Ngài dòng Bà-la-môn, người nước Kế Tân, cha hiệu Tịch Hạnh, mẹ là Thường An Lạc. Một hôm, bà Thường An Lạc nằm mộng thấy lượm được cây kiếm thần, sau đó có thai Ngài. Khi sanh ra, Ngài nắm chặt bàn tay trái mãi, cho đến gặp Tổ Sư Tử mới xòe ra.
Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia theo hầu Tổ Sư Tử. Tổ Sư Tử vì nợ trước phải trả nên truyền tâm ấn xong, bảo Ngài phải sang Nam Ấn.
Ra khỏi nước Kế Tân, Ngài đến Trung Ấn. Vua nước này hiệu Ca Thắng ra đón tiếp Ngài. Trong nước này, trước có chúng ngoại đạo giỏi pháp thuật, ỷ tài khinh chê Phật pháp, người cầm đầu tên Vô Ngã. Vua thấy thế bất bình, muốn thỉnh Ngài chiết phục chúng. Vua mở hội nghị luận, chính vua làm chủ tọa. Vô Ngã đến hội đề xướng mặc luận, không dùng lời nói. Ngài chống:
– Nếu chẳng dùng lời, làm sao phân biệt hơn thua?
Ngoại đạo nói:
– Chẳng tranh hơn thua, chỉ lấy nghĩa ấy.
Ngài hỏi: – Cái gì là nghĩa?
Ngoại đạo đáp: – Không tâm là nghĩa.
Ngài hỏi:
– Ngươi đã không tâm thì đâu thành nghĩa?
– Tôi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa.
Ngài nói:
– Ngươi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa, ta nói phi tâm chính là nghĩa chẳng phải danh.
– Chính là nghĩa chẳng phải danh thì ai hay biện được nghĩa?
Ngài bảo:
– Ngươi nói chính là danh không phải nghĩa, thì danh này là danh gì?
– Vì biện cái phi nghĩa nên không danh mà đặt danh.
Ngài bảo:
– Danh đã phi danh thì nghĩa cũng phi nghĩa, người biện là ai và biện vật gì?
Bàn qua luận lại như thế đến hơn 50 lần, ngoại đạo mới bặt lời nép phục.
Bỗng trong vương cung có mùi hương lạ bay đến, Ngài chợt nói: “Đây là tin đưa đến, Thầy ta đã tịch.” Ngài liền xây mặt về hướng Bắc chắp tay đảnh lễ. Lễ xong, Ngài nói với vua:
– Khi tôi mới đi, thầy dạy qua Nam Ấn, nay ở lại đây đã lâu là trái ý thầy, xin tạm biệt Đại Vương sang nơi ấy.
Vua và quần thần đồng tiễn Ngài sang Nam Ấn.
Vua nước Nam Ấn hiệu là Thiên Đức, nghe tin Ngài sang cũng sửa sang xe giá ra đón tiếp, thỉnh Ngài về hoàng cung. Nhân vua có hai Thái tử, vị lớn là Đức Thắng thì thân thể mạnh khỏe mà tánh tình hung bạo, còn em thì hiền lành mà bệnh hoạn liên miên, sẵn dịp vua hỏi Ngài:
– Con tôi kính thờ Phật pháp, ưa làm việc lành, mà sao lại mắc bệnh kinh niên, vậy lẽ báo ứng lành dữ như thế nào?
Ngài đáp:
– Bệnh của Thái tử là do công đức phát sanh. Song lý sâu xa này Đại Vương phải khéo nghe. Phật dạy người có nghiệp nặng nơi thân, ví như bệnh nội thương quá nặng, uống thuốc không có công hiệu, sắp chết, bệnh càng hoành hành. Nếu là bệnh nhẹ, gặp thuốc liền bớt, bớt rồi từ từ mạnh. Người nghiệp nặng cũng vậy, tuy có công đức mà không làm gì được, đến lúc gần chết, nghiệp lại càng hiện. Nếu nghiệp nhẹ, làm các việc công đức, nghiệp trước liền hiện, trả xong, sau sẽ thanh tịnh. Hiện nay Thái tử làm việc thiện mà bị bệnh lâu, hẳn là do làm các công đức nên phát ra nghiệp nhẹ này. Hiện nay tuy có khổ nhỏ, về sau sẽ an ổn. Kinh đã nói: “Nếu phải chịu nghiệp báo trong ba đường ác, nguyện đời này trả xong, để khỏi vào đường ác.” Vua còn nghi gì ư?
Vua Thiên Đức tín nhận, càng phát tâm làm phước.
Sau đó, Ngài từ giã nhà vua đi hoằng hóa nơi khác.
Mười sáu năm sau, vua Thiên Đức băng, Thái tử Đức Thắng lên nối ngôi. Vua Đức Thắng tin theo ngoại đạo, chú thuật, nghe lời xúi giục của chúng, muốn làm khó Ngài. Thái tử con vua Đức Thắng tên Bất-như-mật-đa biết được ác ý đó, liền đến can vua.
Thái tử thưa:
– Tôn giả Bà-xá-tư-đa xưa kia được ông nội kính trọng, nhiều người muốn hại còn không thể được, đạo đức của Ngài rất cao, xin phụ hoàng đừng làm khó Ngài.
Vua Đức Thắng nổi giận, cho Thái tử theo phe Tôn giả Bà-xá-tư-đa liền bắt hạ ngục.
Sau vua cho thỉnh Ngài vào chánh điện. Vua cật nạn:
– Nước tôi không có pháp tà, thầy tu học về Tông phái nào?
Ngài đáp:
– Tôi tu học theo tâm tông của Phật.
Vua hỏi:
– Phật diệt độ đã 1.000 năm, thầy làm sao được tâm tông của Phật?
Ngài đáp:
– Từ Phật truyền cho Tổ Ca-diếp đã trải qua 24 đời, đến thầy tôi là Tổ Sư Tử, tôi được Ngài truyền lại.
Vua hỏi:
– Tôn giả Sư Tử đã bị giết, đâu thể đem pháp truyền cho thầy? Nếu thầy thật được truyền thì lấy gì làm tin?
Ngài đáp:
– Thầy tôi truyền bát và trao y Tăng-già-lê để làm tin, hiện nay vẫn còn.
Ngài liền lấy y đưa cho vua xem. Vua vẫn không tin, bảo đem lửa đốt. Khi lửa cháy, y hiện năm sắc hào quang. Lửa tắt, y vẫn còn nguyên như cũ. Vua mới tin nhận, xin sám hối tạ tội. Đồng thời, vua truyền lệnh tha Thái tử.
Sau khi được thả, Thái tử Bất-như-mật-đa quyết chí xuất gia, xin phép vua cha được như nguyện. Vua thấy không thể ngăn được chí Thái tử, nên đành phải cho.
Thái tử đến yết kiến Ngài xin cho làm đệ tử xuất gia. Ngài hỏi: – Nhà vua bằng lòng chăng?
Thái tử thưa: – Phụ vương bằng lòng.
Ngài hỏi: – Ông muốn xuất gia để làm việc gì?
Thái tử thưa: – Con muốn xuất gia để làm việc Phật.
Ngài thấy Thái tử tha thiết cầu đạo, liền nhận cho xuất gia. Sau sáu năm, Ngài triệu thỉnh các vị Thánh chúng vào vương cung truyền giới cho Bất-như-mật-đa. Giờ truyền giới đó có nhiều điềm lành ứng hiện, toàn hội đều hoan hỷ.
Một hôm, Ngài gọi Bất-như-mật-đa đến dặn dò:
– Ta đã già lắm, chẳng bao lâu sẽ rời cõi này, xưa Đại pháp nhãn tạng của Như Lai lần lượt truyền đến ta, nay ta trao lại cho ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:
Thánh nhân thuyết tri kiến,
Đương cảnh vô thị phi.
Ngã kim ngộ kỳ tánh,
Vô đạo diệc vô lý.
Dịch:
Thánh nhân nói tri kiến,
Ngay cảnh không phải quấy.
Nay ta ngộ tánh ấy,
Không đạo cũng không lý.
Bất-như-mật-đa thọ pháp xong, thưa:
– Còn y Tăng-già-lê thầy không truyền cho con, là sao vậy?
Ngài bảo:
– Xưa ta được truyền y vì thầy ta bị nạn, sợ người cho rằng truyền pháp không rõ ràng, nên truyền y để làm tín vật. Nay ngươi được truyền, mọi người đều biết, cần y làm gì? Chỉ cần hóa đạo.
Nói xong, Ngài thị hiện thần biến rồi vào Niết-bàn. Đồ chúng thu xá-lợi xây tháp thờ.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |