Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 13



Chánh văn

Phật dạy: Con người có hai mươi điều khó:

1. Bần cùng bố thí là khó.

2. Giàu sang học đạo là khó.

3. Quên mình vì đạo là khó.

4. Được thấy kinh Phật là khó.

5. Sanh ra gặp đời có Phật là khó.

6. Nhịn sắc, nhịn dục là khó.

7. Thấy tốt không cầu là khó.

8. Có thế lực không cậy quyền là khó.

9. Bị nhục không sân là khó.

10. Gặp việc không quan tâm là khó.

11. Học rộng, tư duy sâu là khó.

12. Trừ bỏ ngã mạn là khó.

13. Không khinh người chưa học là khó.

14. Thực hành tâm bình đẳng là khó.

15. Không nói thị phi là khó.

16. Gặp thiện tri thức là khó.

17. Học đạo kiến tánh là khó.

18. Tùy duyên hóa độ người là khó.

19. Thấy cảnh chẳng động là khó.

20. Khéo biết phương tiện là khó.

Giải

1. Bần cùng bố thí là khó.

Người nghèo không đủ ăn, không đủ mặc, làm sao có dư để bố thí. Nhưng nếu đủ dũng lực, dám đem chút phần ít ỏi đó bố thí thì phước sẽ lớn vô cùng. Bởi xưa không tạo nhân thí, đời nay mới nghèo khó, nay nếu dám thí, tức sửa nhân xấu thành lành, tự nhiên được phước lớn.

Tôn giả Đại Ca-diếp, vì thương xót người nghèo, muốn giúp họ thay nhân đổi quả, nên thường khất thực ở xóm nghèo, thậm chí xin cả kẻ ăn mày, người cùi hủi… Nếu những người này dám xả bỏ phần ăn khó có được của mình cúng dường cho Ngài, họ sẽ được phước báo sanh lên cõi trời, hưởng năm món dục lạc vi diệu.

Vật cúng dường bố thí của người nghèo thường ít ỏi và kém xấu, nhưng đó lại là tất cả tài sản của họ, phải phát tâm mạnh mẻ lắm mới xả được, nên chiêu cảm phước báo rất lớn, người tu không thể tiếp nhận qua loa được. Có khi cần phải bậc đạo cao đức trọng mới kham lãnh được vật phẩm cúng dường của họ.

Có một cô gái nghèo, ngày ngày đi xin ăn mà thường không đủ no. Cô nghĩ do thiếu phước mới phải khổ như vậy, nên muốn thay đổi nghiệp nhân của mình. Cô cắt đi mái tóc dài đem bán được ít tiền, đổi hết thành gạo muối đem lên cúng chùa. Hòa thượng phương trượng đích thân tiếp rước và chúc phúc cho. Trên đường trở về, cô gặp vua, vua sanh tâm yêu mến nên đưa về cung phong làm quý phi. Biết do phước cúng chùa mới được vậy, cô bèn sắm sửa nhiều phẩm vật quý giá, trở lại chùa cúng dường, nhưng chỉ được thầy Trụ trì tiếp, không được gặp đức Phương trượng. Cô tha thiết xin gặp, gặp Ngài, cô thưa: Xưa con chỉ cúng ít phẩm vật thô sơ lại được Ngài tiếp đón và chúc phúc, nay con đem cả xe vật phẩm quý giá chốn cung môn lên dâng cúng, lại không được gặp Ngài, không biết là nguyên do gì? Phương trượng giải thích: Xưa phẩm vật ít ỏi nhưng là tất cả tài sản và tấm lòng của cô, nên chiêu cảm công đức vô lượng, quý thầy nhỏ không kham nhận nổi, nên ta tiếp cô. Nay phẩm vật tuy quý, nhưng không là gì đối với cô, quý thầy tiếp cô là đủ rồi, không cần ta.

Thế nên, bần cùng bố thí rất khó, nhưng nếu làm được thì công đức vô lượng.

2. Giàu sang học đạo là khó.

Đức Phật thường dạy ít muốn, biết đủ, tiết chế dục lạc, thí xả, tùy hỷ v.v… Mà người giàu thường thích thọ hưởng ngũ dục lạc, thích kiếm tiền v.v… Họ quen sống hưởng thụ, phục vụ mọi nhu cầu của bản thân, giờ bảo họ biết đủ, ít muốn, tiết dục, thí xả v.v… sẽ rất khó.

Nhưng nếu họ làm được, sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, cho Phật pháp. Vì họ nhiều phúc báo nên giúp được nhiều người, làm được nhiều việc lớn, hộ trì Tam bảo cũng mạnh hơn.

Thời Phật, các vị đại thí chủ đều là những vị giàu có, quyền lực, như trưởng giả Cấp Cô Độc, bà Vi-sa-kha, vua Bình Sa, vua Ba-tư-nặc, vua A-xà-thế v.v… Họ đủ năng lực tài chính, đủ quyền uy để làm được những việc lớn. Nếu bố thí, họ có thể thí cho người nghèo cả nước, xây nhà tình thương, viện dưỡng lão, trại cô nhi, đắp cầu, làm đường v.v… Nếu hộ trì chánh pháp, có thể xây chùa to, Phật lớn, cúng dường thiên tăng, giúp truyền bá rộng rãi Phật pháp đến toàn dân v.v…, như các vị vua đời Lý Trần ở nước ta. Thời nào có nhiều người giàu có, quyền lực ủng hộ, thời đó Phật giáo phát triển mạnh mẻ, giáo lý đạo Phật đi sâu vào xã hội, người xuất gia cũng nhiều hơn.

Thế nên, người giàu sang học đạo được rất quý, bản thân họ được tốt, mà Phật pháp cũng được lợi, xã hội nhờ ơn.

3. Quên mình vì đạo là khó.

Dám quên mình, xem nhẹ mọi sanh tử chỉ để cầu đạo, học đạo là rất khó.

Người tu vốn trường chay, nhưng khi bệnh nặng, bác sĩ khuyên ăn mặn, vì sợ chết nên nghe lời bác sĩ, trở lại ăn thịt cá. Chỉ việc ăn chay mặn, mà vì sợ bệnh, sợ chết, còn không giữ được, huống chi xả bỏ thân này cầu đạo, càng là việc khó làm. Thậm chí vì thân có thể phạm cả lỗi sát sanh, lấy máu con này, ăn thịt con kia để trị bệnh, quên mất tâm nguyện vì chúng sanh của mình.

Vị nào có thể quên mình vì đạo sẽ thành tựu rất lớn. Một Tỳ-kheo từ xa về đảnh lễ Phật, trên đường không khất thực được, đến nơi đã quá ngọ, thầy vừa đói vừa khát. Thế Tôn thương xót cho thầy phần cơm thừa của mình, nhưng thầy cương quyết giữ giới không ăn, đêm đó qua đời. Nhờ công đức giữ giới này, thầy sanh lên cõi trời.

Một Tỳ-kheo khác, khi tọa thiền đến chỗ vắng lặng tột cùng, chưa kịp khai sáng liền bị năm ấm che đậy, mất chỗ vừa nhận. Nhiều lần như vậy, nên thầy quyết định xả thân khi tâm cảnh vừa đến chỗ này, không để năm ấm kịp ảnh hưởng. Ngay khi cắt mạch máu tự sát, thầy liền ở ngay tâm cảnh đó chứng Thánh quả, thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ma ba-tuần thấy thầy tự sát, cho rằng thầy sẽ bị đọa, nhưng nó tìm mãi không thấy tung tích thầy, nên đến hỏi Phật, Phật bảo: Như củi hết lửa tắt, một vị đã chứng quả Thánh thì không còn lưu dấu trong ba cõi, làm sao tìm được!

Quên mình vì đạo rất khó. Nhưng nếu làm được sẽ tiến bộ rất nhanh, thành tựu rất lớn.

4. Được thấy kinh Phật là khó.

Chúng ta ngày nay thấy kinh Phật dễ dàng, lầm tưởng rằng dễ được. Thực sự không phải vậy. Khoảng thời gian giáo hóa của một vị Phật không dài. Như thời giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ có 11.500 năm mà thôi (500 năm chánh pháp, 1.000 năm tượng pháp, 10.000 năm mạt pháp). Sau khi Phật pháp hoàn toàn diệt, phải rất lâu sau mới đến Phật Di Lặc ra đời, khoảng giữa hai thời kỳ Phật sẽ không có kinh Phật.

Thế giới trải qua bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không. Mỗi giai đoạn kéo dài 20 kiếp.

Kiếp, dịch âm từ chữ Phạn Kalpa. Danh từ Kalpa không phải do Phật giáo sáng tạo, mà là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài, cũng như từ sát-na (ktana) là một đơn vị thời gian chỉ khoảng thời gian ngắn. Nói dài thì có thể dài vô hạn, mà nói ngắn thì cực ngắn như một sát na.

Thông thường, từ “kiếp” dùng để chỉ khoảng thời gian dài của thế giới ta-bà. Kinh Phật nói kiếp có 3 cấp:

Cấp thứ nhất là tiểu kiếp: Được tính theo thọ mạng của loài người. Từ mức thọ mạng dài nhất là 84.000 tuổi, cứ 100 năm giảm một tuổi, giảm tới khi thọ mạng người chỉ còn 10 tuổi, giai đoạn này gọi là kiếp giảm. Rồi, từ thọ mệnh 10 tuổi, cứ 100 năm tăng thêm một tuổi, cho đến khi đạt mức thọ mạng 84.000 tuổi, gọi là kiếp tăng. Thời gian một lần giảm một lần tăng như vậy gộp lại làm một tiểu kiếp. Vậy thời gian một tiểu kiếp khoảng 16.000.000 năm.

Cấp thứ hai là trung kiếp: Hai mươi tiểu kiếp gộp lại thành một trung kiếp. Mỗi giai đoạn thành, trụ, hoại, không là một trung kiếp, tức 20 tiểu kiếp. Trong bốn giai đoạn trên, chỉ có giai đoạn trụ là có chúng sanh ở. Trong giai đoạn Thành, địa cầu ở thể lỏng và khí, thể lỏng dần khô cứng, quá trình này kéo dài 20 tiểu kiếp, chúng sanh không thể ở được. Giai đoạn Hoại, trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, chúng sanh cũng không thể ở được. Giai đoạn này, thế giới trải qua 49 lần đại hỏa tai, 7 lần đại thủy tai, một lần đại phong tai, dẫn đến thế giới hoàn toàn băng hoại, giai đoạn này cũng kéo dài 20 tiểu kiếp. Sau  kiếp Hoại, bắt đầu  kiếp Không, thế giới không còn vật gì tồn tại, cũng kéo dài 20 tiểu kiếp. Rồi thế giới lại dần hình thành, bắt đầu giai đoạn Thành khác, lặp lại vòng tuần hoàn tiếp theo. Như vậy, bốn giai đoạn “thành, trụ, hoại, không” là một vòng tuần hoàn của thế giới.

Cấp thứ ba là đại kiếp: Bốn trung kiếp gộp lại thành một đại kiếp. Nói cách khác, đại kiếp là một vòng sinh diệt của thế giới. Trong giai đoạn Hoại, đại hỏa tai thiêu cháy từ địa ngục vô gián đến cõi trời Sơ thiền Sắc giới. Đại thủy tai nước tràn ngập từ địa ngục vô gián đến cõi trời Nhị thiền. Đại phong tai gió thổi mạnh từ địa ngục vô gián đến cõi trời Tam thiền. Như vậy, giai đoạn kiếp hoại, cả thế giới từ địa ngục vô gián tới cõi trời Tam thiền của Sắc giới, đều nằm trong phạm vi hoại diệt. Chỉ có cõi trời Tứ thiền Sắc giới và 4 cõi trời Vô sắc giới là không bị kiếp nạn. Ở giai đoạn hoại kiếp, chúng sinh ở thế giới này sẽ chuyển sinh sang các thế giới khác, hoặc siêu thăng lên cõi trời Tứ thiền, không có chúng sanh nào cùng hoại với thế giới.

Trong giai đoạn Trụ của một đại kiếp, thế giới sẽ có 1.000 vị Phật ra đời. Đại kiếp chúng ta đang ở tên là kiếp Hiền, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật thứ 4, tiểu kiếp này là tiểu kiếp thứ 9, và chỉ có một đức Phật ra đời. Phật Di Lặc sẽ hạ sanh ở tiểu kiếp thứ 10. Mỗi tiểu kiếp là 16.000.000 năm, mà thời giáo hóa của đức Phật Thích Ca chỉ kéo dài 11.500 năm. Hơn nữa, không phải tiểu kiếp nào cũng có Phật, giai đoạn Trụ đã trải qua 9 tiểu kiếp mà chỉ có 4 vị Phật xuất hiện, sau Phật Di Lặc, tiểu kiếp 11, 12, 13, 14 đều không có Phật, đến tiểu kiếp 15 mới có Phật thứ 6 ra đời. 5 kiếp cuối cùng, nhiều vị Phật sẽ kế nhau thị hiện cho đến khi đủ số 1.000. Như vậy, chư Phật ra đời không có quy luật nhất định, có tiểu kiếp không có Phật, có tiểu kiếp chỉ có một Phật, có tiểu kiếp có nhiều vị Phật. Nhưng dù thế nào, thời gian giáo hóa của chư Phật đều rất ít so với thời gian tồn tại của nhân loại. Có nghĩa là, gặp được kinh Phật là điều không hề dễ dàng. Chúng ta có phước được sanh ra trong thời giáo hóa của Phật Thích Ca, được gặp kinh Phật, được tu theo Phật, nếu không cố gắng lợi dụng duyên lành thù thắng này phát triển đạo tâm, e rằng những đời sau sẽ không dễ gặp được Phật pháp.

5. Sanh ra gặp đời có Phật là khó.

Sanh ở nơi đức Phật thị hiện ra đời, vào đúng thời điểm Phật giáo hóa, lại gặp được Phật trực tiếp hóa độ, hội đủ điều kiện này là rất khó. Có những người tuy sanh đồng thời với Phật, nhưng không sanh cùng đất nước của Ngài; hoặc sanh cùng quê với Ngài mà sanh trước khi Phật thành đạo hay sau khi Phật Niết-bàn; hoặc sanh đúng nơi Phật giáo hóa nhưng lại không được gặp Phật, không nghe Phật thuyết pháp v.v… Nghĩa là chỉ cần thiếu một nhân duyên thôi cũng là mất cơ hội thấy đạo, được đạo.

Chúng ta ngày nay tuy không được sanh trong thời Phật tại thế, nhưng vẫn đang ở trong thời giáo hóa của Phật Thích Ca, lại được xuất gia, sanh trong giáo pháp của Phật, đắp y cà sa, mang họ Phật. Những điều này cũng là rất khó mà mình lại có được, đủ biết phúc báo của chúng ta cũng vô cùng lớn, thiện căn sâu đậm chớ không phải tầm thường.

Sau khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca hoàn toàn chấm dứt, sẽ rất lâu mới đến đức Phật Di Lặc ra đời. Khoảng giữa hai thời kỳ Phật không có giáo pháp, và giai đoạn này rất lâu dài. 20 tiểu kiếp trong kiếp Trụ chỉ có 1000 vị Phật thị hiện ra đời, mỗi vị lại không ở đời lâu, giáo pháp cũng không trụ thế lâu. Như vậy, thời gian có Phật pháp là rất ít, nên gặp được Phật pháp là cực khó, gặp Phật càng khó hơn. Cho nên nói:

Hạnh phúc thay chư Phật giáng sanh!

Hạnh phúc thay giáo pháp thông lưu!

Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp!

Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu!

Quả thật, có phúc lắm chúng ta mới được xuất gia trong pháp Phật, được có kinh Phật để học, để tu, để giải thoát.

6. Nhịn sắc, nhịn dục là khó.

Sắc đây là sắc nam nữ, không phải sắc chất. Dục là ham muốn, thế gian có năm thứ khiến người sanh ham muốn không nguôi, gọi là năm dục, là: Tài (tiền tài), sắc (sắc nam nữ), danh (danh vọng, tiếng tăm), thực (thức uống ăn), thùy (ngủ nghỉ). Năm dục này là năm dục thô, còn có năm thứ dục tế, là: Sắc (tất cả sắc tướng đẹp đẽ ưa nhìn…), thanh (tất cả âm thanh dễ nghe, thu hút…), hương (tất cả mùi hương thơm tho, quyến rũ), vị (tất cả vị ngon của mọi thức uống ăn), xúc (tất cả sự xúc chạm mềm mịn, trơn láng…).

Nhịn sắc là đối với việc nam nữ có thể nhẫn nhịn được, không bị người khác phái cuống hút. Việc này rất khó, nhất là đối với người nam. Ông bà ta có câu: Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông.

Xưa có một nhóm thanh niên đến một đạo sĩ lừng danh học đạo. Đêm đến, đạo sĩ lấy than hóa ra mỹ nữ đến thử các chàng. Sáng ra, chàng nào người cũng dính đầy than, không có ai ngoại lệ, tức là không có chàng nào thoát khỏi ải nữ sắc. Và thế là, đành phải khăn gói rời đi.

Nam gần nữ như lửa gần rơm, nhịn rất khó. Xưa Liễu Hạ Huệ ôm cô gái trong lòng mà vẫn thản nhiên đọc sách, tâm không một niệm dục, nên tên ông rạng danh trong sách sử, tiêu biểu cho bậc chính nhân quân tử. Bởi vì khó ai có thể nhịn được khi tiếp xúc thân mật với người khác phái. Luật xưa quy định nam nữ thọ thọ bất thân, chính là để giúp cho việc nhịn sắc được dễ dàng hơn. Ngày nay nam nữ tiếp xúc thân mật, thoải mái, nên việc giao hoan nam nữ trở nên phổ biến, dẫn đến nhiều tệ nạn không hay về phương diện này.

Trong Tăng đoàn, Tăng Ni sống tách biệt, chính là để giữ gìn phạm hạnh cho nhau. Đức Phật dạy Tăng Ni khi tiếp xúc với người khác phái phải quán người già như cha mẹ, người lớn như anh chị, trẻ nhỏ như con cháu để tâm dục không dấy khởi, đạo tâm được bảo vệ. Bởi nếu không cẩn thận hộ tâm sẽ rất khó nhịn được sắc dục. Đức Phật từng khẳng định: Cũng may là ái sắc dục chỉ có một, nếu có cái thứ hai mãnh liệt như nó thì thế gian này không ai tu đạo được. Thế nên biết, sắc dục vô cùng tai hại và việc nhịn nó là khó khăn vô cùng.

Những dục khác như tiền của, danh vọng, thức ngon, ngủ nghỉ tuy không mãnh liệt như sắc dục, nhưng cũng chi phối tâm tư con người không ít, nhịn chúng cũng không dễ chút nào. Nhiều người lao đầu vào tội ác chỉ vì không nhịn được những ham muốn này. Hoặc giết người để cướp của, hoặc lường gạt để sanh lợi, hoặc mưu hại người để đạt danh vọng chức vị, hoặc sát sanh hại vật để ăn ngon v.v… Tội ác từ dục sanh ra nhiều vô kể bởi người ta không nhịn được, không thắng được ham muốn trong tâm mình.

Nếu có thể nhịn được sắc, nhẫn được dục, công đức sẽ rất lớn, công phu rất sâu, sẽ sớm ngày giải thoát.

7. Thấy tốt không cầu là khó.

 Vì trong tâm còn tham nên thấy vật gì tốt là muốn gom về mình. Tâm tham thuộc căn bản vô minh, sanh ra là có sẵn, là tập khí được huân tập từ vô lượng đời kiếp, lúc nào cũng muốn thâu tóm mọi thứ tốt đẹp về mình. Không chỉ con người, loài vật cũng vậy, hễ còn là chúng sanh là còn tâm tham, còn tâm tham thì thấy vật gì tốt là muốn có. Thắng được tâm mong cầu này rất khó, chỉ khi quán chiếu được chân tướng các pháp, biết tất cả pháp như huyễn, không thật, tâm tham dứt hẳn, hay nhẹ bớt, mới có thể thấy tốt mà không cầu. Thế nên nói thấy tốt không cầu là khó.

8. Có thế lực không cậy quyền là khó.

Người có thế lực thường hay cậy quyền ức hiếp kẻ dưới. Hoặc thỏa mãn tâm tham, bắt kẻ dưới đem lợi cho mình, sống cuộc sống trên trước. Hoặc thỏa mãn tâm sân, tùy ý nhục mạ, đánh đập, ức hiếp… Hoặc thỏa mãn tâm ngạo, ra quyền ra thế, tỏ rõ quyền uy của mình. Chúng sanh vốn đủ ba độc: tham, sân, si. Chúng là những hạt giống có sẵn trong tâm, mà thế lực chính là mảnh đất tốt, là nguồn nước dinh dưỡng nuôi lớn chúng. Cho nên, người có thế lực mà không bị tham sân si dắt dẫn, không cậy quyền ức hiếp người là rất khó. Nếu ai làm được, người đó chính là Bồ-tát giữa thế gian, được người người kính trọng, tôn thờ.

Người có thế lực làm ác sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tai hại cho cả một quốc gia, một thời đại. Như hoàng đế Napoleon, một niệm tham của ông dẫn đến đại thế chiến thứ nhất; Hitler vì một niệm si mà khiến cả thế giới đỏ lửa chiến tranh; Ponpot bởi tà kiến mà hằng triệu dân Campuchia thiệt mạng, đất nước điêu linh v.v… và v.v… Những ví dụ như vậy kể không thể xiết.

Ngược lại, những vị có thế lực mà không cậy quyền, lại dùng quyền lực đó làm việc tốt, sẽ đem lại lợi ích cho hàng vạn người, hoặc cả dân tộc, cả đất nước, thậm chí là cả thế giới. Như các vị Chuyển Luân Thánh Vương thường được nhắc đến trong kinh Phật; các vị vua đầu đời thời Lý Trần ở nước ta, đem chánh pháp dạy dân, khiến dân giàu nước mạnh, trên dưới hòa thuận; Tổng thống Lincoln giải phóng nô lệ ở nước Mỹ v.v… Những vị Hiền nhân này cũng rất nhiều trong lịch sử nhân loại, quý Ngài là Bồ-tát giữa thế gian, chớ không phải tầm thường.

9. Bị nhục không sân là khó.

Sân là căn bản vô minh, được huân tập từ vô lượng kiếp, vừa sanh ra là đã mang theo, không cần ai chỉ dạy. Khi bị làm nhục, mắng chửi, chê bai, đánh đập v.v… liền nổi sân, rất khó giữ bình tĩnh.

Thuở quá khứ, tiền thân tôn giả Xá-lợi-phất từng phát nguyện sẽ bố thí thân mạng không lẫn tiếc. Khi Ngài vừa nguyện, chỗ ngồi của Thiên Đế Thích nóng lên, vua quán sát biết có người vừa phát nguyện hành bố thí lớn. Để thử tâm Ngài, vua hóa hiện làm một chàng thanh niên trẻ vừa đi vừa khóc, Ngài hỏi duyên do, vua đáp:- Cha tôi bị bệnh mắt, thầy thuốc bảo phải tìm một con mắt khỏe mạnh khác thay thế, tôi biết tìm đâu ra, nên đau buồn mà khóc. Tôn giả nói: “Hay lắm! Tôi vừa phát nguyện bố thí thân mạng không tiếc, ông hãy móc mắt tôi đi.” Đế Thích nói: “Nếu ngài đã nguyện cho thì tự móc, sao lại bảo tôi móc?” Tôn giả liền móc mắt phải đưa vua. Vua quăng đi rồi la lên: “Tôi cần mắt trái chớ không phải mắt phải.” Tôn giả lại mắt con mắt còn lại đưa cho. Vua cầm lấy đưa lên mũi ngửi rồi quăng xuống đất, lấy chân chà đạp lên, chê: “Mắt gì thối quá, sao thay cho cha tôi được!” Tôn giả buồn bã than: “Ôi! Chúng sanh thật khó độ, thôi ta tự độ mình, không hành Bồ-tát hạnh nữa.” Đế Thích nghe vậy, hiện lại bổn thân, thưa: “Xin tôn giả đừng thối tâm, tôi chỉ làm khó hơn để thử tâm Ngài, chúng sanh không đến nỗi khó độ vậy đâu, mong Ngài giữ vững hạnh nguyện, tôi xin nguyện hộ Ngài.” Thế là, Tôn giả vui vẻ tiếp tục con đường Bồ-tát đạo của mình.

Thế nên, để thử tâm đạo của một người, đem gió nghịch đến xem họ có nổi sân không, nếu có thể định tâm an lạc, chứng tỏ vị đó công phu rất vững vàng; ngược lại, không qua được ải sân, tức công phu còn chưa cứng chắc. Bởi bị nhục không sân là rất khó.

10. Gặp việc không quan tâm là khó.

Quan tâm ở đây có nghĩa là xen vào. Ý Phật muốn nói là chúng sanh thích hóng chuyện, thích bàn luận chuyện thiên hạ. Đi đường gặp việc là bu lại xem, thậm chí là quay phim đưa lên mạng xã hội, rồi cùng tham gia luận bàn đúng sai phải quấy… Cả ngày bận rộn lo chuyện bao đồng, ông bà ta có câu: Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng. Chính vì hay chạy theo ngoại cảnh bên ngoài, không xoay lại nhìn mình, sửa mình, nên mới mãi làm chúng sanh lên xuống trong ba cõi sáu đường.

Xưa đức Phật hoàng Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:- Làm sao tu hành? Thượng sĩ dạy:- Quay lại nhìn mình là việc bổn phận, không ai bên ngoài cho mình được (phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc). Sau này, vua tự mình sáng đạo, đã dạy: “Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”. Thiền không gì khó, chỉ cần gặp việc đừng bận tâm, thấy cảnh thuận nghịch không sanh tâm thương ghét, như vậy là thiền, là tự tại.

Tuy nhiên, thản nhiên trước mọi việc là điều không dễ làm, nên Phật mới nói: Gặp việc không quan tâm là khó.

11. Học rộng, tư duy sâu là khó.

Học rộng ở đây là nghiên cứu sâu giáo lý, đức Phật gọi là đa văn. Là một trong bảy tài sản của bậc Thánh. Kinh điển của Phật nhiều vô cùng, đa dạng, phong phú, nghĩa lý lại sâu xa. Cộng thêm những bài luận giải của chư Tổ, công án của Thiền sư, ngữ lục của Tổ sư v.v… Cả đời để hết thời gian học cũng không hết. Càng học càng thấy sở học của mình ít ỏi, những điều mình học được như giọt nước, mà giáo nghĩa mênh mông như biển rộng. Nếu tìm được niềm vui trong giáo lý, tức pháp hỷ, sẽ càng học càng thích, học không biết mệt mỏi, không biết chán. Nhưng nếu không tìm thấy niềm vui, nhìn thấy kinh điển là sợ, thì sẽ chán không muốn học.

Như trẻ nhỏ đi học, có trẻ càng học càng thích, mỗi ngày khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, sanh ước mơ vươn xa trong rừng kiến thức, muốn làm giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ v.v… Nhưng lại có trẻ sợ hãi việc học, mờ mịt trước biển kiến thức mêng mông, nên giữa đường bỏ học, chấp nhận làm người bình thường trong xã hội.

Ở thế gian, người thích học thì ít, kẻ sợ học thì nhiều. Trong đạo cũng vậy, người thích nghiên cứu kinh điển cũng không nhiều. Nên Phật mới nói: Học rộng là khó.

Học khó, tư duy sâu càng khó hơn. Muốn tư duy sâu phải nghiên cứu kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần, chiêm nghiệm, tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của từng lời kinh, bản luận. Điều này đòi hỏi người học phải dám sống một mình, thích sống một mình, để hết tâm tư vào kinh sách, buông bỏ mọi việc bên ngoài. Nhưng thói quen của chúng sanh là thích đám đông, sợ cô độc, dễ nhàm chán khi chỉ làm một việc. Vì vậy, người chịu bỏ công nghiên cứu sâu nội điển, lặng lẽ tư duy nghĩa lý, là người rất khó được, vì không phải ai cũng làm được, nên Phật mới nói là khó.

Học là Văn huệ, tư duy sâu là Tư huệ. Chỉ có chịu học, chịu tư duy sâu thì khi tu mới không sợ lầm lạc, mới có thể phát sanh trí huệ chân chánh, tức Tu huệ. Đó là Tam huệ học mà đức Phật đã chỉ dạy nhắc nhở từ ngàn xưa.

Việc học vô cùng quan trọng, Tổ Thiện Hoa từng dạy: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là cái đãy sách.” Đã tu theo Phật thì phải học, học nữa, học mãi, vì việc học không có giới hạn. Những gì mình đã học như giọt nước mà giáo lý Phật như biển cả, không biết lúc nào mình mới thấu hết nghĩa lý Phật dạy. Khi đọc kinh Phật, chúng ta sẽ thấy mỗi lần đọc mỗi lần thấm sâu, theo công phu của mình mà sự hiểu của mình sẽ tăng dần. Tổ Huệ Năng vừa nghe kinh Kim Cang liền ngộ đạo, nhưng đó chỉ là mới đến ngoài cửa, đến khi được Ngũ Tổ giảng thêm, Ngài mới triệt ngộ, thấu rõ thể dụng đồng thời của tự tánh mình.

Có vị Tổ từng nói: Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới. Kinh điển của Phật Tổ phải đọc nhiều lần, chiêm nghiệm kỹ, tư duy sâu mới thấu hiểu hết nghĩa lý thâm sâu trong đó. Nhờ đó, chúng ta mới đủ niềm tin và sức mạnh điều phục tâm mình, công phu tu mới có thể ngày một tiến, và không sợ sai lạc. Như đức Phật đã dạy: “Các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp.”

12. Trừ bỏ ngã mạn là khó.

Ngã mạn rất khó bỏ, phải đến A-la-hán mới dứt được, nó nằm trong năm thượng phần kết. Trong tám gió, ngã mạn chiếm hết bốn, đó là xưng cơ và hủy dự. Thường thì ai cũng thích khen sợ chê, đó là hiện tướng của mạn. Mạn có 7 thứ: Mạn, ngã mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, ty liệt mạn, tà mạn.

1. Mạn: Nghĩ mình hơn người.

2. Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người.

3. Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng.

4. Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.

5. Tăng thượng mạn: Chưa chứng Thánh quả mà cho mình đã chứng.

6. Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói mình thua ít.

7. Tà mạn: Người tu về tà mạn được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người khác, xem trời đất không còn ai.

Muốn ra khỏi luân hồi phải dứt tâm ngã mạn. Muốn dứt tâm ngã mạn phải thường quán xét tâm mình, chánh niệm từng phút giây. Tôn giả Xá-lợi-phất từng thưa với Phật: Chỉ có người nào không biết quán thân trên thân mới có tâm khinh mạn người khác. Con luôn quán xét thân tâm mình, thấy mình như đất, nước, lửa, gió, như chổi quét nhà, như giẻ lau nhà, không khởi tâm khinh mạn bất cứ ai, bình đẳng với tất cả mọi người.

Đức Khổng Tử từng nói: Đứa bé 7 tuổi hơn ta thì ta học bé, ông già 80 tuổi không bằng ta thì ta dạy ông. Vì sự học, chẳng ngại tuổi tác; vì sự giáo hóa, chẳng ngại nhọc nhằn.

Ngã mạn rất khó trừ, nó theo chúng ta từ vô lượng kiếp. Nhưng nếu muốn giải thoát, nhất định phải bỏ nó.

13. Không khinh người chưa học là khó.

Chúng ta thường có thói quen xem thường người mới vào đạo, cho rằng họ không biết gì. Nhưng chưa chắc. Đức Phật từng dạy: Có ba thứ nhỏ mà không nên xem thường: Một là một đốm lửa nhỏ, hai là một con rắn nhỏ, ba là một Tỳ-kheo nhỏ. Một đốm lửa nhỏ có thể là nguyên nhân của một nạn cháy rừng lớn. Một con rắn nhỏ có thể cắn chết người. Một Tỳ-kheo nhỏ có thể chứng Thánh quả A-la-hán.

Đệ tử tôn giả A-na-luật mới 7 tuổi, khi được thầy cạo tóc xuất gia, tóc vừa rơi xuống phiền não liền sạch, ngay tức thời chứng A-la-hán. Từng chiết phục Long vương sông A-no-ma khiến ông quy y, kính ngưỡng. Đệ tử tôn giả Xá-lợi-phất cũng mới 7 tuổi, nhưng khi thấy thợ rèn bánh xe, thợ uốn tên đã tự nghĩ: gỗ, sắt… đều là vật vô tri mà người ta còn có thể uốn nó theo ý muốn, tâm ta hữu tri sao không thể được rèn luyện. Thế là Ngài đóng cửa thiền định tư duy, quyết tâm hàng phục tâm mình, khiến Đế Thích phải nắm giữ mặt trời không cho lặn, Thế Tôn phải rời hương thất giữ chân tôn giả Xá-lợi-phất để trợ giúp Ngài hoàn thành thệ nguyện. Và chỉ trong một buổi sáng, Ngài đã hàng phục được tâm, rũ sạch mọi phiền não, chứng đắc Thánh quả A-la-hán.

Thế nên, không thể đánh giá một người qua tuổi tác, tướng mạo, nhất là đối với người tu. Khinh mạn một người đức hạnh sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Mà một người đức hạnh hay không, công phu tu thế nào, chúng ta không thể biết được, nên tốt nhất là từ bỏ tâm khinh mạn, học hạnh khiêm hòa với tất cả mọi người. Như Bồ-tát Thường Bất Khinh, gặp ai cũng thưa:- Tôi không dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài đều sẽ thành Phật.

14. Thực hành tâm bình đẳng là khó.

Vì bản ngã của mỗi người đều rất sâu đậm nên khó thực hành tâm bình đẳng. Những người thân thuộc, những vật sở hữu của mình luôn chiếm vị trí quan trọng. Kẻ cướp giết người cướp của không gớm tay, nhưng đối với cha mẹ lại vô cùng hiếu thảo. Hoặc nhiều người lường gạt người khác để làm giàu, không quan tâm nỗi đau mất mát của người ta, nhưng lại cho tiền con cái ăn xài phung phí v.v… Nhan nhãn trước mắt chúng ta là những sự đối xử bất công, làm khổ nhau chỉ vì tâm thương ghét, thân sơ, giàu nghèo, quý tiện…

Đức Thế Tôn luôn dạy đệ tử thực hành tâm bình đẳng. Mà muốn bình đẳng phải có lòng bi lớn, có trí tuệ cao. Có lòng bi lớn mới phá được tình cảm phân biệt thân sơ, có trí tuệ cao để thấy được bản chất bình đẳng của vạn pháp. Đức Phật từng dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn”; hay “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”; và “Tất cả pháp hễ có tướng đều là hư dối không thật”. Bản chất các pháp là vậy, vốn bình đẳng, đều là pháp vô thường biến đổi, do nhân duyên hòa hợp giả dối tạo thành, không có hơn kém, quý tiện…

15. Không nói thị phi là khó.

Một vị cao đức từng nói: “Biến sắc thành vàng còn dễ, bảo người đừng thị phi rất khó.” Ở đây đức Phật cũng khẳng định: Không nói thị phi là khó. Bởi thói quen của chúng sanh là hay phân biệt so sánh, thích bàn luận đúng sai của người, từ đó thể hiện bản ngã của mình, thỏa mãn cái tôi được huân tập từ vô lượng kiếp.

Thế nhưng, muốn sống với đạo, tâm thị phi phải dứt, tật hý luận phải trừ, bởi càng thị phi càng xa đạo, càng hý luận càng loạn tâm. đức Thế Tôn đã dạy: “Hãy im lặng như Thánh, nói năng như Thánh”. Thường để tâm tĩnh lặng, chỉ nói khi cần độ người. Tổ sư dạy: “Hãy để khóe miệng lên meo như chiếc quạt mùa đông”. Tổ Tăng Xán nói: “Đạt đạo vốn không khó, chỉ khó vì tâm sanh phân biệt”. Lục Tổ dạy: “Ngơ ngơ không tu thiện, ngáo ngáo không tạo ác, lặng lẽ dứt thấy nghe, thênh thang tâm không dính”.

Tóm lại, Phật Tổ đều dạy chúng ta bỏ tâm thị phi, dứt thói quen hý luận, trừ ý phân biệt, có thế mới hợp đạo. Biết rằng không nói thị phi rất khó, nhưng chúng ta có thể dùng tâm cầu đạo chí thiết để kiên quyết trừ dứt thói quen không tốt này.

16. Gặp thiện tri thức là khó.

Thiện tri thức là những vị trợ giúp chúng ta tu hành đúng chánh pháp. Thời mạt pháp này, gặp được thiện tri thức chỉ mình đi đúng đường, tạo điều kiện tốt để mình an tâm tu học là điều rất khó có được. Nếu gặp được, đó là phúc báo lớn, là duyên lành sâu mà chúng ta đã gieo trồng nhiều đời mới có được.

Thời đại này nhiều tà pháp, nhiều tà sư. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể sẽ gặp sự hướng dẫn sai lầm của họ, vô tình rơi vào tà giáo. Trên mạng có khi bùng nổ thông tin chỗ này linh, chỗ nọ thiêng, thần này thánh nọ hiện về chỉ dẫn…, nghe những điều này dứt khoát đừng tin, vì phần lớn chỉ là bịa đặt mà thôi. Có chỗ nói Phật Di Lặc sắp ra đời, nhưng kinh điển Phật đã nói rõ chỉ khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca hoàn toàn diệt mất thì Phật Di Lặc mới ra đời, thời điểm đó còn lâu xa lắm, nói Phật Di Lặc sắp ra đời chỉ là lừa gạt thôi. Hay có người xưng được phi nhân dựa vào có thể trị bệnh cũng đừng tin. Vì phi nhân cũng như mình thôi, đâu có giải quyết được nhân quả cho mình. Chỉ có mình tự tu, siêng năng sám hối, làm các công đức lành, hồi hướng cho oan gia trái chủ, từ đó giải tỏa oan kết với chúng sanh, nhờ nhân lành chuyển được nghiệp dữ mới có thể tai qua nạn khỏi. Cúng cầu bên ngoài chẳng có tác dụng chi cả, chỉ hao tiền tốn của, lại còn kết duyên với các thế lực tà ác, gây hại cho đời này và cả đời sau.

Chỉ những vị thật sự là thiện tri thức, hướng dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, dựa vào chân lý mà tu hành, chúng ta mới tin theo, tu theo. Còn những lời ma mị quỷ quái thì đừng tin, đừng theo, tránh rơi vào tà kiến làm hại mình, hại người.

17. Học đạo kiến tánh là khó.

Thấy tánh không dễ, phải dụng công sâu, tu hành miên mật mới có thể có chút phần tương ưng. Tổ Hoàng Bá nói: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốc, hoa mai đâu dễ ngửi mũi hương.” Ông Bàng Uẩn nói: “Khó, khó, khó! Mười tạ dầu mè trên cây vuốt.”

Tuy nhiên như thế, chỉ cần mình kiên trì thực hành đúng lời dạy của Phật Tổ thì sớm muộn cũng sẽ nhận được tự tâm. Như dùi cây lấy lửa, kiên trì dùi thì sớm muộn cũng được lửa. Nước dù nhỏ mịn mà chảy mãi đá cũng mòn. Kiên trì tu hành thì không việc khó gì không xong. Nếu mình không tinh tấn, không kiên trì, một ngày tu ba ngày nghỉ, thì đúng là “Học đạo kiến tánh khó”. Còn dám xả thân tu hành, mỗi ngày đều tiến thì cửa đạo không xa, như bà Bàng Uẩn nói: “Dễ, dễ, dễ! Trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư.”

18. Tùy duyên hóa độ người là khó.

Có duyên mới độ được. Ngay cả Phật cũng phải có duyên mới độ được – “Phật hóa hữu duyên nhân”. Có duyên rồi, lại phải chọn phương tiện phù hợp dạy người, không chọn đúng phương tiện thì cũng khó độ.

Thời Phật, có một bà lão ở gần Tinh xá nhưng không thích Phật và cũng không ưa chư tăng, duy chỉ Sa-di La-hầu-la độ được bà, hướng bà quy y Tam Bảo, bởi bà có duyên tiền kiếp sâu xa với Ngài La-hầu-la, nên sanh lòng yêu thương và chịu nghe lời Ngài.

Tôn giả A-nan có duyên với một thợ rèn và một người giữ nghĩa địa. Hai vị nương Ngài tu học, Ngài dạy người thợ rèn quán bất tịnh, người giữ nghĩa địa quán hơi thở. Trải thời gian công phu lâu dài mà hai người đều chẳng tiến bộ. Tôn giả đến thỉnh Phật chỉ dạy, Phật quở tôn giả dùng phương tiện không thích hợp. Người thợ rèn ngày ngày thổi ống bể, hợp với pháp quán hơi thở; người giữ nghĩa địa tiếp xúc thường với xác chết, hợp với quán bất tịnh. Chỉ cần thay đổi pháp tu phù hợp, tự nhiên họ sẽ tiến bộ. Quả thật, sau khi áp dụng cách tu mới không bao lâu, cả hai đều đắc quả Tu-đà-hoàn.

Như vậy, muốn hóa độ ai, trước tiên phải có duyên với họ, rồi hiểu sở trường sở thích của họ để dạy pháp tu thích hợp. Việc này không dễ làm, đòi hỏi phải có trí tuệ và phương tiện khéo léo mới được, nên Đức Thế Tôn nói khó là vậy.

19. Thấy cảnh chẳng động là khó.

Chúng sanh luôn có thói quen chạy theo cảnh, ngày ngày bị tám gió thổi, bị năm dục sai khiến, bị bốn ma bức bách, không thể nào an nhiên tự tại được. Bởi cho vọng tâm điên đảo bên trong là bản ngã, cho ngoại cảnh bên ngoài là thật có, nên chúng sanh mới bị chúng trói cột sai khiến.

Muốn không động tâm trước ngoại cảnh thì bên trong phải nhận ra tự tánh bản nhiên thanh tịnh, bên ngoài phải thấy được các pháp hư dối không thật. Đức Phật dạy: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”. Lục Tổ dạy: “Bên ngoài lìa tướng là thiền, bên trong chẳng loạn là định”. Sơ Tổ Trúc Lâm dạy: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên; đói đến thì ăn, mệt ngủ liền; trong nhà có báu thôi tìm kiếm; đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền.”

Cư sĩ Tô Đông Pha tu học và làm bạn với Thiền sư Phật Ấn. Một hôm ghé thăm Thiền sư mà không gặp, bèn viết vài dòng để trên bàn: “Tô Đông Pha, người Phật tử vĩ đại, tám gió thổi không động”. Thiền sư về xem qua, gửi thư hồi đáp: “Chỉ là một cái đánh rắm”. Ông tức tối liền đến chùa tìm Thiền sư để tranh luận. Ngài Phật Ấn đợi ông xả hết cơn tức, tươi cười nói: “Tô Đông Pha, người Phật tử vĩ đại, tám gió thổi không động. Ấy vậy mà chỉ một hơi gió nhẹ của cái rắm đã thổi bay ông từ nhà đến chùa.”

Muốn không động trước cảnh đâu có dễ. Chỉ cần lấy tám gió làm thước đó sẽ biết công phu mình tới đâu.

20. Khéo biết phương tiện là khó.

Khéo biết phương tiện là biết lúc nào nên dùng phương tiện nào. Chọn được phương tiện thích hợp với xứ sở, hoàn cảnh, con người v.v… rất khó. Như việc truyền bá Phật giáo sang các nước, để hội nhập với đất nước, dân tộc bản xứ, cần phải uyển chuyển sử dụng phương tiện thích hợp. Xưa khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, do quan niệm của người Hoa không chấp nhận người xuất gia tôn quý lại làm kẻ hành khất, nên chư Tổ sư thuận theo bản ý của họ mà lập chùa, ở chùa. Đã có chùa thì phải có hệ thống quản lý, sắp đặt mọi hoạt động trong chùa, vì vậy mà phát sanh thêm nhiều phương tiện khác, như: có tài sản, có nấu nướng, có canh tác v.v… Lại, Trung quốc hay Việt nam đều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, nên Phật giáo cũng hòa vào việc cúng kiếng để gần gũi với dân chúng, từ đó hướng họ đến với đạo.

Tóm lại, Phật giáo đến các nước đều theo phong tục tập quán của dân bản xứ mà sử dụng phương tiện thích hợp để việc truyền bá được dễ dàng. Nhờ khéo léo dung hợp mà Phật giáo đến đâu cũng được đón nhận một cách hoan hỷ vui vẻ.

Tuy nhiên, dùng phương tiện nào cho thích hợp mà vẫn không mất bản sắc Phật giáo, vẫn phù hợp chân lý là điều rất khó, phải là bậc trí tuệ mới làm được. Nếu không có trí tuệ mà lạm dùng phương tiện có thể khiến Phật giáo suy tàn, dẫn dân chúng đến chỗ tà kiến, mê tín v.v… Có hại chớ không có lợi. Nên Phật mới nói “Khéo biết phương tiện là khó.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.