Chánh văn:
Tỳ-kheo các ông! Nếu có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh sát không để có tội lỗi, thế là ở trong giáo pháp của ta hay được giải thoát. Nếu không như vậy đã chẳng phải là bậc đạo nhân, cũng chẳng phải là người bạch y, không biết gọi là gì! Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc chắn, kiên cố vượt qua biển già bệnh chết; cũng là ngọn đèn sáng lớn chiếu phá vô minh hắc ám; là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh; là chiếc búa bén chặt đứt những cây phiền não. Thế nên các ông phải lấy trí tuệ văn tư tu mà tự làm tăng ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi tuy là mắt thịt cũng là người thấy sáng. Đó gọi là trí tuệ.
Giảng:
Phật dạy Tỳ-kheo nếu có trí tuệ thì không có tham trước, không tham đắm gì hết, thường tự tỉnh sát, luôn luôn phản tỉnh tự xét lấy mình, không để phạm lỗi. Thế là ở trong giáo pháp của Phật hay được giải thoát. Nếu không có trí tuệ, không chịu phản tỉnh như vậy đã chẳng phải là bậc đạo nhân, cũng không phải là người bạch y, không biết gọi là gì. Người bạch y là người thế tục. Vì không biết phản tỉnh, không có trí tuệ, cứ nhiễm theo thế tục nên không thể gọi là người tu. Nhưng cạo đầu mặc áo nhuộm nên cũng không phải là người thế gian. Vậy gọi là gì? Có chỗ gọi là “phóc cư sĩ” tức là cư sĩ trọc. Vì tâm không biết tu nên giống như cư sĩ, người thế gian, nhưng cạo đầu nên gọi là cư sĩ trọc. Cho nên phải luôn luôn dùng trí tuệ quán chiếu, không nhiễm không dính với ngũ dục thế gian thì mới xứng với danh nghĩa người tu.
Người có trí tuệ chân thật như được chiếc thuyền chắc chắn kiên cố đưa qua biển già bệnh chết. Cũng là ngọn đèn sáng lớn chiếu phá vô minh đen tối. Cũng là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh. Cũng là chiếc búa bén chặt đứt hết những cây phiền não. Thế nên phải lấy trí tuệ văn tư tu, tức là văn tuệ tư tuệ tu tuệ, mà tự làm tăng trưởng lợi ích cho mình. Nghe lời Phật dạy là văn tuệ; nghe rồi chưa đủ, phải nghiền ngẫm suy xét ý nghĩa, thí dụ… để thâm hiểu được nghĩa thú, gọi là tư tuệ; suy xét rồi áp dụng những lời Phật dạy mà tu gọi là tu tuệ. Đó gọi là ba trí tuệ giải thoát. Nếu có trí tuệ chiếu soi tuy là mắt thịt mà vẫn là người thấy sáng. Nghĩa là tuy mang con mắt thịt như mọi người thế gian nhưng nhờ trí tuệ nên biết được những gì mà người thường không biết được.
Bài này Phật dạy người tu phải luôn luôn dùng trí tuệ quán xét, diệt hết những tham đắm thế gian, đừng lúc nào quên, Nếu người có trí tuệ thì có thể ở trong Phật pháp được giải thoát. Nếu không có trí tuệ thì không phải người tu, cũng không phải người thế tục, hỗn độn không ra người gì.
Đức Phật dùng bốn thí dụ để chỉ trí tuệ chân thật. Một là chiếc thuyền chắc đưa mình qua biển già bệnh chết. Hai là ngọn đèn sáng lớn phá trừ vô minh tối tăm. Ba là thứ thuốc hay trị lành tất cả bệnh. Bốn là chiếc búa bén chặt hết cây phiền não.
Lúc nào Phật cũng nhắc mình phải học, phải tu, có trí tuệ để trừ vô minh phiền não được giải thoát. Trí tuệ gồm có văn tư tu, nghĩa là nghe pháp, suy xét và thực hành. Người có trí tuệ thật thì tuy mắt phàm phu mà hay biết được những việc quá hơn kẻ phàm phu. Thế nên chúng ta tu phải có trí tuệ.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |