Phật giáo trong mạch sống dân tộc

Chương 1. Lịch sử



A. ĐẠO PHẬT CÓ MẶT TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Đạo Phật có mặt trên lãnh thổ Việt Nam khoảng cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3, do các ngài Khương Tăng Hội, Mâu Bác truyền vào. Đến thế kỷ thứ 6, 7, 8, do các ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông chánh thức truyền Thiền tông vào Việt Nam, nền Phật giáo Việt Nam dần dần sáng tỏ. Mãi đến thế kỷ thứ 10, 11 về sau, từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, Phật giáo cũng đã từng góp phần lớn lao xây dựng đất nước, giáo hóa đồng bào.

B. ĐẠO PHẬT VIỆT NAM GẮN LIỀN CÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM

1.- THỜI VẺ VANG CỦA DÂN TỘC VÀ PHẬT GIÁO

Đánh đuổi quân Nam Hán, dẹp yên các loạn thần, Ngô Quyền xưng vương năm 939 Tây lịch, nước Việt Nam khởi màn tự chủ từ đây. Nhưng còn phải trải qua cuộc nội loạn của mười hai Sứ quân, đợi đến Đinh Bộ Lĩnh ra tay dẹp sạch, thâu về một mối, lên ngôi Hoàng đế năm 968 Tây lịch. Thời đại này, Thiền sư Ngô Chân Lưu được phong chức Khuông Việt thái sư năm 971 Tây lịch. Thế là, Phật giáo bắt tay vào việc tham chánh.
Qua chức Khuông Việt thái sư của nhà vua phong, chúng ta đã ý thức sự đóng góp quan trọng của Thiền sư trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc như thế nào rồi. Người Việt Nam vừa giành lại được chủ quyền, mọi mặt: văn hóa, chánh trị, học thuật… đều thiếu kém, các vị Thiền sư thấy có bổn phận đứng ra góp tay chung sức  xây dựng xứ sở, kiến thiết quốc gia để đưa dân tộc đến chỗ vinh quang. Vì thế, Phật giáo đã có mặt trên chánh trường.
Nhà Đinh mất, nhà Lê thay thế, năm 986 Tây lịch. Tống triều sai bác sĩ Lý Giác sang sứ Việt Nam. Để cho Bắc triều giảm bớt kiêu khí và không còn khinh dân Việt Nam là giống man di, vua Lê Đại Hành nhờ Pháp sư Đỗ Thuận đóng vai người chèo đò đưa sứ sang sông, Khuông Việt thái sư đón tiếp sứ tại triều.
Khi con thuyền rẽ sóng bập bềnh trên mặt nước, ngồi trước mui thuyền, Lý Giác chợt thấy cặp ngỗng thong thả bơi chập chờn trên dòng sông xanh biếc. Vốn sẵn tâm hồn thi sĩ, Lý Giác khẩu chiếm hai câu thơ:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Dịch:
Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời
.
(Thích Mật Thể)
Pháp sư tay cầm chèo, chèo đều theo nhịp sóng, ứng khẩu tiếp hai câu:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bải thanh ba.
Dịch:
Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi.
(Thích Mật Thể)
Lý Giác ngạc nhiên, không ngờ anh chèo đò Việt Nam lại có tài xuất khẩu thành thi một cách thần diệu như vậy.
Tại triều, Lý Giác được sự tiếp đón lịch thiệp tao nhã của Khuông Việt thái sư, ông thêm phần kính nể. Trước khi ra về, Lý Giác làm bài thơ tặng vua Lê Đại Hành để tỏ lòng kính mến của mình:
Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du,
Nhất thân lưỡng độ sứ Giao Châu.
Đông Đô tái biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
Dịch:
May gặp minh quân giúp việc làm,
Một mình hai lượt sứ miền Nam
.
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ,
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm.
Ngựa đạp mây bay qua suối đá,
Xe vòng núi chạy tới giòng lam.
Ngoài trời lại có trời soi rạng,
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.
(Thích Mật Thể)
Khuông Việt thái sư thay triều đình làm một bài thơ tiễn Lý Giác:
Trường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Thần tiên phục đế hương.
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương (lảng),
Cửu thiên qui lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly trường,
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị nam cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch:
Trời quang, gió thuận, buồm giương,
Thần tiên chắc đã giục đường Bồng lai.
Mông mênh muôn dặm bể khơi,
Lối về trong bóng chín trời xa xa.
Bâng khuâng trước chén quan hà,
Mến ai, lòng những thiết tha nỗi lòng.
Xin ai về cõi Nam trung,
Rõ ràng gởi lại mặt rồng trước sau.
(Ngô Tất Tố)
Có thể nói từ đây, trên cương vị văn học, người Trung Hoa đã có phần thầm kính người Việt Nam. Những cuộc ngoại giao nổi bật này đều do các vị Thiền sư chủ động.
Nhà Lê xuống, nhường chỗ nhà Lý lên. Người gây dựng sự nghiệp cho nhà Lý và đem lại sự hùng cường cho dân tộc Việt Nam trên hai thế kỷ (1010-1225) chính là Thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư đã chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, là nơi trung tâm hệ trọng cho mãi đến hiện nay, và làm cố vấn mọi việc cho vua Lý Thái Tổ. Xã hội Việt Nam được văn minh rực rỡ một thời, phần lớn do Thiền sư xây dựng. Để chứng tỏ tài năng và công đức của Thiền sư, chúng ta có thể thấy qua bài kệ truy tán Vạn Hạnh thiền sư của vua Lý Nhân Tôn:
Vạn Hạnh dung tam tế,
Ưng phù cổ sấm thi.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.
Dịch:
Học rộng làu ba cõi,
Lời in tiếng sấm xưa.
Quê làng tên Cổ Pháp,
Dựng gậy vững kinh vua.
Nhà văn Lê Văn Siêu, khi nghiên cứu về văn minh Việt Nam, đã khen:
Không còn có gì nữa để mà nghi ngờ. Nhà kiến trúc sư quan niệm đạo đức rộng rãi và uyên thâm này nhất định phải là sư Vạn Hạnh.
Sư Vạn Hạnh đã làm quan trong triều Lê. Ngài vừa sớm tối không sao nhãng những kinh kệ lại vừa đem tài ra giúp nước yên dân. Ngài là một vị Sư đã thoát được mình ra lề thói tu hành chấp nê của đạo Phật (cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa). Hẳn là Ngài đã thấy rõ cách tế độ chúng sanh hiệu quả nhất là ảnh hưởng đến chánh quyền. Ngài đã không theo gương của Khổng Tử xách một túi kinh luân đi khắp các nước mà chẳng được đâu trọng dụng, cũng không theo gương các nho sĩ chỉ ngồi trong lều cỏ dạy đạo cho các môn đồ, lại cũng không theo gương các vị Bồ-tát mà ngồi riêng một nơi Thiền định.
Ngài đã dấn mình vào cuộc sống xã hội, cố nhiên là với một dục vọng dùng chánh quyền để hành đạo.
(Văn minh Việt Nam, trang 77, của Lê Văn Siêu)
Theo nhận xét của Lê quân, nền văn minh Việt Nam thời này có phần vượt hơn văn minh Trung Hoa cũng do sư Vạn Hạnh. Ông viết:
Ở ý thức thâu thái thêm tinh hoa của Phật, Lão, Nho, kết tinh lại với ý thức cố hữu để tạo thành một ý thức hệ mới và riêng biệt của mình.
1/ Vẫn hay Lão và Nho phát sinh ở Trung Hoa, vậy mà cả các nhân sĩ Trung Hoa, cũng như Cao Biền là một nho sĩ có tài, đại diện cho nền văn hóa nước mình, tất cả đều không có ai ứng dụng đạo vào trong nhân sinh. Duy một nhà sư Vạn Hạnh ở Việt Nam làm được việc ấy, mà làm với một ý thức dùng qui mô kiến thức vật chất ảnh hưởng trở lại tinh thần, để thúc đẩy thêm mối đạo và con đường tiến hóa mới.
2/ Những nhà nho đời Tống như Trình Di, Chu Hi v.v… dẫu có viết sách rất nhiều, suy lý rất nhiều nhưng cũng chỉ là ở lý thuyết và ở hoạt động tiêu cực về văn hóa (có khi vì địa vị, vì danh vọng người ta còn chống đối nhau kịch liệt nữa). Duy sư Vạn Hạnh ở Việt Nam nhận thức ra mối tương quan giữa thái thần (genèse de l’esprit), thái sơ (genèse de l’énergie) và thái tố (genèse de matière) để tiến đến thái hòa (harmonie universelle).
Tại sao nói như vậy?
Tại Sư không cần viết sách mà chỉ lo kiến thiết; kiến thiết bằng những chất liệu để bắt nó nói ra một cái gì. Một quyển sách thì chỉ có một người xem, một kiến trúc thì có cả muôn triệu người và muôn đời phải biết đến ý nghĩa. Không viết sách mà chỉ kiến thiết đô thị để gói ghém một ý định, ấy tức là đã thông hiểu năng lực của vật chất, của tinh thần và của thần chất khi tất cả những năng lực ấy giao cảm với nhau, và đã thông hiểu phương thức giáo hóa vua quan và quần chúng theo tinh thần vô vi của Lão Tử vậy.
3/ Đạo Phật truyền qua Trung Hoa đã lâu và các kinh sách cũng đã rất nhiều. Vậy mà sự thâu thái Phật học của Trung Hoa cũng chỉ đến có nhiều chùa chiền mới dịch được ra nhiều kinh kệ.
Cũng đạo Phật ấy truyền qua Việt Nam thì đã được sư Vạn Hạnh cắm cửa Ô Kim Liên với đầm sen bảy mẫu vào thật đúng giữa chánh điện của nhà vua trông ra, khiến vua ngày đêm, hễ mở mắt là thấy ngay biểu tượng của Phật giáo…
(Văn minh Việt Nam, trang 81-82 của Lê Văn Siêu)
Còn nhiều nữa, chúng tôi e trích nhiều quí độc giả sanh chán, xin dừng ngang đây.
Cứ theo đà tiến triển ấy, mỗi ông vua thời Lý lần lượt thay nhau kế vị, các ngài đều là người Phật tử chân chánh rất thâm hiểu Phật pháp và luôn luôn bên cạnh có những vị Thiền sư làm cố vấn. Cho nên vua thường lấy đức trị dân và giáo hóa dân theo tinh thần Phật giáo. Đây ta hãy nghe vua Lý Thánh Tôn nói với thần dân lúc mùa đông giá rét:
“Ta ở trong thâm cung, sưởi lò than thú, mặc áo hồ cừu mà khí lạnh còn như thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục, xiềng xích khổ sở, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm,  một khi gặp cơn gió lạnh thổi vào, há chẳng bị chết mà nguyên là vô tội ư? Ta rất lấy làm thương xót!” Vua sai Hữu ti đem chăn chiếu trong kho vua ban cho tù nhân và mỗi ngày cho ăn hai bữa cơm. Vua ban cho trong nước một nửa số tiền thuế năm đó.
VSL II. 101 (Nguyễn Đăng Thục dịch)
Nhờ ảnh hưởng Phật giáo nên thời Lý có nhiều vị vua nhân từ rất mực, nhưng không kém vẻ hào hùng. Vì thế, quốc gia hưng thạnh, dân chúng an vui, có thể nói là thời huỳnh kim ở Việt Nam vậy.
Nhà Lý mãn, nhà Trần tiếp tục truyền thống ấy. Phật giáo vẫn ở địa vị quốc giáo, vua chúa đều uyên thâm Phật pháp. Vua Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi cho Thái tử, xuất gia tu hành và là Sơ Tổ phái Trúc Lâm. Nhà Trần ở ngôi ngót hai thế kỷ (1225-1400), nước Việt Nam đã nổi tiếng hùng cường, chiến thắng quân Mông Cổ từ Bắc phương kéo sang xâm chiếm nước ta. Đó là chiến công oai hùng nhất khiến thế giới phải nể danh.
Nhà Trần, trên từ vua chúa dưới đến quan dân, đều một bề sùng ngưỡng Phật giáo. Người Nho cho đó là thời mê tín dị đoan, nhưng đâu ngờ, do toàn dân tin Phật mới có hội nghị Diên Hồng, muôn người như một nhất tâm chống giặc. Khí thế hùng cường, tinh thần dân chủ đâu không nhờ Phật giáo mà có? Ta hãy đọc đoạn văn bi ký ở chùa Thiên Phước tại Bắc Giang của Lê Quát, một nhà nho, tức tối trước việc toàn dân tin Phật sau đây:
Phật thị lấy điều họa phước mà động lòng người, sao mà sâu xa và bền chắc như vậy? Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, tuy hết cả gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận số tiền trả báo lại. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng, ngõ hẻm, chẳng khiến đà theo, chẳng thề mà tin; hễ chỗ nào có nhà người ở thì có chùa Phật; bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại. Lầu chuông đài trống cũng phân nửa của nhà thiên hạ ở, xây cất rất dễ và tôn sùng cũng đà lắm vậy. Ta từ lúc nhỏ đã đọc sách, chăm vào việc cổ kim, cũng rõ được nhiều ít đạo lý Thánh Hiền, để khai hóa từ dân, mà chưa được người trong một làng tin ta. Ta thường di du lãm sơn xuyên, cùng Nam cực Bắc, tìm những chỗ gọi là học cung, gọi là văn miếu, thì rất ít thấy, vì vậy ta lấy làm hổ thẹn với bọn Phật đồ lắm vậy. Cho nên ta mới viết ra bài này.
(Trích truyện Lê Quát trong quyển Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên, trang 183 của Thái Văn Kiểm và Hồ Đắc Hàm biên soạn.)
Lê Quát, học trò Chu Văn An ở triều Trần Minh Tông, ông trông thấy lòng tin mộ Phật giáo của vua chúa và dân chúng, đâm ra bực bội mà viết bài văn bi ký này. Nhờ đó, chúng ta càng thấy rõ Phật giáo đời Trần tràn khắp cả mọi nơi, đâu đâu cũng hiện màu sắc Phật giáo.
Tóm lại, ngót năm thế kỷ, Phật giáo luôn luôn có mặt trong guồng máy chánh quyền để tiếp tay xây dựng đất nước, bảo vệ quê hương. Sự có mặt của Phật giáo chẳng những giúp cho vua chúa một đường lối chánh trị sáng suốt, mà còn hướng dẫn dân tộc tiến cao trên con đường văn minh đạo đức. Những vị Thiền sư trong thời ấy, chẳng những thâm đạt về đạo lý giải thoát (xuất thế)  mà còn thấu hiểu cách tổ chức xã hội, đem lại an lạc thực tế cho dân tộc (nhập thế). Vì thế, các ngành văn hóa, học thuật… đều do Thiền sư đảm trách. Sự vẻ vang, oai hùng của đất nước nằm trong sự hưng thạnh của Phật giáo thời ấy.

2.- PHẬT GIÁO BỊ LOẠI RA KHỎI CHÁNH TRƯỜNG

Tuy nhiên, theo luật vô thường, phàm có thạnh thì phải có suy, Phật giáo cũng không thoát khỏi cái luật chung ấy. Đời vua Lý Nhân Tông, vì muốn văn hóa Việt Nam càng dồi dào phong phú, nhà vua cho mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài. Khoa đầu tiên được mở năm thứ 6 niên hiệu Hội Phong (1097 TL), người chiếm thủ khoa là Thiền sư Viên Thông, sau được phong Quốc sư. Như thế, Nho giáo, Lão giáo đã có cơ tiến bộ, và tư tưởng Tam giáo đồng nguyên dần dần phát đạt, mãi đến đời Trần mới cực thạnh.
Cuối đời Trần, cái học khoa cử đã thành hình; những người giỏi Nho được bổ dụng làm quan. Thế là trong chánh trường, giới nho sĩ dần dần chiếm ưu thế. Giới nho sĩ cho Phật giáo là tư tưởng yếm thế, không đủ điều kiện xây dựng xã hội hùng mạnh, do đó các vị Thiền sư bị loại dần ra khỏi chánh trường. Hoặc giả, những người lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ kém tài, thiếu đức không giữ nổi địa vị quan trọng của mình, nên phải rút lui về thôn dã.
Nhất là từ đời Hậu Lê (1428) về sau, giới nho sĩ hoàn toàn nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Phật giáo lúc này hoàn toàn bị bạc đãi. Chánh quyền muốn hạn chế giới tu hành nên mở những kỳ thi tuyển để loại bớt. Ông Đào Duy Anh đã viết:
Nửa triều Trần, từ đời Chu Văn An đã bắt đầu thắng Phật học mới chiếm địa vị độc tôn. Hai triều ấy đều có pháp luật nghiêm khắc đối với các nhà tu hành Phật giáo và Đạo giáo. Tuy triều Lê có các khoa thi kinh điển riêng cho những nhà tu hành, nhưng đó chính là một cách hạn chế. Đối với Nho học thì các đời vua Lê và Nguyễn đều hết sức tôn trọng.
(Việt Nam Văn Hóa, trang 237 của Đào Duy Anh)
Chúng ta thấy rõ, lúc Phật giáo thạnh, đối với Nho, Lão vẫn được quí trọng. Ngược lại, khi Nho học cực thạnh thì Phật giáo bị kỳ thị hắt hủi. Nhưng nhờ đó Phật giáo có cơ hội sống gần gũi với đồng bào trong thôn dã và gieo rắc một tiềm lực hùng hậu trong toàn dân. Cũng nhờ đó, Phật giáo mới thành đạo của dân tộc Việt Nam và sau này không mang tội phản dân tộc.
Những vị Sư lui về thôn dã, gần gũi thân mật với những người nông dân mộc mạc ở những thôn xóm hẻo lánh xa xôi. Để thích ứng với tánh tình chất phác của họ và hòa nhịp theo tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc, Phật giáo dần dần mất tánh cách bác học, trở thành tín ngưỡng bình dân. Những vị Sư phải biết chẩn mạch, bốc thuốc, xem ngày kiết hung… thậm chí phải rành bùa chú để trừ tà, ếm quỉ.
Hết Lê tới Nguyễn, đất nước lắm phen điêu linh vì nạn ngoại xâm, nội loạn, cho đến phải chia đôi Trịnh, Nguyễn. Sự tủi nhục, đau buồn của đất nước cũng là cái tủi nhục đau buồn của Phật giáo Việt Nam. Gia Long thống nhất sơn hà (1802) không bao lâu lại lọt vào tay người Pháp. Nước Việt Nam lại bị lệ thuộc Tây phương.
Đến thời Pháp thuộc, chữ Hán phải thoái vị, nhường chỗ cho chữ Pháp thạnh hành. Phái Nho học bị loại khỏi chánh trường, phái Âu học mang râu đội mũ bước ra, các ông nho sĩ trở về vườn dạy học, chẩn mạch bốc thuốc, coi ngày cưới gả… Những khi nhàn rỗi, cụ đồ sang chùa cùng nhắp những hớp trà sen thơm ngọt, nói chuyện thân mật với các ông sư.
Tuy Tổ quốc đã trải qua bao phen thăng trầm vinh nhục, nhưng tinh thần dân tộc không bao giờ mất. Phật giáo Việt Nam đã bị loại khỏi chánh trường, nhưng sức sống của đạo pháp vẫn còn tàng ẩn trong lòng dân tộc, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là tinh thần dân tộc bùng khởi, đạo pháp sống động tràn trề.

3.- PHẬT GIÁO VỪA CHỚM PHỤC HƯNG

Qua bao năm đen tối, dân tộc vừa quật khởi đập tan xiềng xích nô lệ (cuộc Cách mạng năm 1945), giành lại quyền tự chủ. Rồi đến đất nước bị chia đôi, tang tóc cứ mãi gieo rắc trên giải đất thân yêu này. Nhưng tinh thần quật khởi của dân tộc như sóng trào lên cuồn cuộn, không có sức mạnh nào có thể ngăn chặn được. Chính khi ấy, phong trào chấn hưng Phật giáo vừa chớm nở, nhưng lại gặp sự ngăn cản của nhà Ngô gây thành tai nạn xảy ra năm 1963, Phật giáo vẫn bùng dậy như ngọn cuồng phong cuốn sạch tất cả. Bởi Phật giáo nằm sẵn trong lòng dân tộc, nên khi bị khích động mạnh tự dưng trỗi dậy một cách hùng hồn. Chúng ta tin chắc rằng Phật giáo đã gắn liền với dân tộc, nên nhịp tiến triển của dân tộc và Phật giáo đi đều nhau. Ngày mai kia, dân tộc được độc lập thống nhất thì Phật giáo cũng được vinh quang hưng thạnh, bởi sự tương quan mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc trên dòng lịch sử cũng như trong tâm tư người Việt Nam.

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.