Kinh Thắng Man giảng giải

Chương IX Không Nghĩa Ẩn Phú Chân Thật



Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Như Lai tạng trí là Như Lai không trí. Thưa Thế Tôn! Như Lai tạng là cái mà tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật, đại lực Bồ-tát vốn không thấy được, vốn không đạt được. Thưa Thế Tôn! Có hai loại Như Lai tạng không trí. 

Thưa Thế Tôn! Không Như Lai tạng là hoặc lìa, hoặc thoát, hoặc khác tất cả phiền não tạng. 

Giảng:

Như Lai tạng trí là trí nhận biết được Như Lai tạng. Trí đó gọi là Như Lai không trí, là trí Không của Như Lai, chữ Không này có nghĩa là không tất cả phiền não. Bởi không tất cả phiền não mới thấy được Như Lai tạng, gọi là Không trí. Như vậy người đạt đến chỗ Không trí, thấy được Như Lai tạng, người đó là Như Lai, là Phật.

A-la-hán, Bích-chi Phật, đại lực Bồ-tát chưa thấy được Như Lai tạng, chưa đạt được Như Lai tạng vì các ngài còn phiền não nhỏ nhiệm nên còn biến dịch sanh tử. Bậc A-la-hán đã hết phiền não trong tam giới, nhưng còn vô minh trụ địa cho nên có ý sanh thân. Nếu hết hoàn toàn như Phật thì gọi là Phật chứ không gọi là A-la-hán. Cũng vậy, Bồ-tát hết phiền não như Phật thì gọi là Phật chứ không gọi Bồ-tát. A-la-hán, Bồ-tát vì chưa sạch hết vô minh nên các ngài chưa thấy được Như Lai tạng.

Như Lai tạng này lìa, thoát, khác tất cả phiền não cho nên gọi là Không Như Lai tạng.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Bất không Như Lai tạng là Phật pháp không thể nghĩ bàn, mà quá hơn số cát sông Hằng, không lìa, không thoát, không chi khác.

Giảng:

Như Lai tạng có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất vì lìa, thoát, khác tất cả phiền não nên gọi là Như Lai tạng hay pháp thân. Thứ hai, vì đầy đủ vô lượng vô biên công đức nên nói không lìa, không thoát, không khác tất cả những công đức không thể nghĩ bàn như cát sông Hằng. Như vậy, nói Bất không Như Lai tạng là đứng về mặt công đức, nói Không Như Lai tạng là đứng về mặt phiền não. Đứng về mặt phiền não thì không tất cả phiền não, đứng về mặt công đức thì đầy đủ tất cả công đức nên gọi là Bất không. Như khi gương sạch tức là lìa tất cả bụi, khác, thoát tất cả bụi. Gương sạch đầy đủ ánh sáng nên thường hay phát sáng.

Như Lai tạng khi chưa lìa phiền não gọi là Như Lai tại triền. Gọi Không Như Lai tạng là đã lìa tất cả phiền não rồi. Gọi Bất không Như Lai tạng là vì đầy đủ tất cả công đức. Việc tu của chúng ta cũng phải đủ hai nghĩa ấy. Một mặt chúng ta diệt hết tất cả những thói xấu tham sân si. Diệt sạch rồi gọi là không tham sân si. Không phải chỉ không tham sân si là đủ, mà luôn luôn khởi tâm từ bi để lợi lạc chúng sanh. Một bên diệt phiền não, một bên tạo công đức, phải đủ hai phần như vậy. Nếu lo diệt phiền não mà không tạo công đức thì chưa đủ ý nghĩa. Thành Phật rồi không còn phiền não gọi là Không Như Lai tạng, đầy đủ công đức gọi là Bất không Như Lai tạng.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Hai Không trí này các đại Thanh văn có thể tin ở Như Lai, còn Không trí của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật thì bị chuyển đảo trong bốn cảnh giới không điên đảo. Cho nên tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật vốn không thấy được, vốn không đạt được trạng thái tất cả khổ diệt. Chỉ Phật mới chứng được, mới hoại được tất cả phiền não tạng, tu con đường diệt tất cả khổ.

Giảng: 

Hai Không trí, Không Như Lai tạng và Bất không Như Lai tạng, hàng đại Thanh văn có thể tin Như Lai nói; còn hàng Thanh văn, A-la-hán, Bích-chi Phật bị chuyển đảo trong bốn cảnh giới không điên đảo. Chuyển đảo trong bốn cảnh giới không điên đảo là sao?

Phàm phu có bốn cái đảo gọi là bốn điên đảo: đối với thân vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Đó gọi là bốn tưởng điên đảo.

Chúng ta có ai nghĩ lát nữa mình sẽ chết không, hay ít khi nghĩ đến chết? Ít ai nghĩ mình sẽ chết trong tích tắc, cứ nghĩ sống bình thường. Thân vốn vô thường cứ nghĩ là thường, nghĩ trái ngược như thế nên gọi là đảo, là lộn ngược. Đó là điên đảo thứ nhất.

Thứ hai, thân này khổ mà tưởng vui. Chúng ta chấp nhận thân vô thường là phải chấp nhận khổ bị biến hoại. Con người không muốn mau già mà già tới liền liền, không muốn bệnh nhưng bệnh cứ xâm lấn hoài, không muốn chết mà cái chết lăm le kề bên. Như vậy khổ hay vui? Những điều ta không muốn mà nó cứ tới, rõ ràng là khổ. Đó là khổ về thân.

Về tâm lý, người đời muốn một trăm việc mà được bao nhiêu việc như ý? Chưa chắc được mười hoặc hai mươi việc. Như vậy còn lại tám mươi việc bất như ý. Như ý là vui, bất như ý là khổ. Thế nên đứng về tâm lý, những gì con người ham muốn mà không được như ý là khổ. Đứng về sinh lý, mình không muốn thân già, bệnh, chết nhưng nó cứ tới nên khổ. Thân thọ khổ chúng ta tưởng là vui. Đó là điên đảo thứ hai.

Thứ ba, thân này vô ngã mà tưởng là ngã. Ngã là có cái ta làm chủ. Ai cũng ngầm nghĩ rằng mình là chủ.

Nếu có chủ thì phải từ thủy chí chung là một, nhưng trên thực tế không có cái một. Tâm luôn luôn sanh diệt như dòng nước chảy, không có gì là chủ. Ngoài ra còn bao nhiêu thứ tâm hợp lại: tham, sân, si, buồn, thương, giận, ghét… như cái nhà do nhiều thứ tụ hợp lại, cái gì là chủ của cái nhà? Tìm chủ không ra mà cứ nghĩ có chủ. Đó là tưởng điên đảo thứ ba.

Thân này nhớp nhúa hay sạch sẽ? Nó là tổ hợp của sự nhơ nhớp. Thí dụ như một khu đất nhỏ không có nhà vệ sinh, chừng hai trăm người ở đó trong vòng mười bữa. Như vậy ai đi gần khu vực này có bịt mũi không? Nếu sạch sẽ đi gần nghe thơm tho, còn đi gần phải bịt mũi thì biết chỗ đó không sạch. Thân này nhớp nhúa, người ta nói nhớp nhúa mình không chịu, lúc nào cũng tưởng sạch tưởng quý. Đó là tưởng điên đảo thứ tư.

Phàm phu có bốn tưởng điên đảo như thế. Hàng Nhị thừa do biết như thật bốn tưởng điên đảo nên các ngài chuyển bốn tưởng điên đảo ấy. Các bậc A-la-hán thấy thân này vô thường, vô ngã, bất tịnh, thọ là khổ, thấy đúng như thật cho nên chuyển bốn điên đảo, gọi là chuyển đảo trong bốn cảnh giới không điên đảo. Chuyển bốn điên đảo của phàm phu thành cảnh giới không điên đảo của Nhị thừa. Như vậy Nhị thừa mới chuyển được bốn điên đảo của phàm phu. Vì vậy nói rằng tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật vốn không thấy được, vốn không đạt được trạng thái tất cả khổ diệt, không thấu triệt được Như Lai tàng. Chỉ có Phật mới chứng, mới diệt tất cả phiền não tạng, tu con đường diệt tất cả khổ.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.