Kinh Di Giáo Giảng Giải

14. Dặn Dò "Tu Tập Thiền Định"



Tỳ-kheo các ông! Nếu người nhiếp tâm thì tâm ở trong định.

Chúng ta thường nghe câu “Na-già thường đại định”. Na-già nghĩa là rồng, ở đây chỉ đức Phật như con rồng lớn thường ở trong đại định, lúc nào tâm cũng định, không phải đợi ngồi thiền mới định.

Thường nhiếp tâm là cảnh giới cao nhất của thiền định, không có nhập xuất, không phải tọa thiền gọi là nhập định, xả thiền gọi là xuất định, mà lúc nào tâm cũng lặng lẽ thanh tịnh, cũng nhất tâm. Đó là chánh định giải thoát, là thiền ba-la-mật.

Có một hành giả tu thiền, một hôm ông chuẩn bị tọa thiền thì thấy vợ sắp đi chợ, ông dặn: “Bà nhớ mua món bánh nướng mà tôi ưa thích.” Sau đó ông nhập định, 12 năm sau mới xuất định, thấy vợ, ông hỏi: “Bà có mua bánh cho tôi không?” Vợ quở: “Ông thiền định 12 năm mà một niệm muốn ăn bánh vẫn không quên!”

Nhập định đến quên mình, quên ngày tháng, thiền định như thế chỉ là uổng phí thời gian thôi. Đại định phải là không nhập không xuất, lúc nào cũng chánh định, không dấy niệm, không dao động bởi ngoại cảnh.

Thế nên, đức Phật không nói ngồi thiền nhập định mà nói người nhiếp tâm luôn ở trong định.

Vì tâm ở trong định nên hay biết được các pháp tướng sanh diệt ở thế gian.

Thường nhiếp tâm, thường chánh niệm sẽ thấy được sự vận hành của các pháp, thấy rõ nhân duyên hòa hợp và sự sanh diệt của chúng.

Như người đứng dưới đất thấy xe chạy, người ngồi trên xe thấy cảnh chuyển. Cũng vậy, nếu mình chạy theo pháp sẽ không thấy nó sanh diệt, còn mình dừng lại, sống lại với thể tâm lặng lẽ của mình thì sẽ thấy được bản chất thật sự của các pháp, thấy rõ sự hòa hợp, mỏng manh, sanh diệt của chúng.

Tôn giả Angulimala trước khi xuất gia là kẻ giết người hàng loạt. Ông mê muội tin theo lời dạy ác độc của người thầy, tìm giết 1000 người để học đạo giải thoát. Ông đã giết được 999 người, còn thiếu một người, định sẽ giết mẹ cho đủ số. Phật thương xót đến hóa độ ông. Thấy Phật, ông mừng rỡ vì không cần phải giết mẹ, cầm kiếm rượt theo Phật nhưng đuổi mãi vẫn không bắt kịp dù Thế Tôn chỉ bước đi như người bình thường. Ông mệt quá, dừng lại kêu to: “Sa-môn! Ông đứng lại!” Phật bảo: “Ta đã dừng, Ahimsaka, con cũng nên dừng lại!” Ông ngạc nhiên nói: “Tôi đã dừng, còn ông vẫn đi, sao ông nói ngược lại?” Phật giảng rõ ý nghĩa chữ dừng cho ông hiểu, dừng là sống trở lại với tâm trong sạch của mình, không chạy theo pháp, không tạo ác nghiệp nữa. Ông giác ngộ, thành tâm sám hối tội lỗi, nguyện theo Phật xuất gia tu đạo, sau đắc A-la-hán.

Như vậy, dừng là sống lại với bản tâm, không chạy theo ngoại cảnh, khi đó sẽ thấy được sự vận hành của các pháp, thấy được tướng sanh diệt của thế gian.

Thế nên các ông phải thường tinh tấn tu tập các định.

Thường nhiếp tâm, thường nhớ sống lại với tâm mình, không phải thường tọa thiền, đó mới là tinh tấn tu tập các định đúng nghĩa.

Nếu được định thì tâm không tán loạn.

Tâm định thì chắc chắn không tán loạn, vì chẳng còn bị ngoại cảnh làm loạn, đây là điều tất yếu.

Thí như người giữ nước khéo giữ đê điều. Người tu hành cũng vậy, vì nước trí huệ nên phải khéo tu các thiền định khiến cho không bị chảy mất.

Muốn giữ nước phải giữ đê điều thật tốt. Muốn hoàn toàn sáng suốt phải trở lại thể nhập bản tâm. Tâm rỗng lặng thanh tịnh là định, sáng suốt rõ thấu bản chất các pháp là tuệ. Muốn có trí tuệ phải sống trở lại với tự tánh, nhận được và thể nhập vào cái lặng lẽ thanh tịnh của nó. Khi đó sẽ thấy được mọi diệu dụng của tự tánh, nhận được sự vi diệu của các pháp. Bằng con mắt trí tuệ thấy các pháp vận hành, muôn màu muôn vẻ, cảm nhận cái đẹp của pháp mà không bị pháp lôi dẫn.

Người nhận được tự tánh thấy các pháp đều đẹp, bất kể là pháp thuận pháp nghịch. Nhìn cảnh khổ thế gian thấy cái đẹp, cái hay của luật nhân quả. Thế gian như một trường học lớn, tất cả mọi chúng sanh đang học những bài học nhân quả. Làm ai khổ thì phải bị khổ để hiểu cái khổ mình đã làm cho người. Khiến người vui thì giờ được vui như niềm vui mình đã cho người. Cho nên, thiên đường dạy mình bài học làm lành hưởng quả lành, địa ngục dạy mình bài học làm ác phải chịu quả dữ.

Hiểu nhân quả khiến mình không ghét người ác còn khởi tâm thương xót, vì biết tương lai họ phải chịu khổ gấp nhiều lần hơn. Với người giàu có sang trọng mình không sanh tâm đố kỵ, vì biết họ đang được hưởng quả lành đã tạo.

Thấu chân lý này sẽ thấy mỗi pháp có cái hay, cái đẹp, cái vi diệu, cái vĩ đại của riêng nó. Cây khô, hoa tàn, núi đổ, nhà sập, người chết… đều là sự vận hành của pháp, các pháp vốn là vậy, không cần phải buồn bã, hối tiếc khi pháp vô thường biến dịch.

Đó là trí tuệ có được khi sống trở lại với tâm thật, từ cái thật đó mà nhận ra cái đẹp của các pháp. Kinh Kim Cang Phật dạy: “Phật pháp là tất cả pháp”, tức không pháp nào không là chân lý. Bà Bàng Uẩn nói: “Dễ, dễ, dễ! Trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư”, tức mỗi pháp đều hiển hiện thật tướng. Kinh Hoa Nghiêm Bồ-tát Văn-thù bảo Thiện Tài đồng tử ra vườn hái cỏ thuốc, đồng tử đi một đổi trở vào thưa: “Bạch Đại sĩ, không có cỏ nào là cỏ thuốc.” Đại sĩ bảo: “Vậy hái những thứ cỏ không phải là cỏ thuốc.” Đồng tử đi một lát lại trở về thưa: “Bạch Đại sĩ, không có cỏ nào không phải là cỏ thuốc.” Bất cứ loại cỏ nào cũng có thể trị một bệnh nào đó, nhưng lại gây độc ở một khía cạnh khác. Nên nói nó là thuốc không phải, mà nói nó không phải là thuốc cũng không phải.

Muôn pháp là vậy, vốn tự tại, vốn lặng lẽ, chỉ vì người sanh tâm phân biệt nên tự phiền. Thế nên Phật dạy phải khéo tu các thiền định để sanh được trí tuệ thấu rõ tự tánh các pháp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.