Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Đại Cương Kinh Đại Bát Nhã



Đại cương Bát-nhã chia làm 5 mục:

– Thời điểm xuất hiện

– Chỗ y cứ

– Bát-nhã là gì?

– Ứng dụng hay tu hành Bát-nhã

– Những thí dụ về Bát-nhã

I- THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN 

Trước khi giảng về kinh Bát-nhã, tôi nói sơ lược về vị trí của Bát-nhã trong hệ thống kinh điển Phật giáo.

Tất cả pháp Phật nói trong thời ngài còn tại thế, đều gom lại kết tập thành bốn bộ A-hàm.

Kinh Bát-nhã là một bộ kinh rất lớn gồm 600 quyển. Tại sao thời đó đã gom hết những bài pháp Phật nói, nhưng không thấy kinh Bát-nhã? Như vậy Bát-nhã bị bỏ sót ở chỗ nào? Chúng ta cần hiểu rõ lẽ thật, khi hiểu rõ ưu điểm khuyết điểm của sự hình thành kinh điển, trong tâm sẽ hết nghi.

Về sự xuất hiện của kinh Bát-nhã, có hai điểm đáng lưu ý:

1. Sự phân hóa tột độ của giáo đoàn 

Sau Phật Niết-bàn một trăm năm, tăng đoàn phân hóa từ từ rồi phân hóa đến tột độ. Ban đầu giáo đoàn chia ra làm hai là Thượng tọa bộ (phái bảo thủ) và Đại chúng bộ (phái cấp tiến). Dần dần trong hai phái đó chia ra làm 20 phái. Thượng tọa bộ chia 9 bộ phái, Đại chúng bộ chia thành 11 bộ phái, tổng cộng sau Phật Niết-bàn khoảng hai trăm năm, giáo đoàn chia ra đến 20 bộ phái.

Cùng là đệ tử Phật mà chia chẻ nhiều như thế vì các bộ phái bất đồng ý kiến về tinh thần giới luật hoặc giáo lý.

Do sự phân hóa đáo để này, những bậc A-la-hán, Bồ-tát thấy tình trạng suy thoái của Phật giáo bèn tìm cách củng cố lại. Các ngài y theo kinh điển Nguyên thủy buổi đầu do Phật nói để giải thích thành hệ thống Bát-nhã. Khi hệ thống Bát-nhã ra đời thì sự phân hóa ngang đó dừng. Tại sao? Bởi vì hàng đệ tử Phật theo kiến giải riêng, nên thành lập từng bộ phái. Khi hệ Bát-nhã ra đời phá hết những kiến chấp đó thì tự nhiên sự chia rẽ dần dần chấm dứt. Sau này, con đường truyền bá Phật pháp chỉ còn hai hệ: Nam truyền Phật giáo hay Phật giáo Nguyên thủy và Bắc truyền Phật giáo là Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Phát triển.

Tinh thần Bát-nhã đã giúp tăng đoàn phá những cái chấp riêng tư để thống nhất một cách tự nhiên chứ không phải bắt buộc. Tinh thần đó phát xuất từ thời nào? Theo sự khảo sát, khi Phật giáo phân hóa tới mức trầm trọng là khoảng hai trăm năm sau Phật Niết-bàn, tức vào thời đại của vua A-dục (Aśokā). Do thấy sự phân hóa trong giáo đoàn, nhà vua cho tổ chức kết tập kinh điển lần thứ ba. Kế đó, sau vua A-dục khoảng ba trăm năm, đến thời vua Ca-nị-sắc-ca (Kanishka). Nhà vua này cũng thấy được cái hay, cái cao siêu của Phật giáo nên cho tổ chức kết tập kinh điển lần thứ tư. Mục đích những cuộc kết tập là để minh định lại giáo lý của đức Phật và để cho tất cả bộ phái gặp gỡ thông cảm nhau. Hệ thống Bát-nhã đã manh nha hình thành sau hai lần kết tập này, từ sau Phật Niết-bàn khoảng hai trăm năm đến năm trăm năm thì đầy đủ. Gần bảy trăm năm sau Phật diệt độ, ngài Long Thọ ra đời, biên soạn bộ Đại Trí Độ Luận để giải thích phần Đại Phẩm Bát-nhã đã có sẵn. Như vậy, lý do Bát-nhã xuất hiện là từ sự phân hóa của giáo đoàn.

2. Bát-nhã xuất hiện sớm nhất trong các kinh điển Đại thừa 

Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ (HT. Thích Thanh Kiểm) nói: “Trong các kinh Đại thừa, kinh Bát-nhã được hình thành sớm nhất.” Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (HT. Thích Quảng Độ dịch) cũng nói về Bát-nhã: “Bát-nhã là bộ kinh tối cổ và căn bản nhất trong các kinh Đại thừa.” Chính hệ Bát-nhã là nền tảng để gầy dựng nên các kinh điển Đại thừa, là gốc của Đại thừa. Muốn hiểu Phật giáo Đại thừa mà không hiểu về Bát-nhã thì thiếu căn bản vững vàng.

II- CHỖ Y CỨ 

Bát-nhã y cứ vào điểm then chốt nào trong giáo lý để nói lên sự đặc trưng mà nhất quán của lời Phật dạy? Phần này tôi chia làm hai mục.

1. Y cứ lý nhân duyên 

Đức Phật sau khi thành đạo dạy các đệ tử về tứ đế, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi… đến lý nhân duyên. Nhân quả, nghiệp báo… trong các kinh điển Vệ-đà thời trước đức Phật đã có nói, ngài không phải là người sáng lập mà chỉ bổ túc cho đầy đủ. Lý nhân duyên mới là chủ yếu do Phật giác ngộ và tuyên bố. Lý nhân duyên là căn bản của Phật giáo nên trong kinh Trung A-hàm có nói: thấy nhân duyên là thấy pháp, chỗ khác nói: thấy nhân duyên là thấy đạo. Như vậy lý nhân duyên là lý hệ trọng nhất, là sự sáng tạo của đức Phật, chứ không phải y theo người xưa thay đổi thành của mình.

Lý nhân duyên có công hiệu gì để tiến thành hệ thống Bát-nhã? Lý nhân duyên là lẽ thật của các pháp. Tất cả pháp trên thế gian không một pháp nào đứng ngoài nhân duyên. Thấy được lẽ thật đó là trí tuệ Bát-nhã. Có trí tuệ Bát-nhã, thấy rõ lý nhân duyên, phá được hai cái chấp lớn, một là chấp của ngoại đạo, hai là chấp của Tiểu thừa.

Về kiến chấp của ngoại đạo, như chấp có một đấng Phạm thiên sinh hóa tất cả chúng sanh, là chủ tất cả muôn vật, nắm quyền thưởng phạt. Cũng như ở Việt Nam, quan niệm xưa cho rằng có đấng tạo hóa tạo ra con người và vũ trụ, vì thế chúng ta lệ thuộc vào đấng tạo hóa. Như vậy cho rằng có Phạm thiên, có Tạo hóa, có Thượng đế… đều là nói về cái mốc, cái nhân ban đầu, gọi là nhất nhân tạo ra muôn hình vạn trạng.

Đạo Phật không chấp nhận lý đó, vì nói đến nhân duyên là nói đến nhiều sự kiện hợp lại, nhiều nhân chứ không có một nhân. Nếu nói một nhân thì không nói đến nhân duyên, lối nói đó không đúng lẽ thật. Như nói tất cả vạn vật đều do từ một tạo hóa, vậy hỏi cái gì tạo ra tạo hóa? Nếu tạo hóa tạo ra được mọi vật thì cũng phải có cái tạo được tạo hóa. Đó là lối lập luận này không thể dừng, không kết thúc được. Đây là lỗi thứ nhất không thể chấp nhận được. Nếu nói tạo hóa tạo ra con người và vũ trụ, không biết lúc đó tạo hóa ở chỗ nào? Chưa có vũ trụ vậy ở đâu để tạo? Đây là lỗi thứ hai không chấp nhận được.

Thí dụ một người dẫn đứa bé đi chơi, ngang qua sông Đồng Nai, nó hỏi: Tại sao có sông Đồng Nai? Muốn trả lời cho êm xuôi thì nói con sông này trời sanh. Nếu nó hỏi: Trời là cái gì? Trả lời: Hỏi có tội đó! Rồi đi chơi êm ru. Gặp núi, nó hỏi: Tại sao có núi? Trả lời sao? Cũng trời sanh luôn! Như vậy thì trả lời cũng như không. Hỏi câu thứ nhất nói trời sanh, câu thứ hai thì nói có tội, như thế là huề, khỏe ru, không cần suy nghĩ, không khó khăn gì hết.

Nếu hỏi tại sao con sông này có? Nói rằng do nhân duyên mà có thì nó thắc mắc cái gì là nhân, cái gì là duyên? Ngồi đó mà giải thích mất hết bao nhiêu thời gian. Do thói quen lười biếng nên người ta không chịu phân tích, không chịu tìm kiếm, cái gì cũng đổ thừa ông trời là xong. Đó là lối nói để khỏi thắc mắc. Phật giáo không chấp nhận lối nói cho qua, nên phải lấy lý nhân duyên giải cho thật rõ. Đó là nói về phá cái chấp thứ nhất của ngoại đạo.

Đến cái chấp thứ hai của ngoại đạo là vô nhân, cho rằng mọi vật bỗng nhiên mà có không biết tại sao. Chấp ngẫu nhiên mà có là cái chấp sai, không đúng. Lý nhân duyên đả phá hai cái chấp lớn của ngoại đạo, chấp nhất nhân và chấp vô nhân.

Lý nhân duyên này sau trở thành hệ thống Bát-nhã, phá thêm chấp của Tiểu thừa. Các bộ phái Tiểu thừa thường chấp một bên, một góc cạnh rồi cho đó là đúng, chống với những lối chấp của các bộ phái khác. Tinh thần Bát-nhã phù hợp với kinh Phạm Động trong Trường A-hàm. Ở kinh Phạm Động, Phật luôn luôn kết thúc mỗi đoạn bằng câu Phật biết tất cả mà không chấp, đó là giáo lý thậm thâm vi diệu. Phật đã lặp đi lặp lại nhiều lần ý chỉ Biết tất cả mà không chấp, đó là tinh thần tối thượng không giáo phái nào sánh được. Về sau chúng tăng lại quên đi, theo ý kiến riêng của mình chấp ý một cạnh, một góc để thành bộ phái; đó là điều sai lầm, trái với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy. Vì vậy hệ Bát-nhã ra đời, y cứ lý nhân duyên, đả phá tất cả thiên chấp của các bộ phái, chỉnh đốn sự chia rẽ chống đối trong giáo đoàn.

Các pháp trên thế gian này không có tự tánh, không có tánh cố định, không có chủ thể. Như cuốn sách này, cái gì làm ra nó? Đây là bìa, đây là từng tờ giấy, từng tờ giấy ráp lại thành một cuốn sách, cuốn sách không có gì là chủ thể, chỉ do từng phần kết hợp lại tạm gọi là cuốn sách. Vì không chủ thể nên gọi là tánh không. Lý nhân duyên của Phật chưa nói đến tánh không này, chỉ nói cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này diệt nên cái kia diệt; chưa nói không có tự tánh. Đến Bát-nhã thì triển khai triệt để lý nhân duyên, nói các pháp không có tự tánh, nghĩa là không có chủ thể, không có tánh cố định. Không có tự tánh nên tên của nó chỉ là giả danh không thật. Như cuộc sống chúng ta hiện tại đây là thật hay tạm? Nếu là thật thì không biến chuyển, đổi thay, hư mất. Nhưng nó luôn luôn là một dòng biến chuyển đổi thay nên nó không phải thật, theo duyên mà tăng giảm. Nếu duyên đầy đủ sung túc thì tăng, duyên thiếu sót thì giảm, thiếu duyên thì hoại, không có cái gì cố định

Căn cứ trên lý nhân duyên mà lập ra hệ Bát-nhã, nhận biết tất cả các pháp biến chuyển tùy thời và tùy duyên. Tùy theo thời gian mọi vật luôn luôn đổi thay, cũng như con người lúc mười tuổi và lúc hai mươi tuổi khác nhau, lúc năm mươi tuổi không giống lúc ba mươi hoặc hai mươi tuổi; đó là tùy thời. Còn tùy duyên là nếu trong thời gian đó đủ dinh dưỡng thì thân thể khỏe mạnh sung túc, nếu lúc đó thiếu duyên dinh dưỡng thì sanh bệnh hoạn. Như vậy thân này có thể bị hoại hoặc có thể khỏe hơn, sống lâu hơn tùy theo duyên xấu hay tốt.

Muôn vật trên thế gian đều tùy thời, tùy duyên, không cố định, mà chúng ta luôn luôn nhìn sự vật theo chiều cố định. Cái gì cũng là thật, cũng bền bỉ, lâu dài. Chấp mọi sự vật cố định, thật có, lâu dài, nguyên vẹn, từ thủy chí chung, gọi là kiến chấp ngu si, là vô minh. Muôn vật là một dòng chuyển biến, không đứng yên một chỗ, cứ bám chặt vào đó thì có đúng không? Thí dụ một cục nước đá, có người thấy nó cứng, giữ cục nước đá này ba tiếng đồng hồ không cho tan. Dù giữ tới đâu nó vẫn tan, vì bản chất nó là tan mau, là biến hoại. Cái tan mau biến hoại mà cứ nắm giữ bảo đừng biến hoại thì không thể được. Nhưng người ta cũng có thể giữ cho nó không tan bằng cách tạo duyên khác, là để trong độ lạnh bằng hoặc hơn độ lạnh của nó. Như vậy mọi vật đều tùy duyên, không biết mà cứ chấp giữ khư khư một mặt là sai.

Biết bản chất của sự vật là biến chuyển theo duyên, nhân duyên là điểm then chốt hệ trọng, khéo tạo duyên thì có thể được như ý, không khéo tạo duyên thì không thể như ý. Người tu thấu được lý nhân duyên này, trên đường tu tạo những điều kiện để đạt đến mãn nguyện, không khéo thì phải vấp ngã. Tại sao? Vì những yếu tố giúp cho chúng ta tu tiến mà không gìn giữ, lại phá hoại thì thiếu duyên, thiếu duyên thì mất cơ hội tu tiến.

Thấy được lý nhân duyên là thấy các pháp không có chủ tể, không có tự tánh, tánh của nó là Không. Căn cứ vào lý nhân duyên nên hệ Bát-nhã ra đời phá tất cả chấp. Nói đến Bát-nhã là nói đến phá chấp. Chúng ta thấy cái gì cũng thật, nếu theo lý nhân duyên thì có cái gì thật không? Đợi đủ duyên mới có thì không phải thật. Như thiền viện Thường Chiếu có thật không? Đợi đủ duyên có đất, có nơi sinh hoạt, các huynh đệ hợp lại… mới gọi là thiền viện. Nếu thiếu duyên, mỗi người đi mỗi nơi thì không thành thiền viện. Sự vật ở cõi này đều không có thật thể, tùy duyên mà có tên, có cảnh khác nhau, không có gì cố định. Hiểu như vậy chúng ta không chấp chặt.

Tất cả đau khổ trói buộc đều từ chấp mà ra. Thí dụ có người tên A đang tỉnh táo bình thường, bất thần ra đường bị người kêu tên chửi om sòm, lúc đó còn bình thường nữa không? Nổi cơn lôi đình lên, la lối rồi tức tối. Sự thật tiếng chửi của người ngoài kia nếu mình làm thịnh thì có khổ sở gì cho mình không? Tại sao họ kêu tên A chửi, nó không có đâm có nhói gì, không sứt da sứt thịt gì mình mà không chịu? Có phải vì mình chấp cái tên nên khi động tới thì đau đớn khó chịu! Đau đớn khó chịu là cái chấp. Khi bị người kêu tên chửi, thấy không phải là mình, chửi gì thì chửi, mình cũng bình thường, tới lui gì cũng bình thường. Như vậy, khổ hay không khổ là do chấp mà ra.

Ngay nơi bản thân mình, nếu thấy nó là thật, lâu lâu thấy năm nay yếu hơn năm trước, răng muốn rụng hết… nghĩ chắc mình sống không bao lâu nữa, cảm thấy buồn. Vì cho mình là thật, là bền, mà nó đổi thay, già chết sắp đến nên buồn. Buồn là tại chấp thật, chấp bền lâu; nếu không chấp, thấy nó già là phải, là hợp lý, cái gì xài lâu phải hư, rã tan, có gì đâu mà buồn khổ? Thấy được lý Bát-nhã thì tất cả chấp trước dính mắc đều rớt hết, tự nhiên an ổn vô cùng. Chúng ta học Bát-nhã đến nơi đến chốn, ứng dụng đầy đủ Bát-nhã có giải thoát không? Thong dong tự tại là giải thoát. Bát-nhã là trí tuệ đầy đủ không kẹt không dính mắc, là nền móng, là gốc của sự giải thoát. Có trí tuệ thấy đúng như thật, đưa mình đến chỗ an lành, giải thoát không nghi ngờ.

Y cứ lý nhân duyên của Phật dạy, thấy các pháp đúng như thật là duyên sanh, không pháp nào thật có. Hệ Bát-nhã phát triển trở thành trí tuệ phá chấp, tháo tung mọi vướng mắc để chúng ta đạt đến giải thoát. Đó là điểm y cứ thứ nhất.

2. Y cứ kinh A-hàm 

Điểm y cứ thứ hai là kinh Bát-nhã có nguồn gốc từ các kinh điển hệ A-hàm. Như các kinh Tiểu Không, kinh Đại Không trong Trung A-hàm, kinh Đệ Nhất Tối Không hoặc kinh Thập Bát Không, Kinh Thập Nhị Không… trong Tăng Nhất A-hàm v.v… Các kinh điển hệ Bát-nhã không phải xuất phát bên ngoài hệ thống giáo lý Nguyên thủy. Từ đó chúng ta có niềm tin vững chắc, tin sâu vào ý nghĩa thậm thâm vi diệu của lời Phật dạy.

III- BÁT-NHÃ LÀ GÌ? 

Bát-nhã, nói đầy đủ là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã là trí tuệ, ba-la-mật là cứu cánh, tột cùng đến bờ kia. Trí Độ Luận quyển 43 giải thích Bát-nhã là phiên âm từ tiếng Phạn (prajñā), Trung Hoa dịch là trí tuệ. Trong tất cả trí tuệ, Bát-nhã là trí tuệ bậc nhất, vô thượng, vô tỷ, vô đẳng và vô thắng. Nghĩa là trí tuệ này không có gì hơn nó, không có gì sánh với nó, không có gì bằng nó và không có gì hơn được nó. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấy đúng như thật, không có trí tuệ nào hơn được, vì không có lẽ nào hơn lẽ thật.

IV. ỨNG DỤNG HAY TU HÀNH BÁT-NHà

Đây là điểm then chốt quan trọng. Ứng dụng tu hành Bát-nhã chia ra ba phần là văn tự Bát-nhã, quán chiếu Bát-nhã và thật tướng Bát-nhã.

1. Văn tự Bát-nhã 

Văn tự ở đây không chỉ là chữ nghĩa suông, mà còn có nghĩa là y cứ theo lời dạy ở trong các kinh Bát-nhã để học hiểu. Học hiểu được Bát-nhã là trí tuệ của chúng ta. Nương nơi trí tuệ của Phật của Bồ-tát mở mang trí tuệ cho mình. Như trong kinh Pháp Cú có nói: Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp.

Chúng ta tự thắp đuốc tức thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ. Bằng cách nào? Bằng cách nương trí tuệ của Phật, tức là nương văn tự Bát-nhã mà Phật đã chỉ dạy, nhờ đó phát ra trí tuệ của mình. Vậy đọc hay học Bát-nhã thuộc về văn tự Bát-nhã, gọi là mồi đuốc, từ đuốc trí tuệ của mình mồi vào đuốc trí tuệ của Phật, của Bồ-tát để được cháy sáng lên.

2. Quán chiếu Bát-nhã 

Chia làm 2 phần: phân tích thành không và đương thể tức không.

a/ Phân tích thành không 

Chúng ta thường thấy có người gặp gì cũng nói: “Ôi! Cái đó giả mà, cái đó huyễn hóa.” Nói giả, nói huyễn hóa ngoài miệng nhưng bên trong không thấy giả huyễn, đó chỉ là lối nói học lóm hay lối nói của con két, nghe Phật, Bồ-tát nói rồi nói theo. Thí dụ thấy cô gái đẹp, miệng nói giả nhưng bên trong lại ưa. Như vậy chỉ giả ở ngôn ngữ, chưa thật thấy giả ở trong tâm. Muốn thấy được giả tướng của các pháp, phải dùng trí phân tích quán sát. Như trong kinh Phật dạy quán thân này, nào là ba trăm sáu mươi lóng xương, nào là năm trăm mạch, năm trăm gân, chín mươi chín ngàn lỗ chân lông, tám mươi ngàn hộ trùng… Phân tích như vậy mới rõ thân chúng ta giả tạm. Khi thấy thân giả rồi, nói giả mới hiệu nghiệm.

Mở đầu Tâm Kinh Bát-nhã: Bồ-tát Quán Tự Tại Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Muốn qua hết khổ ách thì phải chiếu kiến, không phải một ngày hay hai ngày, mà chiếu kiến sâu, chiếu kiến thật lâu. Bồ-tát dùng con mắt trí tuệ soi thấy năm uẩn là không. Chúng ta vận dụng trí tuệ của mình phân tích kỹ để nhận ra năm uẩn không; không phải nghe nói năm uẩn không rồi tưởng thân này như không có. Chúng ta phải phân tích để thấy nó không thật có. Như tôi đưa bàn tay lên rồi nắm lại hỏi đại chúng là cái gì? Trả lời nắm tay. Hỏi nắm tay có thật không? Trả lời không thật. Làm sao biết nó không thật? Giai đoạn đầu là phân tích nắm tay. Nó gồm có ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út, mỗi ngón đều có tên riêng. Vậy cái gì là nắm tay, kiếm nắm tay có không? Bàn tay đang nắm mà chia ra từng ngón, từng ngón thì không thấy cái nắm tay. Phân tích quen rồi, khi nghe người nói nắm tay, mình liền biết nắm tay đó là không thật, không cần phân tích nữa.

b/ Đương thể tức không 

Trước là phân tích thành không, sau là đương thể tức không. Qua giai đoạn chia chẻ biết các pháp duyên hợp không thật, đến lúc tự động thấy ngay đó là không. Nếu không tập quen phân tích thì không thành tựu giai đoạn sau, vì thiếu căn bản. Lối phân tích thành không gần với các kinh điển Nguyên thủy. Như vậy nếu chúng ta khéo phân tích thì biết rằng mọi sự vật không có thật thể. Không có thật thể thì không có gì thật. Như cái đồng hồ này, không có gì là chủ thể. Phân tích từng bộ phận, hỏi đồng hồ có không? Không. Nói có là sau khi ráp đủ những bộ phận; mở ra, bỏ mỗi cái mỗi nơi, tìm đồng hồ không có. Đồng hồ không có tự thể, do duyên hợp mới có. Vật gì có nguyên thể thì không đợi duyên hợp, đợi duyên hợp thì không có nguyên thể trọn vẹn, vì thế nên nói tánh không. Nói không đây là căn cứ trên lý nhân duyên, không phải không là không ngơ, không trơn. Như khi đang là đồng hồ, phân tích biết thể nó là không, đồng hồ không có thật, chỉ là giả danh. Thấy được tánh không của đồng hồ, chúng ta buông bỏ chấp trước, biết các pháp do nhân duyên hòa hợp, giả tạm không thật.

Nhìn cái đồng hồ rồi nhìn lại thân mình: thân này do năm uẩn kết hợp, kể cả tinh thần và vật chất. Nói về sắc uẩn, trong tứ đại cái gì là mình? Nước là mình được không? Trong con người không có nước nào sạch, cao quý như nước mắt, khổ lắm mới khóc mà cũng chẳng sạch. Nước mũi, đàm, mồ hôi… đều dơ bẩn, nếu nói nó là mình thì thật xấu hổ. Gió không có hình tướng không thể nói là mình. Lửa chỉ là hơi ấm, cũng không phải là mình… Chỉ chia chẻ đơn giản bốn đại thôi đã không thật rồi, nếu theo y học, chia chẻ từng tế bào, những tế bào đó ráp lại thành trăm ngàn muôn ức tế bào. Trong đó còn bao nhiêu thứ vi trùng v.v… Rõ ràng thân tứ đại này không có chủ thể nên không thật, vậy mà có ai động tới thì chịu không được. Nếu biết là đồ giả thì còn mất khen chê gì cũng được, không quan trọng. Chúng ta thường tự cho mình khôn, nhưng thật ra dại tột cùng. Như biết cơ thể mình hôi dơ, nhưng nghe ai nói mình hội dơ thì giận. Đối với thân, biết nó duyên hợp hư dối mà lúc nào cũng tưởng là thật nên quý trọng nó, ai có vẻ quý mình thì cho người đó tốt, ai có vẻ khinh mình thì cho người đó xấu. Khen ngợi mình, đó là bạn tốt dễ thương, chê bai mình là bạn xấu đáng ghét. Nhiều khi chúng ta sống giả dối. Mình làm việc đó trật, mà chê thì buồn. Muốn được lòng thì trật cũng phải khen, có phải giả dối không? Bệnh của con người từ đó mà ra.

Chúng ta tu phải phá chấp ngã, phải thấy thân mình không thật, duyên hợp hư dối. Thấy rõ ràng bằng cách quán chiếu phân tích, không phải bắt chước nói theo.

Trong Tâm Kinh Bát-nhã, Bồ-tát Quán Tự Tại quán chiếu năm uẩn, từ sắc đến thọ… đều không thật. Phần sắc uẩn đã nói qua, đến thọ uẩn. Thọ uẩn là trong có căn, ngoài có trần. Căn trần tiếp xúc nhau sanh cảm thọ vui, khổ, không vui không khổ. Căn trần không thật, cảm thọ cũng không thật. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc chấp trước vào cái đẹp xấu, ngon dở, êm tai không êm tai… Cả đời mình cứ sống như vậy. Trong kinh Phật thí dụ sắc uẩn là bọt nước, thọ uẩn là bong bóng, chỉ có trong chốc lát, hết sức tạm bợ. Nếu biết cảm thọ là hư dối không thật thì có còn phiền não khổ sở không? Biết nó không thật thì phiền não đâu còn, như vậy là khéo tu.

Từ sắc uẩn đến thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng vậy, đều tạm bợ huyễn hóa. Biết sắc uẩn không thật thì các uẩn kia cũng không thật, chúng tựa vào sắc uẩn mà phát. Sắc uẩn không thật, chỗ tựa không thật, tất cả uẩn đều hư dối chợt còn chợt mất. Hằng thấy năm uẩn không thật gọi là chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Rõ thấy nó không thật, thấy nó mãi mãi không thật, không đợi phân tích chia chẻ mới thấy không thật, lúc đó nhận ra đương thể tức không. Chiếu kiến thành tựu rồi, lúc nào cũng thấy thân không thật, ngay hiện tiền đương thể tức không, sẽ đi dần đến thật tướng Bát-nhã.

3. Thật tướng Bát-nhã

Phật Học Đại Từ Điển định nghĩa, thật tướng là lý thể Bát-nhã, chúng sanh xưa nay sẵn đủ, lìa tất cả tướng hư vọng là thật tánh Bát-nhã. Thật tánh hay thật tướng gì cũng vậy. Lìa tất cả tướng hư vọng là thật tánh Bát-nhã, là tánh sẵn có ở nơi mỗi chúng sanh.

Ba giai đoạn văn tự Bát-nhã, quán chiếu Bát-nhã và thật tướng Bát-nhã rất cần thiết đối với người tu. Văn tự Bát-nhã là dụ như chúng ta muốn qua sông, đầu tiên đi đến bến đò, ngồi trên con thuyền. Nhưng ngồi trên con thuyền cứ đậu hoài thì có tới bên kia không? Ngồi trên thuyền rồi phải bơi chèo là quán chiếu Bát-nhã. Bơi chèo dần dần qua bờ bên kia, được thảnh thơi tự tại đó là thật tướng Bát-nhã. Thật tướng Bát-nhã là kết quả của sự tu tập buổi đầu ở phần văn tự và quán chiếu. Có công phu học hiểu văn tự Bát-nhã rồi mà không có công phu quán chiếu thì không thể nào đi đến thật tướng.

Thật tướng Bát-nhã là kết quả nên thí dụ như tới bờ, tức đạt được chỗ mong muốn, đến chỗ này không còn gì để tu.

V- NHỮNG THÍ DỤ VỀ KINH BÁT-NHà

Công dụng của Bát-nhã rất lớn, phá tất cả kiến chấp, nên có rất nhiều thí dụ:

1. Bát-nhã dụ như lửa. Có đống lửa cháy hừng hực thì mọi thứ gì quăng vô đều cháy hết. Có trí tuệ Bát-nhã rồi thì tất cả lầm chấp phiền não đều bị đốt tan hết không còn nữa. gaub

2. Bát-nhã dụ như kiếm. Trí tuệ Bát-nhã như cây kiếm báu, cắt đứt hết mọi trói buộc, mọi lôi cuốn ràng rịt. Hình tượng Bồ-tát Văn-thù tay cầm kiếm báu nói lên ý nghĩa này.

3. Bát-nhã dụ như con thuyền. Thiền sư Huệ Sinh đời Lý, có câu kệ: Tịch tịch Lăng-già nguyệt, Không không độ hải chu. Câu thứ nhất nói về trăng Lăng-già, là chỗ vắng lặng tịch tĩnh lìa hết tất cả kiến giải phàm thánh. Câu thứ hai nói về thuyền Bát-nhã, muốn qua biển sanh tử phải dùng thuyền không không, tức là ngã không, pháp không. Bát-nhã dụ cho con thuyền này, ứng dụng Bát-nhã tu tập thì tất cả chấp đều dứt hết; chấp hết, phiền não hết là giải thoát, là Niết-bàn, Bát-nhã là con thuyền đưa đến bờ an lạc.

4. Bát-nhã dụ cho kim cương. Trong các chất, kim cương là cứng nhất, phá được các thứ kia, các thứ kia không phá được nó. Trí tuệ Bát-nhã phá sạch tất cả kiến chấp, tất cả chấp không phá được Bát-nhã. Vì Bát-nhã là lẽ thật, mà lẽ thật thì không gì phá được nó hết.

Tóm lại, Bát-nhã là trí tuệ chiếu soi các pháp, trí tuệ thấy như thật. Trí tuệ chiếu soi các pháp, các pháp là đối tượng của trí tuệ. Đối tượng là khách thể, trí tuệ là chủ thể. Chủ thể này không có một dạng cố định, mà nó luôn đổi thay vì đối tượng luôn đổi thay. Tức là dùng trí tuệ quán chiếu luôn luôn đến cuối cùng là thật tướng, lúc đó không còn dùng trí tuệ cũng không có đối tượng nữa. Như chúng ta tu, ban đầu dùng trí thấy vọng, đó là dụng của trí cũng là lối phân tích của Bát-nhã. Thấy vọng rõ ràng hư dối, không theo; đến khi vọng hết thì đến được thật tướng Bát-nhã, không còn phân tích hay chiếu soi nữa mà trở về cái chân thật.

Thiền sư Duy Tín nói: Trước ba mươi năm chưa gặp thiện hữu tri thức, thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, thấy núi sông không phải là núi sông. Rồi sau ba mươi năm mới thấy núi sông là núi sông. Giai đoạn thấy núi sông không phải là núi sông là giai đoạn phân tích thành không. Trí tuệ phân tích thành không phải mất ba mươi năm, sau ba mươi năm mới thấy núi sông là núi sông, tức là thật tướng Bát-nhã.

Như vậy, Bát-nhã là gốc của thiền, người tu thiền sử dụng trí Bát-nhã làm chính, ngay Lục Tổ cũng ngộ từ kinh Bát-nhã. Học kinh Bát-nhã vừa là phá tất cả chấp được thảnh thơi tự tại, vừa là chỗ tiến tu đến chỗ bất sanh bất diệt rốt ráo. Chúng ta thường nghe nói Bát-nhã vô tri vô sở bất trị, nghĩa là Bát-nhã không biết mà không gì chẳng biết. Không biết là vì tới đó không còn phân tích, nhưng cái gì đến liền biết, liền thấy. Trí tuệ Bát-nhã có công dụng nhiệm mầu như thế, người tu chúng ta phải học hiểu rõ ràng.

Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.