Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Thời Tiết An Định



THỜI TIẾT AN ĐỊNH

Sanh tử do đâu chớ hỏi han
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành.
Mây núi nào không thế mây núi
Nước khe đâu có tiếng đổ ghềnh.
Năm tháng hoa tùy xuân nở nụ
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm.
Ai hay nhận được gương mặt mẹ
Mới hiểu trời người thảy giả danh.

Giảng:

Mọi sanh hoạt trong cõi đời này đều do nhân duyên thời tiết quyết định, chớ không phải bỗng dưng mà có. Chính nhân duyên khiến cho mọi sự mọi vật đổi dời có hợp có tan.

Sanh tử do đâu chớ hỏi han
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành.

Người đời thường thắc mắc tại sao có sanh tử? Nhưng đối với Thượng Sĩ thì Ngài bảo chúng ta đừng để ý thắc mắc điều đó. Tại sao? Vì sanh tử là do nhân duyên thời tiết mà có, không ai bảo chúng ta sanh ra đây và cũng không ai bắt chúng ta phải chết. Sanh ra hay chết đi, chẳng qua tùy theo nhân duyên, tùy theo thời tiết biến chuyển kết hợp mà có thành có hoại, chớ không do bàn tay nào tạo nên hay phá đi. Đủ duyên sanh ra đó là duyên tụ hợp, trải qua thời gian năm bảy mươi năm, duyên ly tán thì thân hoại diệt là tử. Không có một đấng nào tạo lập, hay phá hoại mà có sanh có tử. Đó là lý do mà Thượng Sĩ bảo chúng ta chớ thắc mắc về sanh tử.

Mây núi nào không thế mây núi.

Hằng ngày chúng ta thấy có những vầng mây bay ấp trên những ngọn núi. Vì sao có mây ấp núi vậy? Dưới sức nóng của mặt trời, nước bốc hơi bay lên gặp lạnh tụ lại thành mây, quyện lấy nhau thành từng cụm từng cụm, bay cao bao phủ những ngọn núi, chúng ta gọi là mây phủ núi. Cái thế của mây núi theo duyên mà có.

Nước khe đâu có tiếng đổ ghềnh.

Nước khe chảy không to tiếng như tiếng thác đổ. Sở dĩ tiếng thác đổ nghe to hơn nước khe chảy là vì nước từ trên cao đổ xuống thấp kêu ầm ầm. Người đời gọi tiếng này là tiếng đổ ghềnh. Tóm lại hai câu này chỉ cho sự thế của núi mây, của khe thác. Tất cả đều tùy duyên mà có hình tướng này hình tướng nọ, hoặc có những biến động như tiếng thác đổ hay tiếng suối reo.

Năm tháng hoa tùy xuân nở nụ
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm.

Mỗi năm vào mùa Xuân hoa kết nụ nở bông. Hoa kết nụ nở bông là do tới thời đúng tiết nó mới nở. Thông thường người đời hay có quan niệm hoa nở tươi và đẹp là để cho người ta ngắm. Nhưng sự thật có phải để cho người ngắm không? Hoa nở là do đúng thời tiết nó tự nở. Nếu hoa nở để cho người ngắm, thì trong rừng sâu không có người sao hoa vẫn nở? Vậy, hoa nở là tùy thời tiết chớ không nở vì ai. Gà đến canh năm là nó gáy, chớ không phải nó gáy kêu mình thức dậy. Thế mà có nhiều người cứ nghĩ gà gáy là để đánh thức mình dậy, sợ mình ngủ quên. Con người có cái tật là lúc nào cũng qui mọi sự vật chung quanh trở về bản ngã mình, cái gì cũng cho mình cả. Hoa nở vì mình, gà gáy cũng vì mình, chó sủa cũng vì mình nữa. Chó có đặc tính thấy người lạ là sủa, nên người ta nuôi chó để giữ nhà. Có những trường hợp, ban đêm chủ nhà ngủ say, ăn trộm vô nhà lấy đồ hết, sáng ra họ giận đánh mấy con chó, nói: “Tại sao ăn trộm vô nhà mầy không sủa?” Nếu chó biết nói sẽ hỏi lại: “Ông là chủ nhà tại sao không thức để giữ của, ông cứ ngủ, để mất đồ rồi đánh tôi?” Thật lạ, của mình mà không chịu giữ, để mất, rồi đánh chó, không chịu đánh mình. Cái ngã của con người quá lớn, muốn mọi vật chung quanh đều vì mình, đều bảo vệ mình, đều nuôi dưỡng mình, nên cái gì có ra là vì mình. Con cá sanh ra đâu có nói: “Tôi sanh ra để cho người ăn thịt.” Cá sanh là cứ sanh, tại loài người có sức mạnh và khôn hơn, nên bủa lưới giăng câu bắt nó để ăn, rồi nói cá sanh ra để cho con người ăn và cho đó là việc làm hợp lý. Sự thật đó là việc làm của kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, chẳng có gì hợp lý cả. Thế nên ở đây Thượng Sĩ nói, từ núi sông mây nước cho tới cây cối thú vật đều tùy duyên mà có thành có hoại, chớ không vì ai hết, đừng nói vì mình.

Ai hay nhận được gương mặt mẹ
Mới hiểu trời người thảy giả danh.

Gương mặt mẹ là chỉ cho Thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Người tu ai nhận được Thể chân thật có sẵn nơi mình rồi, mới thấy các cõi trời người đều giả tạm không thật. Vì mê, từ Thể chân thật khởi tạo nghiệp đi trong sanh tử. Ở đây Thượng Sĩ gọi là “gương mặt mẹ”, Trần Thánh Tông gọi là “cái khố mẹ sanh”, kinh Kim Cang gọi là “mẹ ba đời của chư Phật”. Vì nó là cái có sẵn muôn đời, coi như là cha là mẹ. Đây Thượng Sĩ nhắn gởi chúng ta: Trọng tâm của người tu là phải làm sao nhận cho được Thể chân thật, mới thấy rõ mọi sự vật chung quanh đều giả có, không thật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.