Thiện Tài Cầu Đạo

27. Tham vấn Bồ-tát Quan Thế Âm



Thiện Tài đến chân núi Phổ Đà khi trăng thu vừa nhô lên khỏi núi. Bồ tát Quan Thế Âm đang ngồi trên tòa Kim Cang, chung quanh có rất nhiều Bồ tát, có thể các Ngài đang ngồi uống trà, bàn đạo lý. Đạo lý của Bồ tát Quan Thế Âm là gì? Điều gì khiến các Bồ tát ngưỡng mộ vây quanh?

Đáp câu hỏi của Thiện Tài về pháp tu Bồ tát đạo, Bồ tát nói Ngài đặc biệt thành tựu hạnh Đại bi, giải thoát tất cả sợ hãi cho chúng sanh. Bồ tát Quan Thế Âm rất quen thuộc với chúng ta, danh hiệu của Ngài được niệm đến, được kêu cầu trong tất cả trường hợp khổ nạn. Vì đời sống có rất nhiều bất trắc, sợ hãi, trong khi tai họa xảy ra do thiên nhiên hoặc do con người, cần có một nơi nương tựa, một chỗ trú ẩn an toàn. Bồ tát Quan Thế Âm thành tựu công hạnh Bồ tát với lời nguyện: Ôm vào lòng tất cả buồn đau của con người, phải là người đã từng buồn đau mới thông cảm, mới khẩn thiết cứu nạn. Bồ tát không phải là người vô tư, hạnh phúc, Ngài luôn luôn trĩu nặng vì sợ hãi, vì bất an, không ngần ngại nhận lấy hết buồn thương của chúng sanh. Ngài nguyện hiến thân mình cho tình yêu, nguyện trải nghiệm tất cả nỗi đau và nỗi khổ triền miên, nguyện rằng trong bất cứ trường hợp nào, bất cứ ai gọi tên Ngài cũng được trút sạch đau khổ, sợ hãi, bức bách, chán nản, thất vọng.

Qua hình ảnh Bồ tát Quan Thế Âm “Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng” (Một ngàn nơi cầu cứu, đáp ứng cả một ngàn nơi), chúng ta thấy Ngài chẳng phải là người thong dong ngồi tòa sen, hình như lúc nào cũng tất bật đến nơi này, đi nơi kia. Hạnh Bồ tát này quá ư vất vả. Dù biết rằng Ngài có thần lực vô biên, hiện thân khắp chốn, tùy tình hình, tùy loại người có thể ứng cứu mà mang lấy hình thức thích hợp. “Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp…”. Bồ tát rất tâm lý, nếu người cần dùng thân thiếu niên mà được độ, Ngài liền hiện thân thiếu niên rồi nói pháp cho nghe… Hình như yêu cầu của chúng sanh có khi rất quá đáng, khi gặp tai nạn đã đành, còn có khi mong muốn thi đậu, muốn cưới vợ, muốn sanh con trai con gái,… cũng cứ kêu tên, niệm danh hiệu Bồ tát. Bởi vì Ngài:

Thệ rộng sâu như biển

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn

Hầu nhiều nghìn ức Phật

Phát nguyện thanh tịnh lớn.

(Kinh Pháp Hoa – phẩm Phổ Môn)

Cũng nên lưu ý, nguyện của Ngài thanh tịnh, không phải cứ việc ăn trộm ăn cướp bị tù rồi niệm danh hiệu Bồ tát liền được thả. Khi chúng ta chỉ có một khẩn thiết, chỉ duy nhất một niệm hiện tiền, lúc đó sẽ nhận được năng lực lớn. Để thấy rằng kêu cầu Bồ tát không phải đơn giản.

Chúng ta có quá nhu nhược, ỷ lại vào Bồ tát, chờ đợi ban vui cứu khổ? Như thế tinh thần tự giác của đạo Phật làm sao thực hiện? Trong nhà thiền chủ trương phải quay lại với chính mình, tự mình giải thoát mọi ách nạn. Trừ thiên tai họa hoạn đến từ thiên nhiên, còn những nỗi khổ do chính mình thì phải tìm giải đáp ngay từ chính bản thân. Điều này đòi hỏi vận dụng nội công thâm hậu, và mình trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn. Nhân câu chuyện Bồ tát cứu khổ, chúng ta suy gẫm đôi điều.

Thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha chiêm lễ tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Tượng Ngài ngồi, cầm xâu chuỗi. Tô Đông Pha nhân đó hỏi:

– Chúng sanh niệm danh hiệu Bồ tát, còn Bồ tát niệm ai mà cầm chuỗi hột?

Thiền sư đáp:

– Bồ tát niệm chính Bồ tát.

Hỏi:

– Bồ tát vì sao lại niệm chính mình?

Đáp:

– Cầu người không bằng cầu mình.

Với tất cả công hạnh Bồ tát đạo, không phải chúng ta mong cầu có thật nhiều Bồ tát ở đời để làm chỗ cho mình trút sạch sợ hãi. Chỉ mong rằng thực hiện hạnh Bồ tát để bỏ bớt tánh ích kỷ, mở rộng lòng. Một bên niệm Bồ tát để thu vào, một bên hành Bồ tát để không còn thấy ta người, rất khác xa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.