Kinh Pháp Cú giảng giải

XXVI. Phẩm Bà La Môn



Phẩm này tên Bà-la-môn, nhưng đức Phật dạy phương pháp tu hành để được giải thoát chứng quả A-la-hán, chứ không dạy giáo lý của Bà-la-môn.

Thuở xưa người dân Ấn Độ thường chấp về hình thức chủng tộc, họ quan niệm rằng người sanh trong dòng Bà-la-môn là cao cả. Nhưng đức Phật cho rằng cao cả là do hạnh tu của mình, chứ không phải do dòng dõi nơi sanh hay những hình thức bên ngoài. Nếu sanh trong dòng họ cao cả mà làm những việc phi đạo lý thì cũng không phải là người cao cả.

Hơn nữa do tư cách ăn ở xử sự từ tâm niệm lành cho đến hành động tốt, đáng cho người kính phục, chứ không ỷ rằng mình có búi tóc trên đầu, hay có hình dáng kiểu cách của Bà-la-môn, rồi tự cao cho là dòng tịnh hạnh. Vì vậy Bà-la-môn là tiếng chỉ chung người hành đạo thanh tịnh, chứ không chỉ riêng về giai cấp đạo sĩ.

Pháp Cú 383.

Dũng cảm đoạn trừ dòng ái dục, các ngươi bỏ dục mới là Bà-la-môn. Nếu thấy rõ các uẩn diệt tận, các ngươi liền biết được Vô tác. 

Chúng ta đang ở Dục giới, còn đắm trước chỗ ở và thân mạng nên gọi là ái dục. Nếu người dũng cảm đoạn trừ dòng ái dục thì mới thật là Bà-la-môn, hay nói cách khác là người tu chân chánh. Cho nên đức Phật dạy người biết rõ năm uẩn là vô thường sanh diệt, không nhất định không lâu dài nên nói là diệt tận. Nếu thấu suốt như vậy thì đạt được Niết-bàn, còn gọi là Vô tác.

Pháp Cú 384.

Nhờ thường trú trong hai pháp, hàng Bà-la-môn đạt đến bờ kia, dù có bao nhiêu ràng buộc đều bị dứt sạch do trí tuệ của người kia. 

Hai pháp là Chỉ và Quán, chỗ khác gọi là định và tuệ. Người nào tâm thường an trú trong định và tuệ đó là Bà-la-môn chân chánh và sẽ đạt đến Niết-bàn. Nếu tâm thường an định trí tuệ sáng suốt, thì dù có bao nhiêu phiền não ràng buộc đều bị dứt sạch. Như vậy chủ yếu Phật dạy muốn giải thoát phải có định và tuệ.

Vừa dấy một niệm phiền não liền chặn đứng không cho tâm chạy theo là định. Kế đó dùng trí tuệ quán chiếu biết rằng phiền não sẽ trói buộc và dẫn mình đi tới trầm luân. Do đó dứt sạch phiền não không phải chỉ có định mà phải có trí tuệ. Cho nên người tu lúc nào cũng phải đủ hai điều kiện trên, nếu thiếu thì không dứt được phiền não.

Pháp Cú 385.

Không bờ kia cũng không bờ này, cả hai bờ đều không thật, chỉ xa lìa khổ não không bị trói buộc, ta gọi là Bà-la-môn.

Bờ kia là chỉ cho sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, bờ này là chỉ sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp. Không chấp trước ta và của ta nên nói không bờ này, bờ kia. Hằng ngày, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta hay chấp người thật, cảnh thật mà không ngờ người và cảnh đều là vô thường không thật. Chúng ta không biết như thế mà cứ chạy theo, nên bị chìm mãi trong vòng luân hồi không thoát ra được.

Vì vậy đức Phật dạy người biết được sáu căn, sáu trần đều không thật, xa lìa khổ não chẳng bị trói buộc, người như vậy mới xứng đáng là Bà-la-môn, là người tu hành chân chánh.

Pháp Cú 386.

Ai nhập vào thiền định, an trú ly trần cấu, việc cần làm đã làm xong, phiền não lậu dứt sạch, chứng cảnh giới tối cao, đó là Bà-la-môn. 

Người an trụ trong thiền định, lìa tất cả những phiền não nhiễm ô, công hạnh tu hành viên mãn, chứng được quả A-la-hán. Bao nhiêu phiền não lậu hoặc đều dứt sạch, chứng được cảnh giới tối cao, đức Phật gọi là Bà-la-môn hay người tu chân chánh.

Pháp Cú 387.

Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, khí giới chiếu sáng dòng vua chúa, thiền định chiếu sáng kẻ tu hành, nhưng hào quang của đức Phật chiếu sáng cả thế gian. 

Đức Phật dùng lối so sánh, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, khí giới chiếu sáng dòng vua chúa, thiền định chiếu sáng kẻ tu hành, nhưng tất cả ánh sáng đó đều không bằng hào quang của đức Phật chiếu sáng khắp thế gian.

Chúng ta ai cũng được hào quang của đức Phật chiếu sáng, nhưng không dám nhận. Thí dụ khi nổi cơn giận, lúc đó tâm mình tối om, liền nhớ Phật dạy nhẫn nhục là trên hết, thì cơn giận liền giảm nhẹ một phần. Khi khởi lòng tham tài sắc, liền nhớ các pháp là vô thường, nay còn mai mất thì lòng tham nhẹ bớt, như thế là ánh sáng trí tuệ đã soi rọi làm tan biến vô minh. Cho nên những người tu hành xem kinh, nghe lời Phật dạy thì cũng có hào quang của Phật chiếu sáng, chứ không bỏ sót người nào.

Pháp Cú 388.

Dứt bỏ các ác nghiệp gọi là Bà-la-môn, thường tu hành thanh tịnh thì gọi là Sa-môn. Người tự trừ bỏ cấu uế gọi là người xuất gia. 

Người dứt bỏ các ác nghiệp thì gọi là Bà-la-môn. Người thường tu hành thanh tịnh thì gọi là Sa-môn. Khi tâm khởi tham sân, ngã mạn, ưa thích ngũ dục đó là cấu uế, nếu trừ bỏ cấu uế thì gọi là người xuất gia. Vì xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, tâm hoàn toàn thanh tịnh, mới ra khỏi nhà tam giới, chứ không phải bỏ nhà thế tục mà vô chùa gọi là người xuất gia.

Pháp Cú 389.

Chớ nên đánh đập Bà-la-môn, Bà-la-môn chớ nên sân hận, người đánh đập mang điều đáng hổ, người sân hận lại càng đáng hổ hơn. 

Người không biết tội lỗi đánh đập bậc tu hành, đó là điều đáng hổ thẹn vì ăn hiếp người tu hiền. Ngược lại mình là người tu, bị người đánh mà nổi giận thì càng xấu hổ hơn. Cho nên người xuất gia dù bị chửi đánh cũng không nên giận, nếu giận thì thật là hổ thẹn hơn người mắng chửi mình, vì mình là người biết tu còn họ thì không biết tu.

Pháp Cú 390.

Bà-la-môn, đây không phải là điều ích nhỏ, nếu biết vui mừng chế phục tâm mình. Tùy lúc đoạn trừ tâm độc hại, thì thống khổ được ngăn chặn liền. 

Pháp Cú 391.

Không đem thân, ngữ, ý ra làm các điều ác, chế ngăn được ba chỗ đó, ta gọi là Bà-la-môn. 

Người tu chân chánh thì có những điều lợi ích rất lớn. Muốn được như vậy thì phải biết chế phục những điều xấu dở trong tâm. Tùy thời mà đoạn trừ tất cả tâm độc hại, thì bao nhiêu sự thống khổ theo đó mà hết.

Cho nên đức Phật dạy không dùng hành động, lời nói và ý nghĩ của mình mà làm các điều ác, thì gọi người đó là Bà-la-môn.

Pháp Cú 392.

Bất luận nơi đâu được nghe đấng Chánh đẳng giác thuyết pháp, hãy nên hết lòng cung kính như Bà-la-môn kính thờ thần lửa. 

Thuở xưa người theo đạo Bà-la-môn chuyên thờ thần lửa, vì họ cho vị thần này là tối cao. Ở đây nói dù bất cứ nơi nào được nghe đức Phật thuyết pháp phải hết lòng cung kính, như Bà-la-môn kính thờ thần lửa. Vì tôn trọng bậc Chánh đẳng giác thuyết pháp thì dễ đi tới chỗ giác ngộ.

Pháp Cú 393.

Chẳng phải vì búi tóc, chẳng phải vì chủng tộc, cũng chẳng phải tại nơi sanh mà gọi là Bà-la-môn. Nhưng ai hiểu biết chân thật, thông đạt chánh pháp, đó mới là Bà-la-môn hạnh phúc. 

Không vì búi tóc trên đầu hay chủng tộc, chẳng phải tại nơi sanh mà tự cho mình là Bà-la-môn. Người thấu suốt lý Tứ đế, hiểu rõ chánh pháp, đó mới thật là Bà-la-môn thanh tịnh hạnh phúc.

Pháp Cú 394.

Người ngu, búi tóc và chuyên mặc áo da nai đâu có ích chi? Trong lòng còn chứa đầy tham dục thì dung nghi bên ngoài chỉ là trang điểm suông. 

Những người Bà-la-môn đi đâu thì mặc áo da nai, búi tóc, cho đó là hãnh diện lắm. Ta là dòng Bà-la-môn cao hơn thiên hạ, như vậy không có ích gì. Đối với đức Phật trừ diệt được lòng tham dục mới có ích lợi, chứ còn trang điểm dung nghi bên ngoài, chỉ là việc suông thôi. Cũng vậy không phải cạo đầu, mặc áo nhuộm mà gọi là thầy tu, nếu trong lòng còn tham sân si thì cái đầu và chiếc áo không làm nên người tu.

Cho nên người thật tâm tu hành là phải đoạn trừ những xấu xa ô nhiễm trong lòng, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp mới là người tu chân chánh, còn hình thức bên ngoài không đáng kể. Nếu nhìn hình thức bên ngoài cho là người tu thật coi chừng lầm, biết đâu có kẻ trá hình thì sao!

Pháp Cú 395.

Ai mặc áo phấn tảo, gầy ốm lộ gân xương, ở rừng sâu tu thiền định, đó gọi là Bà-la-môn. 

Khi Phật còn tại thế các Tỳ-kheo tu khổ hạnh thường mặc áo phấn tảo. Các ngài không nhận vải mới của thí chủ cúng dường, mà đi lượm giẻ rách về giặt thật sạch, kết lại thành áo, gọi là áo phấn tảo.

Bây giờ có nhiều người bắt chước, lựa từng miếng vải thật tốt kết lại thành y nhưng không đúng. Áo phấn tảo là lượm từng miếng giẻ rách để kết lại, chứ không phải lựa từng miếng vải mới. Các vị ở trong rừng chuyên tu thiền định, do ăn uống thiếu thốn nên gầy ốm lộ gân xương, người đó đức Phật gọi là Bà-la-môn, là người tu hành chân chánh.

Pháp Cú 396.

Gọi là Bà-la-môn, không phải từ bụng mẹ sanh ra. Nếu cứ chấp chặt các phiền não thì chỉ được gọi là “Bồ” suông. Người nào lìa hết chấp trước, đó gọi là Bà-la-môn. 

Ở Ấn Độ người sanh trong dòng Bà-la-môn, họ cho là sang quý thanh tịnh. Nhưng ở đây đức Phật nói nếu còn chấp chặt các phiền não thì chỉ gọi là Bồ suông, là tiếng tôn xưng nhau trong khi nói chuyện. Khi nào chúng ta lìa tất cả chấp trước thì mới gọi là Bà-la-môn. Nói một cách khác, người nào chấp dòng dõi là sang quý thanh tịnh, đó chỉ là tên suông chứ chưa có thực chất, nếu muốn có thực chất thì phải lìa tất cả những tâm niệm xấu xa chấp trước, mới gọi là Bà-la-môn hay người tu chân chánh.

Pháp Cú 397.

Ai đoạn hết kiết sử, người đó thật không còn sợ hãi, không bị đắm trước, xa lìa ràng buộc, đó gọi là Bà-la-môn. 

Kiết sử nghĩa là cột trói và sai sử. Gồm có tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v.. Nếu người nào đoạn hết kiết sử thì không còn sợ hãi chi, không bị đắm trước ràng buộc, người được như vậy mới gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 398.

Như ngựa bỏ đai da, bỏ cương, bỏ đây và đồ sở thuộc, người giác trí bỏ tất cả chướng ngại, đó gọi là Bà-la-môn. 

Câu pháp cú này Phật dùng những đồ khớp ngựa mà thí dụ. Đai da dụ lòng sân nhuế. Cương, dụ cho ái dục. Dây dụ sáu mươi hai tà kiến. Đồ sở thuộc dụ những tập khí tiềm tàng, xưa dịch là Tùy miên, có bảy thứ: dục, tham, sân, mạn, ác kiến, nghi, vô minh. Chướng ngại dụ vô minh.

Người đoạn trừ lòng sân nhuế ái dục, bỏ sáu mươi hai tà kiến, đoạn trừ những tập khí ngủ ngầm trong tâm như dục, tham, sân, mạn, ác kiến, nghi. Trừ bỏ tất cả những chướng ngại, đó gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 399.

Nhẫn nhục khi bị đánh mắng, không sinh lòng sân hận. Người có đội quân nhẫn nhục hùng cường, đó gọi là Bà-la-môn. 

Chúng ta tu hành đừng gây phiền não cho người khác, nếu gây phiền não cho người thì lòng mình cũng sanh phiền não. Khi bị người mắng chửi nếu mình không nhẫn được thì giận họ, rồi họ thù ghét mình, như vậy cả hai đều đau khổ, nếu nhẫn được thì cả hai đều hết phiền não hận thù. Vì vậy ở đây nói nhẫn nhục là một đội quân hùng cường nhất trong khi tu hành. Người có đội quân nhẫn nhục hùng cường Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 400.

Người đầy đủ đức hạnh không nóng giận, trì giới thanh tịnh không dục nhiễm, chế ngự và đạt được thân cuối cùng, người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Đức Phật dạy người tu hành giải thoát phải đầy đủ đức hạnh, không nóng giận là đầy đủ nhẫn nhục, giữ giới trong sạch không ô nhiễm dục lạc thế gian, chế phục được tâm, khi bỏ thân này không còn bị sanh trở lại, hoàn toàn được giải thoát. Người như thế đức Phật gọi là Bà-la-môn hay là A-la-hán.

Pháp Cú 401.

Người không đắm nhiễm ái dục như giọt nước lá sen, như hạt cải đặt đầu mũi kim, ta gọi là Bà-la-môn. 

Phật nói người nào không nhiễm đắm những điều ái dục, chẳng khác nào như nước đổ lá sen hay lá môn, rơi bao nhiêu đều chảy hết không dính ướt, hoặc như hạt cải đặt ở đầu mũi kim. Người được như vậy đức Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 402.

Nếu ngay tại thế gian này, ai tự giác ngộ và diệt trừ đau khổ, trút bỏ gánh nặng mà giải thoát, ta gọi là Bà-la-môn. 

Người chưa biết tu khi đau thì lăn lộn rên la inh ỏi, còn người biết tu thì ráng chịu không rên la. Như vậy do biết tu mà bớt một phần đau khổ, chứ không phải không đau, không chết. Người tu vẫn bị bệnh tật như thường, đó là trả cái quả dư thừa của đời quá khứ. Cho nên người giác ngộ phải dứt trừ những mầm đau khổ, là không gây đau khổ cho người và vật, chứ không phải dứt cái quả đau khổ, nếu đã lỡ tạo nhân xấu thì phải trả quả cho hết.

Vì vậy ở đây đức Phật nói, người nào tự giác ngộ và diệt trừ đau khổ, trút bỏ gánh nặng mà giải thoát. Người như thế ta gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 403.

Người có trí tuệ sâu xa, biết rõ thế nào là đạo, phi đạo và chứng đến cảnh giới vô thượng, đó gọi là Bà-la-môn. 

Chữ đạo là chỉ những điều chân chánh, phi đạo là chỉ những điều tà quấy. Người có trí tuệ sâu xa vượt hơn người thường, biết phân biệt thế nào là chân chánh, thế nào tà quấy, chứng được cảnh giới vô thượng, đức Phật gọi người đó là Bà-la-môn.

Pháp Cú 404.

Chẳng lẫn lộn với tục luân, chẳng tạp xen với Tăng lữ, xuất gia lìa ái dục, đó gọi là Bà-la-môn. 

Người xuất gia không nên ở lẫn lộn với người thế tục, mà phải trong tăng chúng, lúc nào cũng là một vị tăng tu hành chân chánh, không phạm trai phá giới cho nên gọi là chẳng tạp xen với Tăng lữ. Người xuất gia bỏ nhà đi tu xa lìa tất cả ái dục, Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 405.

Bỏ hết đao trượng, không tự mình giết, không bảo người khác giết đối với tất cả hữu tình mạnh yếu, người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Người tu hành chân chánh không sát hại từ con người cho đến con vật, như trâu, bò, heo, dê, loài nhỏ như bồ cào, châu chấu, con giun, con dế; đức Phật gọi là Bà-la-môn hay là người tu chân thật.

Pháp Cú 406.

Ở giữa đám người cừu địch mà gây tình hữu nghị, ở giữa đám người hung hăng cầm gậy mà giữ khí ôn hòa, ở giữa đám người chấp đắm mà không chấp đắm. Người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Ở giữa những người thù oán luôn gây tình hữu nghị để thương mến nhau là điều rất quý. Người cầm gậy muốn hành hung mà mình không sợ cũng không giận, giữ vẻ mặt bình tĩnh ôn hòa, được như vậy mới xứng đáng là người tu. Hơn nữa khi gặp những người đang thù hận nhau mà chúng ta hòa giải được, đó là đem an vui đến cho chúng sanh, như vậy mới thật là người tu hành chân chánh và có bản lĩnh. Ở giữa những người mê chấp mình không mê chấp, được như vậy đức Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 407.

Từ lòng tham dục, sân nhuế, kiêu mạn, cho đến lòng hư ngụy, đều thoát bỏ như hạt cải không dính đầu mũi kim. Người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Đức Phật dạy không còn dính mắc tham, sân, kiêu mạn và dối trá, như hạt cải không dính đầu mũi kim. Người được như vậy đức Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 408.

Chỉ nói lời chân thật hữu ích, không nói lời thô ác, không xúc phạm đến người, đó gọi là Bà-la-môn. 

Luôn nói lời chân thật và có ích cho mọi người, không bao giờ nói lời thô ác xúc não người khác. Người như thế đức Phật gọi là Bà-la-môn,

Pháp Cú 409.

Đối với vật gì xấu hay tốt, dài hay ngắn, thô hay tế, mà người ta không cho thì không bao giờ lấy, đó gọi là Bà-la-môn. 

Đức Phật dạy bất cứ những món gì dù tốt xấu dài ngắn lớn nhỏ, nếu người không cho thì không bao giờ lấy, đó là giữ giới không trộm cắp. Như thế là người tu chân chánh, xứng đáng gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 410.

Đối với đời này cũng như đời khác, không móng lòng dục vọng, vô dục nên giải thoát, đó gọi là Bà-la-môn. 

Dù ở đời này hay ở đời khác, người không có lòng dục vọng thì hoàn toàn giải thoát, được như vậy đức Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 411.

Người không còn tham dục, liễu ngộ không nghi hoặc, chứng đến bậc Vô sanh, đó gọi là Bà-la-môn. 

Người không còn tham đắm ngũ dục, liễu ngộ không nghi ngờ, người được như vậy thì chứng quả vô sanh, là không còn tái sanh trên thế gian này nữa, đó gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 412.

Nếu ở thế gian này, không chấp trước thiện và ác, thanh tịnh không ưu lo, đó gọi là Bà-la-môn. 

Ở thế gian này mà không chấp trước thiện ác tốt xấu, tâm luôn luôn trong sạch thanh tịnh, không còn lo lắng phiền não, đó gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 413.

Ái dục làm cho tái sanh đã được đoạn tận, như trăng trong không bợn, đứng lặng mà sáng ngời, đó gọi là Bà-la-môn. 

Đêm rằm trời trong, nhìn thấy mặt trăng sáng ngời không một tí mây che. Cũng vậy người dứt được lòng ái dục, đoạn tận sự tái sanh, tâm trong sạch sáng suốt, như trăng không gợn mây, đó gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 414.

Vượt khỏi con đường gồ ghề lầy lội, ra khỏi biển luân hồi ngu si mà lên đến bờ kia, an trú trong thiền định, không dục không nghi hoặc, không chấp đắm chứng Niết-bàn tịch tĩnh, người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Vượt khỏi tất cả phiền não, ra khỏi biển luân hồi ngu si sanh tử mà đến bờ Niết-bàn. Tâm luôn luôn an trú trong thiền định, không tham dục không nghi ngờ pháp tu, tuy chứng Niết-bàn mà không chấp rằng mình chứng Niết-bàn. Người như thế Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 415.

Xả bỏ dục lạc ngay tại đời này mà xuất gia làm Sa-môn không nhà, không cho dục lạc phát sinh lại, người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Pháp Cú 416.

Xả bỏ ái dục ngay tại đời này mà xuất gia làm Sa-môn không nhà, không cho ái dục phát sinh trở lại, người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Ngay tại đời này xả bỏ hết ngũ dục lạc thế gian và xả bỏ ái dục, xuất gia làm người tu hành. Người như vậy đức Phật gọi là Bà-la-môn,

Pháp Cú 417.

Rời khỏi trói buộc của nhân gian, vượt khỏi trói buộc ở thiên thượng, hết thảy trói buộc đều lìa sạch, đó gọi là Bà-la-môn. 

Một số người thấy thế giới mình đang ở có nhiều đau khổ vì bệnh tật, phiền não, thiếu thốn v.v… ở cõi trời thì sung sướng, muốn gì được nấy nên khởi lòng tham, lo tu riết để đời sau sanh lên đó hưởng sự sung sướng, như thế tu mà còn bị trói buộc ở cõi thiên thượng. Vì không hưởng được dục lạc thế gian thành ra muốn về cõi trời để hưởng. Tu như vậy là còn muốn bỏ khổ để cầu vui ngũ dục, chứ không phải tu để giải thoát, người đó chưa phải là cao siêu. Cho nên đức Phật dạy phải rời khỏi sự trói buộc của nhân gian, rời khỏi sự trói buộc của thiên thượng, tất cả những trói buộc đều phải tránh xa, như vậy mới gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 418.

Xả bỏ điều ưa ghét, thanh lương không phiền não, dũng mãnh hơn thế gian, đó gọi là Bà-la-môn. 

Những điều đáng ưa và không đáng ưa đều không dính mắc, tâm luôn mát mẻ không phiền não và dũng mãnh hơn người thường, vượt khỏi vòng sanh tử, đó gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 419.

Nếu biết tất cả loài hữu tình tử thế nào, sinh thế nào, không chấp trước, khéo vượt qua như Phật, đó gọi là Bà-la-môn. 

Người biết được các loài hữu tình, chết rồi sanh ở đâu. Biết rõ nghiệp báo của họ một cách rành rẽ. Không chấp trước, khéo vượt qua dòng luân hồi sanh tử như đức Phật, đó gọi là Bà-la-môn,

Pháp Cú 420.

Dù chư thiên, càn-thát-bà hay nhân loại, không ai biết được nơi chốn của vị A-la-hán đã dứt sạch phiền não, vị ấy ta gọi là Bà-la-môn. 

Dù chư thiên, càn-thát-bà hay bất cứ người nào cũng không biết chỗ nơi của các vị A-la-hán. Vì các ngài đã dứt sạch phiền não, chứng vô sanh nên người không thấy không biết được. Người như thế Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 421.

Quá khứ, vị lai hay hiện tại, người kia chẳng có một vật chi, người không chấp thủ một vật chi ấy, đó gọi là Bà-la-môn. 

Người già không còn hoạt động nổi thì thường sống với quá khứ, ngồi đây mà không biết ngồi đây, cứ nhớ lại thời trẻ trung, mình ngang dọc tài ba hùng dũng thế nào, rồi kể lại cho con cháu nghe, hiện tại lờ đi. Người trẻ thì hướng tới tương lai, ít bữa giở lịch coi hết năm chưa, trông sang năm lên lớp hay thi cử đỗ đạt, bởi vậy tâm không bao giờ yên vì không biết sống trong hiện tại. Cũng vậy người tu khi ngồi yên sẽ thấy tâm mình dao động, bởi nghĩ về quá khứ, nhớ hồi sớm mai ai nói câu gì xúc phạm tới mình mà buông không được, hoặc nhớ chuyện năm trên năm dưới, hay dự định ít tháng nữa cất nhà, đi du lịch v.v… rồi tâm loạn không yên, vì không biết sống trong hiện tại.

Phật dạy nếu không dính mắc ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai thì tâm rỗng rang tự tại, không chấp đắm một vật chi, đó gọi là Bà-la-môn hay người tu giải thoát.

Pháp Cú 422.

Hạng người dũng mãnh, tôn quý như trâu chúa, hạng người thắng lợi vô dục như đại tiên, hạng người tắm xong sạch sẽ và giác tỉnh, hạng người như thế ta gọi là Bà-la-môn. 

Thuở xưa dân Ấn Độ ví người dũng mãnh tôn quý là trâu chúa. Miền quê Việt Nam gọi là con trâu cổ, là chỉ mấy con trâu mạnh mẽ nhất. Người không có lòng mê đắm ngũ dục lạc, chiết phục được ma quân phiền não của mình, đó là bậc đại tiên. Dân chúng Ấn Độ tin rằng nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi, nên nói người tắm xong sạch sẽ và giác tỉnh, để chỉ cho hạng người trong tâm không còn cấu nhiễm, mà có trí tỉnh giác, Phật gọi là Bà-la-môn.

Pháp Cú 423.

Vị Mâu-ni (thanh tịnh) hay biết đời trước, thấy cả cõi thiên và các cõi khổ (ác thú), đã trừ diệt sự tái sinh, thiện nghiệp hoàn toàn, thành bậc vô thượng trí; người viên mãn thành tựu mọi điều như thế, ta gọi là Bà-la-môn. 

Mâu-ni là tiếng Phạn, Hán dịch là tịch tịnh. Vị Mâu-ni biết ở cõi trời sung sướng thế nào, cõi địa ngục súc sanh đau khổ ra sao, biết rõ ràng và dứt được sự tái sanh trong sáu cõi, đầy đủ tất cả nghiệp lành, thành bậc Vô thượng trí. Người giác ngộ viên mãn như thế, ta gọi là Bà-la-môn hay cũng gọi là Phật. Bà-la-môn hay Phật đều chỉ cho người giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Trang trước Mục lục

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.