Mỗi vị thần đêm không bao giờ ở riêng lẻ. Thiện Tài tìm đến vị thầy thứ ba mươi sáu, thần đêm Thủ Hộ Nhất Thiết Thành đang ngồi trên tòa sư tử có vô số thần vây quanh. Khi lên đường học Bồ tát đạo, chúng ta cần đi với nhiều bạn bè, mỗi người một công hạnh, mỗi người là một ánh đuốc soi đường, càng có nhiều bạn trẻ đi với nhau, hỗ trợ giúp đỡ thì việc làm của chúng ta mau thành tựu. Sống trong thế giới nhiều âu lo bất trắc, nếu không có bạn bè, không có những nụ cười tình thân an ủi, chúng ta dễ bị cuốn hút theo vật chất phù hoa. Và đó là lý do đức Phật thiết lập đời sống tăng đoàn theo nguyên tắc hòa hợp, mỗi người nhận lấy trách nhiệm của mình hòa với trách nhiệm chung cứu độ chúng sanh.
Thần đêm Thủ Hộ Nhất Thiết Thành hoan hỷ đón chào Thiện Tài. Ý nghĩa tên của vị thần này là gìn giữ tất cả thành. Ban đêm là lúc cần canh giữ cẩn mật chặt chẽ, vì những tai họa bất ngờ, những tấn công cướp bóc đều thừa dịp đêm tối. Ban đêm cũng là tăng vẻ lộng lẫy quyến rũ, tăng cường độ quên mình. Những vị thần đêm không bao giờ sơ hở, không cho phép ngủ quên để ma mị dẫn đi. Vì thế cần rất nhiều sức tỉnh giác. Vị thần đêm nào cũng chói lọi ánh sáng vì thế.
Ở Viên Chiếu có truyền thống thức suốt đêm, tọa thiền vào mùng 8 tháng Chạp. Đối với những người quen ngủ, thật là khó vô cùng. Nhưng toàn chúng, gần hai trăm người – cứ cho là như vậy – rủ nhau cùng thức, cùng ngồi thiền im lặng. Nhờ lực lượng đông và đồng lòng nên một đêm trôi qua không khó khăn. Mình bắt chước tu hạnh đầu đà theo các vị sư Nguyên thủy. Thành tựu một đêm rất vui.
Trên đường tu Bồ tát đạo, chúng ta cùng rủ nhau hướng về việc lành thiện, cùng làm việc có ích, được một chút niềm vui mà chia sẻ nhiều người, thành ra một khối lượng vui.
Thần đêm hiện thân là người canh giữ, người giúp đỡ chúng sanh tự thắng lướt mình. Được an trụ trong chánh pháp, đó là sự giữ gìn an ninh lớn nhất, vững chắc nhất. Chúng ta giữ tâm thanh tịnh, khiến mình xa lìa các việc ác, không bị sụp đổ vì những việc bất thiện. Đó cũng là giữ gìn ngôi nhà mình ở an vui. Học đạo Bồ tát cũng là học gìn giữ phẩm hạnh của mình, đừng khởi tâm niệm tội lỗi gieo rắc nhân không tốt lành – quậy – rồi cuối cùng kêu khổ, kêu Bồ tát cứu con.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật ví mình như người dẫn đường, đưa chúng ta đi đến một chỗ ở tốt đẹp an vui. Giữa đường mệt mỏi, mọi người không muốn tiếp tục đi. Phật bèn hóa ra một trạm dừng chân – cho vào đó ăn uống giải lao, xong rồi bảo phải đi tiếp, đây chưa phải là chỗ đến an ổn. Ngẫm ra, những thụ hưởng hiện tại của chúng ta như một trạm nghỉ thôi. Dù thoải mái tiện nghi cách mấy cũng phải nhớ lên đường đi tiếp. Càng học đạo Bồ tát càng biết cách tỉnh thức, càng vui vẻ làm việc lành, và nhớ là mình đang ở đâu?