. Nơi tâm mình có hai phần: tâm sanh diệt và tâm không sanh diệt. Tâm không sanh diệt gọi là Tánh, còn tâm sanh diệt gọi là Tâm hay Thức. Vì vậy ở đây nói Tánh tức là Tâm, là chỉ cái tâm không sanh diệt.
Chúng ta thường nghe nói Phật Vô Cấu, Phật Tự Tại, Phật Quang Minh, Phật Bất Hoại v.v… Những vị Phật này ở đâu, từ đâu ra? Theo cái nhìn của Thiền sư Quảng Trí, Ngài nói:
Tự tánh thanh tịnh liền là Phật Vô Cấu.
Nếu chúng ta khéo tu, nhận ra tánh thanh tịnh sẵn có của mình, gọi là Phật Vô Cấu.
Tự tánh như như liền là Phật Tự Tại.
Nếu chúng ta đi đứng ngồi nằm mà tâm thanh tịnh như như, gọi là Phật Tự Tại.
Tự tánh chẳng mê mờ liền là Phật Quang Minh.
Nghĩa là tánh của mình hằng giác hằng sáng, gọi là Phật Quang Minh.
Tự tánh kiên cố liền là Phật Bất Hoại.
Tánh của mình không bị đổi dời sanh diệt nghĩa là kiên cố, gọi là Phật Bất Hoại.
Như vậy những vị Phật này đều có sẵn nơi tánh của mình. Như muốn thành Phật Vô Cấu, chúng ta phải sống với tánh thanh tịnh; muốn thành Phật Tự Tại, chúng ta phải sống với tâm thanh tịnh như như; muốn thành Phật Quang Minh, chúng ta phải sống với tánh hằng giác không mê; muốn thành Phật Bất Hoại, chúng ta phải nhận ra tánh kiên cố của chính mình. Tóm lại tất cả chư Phật mang nhiều tên khác nhau, nhưng những tên đó có sẵn trong tánh thanh tịnh sáng suốt của chính mình chớ không đâu xa.
Thế nên tu Thiền là lắng hết mọi ý niệm lăng xăng. Ý niệm lăng xăng là dụ cho cấu bợn. Cấu bợn nhơ lặng hết, lúc đó sẽ thành Phật Vô Cấu. Thí dụ như cái khạp đựng nước đục lấy từ dưới sông. Muốn nước trong thì phải lóng phèn, cặn nhơ từ từ lắng xuống thì còn lại nước trong. Tâm chúng ta cũng vậy, nó cứ lăng xăng dấy động hoài, gọi đó là phiền não. Muốn tâm trở thành thanh tịnh trong sáng thì phải thế nào? Như nước đục muốn trong thì phải thế nào? – Phải lóng phèn. Muốn tâm thanh tịnh thì phải ngồi yên lặng, tay chân không cử động để cho nó lặng, rồi chú ý nhìn nó, lần lần nó lắng, lắng xuống hết nghĩa là mọi vọng tưởng điên đảo đều lặng hết thì tâm mình thanh tịnh, cũng như cấu bợn trong khạp nước lắng xuống hết thì nước trở thành trong sạch. Khi tâm thanh tịnh thì ngay đó thành Phật Vô Cấu.
Như vậy chúng ta tìm Phật ở đâu? Ở chính ngay nơi mình chớ không ở đâu xa. Đó là điều quan trọng của sự tu. Chúng ta tu mà cứ mơ ước thấy Phật, không ngờ khéo tu thì Phật hiện tiền.
Đây mới kết thúc lại:
Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật.
Tại sao? Tánh tức là Thể tánh không sanh không diệt, đó là cái biết, cho nên gọi là tâm, tâm đó không còn vọng tưởng mà hằng tri hằng giác, thì tâm đó là Phật, vì Phật là giác.
Như Phật xưa khi mới thành cũng không có hai thể.
Như khi xưa đức Phật Thích-ca tu mới thành Phật, thì Phật mới thành đối với Tánh giác sẵn có cũng không phải là hai. Đây cho thí dụ:
Chư Phật như tượng Phật đúc bằng vàng đã thành, chúng sanh như quặng vàng chưa thành tượng.
Như vậy tượng Phật đúc bằng vàng đã thành, chúng ta thờ trên bàn, và vàng còn nằm trong quặng, thì hai cái vàng có khác nhau không? Nếu có khác là cái đã luyện lọc và cái chưa luyện lọc. Vàng đúc thành tượng là đã luyện lọc, bỏ hết cặn nhơ, gọi là vàng ròng. Còn vàng trong mỏ trong quặng thì chưa luyện lọc còn lẫn cát, nên chưa tinh thuần. Vàng trước khi lọc và vàng sau khi lọc, cả hai cũng đều là vàng cho nên ở đây nói:
Như đã thành và chưa thành đều chia ra có trước sau, nhưng thể vàng thì thủy chung trọn không có sai khác.
Như vậy chư Phật như vàng đã lọc đúc thành tượng, chúng sanh như vàng còn ở trong quặng trong khoáng, tuy là vàng nhưng chưa lọc chưa thuần. Thể của hai cái không có khác, chỉ khác là có lọc và chưa lọc, có luyện và chưa luyện thôi. Lọc luyện là chỉ sự tu. Còn Phật trước Phật sau cũng là Phật, vàng trước vàng sau cũng là vàng. Biết như vậy, chúng ta tự thấy sung sướng, vì cách Phật không xa. Có nhiều người tu nói ráng lạy Phật, cầu nguyện để được sanh về đất Phật, làm tôi tớ Phật cũng vui rồi. Nhưng ở đây không cho chúng ta làm tôi tớ mà bắt phải tu, phải thành Phật. Vì Phật là giác, Phật có sẵn Tánh giác, Ngài lọc luyện hết phiền não, nên giác hoàn toàn. Chúng ta cũng có sẵn Tánh giác nhưng bị phiền não chen lẫn, nên Tánh giác không hiện rõ, vì thế mà làm chúng sanh. Nay chúng ta tu là lọc luyện cho phiền não lắng sạch để Tánh giác thuần trong sáng thì thành Phật. Đây là chuyện rất gần không phải xa vời, là chuyện thật không phải tưởng tượng. Như vậy chư Phật như tượng Phật đúc bằng vàng đã lọc, đã thành tượng, chúng sanh như vàng chưa lọc còn trong quặng, chưa thành tượng. Như thế chúng ta không thua Phật ở tánh vàng mà thua Phật ở chỗ chưa lọc. Đó là lẽ thật.
Nên kinh Viên Giác nói: “Đã thành vàng ròng rồi thì không trở lại làm quặng. Dù trải qua thời gian không cùng tận, tánh vàng vẫn chẳng hoại.”
Trong kinh Viên Giác, Phật nói: Vàng khi đã lọc thuần rồi thì sau không thành quặng trở lại. Cũng vậy người tu mà giác ngộ thành Phật rồi thì không sanh lại các phiền não. Còn chúng ta tu nay tỉnh mai mê, nay khá tốt đáng khen, mai lại xấu dở đáng trách, đó là một ngày tỉnh mà năm mười ngày mê. Có tu thì có tỉnh, nhưng tỉnh ít mê nhiều, cho nên còn phiền não.
Nguyên tánh vàng này người người cũng có, ai ai cũng đủ, cho đến chúng sanh trong cả mười phương đều có Phật tánh kim cang, trời đất vạn vật thì đều gồm đủ Pháp thân Như Lai của chúng ta vậy.
Nguyên Pháp thân có sẵn trong mọi loài, không riêng gì người này có, người kia không.
Nếu như người học tu hành thành tựu, đến địa vị này, mới rõ biết trời đất cùng ta đồng cội nguồn, muôn vật cùng ta đồng một thể, khắp pháp giới là Như Lai tạng, tột quả đất là thân Pháp vương. Nơi mé chân thật vốn không sai khác, thành đạo cùng một lúc với chư Phật trong ba đời. Chân không vốn bình đẳng, mười sáu loài sanh đồng một ngày vào Niết-bàn.
Chỗ này rất khó, học Phật mà không giản trạch chỗ này thì dễ lầm lẫn. Nói rằng: Chư Phật cùng ta đồng nguồn, muôn vật cùng ta đồng thể, tất cả đồng là Như Lai tạng, đồng là thân Pháp vương v.v… Như vậy chúng ta tu đến cuối cũng là nhập vào chỗ đó chung thành một khối phải không? Đồng một thể thì tất cả chư Phật tất cả chúng sanh ai tu rồi cũng thành một. Như thế có khác gì với người Công giáo tu rồi sẽ trở về với Chúa, có khác gì với người Bà-la-môn giáo tu rồi nhập vào Phạm thiên hay Brahma. Như vậy Phật giáo cũng không khác sao? Nhưng bên Công giáo chỉ có Chúa là một, bên Bà-la-môn giáo chỉ có Brahma là một, còn bên Phật giáo thì Phật có vô số. Nếu nói tất cả trở về một thì làm người dễ hiểu lầm, cho nên trong kinh Viên Giác có dẫn một thí dụ có thể là rõ ràng nhất. Như trong cái nhà lớn có một trăm ngọn đèn đốt lên, thì ánh sáng của trăm ngọn đèn đồng một thể sáng, nghĩa là dù có một trăm ngọn đèn khác nhau nhưng ánh sáng trong nhà chỉ là một thể. Thể ánh sáng là một, nhưng tướng của đèn thì tới trăm. Vì thế khi một ngọn đèn dời ra khỏi nhà thì ánh sáng đi một phần. Ngọn đèn để nơi nào thì sáng nơi đó. Mỗi ngọn đèn đều mang ánh sáng của nó đi, nếu trong nhà chỉ còn một ngọn đèn thì vẫn sáng nhưng ánh sáng yếu đi. Thế nên nói ánh sáng chỉ là một, mà ngọn đèn thì tới trăm. Cũng vậy Tánh giác của chúng ta với chư Phật là một, nhưng Tánh giác Phật là của Phật, Tánh giác mình là của mình, Phật Thích-ca là của Phật Thích-ca, Phật Di-đà là của Phật Di-đà, Phật Di-lặc là của Phật Di-lặc, mỗi vị là khác nhưng Tánh giác không có khác. Nếu nói Tánh giác đồng tức là đồng một khối thì có một ông Phật thôi, tại sao lại có vô số chư Phật? Như vậy chúng ta tu Phật không có nghĩa là tới chỗ cuối cùng trở về một. Nhưng ai cũng có Tánh giác như nhau, Tánh giác thì không hai, nếu hai thì không là Phật, nó đồng nhau. Cũng như đèn sáng thì cái sáng là đồng, mà ngọn đèn là khác, cũng thế thể giác là đồng mà con người là khác. Thế nên trong nhà Phật nói có vô số chư Phật, chớ không nói có một vị Phật. Hiểu như vậy thì không có lầm lẫn, nếu không thì chúng ta rất dễ sai lầm.
Phải biết Pháp thân rất to lớn, hư không dù rộng cũng khó bao hết thể của nó. Nên Chân tâm thật là vi diệu vậy. Quỉ thần cũng không ai lường được cơ của nó. Cùng tột mé vị lai là một ngày đêm, tận biển vi trần là một sát-na.
Chân tâm thật là vi diệu, nó trùm khắp tất cả, những gì thuộc về thời gian, không gian, lớn nhỏ, dài ngắn đều không ngoài Chân tâm.
Từ trước đến giờ không cái gì mà nó chẳng gom giữ hết. Nên Nhị Tổ nói:
Nguyên vẹn lành lặn thành cái ấy, đời đời kiếp kiếp chẳng đổi dời. Trời đất có hoại mà cái ấy chẳng hoại. Cái ấy vừa là Chân ngã, vừa là Chân như, vừa là Chân thể, vừa là Chân không, vừa là Thật tướng, vừa là đạo tràng Bồ đề, vừa là chân tịnh Niết-bàn, vừa là chẳng nhơ chẳng sạch, vừa là chẳng phải sắc chẳng phải không, vừa là tự giác Thánh trí, vừa là pháp luân vô thượng, vừa là diệu dụng của Phật, vui thích vô lượng.
Như vậy đứng về mặt thanh tịnh thì gọi nó đủ tên, cái gì nó cũng trùm hết. Cái ấy là chỉ cho Chân tâm.
Cái ấy cũng vừa là nghiệp phiền não thanh tịnh, xưa nay rỗng lặng, vừa là tất cả nhân quả đều như mộng huyễn, vừa là sanh diệt đã diệt tịch diệt là vui, vừa là Chân thể kim cang chẳng biến đổi chẳng hư hoại, vừa là Nguyên thần từ vô thủy chẳng sanh chẳng diệt, vừa là chẳng thể đo lường, chẳng thể ca ngợi, chẳng thể nghĩ bàn, công đức không ngằn mé, vừa là Pháp thân thanh tịnh, Báo thân viên mãn, Hóa thân thiên bá ức, Phật Tỳ-lô-giá-na.
Cái ấy không có tên cho nên có đủ thứ tên, tên gì nói cũng được, đều diễn tả nó được. Như vậy đoạn này là chỉ thật thể của Tánh giác. Nó trùm khắp mà không thuộc về cái gì cả.
Những người học đạo, nếu như hiện hành chưa đoạn, tập khí phiền não lại sâu đậm, ghé mắt sanh tình, chạm trần thành trệ, dù rõ xong ý nghĩa sanh tử, mà sức kia chưa đủ, chẳng thể chấp rằng: “Ta đã ngộ xong, phiền não tánh là không, nếu khởi tâm tu lại là điên đảo.”
Đến đây Ngài răn nhắc chúng ta: “Những người học đạo, nếu như hiện hành chưa đoạn” tức là tham, sân, si còn đủ gọi là nghiệp hiện hành chưa đoạn, “tập khí phiền não lại sâu đậm, ghé mắt sanh tình, chạm trần thành trệ” nghĩa là vừa thấy cái gì liền dấy khởi phân biệt nói đẹp xấu. Như vậy, dù họ rõ xong ý nghĩa sanh tử, tức thấy được mình có cái thoát ngoài sanh tử, nhưng sức chưa đủ để thắng tập khí. Như có người loé thấy cái chân thật, nhưng ai chọc tức thì nổi sân lên, mà lại bảo: Sân tánh nó là không, chấp làm gì, phiền não tánh nó là không, cần dẹp phiền não làm gì, đã thấy tánh là không nếu còn tu là thêm điên đảo. Hiểu thế ấy là bệnh.
Thế nhưng, tánh phiền não dù không, mà hay khiến thọ nghiệp. Nghiệp quả không tánh, mà cũng tạo nhân khổ. Khổ đau tuy hư dối, vậy mà khó nhẫn là sao?
Bây giờ nói phiền não tánh không, nghiệp tánh không, nói cái gì cũng không. Thế nhưng phiền não tuy không mà nó có công dụng tạo nghiệp, để phải chịu khổ. Nếu nói khổ cũng hư dối, vậy tại sao nhẫn không được? Đau một chút thì rên, đói một chút thì than, ai nói trái ý thì giận. Đó là chỉ nói, chớ chưa thông, đây cũng là bệnh. Cho nên Ngài nói thêm:
Nếu như bị chứng bệnh không, thì thể bệnh toàn là không, đâu cần tới thầy thuốc và uống các thứ thuốc men?
Nếu chấp rằng nghiệp là không, phiền não là không v.v… thì bệnh cũng là không. Vậy khi bệnh tại sao tìm thầy xin thuốc uống? Đó là cái sai lầm của mình.
Nên biết nói và làm trái nhau, hư thật có thể nghiệm thấy rõ.
Như vậy, nói cái gì cũng không mà đau chịu không nổi, thì đó là lời nói và việc làm trái nhau. Đây cũng là sai lầm.
Đây tôi nhắc lại một lần nữa tánh nghiệp là không. Tại sao? Bởi vì nghiệp là từ thân khẩu ý, tức là thân miệng ý tạo nghiệp nhưng ý là chủ. Vậy ý ở đâu mà là chủ tạo nghiệp? Nếu mình quay lại soi thì nó là không. Nhưng tham sân si dấy lên thì có, mà có thì thành nghiệp. Thế nên nói nghiệp tánh không mà thành sự, nghĩa là tánh nó là không, nhưng theo nó thì thành sự, tức thành quả. Vì vậy chúng ta quán nghiệp là không thì được mà nói nó là không thì chưa được. Như chúng ta hiện còn phiền não thì không thể nói nó là không. Đó là để thấy rõ cái không thật ấy.
Chỉ lượng căn cơ, lực dụng, chẳng thể tự dối gạt mình.
Người tu chúng ta phải xét lường kỹ căn cơ, lực dụng của mình tới đâu để lời mình nói cho hợp, cho đúng, chớ không nên tự dối gạt mình. Giả dụ như có người tu chợt sáng ra, biết mình có sẵn Tánh giác bất sanh bất diệt, biết rõ không nghi, nhưng phiền não, sân si còn thì nên nói sao? Phải nói tôi là người có con mắt sáng nhưng vì chân tôi yếu, tôi đi bị vấp té hoài. Chân còn yếu là để chỉ cho đạo lực của mình, tuy có thấy mà thực hiện chưa tròn, chưa đủ. Nếu mình còn yếu thì cần phải chống gậy, hay cần người dìu dắt cho khỏi té. Thấy đường mà đi không được, đó là bệnh của chúng ta. Thí dụ như ngồi một mình mà quán thì thấy ta không thật, người cũng không thật. Thế nhưng khi đối diện với người, nói chuyện một lúc thì thấy là thật. Đó là tuy có mắt sáng mà chân đi chưa vững. Cho nên cũng còn phải coi kinh, phải học đạo, nhắc tới nhắc lui để cho càng ngày càng vững thêm. Đừng nghĩ rằng mình thấy rồi, cái gì mình cũng có thể thực hiện được, thì không phải.
Xét niệm ngừa lỗi quấy, cần phải chín chắn.
Chúng ta phải xem xét từng niệm khởi, ngừa từng hành động sai lầm, như thế mới gọi là người tu chín chắn.
Có nhiều người khi nói đạo lý thì rất hay, tưởng đâu họ là Thánh rồi. Nhưng lâu lâu gặp chuyện thì tâm phàm nổi dậy. Tại sao? Tại vì Thánh mới được một chớp sáng thôi rồi ngưng nên phàm trở lại, vì phàm còn lẫn lộn nhiều quá. Như vậy, người tu chúng ta phải xét biết mình thật rõ, cẩn thận xét từng ý niệm, chín chắn nhìn từng hành động lỗi lầm của mình.
Nên nói: Muôn pháp do nơi tâm, tất cả ở tại ta.
Muôn pháp đều do tâm mình. Tất cả cái hay dở, tội phước cũng gốc ở chúng ta. Chính chúng ta là chủ để tạo nên Thánh, là chủ để tạo nên phàm, chớ không có ở đâu khác.
Trong rỗng, ngoài trọn chẳng thật.
Ở trong trống rỗng, ở ngoài cũng không thật.
Trong tinh tế, ngoài trọn chẳng thô suất.
Ở trong được tinh tế, ở ngoài cũng không thô suất tức là cũng nghiêm trang.
Tâm phàm thì ba độc quấn chặt. Tâm Thánh thì sáu thông tự tại.
Ba độc tham sân si đeo chặt mình, đó là tâm phàm. Còn sáu căn của mình rỗng rang tự tại, không dính mắc, đó là tâm Thánh. Vậy có cần hỏi thầy xem tâm tôi là phàm hay Thánh? Không cần, chỉ nhớ ai bị tham, sân, si khắn chặt thì người đó là tâm phàm. Còn người nào sáu căn đối với sáu trần không dính mắc, đó là tâm Thánh. Thấy, nghe, biết tất cả mà không dính mắc cái gì, thì không nói Thánh tự nó cũng là Thánh. Dù cho khoe tới bậc nào đi nữa mà tham sân si còn tiềm ẩn ở trong, đó là phàm. Phàm Thánh rõ ràng không có ở đâu xa.
Tâm không thì một đạo thanh tịnh. Tâm có thì muôn cảnh dọc ngang.
Tâm không là tâm rỗng, không có những ý niệm lăng xăng, đó là đạo thanh tịnh. Còn tâm có tức là có cái này sanh, cái kia sanh, có cái này thật, cái kia thật thì muôn cảnh dọc ngang, đi đâu cũng gặp chướng.
Như hang trống đáp tiếng vang, nói to thì vang lớn. Tợ gương soi hình tượng, hình cong thì bóng nghiêng. Nên nói: Muốn ngoài được an hòa, chỉ bên trong cần yên tĩnh.
Những ví dụ này rất cụ thể. Như cái hang trống, ở ngoài la một tiếng thì nó dội lại một tiếng, tiếng vang không có khác. Hoặc cái gương soi hình, người đứng nghiêng thì thấy bóng trong gương nghiêng, đứng thẳng thì thấy bóng thẳng.
Nên nói: Muốn ngoài được an hòa, chỉ bên trong cần yên tĩnh.
Nghĩa là muốn ở ngoài được bình an thì bên trong cần yên tĩnh. Phải làm sao cho ở trong yên tĩnh? Nghĩa là nghe ai nói gì thì đừng nổi sân, khen cũng không quá mừng, chê cũng không tức giận thì người đó được bình an. Còn nếu khi được khen thì thích, bị chê thì nổi giận, thì không bình an. Thế nên, ở trong mà không an thì ở ngoài không an được. Người tu cũng vậy, muốn cho cả ngày đi đứng qua lại đều bình an thì nghe ai nói cái gì hay cũng tốt, cái gì dở cũng bỏ qua, luôn giữ tâm không động trước cái đẹp xấu, hay dở… thì trong ngoài bình an.
Tâm rỗng rang thì cảnh vắng lặng, niệm dấy lên thì pháp sanh khởi.
Khi tâm rỗng rang, không dấy niệm thì thấy cảnh nào cũng vắng lặng, cảnh nào cũng dễ thương. Còn niệm dấy lên thì pháp sanh khởi, tức là thấy người, thấy vật rồi dấy niệm khen chê, đó là pháp sanh khởi, đủ thứ bệnh sẽ hiện ra.
Nước đục thì sóng mờ, đầm trong thì trăng hiện.
Nước đục thì khi lượn sóng nhồi lên cũng đục. Đầm nước trong thì trăng trên bầu trời hiện bóng rõ ràng. Cũng vậy, chúng ta muốn thấy bóng trăng, trước phải giữ cho đầm tâm của mình trong. Bóng trăng hiện là chỉ cho tâm mình khi trong sáng thì mọi hiện tượng đều hiện hình rõ ràng, không cần kiếm tìm ở đâu nữa.
Yếu chỉ tu hành chẳng ra ngoài điểm này. Có thể nói: Chỉ nắm được tâm, lo gì chẳng xong vậy!
“Nắm được tâm lo gì chẳng xong.” Đây là tâm nào? Nắm được tâm tức là làm chủ được tâm lăng xăng của mình, bắt nó ngừng lặng thì nó phải ngừng lặng, được như thế thì việc gì cũng xong. Nếu để tâm lăng xăng làm chủ mình, thì việc gì cũng rối loạn. Còn nếu làm chủ được tâm lăng xăng thì cả ngày mình được thanh tịnh, đi đứng nằm ngồi đều thanh tịnh. Đó là gốc của sự tu, cốt làm chủ được tâm để tâm chúng ta lúc nào cũng được thanh tịnh.