Tỳ-kheo các ông, sau khi Ta diệt độ phải tôn trọng, quý kính tịnh giới, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Phải biết đó là Đại sư của các ông. Nếu Ta ở đời cũng không khác pháp này vậy.
Điều đầu tiên Đức Phật dạy là giữ gìn tịnh giới. Tại sao Phật gọi giới của Ngài là tịnh giới? Vì những điều Phật răn không cho mình làm luôn giúp cho tâm mình thanh tịnh nên gọi là tịnh giới. Còn những giới điều nào làm cho mình tạo ác nghiệp thì không thể gọi là tịnh giới được. Như Ngài Angulimala, vốn thông minh, lương thiện, nhưng vì lầm tin theo lời thầy dạy là thu thập 1000 ngón tay người mới có thể học được phép thần thông nên Ngài đã trở thành kẻ giết người hàng loạt. Lời dạy của thầy này là lời dạy tà đạo, ác đạo. Còn những lời dạy của Phật luôn giúp chúng ta thanh tịnh, giải thoát, an ổn, ra khỏi khổ não bức bách, nên Phật gọi những điều răn dạy của Ngài là tịnh giới.
Sau khi Phật nhập diệt, điều đầu tiên mình phải làm là tôn trọng, cung kính giới như cung kính Phật. Vì sao? Vì dù Phật còn ở đời cũng chỉ dạy những điều này. Mình vâng giữ lời Phật dạy thì không khác gì đang ở bên cạnh Ngài.
Tịnh giới đây không đơn thuần chỉ là những giới điều ghi trong giới luật như 250 giới của Tỳ-kheo, 348 giới của Tỳ-kheo Ni, 10 giới của Sa-di v.v…, mà còn bao gồm Đạo cộng giới, Định cộng giới. Nếu chúng ta theo lời chỉ dạy của Phật sống với đạo, hành đạo, nhờ đó tâm thanh tịnh, như vậy gọi là Đạo cộng giới. Nếu theo lời dạy của Phật luôn sống trong thiền định, không khởi niệm tham sân si, đó là Định cộng giới. Còn giữ giới theo sự răn cấm của Phật, Phật không cho làm, tuyệt đối không làm, điều đó cũng làm cho tâm thanh tịnh.
Như vậy có ba cách để giữ tâm thanh tịnh. Nếu dùng cách tu Đạo cộng giới thì không cần quan tâm những điều cấm răn của Phật, chỉ cần vâng lời Phật dạy sống với tâm đạo. Tâm đạo là tâm không uẩn khúc, không hai bên. Sống với trực tâm, sống với tâm thiện lương thì đâu có tạo ác nghiệp, ba nghiệp luôn thanh tịnh. Đây là do sống với đạo mà thành tựu giới, gọi là Đạo cộng giới.
Hoặc siêng tu thiền định, tâm lúc nào cũng ở trong định. Cảnh giới thiền định là cảnh thiện lành, tầng thấp nhất là sơ thiền cũng đã phải lìa dục, lìa pháp ác bất thiện mới thể nhập được. Ngay sơ thiền là đã không khởi ác niệm, không đắm mê dục lạc nên đương nhiên không tạo ác nghiệp, không phạm giới. Đây là do thể nhập thiền định mà thành tựu giới, gọi là Định cộng giới.
Cách giữ giới cuối cùng dành cho người sơ cơ, chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong lời Phật dạy, cũng chưa am tường việc thể nhập thiền định, chỉ dựa theo lời dạy trên văn tự của Phật mà hành. Như Phật dạy đệ tử Phật phải có lòng từ bi, thương yêu chúng sanh, đừng sát sanh hại vật. Thế là mình giữ giới không sát sanh, tập thương yêu chúng sanh. Phật dạy không được trộm cắp, dù ngọn cỏ lá cây, nếu người không cho không được lấy, mình vâng làm theo, không sanh tâm trộm cắp của ai. Phật dạy không tà dâm v.v…, liền đúng theo lời Phật dạy mà hành, giữ tất cả những điều căn bản Phật đã răn. Điều này cũng giúp tâm dần thanh tịnh. Tuy chưa được chóng giải thoát, nhưng sẽ được an ổn, rồi dần dần đi đến giải thoát. Đó là nhân giới sanh định, nhưng định phát tuệ.
Phật dạy khi Ngài Niết-bàn rồi, điều tối quan trọng của Tăng Ni là phải giữ giới, giữ tịnh giới. Xem tịnh giới như thầy, như đạo sư. Đó chính là lý do trong các Đại Giới Đàn đều có tấm biểu ngữ lớn “Giới Luật Là Thọ Mạng Của Phật Pháp”, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật diệt là Phật pháp diệt. Câu này là tông chỉ trong đạo Phật. Chư đệ tử kế thừa Phật, từ đời này tiếp đời kia đều nhắc lại những điều răn dạy của Phật.
Giới luật đặt lên hàng đầu, tông đồ của Phật đều phải xem trọng giới luật. Không làm được Đạo cộng giới, Định cộng giới, ít nhất cũng phải giữ được giới văn tự của Phật, giữ cho thật tốt. Như vậy Phật pháp mới còn, Tăng mới còn. Tăng Ni có giữ giới mới xứng đáng là tu sĩ chân chánh. Nếu chỉ cạo đầu, tự xưng con trai con gái dòng họ Thích mà còn đắm mê dục lạc, chạy theo ngũ dục bên ngoài, không vâng giữ lời Phật dạy, phạm các điều giới Phật chế, đó là tự hại mình, tự giết mình, còn làm giảm tuổi thọ của Tăng đoàn. Vì những điều Phật răn dạy đều giúp đệ tử thanh tịnh, nếu không chịu vâng giữ, Phật không bị ảnh hưởng gì, chỉ chính mình tự chịu khổ.
Các chùa ở Trung Quốc thường có xây ao phóng sanh rất lớn, nuôi cá, rùa v.v… được phóng sanh ở đó, chính giữa ao xây đài Quán Âm. Một hôm, có vị Hòa Thượng đến một ngôi chùa, ngang chỗ ao phóng sanh, nhìn cá rùa dưới ao, Ngài bỗng than: “Tăng Ni thật nhiều”.
Do xuất gia mà không thật tâm tu hành, không giữ giới thanh tịnh, chết rồi phải đọa làm cá rùa được phóng sanh trong chùa. Vì không vâng lời Phật dạy mới phải sa đọa vào đường dữ. Phật rõ biết tạo nhân bất thiện phải chịu quả dữ nên mới chế giới để đệ tử không phạm các điều ác, tránh phải đọa vào cõi bất thiện, được sanh cõi lành. Nếu không nghe lời Ngài thì chỉ thiệt thòi cho mình thôi.
Như cha mẹ luôn dạy con những điều hay lẽ phải là vì tình thương, muốn con nên người. Nếu con không nghe lời cha mẹ, làm những việc ác, đến khi bị bắt vô tù, tự mình chịu khổ, cha mẹ dù có đau lòng cũng đâu cứu được! Cũng vậy, mình không nghe lời chỉ dạy của Phật, không giữ tịnh giới, làm các việc ác, phải đọa vào cảnh giới ác, chư Phật Bồ-tát chỉ có thể xót thương mình, chớ đâu thay mình chịu khổ được.
Thế nên, Phật ví giữ tịnh giới như người mù được mắt sáng, người nghèo được của báu. Với người mù, được mắt sáng là thành tựu ước mơ khó có được, với người nghèo, được của báu là hạnh phúc lớn.
Người thế gian sở dĩ chịu nhiều khổ sở vì bị mù, mù nhân quả, không biết nhân quả, không tin nhân quả, tạo ác nghiệp mà không lường được kết quả của nó. Đến khi quả trổ, muốn sửa cũng không kịp, vì nhân đã tạo, quả đã chín, còn thay đổi gì được nữa!
Nhìn chúng sanh đắm mê trong dục lạc, tạo ác nghiệp, mà chư Phật, Bồ-tát xót thương. Vì thỏa mãn cái miệng tham ngon mà sát hại sanh mạng chúng sanh, vì muốn có danh vọng tài sản mà dối gạt người, vì muốn thỏa mãn tính dục mà phạm các lỗi tà hạnh v.v… Đây là những con đường dẫn vào cõi khổ, khó có ngày ra, vậy mà vì không biết, người ta còn háo hức, giành nhau đi trên những đường này.
Đơn giản như việc giết chúng sanh để ăn thịt. Có người nghĩ mình không giết, ai giết sẵn mình ăn thì đâu có tội. Đâu biết khi mình ăn thịt chúng sanh là đã gieo oán với nó rồi. Tất cả chúng sanh đều quý thân mình, dù đó là thân gì, thân gà, thân vịt, thân heo v.v…, đều tự quý thân, xem đó thật là thân mình. Cho nên khi bị giết, người trực tiếp giết bị nó hận đã đành, người ăn thịt nó cũng bị oán hận.
Có chỗ nói: khi chết, thần thức con vật sẽ đi theo thân xác, người ta chiên xào hầm nấu nó sẽ cảm nhận sự đau khổ như đang bị hành hình, nên sẽ oán hận người đang làm thịt nó, ăn thịt nó, hành hạ xác thân nó. Sở dĩ mình bệnh này bệnh kia là do chiêu cảm nghiệp quả giết hại chúng sanh hay ăn thịt chúng sanh mà ra. Dù không giết nhưng ăn thịt người ta cũng là kết oán với người ta.
Như trong thời Phật, lúc vua Lưu Ly giết cả họ Thích Ca, Đức Phật bị nhức đầu ba ngày. Cả họ Thích Ca do ăn thịt con cá, tiền thân vua Lưu Ly, mà nay chịu quả báo bị giết. Đức Phật không ăn, nhưng gõ vào đầu cá ba cái, nên phải bị nhức đầu ba ngày. Bắt cá, làm thịt cá thì chỉ có mấy người, nhưng cả làng cùng ăn, nên khi quả trổ thì cả làng cùng chịu, nhân quả chẳng chừa bỏ ai, con cá oán hận tất cả: người bắt, người giết, người ăn, nó đều trả thù, không bỏ sót ai.
Chúng sanh đều thương thân mình, ai hại nó, ăn thịt nó, đương nhiên nó oán, khi có cơ hội tự nhiên sẽ trả thù.
Thế nên, nhìn ra thế gian, thấy người tạo ác nghiệp mà mình xót thương, họ như người mù không thấy đường, đi vào đường hiểm mà không hay không biết!
Mình được theo Phật, hiểu nhân quả, biết luật luân hồi, như người mù được chữa sáng. Trước đây mình cũng mù, cũng không biết nhân quả, tự tạo ác nghiệp, đi trên con đường dữ mà không hay, còn vui vẻ khi tạo nghiệp nữa. Khi ăn thịt chúng sanh còn hớn hở vui mừng, tấm tắc khen ngon, ăn không biết chán, vui vẻ trong sự đau khổ của chúng sanh. Bây giờ đến với đạo Phật, nhờ Đức Phật chỉ dạy, mình biết nhân biết quả, biết những việc ác mình làm phải chịu quả dữ như thế nào, biết chúng sanh khi bị sát hại đau khổ như thế nào, mình khởi được tình thương đối với chúng sanh. Nên nói Đức Phật như vị Đại lương y, trị bệnh mù cho chúng sanh, giúp mình hiểu được nhân quả, không còn đi vào những con đường sai lầm nữa.
Ngày xưa không biết, mình toàn xài phước, khi hưởng thụ chính là đang xài phước cũ đã gieo trước đó, không biết tạo phước mới. Giờ được học Phật pháp, mình biết kiệm phước đã có, lại tạo thêm phước mới, đồng thời ba nghiệp thanh tịnh, vừa làm phước vừa thanh tịnh, nên khi phúc báo trổ, mình được hưởng trọn vẹn.
Còn những người chưa được học Phật pháp, tuy có vị tạo phước rất nhiều, nhưng đồng thời cũng tạo ác nghiệp, như mắng chửi người, kiếm tiền phi pháp, sát hại chúng sanh v.v… Đến khi hưởng phúc báo họ không được hưởng trọn vẹn, mà hưởng phước trong những cõi dưới.
Đó là sự khác nhau giữa người biết tu tạo phước và người không biết tu tạo phước. Người biết tu tạo phước làm thiện với tâm từ bi, tâm hỷ xả, tâm biết ơn. Người không biết tu tạo phước với tâm ngã mạn, tâm cầu danh. Người biết tu khi bố thí không thấy người nhận là người phải thọ ơn mình, ngược lại còn biết ơn họ vì họ đã chịu nhận vật thí, giúp mình tạo được phước lành, hành được hạnh bố thí, không có tâm ngạo mạn, khinh người nên được hưởng trọn vẹn phúc báo.
Nhờ Phật chỉ dạy mà mình biết được việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Còn người thế gian không hiểu được nên dù làm phước, phước họ có được cũng không trọn vẹn.
Trong Kinh Thập Thiện, Đức Phật dạy giữ mười điều thiện mà thực hành bố thí. Nghĩa là khi bố thí ba nghiệp phải thanh tịnh. Nếu bố thí mà ba nghiệp không thanh tịnh thì phúc báo sẽ không được hưởng ở cõi trời người. Đó là sự khác nhau giữa người hiểu được Phật pháp và người không biết Phật pháp.
Thế nên, Đức Phật dạy chúng ta xem tịnh giới như thầy mình, như Đức Phật đang ở cạnh mình. Giữ tịnh giới sẽ có lợi cho mình, như người mù được mắt sáng, người nghèo được của báu.
Người trì giới chẳng được mua bán đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ, súc vật, không được trồng trọt, không được kinh doanh tài bảo. Tránh tất cả những điều này như tránh hố lửa. Không được chặt phá cây cỏ, đào cuốt đất đai.
Ở đây Đức Phật dạy kỹ hơn, nhiều hơn so với giới điều mà mình đã lãnh thọ. Điều này giúp cho sự giữ giới của mình đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn, thanh tịnh hơn.
Là người tu thì không được buôn bán đổi chác. Vì khi buôn bán đổi chác tự nhiên sẽ nghĩ tới lợi nhuận, tâm tham sẽ khởi. Mà tâm tham luôn đi với tâm sân, tham không được là nổi sân. Hai tâm này ảnh hưởng đến việc tu tập của mình. Thế nên người tu không nên buôn bán đổi chác.
Trước đây kinh tế nước nhà còn nghèo, Phật tử không có dư để cúng dường Tăng Ni, quý thầy quý cô phải tự làm kinh tế kiếm sống. Có vị khi làm tốt, kiếm được nhiều tiền cho chùa liền sanh tâm khinh mạn, xem thường huynh đệ khác. Hoặc khi buôn bán qua lại với người đời, vì lợi mà xảy ra cự cãi, tranh chấp v.v…, rất nhiều phiền não theo đó phát sanh khiến sự tu tập của Tăng Ni bị ảnh hưởng.
Thế nên Đức Thế Tôn không muốn người tu mất ngày giờ vào việc này. Hơn nữa, khi đã tham gia buôn bán thì tâm không còn thanh tịnh, không thể có được Đạo cộng giới hay Định cộng giới.
Không được sắm sửa đất nhà.
Đời người trôi qua rất nhanh, ai sanh ra rồi sớm muộn cũng chết. Thời gian sống không bao nhiêu, sao phải sắm sửa đất nhà, đắm mê trong đó. Cất nhà cho đẹp, đến khi chết không chịu đi thọ sanh, ở đó làm bóng ma gìn giữ ngôi nhà. Vì thông thường có tài sản là tâm hay sanh đắm mê.
Một Tỳ-kheo rất thích cái bát bằng ngọc của mình, lúc nào cũng đem theo, tọa thiền cũng để bát kế bên. Hôm đó, thọ mạng Ngài hết, quỷ vô thường đến để bắt Ngài đi, nhưng tìm mãi không thấy Ngài đâu, vì Ngài đang nhập định sâu, tâm lặng lẽ thanh tịnh, nên quỷ không nhìn thấy được. Thần thổ địa bày cho quỷ vô thường đụng vào cái bát của Ngài, vừa nghe tiếng bát khua Ngài liền xuất định. Quỷ vô thường thấy được Ngài, mừng rỡ định bắt Ngài đi, ngay khi đó Ngài đập vỡ bát rồi nhập định lại. Quỷ vô thường đành bỏ đi vì lại không tìm thấy được Ngài. Vì còn ưa thích bát ngọc nên tâm Ngài còn vướng bận, chưa thực sự giải thoát. Chỉ đến khi mạnh dạn đập vỡ bát đi, lòng vương vấn không còn mới thực sự được tự tại.
Đắm mê cái gì thì chính cái đó trói buộc mình. Thời Phật có một chú Sa-di thích ăn váng sữa, khi mất chú thọ sanh làm con dòi trong váng sữa, nhờ Phật khai thị mới thoát được kiếp dòi. Một chú Sa-di khác thích ca-sa mới được cúng của mình, ngay lúc đó qua đời liền thành con rệp trong bần bà, cũng nhờ Phật khai thị mới giác ngộ mà chuyển sanh làm người. Một cô gái trẻ đẹp, rất yêu thích nhan sắc của mình nhưng qua đời sớm, cô sanh làm con dòi bò qua lại trên gương mặt của mình.
Thế nên Phật không cho Tăng Ni sắm sửa đất nhà để không bị tài sản thế gian ràng buộc.
Không được nuôi người, tôi tớ.
Có những chùa làm từ thiện, nuôi người già không nơi nương tựa, hay nuôi trẻ mồ côi không cha mẹ chăm sóc. Đây là tâm từ bi của người tu. Tuy nhiên, nuôi người già, trẻ nhỏ sẽ rất bận rộn. Trẻ chưa tự biết chăm sóc, mọi việc mình đều phải làm thay, theo sát để lo lắng, hướng dẫn, nhắc nhỡ, nên rất cực. Còn người già mất khả năng tự chăm lo, mình cũng phải lo thay các vị. Bận rộn như vậy nên không còn ngày giờ để tu học. Nếu chọn công việc này là hành hạnh Bồ-tát, hy sinh sự tu tập của mình để làm thành cho chúng sanh. Nhưng Kinh này là kinh Nguyên thủy, Đức Phật khuyến khích sự tự tu nhiều hơn, nếu nuôi người già, trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự dụng công của mình.
Tôi tớ thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội. Người xuất gia hành hạnh bình đẳng, không thể nuôi tôi tớ hầu hạ mình, xem mình cao quý hơn người.
Thời phong kiến, vua chúa quan lại hay cúng tôi tớ vào chùa thay mình làm công quả, gánh vác những việc nặng nhọc trong chùa để quý thầy quý cô có ngày giờ tu hành. Nhưng Tăng Ni không xem những vị ấy là nô bộc, gọi trân trọng bằng từ “đạo nhân”, nghĩa là người hành đạo, cư xử như bạn đồng đạo của mình. Các vị ấy tuy không được xuất gia, nhưng cũng không bị đối xử như tôi tớ. Thời bây giờ hiện tượng này không còn, chỉ có Phật tử tự nguyện phát tâm vô chùa làm công quả, làm những việc trong khả năng của mình để giúp quý thầy quý cô có thêm ngày giờ tu tập. Những trường hợp như vậy không phải là nuôi tôi tớ.
Không nuôi súc vật.
Nuôi thì phải chăm, đâu thể bỏ bê. Súc vật như trẻ em, không thể tự chăm sóc, mọi thứ mình phải lo, vậy là mất ngày giờ tu hành. Hơn nữa, thời Phật, Tăng Ni hành pháp khắp nơi, không ở một chỗ, nếu nuôi súc vật, không lẽ đi đâu cũng dẫn theo! Đi khất thực xin một bát cho mình đã khó, làm sao có thể mở miệng xin thí chủ cho thêm để nuôi chó mèo? Còn thời bây giờ Tăng Ni có chùa, có tài sản chung, nên nhiều khi nuôi chó để nó báo động khi có người lạ vào chùa, nuôi mèo để không bị chuột cắn phá đồ đạc, thức ăn uống v.v…, hay nuôi cá rùa, những con vật được phóng sanh để bảo vệ sinh mạng cho chúng. Ngoài những con vật cần thiết ra, người tu không nuôi những con vật khác để mua vui như chim cảnh v.v…
Không được trồng trọt.
Thời bây giờ Tăng Ni có chùa, có đất đai, nên không thể không trồng trọt. Vào thời điểm khó khăn, Tăng Ni còn phải làm ruộng, trồng rẫy, trồng cây ăn trái v.v… Đã trồng trọt thì không tránh khỏi sát sanh hại vật, mỗi lần xịt thuốc sâu rầy là mỗi lần quý thầy cô thấy đau lòng, biết là tổn thương lòng từ của mình nhưng lại không thể không làm, vô cùng mâu thuẫn. May là bây giờ thí chủ cúng dường đủ sống, người tu không phải trồng trọt nữa, chỉ chăm sóc ít cây kiểng, không phải dùng đến thuốc trừ sâu, không còn bị dằn vặt nữa. Đó là lí do tại sao Phật không cho Tăng Ni trồng trọt, vừa mất ngày giờ vừa ảnh hưởng lòng từ.
Không được kinh doanh tài bảo.
Điều này cũng giống như buôn bán đổi chác. Đức Phật vì muốn Tăng Ni tu hành thanh tịnh nên không cho vướng vào những điều này, có lợi hại là sẽ có tham sân, có trói buộc.
Tránh tất cả những điều này như tránh hố lửa.
Lửa chỉ đốt thân tứ đại này, còn những điều trên đốt tâm đạo mình, đốt mình thẳng xuống ba đường dữ, không biết chừng nào mới ra khỏi!
Không được chặt phá cây cỏ.
Cây cỏ là chỗ ở của quỷ thần hoặc phi nhân, nếu chặt phá thì không khác gì phá nhà người ta. Tuy họ không làm gì mình được, nhưng họ sẽ oán giận mình. Sau này, khi nhân duyên hội ngộ đủ họ sẽ trả thù.
Không được đào cuốt đất đai.
Trong đất có côn trùng, khi đào cuốt sẽ làm tổn thương chúng. Phật không muốn người tu làm những việc ác đó. Bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng mới phạm lỗi này, có thể tránh được thì nên tránh, tổn thương chúng sanh không phải là bản ý của người tu.
Không được điều chế thuốc thang, không được coi tướng, xem thiên văn, tính lịch số.
Những việc này tuy không ác, không làm hại chúng sanh, nhưng lại ảnh hưởng sự tu. Như chế thuốc thang là làm thuốc cứu người, tại sao Phật không cho làm? Vì mất ngày giờ, không có ngày giờ tu hành. Ở ngoài đời mình có bất cứ nghề nghiệp gì, vào chùa đều không dùng nữa, vì nếu còn hành nghề thì không có ngày giờ tham thiền học đạo.
Tuy nhiên, nếu mình chọn con đường Bồ-tát, trị bệnh cho người là thuộc về Y phương minh. Có thể lấy việc trị bệnh làm sự tu tập. Như ở Trung Quốc có một Ni Sư, khi chưa xuất gia là một bác sĩ đông y. Sau cha mẹ qua đời, cô xuất gia theo Phật, dùng nghề y phục vụ chúng sanh. Khi người bệnh cần, dù ngày hay đêm, thời tiết tốt hay xấu, cô đều hoan hỉ đến bên người bệnh. Thậm chí với những người bị bệnh truyền nhiễm, cô cũng không phân biệt đối xử, vẫn trực tiếp gần gũi trị bệnh cho họ, không để bệnh nhân sanh tâm mặc cảm, tủi hổ. Khi sắp tịch, cô dặn chúng để thi thể trong 7 ngày, nếu không rã thì để lại thờ. Và thật vậy, cô đã để lại nhục thân xá lợi làm phước điền cho người sau.
Như vậy, tu theo Đại thừa thì chỉ cần giữ được tâm, dùng cách tu nào cũng đều thích hợp, phụng sự chúng sanh càng nhiều càng tốt, vì đó là bản nguyện của Bồ-tát. Còn Kinh Di Giáo đây Đức Phật chủ yếu dạy cho Thanh Văn, tự tu là chánh, phụng sự chúng sanh là phụ. Đi theo con đường Bồ-tát, cái gì có lợi cho chúng sanh thì làm, miễn không vì đó mà mất mình, vì đối với Bồ-tát, phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật. Lấy việc lo cho chúng sanh làm sự tu tập của mình.
Không được coi bói tướng, xem thiên văn, tính lịch số.
Người tu khi tâm thanh tịnh dễ sanh thần thông, biết được quá khứ vị lai, biết được vận hạnh tốt xấu của người khác. Nhưng nếu dùng nó để xem cho người thì cuộc sống tu hành của mình sẽ bị rối loạn, không còn được yên.
Người thế gian rất thích xem bói, xem tướng, nếu biết mình biết xem, họ sẽ kéo đến càng ngày càng nhiều, đời sống tu hành thanh tịnh của mình sẽ bị ảnh hưởng. Huống chi người xưa có câu “thiên cơ bất khả lậu”, nếu mình chỉ cho người việc kiết hung, tức là tham gia vào quả báo của người khác, thì mình phải chịu cộng nghiệp với họ.
Ví dụ có người mắc nợ bị chủ nợ đòi, mình đứng ra bênh vực người thiếu nợ, người chủ nợ tự nhiên sẽ thù lây mình vì cản người ta đòi nợ. Như Hòa Thượng Tuyên Hóa, Ngài có nhiều năng lực thù diệu có thể trị bệnh cho người, nhưng hiếm khi làm. Chỉ khi người bệnh hết sức thiết tha, chí thành cầu khẩn, Ngài mới trị, với điều kiện người bệnh phải thành tâm sám hối, làm các việc thiện bù đắp lại lỗi lầm của mình. Bởi vì khi trị bệnh cho người là mình đã xen vào nhân quả của người, xen vào ân oán của người, mình phải gánh chịu phần lỗi đó.
Thế nên việc xem tướng, đoán số v.v…, dù biết cũng không nên làm. Hiện nay dịch bệnh covid hoành hành khắp thế giới, các vị Bồ-tát, Thánh Hiền Tăng dù có thần thông có thể cứu chúng sanh, nhưng các Ngài không làm, vì đây là quả báo mà chúng sanh phải chịu, không thể tùy tiện xen vào.
Thời Phật, lúc quả ác trổ, tộc Thích Ca phải chịu diệt vong, Đức Phật không xen vào, Ngài chỉ cản vua Lưu Ly ba lần chỉ để tỏ một chút tấm lòng với dòng tộc, vì Ngài biết rằng không ngăn được dòng nhân quả vận hành. Ngài Mục-kiền-liên thương xót thân nhân Phật, dùng thần thông giấu một số vị vào bát của mình, đặt trên hư không. Nhưng qua ngày sau, mở bát ra chỉ toàn là máu, không cứu được ai cả. Thế nên biết, thần thông không qua được nghiệp lực.
Chư Phật, Bồ-tát không phải không thương chúng sanh, không muốn cứu chúng sanh, nhưng quả báo khi đã trổ thì không làm gì được nữa. Người tu có thể biết trước một số việc, nhưng không thể xen vào, chỉ có thể khuyên người làm lành lánh dữ. Nếu biết ai đó sắp phải chịu quả ác, chỉ nên khuyên họ cố gắng làm phước để nếu có thể giảm được thì giảm. Không thể lấy khả năng biết trước của mình mà xen vào nhân quả của người, cản sự vận hành của nhân quả, chẳng những không được gì mà mình còn phải chịu lỗi.
Thiền sư Tri Thánh có năng lực biết quá khứ vị lai. Vua biết khả năng Ngài nên khi sắp đi đánh giặc muốn đến thỉnh ý Ngài để rõ kiết hung. Ngài biết trước ý định của vua nên ngay đêm đó liền thị tịch, vì không muốn tham gia vào nhân quả của người.
Những vị tu hành chân chánh luôn vâng lời dạy của Phật. Đức Phật không cho coi bói, xem tướng v.v…, thì dù có khả năng cũng không làm. Những việc này không thích hợp với người tu, tuy không có tội nhưng không thích hợp, ảnh hưởng đến sự tu tập của mình.
Phải ăn uống tiết độ, đúng giờ; nếp sống thanh tịnh.
Phật dạy ăn phải tiết độ. Người tu chỉ ăn tám phần, không ăn đến quá no, chỉ vừa nghe no là dừng lại. Sức ăn đến đâu chỉ ăn đến đó, không ăn nhiều hơn, không ăn đến quá no, dù gặp món ngon. Đó là ăn tiết độ.
Ăn đúng giờ là chỉ ăn vào giờ cố định, không phải lúc nào cũng ăn, miệng nhai cả ngày. Ăn như vậy sức khỏe mới tốt.
Sống thanh tịnh là nuôi mạng sống trong sạch (chánh mạng). Chánh mạng của người tu là khất thực, nhận của thí chủ mà sống, không tự làm ra tài sản. Chịu mắc nợ thí chủ để hoàn thiện sự tu tập của mình.
Không được tham dự thế sự, lãnh sứ mạng liên lạc.
Người tu không tham gia vào việc thế gian. Thời nay, Tăng Ni có tham gia làm đại biểu quốc hội, nhưng các vị thường không thích, chỉ vì lợi ích cho Tăng đoàn bất đắc dĩ mới làm, hi sinh cá nhân để thành tựu cho đoàn thể, không phải có tâm muốn có chức vụ trong xã hội, chỉ vì hoàn cảnh phải làm nên làm thôi. Người tu tham dự thế sự rất mệt, ảnh hưởng đến sự tu tập của mình.
Không được lãnh sứ mạng liên lạc. Thời xưa, người tu vân du khắp nơi để hóa độ, kết duyên với chúng sanh, vì lẽ đó thí chủ hay nhờ nhân tiện đưa thư giùm. Phật không cho làm vì không muốn Tăng Ni gặp chuyện rắc rối. Bây giờ việc liên lạc trên thế giới đã quá thuận tiện, nên lời răn này của Phật, mình dễ dàng giữ được.
Không được làm chú thuật, chế thuốc tiên. Không được giao hảo với người quyền quý, giàu có và kẻ khinh mạn.
Không được làm chú thuật, chế thuốc tiên. Đạo Lão hay có việc chế thuốc tiên, Phật giáo không thịnh hành việc này. Nhưng chú thuật thì đạo Phật có rất nhiều, và rất mạnh. Tuy vậy, Phật dạy người tu dùng thần chú để tự tu chứ không dùng vào việc thế gian. Thần chú là tên của các vị quỷ thần có oai lực lớn. Khi tu đến một mức độ nào đó có thể sai khiến được quỷ thần, mà quỷ thần thì có thần thông. Nếu dùng đó để làm ác thì rất đáng sợ.
Ở Việt Nam có một Thiền Sư, trước khi xuất gia là con một pháp sư. Cha Ngài đấu pháp với một pháp sư khác, thua cuộc bị đánh chết. Mang hận trong lòng, Ngài quyết trả thù. Biết thần chú của Phật giáo rất mạnh, Ngài đã trì chú Đại bi suốt ba năm ròng, và có được thần lực mạnh mẽ. Ngài đã dùng thần lực này đánh chết pháp sư đã giết cha Ngài. Tuy nhiên, sau khi tạo ác nghiệp này rồi Ngài sanh tâm hối hận, quyết định xuất gia tu hành, thành tâm sám hối lỗi lầm đã phạm, tinh tấn tu tập, sau này trở thành một vị Cao Tăng của Phật giáo Việt Nam.
Thần chú của chư Phật Bồ-tát vô cùng mạnh mẽ, nếu dùng năng lực này tạo ác nghiệp thì nghiệp ác cũng sẽ lớn vô cùng. Do đó, Phật không cho đệ tử dùng chú thuật vào chuyện thế gian, chỉ được dùng để tu hành. Trì chú để tâm thanh tịnh, tương ứng được với tâm chư Phật Bồ-tát, chứ không phải trì chú để cầu thần thông, rồi dùng đó tạo ác nghiệp.
Giao hảo với người có quyền thế, chức tước sẽ không tốt cho sự tu. Vì phần lớn những vị này thường có tâm cao ngạo, giao hảo với họ mình phải thấp mình, hèn hạ, cầu cạnh. Gần gũi với họ tuy có thể khiến cho mình có được một chút danh lợi, nhưng cũng sẽ bắt chước họ ngạo mạn với người thấp kém hơn mình.
Người có tiền, có quyền hay đòi hỏi người khác chiều chuộng. Có một Phật tử giàu có, đem một trăm lượng vàng đến cúng cho một Thiền sư. Thưa:
– Bạch Hòa Thượng, con cúng một trăm lượng vàng.
Ngài đáp: – Ừ, ta biết rồi.
Phật tử đó không hài lòng với thái độ bình thường đó, nên nhắc lại:
– Bạch Ngài, đó là một trăm lượng.
Hòa Thượng vẫn thản nhiên nói:
– Ta biết rồi.
Phật tử đó tiếp tục nhấn mạnh một lần nữa:
– Là một trăm lượng vàng!
Hòa Thượng hỏi:
– Ý ông muốn ta cảm ơn phải không?
– Dạ vâng! Con cúng đến một trăm lượng, Hòa Thượng phải cảm ơn con chứ.
Hòa Thượng hỏi lại:
– Tại sao ta phải cảm ơn ông? Phải là ông cảm ơn ta mới đúng. Ta nhận của ông là giúp ông gieo ruộng phước, ông không biết ơn ta lại muốn ta cảm ơn ông, không phải là vô lý sao?
Đây là cách nhìn của một Cao Tăng thấu hiểu lý nhân quả.
Một Thiền sư khác, những người quyền cao chức trọng đến thăm, khi ra về Ngài không tiễn đưa. Ngược lại với người nghèo, Ngài đưa ra tận cổng.
Các Ngài không có tâm cầu cạnh người quyền quý, bất cứ ai đến đều bình đẳng xem họ là những người cầu pháp, không vồn vập tiếp đón, cũng không lãnh đạm xa cách.
Cho nên, vì tâm đạo của mình, không nên giao hảo, thân thiết với người quyền quý. Vì gần gũi thân thiết với họ, tính cách mình sẽ bị thay đổi, trở nên hèn hạ với người quyền thế và ngạo mạn với dân thường. Người tu chân chánh không còn tâm mong cầu, nên không cần kết giao với người quyền thế để cầu lợi danh cho mình. Xem tất cả Phật tử đều như nhau, không trọng người giàu, cũng không khinh kẻ nghèo.
Phải tự giữ tâm, chân chánh cầu đạo giải thoát, không được chứa chấp lỗi lầm, hiển bày sự lạ để mê hoặc người.
Đối với người tu, điều đầu tiên là phải giữ tâm. Trên Phật dạy giữ giới, đến đây Phật dạy giữ tâm. Vì giữ giới nếu giữ ngay tâm thì giới mới thật sự trọn vẹn. Nếu vì sợ tội, chỉ giữ ở thân miệng chớ tâm không thật sự hiền, thì sớm muộn gì cũng sẽ tạo tội. Gặp phải những hoàn cảnh quá nghịch, không dằn được, không nhớ được thì sẽ dễ phạm tội, vì tâm không hiền. Cho nên làm sao cho tâm mình đủ hiền, đủ lòng từ, đủ sáng suốt thì dù được gặp Phật pháp hay không đủ duyên gặp Phật pháp mình vẫn sẽ hiền, vẫn có thể tự tu tập.
Như các vị Phật Độc Giác, vì những đời quá khứ các Ngài tu tập tốt, đã huân tập Phật pháp đủ mạnh, nên dù sinh ở giữa hai thời Phật, không có Phật pháp, nhưng thói quen tu tập vẫn còn, không bị đắm vào ngoại cảnh, thấy được lý vô thường của vạn pháp. Các pháp do nhân duyên hòa hợp là chân lý vĩnh cửu, là quy luật hình thành vũ trụ đất trời. Tất cả pháp hữu vi đều vậy, do nhân duyên hòa hợp mà thành, không có chủ tể thật. Dù Phật ra đời hay không ra đời, đây đều là chân lý. Các vị Phật Độc Giác nhận ra chân lý đó mà giác ngộ, không nhờ thầy dạy mà tự nhận biết, tự giác ngộ nên gọi là Độc Giác, nghĩa là giác ngộ một mình. Sở dĩ các Ngài được như vậy vì quá khứ từng tu, từng có chánh kiến, nên dù không gặp Phật pháp vẫn đi tiếp con đường đã đi.
Chúng ta giờ có nhân duyên được gặp Phật pháp phải giữ tâm mình. Giữ giới cũng giữ từ tâm, tu cũng tu từ tâm. Tâm quyết định tất cả, nên Phật dạy phải giữ tâm. Tâm mình phải tự mình giữ, không ai giữ thay được. Người ngoài chỉ có thể thấy lỗi trên thân miệng mình, không thể thấy được lỗi trong tâm mình. Có người khéo che giấu, trước mặt mọi người tỏ ra hiền lành, sau lưng làm rất nhiều điều ác. Hoặc có người không làm gì ác, nhưng tâm không thật sự hiền. Người khác không biết được, chỉ có bản thân mình biết rõ mình như thế nào, hiền hay không hiền.
Cổ đức có dạy: Không ai làm thầy mình tốt bằng mình tự làm thầy mình. Không ai dạy mình thành công bằng tự mình dạy mình. Nếu người dạy mình không nghe thì có ích gì? Khi nhận được đâu là lẽ chánh, đâu là điều tà, tự nhiên mình sẽ sửa đổi những sai lầm trước đó. Chỉ có mình tự biết mình dở chỗ nào để tự thay đổi, tự sửa chữa, người khác không thấy được lỗi trong tâm mình. Không ai có đủ lực để xen vào sự sửa đổi của mình. Nên Phật mới dạy phải tự giữ tâm là vậy.
Chân chánh cầu đạo giải thoát.
Mục đích của người tu là cầu giải thoát, nhưng phải là sự giải thoát chân chánh, không cầu tà giải thoát. Tà giải thoát là tìm sự giải thoát không theo nhân quả. Muốn giải thoát thì đừng cố chấp. Sở dĩ mình không được giải thoát là vì nắm quá chặt, tự mình trói mình, nên muốn giải thoát phải gỡ bỏ tâm chấp mê, tâm bám víu đó. Như vậy mới là cầu giải thoát đúng với nhân quả.
Bị trói phải tự cởi trói, còn làm những việc khác bên ngoài đều không giải thoát được. Như lạy Phật, niệm Phật mà vẫn chấp mê thì đâu giải thoát được! Lạy Phật đến mòn trán, niệm Phật đến mòn miệng, mà tâm chấp không buông vẫn không thể giải thoát. Giải thoát là nhờ buông xả mà được, đâu phải nhờ lạy Phật, niệm Phật!
Mã Tổ Đạo Nhất lúc chưa giác ngộ thường ngồi thiền, Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng thấy hỏi:
– Ông ngồi thiền để làm gì?
– Con cầu thành Phật.
Phật ngồi thiền thành đạo nên Ngài nói ngồi thiền để cầu thành Phật là đúng rồi.
Hôm sau, Tổ đem một cục gạch đến mài trên tảng đá trước mặt. Đạo Nhất thắc mắc hỏi:
– Hòa Thượng mài gạch để làm gì?
– Để làm gương.
– Gạch làm sao làm gương được?
Đồng mài láng có thể soi được bóng nên mài đồng làm gương thì được, còn gạch dù có mài đến mòn cũng không thể thành gương, vì bản chất nó là đục, đâu thể làm thành sáng như gương được.
Tổ bảo:
– Ông ngồi thiền cũng đâu thể thành Phật được!
Đạo Nhất ngơ ngác không hiểu, Tổ khai thị:
– Như trâu kéo xe, xe không đi, ông đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?
Ngay đó Đạo Nhất nhận được ý chỉ.
Thành Phật là thành trong tâm, khi tâm không còn vướng mắc, không còn chấp mê, tự mình mở sự ràng buộc cho mình, sống trở lại với tự tánh, đó là thành Phật. Ở trên thân này dụng công, đâu thể thành Phật được!
Đức Phật thành đạo đâu phải thành trên thân, đâu phải do ngồi thiền mà thành đạo, mà do Ngài đã phá được ma quân. Ma quân là những chấp trước trong tâm. Phật nhận ra được cái gì quyết định sanh tử của mình, Ngài nói: Ta đã biết được người làm nhà, từ nay không ai có thể xây nhà cho Ta được nữa. Người làm nhà là sự ái ngã, chấp ngã. Phật đã nhận ra nguyên nhân khiến mình sanh tử luân hồi, buông bỏ nó thì ngay đó giải thoát, không phải do ngồi thiền được giải thoát.
Ngồi thiền chỉ là phương tiện, giả sử không ngồi thiền, ngồi chơi thôi, nhưng tâm không còn đắm chấp vẫn là thành đạo. Còn ngồi thiền mà chấp đủ thứ thì không thể thành Phật được.
Chúng ta hiểu đúng nghĩa giải thoát sẽ không tìm cầu giải thoát một cách sai lầm. Có người hiểu lầm giải thoát là phải ngồi thiền hoài, cho rằng ngồi thiền mới đắc đạo. Người tàn tật không chân, người bệnh khớp v.v…, không thể ngồi thiền được, chẳng lẽ họ không thể giác ngộ, không thể nhận được Phật tánh sao? Người mù không thể đọc kinh, người điếc không thể nghe giảng, vậy họ không tu được sao? Cái bên ngoài không dính dáng gì đến tâm mình.
Cầu giải thoát chân chánh là phải thấy đúng nhân quả của nó.
Phật luôn dạy sống trở lại tâm chân thật, bỏ những cái không phải là mình mà lâu nay vì mê lầm mình đã chấp vào đó. Bỏ được những cái đó mới thật sự giải thoát.
Lạy Phật có phúc báo, vì đó là hành động biết ơn, Đức Phật là vị Đạo Sư giáo hóa mình, đem đến cho mình sự lợi ích rất lớn. Ơn lớn đó đáng để mình kính lễ. Biết nhớ ơn nên mình được phúc. Nhưng lạy Phật không phải là nhân để được giải thoát.
Trước khi lạy Phật có câu tụng: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”. Nghĩa là vị nhận lễ và người hành lễ tự tánh đều rỗng lặng. Lễ như vậy mới là đúng, còn lễ mà tâm còn mong cầu giải thoát, ngay tâm mong cầu đó là đã sai. Như Mã Tổ lúc chưa ngộ đạo nói: “Ngồi thiền để cầu làm Phật”, ngay đó là sai rồi.
Cho nên, làm bất cứ việc gì, tu bất cứ pháp môn nào đều là vì để trở lại với tự tâm, sống trở lại với chính mình, đó mới là chân chánh giải thoát. Còn bất cứ pháp gì nhìn ra ngoài, cầu bên ngoài đều không phải. Hiểu như vậy sẽ không bị vướng kẹt vào các công phu trên thân. Thân làm bất cứ việc gì cũng có thể giải thoát, không phải đợi lễ Phật, tọa thiền, tụng kinh mới giải thoát. Nếu lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền mà chấp tướng cũng không giải thoát được. Ngược lại, làm việc gì cũng không chấp, dù không lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền vẫn được giải thoát. Lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền để trợ duyên cho sự tu tập, chớ không phải là pháp quyết định. Quyết định là ở tâm, tâm còn vướng mắc hay không, còn mê lầm hay không, còn tà kiến hay không?
Không được chứa chấp lỗi lầm.
Tạo lỗi không dám nhận, dối mình dối người, làm sao chịu buông bỏ? Đó là sự chấp ngã rất lớn, làm sao giải thoát được? Thế nên Phật dạy đừng giấu lỗi mình. Có lỗi phải mạnh dạn chấp nhận, có chấp nhận mới buông bỏ được.
Khi nổi sân, nếu đổ thừa cho nhân duyên bên ngoài, cho rằng vì người ta xúc phạm mình mới nổi sân. Như vậy là không chấp nhận cái nổi sân là sai lầm. Là người biết tu, dù ai làm gì cũng đều không nổi sân, chính cái nổi sân là biểu hiện sự chấp ngã. Còn thấy đây là ta, người kia xúc phạm đến ta v.v… là còn chấp ngã.
Xét kỹ lại, đâu có ai xúc phạm được đến tự tánh mình, chỉ có thể xúc phạm trên thân ngũ uẩn này, vì còn chấp thân ngũ ấm là mình nên mới nổi sân. Nổi sân ngay đó là lầm, lầm cho thân này là thật, cho thân này là mình. Nếu khéo tu phải nhận được lỗi mình ở đâu, đối với các pháp không vướng mắc, khéo gỡ bỏ mọi dính kẹt trong tâm, vì hễ còn dính mắc là còn lỗi lầm.
Không được hiển bày sự lạ để mê hoặc người.
Khi tu có thể có những hiện tượng lạ. Như ngồi thiền có thể có những cảnh giới khinh an, đó là chuyện đương nhiên. Tâm vốn rất vi diệu, những biến hiện của nó nhiều vô tận. Nên có người ngồi thiền thấy như đang bay bổng, hay có thể đi xuyên qua tường, hoặc đến được các cảnh giới của Phật, Bồ-tát v.v… , rất nhiều cảnh giới lành, cảnh giới đẹp hiện ra. Nếu lấy đó làm chỗ khoe khoang, cho rằng mình tu giỏi tu tốt, ngay đó là ngã sanh, những gì có được cũng sẽ theo đó mất.
Cảnh khinh an có được khi tu là việc rất bình thường, nếu chấp vào đó thì ngay đó sự tu sẽ chựng lại, thậm chí còn lui sụt. Cảnh khinh an chỉ là một trong rất nhiều diệu dụng của tâm, là tướng trạng sanh ra từ tự tánh, không phải thật là tự tánh. Nếu đắm mê vào đó sẽ làm mình dính kẹt. Người đắc các quả thiền, nếu khoe khoang thì ngay đó liền mất, mất vì tâm đã sanh dính mắc, không còn tương ưng với cảnh giới của thiền. Sở dĩ khinh an vì tâm lặng lẽ, thanh tịnh, nếu khởi vui thích, đắm mê, tâm liền dấy động, cảnh khinh an theo đó mất. Nhiều người không hiểu tưởng rằng do nói ra nên mất linh. Không có vấn đề linh hay không linh, mà do tâm mình kẹt hay không kẹt. Khi kẹt dính là tâm không còn tương ưng với cảnh giới đó nữa, vừa chấp là tâm liền mất thanh tịnh, cảnh khinh an tự nhiên đâu thể có lại được!
Khi tu, bất cứ cảnh gì đến đều thấy là bình thường thì sẽ không bị ảnh hưởng. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy khi dụng công thấy cảnh khinh an hiện ra nếu cho là bình thường thì đó sẽ là thắng cảnh, còn nghĩ chứng đắc sẽ rơi vào cảnh giới ma. Ma đây chính là tâm chấp của mình chiêu cảm nên, nó khiến tâm mình rối loạn, việc tu bị chướng ngại.
Do đó, ngay cả khi mình tu có những sự lạ còn không nên rêu rao, huống nữa là không có mà tự đặt, khiến người khác tưởng mình tu giỏi. Những điều đó chỉ làm vướng bận sự tu tập của chính mình mà thôi.
Khi tu chỉ lo phần tu của mình, đừng quan tâm người khác quý hay không quý mình. Người quý mình không làm mình giỏi hơn, người chê mình không làm mình dở đi. Giỏi hay dở là tự nơi mình. Sự tu của mình đâu cần ai chứng minh và cũng không ai ảnh hưởng được. Vậy đâu cần thiết phải làm những việc lạ để mê hoặc người! Mục đích của mê hoặc người là để cầu danh, cầu lợi. Người xuất gia chân chánh là từ bỏ danh lợi, cầu sự giải thoát tự tại, không muốn bị trói buộc trong sanh tử luân hồi. Nếu còn cầu danh lợi thì ở ngoài thế gian mà cầu, cạo tóc xuất gia vô chùa làm gì? Nêu bày sự lạ để mê hoặc người thì có ích gì? Chỉ khi tâm còn cầu danh lợi mới làm như vậy để mong người ta thích mình, quý mình, cúng dường mình. Ngay đó là đã trái với tâm hạnh người tu, trái với ý nguyện cầu giải thoát của người xuất gia.
Ở đây Phật nhắc nhỡ Tăng Ni không nên hiển bày sự lạ để mê hoặc người. Mình cũng nên tự nhắc nhỡ, đã tu rồi thì không cần quan tâm đến sự thương ghét của người, không quan tâm đến sự đánh giá bên ngoài. Đức Phật nói khi một người tạo ác nghiệp, dù trăm ngàn người đến tụng kinh cầu nguyện, họ cũng không sanh lên được cõi trời; một người tạo thiện nghiệp, dù trăm ngàn người đến nguyền rủa, họ cũng không đọa địa ngục. Không ai ảnh hưởng được nghiệp của mình, nghiệp mình làm là mình chịu.
Thế nên, không việc gì phải quan tâm đến thái độ của người khác đối với mình, thích hay không thích mình không ảnh hưởng gì đến sự tu tập của mình. Chỉ là tu làm sao cho tâm mình an ổn, tự tại, không vướng bận với tất cả pháp, ngay đó là giải thoát.
Đối với bốn món cúng dường phải biết lượng và biết đủ, được vật cúng dường không nên cất chứa.
Người tu chỉ nhận bốn món cúng dường, những thứ khác không cần nữa. Bốn món cúng dường là thức uống ăn, quần áo mặc, chỗ ngủ nghỉ và thuốc men. Vì còn mang thân tứ đại thì phải nuôi nó, gìn giữ cho nó tạm ổn để nó giúp mình dụng công tu hành. Như ngôi nhà, dù biết nó không phải là mình, nhưng cũng phải giữ gìn để nó che mưa nắng, đâu thể để nó dột nát được! Thân này như nhà mình, phải giữ gìn sao cho có thể ở được.
Muốn giữ thân này phải cho nó ăn uống đàng hoàng. Phật rất xem trọng sức khỏe tăng chúng. Ngài không khuyến khích mình vì phục vụ thân này mà đắm mê ngũ dục, nhưng Ngài cũng không cho mình hành hạ thân. Ngài chủ trương trung đạo, không khổ hạnh ép xác, cũng không buông lung thọ hưởng dục lạc. Hưởng dục sẽ ảnh hưởng sự tu, làm cho tâm tham không dứt được, nên không hưởng dục. Còn không khổ hạnh là để thân không bệnh hoạn, thân bệnh dễ ảnh hưởng đến sự tu tập.
Đức Phật khi chưa thành đạo đã từng tu khổ hạnh sáu năm, khổ hạnh đến thân thể kiệt quệ, tinh thần hoảng hốt, không thể sáng suốt dụng công. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng tu khổ hạnh giúp tiêu nghiệp, khiến mau đắc đạo. Đức Phật đã tự thân kiểm nghiệm, Ngài tu khổ hạnh đến mức tột cùng nhất có thể, không ai khổ hạnh hơn Ngài, vậy mà đạo vẫn không thấy, ngược lại tinh thần càng mờ mịt hơn. Chính vì thấy chỗ sai lầm đó mà sau này Phật luôn dạy đệ tử con đường trung đạo, không chủ trương ép xác, cũng không buông lung hưởng dục.
Đề-bà-đạt-đa từng thỉnh Phật chế định chư tăng chỉ được đi khất thực, không được nhận thỉnh thọ trai. Phật không chấp nhận. Với Ngài, tất cả đều tùy duyên, không ai thỉnh cúng thì đi khất thực, có người thỉnh cúng thì nhận lời, thức ăn ngon dở không quan trọng, miễn tâm mình không đắm thì thôi. Ông cũng đề nghị Phật cho chư tăng chỉ mặc y bá nạp, tức là lượm vải bị người bỏ đi, nối lại thành y mà mặc, không được nhận y do người hiến cúng. Phật cũng không chấp nhận, ai cúng gì mặc đó, y tốt y xấu gì cũng được, miễn không vì muốn có y tốt mà cầu xin hay đổi chác v.v…, vì như vậy tức là tâm đã đắm nhiễm.
Phật luôn dạy Tăng Ni tùy duyên mà sống, không đắm nhiễm cũng không khổ hạnh. Thế nên ở đây Phật dạy đối với bốn món cúng dường phải biết lượng và biết đủ. Bây giờ Tăng Ni tự nấu ăn, nếu ngày nào cũng bày biện món ngon để hưởng dụng thì vừa mất ngày giờ, vừa tăng trưởng lòng tham, có hại cho sự tu tập. Nhưng nếu Phật tử thương tăng Ni, nấu thức ngon dâng cúng, mình hưởng dụng thì không có lỗi, chỉ dè dặt đừng sanh tham đắm là được. Giả sử mình là tri khố, giữ trách nhiệm lo bữa ăn cho chúng, trong chùa có gì nấu cái đó, đừng vì muốn nấu món ngon mà mua sắm nhiều thứ, nhưng cũng đừng xem thường bữa ăn của chúng. Phải có tâm nấu làm sao cho chúng ăn được, đừng qua loa cẩu thả. Đối với chúng có tâm phục vụ tốt, với bản thân mình thì sao cũng được.
Sự mặc cũng vậy, mặc vừa đủ. Như ở miền Nam Việt Nam, khí hậu ôn hòa, không lạnh nhiều, không nóng nhiều nên không cần nhiều quần áo. Ở những nơi có bốn mùa rõ rệt, mùa đông rất lạnh, phải mặc áo dày, áo có lớp lông bên trong mới đủ ấm. Cho nên tùy theo hoàn cảnh mà cần ít hay nhiều quần áo, không thể lấy một tiêu chuẩn để quy định cho tất cả. Trừ những vị tự phát nguyện không mặc quần áo quá ấm. Tùy theo nhu cầu mà thọ nhận quần áo, chỉ vừa đủ để dùng, không nhiều, không xa xỉ, đó là biết lượng và biết đủ.
Thuốc men cũng vậy, bệnh thì uống thuốc, không được bệnh mà không uống thuốc. Phật luôn thuận theo pháp thế gian, dạy đệ tử theo đúng chân lý nhân quả. Nhiều Phật tử không hiểu, khi bệnh không đi bác sĩ, không uống thuốc, chỉ lên thỉnh nước cúng Phật uống, cho rằng Phật sẽ độ mình hết bệnh. Điều này thật sự rất lầm, Phật chưa từng nói lạy Ngài sẽ hết bệnh, đệ tử Phật khi Ngài còn tại thế bệnh còn phải uống thuốc, phải có bác sĩ xem bệnh bốc thuốc cho. Như y sĩ Kỳ-đà là người chuyên lo sức khỏe cho Phật và chúng Tăng. Phật chưa từng nói tu rồi không cần uống thuốc, thậm chí Ngài còn sợ chúng tăng để bụng đói uống thuốc sẽ đau bao tử nên quy định trước khi uống thuốc phải ăn, dù đó không phải thời thọ trai cũng phải ăn rồi mới được uống thuốc. Như vậy, đệ tử Phật khi bệnh phải đi bác sĩ trị bệnh, uống thuốc đàng hoàng, nếu bệnh nặng không còn trị được thì biết là nhân duyên đã đến, đã đến lúc xả thân thì an nhiên chuẩn bị ra đi, chớ không phải chạy đôn chạy đáo, làm đủ các việc để cố gắng giữ thân. Quá coi trọng thân là không nên, bỏ thí thân không quan tâm cũng không đúng, phải giữ chỗ trung đạo như Phật dạy mới hợp lẽ đạo.
Có người đã là đệ tử Phật mà khi bệnh nặng, muốn cầu hết bệnh nên bỏ trường chay ăn mặn, hay đến chỗ thầy bùa thầy pháp cúng bái, làm đủ việc để mong khỏi bệnh, bất kể việc đó là chính hay tà, có phù hợp hay không phù hợp với hạnh của người tu.
Một sư cô bị bệnh ung thư, nhất định không chịu đi bệnh viện mổ, chạy đi tìm các vị thầy lang, thầy pháp khắp nơi để cúng kiếng, uống bùa uống ngãi. Bệnh chẳng những không hết mà càng ngày càng nặng, không lâu sau thì qua đời. Thật là bỏ phí những ngày tháng cuối đời của mình, lại đi vào đường tà.
Một sư cô khác cũng bị ung thư, cô đi bệnh viện mổ, hóa trị v.v…, làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Biết là chỉ có thể kéo dài thọ mạng vài năm, cô tranh thủ tu hành, bỏ hết mọi việc, chỉ lo niệm Phật, chuẩn bị cho ngày ra đi của mình. Đến ngày ra đi, dù xác thân đau đớn, nhưng cô vẫn niệm Phật, nhẹ nhàng an ổn xả thân.
Cho nên, khi bệnh phải lo uống thuốc trị bệnh, chừng nào trị không được nữa thì chuẩn bị ra đi. Đừng rơi vào chấp một bên, hoặc là quá đắm thân, tìm mọi cách để giữ nó, hoặc là quá bỏ phí thân, bệnh cũng không uống thuốc, nói lạy Phật, uống nước cúng Phật là đủ. Làm sao đủ? Thời Phật bệnh còn phải có bác sĩ trị, Phật đâu có trị bệnh thân, huống nữa chỉ uống nước cúng Phật mà cầu hết bệnh, không hợp lý chút nào. Làm như vậy là không hiểu nhân quả, cho Phật là thần, có thể ban phước giáng họa. Phật luôn khẳng định Ngài là Đạo sư, dạy mình phương pháp tu hành, mình tu theo sự hướng dẫn của Ngài thì được tự tại giải thoát, chứ bản thân Ngài không ban phước giáng họa cho ai được.
Nếu xem Phật là thần, khi cầu được thì tin tưởng, cung kính, khi cầu không được thì chê trách, chán bỏ. Đó không phải là lòng tin chân chánh, không phù hợp nhân quả, không phải lời dạy của Phật.
Nói về chỗ ở. Người tu ở chỗ vừa đủ, không trang trí quá đẹp, quá êm ấm, chỉ cần có chỗ che mưa che nắng là được. Tuy nhiên, đối với các vị Hòa Thượng tôn túc, tùy theo quan điểm khác nhau mà có sự chọn lựa khác nhau. Thí chủ hay đệ tử xây cất chỗ ở rộng rãi, mát mẻ cúng dường, có Ngài vui vẻ nhận, thọ dụng bình thường, có Ngài không nhận, chỉ chịu sống chỗ thô sơ, mộc mạc. Đó là quan niệm tu hành, giáo hóa khác nhau của quý Ngài, không thể lấy đây so sự hơn kém mà thành lỗi. Chúng ta không thể đo lường được công phu thật sự của quý Ngài, không thể nhìn tướng bên ngoài mà đánh giá được.
Như Ngài Khuy Cơ, người đời gọi Ngài là Pháp sư ba xe, vì đi đâu Ngài cũng có ba xe theo sau, một xe chở sách, một xe chở vàng và một xe chở mỹ nữ. Tổ sư Đạo Tuyên, vị chuyên trì luật, giữ gìn giới luật và oai nghi rất cẩn thận, nên không chấp nhận cách sống đó của Ngài, cho là như vậy không thanh tịnh. Sau được chư thiên cho biết đây là Bồ-tát hiện thế độ người, Tổ sư hối hận đảnh lễ tạ tội.
Chúng ta tu còn non kém thì cứ vâng theo lời Phật dạy, hưởng dụng vừa đủ. Bốn món cúng dường của thí chủ là để mình an ổn, không bị thân tứ đại bức bách, có thể trợ giúp cho việc tu tập của mình. Như vậy cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần ở thì ở, cần uống thuốc thì uống thuốc, sao cho thân này không bị hành hạ, được nuôi dưỡng tốt, khỏe mạnh bình thường, có thể dùng để tu tập.
Hiểu công dụng của bốn món cúng dường là để trợ giúp cho mình an ổn tu hành, nên thọ dụng vừa đủ, nếu có dư thì thí xả, không nên cất chứa. Hoặc cúng dường cho những vị tu khác, hoặc bố thí cho người nghèo.
Thí chủ cúng dường là muốn kết nhân duyên với mình, vì lòng từ thương thí chủ mà mình nhận. Khi nhận cúng dường là giúp thí chủ tạo phước báo, đó là bổn phận của người tu, dù biết rằng nhận là mang nợ, tu không khéo sẽ phải trả nợ bằng cách khác, nhưng vẫn nhận vì muốn tạo nhân lành cho thí chủ. Khi nhận quá nhiều, vượt quá lượng xài của mình thì phải thí xả.
Trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Vô Tận Ý cúng dường chuỗi ngọc quý cho Bồ-tát Quán Thế Âm, đầu tiên Ngài không nhận, Phật dạy: Ông nên thương xót Vô Tận Ý và tám bộ chúng mà nhận. Vậy nhận là vì thương xót người cúng, tạo phúc báo cho họ. Nhưng khi vừa nhận xong, Bồ-tát Quán Thế Âm chia chuỗi ngọc làm hai phần, một phần dâng Đức Đa Bảo, một phần dâng Đức Thích Ca. Cúng dường Phật Đa Bảo là cúng dường tự tánh mình, cúng dường Phật Thích Ca là cúng dường cho sự giáo hóa của mình. Vậy nhận cúng dường là để tự tu và cứu giúp chúng sanh. Dùng của thí chủ một phần phụng sự cho sự tu hành, giúp mình an ổn để hết tâm ý dụng công tu tập. Phần còn lại giúp đỡ chúng sanh, giáo hóa và tạo duyên lành cho chúng sanh. Đó là thọ nhận thí chủ cúng dường một cách chân chánh.
Không thể vì sợ tội, sợ nợ mà không chịu nhận cúng, phải có lòng thương chúng sanh, làm chỗ cho chúng sanh gieo trồng ruộng phước, gieo trồng nhân lành. Nhưng không được cất chứa để không nuôi dưỡng tâm tham.
Chỗ này Phật dạy rất kỹ, chúng ta y theo đây giữ gìn sẽ có lợi cho việc tu của mình.
Đây là lược nói tướng của trì giới. Giới là gốc tiến tới giải thoát, nên gọi là Ba-la-đề-mộc-xa, nhân y nơi giới này mà đắc các thiền định và sanh trí tuệ diệt khổ.
Phần trên Phật đã dạy không được chặt cây, đào đất, không nuôi tôi tớ, súc sanh, không xem bói xem tướng v.v… Tất cả những điều này là tướng của trì giới.
Giới là gốc của giải thoát. Nếu ngay cả tướng bên ngoài của giới còn không giữ được thì nói gì đến giải thoát! Muốn giải thoát thì tâm phải giải thoát. Khi tâm giải thoát, tự nhiên các giới giữ mà như không giữ.
Đệ tử Phật phải có lòng từ với chúng sanh. Dù chúng sanh oán mình, mình cũng không oán lại mới giải thoát.
Có một thiền sư đang tụng kinh, bị ăn trộm vào lụt đồ, Ngài nói: “Khỏi kiếm, tiền trong hộc tủ, mở ra mà lấy, nhớ để lại ít đồng để mai ta đóng thuế.” Tên trộm lấy xong đi ra, Ngài bảo cảm ơn. Ngài chẳng những không giận mà còn bắt nó cảm ơn để nó không phạm tội trộm. Sau tên trộm bị bắt khai có lấy của Ngài, cảnh sát mời Ngài đối chứng, Ngài nói tôi cho và chú ấy cảm ơn, đâu có trộm gì của tôi. Tên trộm khi ra tù đã tìm đến Ngài xin xuất gia.
Nhờ lòng từ thương chúng sanh mới độ được chúng sanh, nhờ xả bỏ sự chấp thủ tài sản vật chất và cả sự đắm chấp thân này mới có thể tự tại giải thoát.
Nhân y nơi giới này mà đắc các thiền định và sanh trí tuệ diệt khổ.
Nhờ giữ giới mà đắc các tầng thiền, nhưng nếu chỉ giữ giới tướng bên ngoài thì không thể sanh thiền định, phải giữ trong tâm mới được. Vì tâm an ổn, không vướng mắc mới có thiền định. Từ thiền định phát sanh trí tuệ.
Trong kinh Thập Thiện Phật dạy nhờ giữ giới trộm mà có trí tuệ Phật. Vì thấy các pháp không thật nên không tham, không tham thì không lấy. Thấy tất cả pháp đều là duyên hợp, giả dối không thật, có quý mấy cũng là giả, tâm không sanh tham trước. Thấy như vậy tức là trí tuệ, tâm không dấy tham niệm tức là thiền định.
Tam Vô Lậu Học tuy phân ra giới định tuệ, nhưng trong giới đồng thời có định tuệ. Nếu không giữ giới từ tâm, làm sao có định tuệ? Định này phải bất nhập bất xuất, nếu còn nhập còn xuất là chưa thật định. Như đức Thế Tôn “Na-già thường đại định”, hai mươi bốn giờ thường định, tâm không dấy động. Còn định có nhập xuất thì khi nhập định tâm không động, đến khi xuất định tâm vẫn bị cảnh chuyển.
Ông Uất-đầu-lam-phất đã đắc tới cảnh thiền định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có năm thần thông. Nhưng khi gặp cô Quý phi xinh đẹp liền động tâm, mất cảnh giới thiền, mất luôn thần thông. Ông vào rừng ngồi bên bờ suối, cố thiền định nhưng mãi không hồi phục lại được tâm cảnh nên ông nổi sân, giận cá đớp mồi, giận chim hót chíu chít, cho rằng chúng làm ông động tâm. Đang sân nên ông phát thệ sau này sẽ làm con thú trên bắt chim, dưới bắt cá. Cho dù cuối cùng ông cũng hồi phục được tâm cảnh, đắc lại được tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau khi mạng chung sanh lên cõi trời đó. Nhưng Phật thọ ký về sau khi hết thọ mạng ở tầng trời đó ông sẽ ứng lời thề đọa làm thú, trên bắt chim dưới bắt cá, vì sát sanh nhiều nên kiếp kế theo ông đọa địa ngục.
Phật và chư vị Thánh tăng không phải đợi ngồi thiền mới định, mà lúc nào cũng định, tâm luôn không dấy động.
Nếu có trí tuệ thấy được các pháp đúng như thật tướng của nó, thì sẽ không tham đắm, vì không tham nên không phạm giới, và vì tâm bất động nên có định. Sở dĩ không phạm giới là do thấy các pháp đúng với bản chất của nó, tâm không dấy động nên không phạm lỗi. Nói nhân giới sanh định, nhân định phát huệ là nói cách cơ bản. Nếu đứng trên thể thì định huệ ví như đèn và ánh sáng của đèn, có đèn là có ánh sáng, có ánh sáng là có đèn, hay như mặt trời và ánh sáng của mặt trời, có mặt trời là có ánh sáng, có ánh sáng là có mặt trời.
Nếu không có trí tuệ sẽ khó thể giữ giới đến giải thoát, ngược lại, nếu có thể giữ giới đến giải thoát, tự nhiên sẽ có trí tuệ. Phật dạy chúng ta giữ giới đến chỗ cực sâu, tức là phải giữ tâm chân chánh cầu đạo giải thoát. Giữ giới từ tâm thì tự có đầy đủ giới định tuệ.
Thời xưa, trước khi Phật chế định giới luật, Ngài dạy chư Tỳ-kheo Đạo cộng giới và Định cộng giới. Nghĩa là khi thấu được lý đạo, hiểu được chân lý tự nhiên đầy đủ giới, đó là Đạo cộng giới. Khi tâm ở trong thiền định, lặng lẽ bất động, cũng tự nhiên đầy đủ giới, đó là Định cộng giới. Nếu chỉ giữ giới trên hình tướng bên ngoài thì chỉ được giới tướng, không được giới thể. Khi mạng chung, giới tướng sẽ mất. Vì chỉ giữ giới trên thân miệng, không giữ giới trong tâm, tức không giữ được gốc của giới, nên qua đời khác sẽ không còn nhớ giới đã thọ. Nếu được giới thể, dù bỏ thân này thọ thân khác cũng không mất, vì sâu trong tâm, mình đã tập được thói quen không làm ác, thói quen giữ giới.
Khi chưa gặp Phật pháp, chưa biết tội phước, chúng ta phạm đủ các lỗi: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v… Nếu đời trước biết giữ giới từ tâm thì đời này đâu đến nỗi ngu mê như vậy! Có một số vị vừa vào bào thai là đã ăn chay, do ảnh hưởng của thai nhi, khi mẹ vừa cấn thai là không thể ăn mặn được, lại ưa thích bố thí cúng dường, làm các việc lành. Đó là do đời trước đứa con này tu hành thanh tịnh, huân sâu pháp lành vào trong tàng thức, nên dù qua đời sau, mất thân cũ mà thói quen làm lành lánh dữ vẫn giữ được. Còn chúng ta vừa vào bào thai đã muốn ăn thịt chúng sanh, khiến mẹ thèm ăn đủ thứ cá thịt. Điều đó chứng tỏ đời trước mình giữ giới không tốt, chỉ giữ nơi thân miệng mà không giữ trong tâm, nên qua đời sau liền quên.
Đời này được gặp Phật pháp, gặp Đại thừa, gặp Thiền tông là duyên tu đời trước của mình rất sâu. Nhưng vì đời trước giữ giới không hoàn mỹ nên không tạo được thói quen toàn thiện cho đời này, do đó, trước khi gặp Tam bảo mình mới phạm nhiều lỗi như vậy. Đời này mình cố gắng tận dụng thắng duyên gặp Phật pháp, ráng đạt được Đạo cộng giới hay Định cộng giới để giới pháp này đi sâu vào tàng thức, thành được thói quen vĩnh viễn, sẽ theo mình qua các đời vị lai không mất.
Thế nên Tỳ-kheo phải giữ giới cho thanh tịnh, chớ để phạm hay thiếu.
12 năm đầu, khi Phật chưa chế giới, Tôn giả Xá-lợi-phất nhiều lần thỉnh Phật chế giới, Phật đều không chấp thuận. Như khi con hư, cha mẹ mới đặt quy định để dạy con, nếu con đã ngoan thì đặt luật làm chi cho rối. Chư vị Tỳ-kheo thời ấy đều thanh tịnh thì Phật chế giới làm gì? Chỉ đến khi Tăng đoàn xuất hiện sáu vị Tỳ-kheo chuyên phạm lỗi, Phật mới theo các lỗi ấy mà chế giới.
Theo Đại thừa, sáu vị này là Bồ-tát nghịch hạnh, cố ý tạo lỗi để Phật chế giới, khi giới đã chế rồi, các vị không phạm lại. Nhưng sẽ làm lỗi khác để Phật tiếp tục chế giới mới, hoặc làm hoàn thiện giới cũ. Ví dụ giới dâm, khi Phật đã chế không được hành dâm với người khác phái, các Ngài liền hành dâm với thú hoặc tự thủ dâm để Phật chế định giới dâm hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn. Cũng vậy, giới sát nếu chỉ giữ không giết người là chưa đủ, phải không giết cả những con vật dù lớn dù nhỏ. Tóm lại, các Ngài làm mọi lỗi để Phật chế đủ giới, không còn chỗ hở, nhờ đó người sau có thể theo đó giữ gìn cho được thanh tịnh.
Muốn giữ giới thật hoàn hảo phải giữ từ tâm, thân khẩu ý đều thanh tịnh mới thật là giữ giới.
Nếu người nào hay giữ giới thanh tịnh thì hay có được pháp lành.
Giới thanh tịnh tức tâm thanh tịnh, công đức lành sẽ theo mình nhiều đời nhiều kiếp, con đường tu tập của chúng ta sẽ không gián đoạn.
Nếu giới không thanh tịnh, các công đức lành không thể sanh được.
Giữ giới là để tâm hiền, tâm không hiền làm sao có công đức? Giữ giới là để tâm đủ hiền, đủ lòng từ bi, đủ trí tuệ. Hiền, từ bi, trí tuệ chính là công đức.
Thế nên, các ông phải biết, giới là chỗ công đức an trụ yên ổn bậc nhất.
Nhờ giữ giới mà tâm được thanh tịnh, từ bi, sáng suốt. Nên nói giới là chỗ công đức an trụ yên ổn bậc nhất. Nếu ai làm thiện thật nhiều mà tâm không hiền thì không gọi là có công đức, chỉ gọi là có phước đức.
Ngài An Thế Cao vào đời quá khứ có một sư đệ hay làm phước, thích bố thí cúng dường, phụng sự Tam bảo, phụng sự chúng Tăng, nhưng lại hay nổi sân mắng chửi huynh đệ. Khi ấy, Ngài An Thế Cao khuyên bảo nhưng ông không sửa được tập khí sân ấy. Biết là vị lai khó thoát khỏi quả dữ nên thỉnh Sư huynh đời sau nếu gặp xin cứu giúp. Quả vậy, sau khi chết, vị ấy sanh làm mãng xà chúa, sống gần một con sông lớn, nhờ phúc báo bố thí mà có nhiều thần thông, hay làm phúc giáng họa cho dân trong vùng. Dân chúng lập miếu thờ phụng, cúng dường nhiều châu ngọc của báu. Khi Ngài An Thế Cao đi nhờ một thuyền buôn đến khúc sông này, thần mãng xà báo cho dân chúng thỉnh Ngài lên gặp, xin Thánh tăng cứu độ, dâng hết của cải nhờ Ngài xây chùa, tạc tượng Phật, đúc chuông v.v… để được siêu thoát. Ngài An Thế Cao thương xót thuyết pháp giáo hóa, thần cũng tự mình hối hận lỗi cũ, thành tâm sám hối, nhờ đó xả được thân tướng xấu xí của súc sanh, chuyển sanh cõi trời.
Thế nên, nếu chỉ lo làm lành, làm phước, giữ giới nơi thân miệng mà tâm không lành thì tuy có phước đức mà không có công đức. Vì vậy, Phật luôn dạy đệ tử phải tu tâm, tâm phải hiền thiện, tâm lành công đức sẽ sanh.
Công đức hay tạo ra phước báo. Như người tu, chủ yếu là tu sửa tâm, tạo công đức nơi tâm, còn những việc lành thiện bên ngoài như bố thí cúng dường v.v… thì chỉ tùy duyên mà làm. Nhưng đời sau lại chiêu được quả báo có phước lớn, hoặc sanh trong nhà quyền quý sang trọng, hoặc sanh trong nhà giàu có tiền rừng bạc biển. Nếu không tiếp tục xuất gia tu hành, có thể sẽ làm vua chúa, quan lại v.v…
Do đó, tạo công đức nhiều tự nhiên phước đức cũng tăng. Ngược lại, cứ lo làm nhiều việc thiện, tạo nhiều phước lành nhưng không tu tâm, tham sân tật đố v.v… dẫy đầy, đời sau có hưởng phước báo cũng sẽ hưởng trong cảnh không như ý, như làm chó mèo trong nhà đại gia, hay làm thần mãng xà, thần kim sí điểu v.v… Tuy có phước báo, có thần thông nhưng lại mất thân người, phải đọa vào cõi súc. Đó không phải là điều mình mong cầu.
Ngày xưa, có một cô gái nghèo, muốn cúng dường Tam bảo mà không có tiền, cô cắt mái tóc óng mượt của mình bán được hai đồng, mua muối đem lên chùa cúng dường. Thuở đó, đối với người nữ, mái tóc rất quý, vậy mà cô đã cắt đi để có tiền mua muối cúng chùa. Khi cô vừa đến, Hòa thượng Phương trượng liền xả thiền ra tiếp đón và chúc phúc cho cô. Cô vô cùng hoan hỉ. Rời khỏi chùa với tâm tràn đầy hoan lạc.
Vừa khi ấy, Vua đang trên đường kinh lý trở về, nhìn thấy cô liền sanh yêu mến, rước về cung phong làm Quý phi. Đó chính là hoa báo ngay hiện đời mà cô được hưởng. Nghĩ nhớ ân đức Tam bảo, cô sắm sửa rất nhiều lễ vật, giá đến ngàn muôn lượng, trở lại chùa cúng dường. Vị trụ trì ân cần tiếp cô. Không thấy Phương trượng, cô hỏi thăm mới biết Hòa thượng vẫn ở trong thất tĩnh tọa, cô tha thiết xin gặp. Sau khi gặp Ngài, cô hỏi:
– Trước kia con cúng có hai đồng muối, lại được Ngài tiếp và chúc phúc cho, hôm nay con cúng vật phẩm giá đến ngàn muôn lượng mà Ngài lại không tiếp, là tại sao?
Phương trượng đáp:
– Trước kia chỉ có hai đồng nhưng là toàn bộ tài sản và tấm lòng chân thành của cô, chỉ có ta mới có thể tiếp nhận và chúc phúc cho cô, ngày nay tuy vật cúng nhiều nhưng đó không phải là toàn bộ tài sản của cô, lòng chân thành của cô cũng không còn chí thiết. Trụ trì đón tiếp và chúc phúc cho cô là đủ rồi, không cần ta.
Như vậy, tâm là quan trọng hơn hết.