Thiện Tài Cầu Đạo

15. Tham Vấn Trưởng Giả Bửu Kế



Hiểu được hai chữ Không – Có là cả một thời gian từng trải. Từ Không đột nhiên xảy ra mọi thứ, và mọi thứ đang Có bỗng trở thành Không. Có phải thời đại của chúng ta là chính bài học này?

Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời lý, có bài kệ:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Có, Không bóng nguyệt dòng sông

Xin đừng chấp trước Có – Không làm gì.

Hiểu rồi, cứ thong thả lên đường tìm đạo, mọi thứ Có và Không diễn ra trước mắt, chỉ như bóng trăng in trên dòng đời, bóng trăng có đó nhưng không thể lấy ra mà chấp giữ.

Thiện Tài tiếp tục đi về Nam, đến thành Sư Tử, gặp trưởng giả Bửu Kế. Ông nắm tay Thiện Tài dẫn về nhà. Một tòa nhà mười tầng kết cấu bằng vật liệu sang quý. Từ tầng một đến tầng bốn chứa đầy các thứ nhu yếu cần thiết để bố thí. Tầng thứ năm có nhiều Bồ tát đang diễn nói pháp lợi ích chúng sanh. Tầng thứ sáu các Bồ tát đang trình bày về Bát Nhã – Trí Tuệ rốt ráo. Tầng thứ bảy, tầng thứ tám: Các Bồ tát thuộc hàng siêu tuyệt thượng thừa – không có gì có thể so sánh diễn tả. Tầng thứ chín: Các Bồ tát chỉ còn một lần này, rồi sau đó thành Phật. Tầng thứ mười: Chư Phật Như Lai.

Thiện Tài hiểu rằng con đường đi đến chân lý cũng như tòa nhà mười tầng này, người học đạo phải biết trình tự của nó. Trước tiên là thực hành hạnh Bố thí, buông xả. Buông xả từ cái dễ đến cái khó. Bố thí cũng là nhân duyên để kết bạn với mọi người, chúng ta rất quý mến và ưa gần gũi với những ai sẵn sàng chia sẻ, ban cho. Nếu gặp người mặt mũi nhăn nhó, ai nói gì cũng không đồng ý, chắc mình giã từ nhanh thôi.

Con đường Bố thí gặt hái rất nhiều phước lạc, do đó phải có trí tuệ Bát Nhã để quán sát tánh Không. Bàng Uẩn, một cư sĩ nhà thiền nói: “Lão Bàng không có gì trên thế gian, đi trong Không, nằm ngồi trong Không”. Các thiền sư đều nể mặt. Bậc Bồ tát khi thuần thục trong tánh Không vẫn còn phải làm nhiều công tác cho cuộc đời, tuy làm mà thấy không có Ai, không Người nhận…

Để kiểm tra, xem chúng ta đang ở tầng thứ mấy? Có thể đang ở tầng một đến tầng bốn, mà không phải đang bố thí, mà đang lẩn quẩn để xin, lòng vòng xem ai bỏ thứ gì mình lượm, hi hi. Mang tấm lòng kiểu đó thì chừng nào mới là Bồ tát thứ thiệt? Bởi vì đến giai đoạn cầu đạo thứ mười lăm này, phải thành tựu pháp môn Giải Thoát Phước Đức. Ngay cả phước đức còn phải buông bỏ, huống gì những thứ không phải phước đức. Như đường lên núi cao, càng lên càng khó, nhưng lên được trên cao thì tầm nhìn rộng rãi, không gian mênh mông. Chủ yếu chúng ta học đạo là để chuyển hóa tâm tư, từ chỗ làm một người còn nhiều sân si, mà thay đổi làm sao thành người an lạc, và đem an lạc cho người khác. Nếu bản thân chúng ta không vui được, chẳng thể nào khiến chung quanh trở thành niềm vui. Vui từ đâu đến? Bỏ cái buồn ra, hết buồn thì vui thôi. Như leo tầng bậc, bỏ cấp một lên cấp hai, và cứ thế. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.