Khóa Hư Lục giảng giải

Ngữ Lục Vấn Đáp



Chánh văn 

Một hôm Vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị tăng tên Đức Thành người nhà Tống hỏi: 

Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào? 

Vua đáp: 

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,

Muôn dặm không mây muôn dặm trời. 

Tăng hỏi: 

– Chưa rời cung, chưa ra đời đã được chỉ dạy. Đã rời cung, đã ra đời việc thế nào? 

Vua đáp: 

Mây sanh đảnh núi toàn màu trắng,

Nước đến Tiêu Tương một dáng trong

Tăng hỏi: 

Mưa tạnh sắc núi sáng, 

Mây đi trong động ngời. 

Vì sao ẩn hiển như một? 

Vua đáp: 

Trừ người quả thật con ta đó,

Ai kẻ bạo chân vào đường này. 

Tăng hỏi: 

Xưa nay không lối khác, 

Người đạt cùng chung đường. 

Bệ hạ có nhận chỉ Thế Tôn đắc đạo chăng? 

Vua đáp: 

Mưa xuân không cao thấp, 

Cành hoa có ngắn dài. 

Tăng hỏi: 

Người người vốn tự người người đủ, 

Mỗi mỗi xưa nay mỗi mỗi tròn. 

Vì sao Thế Tôn vào núi tu hành? 

Vua đáp: 

Kiếm vì bất bình mở hộp báu, 

Thuốc do trị bệnh ra khỏi bình. 

Tăng hỏi: 

Trong mắt thôi để bụi, 

Trên thịt chớ khoét thương. 

Trên phần người học có tu chứng không? 

Vua đáp: 

Nước chảy xuống non đâu có ý, 

Mây bay qua núi vốn không tâm. 

Tăng im lặng. Vua nói: 

Chớ bảo không tâm đây là đạo, 

Không tâm còn cách một lớp rào. 

Tăng thưa: 

– Nơi tâm đã không, nói gì là một lớp rào? 

Vua đáp: 

Nước chảy xuống non đâu có ý, 

Mây bay qua núi vốn không tâm. 

Tăng không đáp được. 

Giảng: 

Một hôm Vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị tăng tên Đức Thành người nhà Tống hỏi: 

– Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào? 

Vua đáp: 

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, 

Muôn dặm không mây muôn dặm trời. 

Đó là lối đối đáp trong nhà thiền. Câu hỏi của ông tăng này là dẫn từ kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói: Đức Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Khi nghe câu nói này có vị tăng tên Đức Thành mới đem ra hỏi: như vậy là ý nghĩa thế nào? Nhà vua đáp:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, 

Muôn dặm không mây muôn dặm trời. 

Câu đáp này thật hay, có ý nghĩa thế nào! Đó là những việc mà tôi nghĩ nếu không chịu khó giải thích thì tất cả quý vị đọc mà không thể hiểu, không hiểu rất tốt, đó mới là Thiền, còn hiểu thì mất Thiền. Nhưng chúng ta tu Thiền mà không hiểu còn có ý nghĩa Thiền, chứ người không tu Thiền chỉ nghiên cứu mà không hiểu là tai họa. Do đó tôi chịu khó giải thích cho quý vị thấm nhuần được ý nghĩa thâm trầm của câu hỏi và lời đáp. Như trong kinh Hoa Nghiêm nói, Phật chưa rời cung trời Đâu-suất mà đã giáng sanh trong cung vua Tịnh Phạn chưa ra khỏi thai mẹ, tức là chưa ra khỏi thai bà Ma-da phu nhân mà ngài giáo hóa đã xong. Nói vậy làm sao chúng ta có thể hiểu, chưa rời cung trời thì làm sao có mặt dưới đây, chưa ra khỏi thai mẹ làm sao giáo hóa đã xong? Đó là một vấn đề rất khó hiểu, nhưng ý kinh nói rằng tất cả chúng sanh cũng như chư Phật đều có pháp thân bất sanh bất diệt. Thể pháp thân bất sanh bất diệt không có đến đi, nhưng mọi việc đều đã an bài tức là đều đã xong, nên nói rằng chưa rời cung Đâu-suất mà đã đến vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong, là để chỉ cho ý nghĩa thể pháp thân bất sanh bất diệt ai cũng có. Vì vậy nhà vua mới đáp bằng hai câu thơ:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, 

Muôn dặm không mây muôn dặm trời. 

Nghĩa là sao? Vì trên hư không chỉ có một vầng trăng, nhưng dưới thế gian này có ngàn con sông thì có ngàn bóng mặt trăng hiện, đó là để biểu trưng hóa thân, còn một mặt trăng trên hư không là để biểu trưng cho pháp thân. Pháp thân không có nhiều, mà hóa thân thì tùy duyên ứng hiện, như vậy câu ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, muôn dặm không mây muôn dặm trời, trời có muôn dặm không? Trời thì không có muôn dặm, nhưng chỗ nào có mây thì thấy trời bị ngăn cách, chỗ không mây thì thấy trời thăm thẳm ngàn dặm. Trời không phải là hai, nhưng tùy sự che đậy của mây mà thấy trời có ngắn có dài, có gần có xa. Thế nên thấy trời gần, xa, ngắn, dài chỉ là do mây. Trời là để dụ cho pháp thân, còn mây nhiều ít là để dụ cho hóa thân tùy duyên thấy có lớn nhỏ sai biệt. Như vậy hai câu trả lời này để nói rõ rằng: Phật giáng sanh ở vương cung hay đi giáo hóa người, đó là Phật hóa thân; còn Phật pháp thân vẫn nguyên vẹn, vẫn sẵn đủ chưa bao giờ đến đi, mà không đến đi nên việc gì cũng đã xong. Đó là ý nghĩa của câu hỏi và câu đáp.

Tăng hỏi: 

– Chưa rời cung, chưa ra đời đã được chỉ dạy. Đã rời cung, đã ra đời việc thế nào? 

Như vậy ngài chỉ dạy lúc đức Thế Tôn chưa rời cung trời Đâu-suất, chưa ra khỏi thai mẹ, bây giờ sau khi đã rời cung trời Đâu-suất, đã ra khỏi thai mẹ rồi thì việc đó làm sao?

Vua đáp: 

Mây sanh đảnh núi toàn màu trắng, 

Nước đến Tiêu Tương một dáng trong. 

Nghĩa là mây sanh ở trên đảnh núi thì tuy có nhiều cụm, nhiều áng, nhưng chỉ toàn một màu trắng. Còn nước sông Tiêu, nước sông Tương ở bên Trung Hoa khi chảy đến chỗ giáp nhau thì dòng sông sâu, nên lóng thành nước trong. Hai dòng tuy khác nhưng đến chỗ cứu cánh đều trong. Như vậy trên thì lấy thể mà nói, đây lấy dụng mà nói. Dụng là gì? Tức là mây, mây là tướng sanh diệt, tuy tướng sanh diệt khác nhau nhưng đồng màu. Nước sông Tiêu khác, nước sông Tương khác đến chỗ giáp nhau cũng đồng một sắc. Như vậy tuy rằng đã có giáng sanh ở vương cung, đã ra đời giáo hóa, nhưng thể cũng không hai. Hiểu như thế mới thấy câu trả lời khéo léo của ngài. Ở trên nhắm thẳng về mặt trăng, về bầu trời là chỉ cái thể, còn dụng là hóa thân tùy duyên ứng hiện trăm ngàn thứ khác nhau, nhưng thể vẫn không hai.

Tăng hỏi: 

Mưa tạnh sắc núi sáng,

Mây đi trong động ngời, 

Vì sao ẩn hiển như một?

Nghĩa là trên những ngọn núi khi sắp mưa thì trời mù mịt, đến khi mưa tạnh thì núi hiện rõ ràng, nên sắc núi sáng. Mây che thì cửa hang động tối, mây qua rồi thì cửa hang động sáng ngời. Như vậy có tối có sáng rõ ràng. Hai hình ảnh đó có khác nhau, khi mưa khi tạnh núi có hai hiện tượng khác, khi mây che khi mây tan cửa động có hai hiện tượng khác, tại sao lại nói ẩn hiển như một? Trong kinh nói ẩn hiển không hai là sao? Câu hỏi này thật khó trả lời, nếu mình không khéo thì không làm sao đáp nổi.

Vua đáp: 

Trừ người quả thật con ta đó, 

Ai kẻ bạo chân vào đường này. 

Lý ẩn hiển không hai trừ người thật là con trong nhà Thiền mới thấy được chỗ đó, còn kẻ khác thì không dám bước chân vào đây. Cho nên ngài nói rõ:

Trừ người quả thật con ta đó, 

Ai kẻ bạo chân vào đường này. 

Như vậy thì ẩn hiển như một là để chỉ người đạt đạo rồi mới thấy rõ điều đó, còn người chưa đạt đạo thì lúc nào cũng thấy là hai.

Tăng hỏi: 

Xưa nay không lối khác, 

Người đạt cùng chung đường. 

Bệ hạ có nhận chỉ Thế Tôn đắc đạo chăng? 

Trong kinh nói xưa nay không lối khác, người đạt cùng chung đường là chỉ chỗ chân thật xưa nay không có lối nào khác, ai đạt đạo cũng đi chung con đường đó. Mà đã không lối khác, vậy tại sao nói riêng Thế Tôn được đạo? Ai cũng lối đó, ai cũng đường đó, ai cũng được đạo, tại sao nói riêng Thế Tôn được đạo? Như vậy bệ hạ có nhận riêng Phật được đạo không?

Vua đáp: 

Mưa xuân không cao thấp, 

Cành hoa có ngắn dài. 

Câu trả lời thật hay! Mưa xuân không cao thấp, nghĩa là trời mưa thì bình đẳng không cao thấp, nhưng mà cành hoa có ngắn dài, nên hứng nước mưa có nhiều có ít khác nhau. Vậy là khác nhau tại cành hoa chứ không phải tại mưa. Mưa đó chỉ cho cái gì? Cũng như ở trên nói xưa nay không lối khác, người đạt cùng chung đường, đó là ý nói tất cả chúng sanh đồng thể, đồng có tánh giác, thì đâu riêng gì Phật đắc đạo, mà ai có tánh giác cũng có quyền đắc đạo. Nhưng tại sao chỉ nói đức Thế Tôn đắc đạo, còn chúng ta không ai đắc đạo? Vì đức Thế Tôn biết tu nên ngộ được tánh giác, còn chúng ta không biết tu nên chưa ngộ được tánh giác. Tánh giác đó ở đây nói mưa xuân không cao thấp, mưa là chung chứ không riêng ai, nhưng vì cành hoa có ngắn dài, nhỏ lớn, nên hứng mưa, hứng sương có khác nhau. Cho nên khi đọc đến đây chúng ta mới thấy cái nhìn của các ngài vừa thi vị vừa tường tận ý nghĩa.

Tăng hỏi 

Người người vốn tự người người đủ,

Mỗi mỗi xưa nay mỗi mỗi tròn. 

Vì sao Thế Tôn vào núi tu hành? 

Trong các vị Thiền sư hay trong kinh Đại thừa luôn luôn nói: Ai ai cũng vốn tự đủ, ai ai cũng vốn tròn đầy. Tự đủ cái gì, tròn đầy cái gì? Là tánh giác, ai cũng đủ ai cũng đầy, vì sao Thế Tôn đầy đủ rồi cứ hưởng đi, vào núi tu hành chi nữa? Đó là ý của câu hỏi.

Vua đáp: 

Kiếm vì bất bình mở hộp báu, 

Thuốc do trị bệnh ra khỏi bình. 

Kiếm quý để trong hộp ngọc, vì bất bình thiên hạ có những cái gian giảo hung ác, nên mới mở hộp lấy kiếm ra để trị những kẻ gian ác. Cũng như thuốc nằm sẵn trong bình vàng nhưng vì bệnh chúng sanh nên mới trút ra để trị bệnh. Như vậy không phải do có giặc mới có kiếm, mà kiếm đã nằm sẵn trong hộp ngọc, cũng như không phải do có bệnh mới có thuốc, mà thuốc đã nằm sẵn trong bình vàng. Vì muốn lợi ích cho người, buộc lòng mở hộp lấy kiếm ra, mở bình trút thuốc ra. Như vậy ai ai cũng sẵn đủ, nhưng vì muốn lợi ích cho chúng sanh Thế Tôn phải đi tu. Đó là chỗ đặc biệt cần phải hiểu cho thật rõ. Cũng như chúng ta thấy trong kinh nói ai ai cũng có tánh Phật, cũng có khả năng thành Phật, vậy quý thầy đã có tánh Phật, đã thành Phật, tại sao đi tu làm gì, thì phải hiểu ý đó. Cho nên dùng câu:

Kiếm vì bất bình mở hộp báu, 

Thuốc do trị bệnh ra khỏi bình

Như vậy kiếm ra khỏi hộp báu, thuốc ra khỏi bình là vì trị bệnh, vì cứu dân, vì muốn lợi ích cụ thể nên phải hiện ra ngoài. Cũng như đức Thế Tôn có đủ tánh giác, tròn đầy thể bất sanh bất diệt, nhưng vì muốn cho mọi người được lợi ích, được trở về tánh giác mà phải vào núi tu hành.

Tăng hỏi: 

Trong mắt thôi để bụi,

Trên thịt chớ khoét thương. 

Trên phần người học có tu chứng không? 

Con mắt đang mạnh để bụi vào thì xốn. Trên thịt lành khoét một vết thương thì đau. Con mắt không bệnh đang khỏe để bụi vô làm chi. Thịt lành để cho khỏe khoét thương làm chi. Như vậy là nó đã sẵn, đâu cần làm thêm cái gì nữa. Vậy trên phần người học có tu chứng không? Nghĩa là đã sẵn tánh giác, đã sẵn chân tâm cần tu chi nữa cho thêm chuyện, cũng như con mắt lành bỏ thêm bụi, thịt lành khoét thành vết thương. Như vậy thì cần tu hay không?

Vua đáp: 

Nước chảy xuống non đâu có ý,

Mây bay qua núi vốn không tâm. 

Nước từ trên núi chảy xuống ầm ầm, mà có ý chảy không? Nước chảy chứ không có ý. Còn mây bay qua núi từng đợt từng đợt có nghĩ rằng che núi không? Như vậy nước chảy mây bay là để nói phần tu chứng, Tu chứng chẳng phải không mà nhiễm ô không thể được. Câu trả lời thật hay vì không tâm không ý làm sao nhiễm ô. Câu đáp vừa trung thành với Phật tổ, vừa là câu văn rất nên thơ. Hai hình ảnh nước trên núi chảy, mây bay qua núi, cả hai đều có động tác mà không tâm không ý. Như vậy tu chứng chẳng phải không mà không có ý để dính mắc sự tu chứng. Vì vậy ngài Hoài Nhượng khi đến với Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: Ông từ Tung Sơn đến đây có mang theo vật gì? Ngài không trả lời được, nên xin vào chúng ở tám năm mới phát minh, bèn ra thưa: Bạch Hòa thượng, nói một vật tức chẳng trúng. Tổ liền hỏi: Có tu chứng chăng? Ngài thưa: Tu chứng chẳng phải không, nhiễm ô không thể được. Câu này thật thiết yếu. Cũng như ở đây mây bay nước chảy mà không ý nên nhiễm ô không thể được. Như vậy bay, chảy là hai động tác hiện tiền nhưng ý không dính không mắc. Cũng như tất cả chúng ta đều có tánh giác sẵn không cần phải tìm kiếm ở đâu, nếu khởi tìm kiếm thì giống như để bụi vào mắt, như khoét thịt để thành vết thương. Tuy nhiên như thế trên phần tu chứng chẳng phải chẳng có. Tại sao? Bởi vì tu chứng là phương tiện để hiển bày cái sẵn có của chính mình, chứ không có ý dính mắc ở chỗ chứng đắc.

Thế nên mới dùng hình ảnh nước chảy xuống non đâu có ý, mây bay qua núi vốn không tâm. Đến đây vị tăng Đức Thành im lặng, nên Vua nói:

Chớ bảo không tâm đây là đạo, 

Không tâm còn cách một lớp rào. 

Bởi vì ở trên ngài dùng câu mây bay qua núi vốn không tâm, sợ e ông chấp chỗ không tâm nên ngài nhắc lại chớ bảo không tâm đây là đạo, không tâm còn cách một lớp rào. Câu này là dẫn lời của ngài Trường Sa Cảnh Sầm.

Ông tăng nghe như vậy thì bẻ lại: Đã nói không tâm, tức nơi tâm đã không thì nói gì là một lớp rào? Ngài liền đáp:

Nước chảy xuống non đâu có ý,

Mây bay qua núi vốn không tâm. 

Nói một lớp rào là chỉ cái chấp của người, còn chấp là còn mắc kẹt. Nếu không tâm không ý đâu còn gì chấp, không chấp thì có gì mắc kẹt mà nói một lớp rào. Ngài lập lại câu trên, ông tăng nghe lặp lại, không thể đối đáp được. Còn ngài vừa đáp được ý rất sâu, đồng thời văn thơ cũng thật hay. Cho nên chúng ta thấy Thiền sư Việt Nam vừa thật thà vừa thi vị, nói rõ được ý nghĩa mà vẫn có thi vị.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.