Kinh Viên Giác

Chương 8 Bồ Tát Biện Âm Thưa Hỏi



Khi ấy Bồ-tát Biện Âm ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:

– Đức Thế Tôn đại bi, pháp môn như vậy thật là ít có. Bạch Thế Tôn, các phương tiện này, tất cả Bồ-tát đối với môn Viên giác có bao nhiêu pháp tu tập? Xin vì đại chúng và chúng sanh đời sau phương tiện chỉ bày, khiến cho ngộ được Thật tướng.

Thưa lời đây rồi năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như vậy lặp lại ba lần.

Lúc đó, đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Biện Âm rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông vì đại chúng và chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai về sự tu tập. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Biện Âm vâng lời dạy vui vẻ cùng đại chúng yên lặng lắng nghe.

– Này thiện nam, tất cả Viên giác thanh tịnh Như Lai vốn không tu tập và người tu tập. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau y nơi chưa giác dùng sức huyễn mà tu tập. Khi ấy mới có hai mươi lăm thứ thanh tịnh định luân.

– Nếu chư Bồ-tát chỉ giữ tâm vắng lặng do sức vắng lặng mà đoạn các phiền não, thành tựu rốt ráo, không rời khỏi chỗ ngồi liền vào Niết-bàn. Vị Bồ-tát này gọi là riêng tu pháp Chỉ.

– Nếu Bồ-tát chỉ tu pháp quán như huyễn, dùng Phật lực biến hóa ra thế giới, khởi các diệu dụng, thực hành đầy đủ công hạnh thanh tịnh của Bồ-tát, đối với Đà-la-ni không mất niệm tịch tĩnh và tuệ lặng lẽ. Vị Bồ-tát này gọi là riêng tu pháp Quán.

– Nếu Bồ-tát chỉ diệt các pháp huyễn mà không chấp thủ tác dụng, riêng đoạn phiền não, phiền não đoạn hết liền chứng được Thật tướng. Vị Bồ-tát này gọi là riêng tu pháp Thiền-na.

– Nếu chư Bồ-tát trước giữ tâm thật lặng lẽ, do tâm lặng lẽ nên trí tuệ chiếu soi các pháp như huyễn, liền khởi hạnh Bồ-tát. Gọi vị Bồ-tát này trước tu Chỉ sau tu Quán.

– Nếu Bồ-tát dùng trí tuệ yên tĩnh, chứng được Thể tánh thật lặng lẽ, liền đoạn các phiền não, thoát khỏi sanh tử. Gọi vị Bồ-tát này trước tu Chỉ sau tu Thiền.

– Nếu Bồ-tát dùng trí tuệ lặng lẽ lại hiện ra mọi sức biến hóa độ chúng sanh, sau mới đoạn phiền não, rồi vào chỗ tịch diệt. Gọi Bồ-tát này trước tu Chỉ, giữa tu Quán sau tu Thiền.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức thật lặng lẽ đoạn các phiền não, sau khởi các diệu hạnh thanh tịnh để độ chúng sanh. Gọi Bồ-tát này trước tu Chỉ, giữa tu Thiền, sau tu Quán.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức thật lặng lẽ tâm đoạn phiền não, sau lại dựng lập thế giới độ chúng sanh. Gọi Bồ-tát này trước tu Chỉ đồng thời tu Quán và Thiền.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức thật lặng lẽ giúp phát khởi biến hóa, sau đoạn phiền não. Gọi vị Bồ-tát này đồng tu Chỉ và Quán, sau mới tu Thiền.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng lực dụng thật lặng lẽ để giúp cho sự tịch diệt, sau khởi ra tác dụng, biến hóa thế giới. Gọi Bồ-tát này đồng thời tu Chỉ và Thiền, sau mới tu Quán.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức biến hóa ra các thứ tùy thuận chúng sanh mà vẫn giữ (tâm) thật lặng lẽ. Gọi Bồ-tát này trước tu Quán, sau tu Chỉ.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức biến hóa các thứ cảnh giới mà vẫn giữ tịch diệt. Gọi Bồ-tát này trước tu Quán, sau tu Thiền.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức biến hóa làm các Phật sự, an trụ trong lặng lẽ mà đoạn phiền não. Gọi Bồ-tát này trước tu Quán, giữa tu Chỉ và sau tu Thiền.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức biến hóa làm các việc vô ngại, đoạn các phiền não rồi an trụ chỗ thật lặng lẽ. Gọi Bồ-tát này trước tu Quán, giữa tu Thiền và sau tu Chỉ.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức biến hóa làm các phương tiện tác dụng rất lặng lẽ tịch diệt, cả hai đều tùy thuận. Gọi Bồ-tát này trước tu Quán, đồng thời tu Chỉ và Thiền.

– Nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa khởi các công dụng giúp cho tâm thật lặng lẽ, sau mới đoạn phiền não. Gọi Bồ-tát này đồng tu Quán và Chỉ, sau mới tu Thiền.

– Nếu các Bồ-tát dùng sức biến hóa giúp cho tịch diệt, rồi sau trụ chỗ thanh tịnh mà không khởi tĩnh lự. Gọi Bồ-tát này đồng tu Quán và Thiền, sau mới tu Chỉ.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà khởi hạnh thật lặng lẽ, rồi an trụ nơi thanh tịnh. Gọi Bồ-tát này trước tu Thiền, sau mới tu Chỉ.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà khởi tác dụng, ở trong tất cả cảnh lặng lẽ khởi dụng tùy thuận. Gọi Bồ-tát này trước tu Thiền, sau mới tu Quán.

– Nếu các Bồ-tát dùng sức thật lặng lẽ, các thứ Tự tánh, an trụ nơi tĩnh lự mà khởi pháp biến hóa. Gọi Bồ-tát này trước tu Thiền, giữa tu Chỉ, rồi sau mới tu Quán.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức tịch diệt của Tự tánh vô tác, ở cảnh giới thanh tịnh khởi tác dụng, rồi trở về chỗ tĩnh lự. Gọi Bồ-tát này trước tu Thiền, giữa tu Quán, sau mới tu Chỉ.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng các thứ thanh tịnh của sức tịch diệt mà trụ ở chỗ tĩnh lự, rồi khởi biến hóa. Gọi Bồ-tát này trước tu Thiền đồng thời tu Chỉ và Quán.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức tịch diệt giúp cho thật lặng lẽ rồi khởi biến hóa. Gọi Bồ-tát này đồng thời tu Thiền và Chỉ, sau đó mới tu Quán.

– Nếu những vị Bồ-tát dùng sức tịch diệt giúp cho biến hóa mà khởi trí tuệ lặng lẽ trong sáng. Gọi Bồ-tát này đồng thời tu Thiền và Quán, sau đó tu Chỉ.

– Nếu các vị Bồ-tát dùng tuệ Viên giác, viên hợp tất cả nơi các tánh tướng không lìa Tánh giác. Gọi Bồ-tát này viên tu ba thứ Tự tánh thanh tịnh tùy thuận.

– Này thiện nam, như thế gọi là hai mươi lăm luân của Bồ-tát. Tất cả Bồ-tát nên như thế mà tu hành. Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời sau y theo những luân ấy, gìn giữ phạm hạnh, lặng lẽ tư duy thành tâm sám hối, trải qua hai mươi mốt ngày, nơi hai mươi lăm luân này, mỗi cái ghi ra để trên bàn chí tâm nguyện cầu, rồi tay bốc lên một cái, tùy theo cái đó mở ra, liền biết (căn cơ) mình thuộc đốn hay tiệm. Nếu còn một niệm nghi hối thì chẳng thành tựu.

Khi ấy Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này, nói kệ rằng:

Biện Âm, ông nên biết

Tất cả các Bồ-tát

Tuệ thanh tịnh vô ngại,

Đều y Thiền định sanh

Gọi là Xa-ma-tha

Tam-ma-đề, Thiền-na

Ba pháp đốn tiệm tu

Chia hai mươi lăm luân

Mười phương các Như Lai

Ba đời người tu hành

Ai chẳng nhân pháp này

Mà được thành Bồ-đề

Chỉ trừ người đốn giác

Cùng pháp chẳng tùy thuận

Tất cả các Bồ-tát

Và chúng sanh đời sau

Thường gìn giữ luân này

Tùy thuận siêng tu hành

Nương đại bi của Phật

Không lâu chứng Niết-bàn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.