Bấy giờ, cụ thọ Xá-lợi Tử thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây mà tin hiểu được thì Đại Bồ-tát này chết từ đâu đến sanh nơi đây? Phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề đã trải qua thời gian bao lâu? Đã từng gần gũi cúng dường bao nhiêu đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác? Tu tập bố thí cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã được bao lâu? Làm sao tin hiểu nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã Ba-la -mật-đa như thế?
Phật bảo Xá-lợi Tử:
– Nếu Đại Bồ-tát nào đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây mà tin hiểu được, thì Đại Bồ-tát này chết từ trong Pháp hội của vô lượng, vô số, vô biên các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác ở khắp mười phương thế giới như cát sông Hằng sanh đến nơi đây. Đại Bồ-tát này phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề đã trải qua vô lượng, vô số, vô biên trăm ngàn triệu ức kiếp. Đại Bồ-tát này đã từng gần gũi cúng dường vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì, bất khả xưng lường các đức Như Lai ứng Chánh Ðẳng Giác. Đại Bồ-tát này từ sơ phát tâm, thường siêng tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã trải qua vô lượng, vô số, vô biên trăm ngàn ức kiếp.
Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này nếu thấy hoặc nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, liền nghĩ như vầy: Ta thấy Ðại sư, nghe Ðại sư nói.
Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này lấy không tướng, không hai, không sở đắc làm phương tiện, tin hiểu đúng đắn nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Như Phật đã nói, Đại Bồ-tát này nếu thấy hoặc nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế thì liền nghĩ rằng: Ta thấy Ðại sư, nghe Ðại sư nói.
Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế được người dễ nghe, dễ thấy chăng?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thật chẳng có ai nghe, chẳng có ai thấy. Vì cớ sao? Này Thiện Hiện! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thật chẳng phải pháp bị nghe, bị thấy vậy.
Này Thiện Hiện! Vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Cho đến vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe bố thí Ba-la-mật-đa. Vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe nội không. Cho đến vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe vô tánh tự tánh không. Vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe bốn niệm trụ. Cho đến vì các pháp lụt chậm nên không thấy không nghe tám chi Thánh đạo.
Như vậy cho đến vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe mười lực Như Lai. Cho đến vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe mười tám pháp Phật bất cộng. Vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề của chư Phật. Vì các pháp lụt chậm nên không thấy, không nghe tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, đã chứa công hạnh bao lâu mới có khả năng tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Trong vấn đề này, nên nghe cho kỹ.
Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát từ sơ phát tâm đã có khả năng tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng có khả năng tu học tĩnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này có phương tiện khéo léo (thiện xảo), nên chẳng hoại các pháp, chẳng thấy các pháp có tăng có giảm, thường chẳng xa lìa chánh hạnh tương ưng với bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thường chẳng xa lìa chư Phật Thế Tôn và các chúng Đại Bồ-tát. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, muốn đem nhiều đồ cúng thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các chúng Đại Bồ-tát… thì đều làm được như ý; cũng hay ở chỗ các Như Lai kia, trồng các căn lành khiến mau viên mãn.
Đại Bồ-tát này tùy chỗ thọ thân, chẳng sanh từ trong thai tạng của mẹ, tâm thường chẳng ở chung với các phiền não tạp nhiễm, cũng chẳng bao giờ khởi tâm Nhị thừa. Đại Bồ-tát này thường chẳng xa lìa thần thông thù thắng, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này tu học đúng đắn Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
– Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát tuy từng thấy Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc nhiều trăm ngàn lần, ở chỗ đệ tử và chư Phật ấy, cũng tu nhiều bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự Bát-nhã nhưng lấy sở đắc làm phương tiện, nên chẳng thể tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ chúng mà đi.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này khinh mạn Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, cũng khinh mạn Phật, đã bỏ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, cũng bỏ chư Phật.
Thiện Hiện! Nay trong chúng đây cũng có hạng người ấy, nghe Ta tuyên nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng vui thích, bỏ chúng ra đi. Vì sao vậy? Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này đời trước khi nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đã từng bỏ đi, đời này nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, do sức mạnh của túc nghiệp đời trước nên cũng lại bỏ đi.
Thiện Hiện! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, thân, ngữ và tâm đều chẳng hòa hợp. Do đây, gây tạo nghiệp tội, ác tuệ, ngu si tăng trưởng. Do vị ấy gây tạo nghiệp tội, ngu si, ác tuệ tăng trưởng nên khi nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì hủy báng, cho là chướng ngại, xả bỏ. Vị ấy hủy báng, cho là chướng ngại, xả bỏ Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế tức là hủy báng, xả bỏ trí nhất thiết tướng của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Do vị ấy hủy báng, cho là chướng ngại, xả bỏ trí nhất thiết tướng của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại nên gây tạo, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp.
Do vị ấy gây tạo, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp nên đọa vào đại địa ngục, trải qua thời gian lâu dài, hoặc trên trăm năm, hoặc trên ngàn năm, hoặc trên trăm ngàn năm, hoặc trên ức năm, hoặc nhiều trăm ức năm, hoặc nhiều ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức năm, hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ đau dữ dội.
Vì vị ấy tội nặng nên ở thế giới đây, từ địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ đau dữ dội. Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của thế giới đây khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác cũng ở trong đại địa ngục giống như đây, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ đau dữ dội.
Vì vị ấy tội nặng nên ở thế giới khác, từ đại địa ngục này đến đại địa ngục kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ đau dữ dội. Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của thế giới khác khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác, cũng ở trong đại địa ngục giống như đây, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ đau dữ dội.
Vì vị ấy tội nặng nên ở thế giới khác ấy, từ đại địa ngục này đến đại địa ngục kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ đau dữ dội. Lần lượt triển chuyển như vậy, trải qua khắp mười phương các thế giới, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ đau dữ dội.
Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của mười phương các thế giới kia khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì sau khi chết, sanh trở lại trong đại địa ngục của thế giới đây. Từ đại địa ngục này đến đại địa ngục khác, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ đau dữ dội. Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của thế giới này khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì chết rồi, sanh qua thế giới khác trải khắp mười phương, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ đau dữ dội. Luân hồi như thế trải vô lượng kiếp.
Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy mỏng nhẹ thì từ địa ngục, vị ấy thoát ra, đọa vào cõi bàng sanh, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến nhiều trăm ngàn ức triệu năm, thọ thân bàng sanh bị đủ các loại khổ tàn hại, khủng bố, bức bách…
Vì tội chưa hết nên ở thế giới đây, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác cũng ở trong cõi bàng sanh giống như đây, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, thọ thân bàng sanh bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách…
Vì tội chưa hết, nên ở thế giới khác, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của thế giới kia hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới của các phương khác, cũng ở trong cõi bàng sanh, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, thọ thân bàng sanh bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách…
Vì tội chưa hết nên ở thế giới phương khác, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Lần lượt triển chuyển như vậy, trải qua khắp mười phương các thế giới, thọ thân bàng sanh, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của mười phương các thế giới ấy tan hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết thì sau khi chết, sanh trở lại trong cõi bàng sanh của thế giới này, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì chết rồi sanh trở lại các thế giới khác, trải qua khắp mười phương trong cõi bàng sanh, chịu nhiều khổ đau. Tuần hoàn như thế trải qua vô lượng kiếp.
Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp mỏng nhẹ, thì vị ấy thoát khỏi cõi bàng sanh, đọa vào cõi quỷ, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong cõi ngạ quỷ chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy…
Vì tội chưa hết nên ở thế giới đây, từ cõi quỷ đói này đến cõi quỷ đói kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác, cũng ở trong cõi quỷ đói giống như vậy, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong cõi ngạ quỷ chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy…
Vì tội chưa hết nên ở thế giới kia, từ cõi quỷ đói này đến cõi quỷ đói kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy… Nếu khi tam tai của thế giới kia hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì chết rồi chuyển sanh thế giới phương khác, cũng ở trong cõi quỷ đói, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong cõi ngạ quỷ chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy…
Vì tội chưa hết nên ở các thế giới khác, từ cõi quỷ đói này đến cõi quỷ đói kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy…. Lần lượt triển chuyển như vậy, trải qua khắp mười phương các thế giới, ở trong cõi quỷ đói, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy… Nếu khi tam tai của mười phương các thế giới khác hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì sau khi chết lại sanh trở lại trong cõi quỷ đói của thế gian này, từ cõi quỷ đói này đến cõi quỷ đói kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy…
Nếu khi tam tai của thế giới đây hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì sau khi chết lại sanh trong cõi quỉ đói của mười phương các thế giới khác, chịu nhiều khổ đau. Lưu chuyển như vậy trải qua vô lượng kiếp.
Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy sắp hết thì vị ấy ra khỏi cõi quỷ đói, sanh trong loài người. Tuy được làm người nhưng thuộc hạng thấp kém, nghĩa là sanh vào nhà đui điếc, hoặc nhà tôi tớ, hoặc nhà gánh thây chết, hoặc nhà hàng thịt, hoặc nhà bắt cá săn thú, hoặc nhà thợ thuyền, hoặc nhà con hát, hoặc nhà tà kiến, hoặc nhà bỉ ổi ác luật nghi; hoặc bị thọ thân không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không tay, không chân, đui mù câm điếc, ung thư ghẻ hủi, bệnh phong điên cuồng, hung tàn, gù lưng, tay chân ngắn cụt, các căn khuyết thiếu, màu da đen vàng tiều tụy, ngu si vô trí, làm việc gì cũng đều bị người khinh cười; hoặc sanh ở chỗ chẳng được nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Pháp, danh hiệu Tăng, danh hiệu Bồ-tát, danh hiệu Ðộc giác; hoặc sanh ở thế giới u ám không có ngày đêm, chẳng thấy ánh sáng, ở chỗ hiểm trở, uế ác độc địa. Vì cớ sao?
Này Thiện Hiện! Vì nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy gây tạo, tăng trưởng rất sâu nặng, nên phải chịu đầy đủ các quả khổ chẳng ưa thích như vậy. Phẩm loại như vậy quá nhiều, khó có thể nói cho đầy đủ.
Bấy giờ, Xá-lợi Tử thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Như Lai thường nói tội nặng đó là năm tội vô gián. Nay nói tội thứ sáu là do gây tạo, tăng trưởng nghiệp hoại chánh pháp, vậy nó cùng với năm tội vô gián giống nhau sao?
Phật dạy:
– Này Xá-lợi Tử! Nghiệp hoại chánh pháp rất thô nặng, năm nghiệp vô gián chẳng thể đem sánh bằng. Nghĩa là nghe thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, vị ấy chẳng tin, hủy báng chê bai, nói như vầy:
“Đây chẳng phải lời của các Như Lai ứng Chánh Ðẳng Giác đã diễn thuyết, phi pháp, phi luật, chẳng phải lời dạy của đấng Ðại sư. Đối với những lời ấy, chúng ta chẳng nên tu học.”
Người hủy báng pháp ấy, tự mình hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng dạy vô lượng hữu tình hủy báng. Tự hoại thân mình, cũng khiến người tự hoại. Tự uống thuốc độc, cũng khiến người uống. Tự mất quả vui sanh thiên, giải thoát, cũng khiến người khác mất. Tự giữ chân mình nơi hầm lửa địa ngục, cũng giữ chân người khác buộc nơi hầm lửa địa ngục. Chính mình không tin hiểu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng dạy cho người khác không tin hiểu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Chính mình chìm trong biển khổ, cũng khiến người khác chìm trong biển khổ.
Này Xá-lợi Tử! Ta đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, còn chẳng muốn cho kẻ hủy báng chánh pháp nghe danh tự ấy, huống là nói cho họ nghe.
Này Xá-lợi Tử! Đối với kẻ hủy báng chánh pháp, Ta còn chẳng cho các thiện nam tử, thiện nữ nhân trụ Bồ-tát thừa nghe danh tự họ, huống nữa là nhìn thấy; lẽ nào cho ở chung. Vì cớ sao?
Này Xá-lợi Tử! Nên biết những kẻ hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, tên của họ là hoại chánh pháp, chết rồi sẽ đọa trong loài đen tối, như con ốc trâu dơ uế, tự thân dơ uế lại làm dơ uế người khác, như đống phẩn thúi. Nếu ai tin theo lời của kẻ hoại chánh pháp thì sẽ chịu đại khổ như trước đã nói.
Này Xá-lợi Tử! Nên biết các kẻ phá hoại Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, những hạng ấy chính là loài địa ngục, bàng sanh, quỷ đói, quyết định sẽ chịu đại khổ vô biên, cực nặng dữ dội. Do vậy, kẻ trí chẳng nên hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên nào chỉ nói những kẻ hoại chánh pháp như thế sẽ đọa đại địa ngục, bàng sanh, quỷ đói, chịu khổ lâu dài mà chẳng nói hình mạo thân tướng của họ?
Phật dạy:
– Này Xá-lợi Tử! Thôi, chẳng nên nói về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu. Vì cớ sao?
Này Xá-lợi Tử! Vì nếu Ta nói đủ về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu thì người đó nghe ắt phải kinh sợ, sẽ mửa máu nóng, thậm chí mất mạng, hoặc khổ như người gần chết, tâm tư ưu não như trúng tên độc, thân khô héo dần như cỏ gặp sương. Vì sợ người đó nghe nói tội hoại chánh pháp phải chịu khổ thân xấu lớn như thế, kinh hoàng tán thân mất mạng, nên Ta thương xót không nói hình tướng thân mạo của tội hoại chánh pháp cho họ.
Xá-lợi Tử nói:
– Cúi xin Thế Tôn nói về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu để răn dạy cho những người trong đời vị lai biết tội hủy báng pháp sẽ bị khổ lớn, mà chẳng gây tội này.
Phật dạy:
– Này Xá-lợi Tử! Những điều Ta nói trước đây đủ làm lời răn dạy sáng tỏ. Nghĩa là các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đời vị lai nghe Ta nói kẻ gây tạo, tăng trưởng viên mãn nghiệp hoại chánh pháp sẽ đọa đại địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, chịu khổ lâu dài trong mỗi mỗi cõi, thì đủ tự gìn giữ cẩn thận, chẳng hủy báng chánh pháp.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bèn thưa Phật:
– Kính vâng, bạch đức Thế Tôn! Kính vâng, bạch đức Thiện Thệ! Ðời sau, các thiện nam tử, thiện nữ nhân tánh trong sạch nghe những lời dạy của Phật về tội hủy báng chánh pháp sẽ cảm lấy khổ lâu dài, thì đủ làm lời răn sáng tỏ cho họ, thà bỏ thân mạng quyết chẳng hủy báng chánh pháp. Chớ làm cho mình sau phải chịu khổ ấy.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Nếu có các thiện nam tử, thiện nữ nhân thông tuệ nghe Phật nói người hủy báng chánh pháp, đời đương lai sẽ chịu đại khổ lâu dài, nên họ khéo hộ trì nghiệp thân, ngữ, ý. Đối với chánh pháp, chẳng dám bài báng hủy hoại, sợ đọa ba cõi ác chịu khổ lâu dài. Ở mãi trong ấy, chẳng được thấy Phật, chẳng được nghe chánh pháp, chẳng gặp được Tăng, chẳng được sanh ở nước có Phật. Dù sanh cõi người cũng là hạng nghèo cùng hèn hạ, xấu xí ngu dại, các căn thiếu khuyết, nói lời gì ra cũng không ai tin nhận.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Kẻ gây tạo, tăng trưởng nghiệp cảm thiếu chánh pháp, lẽ nào chẳng do tập nghiệp ác ngữ tạo ra?
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Thật đúng là do thói quen tập nghiệp ác ngữ gây tạo, tăng trưởng, chiêu cảm lấy nghiệp thiếu chánh pháp. Ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta, sẽ có những kẻ xuất gia ngu si, tuy tôn xưng Ta làm Ðại sư, nhưng bài báng hủy hoại Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa của Ta thuyết.
Này Thiện Hiện! Ông nên biết: Nếu ai hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa tức là hủy báng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề của chư Phật. Nếu hủy báng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề chư Phật tức là hủy báng trí nhất thiết tướng của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu hủy báng trí nhất thiết tướng của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại tức là hủy báng tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác. Nếu hủy báng tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tức là hủy báng Phật bảo, Pháp bảo, Bí-sô Tăng bảo. Nếu hủy báng Phật bảo, Pháp bảo, Bí-sô Tăng bảo tức là hủy báng chánh kiến của thế gian. Nếu hủy báng chánh kiến của thế gian tức là hủy báng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự Bát-nhã Ba-la-mật-đa; cũng là hủy báng nội không cho đến vô tánh tự tánh không; cũng là hủy báng bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Như vậy cho đến cũng là hủy báng mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng là hủy báng trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Do vị ấy hủy báng trí nhất thiết tướng nên nhận lấy vô lượng, vô số, vô biên nghiệp tội. Do nhận lấy vô lượng, vô số, vô biên nghiệp tội, nên phải thọ lấy vô lượng, vô số, vô biên khổ lớn trong tất cả cõi địa ngục, bàng sanh, quỷ và loài người.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Do những nhân duyên nào mà các kẻ ngu phu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Do bốn nhân duyên mà những kẻ ngu phu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Những gì là bốn?
Một là bị các tà ma làm mê hoặc, nên những kẻ ngu phu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Hai là chẳng tin hiểu pháp sâu xa, nên những kẻ ngu phu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Ba là chẳng chuyên cần tinh tấn, say đắm năm uẩn, bị các ác tri thức nhiếp thọ, nên những kẻ ngu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Bốn là ôm nhiều giận dữ, ưa tạo pháp ác, hay tự cao, khinh dễ kẻ khác, nên các kẻ ngu kia hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế.
Này Thiện Hiện! Do những kẻ ngu kia đầy đủ bốn nhân duyên như vậy nên hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Do đây, nên tương lai phải chịu vô lượng khổ.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Kẻ ngu ở thế gian chẳng chuyên cần tinh tấn, bị ác tri thức nhiếp thọ, chưa trồng căn lành, đủ các hạnh ác nên thật khó tin hiểu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà Phật đã nói.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, những kẻ ngu ở thế gian chẳng chuyên cần tinh tấn, bị ác tri thức nhiếp thọ, chưa trồng căn lành, đủ các hạnh ác nên thật khó tin hiểu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà Ta đã nói.
Cụ Thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, sâu xa ra sao mà khó tin, khó hiểu vậy?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Sắc không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc là tự tánh của sắc. Thọ, tưởng, hành, thức không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của thọ, tưởng, hành, thức là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức vậy.
Này Thiện Hiện! Nhãn xứ cho đến ý xứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của nhãn xứ cho đến ý xứ là tự tánh của nhãn xứ cho đến ý xứ. Sắc xứ cho đến pháp xứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc xứ cho đến pháp xứ là tự tánh của sắc xứ cho đến pháp xứ vậy.
Này Thiện Hiện! Nhãn giới cho đến ý giới không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của nhãn giới cho đến ý giới là tự tánh của nhãn giới cho đến ý giới. Sắc giới cho đến pháp giới không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc giới cho đến pháp giới là tự tánh của sắc giới cho đến pháp giới. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của nhãn thức giới cho đến ý thức giới là tự tánh của nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Nhãn xúc cho đến ý xúc không buộc, không mở. Vì sao ? Vì tánh không sở hữu của nhãn xúc cho đến ý xúc là tự tánh của nhãn xúc cho đến ý xúc. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ là tự tánh của nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ vậy.
Này Thiện Hiện! Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của bố thí Ba-la mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa là tự tánh của bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa vậy.
Này Thiện Hiện! Nội không cho đến vô tánh tự tánh không không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của nội không cho đến vô tánh tự tánh không là tự tánh của nội không cho đến vô tánh tự tánh không vậy.
Này Thiện Hiện! Bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo là tự tánh của bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo vậy.
Này Thiện Hiện! Như vậy cho đến mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là tự tánh của mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng vậy.
Này Thiện Hiện! Trí nhất thiết không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí nhất thiết là tự tánh của trí nhất thiết. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là tự tánh của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vậy.
Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc quá khứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc quá khứ là tự tánh của sắc quá khứ. Thọ, tưởng, hành, thức quá khứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của thọ, tưởng, hành, thức quá khứ là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức quá khứ vậy.
Như vậy cho đến trí nhất thiết quá khứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí nhất thiết quá khứ là tự tánh của trí nhất thiết quá khứ vậy. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng quá khứ không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng quá khứ là tự tánh của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng quá khứ vậy.
Này Thiện Hiện! Sắc vị lai không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc vị lai là tự tánh của sắc vị lai. Thọ, tưởng, hành, thức vị lai không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của thọ, tưởng, hành, thức vị lai là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức vị lai vậy.
Như vậy cho đến trí nhất thiết vị lai không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí nhất thiết vị lai là tự tánh của trí nhất thiết vị lai. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vị lai không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vị lai là tự tánh của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vị lai vậy.
Này Thiện Hiện! Sắc hiện tại không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của sắc hiện tại là tự tánh của sắc hiện tại. Thọ, tưởng, hành, thức hiện tại không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của thọ, tưởng, hành, thức hiện tại là tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức hiện tại vậy.
Như vậy cho đến trí nhất thiết hiện tại không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí nhất thiết hiện tại là tự tánh của trí nhất thiết hiện tại. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hiện tại không buộc, không mở. Vì sao? Vì tánh không sở hữu của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hiện tại là tự tánh của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hiện tại vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sanh chẳng chuyên cần tinh tấn, chưa trồng căn lành, chẳng đủ thiện căn, bị bạn ác nhiếp phục, biếng nhác, tự cao, làm theo sự hướng dẫn của ma, tinh tấn yếu kém, thất niệm, ác tuệ nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà Phật đã thuyết, thật khó tin hiểu.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Những chúng sanh chẳng chuyên cần tinh tấn, chưa trồng căn lành, chẳng đủ căn lành, bị bạn ác nhiếp phục, biếng nhác, tự cao, làm theo sự hướng dẫn của ma, tinh tấn yếu kém, thất niệm, ác tuệ nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà Ta đã thuyết, thật khó tin hiểu. Vì sao vậy?
Này Thiện Hiện! Vì sắc thanh tịnh tức quả thanh tịnh, quả thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh cùng với quả thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức quả thanh tịnh; quả thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh cùng với quả thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến tất cả hạnh Đại Bồ-tát thanh tịnh tức quả thanh tịnh, quả thanh tịnh tức tất cả hạnh Đại Bồ-tát thanh tịnh. Tất cả hạnh Đại Bồ-tát thanh tịnh cùng với quả thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề của chư Phật thanh tịnh tức quả thanh tịnh, quả thanh tịnh tức Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề của chư Phật thanh tịnh. Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề của chư Phật thanh tịnh cùng với quả thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh, Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh cùng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh; Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh cùng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến trí nhất thiết thanh tịnh tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh, Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh tức trí nhất thiết thanh tịnh. Trí nhất thiết thanh tịnh cùng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh; Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh cùng với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh tức trí nhất thiết trí thanh tịnh, trí nhất thiết trí thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh cùng với trí nhất thiết trí thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức trí nhất thiết trí thanh tịnh; trí nhất thiết trí thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh cùng với trí nhất thiết trí thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến trí nhất thiết thanh tịnh tức trí nhất thiết trí thanh tịnh, trí nhất thiết trí thanh tịnh tức trí nhất thiết thanh tịnh. Trí nhất thiết thanh tịnh cùng với trí nhất thiết trí thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh tức trí nhất thiết trí thanh tịnh; trí nhất thiết trí thanh tịnh tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh cùng với trí nhất thiết trí thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Bất nhị thanh tịnh tức sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh tức bất nhị thanh tịnh. Bất nhị thanh tịnh cùng với sắc thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Bất nhị thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức bất nhị thanh tịnh. Bất nhị thanh tịnh cùng với thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến bất nhị thanh tịnh tức trí nhất thiết thanh tịnh, trí nhất thiết thanh tịnh tức bất nhị thanh tịnh. Bất nhị thanh tịnh cùng với trí nhất thiết thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Bất nhị thanh tịnh tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh tức bất nhị thanh tịnh. Bất nhị thanh tịnh cùng với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh tức sắc thanh tịnh; sắc thanh tịnh tức ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh cùng với sắc thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh cùng với thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh tức trí nhất thiết thanh tịnh; trí nhất thiết thanh tịnh tức ngã hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh cùng với trí nhất thiết thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh tức ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh. Ngã, hữu tình cho đến người biết, người thấy thanh tịnh cùng với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tham, sân, si thanh tịnh tức sắc thanh tịnh; sắc thanh tịnh tức tham, sân, si thanh tịnh. Tham, sân, si thanh tịnh cùng với sắc thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Tham, sân, si thanh tịnh tức thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức tham, sân, si thanh tịnh. Tham, sân, si thanh tịnh cùng với thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến tham, sân, si thanh tịnh tức trí nhất thiết thanh tịnh; trí nhất thiết thanh tịnh tức tham, sân, si thanh tịnh. Tham, sân, si thanh tịnh cùng với trí nhất thiết thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn. Tham, sân, si thanh tịnh tức trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh tức tham, sân, si thanh tịnh. Tham, sân, si thanh tịnh cùng với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh nên thọ thanh tịnh, thọ thanh tịnh nên sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh cùng với thọ thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy thọ thanh tịnh nên tưởng thanh tịnh. Tưởng thanh tịnh nên hành thanh tịnh. Hành thanh tịnh nên thức thanh tịnh. Thức thanh tịnh nên nhãn xứ cho đến ý xứ thanh tịnh. Ý xứ thanh tịnh nên sắc xứ cho đến pháp xứ thanh tịnh. Pháp xứ thanh tịnh nên nhãn giới cho đến ý giới thanh tịnh. Ý giới thanh tịnh nên sắc giới cho đến pháp giới thanh tịnh. Pháp giới thanh tịnh nên nhãn thức giới cho đến ý thức giới thanh tịnh. Ý thức giới thanh tịnh nên nhãn xúc cho đến ý xúc thanh tịnh. Ý xúc thanh tịnh nên nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thanh tịnh. Ý xúc làm duyên sanh ra các thọ thanh tịnh nên vô minh cho đến lão tử, sầu, than, khổ, ưu não thanh tịnh. Lão tử, sầu, than, khổ, ưu não thanh tịnh nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh nên nội không cho đến vô tánh tự tánh không thanh tịnh. Vô tánh tự tánh không thanh tịnh nên bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo thanh tịnh. Tám chi Thánh đạo thanh tịnh nên lần lược mười lực Phật, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh. Mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh nên trí nhất thiết thanh tịnh. Trí nhất thiết thanh tịnh nên trí đạo tướng thanh tịnh. Trí đạo tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh. Trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí đạo tướng thanh tịnh. Trí đạo tướng thanh tịnh cùng với trí nhất thiết tướng thanh tịnh đây không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc bố thí Ba-la-mật-đa thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Này Thiện Hiện! Nội không thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Nội không thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến nội không thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc nội không thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến vô tánh tự tánh không thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc vô tánh tự tánh không thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến vô tánh tự tánh không thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc vô tánh tự tánh không thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Này Thiện Hiện! Bốn niệm trụ thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc bốn niệm trụ thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến bốn niệm trụ thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc bốn niệm trụ thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến tám chi Thánh đạo thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Tám chi Thánh đạo thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến tám chi Thánh đạo thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc Tám chi Thánh đạo thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Này Thiện Hiện! Như vậy cho đến mười lực Như Lai thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc mười lực Như Lai thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến mười lực Như Lai thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc mười lực Như Lai thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc mười tám pháp Phật bất cộng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Này Thiện Hiện! Trí nhất thiết thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến trí nhất thiết thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên trí đạo tướng thanh tịnh, trí đạo tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc trí đạo tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Trí nhất thiết trí thanh tịnh, nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh, hoặc Bát-nhã Ba-la-mật-đa thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Như vậy cho đến trí nhất thiết trí thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn. Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thanh tịnh nên trí đạo tướng thanh tịnh, trí đạo tướng thanh tịnh nên trí nhất thiết tướng thanh tịnh. Hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh, hoặc trí đạo tướng thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết tướng thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Mỗi mỗi câu chữ trong đây đều theo thứ lớp trước đây phân loại mà nói đầy đủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Hữu vi thanh tịnh nên vô vi thanh tịnh, vô vi thanh tịnh nên hữu vi thanh tịnh. Hoặc hữu vi thanh tịnh, hoặc vô vi thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Quá khứ thanh tịnh nên vị lai thanh tịnh, vị lai thanh tịnh nên quá khứ thanh tịnh. Hoặc quá khứ thanh tịnh, hoặc vị lai thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Quá khứ thanh tịnh nên hiện tại thanh tịnh, hiện tại thanh tịnh nên quá khứ thanh tịnh. Hoặc quá khứ thanh tịnh, hoặc hiện tại thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Vị lai thanh tịnh nên hiện tại thanh tịnh, hiện tại thanh tịnh nên vị lai thanh tịnh. Hoặc vị lai thanh tịnh, hoặc hiện tại thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Quá khứ thanh tịnh nên vị lai, hiện tại, thanh tịnh; vị lai, hiện tại, thanh tịnh nên quá khứ thanh tịnh. Hoặc quá khứ thanh tịnh, hoặc vị lai, hiện tại thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Vị lai thanh tịnh nên quá khứ, hiện tại thanh tịnh; quá khứ, hiện tại thanh tịnh nên vị lai thanh tịnh. Hoặc vị lai thanh tịnh, hoặc quá khứ, hiện tại thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.
Hiện tại thanh tịnh nên quá khứ, vị lai thanh tịnh; quá khứ, vị lai thanh tịnh nên hiện tại thanh tịnh. Hoặc hiện tại thanh tịnh, hoặc quá khứ, vị lai thanh tịnh không hai không khác, không hoại không đoạn.