Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Người nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường sanh tịnh tín và thắng giải?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với tâm cầu hướng đến, tinh tấn tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa; đã từng cúng dường trăm ngàn, vô số đức Phật, ở chỗ chư Phật tu phạm hạnh lâu dài, phát thệ nguyện rộng, thiện căn thuần thục, được vô lượng bạn lành giúp đỡ, hộ niệm, mới có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường sanh tịnh tín và thắng giải.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát thường đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải, thì tâm Đại Bồ-tát này tánh như thế nào, tướng như thế nào, hình trạng như thế nào, dung mạo như thế nào?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì tâm Bồ-tát lấy sự điều phục tham, sân, si và xa lìa tham, sân, si làm tánh, làm tướng, làm hình trạng, làm dung mạo.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tâm Đại Bồ-tát này lấy điều phục tham, sân, si và không tham, sân, si, xa lìa tham, sân, si và không tham, sân, si làm tánh, làm tướng, làm hình trạng, làm dung mạo.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thành tựu tánh, tướng, hình trạng, dung mạo như thế thì tâm mới có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thường sanh tịnh tín và thắng giải.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào thường đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì Đại Bồ-tát này sẽ đến được nơi nào?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này sẽ đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Có phải Đại Bồ-tát nào đạt được trí nhất thiết trí thì Đại Bồ-tát ấy sẽ làm nơi hướng đến cho tất cả hữu tình?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, Đại Bồ-tát nào thường đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế sanh tịnh tín và thắng giải thì Đại Bồ-tát này thường hướng đến trí nhất thiết trí. Nếu thường hướng đến trí nhất thiết trí thì thường làm chỗ hướng đến cho tất cả hữu tình.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này thường làm việc khó, nghĩa là mặc áo đội mũ bền chắc và nguyện: “Tôi sẽ độ thoát tất cả hữu tình, đều giúp họ chứng đắc Niết-bàn rốt ráo.” Tuy làm việc như thế đối với hữu tình nhưng hoàn toàn không thấy hữu tình được độ?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này đã mặc áo mũ không thuộc sắc, cũng không thuộc thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc cho đến thức đều rốt ráo vô sở hữu, không Bồ-tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc sắc, cũng không thuộc thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ-tát này đã mặc áo mũ không thuộc sắc cho đến trí nhất thiết, cũng không thuộc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vì sao? Vì trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều rốt ráo vô sở hữu, không Bồ-tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc trí nhất thiết, cũng không thuộc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đại Bồ-tát này đã mặc áo mũ không thuộc tất cả pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp đều rốt ráo vô sở hữu, không Bồ-tát, không áo mũ. Nên nói áo mũ kia không thuộc tất cả pháp.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nên thường mặc áo mũ công đức như vầy: Ta sẽ độ tất cả hữu tình, giúp họ chứng đắc Niết-bàn rốt ráo.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nào thường mặc áo mũ bền chắc như vầy: Ta sẽ độ tất cả hữu tình, đều giúp họ chứng đắc Niết-bàn rốt ráo thì Bồ-tát ấy không rơi vào Thanh văn địa và Ðộc giác địa. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Đại Bồ-tát này an lập hữu tình không giới hạn nên mặc áo mũ bền chắc như thế.
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Ông quán pháp nghĩa nào mà nói: Đại Bồ-tát thường mặc áo mũ bền chắc như thế thì không rơi vào Thanh văn địa và Ðộc giác địa?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này không vì độ thoát phần ít hữu tình mà mặc áo mũ bền chắc như thế, cũng không vì cầu phần ít trí mà mặc áo mũ bền chắc như thế. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này vì cứu vớt khắp tất cả hữu tình, giúp họ vào Niết-bàn mà mặc áo mũ bền chắc như thế; chỉ vì cầu được trí nhất thiết trí mà mặc áo mũ bền chắc như thế. Do đó nên không rơi vào Thanh văn địa và Ðộc giác địa.
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là sâu xa, không có người tu, không có pháp tu, không có nơi tu, cũng không do đây mà được tu tập. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì không phải trong nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà có phần ít thật pháp có thể được gọi là người thường tu và pháp tu, hoặc nơi tu tập, hoặc do đây tu tập.
Bạch Thế Tôn! Như tu hư không là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như tu tất cả pháp là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như tu pháp không thật là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như tu vô sở hữu là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như tu vô nhiếp thọ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như tu pháp từ bỏ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Phật hỏi:
– Thiện Hiện! Tu từ bỏ pháp nào là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Tu từ bỏ sắc là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa; tu từ bỏ thọ, tưởng, hành, thức là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ sáu xứ trong là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa; tu từ bỏ sáu xứ ngoài là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ sáu giới trong là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa; tu từ bỏ sáu giới ngoài là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ sáu thức giới là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ ngã là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh, thanh niên, người làm, người thọ, người biết, người thấy là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ bố thí Ba-la-mật-đa là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa; tu từ bỏ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ năm loại mắt, sáu phép thần thông là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ ba mươi hai tướng Ðại sĩ, tám mươi vẻ đẹp là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ tất cả hạnh Đại Bồ-tát, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu từ bỏ trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nên nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế để quán sát Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển. Đại Bồ-tát nào tuy hành bốn niệm trụ nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng mà không chấp trước, nên biết đây là Đại Bồ-tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Mục đích chơn yếu của các Đại Bồ-tát Bất thối chuyển khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là không quán sát lời người và sự dạy bảo của người; không phải chỉ tin người có chỗ làm; không bị các tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn v.v… làm ô nhiễm tâm, cũng không bị chúng lôi kéo. Các Đại Bồ-tát Bất thối chuyển khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không lìa bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các Đại Bồ-tát Bất thối chuyển khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, tâm không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi, không chìm, không đắm, cũng chẳng lui bỏ sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vui thích muốn nghe, thọ trì, đọc tụng, thông hiểu tường tận, chánh niệm tư duy, như thuyết tu hành, không hề nhàm chán. Nên biết Đại Bồ-tát Bất thối chuyển như thế, đời trước đã nghe nhiều ý nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thọ trì, đọc tụng, tư duy đúng lý, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm chán. Vì sao? Vì nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, tâm Đại Bồ-tát Bất thối chuyển này không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi, không chìm, không đắm, cũng không lui bỏ sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vui mừng thích nghe, thọ trì, đọc tụng, thông hiểu tường tận, suy nghĩ đúng lý, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm chán.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, tâm không kinh khiếp, không khủng hoảng, không sợ hãi, không chìm, không đắm, cũng không lui bỏ sự mong cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vui mừng thích nghe, thọ trì, đọc tụng, thông hiểu tường tận, chánh niệm tư duy, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm chán. Đại Bồ-tát này làm sao tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này liên tiếp tùy thuận hướng vào trí nhất thiết trí nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Làm sao Đại Bồ-tát này liên tiếp tùy thuận hướng vào trí nhất thiết trí, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào liên tiếp tùy thuận hướng vào không, vô tướng, vô nguyện, hư không, vô sở hữu, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, không tạo, không tác, như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như hình tượng, như bóng sáng, như sóng nắng, như việc biến hoá, như thành Tầm hương mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì đây là Đại Bồ-tát liên tiếp tùy thuận hướng vào trí nhất thiết trí, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Như đức Thế Tôn đã nói, nếu Đại Bồ-tát nào liên tiếp tùy thuận hướng vào không, vô tướng, vô nguyện, cho đến như thành Tầm hương mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì Đại Bồ-tát này liên tiếp tùy thuận hướng vào trí nhất thiết trí hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, là Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là hành sắc chăng? Là hành thọ, tưởng, hành, thức chăng? Như vậy, cho đến là hành trí nhất thiết chăng? Là hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chăng?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không hành sắc, không hành thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến không hành trí nhất thiết, không hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này đã tùy thuận hướng vào trí nhất thiết trí, không ai có thể làm được, không ai có thể làm phá hoại được, không từ đâu đến, không đi về đâu, cũng không chỗ trụ, không phương, không cõi, không số, không lượng, không đi, không đến. Ðã không số lượng, không đi, không đến, không thể được, cũng không thể chứng.
Thiện Hiện! Trí nhất thiết trí như thế không thể lấy sắc chứng, không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy trí nhất thiết chứng, không thể lấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chứng. Vì sao? Vì sắc tức là tánh trí nhất thiết trí; thọ, tưởng, hành, thức tức là tánh trí nhất thiết trí. Như vậy, cho đến trí nhất thiết tức là tánh trí nhất thiết trí; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng tức là tánh trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì sắc chơn như, hoặc trí nhất thiết trí chơn như, hoặc tất cả pháp chơn như, đều một chơn như, không hai không khác; hoặc thọ, tưởng, hành, thức chơn như, hoặc trí nhất thiết trí chơn như, hoặc tất cả pháp chơn như, đều một chơn như, không hai không khác. Như vậy, cho đến hoặc trí nhất thiết chơn như, hoặc trí nhất thiết trí chơn như, hoặc tất cả pháp chơn như, đều một chơn như, không hai không khác; hoặc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chơn như, hoặc trí nhất thiết trí chơn như, hoặc tất cả pháp chơn như, đều một chơn như, không hai không khác. Thế nên, trí nhất thiết trí không thể lấy sắc chứng; không thể lấy thọ, tưởng, hành, thức chứng. Như vậy, cho đến không thể lấy trí nhất thiết chứng; không thể lấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chứng.