Bất tư nghì là không thể nghĩ bàn. Phẩm này nói về hành động của những vị Bồ-tát vào hàng thượng thủ. Các ngài không còn kẹt hai bên, do đó không còn chỗ để chúng ta suy gẫm tìm hiểu.
Chánh văn:
Khi ấy ngài Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có sàng tòa, liền khởi nghĩ: “Những vị Bồ-tát và chúng đại đệ tử của Phật sẽ ngồi ở chỗ nào?”
Trưởng giả Duy-ma-cật biết ý đó, nên nói với ngài Xá-lợi-phất rằng:
– Thế nào nhân giả, vì pháp mà đến ư? Vì sàng tòa mà đến ư?
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì sàng tòa mà đến.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không tiếc thân mạng, huống là sàng tòa? Phàm người cầu pháp chẳng phải có sắc thọ tưởng hành thức mà cầu, chẳng có giới nhập mà cầu, chẳng có Dục, Sắc, Vô sắc mà cầu.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không chấp nơi Phật mà cầu, không chấp nơi pháp mà cầu, không chấp nơi chúng tăng mà cầu. Phàm người cầu pháp không thấy khổ để cầu, không có đoạn tập để cầu, không đến chứng diệt và tu đạo để cầu. Vì cớ sao? Pháp không có hý luận, nếu nói tôi sẽ kiến khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, ấy là hý luận, chẳng phải là cầu pháp.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, pháp gọi là tịch diệt, nếu hành sanh diệt ấy là cầu sanh diệt không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết-bàn ắt là nhiễm trước, chẳng phải cầu pháp. Pháp không hành xứ, nếu hành nơi pháp ắt là hành xứ, chẳng phải cầu pháp. Pháp không thủ xả, nếu thủ xả pháp ắt là thủ xả, chẳng phải cầu pháp. Pháp không chỗ nơi, nếu chấp chỗ nơi ắt là chấp chỗ nơi, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là vô tướng, nếu tùy theo tướng mà biết ắt là cầu tướng chứ không phải cầu pháp. Pháp không thể trụ, nếu trụ nơi pháp ắt là trụ pháp chứ không phải cầu pháp. Pháp không thể thấy nghe hiểu biết, nếu thực hành thấy nghe hiểu biết ắt là thấy nghe hiểu biết chứ không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô vi, nếu hành hữu vi ấy là cầu hữu vi chứ không phải cầu pháp. Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Nếu là người cầu pháp, đối với tất cả pháp nên không có chỗ cầu.
Khi nói lời ấy rồi, năm trăm vị thiên tử đối trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ trưởng giả Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi:
– Nhân giả dạo đi vô lượng ngàn muôn ức a-tăng-kỳ cõi nước, những cõi Phật nào có tòa sư tử do công đức thành tựu tốt đẹp nhất?
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
– Này cư sĩ, ở phương đông qua ba mươi sáu hằng hà sa cõi nước, có thế giới tên là Tu-di Tướng, đức Phật ấy hiệu là Tu-di Đăng Vương, hiện nay vẫn còn. Thân đức Phật kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, tòa sư tử kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, trang nghiêm đẹp đẽ bậc nhất.
Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông, tức thì đức Phật kia dời ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ, đem vào trong thất ông Duy-ma-cật, chư Bồ-tát và các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v.., từ xưa chưa từng thấy. Thất rộng lớn dung chứa hết ba muôn hai ngàn tòa sư tử mà không chướng ngại. Ở trong thành Tỳ-da-ly cho đến tứ thiên hạ cõi Diêm-phù-đề cũng không bị ép ngặt, thảy đều thấy như cũ.
Bấy giờ ông Duy-ma-cật mời ngài Văn-thù-sư-lợi lên tòa sư tử, cùng với các vị Bồ-tát thượng nhân đồng ngồi, thân phải đứng cao bằng tòa kia. Những vị Bồ-tát đã được thần thông liền tự biến hình cao bốn muôn hai ngàn do-tuần, lên ngồi trên tòa sư tử. Các vị Bồ-tát mới phát tâm và các vị đại đệ tử của Phật đều không thể lên tòa được.
Lúc đó ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất:
– Mời Ngài lên ngồi tòa sư tử.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ! Tòa này cao rộng, tôi không thể lên được.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phải đảnh lễ đức Phật Tu-di Đăng Vương mới có thể ngồi được.
Khi ấy những vị Bồ-tát mới phát tâm và những vị đại đệ tử Phật bèn đảnh lễ đức Phật Tu-di Đăng Vương, liền lên ngồi được tòa sư tử.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ, thật là chưa từng có! Thất nhỏ như thế mà có thể dung chứa được tòa cao rộng này, như thành Tỳ-da-ly cũng không bị chướng ngại, lại thêm chợ búa thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề, và cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần trong tứ thiên hạ cũng không bị ép ngặt.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật Bồ-tát có pháp môn giải thoát tên là Bất khả tư nghì. Nếu Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát ấy, lấy núi Tu-di cao rộng mà nhét trong một hạt cải vẫn không có thêm bớt, núi chúa Tu-di tướng xưa vẫn như cũ mà chư thiên của Tứ thiên vương và Đao-lợi không biết không hay mình bị nhét vào trong ấy, chỉ có những người đáng độ mới thấy được núi Tu-di nhét trong hạt cải, ấy gọi là pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì. Lại dùng nước trong bốn biển cả dồn vào một lỗ chân lông mà không nhiễu loạn các loài thủy tộc cá, trạnh, giải, đà… mà biển cả kia, tướng xưa vẫn như cũ, các loài rồng, quỷ thần, a-tu-la… không hay không biết mình bị vào trong lỗ chân lông, đối với chúng sanh này cũng không bị nhiễu loạn.
Lại nữa Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, nắm lấy tam thiên đại thiên thế giới như ông thợ gốm cầm hòn đất trong bàn tay mặt ném ra xa ngoài thế giới nhiều như cát sông Hằng rồi đặt trở về chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó không hay không biết mình đã dời đổi, đều khiến những người đó không nghĩ rằng mình có đi qua lại, mà tướng xưa của thế giới này cũng vẫn như cũ.
Lại nữa Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sanh ưa lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền kéo bảy ngày ra làm một kiếp, khiến cho những Chúng sanh kia cho rằng mình sống một kiếp.
Hoặc có chúng sanh không ưa sống lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền rút ngắn một kiếp làm bảy ngày, khiến chúng sanh kia cho là bảy ngày.
Lại nữa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ trong pháp giải thoát Bất khả tư nghì, đem việc trang nghiêm tất cả các cõi Phật hợp lại thành một nước, để chỉ bày cho chúng sanh. Lại Bồ-tát đem chúng sanh trong các cõi Phật để trên bàn tay phải, bay đến khắp mười phương chỉ bày cho tất cả mà không dời khỏi chỗ cũ. Lại Xá-lợi-phất, những phẩm vật của chúng sanh trong mười phương cúng dường chư Phật, Bồ-tát nơi một lỗ chân lông đều khiến được thấy. Lại nữa mười phương cõi nước tất cả mặt trời, mặt trăng, sao… nơi một lỗ chân lông đều khiến cho thấy hết.
Lại Xá-lợi-phất, tất cả các gió ở trong mười phương thế giới, Bồ-tát thảy đều có thể hút hết vào trong miệng mà thân không tổn hại, các cây cối bên ngoài cũng không bị gãy đổ. Lại mười phương thế giới khi kiếp hỏa tận, Bồ-tát đem tất cả lửa để vào trong bụng, lửa vẫn cháy như cũ mà không bị tổn hại. Lại ở phương dưới qua hằng hà sa số thế giới của chư Phật, lấy một cõi Phật đưa lên phương trên qua hằng hà sa số thế giới, giống như là cầm cây kim nhọn ghim vào lá táo mà không bị tổn hại.
Lại Xá-lợi-phất, những vị Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, hay dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Bích-chi Phật hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân Đế-thích hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Thế chủ hoặc hiện thân Chuyển luân thánh vương. Lại tất cả các thứ tiếng trong mười phương thế giới, âm thanh bậc trung thượng hạ đều có thể biến thành tiếng của Phật, để diễn nói lý Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Và mười phương chư Phật đang nói những pháp gì ở trong đó, đều khiến được nghe khắp. Này ngài Xá-lợi-phất, nay tôi lược nói năng lực của pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, nếu rộng nói cùng kiếp cũng không thể hết.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp nghe nói pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, ngài tán thán việc chưa từng có, mới bảo ngài Xá-lợi-phất rằng:
Ví như có người ở trước người mù hiện bày các thứ hình sắc, người mù kia không thể thấy. Cũng lại như thế, tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này không thể hiểu rõ. Người trí nghe pháp này, ai mà chẳng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Chúng ta vì sao mất hẳn cội gốc kia, đối với Đại thừa này mình như hạt giống mục! Tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này, đều nên phải khóc rống lên, âm thanh chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả Bồ-tát nên rất vui mừng, đảnh thọ pháp này. Nếu có Bồ-tát tin hiểu pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, tất cả chúng ma không thể làm gì được.
Khi ngài Đại Ca-diếp nói lời ấy rồi, ba muôn hai ngàn thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với ngài Đại Ca-diếp:
– Nhân giả, trong mười phương vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, những vị làm ma vương, phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì. Các ngài dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sanh nên hiện làm ma vương. Lại nữa ngài Ca-diếp, mười phương vô lượng Bồ-tát, hoặc có người theo mình mà xin tay chân tại mũi, đầu mắt tủy não, máu thịt da xương, xóm làng thành ấp, vợ con tôi tớ, voi ngựa xe cộ, vàng bạc lưu ly, xa cừ mã não, san hô, hổ phách, trân châu kha bối, y phục thức ăn uống, những người xin như thế, phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng sức phương tiện đến thử, khiến người kia được kiên cố. Vì cớ sao? Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì có sức oai đức, nên thị hiện các hạnh bức bách, chỉ bày cho chúng sanh những việc khó làm như thế. Người phàm phu hạ liệt, không có thế lực, không thể nào bức bách được Bồ-tát. Ví như voi lớn giẫm đạp, con lừa không thể chịu nổi, ấy gọi là cửa phương tiện trí tuệ trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát.
Giảng:
Khi ấy ngài Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có sàng tòa, liền khởi nghĩ: “Những vị Bồ-tát và chúng đại đệ tử của Phật sẽ ngồi ở chỗ nào?”
Trưởng giả Duy-ma-cật biết ý đó, nên nói với ngài Xá-lợi-phất rằng:
– Thế nào nhân giả, vì pháp mà đến ư? Vì sàng tòa mà đến v
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì sàng tòa mà đến.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không tiếc thân mạng, huống là sàng tòa? Phàm người cầu pháp chẳng phải có sắc thọ tưởng hành thức mà cầu, chẳng có giới nhập mà cầu, chẳng có Dục, Sắc, Vô sắc mà cầu.
Người thật tâm cầu pháp dầu cho phải tan thân mất mạng còn không tiếc, huống là không có ghế ngồi mà cho là quan trọng sao? Theo cư sĩ Duy-ma-cật, cầu pháp có ba trường hợp:
– Trường hợp thứ nhất: Không căn cứ trên thân năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức mà cầu. Năm uẩn là tướng sanh diệt mà pháp này là pháp bất sanh bất diệt, nên căn cứ trên tướng sanh diệt mà cầu pháp thì không thể được.
– Trường hợp thứ hai: Không căn cứ trên giới nhập mà cầu. Nhập là mười hai nhập, gồm sáu căn sáu trần, chung cả thân và cảnh. Giới là mười tám giới gồm sáu căn sáu trần và sáu thức, tức là trong thân có thức, ngoài có căn và trần. Nhập và giới đều là tướng sanh diệt, nên nói không thể ở trong mười hai nhập, mười tám giới mà cầu pháp.
– Trường hợp thứ ba: Không ở trong ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc giới mà cầu. Vì tam giới là tướng vô thường, muốn cầu pháp bất sanh bất diệt mà nương vào tướng vô thường làm sao cầu được.
Thế nên ở đây xác định ba trường hợp không thể nương tựa để cầu pháp là: thân năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, ba cõi, vì cả ba đều là tướng vô thường.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không chấp nơi Phật mà cầu, không chấp nơi pháp mà cầu, không chấp nơi chúng tăng mà cầu. Thông thường, người cầu pháp phải nương tựa vào Phật pháp tăng, nhưng tại sao ở đây lại nói cầu pháp không nương tựa vào Tam bảo?
Chữ Pháp cư sĩ Duy-ma-cật nói là đúng với tinh thần chữ pháp trong bài kệ chư tổ trao truyền. Pháp là chỉ cho tâm bất sanh bất diệt. Nếu muốn cầu pháp đó thì không chấp nơi Phật pháp tăng, mà phải nhận được từ bản tâm bất sanh bất diệt của chính mình. Vì Phật pháp tăng bên ngoài không phải là chỗ cứu cánh, Phật Thích-ca chỉ là hóa thân, pháp là lời chỉ dạy của ngài, như ngón tay chỉ mặt trăng, tăng là người thừa kế. Chúng tăng là hòa hợp chúng, nhưng đã là hòa hợp thì cũng là tướng sanh diệt. Thế nên chúng ta không nên chấp Tam bảo bên ngoài, mà phải nương Tam bảo tự tâm của chính mình mới cầu được pháp bất sanh bất diệt.
Phàm người cầu pháp không thấy khổ để cầu, không có đoạn tập để cầu, không đến chứng diệt và tu đạo để cầu. Vì cớ sao? Pháp không có hý luận, nếu nói tôi sẽ kiến khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, ấy là ký luận, chẳng phải là cầu pháp.
Pháp tu của hàng Nhị thừa là pháp tứ đế. Trước phải kiến đế, tức là thấy được khổ để, kế là đoạn tập đế, sau là chứng diệt đế, nhưng muốn chứng diệt đế thì phải tu đạo đế. Đó là những bước trải qua của người cầu pháp tiến đến thánh quả. Chữ Pháp ở đây là chỉ cho pháp thể thanh tịnh. Pháp thể thanh tịnh đó nếu còn có thấy, có đoạn, có tu, có chứng cũng là tướng tạo tác sanh diệt, chứ chưa phải là pháp chân thật viên mãn thanh tịnh. Thế nên nói, không phải trong bốn pháp tứ đế mà cầu.
Phàm cái gì còn thấy hai bên, còn thấy sanh diệt, đều thuộc về hý luận. Nếu thấy có khổ để đoạn, có diệt để chứng là thấy hai bên, cũng nằm trong pháp hý luận, chưa phải là pháp bất sanh bất diệt. Còn chỗ chân thật thì không đối đãi, không hý luận.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, pháp gọi là tịch diệt, nếu hành sanh diệt ấy là cầu sanh diệt không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết-bàn ắt là nhiễm trước, chẳng phải cầu pháp. Pháp thể là tịch diệt mà dùng hạnh sanh diệt để cầu, đó là cầu sanh diệt chứ không phải cầu pháp. Pháp thể hằng thanh tịnh nên không nhiễm ô, tức là vô nhiễm. Như chúng ta thấy khổ thì chán, thấy Niết-bàn thì ưa, đã có chán có ưa là có nhiễm trước, nên nói nếu còn nhiễm nơi pháp, cho đến Niết-bàn cũng là nhiễm trước, chứ không phải cầu pháp.
Pháp không hành xứ, nếu hành nơi pháp ắt là hành xứ, chẳng phải cầu pháp. Pháp không tướng mạo thì không có chỗ để thực hành, nếu có thực hành thì không phải là cầu pháp.
Pháp không thủ xả, nếu thủ xả pháp ắt là thủ xả, chẳng phải cầu pháp. Vì pháp này là pháp thể tròn đầy trong sáng không nhiễm nhơ, không sanh diệt, không đối đãi hai bên. Bởi không hai bên nên không thủ xả. Thủ xả theo nghĩa thông thường tức là thủ thiện xả ác. Chúng ta tu thường có tâm niệm bỏ ác giữ lành, đó thuộc về pháp thủ xả, tốt trong giới hạn đối đãi. Nhưng nếu nói đến pháp tánh vượt ngoài đối đãi thì không thủ xả, còn có thủ xả không phải là cầu pháp.
Pháp không chỗ nơi, nếu chấp chỗ nơi ắt là chấp chỗ nơi, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là vô tướng, nếu tùy theo tướng mà biết ắt là cầu tướng chứ không phải cầu pháp. Vì pháp này không có tướng mạo, cũng không có giới hạn, nếu đặt ra tướng mạo, giới hạn thì không phải là cầu pháp. Phàm cái gì có tướng đều nằm trong vô thường, duyên hợp, mà pháp thể không phải vô thường, không phải duyên hợp cho nên là vô tướng. Vì vậy nếu tùy theo tướng mà biết, ắt là cầu tướng chứ không phải cầu pháp. Như trong trong kinh Kim Cang nói vô tướng là thật tướng, tức là chỉ cho pháp thể.
Pháp không thể trụ, nếu trụ nơi pháp ắt là trụ pháp chứ không phải cầu pháp. Pháp không thể thấy nghe hiểu biết, nếu thực hành thấy nghe hiểu biết ắt là thấy nghe hiểu biết chứ không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô vi, nếu hành hữu vi ấy là cầu hữu vi chứ không phải cầu pháp.
Vì pháp thể trùm khắp không nơi chốn, nếu còn có chỗ trụ tức là trụ pháp, chứ không phải là cầu pháp. Pháp thể với tâm thể chúng ta không hai không khác, đối với thấy nghe hiểu biết của mình thì ngoại cảnh và các pháp là đối tượng. Nghĩa là trong có năng kiến ngoài có sở kiến hay trong có năng văn ngoài có sở văn, thành hai bên đối đãi nhau. Nếu lấy đối đãi để cầu pháp không đối đãi thì chưa phải cứu cánh, nên không phải là cầu pháp.
Phàm những pháp còn tướng sanh trụ dị diệt là tướng hữu vi. Pháp vô vi không có hình tướng nên không có sanh trụ dị diệt. Nếu dùng tướng sanh trụ dị diệt để cầu, đó là tìm cầu cái hữu vi chứ không phải là cầu pháp.
Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Nếu là người cầu pháp, đối với tất cả pháp nên không có chỗ cầu.
Khi nói lời ấy rồi, năm trăm vị thiên tử đối trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.
Câu kết thúc này chúng ta thấy gần giống với câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm trong kinh Kim Cang mà Lục Tổ đã ngộ. Vậy người cầu pháp đối với tất cả pháp không có chỗ cầu, ấy mới gọi là cầu pháp. Nghĩa là muốn cầu pháp viên mãn thanh tịnh bất sanh bất diệt thì đừng dính kẹt ở một pháp nào.
Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật muốn giải thích cho tôn giả Xá-lợi-phất hiểu đúng tinh thần cầu pháp. Lâu nay chúng ta cầu pháp chỉ là cầu pháp sanh diệt. Bước đầu của người tu phải nương pháp tướng để thể nhập pháp tánh, nếu còn mắc kẹt trên tướng thì không bao giờ đạt được thể tánh bất sanh bất diệt. Qua đó chúng ta thấy ý nghĩa đoạn trên, chư Bồ-tát muốn bác bỏ những chấp tướng để đạt được thể tánh bất sanh bất diệt ngay tự thân mỗi người.
Bấy giờ trưởng giả Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù- sư-lợi:
– Nhân giả dạo đi vô lượng ngàn muôn ức a-tăng-kỳ cõi nước, những cõi Phật nào có tòa sư tử do công đức thành tựu tốt đẹp nhất?
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
– Này cư sĩ, ở phương đông qua ba mươi sáu hằng hà sa cõi nước, có thế giới tên là Tu-di Tướng, đức Phật ấy hiệu là Tu-di Đăng Vương, hiện nay vẫn còn, Thân đức Phật kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, tòa sư tử kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, trang nghiêm đẹp đẽ bậc nhất.
Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật hiện sức thần thông, tức thì đức Phật kia dời ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ, đem vào trong thất ông Duy-ma-cật, chư Bồ-tát và các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v… từ xưa chưa từng thấy. Thất rộng lớn dung chứa hết ba muôn hai ngàn tòa sư tử mà không chướng ngại. Ở trong thành Tỳ-da-ly cho đến tử thiên hạ cõi Diêm-phù đề cũng không bị ép ngặt, thảy đều thấy như cũ.
Bấy giờ ông Duy-ma-cật mời ngài Văn-thù-sư-lợi lên tòa sư tử, cùng với các vị Bồ-tát thượng nhân đồng ngồi, thân phải đứng cao bằng tòa kia.
Chúng ta đã biết Tịnh Danh là tên của cư sĩ Duy-ma-cật, tức là tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, tất cả khởi nghĩ đều là diệu dụng. Cho nên nghe Bồ-tát Văn-thù nói cõi đó có tòa sư tử đẹp như vậy, cư sĩ Duy-ma-cật khởi nghĩ muốn những tòa đó đến thất của mình, các tòa liền có. Đó là diệu dụng bất khả tư nghì, không thể dùng tình thức phân biệt của phàm phu mà lường nổi diệu dụng của tâm thanh tịnh. Nhưng tất cả diệu dụng đều là huyễn hóa không thật. Bởi lẽ thất cư sĩ Duy-ma-cật thể tánh vốn không, nên dung chứa hết ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng mà không thấy chật hẹp chướng ngại, do đó mới hiểu được việc làm của ông. Như chúng ta xem chiếu bóng, thấy trên màn ảnh có người, xe hơi, nhà lầu, núi sông… Tại sao chỉ một tấm vải vài mét lại chứa nổi bao nhiêu thứ đó được? Vì nhà cửa, núi sông, người xe v.v… trong màn ảnh đó đều là tướng huyễn, chứ nếu thật thì dồn vô làm gì được. Nhưng diệu dụng đó cũng là hư huyễn, đã hư huyễn thì dồn chứa có gì chướng ngại chật hẹp ép ngặt! Đó là ý nghĩa thất không.
Qua đoạn này chúng ta thấy có điểm đặc biệt. Tòa sư tử cao rộng tám muôn bốn ngàn do-tuần, nếu thân mình thấp thì ngồi lên không được. Người muốn lên ngồi được tòa đó phải cao tương tự. Chư Bồ-tát đã được tâm bình đẳng không còn thấy có lớn nhỏ, nên không thấy tòa sư tử lớn vào trong thất nhỏ mà thành chật hẹp.
Những vị Bồ-tát đã được thần thông liền tự biến hình cao bốn muôn hai ngàn do-tuần, lên ngồi trên tòa sư tử. Các vị Bồ-tát mới phát tâm và các vị đại đệ tử của Phật đều không thể lên tòa được.
Lúc đó ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất:
– Mời ngài lên ngồi tòa sư tử.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ! Tòa này cao rộng, tôi không thể lên được. Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phải đảnh lễ đức Phật Tu-di Đăng Vương mới có thể ngồi được.
Khi ấy những vị Bồ-tát mới phát tâm và những vị đại đệ tử Phật bèn đảnh lễ đức Phật Tu-di Đăng Vương, liền lên ngồi được tòa sư tử.
Tại sao các vị Bồ-tát lớn như Văn-thù có thể ngồi lên tòa được, Bồ-tát bậc trung phải dùng thần thông, còn Bồ-tát mới phát tâm và hàng Thanh văn phải đảnh lễ đức Tu-di Đăng Vương Như Lai mới ngồi được? Các vị Bồ-tát thượng nhân và Bồ-tát Văn-thù đều có diệu dụng tương xứng với cư sĩ Tịnh Danh, nên quý ngài thừa khả năng chứng nhập. Đã tương xứng với Tịnh Danh thì cái gì Tịnh Danh nghĩ hiện ra, các ngài đều ứng dụng không ngại. Các Bồ-tát bậc trung phải vận dụng khả năng mạnh mẽ mới phù hợp. Còn những vị Bồ-tát sơ phát tâm và Thanh văn phải có niềm tin mới kham thọ dụng. Vì vậy bản ý bộ kinh này, mở đầu là phẩm Tịnh Phật Quốc Độ nghĩa là tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Tâm tịnh là nhân, cõi Phật tịnh là quả. Tâm thanh tịnh rồi mới khởi diệu dụng, tức là nhân viên mãn, quả viên mãn. Như vậy chúng ta mới hiểu năng lực bất khả tư nghì của cư sĩ Duy-ma-cật, đó là diệu dụng của tâm thanh tịnh. Thế nên chúng ta phải tin tưởng mạnh mẽ rằng, khi đã gạt bỏ hết vọng tưởng điên đảo, tâm thuần thanh tịnh, lúc đó tưởng như là khờ là dốt, nhưng chính khi ấy mới là diệu dụng bất khả tư nghì. Vì sao? Vì tâm thể mình vốn tròn sáng, sở dĩ tối là do tình chấp vô minh, gặp duyên xấu huân tập nên bị ẩn khuất. Như được gặp thầy tốt, hữu sư trí, lần lần tánh xấu hết, đến khi thuần tịnh, vô sư trí, thì hằng sống được với tâm thể thanh tịnh sẵn có từ vô thủy. Đó là pháp giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát.
Ở đây nói lý nghe thì hiểu mà không thực tế, bây giờ tạm mượn thí dụ cho dễ hiểu. Như giữa hai đống cát, một thước khối và một trăm thước khối, đống một trăm thước khối là lớn, đống một thước khối là nhỏ. Căn cứ trên sự tụ họp nhiều cát gọi là lớn, ít cát gọi là nhỏ; nếu căn cứ trên hạt cát thì không có lớn nhỏ. Cũng vậy, tất cả pháp đều do duyên hợp nên không có thực thể, không tự tánh, là tướng giả hợp nên có to có nhỏ, chứ thực thể thì không có to có nhỏ. Vì vậy bao nhiêu tòa sư tử to lớn dồn trong cái thất nhỏ cũng không thấy chật hẹp. Trên lý, pháp tánh không có tánh cố định là thật cho nên gọi là tánh không, mà tánh không thì còn gì có lớn nhỏ.
Tóm lại, đoạn trên nói rằng thần thông của cư sĩ Duy-ma-cật biến ra được các tòa đem lại để trong thất mà không thấy chật. Cả thành Tỳ-da-ly cũng không thấy chật hẹp, vẫn y nguyên như cũ. Như vậy chúng ta hiểu được hai đặc điểm: Đặc điểm thứ nhất là tâm bình đẳng của Bồ-tát nên không nói lớn nhỏ. Đặc điểm thứ hai là trên pháp tánh, pháp tánh là tánh không thì cũng bình đẳng không có lớn nhỏ. Cho nên đây nói lớn nhỏ đều dung hợp không bị ngăn cách, không bị chật hẹp v.v…
Đến đoạn thứ hai, nếu Bồ-tát đạt đến chỗ bình đẳng tự tại thì lớn nhỏ không còn chướng ngại, nên tòa lớn các ngài hiện thân lớn, ngồi không gì trở ngại hết. Nhưng hàng Bồ-tát mới phát tâm và các vị Thanh văn, còn thấy đối đãi hai bên nên khi thấy tòa sư tử cao lớn, liền nghĩ mình không thể ngồi lên được. Vậy muốn ngồi được phải làm sao? Phải có lòng tin, phải đảnh lễ đức Phật Tu-di Đăng Vương mới ngồi được. Ý nói người đến với đạo, khi chưa đạt được lý viên mãn, phải nhờ lòng tin. Còn người đạt được lý rồi thì tự tròn đầy, khỏi phải nhờ lòng tin nữa.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ, thật là chưa từng có! Thất nhỏ như thế mà có thể dung chứa được tòa cao rộng này, như thành Tỳ-da-ly cũng không bị chướng ngại, lại thêm chợ búa thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề, và cung điện của chư thiên, long vương, quỷ thần trong tứ thiên hạ cũng không bị ép ngặt.
Ông Duy-ma-cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật Bồ-tát có pháp môn giải thoát tên là Bất khả tư nghì. Nếu Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát ấy, lấy núi Tu-di cao rộng mà nhét trong một hạt cải vẫn không có thêm bớt, núi chúa Tu-di tướng xưa vẫn như cũ mà chư thiên của Tử thiên vương và Đao-lợi không biết không hay mình bị nhét vào trong ấy, chỉ có những người đáng độ mới thấy được núi Tu-di nhét trong hạt cải, ấy gọi là pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì. Lại dùng nước trong bốn biển cả dồn vào một lỗ chân lông mà không nhiễu loạn các loài thủy tộc cá, trạnh, giải, đà… mà biển cả kia tướng xưa vẫn như cũ, các loài rồng, quỷ thần, a-tu-la… không hay không biết mình bị vào trong lỗ chân lông, đối với chúng sanh này cũng không bị nhiễu loạn.
Núi Tu-di là ngọn núi lớn nhất trong cõi Diêm- phù-đề. Ở đây nói đem núi Tu-di nhét trong hạt cải, nghe quá sức tưởng tượng của mình. Như trên đã nói, tất cả các pháp tự tánh là không, nên tánh không của ngọn núi Tu-di với tánh không của hạt cải không hai không khác. Núi Tu-di lớn là giả tướng lớn, hạt cải nhỏ là giả tướng nhỏ, chứ trên thể tánh không của nó không có lớn nhỏ, nên nói rằng nó dung nạp nhau không chướng ngại.
Thí dụ thứ hai là lấy nước bốn biển cả dồn vào một lỗ chân lông. Ý nghĩa cũng tương tự như trên.
Lại nữa Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, nắm lấy tam thiên đại thiên thế giới như ông thợ gốm cầm hòn đất trong bàn tay mặt ném ra xa ngoài thế giới nhiều như cát sông Hằng rồi đặt trở về chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó không hay không biết mình đã dời đổi, đều khiến những người đó không nghĩ rằng mình có đi qua lại, mà tướng xưa của thế giới này cũng vẫn như cũ. Đây là nói về diệu dụng của Bồ-tát. Giống như ông thợ gốm nắm cục đất ném ra xa, Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì nắm cả tam thiên đại thiên thế giới trong lòng bàn tay, ném ra xa hằng hà sa thế giới rồi đem về để lại chỗ cũ, mà tất cả chúng sanh trong đó cũng không hay không biết gì hết. Tướng nó vẫn như cũ, không đổi thay.
Lại nữa Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sanh ưa sống lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền kéo dài bảy ngày ra làm một kiếp, khiến cho những chúng sanh kia cho rằng mình sống một kiếp, Hoặc có chúng sanh không ưa sống lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền rút ngắn một kiếp làm bảy ngày, khiến chúng sanh kia cho là bảy ngày. Đây nói về thời gian. Có những người thích sống lâu để tu thì Bồ-tát liền kéo dài thời gian ra, bảy ngày thành một kiếp, mới có thể độ họ được. Còn những chúng sanh không ưa sống lâu ở đời, muốn tu cho nhanh, lâu quá e trở ngại sự tu, Bồ-tát liền rút ngắn một kiếp còn thành bảy ngày để họ dễ phát tâm tu.
Theo thế thường, thời gian đối với chúng ta có dài ngắn nhất định. Chẳng hạn một giờ là sáu mươi phút không có sai khác. Nhưng đôi khi chúng ta cảm thấy một giờ quá dài, cũng có lúc lại thấy quá ngắn. Thí dụ trưởng ban ruộng động viên huynh đệ ra ruộng làm cỏ gấp. Nghe tiếng kẻng xả công tác, trưởng ruộng vì lo công việc gấp nên thấy thời gian qua quá nhanh, mới đó đã hết giờ. Còn huynh đệ làm việc mệt, mỏi tay chân thì thấy sao lâu quá. Hoặc giả có người thân đi xa hẹn hôm nay về, thì ngày đó mình tới lui trông ngóng, thấy thời gian dài lê thê. Như vậy thời gian không cố định, cũng tùy tâm niệm của chúng sanh thấy có ngắn có dài. Sở dĩ không cố định vì nó không thật, do tâm tưởng của chúng sanh mà ra. Thế nên Bồ-tát tùy duyên hóa độ, muốn rút ngắn hoặc kéo dài thời gian cũng được, tùy theo sở thích chúng sanh, Đây là nói diệu dụng của Bồ-tát trong pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì.
Lại nữa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ trong pháp giải thoát Bất khả tư nghì, đem việc trang nghiêm tất cả các cõi Phật hợp lại thành một nước, để chỉ bày cho chúng sanh. Lại Bồ-tát đem chúng sanh trong các cõi Phật để trên bàn tay phải, bay đến khắp mười phương chỉ bày cho tất cả mà không dời khỏi chỗ cũ. Lại Xá-lợi-phất, những phẩm vật của chúng sanh trong mười phương cúng dường chư Phật, Bồ-tát nơi một lỗ chân lông, đều khiến được thấy. Lại nữa mười phương cõi nước tất cả mặt trời, mặt trăng, sao… nơi một lỗ chân lông đều khiến cho thấy hết.
Lại Xá-lợi-phất, tất cả các gió ở trong mười phương thế giới, Bồ-tát thảy đều có thể hút hết vào trong miệng mà thân không tổn hại, các cây cối bên ngoài cũng không bị gãy đổ. Lại mười phương thế giới khi kiếp hỏa tận, Bồ-tát đem tất cả lửa để vào trong bụng, lửa vẫn cháy như cũ mà không bị tổn hại. Lại ở phương dưới qua hằng hà sa số thế giới của chư Phật, lấy một cõi Phật đưa lên phương trên qua hằng hà sa số thế giới, giống như là cầm cây kim nhọn ghim vào lá táo mà không bị tổn hại.
Lại Xá-lợi-phất, những vị Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, hay dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Bích-chi Phật hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân Đế-thích hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Thế chủ hoặc hiện thân Chuyển luân thánh vương. Lại tất cả các thứ tiếng trong mười phương thế giới, âm thanh bậc trung thượng hạ đều có thể biến thành tiếng của Phật, để diễn nói lý Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Và mười phương chư Phật đang nói những pháp gì ở trong đó, đều khiến được nghe khắp. Này ngài Xá-lợi-phất, nay tôi lược nói năng lực của pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, nếu rộng nói cùng kiếp cũng không thể hết.
Bồ-tát trụ trong pháp giải thoát Bất khả tư nghì, da đem tất cả sự trang nghiêm tốt đẹp của các cõi Phật khác hợp về một nước để chỉ cho chúng sanh thấy ưa thích mà phát tâm tu. Lại Bồ-tát đặt tất cả chúng sanh trên bàn tay bay khắp mười phương cho họ xem, rồi về để nguyên chỗ cũ mà họ vẫn không hay biết mình đã bị di chuyển.
Trong một lỗ chân lông, Bồ-tát thấy tất cả những phẩm vật của chúng sanh cúng dường chư Phật trong mười phương. Mười phương cõi nước có bao nhiêu nhật nguyệt tinh tú gom về trong một lỗ chân lông, khiến chúng sanh xem thấy dễ dàng. Mười phương thế giới có bao nhiêu gió, Bồ-tát hớp vào miệng mà thân không hề bị tổn hại, tất cả cây cối bên ngoài không bị gãy đổ.
Kiếp hỏa tận tức là tới thời kỳ hỏa tai, trái đất bị lửa cháy thiêu đốt. Trong kinh Phật nói đến thời kỳ hỏa tai, trái đất bị cháy, lửa cao đến các cõi trời Phạm thiên, nhìn thấy thế giới cháy giống như tim đèn đốt cháy lụn tàn. Nghe thật khó tin! Nhưng khoa học hiện nay đã chứng minh. Trong quả địa cầu của chúng ta có rất nhiều mỏ dầu, vì vậy khi nhiệt độ trái đất tăng cao, dầu sẽ bốc cháy làm tan hoại cả thế giới, đó gọi là kiếp hỏa tai. Khi kiếp tận, lửa cháy ngút trời, Bồ-tát hút tất cả lửa vào trong bụng mà thân không bị nguy hại.
Trong giáo lý đức Phật nói có thập phương thế giới, gồm tám hướng cộng với thượng phương và hạ phương. Hạ phương là phương phía dưới. Bồ-tát có thể lấy một cõi Phật ở hằng hà sa thế giới ở phương dưới đưa lên phương trên cách hằng hà sa số thế giới như cầm cây kim ghim vào một lá cây hay lá táo không có gì khó khăn trở ngại.
Bồ-tát có thể dùng thần thông hiện thân Bích-chi Phật hoặc thân Thanh văn, thân Đế-thích, thân Phạm vương, Chuyển luân vương. Lại nữa, trong mười phương thế giới có bao nhiêu thứ âm thanh thượng trung hạ, Bồ-tát đều có thể biến thành âm thanh của chư Phật trong mười phương đang diễn nói những pháp như vô thường, khổ, không, vô ngã khiến cho chúng sanh hữu duyên đều được nghe. Tóm lại, thần lực giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát là thế, nếu nói rộng ra suốt kiếp cũng không thể hết được.
Trong phẩm này có những sự việc chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tưởng đến, thế mà Bồ-tát có thể làm được không ngăn ngại. Vì tâm của các ngài hoàn toàn thanh tịnh bình đẳng nên đối với tất cả pháp đều bình đẳng. Thanh tịnh bình đẳng rồi thì không còn gì chướng ngại chống đối nhau. Trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào, việc làm của các ngài, người đời đều không thể hiểu biết được. Thế nên gọi là Bồ-tát trụ trong pháp môn giải thoát bất tư nghì.
Ở đây nêu lên tám thứ Bất khả tư nghì, hay tám thứ vô ngại:
Thứ nhất, lớn nhỏ vô ngại: như núi Tu-di nhét trong hạt cải.
Thứ hai, động tịnh vô ngại: như đem nước bốn biển nhét vô lỗ chân lông mà các loài thủy tộc không hay không biết.
Thứ ba, dài ngắn vô ngại: là thời gian một kiếp kéo ngắn lại thành bảy ngày, bảy ngày kéo dài ra thành một kiếp.
Thứ tư, một hay nhiều vô ngại: tức là tất cả những phẩm vật cúng dường của mười phương chư Phật nhìn trong một lỗ chân lông đều thấy đủ cả.
Thứ năm, y chánh vô ngại: y là y báo, chánh là chánh báo. Kể cả cõi Phật và chúng sanh, dời đi dời lại đều không chướng ngại.
Thứ sáu, nghiệp dụng vô ngại: để chỉ cho tất cả thứ tiếng, tiếng nào cũng chuyển thành tiếng Phật, tiếng nào cũng chuyển thành tiếng pháp.
Thứ bảy, ứng hiện vô ngại: tức là ứng hiện thân. Tùy theo sở cầu cần thân nào thì hiện ra thân ấy.
Thứ tám, pháp âm vô ngại: là Phật nói pháp ở cõi này mà khiến chúng sanh ở các cõi khác cũng đều được nghe được biết.
Tóm lại, Bồ-tát trụ trong pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì là do các ngài sống được với tâm thể bình đẳng, thấy được pháp tánh bình đẳng, nên vận dụng mọi công tác đều không chướng ngại.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp nghe nói pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, ngài tán thán việc chưa từng có, mới bảo ngài Xá-lợi-phất rằng:
– Ví như có người ở trước người mù hiện bày các thử hình sắc, người mù kia không thể thấy. Cũng lại như thế, tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này không thể hiểu rõ. Người trí nghe pháp này, ai mà chẳng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Chúng ta vì sao mất hẳn cội gốc kia, đối với Đại thừa này mình như hạt giống mục! Tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này, đều nên phải khóc rống lên, âm thanh chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả Bồ-tát nên rất vui mừng, đảnh thọ pháp này. Nếu có Bồ-tát tin hiểu pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, tất cả chúng ma không thể làm gì được.
Khi ngài Đại Ca-diếp nói lời ấy rồi, ba muốn hai ngàn thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Qua đoạn văn này chúng ta thấy có những điểm kỳ đặc. Trong hàng đại đệ tử của Phật, tôn giả Ca-diếp nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì liền cảm thông, nên ngài khen ngợi pháp môn chưa từng có. Đến đây chúng ta liên tưởng trong hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen lên, cả chúng ngơ ngác, chỉ có tôn giả Ca-diếp chúm chím cười. Cũng vậy, khi nghe pháp môn Bất khả tư nghì, chúng Thanh văn đều ngơ ngác, chỉ có tôn giả Ca-diếp tán thán việc chưa từng có. Như vậy hàng Thanh văn đệ tử Phật, tôn giả Ca-diếp là người thâm nhập được lý cứu cánh của Đại thừa, hay lý Thiền một cách thấu đáo. Cho nên chúng ta mới cảm thông được vì sao ngài Huyền Giác khi đọc kinh Duy-ma-cật ngộ được lý Thiền.
Bấy giờ, tôn giả Ca-diếp hết lời tán thán, dùng thí dụ để diễn tả và nói với tôn giả Xá-lợi-phất những câu nghe thật là cảm động: Như có người ở trước người mù hiện bày các thứ hình sắc, người mù kia không thể thấy. Cũng vậy, hàng Thanh văn là Nhị thừa, tâm còn chấp trước, phân biệt đối đãi, khi nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này không thể nhận hiểu được, giống như người mù kia không khác. Vì pháp môn này là pháp môn bình đẳng, pháp tánh bình đẳng và tâm tánh cũng bình đẳng, nên hàng Nhị thừa nghe không thâm nhập được. Người trí nghe ai mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong cầu đạt được pháp môn này, chứ không thể nào dừng ngang đó. Hàng Thanh văn chúng ta vì sao lại cam chịu mất hẳn cội gốc kia. Đối với Đại thừa này mình như hạt giống mục! Tại sao chúng ta không vươn lên? Tại sao chúng ta không thấu đạt mà để cho nó hư hoại đi? Tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này, đều nên phải khóc rống lên, làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới,
Tại sao nói vậy? Như trong hội chúng, có người đã từng học và hiểu giáo lý Đại thừa, những pháp môn cao siêu Phật dạy, nghe tới đâu hiểu tới đó, nên thấy thích và vui. Và cũng có người mới đến chưa từng học, nghe không hiểu gì hết, mờ mịt tối tăm, lúc đó buồn tủi muốn khóc, rồi tự than thầm vì sao người ta hiểu mà mình không hiểu. Bởi vậy ngài Ca-diếp nói, hàng Thanh văn nghe mà không hiểu, lẽ ra phải khóc rống làm chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Còn những vị Bồ-tát nghe rất là vui vẻ, cúi đầu nhận lãnh pháp này. Đó là lời ngài vừa trách các hàng Thanh văn, vừa tán thán các vị Bồ-tát. Ngài nói, nếu các vị Bồ-tát nào tin hiểu pháp môn Bất khả tư nghì, thì tất cả loài ma không làm hại được. Tại sao? Bởi vì tất cả pháp tánh bình đẳng. Tâm bình đẳng thì không có gì cám dỗ và quyến rũ được. Sở dĩ tâm mình còn thiên lệch, còn hai bên, thấy có hay dở tốt xấu, nên bị ma cám dỗ. Nếu sống với chân tâm bình đẳng thì còn gì não hại được.
Khi tôn giả Đại Ca-diếp nói tới đây, thì ba muôn hai ngàn vị thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy ngài phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chưa? Nếu nói chưa thì ngài đâu thể nói lên được những lời như thế. Vậy chúng ta mới thấy, trên tinh thần thâm hiểu giáo lý cao siêu, tôn giả Ca-diếp là người nhận hiểu rất tinh tế.
Lúc bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với ngài Đại Ca-diếp:
– Nhân giả, trong mười phương vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, những vị làm ma vương, phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì. Các ngài dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sanh nên hiện làm ma vương.
Lại nữa ngài Ca-diếp, mười phương vô lượng Bồ-tát, hoặc có người theo mình mà xin tay chân tại mũi, đầu mắt tủy não, máu thịt da xương, xóm làng thành ấp, vợ con tôi tớ, voi ngựa xe cộ, vàng bạc lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu kha bối, y phục thức ăn uống, những người xin như thế phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng sức phương tiện đến thử khiến người kia được kiên cố.
Qua đoạn này cho thấy, sự hiểu biết của chúng ta từ trước đến nay bị đảo ngược. Thường quan niệm của người tu, cho ma là yêu quái, hiện lên những hình bóng đe dọa khiến chướng ngại sự tu hành của mình. Nhưng cư sĩ Duy-ma-cật lại nói, ma vương phần nhiều là các bậc Bồ-tát trụ nơi pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, dùng sức phương tiện thị hiện làm ma vương để giáo hóa thử thách chúng sanh có tu hành kiên cố không. Như vậy người tu đâu nên sợ ma vương phá, vì ma không thật mà chính là Bồ-tát.
Thí dụ có người phát tâm tu hạnh bố thí, Bồ-tát thị hiện ma vương đến xin vàng bạc, nhà cửa, vợ con, chân tay đầu mắt… xem người đó có thực hành bố thí như đã nguyện không? Hoặc có người phát nguyện tu hạnh thanh tịnh lìa sắc dục, Bồ-tát thị hiện ma nữ đến thử thách quyến rũ, xem người đó có bị sa ngã không? Hoặc có người phát tâm tu hạnh nhẫn nhục, Bồ-tát thị hiện ma vương đến quấy nhiễu, xem họ có nhẫn nhục không? Như vậy nhẫn nhục là sao? Nhẫn trước sự mắng chử a nhục, làm khổ mình. Đã phát nguyện nhẫn mà không có ai tạo cơ hội cho mình tức tối bực bội thì có gì để nhẫn đâu. Nếu trước những cảnh trái ý nghịch lòng mình vẫn an nhiên tự tại là thành tựu hạnh nhẫn nhục. Như vậy người đến quấy nhiễu, phải xem là Bồ-tát đến thử thách, chứ đừng cho là ma phá thì sẽ không sân hận bực tức.
Chúng ta kiểm lại sự tu của mình, có thật tu chưa? Nhiều khi nói tu mà luôn muốn được như ý, ăn phải ngon, mặc phải đẹp, ở cho sang, đi ra phải có tiền bạc xe cộ, phương tiện đầy đủ… vậy mới tu được, còn gặp trở ngại thì thối tâm không muốn tu nữa! Như vậy đòi hỏi mọi thứ đều như ý thì sao gọi là tu? Tu là chuyển đổi những tâm niệm đang đắm trước theo dục lạc thế gian, xoay trở lại chính mình đừng cho dính mắc nữa. Trước những điều bất như ý, nghịch cảnh nghịch duyên mà vẫn được an lành tự tại, đó là cơ hội tốt để thể hiện được hạnh nguyện của mình. Đó mới thật là tu, còn nếu không có chướng thì hạnh nguyện của mình đến bao giờ mới được thành tựu! Thế nên chỉ có những bậc Bồ-tát trụ trong pháp môn Bất khả tư nghì có thần lực mới kham làm những việc khó làm như thế để thử thách đạo lực của chúng sanh,
Vì cớ sao? Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì có sức oai đức, nên thị hiện các hạnh bức bách, chỉ bày cho chúng sanh những việc khó làm như thế. Người phàm phu hạ liệt, không có thế lực, không thể nào bức bách được Bồ-tát. Ví như voi lớn giẫm đạp, con lừa không thể chịu nổi, ấy gọi là cửa phương tiện trí tuệ trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát.
Lâu nay chúng ta lầm tưởng mình tu ít phước đức kém nên gặp nhiều chướng nạn. Những vị đạo cao đức trọng lẽ ra phải thoát nạn tai. Nhưng theo đây nói, tu càng cao thì gian nan trắc trở càng nhiều, vượt qua được mới biết hạnh nguyện có kiên cố hay không. Người phát tâm tu hạnh Bồ-tát, nếu gặp chướng duyên chớ nên thối chí nản lòng. Phải biết đó là những vị Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì thị hiện làm ma vương đến não loạn quấy nhiễu, làm cản trở bước tiến của người tu. Như vậy tu càng cao thì thử thách càng mạnh để giúp người sớm thành tựu bản nguyện. Như voi lớn có sức mạnh giẫm đạp, sức lừa yếu đâu thể chịu nổi. Cũng vậy, Bồ-tát chỉ thử người có đạo lực thâm hậu, còn người sức tu yếu không thể chịu nổi những thử thách đó, gặp việc họ dễ thối tâm. Thế nên, ai tưởng tu lâu hết chướng là hiểu lầm. Nhưng chướng có thật là chướng không? Chẳng hạn, đức Phật lúc tu hạnh Bồ-tát nếu không có người thử, làm sao ngài thành tựu được Phật quả. Cho nên những thử thách đó là hỗ trợ, đưa mình tiến lên, chứ không phải dìm mình xuống. Chỉ tại sức tu còn yếu dở nên mới thấy là chướng. Nếu ngay đó vượt qua được thì bước tu sẽ tiến hơn. Vậy thì chúng ta phải xem chướng đó là ân, là phương tiện lợi sanh của Bồ-tát.
Trong sử đức Phật, có ghi Đề-bà-đạt-đa là anh em chú bác, cũng là đệ tử xuất gia của Phật. Ban đầu ông tu hành tinh tấn, về sau chính ông là người làm hại và cản trở việc hành đạo của Phật. Nhưng những bản kinh sau Phật nói, chính Đề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức, là người ân, giúp Phật chóng thành tựu đạo quả. Như vậy tại sao chúng ta không thấy những huynh đệ làm chướng làm khó khổ mình chính là thiện hữu tri thức, là Bồ-tát nghịch hạnh, chớ nên nghĩ xấu cho họ là người không có đạo đức. Được như thế thì đâu có buồn phiền giận trách, mà còn cám ơn họ. Như vậy mới thấy tinh thần Đại thừa giúp chúng ta có cái nhìn thâm sâu, thấu triệt để thêm sức mạnh. Tu phải có sức chiến đấu thắng mình, thắng mọi nghịch cảnh mới được an vui. Phải thấy mọi người quanh ta đều là người tốt, là Bồ-tát chớ có xem thường. Còn nếu thấy mọi người chung quanh là ma, phá mình hoài, thì chính người đó đã là ma. Gặp những khó khăn đến với ta là cơ hội tốt, nên vui vẻ mà tiến, chứ không chán nản thối lui. Học phẩm này chúng ta có thêm sức mạnh vững bước trên đường tu.