HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến nước Xá-vệ ở vườn Cấp Cô Độc tại Thắng lâm. Khi ấy, Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
Đây là Chánh hạnh thuyết pháp. Nghĩa là đối bốn thánh đế nhiếp rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, vạch trần, lập bày, chỉ rõ, hướng đến. Chư Như Lai, Đẳng chánh giác không chấp trước, thời quá khứ cũng có Chánh hạnh thuyết pháp này. Nghĩa là đối bốn thánh đế nhiếp rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, vạch trần lập bày, chỉ rõ, hướng đến. Chư Như Lai, Đẳng chánh giác không chấp trước, thời vị lai cũng có Chánh hạnh thuyết pháp này. Nghĩa là đối bốn thánh đế nhiếp rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, vạch trần, lập bày, chỉ rõ hướng đến. Nay tôi là Như Lai, Đẳng chánh giác không chấp trước, ở hiện tại cũng có Chánh hạnh thuyết pháp này. Nghĩa là đối bốn thánh đế nhiếp rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, vạch trần, lập bày, chỉ rõ, hướng đến.
Giảng:
Kinh này Phật nói tại Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc.
Bắt đầu ngài tán thán pháp Tứ thánh đế, người nói pháp Tứ đế là chánh hạnh thuyết pháp. Nghĩa là đối bốn thánh để nhiếp rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, vạch trần, lập bày, chỉ rõ, hướng đến.
Chánh hạnh thuyết pháp này không chỉ riêng đức Phật Thích-ca hiện tại mà chư Phật thuở quá khứ và chư Như Lai đời vị lai cũng dùng chánh hạnh thuyết pháp như thế.
Pháp Tứ đế rất quan trọng, là cốt lõi của Phật pháp nên Phật nhấn mạnh để các Tỳ-kheo lưu tâm. Sau đây chúng ta dùng bản Pāli để đối chiếu so sánh.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Bārānasi (Ba-la-nại) (chỗ chư tiên đọa), tại Magadāya (Lộc Uyển). Tại đây Thế Tôn gọi các thầy Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Bạch Thế Tôn!
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
Vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư tiên đọa xứ tại Ba-la-nại. Không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma (vương), Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chặn đứng chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn thánh đế.
Thế nào là bốn? Sự khai thị, sự tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ Khổ thánh đế. Sự khai thị, tuyên thuyết… về Khổ Diệt thánh đế. Sự khai thị, tuyên thuyết… về Tập Khổ thánh đế. Sự khai thị, tuyên thuyết… về Khổ Diệt Đạo thánh đế. Vô thượng pháp luân, này các Tỷ-kheo, đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư tiên đọa, tại Ba-la-nại. Không một Sa-môn, Bà-la-môn… hay một ai ở đời có thể chặn đứng… tức là sự khai thị, tuyên thuyết.. bốn thánh đế.
Giảng:
Kinh Tứ đế đức Phật nói lần đầu tiên ở tại Lộc Uyển, lúc đó chỉ có năm anh em Kiều-trần-như, không có vị thứ sáu. Bài kinh này Phật lặp lại buổi thuyết pháp trước kia để gợi ý cho chư vị Tỳ-kheo nhờ ngài Xá-lợi-phất hướng dẫn.
Bên Hán tạng thì Phật nói kinh này ở nước Xá-vệ. Có thể Tứ thánh đế đã được Phật giảng dạy nhiều nơi, vì tầm mức quan trọng của nó nên địa danh kết tập khác nhau. Đoạn này Pāli giới thiệu tổng quát về Tứ thánh đế, chưa đi sâu chi tiết.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tỳ-kheo Xá-lợi Tử có trí tuệ thông suốt, trí tuệ nhanh chóng, trí tuệ mẫn tiệp, trí tuệ sắc bén, trí tuệ rộng lớn, trí tuệ sâu xa, trí tuệ vượt ra, trí tuệ sáng sủa, trí tuệ biện luận. Tỳ-kheo Xá-lợi Tử thành tựu trí tuệ chân thật. Vì cớ sao? Vì tôi lược nói bốn thánh đế này, Tỳ-kheo Xá-lợi Tử hay vì người khác dạy rộng, quán rộng, phân biệt, hiển lộ, lập bày, chỉ rõ, hướng đến, khiến vô lượng người được quán. Tỳ-kheo Xá-lợi Tử hay lấy chánh kiến làm bậc dẫn đường. Tỳ-kheo Mục-kiền-liên hay đứng chỗ thật chứng tối thượng, là cứu cánh giải thoát. Tỳ-kheo Xá-lợi Tử đối trong hàng hạnh thanh bạch như bà mẹ sanh con. Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đối trong hàng hạnh thanh bạch như bà mẹ nuôi con. Bởi thế, các vị hạnh thanh bạch phải trông nom, cúng dường cung kính, lễ bái Tỳ-kheo Xá-lợi Tử và Mục-kiền-liên. Vì cớ sao? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi Tử, Mục-kiền-liên vì các hạnh thanh bạch cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Thế Tôn nói như thế rồi, liền đứng dậy đi vào thiền thất ngồi yên tịnh.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Này các Tỷ-kheo, hãy thân cận Sāriputta và Moggallāna; này các Tỷ-kheo, hãy gần gũi Sāriputta và Moggallāna; các vị ấy là những Tỳ-kheo hiền thiện (panditā), là những vị sách tấn các đồng phạm hạnh. Như một sanh mẫu. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Sāriputta! Như một dưỡng mẫu, như vậy là Moggallāna! Này các Tỷ-kheo, Sāriputta hướng dẫn đến quả Dự lưu, còn Moggallāna hướng dẫn đến tối thượng nghĩa. Này các Tỷ-kheo, Sāriputta có thể khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ một cách rộng rãi bốn thánh đế.
Thế Tôn nói như vậy, nói như vậy xong Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá.
Giảng:
Đức Phật khen ngợi ngài Xá-lợi-phất được trí tuệ chân thật vì ngài có khả năng giảng rộng, nói rộng, chỉ bày cho mọi người thấy rõ được pháp Tứ đế.
Tiếp đến Phật khen ngài Mục-kiền-liên cũng là bậc có trí tuệ chân thật. Tóm lại, hai câu thiết yếu Phật nói trong đoạn này: Ngài Xá-lợi-phất đối với hàng Tỳ-kheo thanh bạch như bà mẹ sanh con; còn ngài Mục-kiền-liên đối với hàng Tỳ-kheo thanh bạch cũng như bà mẹ nuôi con. Một người như bà mẹ sanh con, một như bà mẹ nuôi con. Hai vị đều đem lại lợi ích lớn, đem lại sự an ổn khoái lạc cho mọi người. Phật dạy các Tỳ-kheo phải cung kính, cúng dường, lễ bái và nương tựa.
Cả hai bên Hán tạng và Pāli đều khen ngợi hai ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
– Tôn giả Xá-lợi Tử bảo các thầy Tỳ-kheo:
– Chư hiền! Thế Tôn vì chúng ta ra đời. Nghĩa là vì chúng ta dạy rộng, chỉ bày rộng bốn thánh đế này, phân biệt, hiển lộ, vạch trần, lập bày, chỉ rõ, hướng đến. Thế nào là bốn? Là khổ thánh đế, khổ tập thánh đế, khổ diệt thánh đế, khổ diệt đạo thánh đế. Chư hiền! Thế nào là khổ thánh đế?
Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán thù gặp gỡ khổ, thương yêu xa lìa khổ, mong cầu không được khổ, tổng quát năm ấm hưng thịnh khổ.
Chư hiền! Nói sanh khổ là do nhân duyên gì?
Chư hiền! Sanh là các loài chúng sanh kia sanh thì sanh, ra thì ra, thành thì thành, cấu tạo năm ấm rồi có mạng sống, gọi là sanh. Chư hiền, sanh khổ là khi chúng sanh sanh ra, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết; tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ bứt rứt, phiền não, lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ bứt rứt, phiền não, lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói sanh khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói già khổ là do nhân duyên gì?
Chư hiền! Già là các loài chúng sanh kia, khi bị già yếu, đầu bạc, răng rụng, sức mạnh mỗi ngày suy giảm, lưng còng, gối mỏi, thân thể nặng nề, hơi xông lên trên, đi phải chống gậy, da nhăn, má hóp như hạt mè, các căn hư chín, nhan sắc xấu xa. Chư hiền! Già khổ khi chúng sanh kia già, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói già khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói bệnh khổ là do nhân gì? Chư hiền! Bệnh, là nhức đầu, đau mắt, nhức tai, đau mũi, đau mặt, đau môi, đau răng, đau lưỡi, đau bướu, đau cổ, bệnh suyễn, bệnh ho, bệnh thổ tả, bệnh điên, bệnh nướu, bệnh hạ lỵ… Ngoài ra, còn các thứ khác, so đây thì biết. Nó do xúc mà sanh, không rời tâm, ở tại thân. Chư hiền! Bệnh khổ, là khi chúng sanh khi thọ bệnh, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói bệnh khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói chết khổ là do nhân gì? Chư hiền! Chết, là các loài chúng sanh kia mạng hết, vô thường, chết, tan mất, tuổi thọ hết, phá hoại, mạng căn bị đóng bít. Chư hiền! Chết khổ, khi chúng sanh thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Thân tâm thọ bứt rứt phiền não lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói chết khổ là nhân như thế,
Chư hiền! Nói oán thù gặp gỡ khổ là do nhân gì? Chư hiền! Oán thù gặp gỡ, là chúng sanh thật có sáu căn ở trong, không thích con mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà nó cùng chung hợp một chỗ, chung hợp là khổ. Như thế, ngoài sáu căn này, còn xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như thế. Chư hiền! Chúng sanh thật có sáu giới, không thích đất, nước, gió, lửa, không, thức mà nó cùng chung hợp một chỗ, chung hợp là khổ. Chư hiền! Oán thù gặp gỡ khổ, là khi chúng sanh oán thù chung hội, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm giác khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm giác khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm giác khắp hết. Chư hiền! Nói oán thù gặp gỡ khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói yêu thương chia lìa khổ là do nhân gì? Chư hiền! Yêu thương chia lìa khổ, là chúng sanh thật có sáu căn ở trong, yêu thương mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nó lại phân tán không được chung hợp, chia lìa không hợp, không nhiếp, không chung cùng là khổ. Như thế, ngoài sáu căn còn xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như vậy. Chư hiền! Chúng sanh thật có sáu giới, yêu thương đất, nước, lửa, gió, không, thức, nó lại phân tán không chung hợp, chia lìa không hợp, không nhiếp, không chung cùng là khổ. Chư hiền! Yêu thương chia lìa khổ, là chúng sanh khi chia lìa, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói yêu thương chia lìa khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói mong cầu không được khổ là do nhân gì? Chư hiền! Chúng sanh sanh ra, không lìa sự sanh, muốn cho ta được không sanh, đây thật không do muốn mà được. Sự già chết, lo buồn, không lìa sự buồn, muốn cho ta được không lo buồn, đây thật cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Chúng sanh thật có khổ về sanh, không vui, không thích, họ nghĩ thế này: “Ta sanh là khổ, không vui, không thích”, muốn chuyển nó thành ra vui thích, đây cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Chúng sanh sanh là vui, là ưa thích, muốn nó được thường còn lâu dài không biến đổi, đây cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Chúng sanh tư tưởng không vui, không thích họ nghĩ thế này: “Ta sanh tư tưởng không vui, không thích”, muốn chuyển nó thành vui thích, đây cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Chúng sanh thật sanh tư tưởng vui thích, họ nghĩ thế này: “Ta sanh tư tưởng vui thích, muốn nó được thường còn lâu dài không biến đổi”, đây cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Nói mong cầu không được khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Nói tổng quát năm ấm hưng thịnh khổ là do nhân gì? Là sắc ấm, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Chư hiền! Nói tổng quát năm ấm hưng thịnh khổ là nhân như thế.
Chư hiền! Thời quá khứ nó là Khổ thánh đế, thời vị lai, hiện tại nó cũng là Khổ thánh đế, chân thật không dối, không rời sự thật, cũng không điên đảo, chân chánh đúng sự thật nên gọi là đế. Thánh có, thánh biết, thánh thấy, thánh rõ, thánh được, thánh đã chánh giác nên gọi là Khổ thánh đế.
Giảng:
Sau khi Phật lui vào tịnh thất, ngài Xá-lợi-phất giảng Tứ thánh đế cho đại chúng. Trước tiên ngài giải thích về Khổ thánh đế. Khổ thánh đế gồm tám thứ: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán thù gặp gỡ khổ, thương yêu xa lìa khổ, mong cầu không được khổ, năm ấm hưng thạnh khổ. Trong mỗi thứ khổ ngài đi sâu từng phần.
Sanh khổ là do nhân duyên gì? Trong kinh giải thích rất rộng. Từng đoạn kinh có sự trùng hợp, chúng ta chỉ đọc đầy đủ một đoạn trên, các đoạn sau cũng có thể tự hiểu. Kinh nói rằng: Chư hiền! Sanh là các loài chúng sanh kia sanh thì sanh, ra thì ra, thành thì thành, cấu tạo năm ấm rồi có mạng sống, gọi là sanh. Chư hiền, sanh khổ là khi chúng sanh sanh ra, thân thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ khổ, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết.
Thân thọ nóng, thọ khắp hết cảm xúc khắp hết; tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ nóng, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết.
Thân thọ bứt rứt, phiền não, lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết, thân tâm thọ bứt rứt, phiền não, lo buồn, thọ khắp hết, cảm xúc khắp hết. Chư hiền! Nói sanh khổ là nhân như thế.
Theo kinh giải thích Sanh khổ có ba phần, thân thọ khổ là một, thân thọ nóng là hai, thân thọ bứt rứt phiền não lo buồn là ba. Những cảm thọ trên là nhân của khổ. Khi nắm vững được một đoạn này, nếu những đoạn sau có lặp lại nhiều lần chúng ta cũng biết rõ chừng ấy chuyện là thân, tâm, chung cả thân tâm gồm thọ khổ, thọ nóng nảy, thọ bứt rứt phiền não lo buồn. Các đoạn kinh nói về sanh, già, bệnh, chết đều nói giống nhau phần đó.
Thứ năm là Oán thù gặp gỡ khổ. Ở đây ngài chia ra trong thân có sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nơi thân mình có sáu căn thường không thích hợp mà vẫn ở chung một chỗ, không thích mà chung hợp là khổ. Dễ hiểu hơn, như nói về tứ đại. Trong thân này bốn thứ đất, nước, gió, lửa chống đối nhau, bắt nó chung hợp nên khổ. Tánh chất của bốn thứ này trái ngược nhau, hễ một đại lấn lướt thì thân chúng ta rối rắm đủ thứ không yên, khiến cho nay nhức đầu mai đánh gió v.v…
Ngoài sáu căn còn có xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như thế. Cho đến đất, nước, gió, lửa, không, thức, sáu giới không thích hợp mà cùng chung ở một chỗ. Khổ về bản thân rồi còn khổ về ngoại cảnh, đó là khi chúng sanh oán thù mà chung hội với nhau.
Tóm lại, cái khổ này có hai: Khổ bên trong do bản chất tứ đại không hòa hợp mà bắt nó chung hợp cho nên khổ. Trong kinh Đại Bát-niết-bàn thí dụ, một cái giỏ hoặc cái thùng có bốn con rắn ở trong đó, cắn lộn nhau hoài. Muốn điều hòa nó là việc hết sức khó khăn. Bốn con rắn là chỉ cho đất, nước, lửa, gió trong thân, luôn chống trái mà lại ở chung, phá hoại lẫn nhau, đây là khổ của thân. Khổ bên ngoài là khổ về cảnh, người không ưa, không thích mà chung hợp thì khổ vô cùng.
Khổ thứ sáu là Yêu thương chia lìa khổ. Chúng sanh thật có sáu căn ở trong, yêu thương mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nó lại phân tán không được chung hợp, chia lìa không hợp, không nhiếp, không chung cùng là khổ. Như thế, ngoài sáu căn còn xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như vậy. Chư hiền! Chúng sanh thật có sáu giới, yêu thương đất, nước, lửa, gió, không, thức, nó lại phân tán không chung hợp, chia lìa không hợp, không nhiếp, không chung cùng là khổ. Ý đoạn này nói rằng vì do ái thân muốn gìn giữ mà không được nên khổ. Những gì tâm yêu thích mà bị chia lìa nên khổ. Đây là khổ do hoàn cảnh khi phải chia lìa với những người thân thuộc của mình. Oán tắng hội khổ và Ái biệt ly khổ đều nhắm vào hai mặt, một là thân, hai là cảnh.
Khổ thứ bảy là Mong cầu không được nên khổ. Chúng sanh sanh ra, không lìa sự sanh, muốn cho ta được không sanh… Muốn được không sanh là mong cầu chỗ vô sanh không được, sắp chết muốn sống cũng không sống được. Hoặc mong sống lâu dài mà lại bị biến đổi, hết thảy những mong cầu đều không toại nguyện nên khổ. Tất cả sự việc đều không như ý của chúng ta, nên gọi mong cầu không được là khổ. Đoạn kinh kết thúc Ta sanh tư tưởng vui thích, muốn nó được thường còn lâu dài không biến đổi, đây cũng không do muốn mà được. Chư hiền! Nói mong cầu không được khổ là nhân như thế. Cuộc đời luôn luôn không như ý muốn của chúng ta, vì những điều mong muốn không được nên khổ, còn gọi là Cầu bất đắc khổ.
Khổ thứ tám là Năm ấm xí thạnh khổ. Quán chung thân năm ấm hưng thịnh là khổ.
Chúng ta thấy kinh nói những điều rất thiết thực. Điểm đặc biệt của giáo lý nhà Phật là lấy con người làm căn bản. Khi thuyết pháp Phật thường nói đến vấn đề cuộc sống, vui buồn của con người.
Ngài phân tích sanh, già, bệnh, chết và các thứ khổ để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang khổ. Đừng đặt chuyện thế giới còn hay không còn, xa vời lắm, chỉ cần nhận rõ chúng ta đang sống trong khổ não, biết được nguyên nhân của khổ để tìm cách diệt khổ. Đó là điều Phật chỉ dạy cụ thể. Đọc bài kinh này chúng ta thấy chủ trương của Phật hết sức rõ ràng. Khi nói chuyện tu hành, ngài chưa dạy tu trước mà ngài dạy chúng ta nhận định rõ ràng tại sao phải tu? Chính vì có khổ nên mới tu, không khổ thì tu làm gì. Nên đầu tiên Phật đặt câu hỏi là con người đang khổ hay đang vui? Nếu có khổ thật thì Phật sẽ dạy cách tu để hết khổ.
Chúng ta cứ khuyên mọi người tu trong khi họ chưa ý thức thì làm sao tu được? Cũng như bác sĩ trị bệnh cho người, trước tiên phải hỏi bệnh làm sao, do đâu, từ đó mới cho toa uống thuốc. Nếu không có bệnh mà nói thuốc này hay, thuốc kia hay chỉ là vô ích. Cách thuyết pháp cụ thể này chư tăng ni phải nắm cho thật vững. Bởi thấy rõ ràng cuộc đời đau khổ, bản thân mỗi người đều đau khổ, nên phải tu để giải thoát khổ đau.
Chấp nhận đời đau khổ đó là thái độ bi quan, nhưng nếu thấy rõ khổ đau rồi, quyết tìm con đường thoát khổ, đó chính là tinh thần lạc quan của đạo Phật.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Tại đây tôn giả Sāriputta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo:
– Này chư hiền!
– Thưa vâng, hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:
– Chư hiền, Vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư tiên đọa, tại Ba-la-nại… Sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ về Khổ diệt đạo thánh đế.
Và này chư hiền, thế nào là Khổ thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
Này chư hiền, thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này chư hiền, như vậy gọi là sanh.
Này chư hiền, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự niên lão, sự hủ hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này chư hiền, như vậy gọi là già.
Này chư hiền, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này chư hiền, như vậy gọi là chết.
Này chư hiền, thế nào là sầu? Này chư hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là sầu.
Này chư hiền, thế nào là bi? Này chư hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác, với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là bi.
Này chư hiền, thế nào là khổ? Này chư hiền, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là khổ.
Này chư hiền, thế nào là ưu? Này chư hiền, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này chư hiền, vậy gọi là ưu.
Này chư hiền, thế nào là não? Này chư hiền, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là não.
Này chư hiền, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này chư hiền, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ. Này chư hiền, chúng sanh bị già chi phối… chúng sanh bị bệnh chi phối… chúng sanh bị chết chi phối… chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: “Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu não chi phối! Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu, não”. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.
Này chư hiền, như thế nào là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ? Như sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này chư hiền, như vậy tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Giảng:
So sánh với Hán tạng chúng ta thấy hệ Pāli giải thích đơn giản. Chúng ta quen theo Hán tạng chia ra có bát khổ, Pāli tạng chia sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, danh từ dường như gần giống nhau.
Giải thích về sanh khổ: Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất Thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này chư hiền, như vậy gọi là sanh. Chỉ định nghĩa về sanh mà không nói vấn đề sanh là khổ, tức thiếu phần khổ. Bên Hán tạng giải thích đầy đủ hơn.
Này chư hiền, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, từng giới loại, sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này chư hiền, như vậy gọi là già. Đoạn kinh này bên Pāli trình bày ngắn gọn, bên Hán tạng nói đủ cả hai, khổ của thân, khổ của tâm.
Những vấn đề sầu, bi, khổ, ưu, não văn kinh Pāli lặp đi lặp lại tương tự. Này chư hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này chư hiền, như vậy gọi là sầu. Đoạn giải thích về bi cũng giống như vậy. Cũng sự việc đó nhưng bên thì sầu, bên thì bi ai than khóc. Hán tạng giải thích rất rõ ràng, đây nói sầu bi, rồi ưu não gần gần với nhau không được rõ lắm. Đến đoạn sau giải thích về khổ và ưu: Này chư hiền, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này chư hiền, như vậy gọi là khổ.
Này chư hiền, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này chư hiền, vậy gọi là ưu. Pāli chia khổ của thân gọi là Khổ, khổ của tâm gọi là ưu. Đau khổ của thân tâm đều do cảm thọ không sảng khoái, giải thích như vậy cũng dễ hiểu, giúp chúng ta có thêm ý niệm rõ ràng. Mỗi hệ kinh đều có sự sai biệt và bổ túc lẫn nhau. Chúng ta đọc cả hai hệ kinh sẽ thấm sâu hơn.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Chư hiền! Thế nào là Ái tập khổ tập thánh đế? Là chúng sanh thật có yêu sáu căn ở trong, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ở trong nếu có yêu thì có bẩn, có nhiễm, có trước, ấy gọi là tập.
Chư hiền! Đệ tử đa văn của thánh biết, ta biết pháp này là như thế, thấy như thế, xem như thế, rõ như thế, giác như thế, ấy gọi là Ái tập khổ tập thánh đế. Biết như thế là biết thế nào? Nếu người yêu mến vợ con, tôi tớ, quyến thuộc, ruộng vườn, nhà cửa, quán xá, tiền vay, của cải, là tạo nghiệp có ái, có nhân, có nhiễm, có trước, ấy gọi là tập. Kia biết đó là Ái tập khổ tập thánh đế. Như các vật bên ngoài, xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như thế.
Chư hiền! Chúng sanh thật có yêu sáu giới đất, nước, gió, lửa, không, thức, trong đó nếu có yêu là có nhân, có nhiễm, có trước, ấy gọi là tập.
Chư hiền! Đệ tử đa văn của thánh biết, ta biết pháp này là như thế, thấy như thế, rõ như thế, xem như thế, giác như thế, ấy gọi là Ái tập khổ tập thánh đế. Biết như thế là biết thế nào? Nếu người mến yêu vợ con, tôi tớ, quyến thuộc, ruộng vườn, nhà cửa, quán xá, tiền vay, của cải là tạo nghiệp có ái, có nhơ, có nhiễm, có trước, ấy gọi là tập. Kia biết đó là Ái khổ tập thánh đế.
Chư hiền! Thời quá khứ nó là Ái tập khổ tập thánh đế, thời vị lai, hiện tại nó cũng là Ái tập khổ tập thánh đế. Chân thật không dối, không rời sự thật, cũng không điên đảo, chân chánh, đúng sự thật nên gọi là Đế. Thánh có, thánh biết, thánh thấy, thánh rõ, thánh được, thánh đã chánh giác nên gọi là Ái tập khổ tập thánh đế.
Chư hiền! Thế nào là Ái diệt khổ diệt thánh đế? Là chúng sanh thật có yêu sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý kia nếu giải thoát không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy gọi là khổ diệt.
Chư hiền! Đệ tử đa văn của thánh biết, ta biết pháp này như thế, thấy như thế, rõ như thế, xem như thế, giác như thế, ấy là Ái diệt khổ diệt thánh đế. Biết như thế là biết thế nào? Nếu có người không mến yêu vợ con, tôi tớ, quyến thuộc, ruộng vườn, nhà cửa, quán xá, tiền vay, của cải, là không tạo nghiệp. Kia nếu giải thoát, không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy là khổ diệt. Kia biết đó là Ái diệt khổ diệt thánh đế. Như các vật bên ngoài, xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như thế.
Chư hiền! Chúng sanh thật có yêu sáu giới đất, nước, gió, lửa, không, thức. Kia nếu giải thoát, không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy gọi là khổ diệt.
Chư hiền! Đệ tử đa văn của thánh biết, ta biết pháp này như thế, thấy như thế, rõ như thế, xem như thế, giác như thế, ấy là Ái diệt khổ diệt thánh đế. Biết như thế là biết thế nào? Nếu có người không mến yêu vợ con, tôi tớ, quyến thuộc, ruộng vườn, nhà cửa, quán xá, tiền vay, của cải là không tạo nghiệp. Kia nếu giải thoát không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy gọi là khổ diệt. Kia biết đó là Ái diệt khổ diệt thánh đế.
Chư hiền! Thời quá khứ nó là Ái diệt khổ diệt thánh đế, thời vị lai, hiện tại nó cũng là Ái diệt khổ diệt thánh đế, chân thật không dối, không rời sự thật, không điên đảo, chân chánh đúng sự thật nên gọi là Đế. Thánh có, thánh biết, thánh thấy, thánh rõ, thánh được, thánh chánh giác, nên gọi là Ái diệt khổ diệt thánh đế.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Này chư hiền, thế nào là Khổ tập thánh đế?
Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái. Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ tập thánh đế.
Này chư hiền, thế nào là Khổ diệt thánh đế?
Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy). Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ diệt thánh đế.
Giảng:
Khổ tập thánh đế cũng gọi là Tập thánh đế hay nói đơn giản là Tập đế. Kinh này nói Ái tập khổ tập thánh đế nghĩa là do ái nhóm họp nên khổ nhóm họp. Thánh đế tức là sự thật đã chứng đã biết. Chúng sanh vì yêu thích sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nên có nhiễm, có bẩn, có trước. Yêu thích sáu căn là động, là nguyên nhân của khổ. Ấy gọi là tập đế. Ngài Xá-lợi-phất giải thích: Chư hiền! Đệ tử đa văn của thánh biết, ta biết pháp này là như thế, thấy như thế, xem như thế, rõ như thế, giác như thế, ấy gọi là Ái tập khổ tập thánh đế. Đệ tử của Phật biết rõ nguyên nhân của khổ là ái tập. Như con mắt ưa thích cái gì chúng ta chiều theo ý thích của nó, tìm kiếm cái ưa thích, nếu không được thì sanh bực bội. Khi đã chiều tức là có nhiễm, có nhơ. Có nhiễm ắt có đắm trước, có tội lỗi. Bên trong yêu sáu căn của mình, đến bên ngoài yêu vợ con, của cải, sự nghiệp nên sanh đắm trước cố giữ gìn, tạo nghiệp, có nhơ có nhiễm, gọi đó là tập. Đây là lớp thứ nhất.
Đến lớp thứ hai, các vật bên ngoài như xúc, thọ, tưởng, hành, ái cũng như thế. Chư hiền! Chúng sanh thật có yêu sáu giới đất, nước, gió, lửa, không, thức, trong đó nếu có yêu là có nhơ, có nhiễm, có trước, ấy gọi là tập. Tứ đại của thân cộng thêm không và thức thành sáu giới. Trong thân người có hư không mới được sống còn. Lỗ mũi phải trống không mới thở được, miệng phải trống không mới ăn được, lỗ tai phải trống không mới nghe được… Thức đại là khả năng nhận xét phân biệt của thân người. Trước, chúng ta chỉ biết tứ đại đất, nước, gió, lửa, kinh này nói thêm không và thức. Đoạn trên nói về căn, đến đây nói thêm sáu giới là trùm cả trong lẫn ngoài, vật chất và tinh thần. Bởi có yêu sáu giới này nên có nhơ, có nhiễm, cộng thêm yêu gia đình, quyến thuộc, của cải, sự nghiệp, sanh ra nhơ, nhiễm… Ái là nguyên nhân gây ra đau khổ.
Chư hiền! Thời quá khứ nó là Ái tập khổ tập thánh đế, thời vị lai, hiện tại nó cũng là Ái tập khổ tập thánh đế. Chân thật không dối, không rời sự thật, cũng không điên đảo, chân chánh, đúng sự thật nên gọi là Đế. Thánh có, thánh biết, thánh thấy, thánh rõ, thánh được, thánh đã chánh giác nên gọi là Ái tập khổ tập thánh đế.
Đế là gì? Là sự thật, chân chánh, cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều như vậy, không thay đổi, gọi là đế. Tại sao gọi là Ái tập khổ tập thánh đế? Vì tất cả cái ái là nhân đau khổ. Xét kỹ có đúng không? Chúng ta học kinh phải dùng trí nhận xét, không phải Phật nói sao mình nghe vậy. Thử hỏi, hết thảy khổ đau có phải từ ái mà ra không? Như khi thích cái đồng hồ, thứ nhất là phải chạy ra tiền mua, nếu thuận duyên có tiền mua được đồng hồ cũng là cực khổ rồi, khi mua được liền cho là mãn nguyện. Nhưng nếu có đồng hồ đẹp sợ người ta ăn cắp phải giữ gìn, thêm một cái khổ nữa, nếu rủi người ta lấy mất thì khổ hơn,
Cả ba giai đoạn đều khổ. Trước khi chưa có chạy tìm mua là khổ, được nó giữ gìn cũng khổ, giữ không được bị mất càng khổ hơn. Yêu thích bản thân hay ngoại cảnh đều khổ như nhau. Như một thanh niên thương một cô gái, đeo đuổi giữ gìn cô đó cũng khổ, rủi ro bị tật nguyền nghèo khổ, cô ấy bỏ đi cũng khổ. Nên biết, ái là gốc của đau khổ. Nhận thấy như vậy, chúng ta phải buông hết tất cả các thứ ái tức là hết khổ, rất đơn giản.
Đức Phật và đệ tử ngài đều xác định không phải chỉ cái ái trong đời này là nguyên nhân của khổ, quá khứ vẫn như vậy, vị lai vẫn như vậy, không đổi dời. Nếu có cái này tức có cái kia. Có ái tập tức có khổ tập không chối được. Vì thế gọi là Ái tập khổ tập thánh đế.
Khi biết nó là khổ rồi thì phải làm sao? Trong kinh nói đến Ái diệt khổ diệt thánh đế. Diệt được ái thì khổ theo đó mà diệt. Hán tạng nói cũng giống như Pāli. Là chúng sanh thật có yêu sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kia nếu giải thoát không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy gọi là khổ diệt. Tất cả sự chất chứa chấp giữ đều buông bỏ hết gọi là khổ diệt. Nhân sạch rồi thì quả không còn. Từ ái thân, ái sự nghiệp, gia đình, quyến thuộc thảy đều bỏ hết, buông sạch. Đó là diệt ái.
Phật nói Diệt đế là diệt các ái, diệt nhân của khổ. Nếu không còn bị các thứ đó chi phối, ngay đây là giải thoát. Không bận lòng thì cho ăn sao ăn vậy, cho mặc sao mặc vậy, đau cũng được, mạnh cũng được, không sợ không lo. Sở dĩ chúng ta lo sợ là vì sợ chết, nhưng bây giờ không ái thân, ái cảnh nữa tức nhiên là giải thoát. Đoạn kinh trên đã nêu rõ hai phần Tập thánh đế và Diệt thánh đế.
HÁN TẠNG
Chánh văn:
Chư hiền! Thế nào là Khổ diệt đạo thánh đế?
Là chánh kiến, chánh chí (chánh tư duy), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện (chánh tinh tấn), chánh niệm, chánh định.
Chư hiền! Thế nào là chánh kiến?
Đệ tử thánh nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó chọn lựa, khắp chọn lựa, quyết trạch pháp, xem xét, khắp xem xét, quán sát thấu suốt, ấy gọi là chánh kiến.
Chư hiền! Thế nào là chánh chí (chánh tư duy)?
Đệ tử thánh nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó tâm dò tìm, khắp dò tìm, tùy thuận dò tìm, cái đáng nghĩ thì nghĩ, cái đáng mong thì mong, ấy gọi là chánh chí.
Chư hiền! Thế nào là chánh ngữ?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó xa lìa trừ dứt các thứ ác khẩu, chỉ còn lại bốn thứ nói lành, không tạo tác, không hội hiệp với các thứ ác, ấy gọi là chánh ngữ.
Chư hiền! Thế nào là chánh nghiệp?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó trừ ba điều lành nơi thân ngoài ra các hạnh ác nơi thân đều xa lìa trừ dứt, không tạo tác, không hội hiệp, ấy gọi là chánh nghiệp.
Chư hiền! Thế nào là chánh mạng?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó không cầu vô lý, không tham muốn nhiều, không làm các thứ kỹ thuật, nói chú, tà mạng sinh sống, chỉ lấy đúng pháp cầu y không dùng phi pháp, cũng lấy đúng pháp cầu thực, cầu sàng tòa không dùng phi pháp, ấy gọi là chánh mạng.
Chư hiền! Thế nào là chánh phương tiện (chánh tinh tấn)?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó nếu có phương tiện tinh tấn một bề chuyên cần cầu, có sức tiến đến chuyên chú không bỏ, không lui sụt, chân chánh nhiếp phục tâm, ấy gọi là chánh phương tiện.
Chư hiền! Thế nào là chánh niệm?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó niệm thuận, niệm nghịch, niệm khắp, niệm ghi nhớ, chí tâm ghi nhớ tâm không quên, chỗ tâm chuyên nhớ, ấy gọi là chánh niệm.
Chư hiền! Thế nào là chánh định?
Đệ tử thánh khi nghĩ xét khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, hoặc quán việc làm trước, hoặc xét các hành, thấy các hành là tai hoạn, thấy Niết-bàn là yên lặng, không ái trước, niệm quán tâm khéo giải thoát, ở trong đó tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không tán loạn, nhiếp yên chánh định, ấy gọi là chánh định.
Chư hiền! Thời quá khứ nó là khổ, tập, diệt, đạo thánh đế, thời vị lai, nó cũng là khổ, tập, diệt, đạo thánh đế. Chân thật không dối, không rời sự thật, cũng không điên đảo, chân chánh đúng sự thật nên gọi là Đế. Thánh có, thánh biết, thánh thấy, thánh rõ, thánh được, thánh chánh giác, nên gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.
Nói tụng:
Phật rõ suốt các pháp,
Thấy thiện đức vô lượng,
Khổ, tập, diệt, đạo đế,
Khéo hiển bày phân biệt.
Tôn giả Xá-lợi Tử nói như thế, các thầy Tỳ kheo kia nghe tôn giả Xá-lợi Tử nói, hoan hỷ phụng hành.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
Này chư hiền, thế nào là Khổ diệt đạo thánh đế.
Đó là thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Này chư hiền, thế nào là chánh tri kiến?
Này chư hiền, tri kiến về khổ, tri kiến về khổ tập, tri kiến về khổ diệt, tri kiến về khổ diệt đạo. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến.
Này chư hiền, thế nào là chánh tư duy
Tư duy về ly tham, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tư duy.
Này chư hiền, thế nào là chánh ngữ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không nói ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh ngữ. Này chư hiền, thế nào là chánh nghiệp?
Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.
Này chư hiền, thế nào là chánh mạng?
Này chư hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh mạng.
Này chư hiền, thế nào là chánh tinh tấn?
Này chư hiền, ở đây vị Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn.
Này chư hiền, thế nào là chánh niệm?
Này chư hiền, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời… trên các cảm thọ… trên các tâm… quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh niệm.
Này chư hiền, thế nào là chánh định?
Này chư hiền, ở đây vị Tỷ-kheo sống ly tham ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh, với tầm, với tứ. (vị Tỷ-kheo ấy) diệt tầm diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. (Vị Tỷ-kheo) ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú thiền thứ ba. (Vị Tỷ-kheo ấy) xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh định.
Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.
Chư hiền, vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư tiên đọa, tại Ba-la-nại. Không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma (Vương), Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn thánh đế.
Tôn giả Sāriputta thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời tôn giả Sariputta dạy.
Giảng:
Pāli tạng nói về Khổ tập thánh đế căn bản cũng giống như Hán tạng, hơi khác ở chỗ Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái. Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ tập thánh đế. Bên đây chia ái thành ba thứ, Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái. Tức là ái Dục giới, ái Sắc giới và ái Vô sắc giới. Sở dĩ có tái sanh trong ba cõi là do ái dẫn dắt đi, kèm theo vui thích tham muốn về ba cõi. Hán tạng chỉ nói về ái trong thân và ngoại cảnh. Xét kỹ tham ái bên Pāli nói, gốc cũng đều từ ái trong thân và ái ngoại cảnh, nói rộng ra ba cõi.
Phần Khổ diệt thánh đế hay còn gọi là Diệt đế, Pāli nói ngắn gọn là: Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy), nghĩa là chỉ nói về sự buông bỏ, xả ly, không nói rõ như Hán tạng về chỗ Ái diệt tức Khổ diệt. Hán tạng nhấn mạnh từ chỗ yêu thích sáu căn dẫn đến yêu thích các vật bên ngoài đến mến yêu vợ con, nhà cửa… Khi không mến yêu vợ con, nhà cửa, tiền bạc là không tạo nghiệp, đó là Ái diệt khổ diệt thánh đế. Nếu biết rõ chỗ không nhiễm, không trước, dứt bỏ, mửa hết, không dục, diệt sạch, ấy là khổ diệt.
Phần Khổ diệt đạo thánh đế hay còn gọi là Đạo đế, tức là Bát thánh đạo gồm có:
Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh tri kiến là gì? Pāli nói: Này chư hiền, tri kiến về khổ, tri kiến về khổ tập, tri kiến về khổ diệt, tri kiến về khổ diệt đạo. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến. So sánh với Hán tạng, nói rõ là phải chọn lựa, xem xét, quyết trạch, quán sát thấu suốt.
Này chư hiền, thế nào là chánh tư duy?
Tư duy về ly tham, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tư duy. Pāli giải thích suy nghĩ đúng chánh pháp là suy nghĩ lìa dục, suy nghĩ cái gì để không sân hận, suy nghĩ cái gì để không có hại.
Hán tạng giải thích về chánh tư duy là quán xét Tứ đế đúng như thật, quán các tà hạnh là tai hoạn, Niết-bàn là yên lặng giải thoát. Trong đó dò tìm cái đáng nghĩ thì nghĩ, cái đáng mong thì mong.
Này chư hiền, thế nào là chánh ngữ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không nói ác khẩu, tự chế không nói lời ỷ ngữ. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.
Này chư hiền, thế nào là chánh nghiệp?
Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.
Phần chánh ngữ và chánh nghiệp, hai bên giống nhau.
Này chư hiền, thế nào là chánh mạng?
Này chư hiền, ở đây vị thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh mạng. Pāli chỉ nói đơn giản từ bỏ tà mạng sống chánh mạng, không nói tà mạng là gì. Hán tạng giải thích rõ là không tham cầu vô lý, không tham muốn nhiều, không đọc bùa chú v.v… Tất cả tà mạng phải bỏ.
Này chư hiền, thế nào là chánh tinh tấn?
Này chư hiền, ở đây vị Tỷ-kheo, đối với cái ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn. Pāli giải thích chánh tinh tấn là thực hiện Tứ chánh cần. Nghĩa là điều ác chưa sanh đừng cho sanh; điều ác đã sanh dùng mọi phương tiện để tiêu diệt; điều thiện chưa sanh làm cho nó sanh; điều thiện đã sanh gắng làm cho tăng trưởng.
Hán tạng giải thích chánh tinh tấn còn gọi là chánh phương tiện là một bề chuyên cần, thủ hướng, chân chánh nhiếp phục tâm.
Này chư hiền, thế nào là chánh niệm?
Này chư hiền, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời… trên các cảm thọ… trên các tâm… quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh niệm. Pāli giải thích chánh niệm là tu quán Tứ niệm xứ. Quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp. Quán thân trên thân là luôn xét thân mình do tứ đại hòa hợp hay là quán ba mươi sáu vật nhơ nhớp trong thân. Niệm quán như vậy không xen tư tưởng nào khác gọi là chánh niệm. Hoặc quán thọ thì quán tất cả mọi cảm thọ đều là khổ. Quán tâm vô thường. Quán pháp vô ngã. Tu Tứ niệm xứ kết quả, đây gọi là chánh niệm.
Hán tạng giải thích chánh niệm là suy niệm về Tứ đế, suy niệm liên tục, ức niệm biến mãn, tâm niệm không xao lãng. Hán tạng mang tinh thần Đại thừa, khai triển ra thì tâm chuyên chú niệm Phật cũng là chánh niệm.
Này chư hiền, thế nào là chánh định?
Này chư hiền, ở đây vị Tỳ-kheo sống ly tham ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly tham sanh, với tầm, với tứ. (Vị Tỳ-kheo ấy) diệt tầm diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. (Vị Tỳ-kheo) ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú thiền thứ ba. (Vị Tỳ-kheo ấy) xả lạc, xả khổ, diệt ký ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư hiền, như vậy gọi là chánh định. Pāli giải thích chánh định là căn cứ vào Tứ thiền. Tỳ-kheo được định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, gọi là chánh định. Hán tạng nhấn mạnh tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất chánh định. Như vậy cách giải thích này rộng rãi hơn Pāli tạng.
Phần kết luận hai bên có sai khác. Bên Hán tạng, ngài Xá-lợi-phất xác định Tứ thánh đế là đạo diệt khổ chắc thật trong ba thời gian, đó là sự giác ngộ tối thượng chân chánh. Ngài kết thúc bằng bài tụng khen ngợi Phật. Pāli nhắc lại đoạn mở đầu kinh, giới thiệu Vô thượng pháp luân đã được Thế Tôn chuyển vận ở Lộc Uyển, đó là sự phân biệt hiển lộ Tứ thánh đế.
Chúng ta thấy qua phần kết tập tuy hai hệ kinh có những chi tiết dị biệt, nhưng tựu trung đều nói lên cốt lõi của đạo Phật. Mục đích thực sự của đức Phật khi thuyết pháp, bắt đầu chuyển bánh xe pháp là nói đến khổ, nguyên nhân của khổ, sự dứt khổ và con đường dứt khổ. Ý nghĩa này luôn luôn lặp đi lặp lại trong các bài kinh, dù Hán tạng hay Pāli cũng chỉ một mục đích.
Mục lục | Trang sau |