Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Lời Tựa (dịch)



(Trên hội Trúc Lâm núi Yên Tử, chùa Long Động, đồng tử Tỳ-kheo Huệ Nguyên khắc bản lại và thắp hương kính cẩn đề tựa.)

Chư Phật ba thuở, các vị Tổ sư nhiều đời, vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời: Cốt chỉ cho chúng sanh ngộ được Phật của chính mình, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, người người vốn đủ, mỗi mỗi viên thành. Bởi vì chúng sanh không ngộ chân Phật của mình, nên bị các Kinh Lục lừa gạt mất một đời, săn đuổi theo cái thấy nghe, có lợi ích gì? Do chẳng rõ muôn pháp như hoa đốm trong không, chỉ một tâm dựng lập. Kinh Kinh Lục Lục trùng trùng điệp điệp, nhiều như lá trong rừng, số như cát biển, giấy mực văn từ không thể kể hết. Dù nói tám muôn bốn ngàn (84.000) pháp môn, mỗi môn trọn như người gỗ múa may, tên tuy khác mà thể vẫn đồng.

Tên khác là, phương tiện khai (mở) giá (đóng) có muôn ức Kinh Lục.

Thể đồng là, chỉ trở về chỗ gốc, một tánh thái hư. Người học thấu rõ một thì muôn việc đều xong, đâu có nhiều thứ văn tự bìm sắn, ngôn ngữ chương cú, đối đãi cơ quan kỳ đặc ấy vậy. Nhưng Thượng tổ Đại đức Tiêu Dao, duy chỉ một sự thật, chẳng dùng phương tiện quyền xảo. Vừa đến nước ta, Ngài cởi trần không áo cầm cần câu không lưỡi, đi vào kinh thành, dùng thần cơ ăn xong đập bát. Ý này cốt tìm được người pháp khí, để chỉ dạy Thiền tông, chữ “bát” đã mở, hai tay trao cho.

Thế nào là trao cho? Nghĩa là “Bính Đinh đồng tử”. Lửa đã khắp người, chẳng cần tìm bên ngoài, phải quan sát lại tánh mình (phản quan tự tánh).

Phật Phật chỉ truyền tâm ấn, Tổ Tổ thầm trao tâm ấn, đều khiến chúng sanh ngộ Phật của mình. Ví như trong cây có lửa, lý này cũng vậy. Con người được nói có tánh, tánh tức là Bồ-đề, vốn tự tròn đủ, chẳng từ nơi khác mà được. Tin được chính mình là chữ “bát” đã mở, hai tay trao cho rồi vậy. Lục này là Đại đức Tiêu Dao nói cho Thượng Sĩ Tuệ Trung. Thượng Sĩ Tuệ Trung nói cho Điều Ngự Giác Hoàng đệ nhất Tổ Trúc Lâm. Điều Ngự Giác Hoàng nói cho Đại sư Pháp Loa đệ nhị Tổ Trúc Lâm. Đại sư Pháp Loa nói cho Tôn giả Huyền Quang đệ tam Tổ Trúc Lâm. Tôn giả Huyền Quang nói cho tông phái Trúc Lâm và Thiền tông khắp thiên hạ. Xưa qua, nay lại truyền trao cho nhau.

Quyển Lục này là phương thuốc hay, khéo đối trị các bệnh, nhanh chóng đốn ngộ thành Phật, thẳng suốt nguồn tâm, nhảy vọt vào biển giác, giết chết vọng thức, phá sạch danh tướng, là tông không không; siêu Tam thừa, vượt Phật thừa, là yếu chỉ thượng thượng.

Song Tỳ-kheo Huệ Nguyên tôi một phen xem quyển Lục này, chữ “bát” liền mở toang, nói nín đều quên, tam không thông suốt. Tôi tịnh tọa tại sơn am, cầm sách lên tán tụng rằng:

Thiền là tâm của Phật,
Giáo là mắt của Phật,
Pháp là thuốc của Phật.
Mắt xem tâm ngộ,
Bệnh lành thuốc bỏ,
Cởi trần không áo,
Thân an tự tại.
Đã được tự lợi,
Rộng khắp lợi tha,
Chí bám nhất tâm,
Làm hưng thạnh Tam Bảo.
Lý không một vật,
Sự có muôn thứ,
Tiếp ánh sáng,
Nối mùi hương,
Soi sáng kẻ trước,
Phấn phát người sau,
Gánh vác Phật pháp,
Làm rường cột nhà Phật.
Nguyện nắm vững ngọn đèn Tổ,
Mặt trời Phật sáng ngời.

Tôi khắc bản để lại, truyền lâu ức kiếp, gương xưa mãi sáng, tiếp nối ánh sáng không cùng, khiến chúng sanh khắp thế giới đại thiên, cùng rõ thấu pháp môn bất nhị, truyền bá trong nước được muôn đời, đồng chứng Phật quả Nhất thừa. Canh khuya giờ tốt, xin chúc tán rằng:

Nghiệp vua vĩnh cửu,
Cùng đỉnh Linh Thứu vòi vọi hằng còn.
Đạo Tổ miên trường,
Đồng nguồn Yên Tử chảy mãi không dứt.

Cung kính đề tựa:

Đầu nẻo Trúc Lâm đưa đuốc tuệ,
Trong nhà biển Thích thả thuyền từ.
Có duyên biết ngọc người Biện Hòa,
Tâm nở giác hoa sanh Phật quả.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763), năm Quí Mùi, tiết Đông, ngày tốt khắc bản in lại.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.