Khóa Hư Lục giảng giải

Bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam



Nội dung:

Dịch:

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.” Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.

Vả lại, thuở Trẫm còn niên thiếu có chút ít hiểu biết, vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh; nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý hồi hướng đã nảy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.

Năm mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà. Lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan thịt nát vẫn chưa đủ đáp đền trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại, chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí Trẫm đã quyết định.

Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1236), Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ.” Bấy giờ tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ Hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lặng lẽ ra đi, sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thật lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ Mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, Trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; Trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:

– Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?

Trẫm nghe nói hai hàng nước mắt tự tràn, đáp lại Sư rằng:

– Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.

Sư bảo:

– Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.

Bấy giờ ông chú Trần Công – người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chánh – nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói:

– Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.

Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:

– Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng.

Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa… đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”. Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:

– Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.

Giảng:

Qua các tư liệu về Phật giáo Thiền tông đời Trần, chúng ta được biết đường lối tu thiền đời Trần bắt đầu từ vua Trần Thái Tông. Ngài là người lãnh đạo đất nước, đồng thời là một ông vua Thiền sư. Nói đến Thiền tông đời Trần chúng ta cần nhìn tổng quát trước, rồi đi vào phần chi tiết sau.

Về đời Trần, các nhà nghiên cứu sử có những phê bình khác nhau, vì đứng từng góc độ khác nhau. Trên góc độ Khổng giáo, các vua đời Trần có lỗi là trong thân tộc cưới gả lẫn nhau, làm mất đi tinh thần luân lý đạo đức. Nhưng nếu nhìn qua góc độ Phật giáo Thiền tông thì các ngài ở địa vị vua mà có thể tu hành đạt đạo, rất xứng đáng để chúng ta học hỏi. Đặc điểm của các Thiền sư đời Trần là các ngài hiểu đạo, nói được và thực hành được. Ngày nay noi gương các ngài, không phải chúng ta chỉ biết lý thuyết suông mà phải thực hành cho được những điều đã học. Hơn nữa trong hoàn cảnh làm vua đang cai trị đất nước, chống ngoại xâm, hoàn cảnh hết sức khó khăn bận rộn mà các ngài vẫn nghiên cứu Phật giáo và vẫn tu được. Chúng ta hiện giờ dù bận rộn bao nhiêu cũng không thể so bì được, trái lại còn phải thành tâm kính bái các ngài. Đó là điều chúng tôi muốn nêu ra để tất cả thấy rõ tinh thần người xưa như thế nào và chúng ta ngày nay không thể sánh bằng.

Nói về vua Trần Thái Tông, trước hết chúng ta phải hiểu qua lịch sử của Ngài, phần này chúng tôi có ghi trong quyển Thiền Sư Việt Nam:

Trần Thái Tông, ông vua Thiền sư (1218-1277).

Trần Thái Tông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, sanh năm Mậu Dần niên hiệu Kiến Gia thứ tám (1218) triều Lý. Gia thế ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc huyện Mỹ Lộc tỉnh Hà Nam Ninh); ông cha làm nghề đánh cá. Nhờ có công dẹp loạn, họ Trần dần dần có thế lực từ đời Lý Cao Tông. Trần Cảnh mới có tám tuổi được Lý Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, lấy hiệu là Thái Tông.

Như vậy vua Trần Thái Tông lên ngôi năm tám tuổi, còn nhỏ chưa biết cai trị đất nước, chú là Trần Thủ Độ thay quyền làm nhiếp chánh. Tuy Thái Tông ở địa vị vua, nhưng chỉ có danh mà chưa có thực.

Năm Thái Tông lên hai mươi tuổi, Lý Chiêu Hoàng mười chín tuổi đang là Hoàng hậu, bị Trần Thủ Độ ép Thái Tông giáng Chiêu Hoàng làm Công chúa, lấy chị bà là vợ Trần Liễu (anh ruột Thái Tông) làm Hoàng hậu. Lý do, vì Thủ Độ nôn nóng Thái Tông có con để kế thừa, mà Chiêu Hoàng chậm con, chị bà đang mang thai. Trần Liễu phẫn uất nổi loạn tháng giêng năm Bính Thân (1236).

Đây là hành động mà các sử gia Nho học phê phán rất nhiều.

Theo sử năm vua Trần Thái Tông được hai mươi tuổi, bà Lý Chiêu Hoàng mới mười chín tuổi bị giáng xuống làm Công chúa, lại đem chị bà là vợ Trần Liễu làm Hoàng hậu, do đó có rối loạn trong nội bộ. Đoạn sử này dẫn đến bài học hôm nay: Tựa Thiền Tông Chỉ Nam.

Sách vở đời Trần rất nhiều, song những tư liệu còn sót lại không có bao nhiêu. Tỉ dụ như bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam còn lại đây, tức là có quyển sách ThiềnTông Chỉ Nam mà nay đã thất lạc. Bài tựa này bằng chữ Hán đích thân vua Trần Thái Tông viết, chúng tôi dịch ra tiếng Việt.

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.” Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.

Trong đoạn này vua Thái Tông nêu lên trọng trách của Ngài đối với Phật pháp, tương đương với chư Tổ ngày xưa. Đức Phật dùng tất cả phương tiện để hướng dẫn mọi người, dù ở trình độ nào cũng có thể tiến tu. Nhưng đức Phật chỉ trụ thế có tám mươi năm rồi nhập Niết-bàn. Từ đó đến nay trên hai ngàn năm chúng ta biết được Phật pháp là nhờ chư Tổ. Các ngài tiếp nối người trước chỉ dạy người sau, lần hồi đến chúng ta ngày nay. Nếu không có sự truyền bá đó thì chúng ta không biết đâu mà tìm hiểu và thấy được giáo lý của Phật. Khi xưa chư Tổ lấy việc truyền bá chánh pháp làm trách nhiệm chánh, nay nhà vua hiểu được Phật pháp phần nào thấy mình cũng có trách nhiệm như chư Tổ ngày trước.

“Lấy giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình” tức là đức Phật dùng chánh pháp giáo hóa mọi người và mình đang được hấp thụ thì chánh pháp của Phật đã chuyển thành như của mình. Từ đó tiếp nối truyền cho người sau, đó là trọng trách của chư Tổ, cũng là bản ý của nhà vua, Ngài tự đặt trách nhiệm phải làm sao truyền bá chánh pháp đến mãi sau này.

Vả lại, thuở Trẫm còn niên thiếu có chút ít hiểu biết, vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh; nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý hồi hướng đã nảy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.

Đây nói về vua Trần Thái Tông lúc còn bé khoảng mười hai tuổi, hiểu biết chút ít, nhân nghe lời dạy của Thiền sư, tâm Ngài liền lóng lặng. So lại chúng ta ngày nay hiểu biết rất nhiều, rất đầy đủ mà nghe lời dạy của Thiền sư, tâm mình có lắng được chút nào không? Do tâm Ngài lóng lặng, nên liền an ổn thanh tịnh. Từ đó Ngài phát tâm tìm hiểu nội giáo, nghiên cứu kinh điển và tham cứu Thiền tông. Ngài hết lòng tìm thầy và chí thành mộ đạo.

“Tuy ý hồi hướng đã nảy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.” Thay vì hướng theo dục lạc thế gian, nhà vua xoay lại hướng về kinh điển của Phật và học hỏi nơi các Thiền sư, nhưng chưa được sự chỉ dạy để mở sáng con mắt đạo.

Năm mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà. Lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan thịt nát vẫn chưa đủ đáp đền trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo: Trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: Chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí Trẫm đã quyết định.

Năm mười sáu tuổi vua Trần Thái Tông mất mẹ, Ngài diễn tả nỗi đau lòng rất là thống thiết, nào là nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng. Vài năm sau cha Ngài lại mất, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề, khó bề dẹp được. Cha mẹ mất sớm, mà chưa đền đáp được công ơn, Ngài rất là buồn khổ.

Nhà Vua lại nghĩ: “Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan.” Đây là lời tôn xưng ngài Trần Thừa lúc đó làm quan đời Lý, có công giúp Vua dẹp loạn. Nay Trần Thái Tông lên ngôi nên tôn xưng cha là Thái Tổ Hoàng đế. Nhà Trần vì có công cầm quân dẹp loạn, nên được nhà Lý trọng dụng cho ở trong cung và phong chức lớn. Do đó ngài Trần Cảnh được đem vào cung để kế thừa ngôi nhà Lý. Vậy ngài Trần Cảnh lên ngôi là do công lao khai cơ lập nghiệp rất là gian khổ của ông cha. Nay được giàu sang quyền thế lãnh đạo cả đất nước, Ngài nhớ công ơn cha mẹ sâu dày, dầu cho tan thân mất mạng cũng không đền đáp được. Giờ đây nhà Vua còn nhỏ tuổi mà phải lãnh đạo toàn quốc không biết có đủ khả năng để đảm đang trách nhiệm hay không, nên Ngài mới nghĩ:

“Ta lòng riêng tự bảo: Trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây?” Trên đã mất cha mẹ, dưới lại e không làm tròn bổn phận đối với dân, bây giờ phải làm sao? Ngài nghĩ ra kế duy nhất:

Ta suy đi nghĩ lại: Chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao?

Ngài là vua mà suy gẫm như vậy, giúp cho chúng ta thêm một sức mạnh trên đường tu. Ngài không dám nghĩ mình gánh vác việc nước để đền ơn cha mẹ, mà nghĩ chỉ có đi tu, hiểu rõ việc lớn sanh tử mới đủ đền đáp công ơn cha mẹ. Ngài nhìn và hiểu Phật pháp rất sâu, nên Ngài quyết định đi tu. “Thế là chí Trẫm đã quyết định.”

Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm, Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ.” Bấy giờ tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thật lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than, bên núi Phả Lại, sợ có người biết, Trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; Trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử.

Khi đã quyết chí, Ngài liền lặng lẽ ra đi lúc ban đêm. Từ trong cung cấm đi ra rất khó, nên Ngài phải thay đổi y phục và dẫn theo một ít kẻ tả hữu, giả nói là đi để thầm nghe lời than oán của dân, để biết rõ nỗi khổ của họ. Thầy trò âm thầm ra đi, theo hướng đông đi thẳng về phía núi Yên Tử. Qua khỏi sông Ngài mới nói thật với tả hữu là Ngài đi lên núi tu và cho tất cả trở về, mọi người đều khóc. Một mình một ngựa ra đi, sáng hôm sau Ngài đến bến đò Đại Than, lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Nơi nào mệt mỏi, Ngài dừng nghỉ, đến tối nghỉ lại chùa tăng Giác Hạnh[i], sáng lại ra đi. Leo trèo lặn lội, khi đến gần núi Ngài phải bỏ ngựa theo vách đá mà lần bước. Đường đi hết sức khó khăn hiểm trở, Ngài chịu bao nhiêu gian khổ như vậy cốt lên đến núi Yên Tử để học đạo, vì núi này được nổi danh là có nhiều Thiền sư đắc đạo. Thế nên người tu muốn cho có công hạnh và thấu hiểu đạo đức thường phải lên núi Yên Tử tìm thầy. Lại nữa Ngài là vua, muốn yên tu cần phải trốn đi xa mới tránh khỏi bị phát giác và mời trở về triều đình. Núi Yên Tử cách xa thành Thăng Long mấy trăm cây số, một đoạn đường khá dài chắc không ai tìm đến được. Nhưng không ngờ vẫn có người tìm đến!

Sáng hôm sau Trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ, ung dung bảo: “Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?”

Sáng hôm sau nhà Vua lên đến đỉnh núi gặp vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Sách khác để tên là Quốc sư Phù Vân, có lẽ do Ngài nói rằng: “Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng lòng như mây nổi…” Mây nổi tức là phù vân, vì vậy sau gọi hiệu Quốc sư là Phù Vân. Người tu ở núi rừng thì xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, mà lòng thênh thang không dính mắc như mây nổi. Đây là diễn tả tinh thần của Quốc sư Trúc Lâm, lòng thênh thang không có gì trói buộc được. Nhìn lại chúng ta ngày nay, ăn chén bột chiều mà đã thở than, ở cảnh núi rừng mà lòng còn dính mắc, thật không xứng đáng chút nào!

Quốc sư lại nói tiếp: “Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?”

Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự tràn, đáp lại Sư rằng: “Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.”

Vua Thái Tông quyết chí đến đây chỉ cầu thành Phật, chớ không cầu gì khác giống như Lục Tổ thuở trước. Tại sao khi Quốc sư hỏi, nhà Vua lại khóc, hai hàng nước mắt tự tràn, chắc Ngài có tâm sự uẩn khúc chi đây?

Trong sử ở đoạn trước, chúng ta được biết ông Trần Thủ Độ ép vua Thái Tông phải phế bỏ Hoàng hậu Chiêu Thánh, giáng làm Công chúa, lại ép lấy người chị của Công chúa đang là vợ của Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông), đem về làm Hoàng hậu. Đối với người hạnh tốt biết đạo mà phải làm việc không hợp đạo lý này, nhà Vua rất là đau đớn, không thể nào ngồi yên được. Nhưng ở đây với Quốc sư Ngài chỉ nêu lý do là vì mất mẹ mất cha, không nơi nương tựa và nghĩ mình không xứng đáng để cho muôn dân trông đợi, còn lý do thầm kín Ngài nói ra không được, nên khi mở miệng là tràn nước mắt, đau đớn nát lòng. Đọc tới đây chúng ta mới thấm nỗi đau của Ngài, làm vua mà bị ép buộc, không cãi lại được nên chỉ còn chuyện đi tu là tròn hơn hết, khỏi bị tiếng xấu, cũng khỏi bị nỗi khổ tâm ray rứt. Thế nên Ngài quyết chí đi tu để đền ơn cha mẹ, xong bổn phận mình không bị ai phê bình chê trách.

Khi nghe nhà Vua thưa như vậy, Quốc sư bảo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.”

Đây là câu chỉ thẳng không giấu giếm chút nào. Nhà Vua lên núi để cầu làm Phật, mà Phật ở đâu? Phật không phải ở trong núi mà ở ngay nơi tâm. Tâm lặng lẽ mà hằng biết đó là chân Phật, Phật thật. Nhận được tâm này tức khắc thành Phật, nghĩa là ngay đó biết mình có Phật, chớ không phải liền thành Phật với đủ thần thông diệu dụng. Không nhọc tìm cầu bên ngoài là chỉ thẳng Phật nơi Ngài rồi.

Qua câu chuyện đối đáp giữa vua Trần Thái Tông và Quốc sư, chúng ta thấy nỗi đau đớn của một ông vua phải bỏ ngai vàng lên núi xin tu và lời của vị Quốc sư ngộ đạo, Ngài không nói quanh co mà chỉ thẳng chỗ tột cùng cho người cầu đạo.

Nhà Vua tưởng được an ổn tu hành, không ngờ lại gặp khó khăn.

Bấy giờ ông chú Trần Công – người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chánh – nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói:

– Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.

Vua Trần Thái Tông bị đặt trong thế bất khả kháng. Giả sử Vua có quyết chí tu mà quần thần cùng các bô lão kéo lên núi đòi chết ngay tại đó nếu nhà Vua không chịu trở về kinh, thử hỏi làm sao Ngài yên tu cho được? Thật là điều kiện hết sức khó khăn.

Ông Trần Thủ Độ lên đến núi gặp được nhà Vua nói thật thống thiết. Ông nhận sự ủy thác của tiên quân tức là của ngài Trần Thừa, tôn ngài Trần Cảnh lên làm chúa thần dân khi mới tám tuổi. Đến bây giờ nhà Vua hai mươi tuổi được dân chúng tin tưởng trông đợi coi như cha mẹ. Lại nữa ngày nay các cố lão trong triều đều là bầy tôi thân thuộc, tức là chỉ những vị quan lớn tuổi trong triều ủng hộ nhà Vua đều là dòng họ nhà Trần, còn tất cả người dân đều trông đợi phục tùng.

Vả lại Thái Tổ bỏ thần mà đi, nấm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình.

Lời ông Trần Thủ Độ rất tha thiết. Người anh là ngài Trần Thừa vừa mất, đất mồ chưa khô. Nhà vua mất mẹ lúc mười sáu tuổi, mất cha khoảng mười tám tuổi, đến năm hai mươi tuổi lại tính chuyện đi tu, nên nói đất trên mồ cha chưa khô.

Ông lại nói tiếp: “Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao?” Riêng nhà Vua đi tu thì có thể được, nhưng trách nhiệm làm vua thì sao? Quốc gia xã tắc giao cho ai? Đây là một câu hỏi làm nhà Vua rối trí.

Kế ông lại trách: “Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ.” Nếu nhà Vua đi tu, rồi đem những lời dạy của Phật và chư Tổ ra nhắc nhở, thì ông Trần Thủ Độ cho đó là những lời dạy suông, không thực tế. Chi bằng làm vua, lấy thân mình, lấy tài đức mình làm gương để dạy dân, hướng dẫn dân, đó mới là cụ thể, mới là thực tế hơn. Nghe đến đây nhà Vua rủn chí, thật là khó xử.

Ông lại nói thêm một câu cuối, khiến nhà Vua phải chịu thua: “Nếu Bệ hạ không chịu về, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.” Câu nói quyết liệt này làm nhà Vua không còn cách gì thối thác được.

Đến đây vua Trần Thái Tông mới kể:

Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:

– Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng.

Lời dạy của Quốc sư rất là thấu đáo. Phàm làm vua phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, nhà vua làm việc gì không vì quyền lợi riêng tư mà phải hợp với sự mong mỏi của người dân. Lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, lòng dân trông đợi điều gì, nhà vua phải làm sao cho dân được thỏa mãn, như vậy mới thật là một đấng minh quân, một vị vua chân chánh.

“Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được.” Ý muốn của dân là đón nhà Vua trở về, thì thôi Vua phải trở về. “Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng.” Quốc sư lại dặn dò, tuy về làm vua nhưng Ngài nhớ đừng quên phần nghiên cứu kinh điển tu hành.

Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứuThiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa… đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”.

Khi trở về kinh, Ngài lên ngôi vua một cách miễn cưỡng, không có chút gì thích thú. Trong khoảng hơn mười năm, từ hai mươi tuổi đến lúc ba mươi mấy tuổi, những khi rảnh rỗi Ngài mời các Thiền sư đầy đủ đức hạnh đến để hỏi đạo và tham cứu về Thiền, Ngài học và nghiên cứu qua các kinh điển Đại thừa. Khi đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài để quyển kinh xuống, ngâm nga câu ấy tức là lập đi lập lại đôi ba lần, bỗng nhiên Ngài ngộ. Tại sao Ngài lập đi lập lại đôi ba lần? Vì Ngài đã đọc kinh Pháp Bảo Đàn, biết Lục Tổ ngộ nơi câu này, nên khi đọc đến đây Ngài chú tâm, để quyển kinh xuống và nhẩm đi nhẩm lại câu ấy, bỗng dưng Ngài ngộ. Chỗ ngộ của Ngài và chỗ ngộ của Lục Tổ giống nhau hay khác nhau?

Nói về Lục Tổ, có hai lần ngộ. Lần ngộ thứ nhất: Khi gánh củi đem ra chợ bán, Lục Tổ đi ngang một căn nhà nghe có người tụng kinh Kim Cang, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, bỗng dưng Ngài ngộ. Ngài mới hỏi người tụng: Kinh đó tên gì, phát xuất từ đâu? Được biết đó là kinh Kim Cang, do Ngũ tổ Huỳnh Mai dạy thọ trì. Câu kinh Ngài ngộ, nói cho đủ là: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Lục Tổ phát tâm đi tu, gởi mẹ già ở lại rồi thẳng đến Huỳnh Mai tìm Ngũ Tổ. Gặp được Ngũ Tổ rồi Ngài ở công quả trong nhà trù cho đến tám tháng…

Lần ngộ thứ hai: Một đêm Ngũ Tổ bảo Lục Tổ lên thất và giảng kinh Kim Cang cho Ngài nghe. Đến câu: “bất ưng trụ sắc sanh tâm… ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Lục Tổ liền đại ngộ, mới nói lớn lên rằng:

Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tánh mình vốn không dao động,
Đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.

Ngang đó Ngũ Tổ truyền y bát cho Ngài làm vị Tổ đời thứ sáu.

Như vậy Lục Tổ ngộ lần đầu Ngài phát tâm đi tu, ngộ lần sau Ngài được truyền y bát. Tuy cùng một câu kinh mà lần ngộ trước khác lần ngộ sau, lần trước gọi là giải ngộ hay tiểu ngộ, lần sau gọi là chứng ngộ hay triệt ngộ hay đại ngộ. Khi mới đi tu Lục Tổ đến với Ngũ Tổ, Tổ hỏi: Ông là người miền Nam quê mùa, đến đây cầu vật gì? Ngài đáp: Cầu thành Phật. Tổ hỏi: Người dân quê mùa như ông làm sao thành Phật được? Ngài đáp: Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh không có Nam Bắc. Đây là Lục Tổ đã giải ngộ rồi, thấy rõ mình có Phật nên mới đối đáp được. Ngũ Tổ biết người này có khả năng nên mới bảo xuống nhà trù đi. Sau đó Lục Tổ có làm bài kệ: “… Bản lai vô nhất vật…” v.v…

Giải ngộ là có khả năng biết được mình có Phật, biết được lý đạo rất thâm sâu, song phiền não chưa hết. Như ở Thiền viện đây thỉnh thoảng cũng có một ít người giải ngộ nhưng phiền não vẫn còn, chưa được triệt ngộ như lần thứ hai của Lục Tổ, tuy có khả năng thấy biết đúng như thật, nhưng hành chưa đúng, vì còn phiền não! Mới giải ngộ mà tưởng triệt ngộ là lầm. Trường hợp vua Thái Tông khi ngâm nga câu kinh, bỗng nhiên tự ngộ, đây là tương đương với chỗ ngộ ban đầu của Lục Tổ. Nhà Vua ngộ rồi biết mình có Phật, tin điều đó rõ ràng nên Ngài viết quyển Thiền Tông Chỉ Nam, để nói lên sự thấy biết của Ngài. Chúng ta phải hiểu chỗ ngộ này mới thấu được ý sâu xa của người tu Thiền, nếu không, nghe nói ngộ là quá hay rồi, mà sao lâu lâu cũng còn dở. Trong nhà Thiền thường nói tiểu ngộ thì nhiều vô số, lâu lâu ngộ một ít, còn đại ngộ thì đôi ba phen. Tiểu ngộ là sáng lên những vấn đề nhỏ, còn sáng lên việc lớn gọi là đại ngộ.

Nhìn rộng ra, trong kinh Kim Cang ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm?” Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức là muốn hàng phục tâm mình để thành tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì không nên trụ nơi sắc, không nên trụ nơi thanh hương vị xúc pháp (nghĩa là không nên trụ nơi sáu trần). Vậy phải làm sao? Nên không chỗ trụ mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là không nên dính mắc sáu trần mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thâm nhập được lý này nên vua Trần Thái Tông mới soạn thành bài Sáu Thời Sám Hối, đó là sám hối sáu căn. Thế nên trọng tâm của sự tu là đừng dính mắc sáu trần thì tâm an trụ, tâm an trụ tức là tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hiện nay Tăng Ni hay Phật tử thử trọn một ngày đừng dính sáu trần thì tâm có an không? Không dính sáu trần thì tâm tự an rồi! Nếu còn chạy theo trần này dính mắc trần kia, như khỉ vượn buông nhánh này chụp nhánh khác thì tâm đâu có an. An trụ là không dính sáu trần, thì sáu trần đâu có quyền gì xâm phạm đến mình! Mình là mình nó là nó, mình ở đây, nó ở ngoài kia. Như sắc ở ngoài con mắt, mình ngó lơ thì không dính mắc, như tiếng người nói, mình nghe rồi buông đừng bám vào, thì sắc thanh đâu có xâm phạm đến chúng ta được. Chỉ vì mắt dính với sắc trần, tai dính với thanh trần… nên chúng ta bị sáu trần lôi kéo đắm chìm trong sanh tử đời đời kiếp kiếp. Ngay bây giờ đừng dính sáu trần thì tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức tâm Phật hiện ra. Trái lại nếu còn dính mắc thì tâm chúng sanh hiện ra. Dính mắc là chúng sanh, không dính mắc là Phật, Phật với chúng sanh gần kề nhau. Như vậy chúng ta thấy việc tu hết sức là đơn giản, không phải gian lao cực khổ gì.

Chỗ dạy tu của Lục Tổ khi trước và của vua Trần Thái Tông ở đây rất gần với nhau. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, trọng tâm Lục Tổ dạy tu là phải ứng dụng ba cái Vô: một là Vô niệm vi tông, hai là Vô tướng vi thể, ba là Vô trụ vi bản.

Vô niệm vi tông, tức là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v… mà không khởi niệm chạy theo, chớ không phải ngồi một chỗ đè nó xuống thành vô niệm. Đối với sáu trần không có niệm chạy theo, pháp tu này rất gần với chỗ sáu căn không dính mắc sáu trần, vì khởi niệm mới dính mắc phải không? Thế nên Tổ dạy vô niệm là chủ của sự tu.

Vô tướng vi thể là gì? Thể của muôn sự muôn vật là không có tướng. Thấy triệt theo tinh thần Bát-nhã thì các pháp Tánh không, duyên hợp huyễn có. Sự vật có hình tướng là từ nhân duyên kết hợp, nên không có Tự thể. Nói các pháp Tánh không tức là không có tướng thật. Vậy muốn không dấy niệm chạy theo sáu trần, thì phải thấy sáu trần chỉ là giả tướng, là tướng không. Biết được tướng không là thấy được thể của các pháp.

Vô trụ vi bản (trụ là dính mắc). Không dính mắc sáu trần là gốc của sự tu. Nếu khéo tu từng ngày từng giờ đừng dính mắc sáu trần, thì tâm mình hoàn toàn thanh tịnh an ổn, Phật bảo đó là trụ tâm, đó là tâm Bồ-đề.

Như vậy chỗ nhìn của Lục Tổ khi trước, và của ngài Trần Thái Tông sau này tuy cách mấy trăm năm mà đã có chỗ gần nhau. Cho nên người tu khi ngộ rồi dù là trăm ngàn vị, nhưng lời nói đều không sai biệt.

Đọc đoạn này chúng ta thấy ngài Trần Thái Tông tuy là vua mà đã giải ngộ được lý đạo, Ngài đem chỗ sở ngộ viết thành bài ca “Thiền Tông Chỉ Nam” để chỉ dạy người sau. Điều này làm cho lòng tin chúng ta càng thêm vững mạnh. Nhưng rất tiếc là toàn quyển đã thất lạc, chỉ còn sót lại bài tựa.

Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:

– Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.

Nhà Vua trình quyển Thiền Tông Chỉ Nam cho Quốc sư xem, xem xong Quốc sư tán thán nói: “Tâm chư Phật ở trọn nơi đây.” Tức là những lời diễn tả đó là đúng tâm chư Phật. “Sao không khắc in để chỉ dạy cho người sau?” Do nghe lời này nhà Vua cho khắc bản in. Nhưng rất tiếc quyển sách đã mất, chúng ta chỉ biết được lời tựa. Qua lời tựa chúng ta thấy rõ vua Trần Thái Tông đã giải ngộ về Thiền và Giáo năm Ngài được hơn ba mươi tuổi. Từ chỗ ngộ đó Ngài soạn viết rất nhiều sách để người sau học hiểu. Học Ngài chúng ta hiểu được tâm tư nguyện vọng tha thiết chỉ dạy người sau của Ngài.


[i] Chùa tăng Giác Hạnh là chùa của chư Tăng, tên chùa là Giác Hạnh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.