Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 14



Chánh Văn:

Có vị Sa-môn hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Do nhân gì biết được túc mạng và lãnh hội được Đạo Tối Thượng?” Phật dạy: “Giữ tâm trong sạch, bền chí tu tập, có thể lãnh hội được Đạo Tối Thượng.  Như lau gương, bụi hết thì ánh sáng hiện. Đoạn dứt tham dục, tâm không mong cầu sẽ được túc mạng.”

Giảng:

Túc mạng tức Túc mạng thông.Túc là quá khứ, mạng là mạng sống, Túc mạng thông là thần thông thấy biết được những kiếp sống quá khứ của mình.

Đạo tối thượng tức Phật đạo theo Phật thừa, hay A-la-hán đạo theo Thanh văn thừa. Chương này nghiêng về Thanh văn nên đây muốn chỉ quả vị A-la-hán, quả cứu cánh của Thanh văn thừa.

Vị Tỳ-kheo này hỏi Phật làm sao để chứng được Túc mạng thông và đạt quả A-la-hán.

Phật dạy: “Giữ tâm trong sạch, bền chí tu tập, có thể lãnh hội được Đạo Tối Thượng.”

Giữ tâm trong sạch là giữ tâm thanh tịnh, không rơi vào kiến chấp hai bên, không bị phiền não kiết sử trói buộc. Bền chí tu tập là tinh tấn không lười mỏi, không chán nản, một lòng tha thiết tu đạo, không bỏ dở nửa chừng, như dùi cây lấy lửa, chừng nào được lửa mới thôi, không dừng lại nửa chừng. Chỉ có như vậy mới có thể lãnh hội được đạo tối thượng.

Trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”, nghĩa là đạt đạo không khó, chỉ vì mình hay so sánh phân biệt nên mới thành khó. Chỉ cần không chấp hai bên, tâm tự sẽ trở về bản thể trong sạch vốn sẵn. Việc này tuy khó, nhưng chỉ cần kiên trì, bền chí không đổi thì sớm muộn sẽ thành. Một đời không được thì nhiều đời, công phu huân tập sẽ được tích lũy lại trong tàng thức, không mất đi khi chết, nên không sợ thời gian dài. Chư Phật Bồ-tát đều tu tập rất lâu, từ lúc phát nguyện đến thành Phật, khoảng giữa hành Bồ-tát hạnh vô lượng kiếp, tích lũy công phu cho đến khi trí và hạnh hoàn toàn viên mãn, đủ năng lực cứu độ tất cả chúng sanh, lúc đó mới thành Phật. Cho nên, chúng ta tu không gì phải sợ, phải ngán, đường xa cách mấy cũng ở từng bước chân, hễ có đi là có tới. Ông bà ta từng nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt thành công.”

Nếu chỉ cần tu một đời là xong thì quả Phật đơn giản quá. Sở dĩ nói “Kiến tánh thành Phật” là vì muốn khẳng định tánh mình cùng tánh Phật không khác, thấy tánh tức thấy được nhân thành Phật, từ đó lòng tin sẽ kiên định, tu tập sẽ không thối lui, chớ không có nghĩa là thấy tánh liền thành Phật. Muốn thành Phật, trí huệ và phước báo đều phải viên mãn. Trí huệ phải đến mức thông suốt tất cả sự vận hành của vũ trụ đất trời, thấu rõ nguyên nhân trôi nổi sanh tử của tất cả chúng sanh. Phước báo phải đến mức hình thành được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, đầy đủ bảy báu, không ba đường dữ, dân chúng đều là Bồ-tát Thánh hiền. Quả báo thù thắng như vậy thì nhân phải được gieo trồng thật sâu dày mới được. Nghĩa là, muốn thành Phật, công phu phải rất lâu, thời gian phải rất dài.

Quả vị A-la-hán, Bích chi Phật chỉ là một minh chứng cho chặng đường tu tập, như là hóa thành cho mình tạm dừng chân nghỉ, chưa phải là quả vị rốt ráo trên con đường trở về tâm linh của mình. Nếu A-la-hán bằng Phật, đức Thế Tôn sẽ không tự xưng là Tối tôn, Tối thượng, Tối đệ nhất, là Giáo chủ duy nhất trong kiếp hiện tại ở cõi Ta bà. Vì quả A-la-hán chưa rốt ráo nên sự chứng ngộ của các Ngài có hơn kém, chỗ ngộ có cạn sâu, hoặc là đệ nhất trí tuệ, hoặc là đệ nhất thần thông, đệ nhất giải không, đệ nhất thiền định v.v… Còn quả Phật đã đến chỗ tột nên chư Phật không có thấp cao, ba đời chư Phật công đức như nhau, trí huệ như nhau, không có trên dưới trước sau, không có vị nào riêng là đệ nhất.

Vì việc giữ tâm trong sạch không dễ, nên Đức Phật dạy phải bền chí tu tập. Bền chí chính là tinh tấn, tu không dừng lại, không chán nản bỏ cuộc giữa chừng.

Trong 37 phẩm Trợ đạo, Ngũ căn là năm pháp căn bản trọng yếu của người tu, đứng đầu là Tín căn, tức lòng tin. Tu phải tin, tin Tam Bảo, tin nhân quả, tin chính mình. Tam Bảo là chỗ mình nương tựa tu hành, nếu mất lòng tin Tam Bảo tức bẻ gãy chỗ nương tựa, làm sao tu được! Nhân quả là định luật vận hành của vũ trụ, thế giới, chúng sanh, không tin nhân quả là không tin chân lý, làm sao đạt đạo được! Nếu chính mình cũng không tin thì chẳng còn gì để tin nữa, vậy làm sao tu tiến được! Cho nên, lòng tin đứng đầu trong Ngũ căn là vậy.

Thứ hai là Tấn căn, tinh tấn cũng là một pháp căn bản trên con đường tu tập. Tu mà không tinh tấn thì không thể tiến được. Tinh tấn là kiên trì bền bỉ, tu hành không gián đoạn, nhưng không có nghĩa là tu ngày tu đêm, quên ăn quên ngủ, dụng công đến kiệt sức, vì như vậy cũng là rơi vào cực đoan, không phải là pháp trung đạo của Phật, không phải thật tinh tấn. Nương theo sức mình tu, bền bỉ không đổi, sớm muộn cũng đến đích. Nếu tu quá quyết liệt, vượt quá sức mình, dẫn đến thân mỏi ý mệt, tự nhiên tâm đạo sẽ lui sụt. Hoặc một ngày tu ba ngày nghỉ, tâm ý buông lung, tu cầm chừng qua ngày, tâm đạo cũng sẽ bị mài mòn. Cả hai đều là cực đoan, thái quá hoặc bất cập đều không phải ý nghĩa chữ tinh tấn.

Tinh tấn ở tâm, không phải ở tướng. Tu làm sao không vướng kẹt hai bên. Tu trong mọi hành vi, mọi ý nghĩ, đi đứng ngồi nằm, nói năng động tịnh đều có thể dụng công. Dù khỏe mạnh hay ốm đau, dù đang trong thời công phu hay đang lúc bình thời, hễ vừa có dính mắc liền buông, không đợi tọa thiền hay tụng kinh mới buông. Như thế 24 giờ đều dụng công. Nếu dính mắc vào hình thức hay giới điều, lấy đó làm thước đo sự tu tập là đang dính mắc vào tướng tu, làm cho tâm mình không còn trong sạch nữa, cũng thuộc về chấp tướng. Chấp tướng rất khó bỏ, phải bền chí tu tập mới bỏ được, bỏ được mới thâm nhập được đạo, nhận được bản tâm bản tánh của mình.

Thấy đạo quan trọng hơn đắc thần thông, thấy đạo là nhân, được thần thông là quả, nên Phật trả lời câu hỏi về đạo trước, về thần thông sau.

Như lau gương, bụi hết thì ánh sáng hiện.

Đức Phật dùng chữ “bụi lau gương” để cho mình dễ hiểu, chứ thật sự tự tâm mình không lúc nào có bụi. Như Lục Tổ nói: “Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai” (Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm). Bản tâm mình vốn thanh tịnh nên lúc nào nó cũng thấy nghe rõ ràng, chỉ vì thói quen chấp ngã của mình, tạo ra cái gọi là tham, sân, si, để rồi thành bụi. Nhưng cho dù mình có chấp cái gì đi nữa, tự tâm mình vẫn thanh tịnh, cái chấp không che mờ được tự tâm mình, nó chỉ làm mình quên đi ánh sáng tự tâm, hay nói cách khác là không để ý đến tự tâm thì đúng hơn. Nói lau gương mà thật ra là lau bụi, là sửa cái lỗi hay chạy theo sắc tướng sinh diệt bên ngoài, quên đi diệu dụng vô cùng của tự tâm. Chỉ cần buông được ngã chấp pháp chấp, không để tham, sân, si chi phối, tự nhiên sẽ trở lại được với tự tâm vốn luôn thanh tịnh và hay chiếu sáng của mình.

Đoạn dứt tham dục, tâm không mong cầu sẽ được túc mạng.

Muốn có thần thông biết được quá khứ phải dứt tâm tham dục, không còn mong cầu bất cứ điều gì.Túc mạng thông dễ chứng hơn Lậu tận thông. Những vị tu thiền định, tuy chưa đắc đạo cũng có thể có năm thần thông. Người tu chân chánh không cầu thần thông, vì nó không cần thiết, chỉ quan tâm mình còn chấp ngã chấp pháp hay không? Thấy đạo hay chưa? Nếu có thần thông cũng mặc kệ, không quan tâm, không dùng đến.

Vì Đức Phật không đặt nặng thần thông nên khi nói về túc mạng, Ngài chỉ nói giản lược như vậy thôi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.