Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải

06. Phẩm Thọ Ký



Thọ ký có nghĩa là trao nhận. Tức là đức Phật biết người đệ tử công hạnh tu hành sắp viên mãn, ngài liền thọ ký cho vị đó sẽ thành Phật. Tùy theo công hạnh và thời gian tu hành dài hoặc ngắn mà Phật thọ ký có sai biệt. Việc thọ ký của Phật giống như thiền sư truyền tâm ấn cho đệ tử. Khi trò ngộ đạo, chỗ thấy biết của trò ngang bằng chỗ thấy biết của thầy, thầy thấy như thế nào trò thấy như thế ấy, ngang đây thầy ấn chứng cho trò. Tôi thí dụ để quý vị tạm hiểu, ông cha có một đứa con đi học, đứa bé thông minh học giỏi thường đứng đầu lớp, mỗi năm học mỗi lên lớp, hết cấp tiểu học lên trung học rồi lên đại học. Nếu nó chuyên ngành khoa học và vẫn học giỏi dẫn đầu lớp, có người hỏi: Con ông chừng nào ra trường? Ông trả lời bốn năm nó sẽ tốt nghiệp Cử nhân khoa học. Nếu nó chuyên ngành Y khoa và cũng đứng đầu lớp thì ông cũng trả lời bảy năm nó sẽ tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa. Sở dĩ ông cha dám nói như vậy là vì ông biết khả năng của con mình. Ngược lại nếu đứa con học bình thường, hay ngồi lại lớp thì ông cha không dám nói khẳng định như thế. Cũng vậy, ở đây hàng đệ tử Phật đã trình bày chỗ thấu suốt lý Phật dạy, phiền não đã sạch và đã chứng A-la-hán. Bấy giờ các ngài hướng về Phật, nhận ra tri kiến Phật để tu, không còn nghi ngờ nên ngang đây đức Phật thọ ký cho sẽ thành Phật.

Phẩm Tựa nói tổng quát toàn bộ kinh. Phẩm Phương Tiện, Phật nêu lên bản hoài của Phật ra đời là Khai Thị chúng sanh Ngộ Nhập tri kiến Phật. Bấy giờ hội chúng chỉ có hàng thượng căn bậc thượng như ngài Xá-lợi-phất nhận ra tri kiến Phật, còn hạng thượng căn bậc trung thì chưa nhận được. Vì vậy mà phẩm Thí Dụ, Phật dẫn dụ một cách rõ ràng chủ đích của Phật ra đời, thì hàng thượng căn bậc trung như ngài Ca-diếp, Tu-bồ-đề. mới ngộ được Phật tri kiến. Nên đến phẩm Tín Giải thì các ngài ra trình sở ngộ lên đức Phật. Đáng lý tới đây là Phật thọ ký, nhưng vì Phật thấy số người còn lại chưa thâm nhập nổi, nên ngài nói thêm phẩm Dược Thảo Dụ, để thấy rõ thâm ý của Phật là bình đẳng giáo hóa, đưa mỗi người tiến tới chỗ cứu cánh là thành Phật, chứ không để bất cứ một ai dừng ở một quả vị thấp nào. Rồi sau đó Phật mới thọ ký cho những đệ tử trình sở ngộ như ngài Ma-ha Ca-diếp, Tu-bồ-đề… sẽ thành Phật.

Chánh văn: 

1) Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ đó rồi, bảo các đại chúng, xướng lời thế này: 

Ông Ma-ha Ca-diếp, đệ tử của ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các đức Phật Thế Tôn, cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các đức Phật, ở nơi thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. 

Nước tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại Trang Nghiêm. Phật thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ hai mươi tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp, không có các thứ dơ xấu, ngói sỏi gai góc cùng đồ tiện lợi chẳng sạch. Cõi đó bằng phẳng, không có cao thấp hầm hố gò nổng, đất bằng lưu ly, cây báu thẳng hàng, vàng ròng làm dây để giăng bên đường, rải các hoa báu khắp nơi sạch sẽ. 

Bồ-tát trong nước đó đông vô lượng nghìn ức, các chúng Thanh văn cũng lại vô số. Không có việc ma, dầu là có ma và dân ma, nhưng đều hộ trì Phật pháp. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng: 

2) Bảo các Tỳ-kheo rằng:

Ta dùng mắt của Phật

Thấy ông Ca-diếp này

Ở nơi đời vị lai 

Quá vô số kiếp sau 

Sẽ được thành quả Phật,

Mà ở đời vị lai 

Cúng dường và kính thờ 

Đủ ba trăm muôn ức 

Các đức Phật Thế Tôn.

Vì cầu trí tuệ Phật 

Mà tinh tu phạm hạnh 

Cúng dường đấng Tối thượng 

Nhị Túc Tôn xong rồi 

Tu tập trọn tất cả 

Trí tuệ bậc Vô thượng 

Ở nơi thân rốt sau 

Được chứng thành làm Phật.

Cõi đó rất thanh tịnh 

Chất lưu ly làm đất 

Nhiều thứ cây bằng báu 

Thẳng hàng ở bên đường 

Dây vàng giăng ngăn đường

Người ngó thấy vui mừng 

Thường thoảng ra hương thơm 

Rải các thứ hoa đẹp 

Các món báu kỳ diệu 

Dùng để làm trang nghiêm 

Cõi đó đất bằng phẳng

Không có những gò hầm.

Các hàng chúng Bồ-tát 

Đông không thể xưng kể

Tâm các vị hòa dịu 

Đều được thần thông lớn

Phụng trì các kinh điển 

Đại thừa của các Phật.

Các hàng chúng Thanh văn 

Vô lậu thân rốt sau 

Là con của Pháp vương

Cũng chẳng thể kể hết 

Nhẫn đến dùng thiên nhãn

Cũng chẳng thể đếm biết.

Phật đó sẽ sống lâu 

Tuổi mười hai tiểu kiếp

Chánh pháp trụ ở đời

Đủ hai mươi tiểu kiếp

Tượng pháp trụ ở đời

Cũng hai mươi tiểu kiếp

Đức Quang Minh Thế Tôn

Việc của ngài như thế.

Giảng:

Sau khi các tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Tu-bồ-đề… trình sở ngộ, đức Phật liền thọ ký cho các ngài thành Phật. Trước thọ ký cho tôn giả Ma-ha Ca-diếp đời vị lai sẽ được thành Phật đầy đủ mười hiệu và đủ ba mươi hai tướng tốt. Ngài phụng thờ ba trăm muôn ức đức Phật mới thành Phật. Chúng ta thấy thời gian tu hành của ngài Ca-diếp quá lâu, mà ngài được thọ ký là vui mừng thấy mình được điều chưa từng có. Điều này nói lên tâm hạnh của Bồ-tát có khác với tâm hạnh của phàm phu.

Sau khi thành Phật, tuổi thọ của ngài đến mười hai tiểu kiếp, một tiểu kiếp là 16.800.000 năm. Tính ra đến 201.600.000 năm. Sống quá lâu! Còn cõi nước thì đất bằng phẳng trang nghiêm đẹp đẽ toàn bằng đồ báu không có dơ bẩn, không có cực khổ. Đồ đệ toàn là hàng Bồ-tát, La-hán nhiều vô lượng vô biên. Sở dĩ tôn giả Ca-diếp khi thành Phật mà được chánh báo y báo tốt đẹp lớn lao như vậy, là nhờ công phu tu hành giáo hóa chúng sanh lâu dài và nhiều vô kể. Nhân thế nào thì quả thế ấy, nhân lớn thì quả phải to.

Phật thọ ký cho tôn giả Ma-ha Ca-diếp sau khi thành Phật, số Bồ-tát ngài độ được có tới nghìn muôn ức, Thanh văn cũng vô số. Một vị Bồ-tát khi thành Phật, không có đơn độc ở một mình, như đức Thích-ca khi thành Phật bên cạnh ngài có rất nhiều Bồ-tát, La-hán, Thanh văn. Những đồ đệ đó đều là những người đã có túc duyên nhiều đời nhiều kiếp với ngài, chứ không phải chỉ có duyên một đời này. Như vậy những đệ tử Bồ-tát, Thanh văn, La-hán trước kia là những người phàm, khi Phật còn làm Bồ-tát giáo hóa họ tu; thầy tiến lên thành Phật, trò cũng tiến lên thành Bồ-tát, La-hán.

Chúng ta thấy tất cả Bồ-tát được Phật thọ ký, vị nào cũng có đồ đệ đông như vậy. Vì rằng một vị tu hành từ khi mới phát tâm tu, cho tới ngày thành Phật, là đời đời giáo hóa chúng sanh và cũng tiếp tục gặp lại nhau ở nơi này hay ở nơi khác, những người này là hàng Bồ-tát, hàng Thanh văn câu hội về quốc độ của Phật. Như vậy, không có nghĩa tu một đời tâm hạnh bị mất, nếu phát tâm chân chánh, tu hành đứng đắn thì đời này mới tu duyên phước còn mỏng thì độ ít, đời sau tiếp tục tu nữa và giáo hóa nhiều hơn, đời sau nữa tiếp tục công hạnh cũ, như thế mà tiếp tục cho đến khi thành Phật, thì quyến thuộc là Bồ-tát, Thanh văn cũng đông vầy. Thế nên chúng ta không thể lo tu một mình để cầu mau thành Phật, thiếu phần giác tha thì công hạnh chưa viên mãn làm sao thành Phật được. Để thấy tinh thần kinh Pháp Hoa là Bồ-tát đời đời thực hiện bản nguyện nối tiếp thắp sáng ngọn đuốc Phật pháp cho chúng sanh, đến khi công hạnh viên mãn mới thành Phật, và chúng sanh được giáo hóa cũng thành Bồ-tát và La-hán câu hội về quốc độ của các ngài. Phần Trùng tụng lặp lại ý trên.

Chánh văn: 

3) Lúc bấy giờ, ngài Đại Mục-kiền-liên, ngài Tu-bồ-đề, ngài Đại Ca-chiên-diên v.v… thảy đều run sợ một lòng chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề tạm rời, liền đồng tiếng nhau nói kệ rằng: 

Thế Tôn rất hùng mãnh 

Pháp vương trong dòng

Thích Vì thương xót chúng con

Mà ban giọng tiếng Phật.

Nếu rõ thâm tâm con 

Được Phật thọ ký cho 

Như dùng cam lồ rưới 

Từ nóng được mát mẻ.

Như từ nước đói đến

Bỗng gặp cỗ tiệc vua 

Còn ôm lòng nghi sợ 

Chưa dám tự ăn liền 

Nếu lại được vua bảo 

Vậy sau mới dám ăn.

Chúng con cũng như vậy 

Hằng nghĩ lỗi Tiểu thừa

Chẳng biết làm thế nào 

Được tuệ Vô thượng Phật,

Dầu nghe giọng tiếng Phật

Nói chúng con thành Phật 

Còn ôm lòng lo sợ 

Như chưa dám tự ăn 

Nếu được Phật thọ ký 

Mới là khoái an vui 

Thế Tôn rất hùng mãnh

Thường muốn an thế gian 

Xin thọ ký chúng con 

Như đói cần bảo ăn.

Giảng:

Còn ba vị chưa được Phật thọ ký là ngài Ma-ha Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Ma-ha Ca-chiên-diên, nên các ngài run sợ, chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Phật. Vì bốn vị cùng là bạn, trình độ học tu ngang nhau, một trong bốn vị được thọ ký thành Phật, lúc đó ba người còn lại cả mừng trở thành hoảng hốt, bởi hoảng hốt nên run sợ. Thế nên các ngài mới trình bày tâm trạng của các ngài:

Nếu rõ thâm tâm con 

Được Phật thọ ký cho 

Như dùng cam lồ rưới 

Từ nóng được mát mẻ.

Tâm các ngài đang nóng nảy, hồi hộp, lo sợ không biết có được Phật thọ ký không. Nếu bấy giờ được Phật thọ ký thì như được rưới nước cam lồ khiến cho tâm các ngài được mát mẻ êm ả, không còn hồi hộp lo sợ nữa.

Kế đến các ngài lại nói thêm:

Như từ nước đói đến 

Bỗng gặp cỗ tiệc vua 

Còn ôm lòng nghi sợ

Chưa dám tự ăn liền

Nếu lại được vua bảo 

Vậy sau mới dám ăn. 

Các ngài dụ các ngài như ở nước đói đến gặp tiệc vua ban đủ thức ăn sang trọng bày la liệt trên bàn, lòng còn lo sợ chưa dám ăn liền, vì chưa được mời ăn. Nếu được vua bảo thì các ngài mới dám ăn. Thí dụ này nói lên ý nghĩa các ngài đã được cái thấy biết mà huynh đệ các ngài như tôn giả Xá-lợi-phất, Ma-ha Ca-diếp đã được, nhưng chưa dám tin rằng mình sẽ được thọ ký thành Phật. Nay nếu được Phật thọ ký thì tâm các ngài mới an, mới tin chắc.

Các thiền sư cũng có tâm trạng như các tôn giả ở đây. Như ngài Vĩnh Gia Huyền Giác do xem kinh Duy-ma-cật mà ngộ đạo, ngài biết rõ mình đã thông suốt được lý Thiền, nhưng chưa được bậc tôn túc nào ấn chứng, nên thể theo lời đề nghị của thiền sư Huyền Sách đến Lục Tổ cầu xin ấn chứng. Sau khi được Lục Tổ ấn chứng, ngài mới dám nói lên chỗ chứng đạo của mình qua bài Chứng Đạo Ca. Nếu chưa được ấn chứng vẫn còn hồ nghi. Đó là tâm niệm của người xưa và người gần đây không khác nhau. Những đồ đệ của đức Phật khi xưa khao khát được Phật thọ ký như thế nào, thì các thiền sư sau này khao khát được thầy ấn chứng cũng như vậy. Vì vậy sau khi các thiền sư ngộ đạo rồi, đi tìm thiện hữu tri thức trình sở ngộ và cầu xin ấn chứng để an ổn mà tiến tu.

Chánh văn: 

4) Lúc bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các vị đệ tử lớn, bảo các thầy Tỳ-kheo rằng: 

Ông Tu-bồ-đề đến đời vị lai phụng thờ ba trăm muôn ức na-do-tha đức Phật, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, thường tu hạnh thanh tịnh, đủ đạo Bồ-tát, ở thân rốt sau được thành Phật hiệu Danh Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. 

Kiếp đó tên Hữu Bửu, nước đó tên là Bửu Sanh. Cõi đó bằng phẳng, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, không có những gò, hầm, cát, sỏi, gai, chông cùng tiện lợi dơ dáy, hoa báu trải khắp nơi sạch sẽ, nhân dân cõi đó đều ở đài báu và lầu gác quý đẹp. Hàng đệ tử Thanh văn đông vô lượng vô biên, tính kể cùng thí dụ đều không thể biết. Các chúng Bồ-tát đông vô số nghìn muôn ức na-do-tha. 

Đức Phật thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ đời hai mươi tiểu kiếp, đức Phật đó thường ở trên hư không vì chúng nói pháp độ thoát được vô lượng Bồ-tát cùng chúng Thanh văn. 

Khi đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

  1. Các chúng Tỳ-kheo này!

Nay ta bảo các ông 

Đều nên phải một lòng 

Lắng nghe lời ta nói.

Đệ tử lớn của ta 

Là ông Tu-bồ-đề 

Rồi sẽ được làm Phật 

Hiệu gọi là Danh Tướng 

Sẽ phải cúng vô số 

Muôn ức các đức Phật 

Theo hạnh của Phật làm

Lần lần đủ đạo lớn.

Thân rốt sau sẽ được

Ba mươi hai tướng tốt

Xinh lịch đẹp đẽ lắm

Dường như núi báu lớn.

Cõi nước của Phật đó

Trang nghiêm sạch thứ nhất

Chúng sanh nào được thấy

Không ai chẳng ưa mến.

Phật ở trong cõi đó 

Độ thoát vô lượng chúng.

Trong pháp hội của Phật

Các Bồ-tát động nhiều

Thảy đều bậc lợi căn

Chuyển pháp luân bất thối.

Cõi nước đó thường dùng

Bồtát để trang nghiêm 

Các chúng Thanh văn lớn

Chẳng có thể đếm kể

Đều được ba món minh

Đủ sáu thứ thần thông 

Trụ tám pháp giải thoát

Có oai đức rất lớn.

Đức Phật đó nói pháp

Hiện ra vô lượng món

Pháp thần thông biến hóa

Chẳng thể nghĩ bàn được.

Các hàng trời, nhân dân

Số đông như hằng sa

Đều cùng nhau chắp tay

Lắng nghe lãnh lời Phật.

Đức Phật đó sẽ thọ

Tuổi mười hai tiểu kiếp

Chánh pháp trụ lại đời

Đủ hai mươi tiểu kiếp

Tượng pháp trụ ở đời 

Cũng hai mươi tiểu kiếp. 

Giảng:

Đức Phật thọ ký cho ngài Tu-bồ-đề sau này sẽ thành Phật hiệu là Danh Tướng, kiếp tên Hữu Bửu, cõi nước tên Bửu Sanh, cõi đó bằng phẳng, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, hàng đồ đệ toàn là Thanh văn, Bồ-tát đông vô số không thể tính kể. Sự kiện này cho chúng ta thấy, làm việc lợi sanh được phần công đức là tích tụ thành một hạt lưu ly, làm vô số công đức thanh tịnh trải qua nhiều đời nhiều kiếp, thì tụ thành cả quốc độ toàn là lưu ly thanh tịnh theo như công hạnh tu hành của mình. Đó là do tinh thần độ sanh không giới hạn, nếu công hạnh viên mãn thì thành Phật. Nếu công hạnh chưa viên mãn mà muốn thành Phật sớm thì cõi nước không thanh tịnh, tuổi thọ không lâu dài, đồ đệ chưa phải là hàng thánh. Ở đây đức Phật nói Phật Danh Tướng thường ở trên hư không vì chúng nói pháp độ thoát được vô lượng Bồ-tát cùng chúng Thanh văn. Tại sao Phật Danh Tướng lại nói pháp ở trên hư không? Như chúng ta biết, ngài Tu-bồ-đề tu hạnh quán lý không, nên được Phật khen là Giải không bậc nhất trong hội chúng. Do ngộ được lý không nên khi nói pháp ngài nói về lý Bát-nhã chân không. Vì vậy mà nói ngài ở trên hư không vì chúng sanh nói pháp.

Chánh văn: 

6) Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo các chúng Tỳ-kheo: 

Ta nay nói với các ông, ông Đại Ca-chiên-diên này ở đời sẽ tới, dùng các đồ cúng mà cúng dường phụng thờ tám nghìn ức Phật cung kính tôn trọng. Sau khi các đức Phật diệt độ, ông đều dựng tháp miếu cao một nghìn do-tuần, ngang rộng ngay bằng năm trăm do-tuần, tháp miếu đó dùng bảy món báu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành, cúng dường tháp miếu bằng các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan v.v… 

Sau thời kỳ đó sẽ lại cúng dường hai muôn ức Phật cũng như trước, cúng dường các đức Phật đó rồi, đủ đạo Bồ-tát sẽ được làm Phật hiệu: Diêm-phù-na-đề Kim Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. 

Cõi đó bằng phẳng, đất bằng pha lê, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng bên đường, hoa đẹp trải đất khắp nơi sạch sẽ. Người được thấy đều vui mừng, không có bốn đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Các trời cùng người rất đông, các chúng Thanh văn và Bồ-tát vô lượng muôn ức trang nghiêm nước đó. Đức Phật đó thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ hai mươi tiểu kiếp. 

Lúc đó Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng: 

7) Các chúng Tỳ-kheo này!

Đều nên một lòng nghe 

Như lời của ta nói 

Chân thật không khác lạ.

Ông Ca-chiên-diên này 

Sau sẽ dùng các món

Đồ cúng dường tốt đẹp

Mà cúng dường các Phật.

Các đức Phật diệt rồi

Dựng tháp bằng bảy báu

Cũng dùng hoa và hương 

Để cúng dường xá-lợi.

Thân rốt sau của ông 

Được trí tuệ của Phật

Thành bậc Đẳng chánh giác

Cõi nước rất thanh tịnh 

Độ thoát được vô lượng

Muôn ức hàng chúng sanh

Đều được mười phương khác

Thường đến kính cúng dường,

Ánh sáng của Phật đó 

Không ai có thể hơn 

Đức Phật đó hiệu là:

Diêm-phù Kim Quang Phật 

Bồ-tát và Thanh văn 

Dứt tất cả hữu lậu 

Đông vô lượng vô số 

Trang nghiêm cõi nước đó.

Giảng:

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên cũng được Phật thọ ký. Do tu hạnh Bồ-tát cung kính cúng thờ tới tám nghìn ức Phật, sau Phật diệt độ lại xây tháp miếu cúng dường. Sau lại cúng dường hai muôn ức Phật cũng như trước, công hạnh viên mãn sẽ thành Phật hiệu Diêm-phù-na-đề Kim Quang, quốc độ bằng phẳng, đất bằng pha lê, trang nghiêm bằng cây báu… Sở dĩ Bồ-tát ra đời gặp Phật là vì các ngài tu hạnh Bồ-tát, mà Bồ-tát là nhân và Phật là quả, nên ra đời đều gặp Phật. Nơi nào có Phật là có các ngài gần gũi tôn trọng cúng dường và tu học. Trải qua thời gian lâu dài công hạnh viên mãn thì thành Phật cõi nước đẹp đẽ trang nghiêm.

Chánh văn: 

8) Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo trong đại chúng: 

Ta nay nói với các ông, ông Đại Mục-kiền-liên đây sẽ dùng các món đồ cúng, cúng dường tám nghìn các đức Phật, cung kính tôn trọng. Sau khi đức Phật diệt độ đều dựng tháp miếu cao một nghìn do-tuần, ngang rộng thẳng bằng năm trăm do-tuần, dùng bảy món báu: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành. Đem các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu và tràng phan để cúng dường tháp. 

Sau lúc ấy lại sẽ cúng dường hai trăm muôn ức các đức Phật cũng như trước, rồi sẽ được thành Phật hiệu Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. 

Kiếp đó tên là Hỷ Mãn, nước tên là Ý Lạc, cõi đó bằng phẳng, chất pha lê làm đất, cây báu trang nghiêm, rải hoa trân châu khắp nơi sạch sẽ, người được thấy đều vui mừng. Các hàng trời người rất đông, Bồ-tát và Thanh văn số nhiều vô lượng, đức Phật đó thọ hai mươi bốn tiểu kiếp, chánh pháp trụ lại đời bốn mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ bốn mươi tiểu kiếp. 

Khi đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng: 

9) Đệ tử của ta đây 

Là Đại Mục-kiền-liên

Bỏ thân người này rồi

Sẽ được gặp tám nghìn

Hai trăm muôn ức vị 

Các đức Phật Thế Tôn.

Ông vì cầu Phật đạo 

Nên cúng dường cung kính 

Ở nơi các đức Phật 

Thường tu trì phạm hạnh 

Ở trong vô lượng kiếp

Phụng trì pháp của Phật.

Các đức Phật diệt rồi

Xây tháp bằng bảy báu

Tháp vàng rất cao rộng,

Dùng hoa hương kỹ nhạc

Để dùng dâng cúng dường

Tháp miếu các đức Phật.

Lần lần được đầy đủ 

Đạo hạnh Bồ-tát rồi

Ở nơi nước Ý Lạc 

Mà được thành quả Phật 

Hiệu là Đa-ma-la 

Bạt Chiên-đàn Hương Phật.

Đức Phật đó thọ mạng 

Hai mươi bốn tiểu kiếp 

Thường vì hàng trời người

Mà diễn nói đạo Phật 

Chúng Thanh văn vô lượng 

Như số cát sông Hằng 

Đủ ba minh, sáu thông 

Đều có oai đức lớn.

Bồ-tát đông vô số 

Chí bền lòng tinh tấn 

Ở nơi trí tuệ Phật 

Đều không hề thối chuyển.

Sau khi Phật diệt độ 

Chánh pháp sẽ trụ đời 

Đủ bốn mươi tiểu kiếp

Tượng pháp cũng như thế,

10) Các đệ tử của ta 

Bậc oai đức đầy đủ 

Số đó năm trăm người 

Ta đều sẽ thọ ký 

Ở nơi đời vị lai 

Đều được chứng thành Phật.

Ta cùng với các ông 

Đời trước kết nhân duyên 

Ta nay sẽ thuật nói 

Các ông khéo lắng nghe.

Giảng: 

Ngài Ma-ha Mục-kiền-liên được Phật thọ ký sau này sẽ thành Phật hiệu là Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Như Lai, kiếp tên Hỷ Mãn, nước tên Ý Lạc… cũng do tu hạnh Bồ-tát, phụng thờ vô số đức Phật công hạnh viên mãn mới được thành Phật.

Sau khi thọ ký cho bốn vị đại đệ tử xong, Phật hứa rằng năm trăm vị đại đệ tử của Phật tuần tự sẽ được thọ ký. Không riêng gì đối với đệ tử lớn mà những vị nhỏ, có khả năng tin thọ lời Phật dạy là được Phật bình đẳng thọ ký cho. Đây là một lối ấn chứng cho đệ tử đủ lòng tin mà an tâm tiến tu không lui sụt.

Qua phẩm Thọ Ký chúng ta thấy, cõi nước của các vị Phật tương lai, cõi nào cũng bằng phẳng, đất thì bằng vàng, bằng lưu ly, trang nghiêm bằng bảy báu, đồ đệ là hàng Bồ-tát, Thanh văn vô số. Tuổi thọ của Phật thì rất lâu, chánh pháp, tượng pháp cũng lâu… Rồi chúng ta nghiệm lại đức Bổn sư Thích-ca-mâu-ni cũng là một vị Phật, tại sao cõi Ta-bà của ngài toàn là gò nổng, đất bùn sình nhơ nhớp, chúng sanh ở cõi này thì nhiều khổ đau phiền não, đồ đệ thuộc hàng Bồ-tát, Thanh văn chỉ có một ngàn hai trăm năm mươi vị? Còn tuổi thọ của ngài chỉ có tám mươi tuổi, chánh pháp của ngài trụ thế có năm trăm năm, tượng pháp một ngàn năm?

Đức Phật Thích-ca sanh ở cung vua Tịnh Phạn xứ Ấn Độ giáo hóa cõi Ta-bà này là Phật ứng thân; chúng sanh ở cõi Ta-bà này vô minh nghiệp chướng sâu dày, phước mỏng, thì chánh báo và y báo của họ dĩ nhiên là thô xấu bất tịnh. Phật vì từ bi tùy duyên ứng thân ở cõi này để cứu độ họ. Thí dụ như người ở thủ đô giàu có, ăn cao lương mỹ vị, ở nhà lầu đi xe hơi, sống rất sung túc sang trọng. Người đó thấy dân miền sơn cước quê dốt, thiếu ăn thiếu mặc, tình nguyện đến đó để hướng dẫn dân miền này biết chữ, biết nghề nghiệp làm cho đủ cơm ăn áo mặc. Khi người thủ đô đến miền sơn cước ở thì đời sống của họ cũng đạm bạc không tiện nghi, vì chỗ ở này là chỗ ở tạm. Cũng vậy, đức Thích-ca ra đời ở cõi Ta-bà này là một chặng hóa thân của ngài để hóa độ. Cõi này là cõi tạm, ngài ở một thời gian ngắn ngài đi, nên tuổi thọ không dài. Còn cõi nước không thanh tịnh trang nghiêm, vì chúng sanh cõi này đa phần phước mỏng nghiệp dày nên cũng có các y báo chung như thế.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.