Kinh Pháp Cú giảng giải

I. Phẩm Song Yếu



MỞ ĐẦU

Quyển kinh Pháp Cú này do thượng tọa Trí Đức dịch từ bản chữ Hán. Kinh này gồm có 26 phẩm trong đó có 423 câu. Tôi đã giới thiệu sơ qua bốn bộ A-hàm là bốn bộ kinh căn bản của giáo pháp Tiểu thừa. Chính quyển kinh Pháp Cú này đã gom những điểm trọng yếu của bốn bộ A-hàm bằng những câu văn hết sức ngắn gọn. Chúng ta có thể nhớ được để thực hành một cách dễ dàng.

Trong 26 phẩm này, chúng tôi sẽ giảng từng câu một. Nếu giảng kỹ thì phải dẫn sự tích câu chuyện xuất xứ của đoạn kinh, nhưng ở đây chúng tôi chỉ chú trọng cho mọi người nghe hiểu, nhớ rồi đem ra áp dụng tu hành trong hiện tại có lợi ích hơn. Vì vậy, chúng tôi chỉ giảng ngay vào nghĩa kinh mà thôi.

Phẩm đầu là phẩm Song Yếu. Song là hai, Yếu là cần thiết hay những pháp yếu. Phẩm Song Yếu là những lời thiết yếu của Phật dạy có từng hai câu đối lập với nhau rõ ràng, như ác đối với thiện, xấu đối với tốt v.v… Tôi giải thích từng câu một, mỗi câu chứa đựng ý nghĩa rất sâu xa, nếu nghe không kỹ thì sự thu thập không được nhiều.

Pháp Cú 1.

Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến, như xe lăn theo chân con vật kéo xe. 

Tại sao đức Phật nói tất cả pháp tâm là chủ? Trong kinh A-hàm có đoạn nói, ngoại đạo chủ trương trong ba nghiệp thân, miệng và ý, nghiệp thân là quan trọng.

Ngược lại đức Phật cho rằng nghiệp ý là quan trọng. Tại sao? Chúng ta xét lại, khi nói hoặc làm thì động cơ thúc đẩy là ý. Ý vừa dấy lên thì miệng phát ra lời nói, thân hoạt động. Nếu ý không dấy lên thì miệng thân làm gì có hoạt động. Nên đức Phật nói tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả.

Tu thân tu miệng cũng là tu, nhưng cần phải tu tâm trước. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hay hành động, thì nói những lời xấu, hành động tội lỗi. Đây là gây nhân xấu. Nếu nhân xấu, nhân đen tối, nhân nhiễm ô thì quả của nó cũng là quả xấu, quả đen tối, quả nhiễm ô. Cho nên nói rằng sự khổ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.

Con bò hay con ngựa kéo xe, khi chân bước tới đâu thì bánh xe lăn theo bén gót ở sau chứ không rời. Cũng vậy nếu người tạo nghiệp khổ, nghiệp xấu xa thì đến đâu, nghiệp cũng theo bén gót đến đó, người và nghiệp không rời nhau. Như người chuyên dạy học thì gọi là giáo chức hay giáo viên, bạn đồng nghề gọi là bạn đồng nghiệp. Thành ra chữ nghiệp nghĩa là nghề. Người sát sanh giết heo bò, đó cũng là một nghề. Như vậy cả hai đều là nghề, nhưng xét về nghĩa thiện ác thì khác nhau. Nghề giáo dạy người ta biết chữ nghĩa, lễ phép, điều hay lẽ phải gọi là thiện. Nghề giết hại làm đau khổ chúng sanh nên gọi là nghề ác.

Người làm thầy giáo và người làm nghề sát sanh vì hoàn cảnh, bất thình lình phải rời gia đình xứ sở, ra đi với hai bàn tay trắng, đến xứ khác để lập nghiệp.

Tuy sự nghiệp của cải không mang theo, nhưng nghề của hai người đó không ai có thể lấy được. Họ tới đâu thì nghề của họ theo tới đó. Thầy giáo đem khả năng của mình để lập nghiệp bằng cách dạy học, người chuyên nghề sát sanh đem nghề sát sanh để lập nghiệp. Như vậy để thấy rằng tuy họ đi tay không nhưng sự thật không phải là tay không.

Tôi đưa thí dụ này để phối hợp lại khi chúng ta tắt thở. Ai cũng tin rằng mình chết là phủi sạch hết ra đi tay không, nhưng không ngờ mình ra đi bằng nghiệp đã tạo, hoặc lành, hoặc dữ. Nghiệp theo sát bên mình, như đức Phật nói bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Nếu tạo nghiệp thiện thì ra đi an vui, nếu tạo nghiệp ác thì ra đi khổ sở bức bách. Cho nên người thế gian không hiểu đạo lý, tưởng rằng khi chết là hết, nhưng không ngờ chính lúc đó ra đi với nghiệp đã tạo trong lúc sống.

Nghiệp là gì? Là những hành động thiện ác hằng ngày của chúng ta. Nếu hành động thiện thì khi ra đi nghiệp thiện theo mình, nếu hành động ác thì ra đi nghiệp ác cũng theo mình như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Như vậy chỉ một câu kinh ngắn cũng đủ thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống hiện tại, để chọn lấy một cái nghiệp mà sống. Bấy nhiêu đây chúng ta hiểu, tu thì cũng có thể tạo thành bao nhiêu điều tốt đẹp.

Ở đây câu thứ nhất đức Phật nói về chiều xấu, tức là đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp khổ đau, kết quả cũng khổ đau, vì nhân không rời quả, chẳng khác nào như con vật kéo xe; chân con vật bước đến đâu thì bánh xe lăn theo đến đó.

Pháp Cú 2.

Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, sự an vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

Ở trên Phật nói khởi tâm ô nhiễm tạo nghiệp xấu thì phải chịu quả xấu, cũng như con bò kéo xe, chân tới đâu thì bánh xe lăn tới đó. Đến đây, ngược lại nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp thiện thì kết quả an vui sẽ theo nghiệp như bóng theo hình. Trong kinh nói kẻ ngu dốt sợ bóng cứ chạy mãi ngoài nắng. Nếu sợ bóng mà chạy mãi ngoài nắng thì bóng có mất không? Không bao giờ mất, càng chạy đến đâu thì bóng càng đuổi theo đến đó.

Cũng vậy người không muốn thấy nghiệp khổ đến với mình mà cứ tạo những điều xấu rồi cố tránh nghiệp khổ thì có tránh được không? Có nhiều Phật tử chỉ biết quy y thọ giới, mỗi tháng đi chùa vài lần để cầu cúng. Nhưng về nhà nghiệp dữ vẫn cứ làm, lời xấu cứ nói mà muốn chạy trốn quả khổ, có được không? Chắc hẳn là không. Vì nghiệp là những hành động, lời nói đã thành thói quen. Nghiệp tùy theo việc tốt xấu đã tạo mà đến. Muốn hết nghiệp xấu phải chuyển thành nghiệp tốt mới được.

Tóm lại, Phật dạy nghiệp lành nghiệp dữ khởi điểm từ tâm. Tâm nghĩ lành tâm nghĩ dữ mới tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Người biết tu thì không phải tu nơi thân nơi miệng mà phải tu thẳng nơi tâm. Tâm vừa dấy lên ý niệm xấu thì buông ngay, dấy lên ý niệm tốt thì làm cho nó phát khởi tăng trưởng, đó là người biết tu.

Thí dụ thấy một người đang đau khổ, mình khởi niệm muốn giúp đỡ cho họ bớt khổ, đó là niệm lành. Tìm cách giúp đỡ là tăng trưởng nghiệp lành. Nếu thấy người có tiền của, khởi niệm muốn cướp giật, đó là niệm dữ. Biết đó là tội lỗi thì cấm không cho nghĩ nữa, chặn ngay nơi ý nghĩ là người biết tu. Như vậy mới gọi là tu ngay gốc. Nếu mình không trộm cướp, tâm nghĩ xấu cứ cho nghĩ, ngày nào ý nghĩ mạnh quá gặp việc xấu thì bị nó lôi đi.

Cho nên người biết tu thì nhắm ngay tâm niệm, vì tâm niệm là chủ. Phải ngay nơi tâm niệm mà tu, đó là biết tu tận gốc. Nếu không như vậy thì chúng ta chỉ tu ngoài ngọn ngành, không lợi ích nhiều.

Pháp Cú 3.

Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hại tôi và cướp đoạt của tôi, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy thì sự oán giận không bao giờ dứt hết.

Phật dạy hận thù còn nung nấu trong lòng là tại mình nghĩ rằng, hôm qua người đó mắng chửi, đánh đập, cướp bóc của cải và hại tôi, vừa nhớ tới đó thì trong tâm nổi nóng lên. Nếu người nào bị ai xúc phạm tới mà cứ nhớ hoài thì không bao giờ hết giận hờn. Nếu không bỏ được oán giận thì sự hận thù mãi mãi chồng chất lên hận thù. Đó là gốc của đau khổ.

Pháp Cú 4.

Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hại tôi và cướp đoạt của tôi, ai bỏ được tâm niệm ấy thì oán giận tự nhiên san bằng.

Đức Phật dạy khi bị ai xúc phạm tới mà bỏ qua, không thèm nhớ, thì lòng sẽ an nhiên, mát mẻ. Danh từ chuyên môn trong nhà Phật gọi là thanh lương. Nếu người nào xả không được, thì sanh lòng oán giận. Nhất là những người biết tu chút ít, nếu khi ngồi thiền nhớ hồi chiều có người nói mỉa mai mình, vừa khởi như thế thì những phương tiện như đếm hơi thở cũng yếu hơn lời nói mà người kia đã nói với mình. Cho nên người tu muốn dứt tham sân si thì phải áp dụng những lời Phật dạy.

Đây là câu Phật dạy để dứt sự nóng giận. Nóng giận chia ra nhiều loại, nghe người khác nói trái ý mà mình nổi nóng bừng bừng lên gọi là sân. Nghe người ta nói trái ý, không nổi nóng bừng bừng đỏ mặt mày nhưng trong lòng cảm thấy bất mãn không vui, không như ý gọi là hận. Như vậy, nổi nóng gọi là lửa ngọn, hận trong lòng gọi là lửa than. Lửa than cháy ngầm ngầm, tuy không nguy hiểm nhưng khó trừ. Nổi nóng tuy nguy hiểm, vì khi nổi nóng thì miệng nói bậy, tay đánh v.v… có thể gây tạo nghiệp khổ liền nhưng một lát nó hạ xuống, còn cái hờn ngầm ngầm mới là lâu dài. Cho nên câu kinh này dạy chúng ta dứt cái ngầm ngầm đó. Vậy muốn hết oán hờn thì chúng ta nhớ câu kinh này: Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hại tôi và cướp đoạt của tôi. Ai bỏ được tâm niệm ấy thì oán giận tự nhiên san bằng. Nếu bỏ được tâm niệm ấy thì ai làm gì mặc kệ, bao nhiêu oán hờn đều nguội lạnh, như được rưới nước cam lồ làm cho tâm mình thanh lương mát mẻ. Chỗ này rất thực tế và cần thiết trong sự sống, sự tu của mọi người.

Pháp Cú 5.

Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù. Chỉ có từ bi mới trừ được hận thù, đó là định luật ngàn thu. 

Theo thế thường người ta nói lấy oán trả oán, nhưng như thế thì oán không bao giờ hết, vì càng trả càng chất chồng. Thí dụ người cha bị hại, người con trả thù cho cha hại lại kẻ kia, con người kia cũng sẽ trả thù cho cha. Cứ như vậy không bao giờ hết, cho nên chỉ có lấy từ bi trả oán thì oán mới sạch. Điều này thật khó làm, nhưng làm được mới dứt sự oán thù. Người tu hành dù xuất gia hay tại gia đều phải nỗ lực.

Người ta chửi mình, mình không chửi lại thì cũng hờn ở trong lòng, nhưng nếu còn hờn thì chưa phải từ bi. Trong kinh đức Phật dạy, gặp trường hợp này muốn từ bi phải dùng phương pháp. Như người biết tích đức ăn hiền ở lành, không muốn gây sự làm cho ai buồn phiền, nhưng không biết vì sao bị người mắng chửi. Khi đó khó dằn cơn nóng giận và khó mà thương họ. Dằn thì khả dĩ tập được, nhưng bảo khởi lòng thương thì người biết tu mới khởi được. Người khác chửi, không chửi lại đó là biết tu. Thí dụ gặp người say hay người điên, vô cớ đánh mình, nếu là người có trí tuệ và lòng từ bi đầy đủ thì không nổi nóng mà còn thương họ. Giận là giận người tỉnh táo khôn ngoan, còn người không có trí sáng suốt, không biết phải quấy nên vô cớ gây sự với mình, người đó đáng thương hơn đáng giận. Nghĩ như vậy thì phát khởi lòng từ bi thương họ, tất cả những hờn giận theo đó mà hết.

Hơn nữa nếu xét về lý nhân quả thì biết rằng kẻ làm ác thế nào cũng bị quả báo xấu. Bây giờ người đó hung dữ quá, gặp ai cũng mắng chửi, họ gieo nhân ác thì phải chuốc quả xấu, bị đọa địa ngục chịu khổ, nên người đó cũng đáng thương hơn đáng giận.

Pháp Cú 6.

Người kia vì không hiểu rằng chúng ta sắp bị hủy diệt nên mới phí sức tranh luận hơn thua. Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa. 

Đức Phật dạy người chưa hiểu lý vô thường, cứ tưởng sống lâu ngàn tuổi nên tranh hơn thua từng li từng tí. Nếu nhận định tường tận cuộc sống chỉ trong hơi thở, thở ra không hít vào là chết, thì có gì hơn thua với nhau. Trong kinh A-hàm ghi, một hôm đức Phật và chư Tỳ-kheo đi vào thôn, đến gần chợ, ngài thấy trong bầy bò có hai con báng nhau. Đức Phật hỏi ngài A-nan, ông biết bầy bò này của ai không? Ngài A-nan thưa, bầy bò này của một lò sát sanh nuôi để làm thịt. Đức Phật dạy, ông thấy hai con bò sở dĩ báng nhau là vì không biết ngày mai sẽ bị người ta đập đầu làm thịt, nếu biết ngày mai bị đập đầu thì hôm nay không báng nhau nữa.

Cũng vậy, con người sanh ra, hễ có sanh là có tử, cái án tử hình treo trước mặt mình, biết như vậy thì lo giải quyết án tử hình, tranh hơn thua làm gì. Nếu tất cả chúng ta biết mình sắp bị hủy diệt, thì mặc ai nói hơn thua, bỏ qua không đem vào lòng. Sở dĩ người lầm tưởng đời sống lâu dài, cho nên mới tranh hơn thua với nhau. Ở đây đức Phật nói: người kia vì không hiểu rằng chúng ta sắp bị hủy diệt nên mới phí sức hơn thua. Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa. Như vậy người tu theo đạo Phật phải hiểu lý vô thường, nhớ thân này không lâu dài bền chắc, chẳng khác nào hạt sương mai lấp lánh trên đầu ngọn cỏ, nắng lên là tan liền. Bây giờ chúng ta còn an ổn khỏe mạnh, cứ nói chuyện phải quấy hơn thua, vô thường đến thì ngã ra chết, lúc đó ai đánh chửi cũng không chống cự. Tại sao chúng ta không nhớ như vậy để dứt hết tâm tranh hơn thua? Người tu phải nhớ lý vô thường, luôn luôn dùng trí quán thân mình, thân người và hoàn cảnh chung quanh là vô thường thì không còn tâm tranh hơn thua và được an vui.

Pháp Cú 7.

Những người chỉ muốn sống trong tịnh lạc, không chịu nhiếp hộ các căn, uống ăn vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, họ thật là người dễ bị ma nhiếp phục như cành mềm trước cơn gió lốc. 

Người chỉ muốn sống trong tịnh lạc, nghĩa là muốn sống đầy đủ tiện nghi, muốn có xe hơi nhà lầu, cần gì có nấy. Không chịu nhiếp hộ các căn là chỉ thích sống theo vật chất mà không chịu nuôi dưỡng tinh thần. Người không chịu gìn giữ các căn và uống ăn vô độ, biếng nhác không chịu nỗ lực tu tập, thì dễ bị ma nhiếp phục.

Chữ ma là chỉ cho ngũ dục. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh vọng, thực là những món ăn ngon, thùy là ngủ cho nhiều cho kỹ. Chữ ma ở đây đừng tưởng là con ma nanh vuốt dữ dằn, mà chỉ cho những thứ lôi cuốn mình sa đọa, trái với sự tu hành tinh tấn. Cho nên người tu không chịu cố gắng gìn giữ sáu căn, ăn uống vô độ, biếng nhác không siêng năng tu hành thì dễ bị ma nhiếp phục. Như cành cây mềm yếu khi gió thổi mạnh thì nó gãy. Tóm lại những người tu hành mà thích sống đầy đủ tiện nghi, thích ăn uống cho nhiều, biếng nhác không chịu lo tu, những người đó ma ngũ dục lỗi lúc nào cũng được. Đây là cây thước để đo những người tu.

Pháp Cú 8.

Những người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc, khôn khéo nhiếp hộ các căn, uống ăn tiết độ, vững tin và siêng năng ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá. 

Gió thổi núi đá không hề lung lay, gió mặc gió, núi mặc núi. Cũng vậy, người tu nguyện đem thân này ở trong cảnh kham khổ, thiếu tiện nghi mà vẫn chịu được, khôn khéo nhiếp hộ sáu căn của mình, uống ăn tiết độ, giữ vững đức tin và siêng năng thì người đó ma không dễ gì lay động được. Nhiếp hộ các căn là sao? Nếu khéo nhiếp hộ con mắt thì như khi vào nhà người, chủ nhà đi vắng, thấy món đồ đẹp. Nếu biết nhiếp hộ các căn thì phải hiểu rằng, món đồ tuy đẹp mà vô thường, bây giờ đẹp chứ mai mốt cũ rích. Cái đẹp không thật nên không lầm, nhìn thấy nó rồi thôi lòng tham không khởi. Nếu thấy nó đẹp quá, cầm lên ngó qua ngó lại một hồi, khởi ý muốn lấy. Như vậy là không nhiếp hộ con mắt, không gìn giữ ý căn, cho nên bị ma nhiếp phục. Nếu biết nhiếp hộ con mắt thì lòng tham không khởi lên, nên dửng dưng trước những vật đáng quý. Cho nên nói ma không làm gì nổi, chẳng khác nào như gió thổi núi đá.

Khi tai nghe những tiếng ồn hay tiếng ca nhạc. Như thỉnh thoảng những buổi chiều trời thuận gió, ở dưới chợ Vũng Tàu những tiếng ca vang lên, ở trên cốc tôi nghe rõ lắm. Nghe tiếng ca nhạc làm sao nhiếp hộ lỗ tai? Hồi xưa tôi hơi kỵ tiếng ca đó, nhưng bây giờ nghe những tiếng ca vang lên, tôi thấy bình thường. Nếu chú ý nghe Pháp Cú hát này là Pháp Cú gì, đó là buông lung nhĩ căn. Như vậy là bị ma âm thanh lôi cuốn và tâm liền bị dao động. Nếu nghe mà nhớ rằng âm thanh đó không thật, chỉ như làn gió bên ngoài thổi qua, không có gì phải chú ý. Họ hát thì cứ hát, không ăn thua gì tới mình. Nếu cứ nhớ giọng hát này của ai, hay dở v.v… phân biệt như vậy tâm sẽ loạn. Nếu nghe tiếng mà không theo tiếng, thì những tiếng đó không lôi cuốn được mình. Nếu người nào để những âm thanh lôi cuốn thì bị lệ thuộc vào tiếng. Nếu lệ thuộc vào tiếng thì hôm nay thích nghe người này ca hay quá, mai mốt nghe tiếng ca đó vừa cất lên thì chú ý nghe nữa, như vậy tâm cứ xao lãng bị động mãi.

Cho nên đức Phật dạy, nếu khôn khéo nhiếp hộ các căn thì phải có trí tuệ để quán xét, âm thanh không thật, người biết quán xét thì gìn giữ được các căn. Nếu thêm vững niềm tin Tam bảo, siêng năng tu hành thì ma không nhiếp phục được họ.

Tóm lại khi buông lung sáu căn thì biết mình như cành mềm trước gió, thế nào cũng bị gãy. Nhớ như vậy để giật mình, cố gắng gìn giữ sáu căn, thêm vững niềm tin Tam bảo, siêng năng tu hành thì ma ngũ dục không động tới mình nổi, chẳng khác nào như gió thổi núi đá, không bao giờ lay động. Luôn nhớ hình ảnh đó thì sự tu hành mới tiến được.

Pháp Cú 9.

Mặc áo ca-sa mà không rời bỏ những điều uế trược, không thực hành khắc kỷ thà chẳng mặc còn hơn. 

Áo ca-sa là áo nhuộm màu hoại sắc. Chúng ta thường nói áo ca-sa do cắt nhiều mảnh vải ráp lại, nhưng không đúng. Ca-sa là tiếng Phạn, Hán dịch là nhiễm y, nhiễm tức là nhuộm, áo nhuộm màu vàng hoặc nâu, màu này không giống như màu sắc của thế gian.

Người mặc áo ca-sa mà không rời bỏ những điều uế trược, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Thí dụ như người thích ăn ngon mặc đẹp, nhiều tiền của, xe hơi nhà lầu v.v… đó là tham. Tham là gốc, rồi nó biến ra trăm ngàn muôn ức hình thức khác nhau. Người mặc áo tu mà không rời bỏ những nghiệp xấu xa, ô trược, không thành thật khắc kỷ là không hạn chế những nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của mình thì tu không tiến. Vì vậy đức Phật dạy người quyết chí siêng năng tu hành thì tam thường bất túc, tức là ăn, mặc, ngủ đều phải không đủ. Tại sao không chịu ăn đủ no, mặc cho đẹp và ngủ cho thật nhiều, mà Phật lại bảo bớt đi vì đó là những điều người thế gian ưa thích? Thí dụ người ta ngủ đúng tám tiếng đồng hồ thì mới khỏe, nếu thiếu một hai tiếng là bực tức, cho nên ráng ngủ nhiều cho khỏe. Còn người tu phải bớt ngủ, không bớt được nhiều thì cũng bớt được một tiếng, ngủ bảy tiếng, khá hơn nữa thì sáu tiếng. Phật dạy ngủ nhiều là tăng trưởng si mê, khi ngủ thì không sáng suốt làm chủ được mình. Chúng ta bớt giờ ngủ để ngồi thiền hoặc niệm Phật, tụng kinh, như vậy là để cho trí tuệ càng ngày càng sáng thêm.

Tại sao phải bớt ăn sáng, ăn trưa, chiều chỉ uống nước? Vì hai lẽ, thứ nhất nếu lo sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn, cả ngày lo ăn hoài thì giờ đâu mà tu. Cho nên sáng ăn sơ sơ, trưa ăn cho đầy đủ, chiều nghỉ để có thì giờ rộng rãi tu hành. Thời đức Phật đi khất thực, sáng ôm bình bát đi, tới chín mười giờ mới được một bát về ăn, muốn ăn nữa thì phải đi cho tới chiều tối. Như vậy ngày hai bữa đi khất thực không còn thì giờ tu. Đó là trường hợp thứ nhất.

Trường hợp thứ hai nếu ăn nhiều quá thì hao tốn của đàn-na thí chủ. Một bữa ăn chừng năm chục bạc, hai bữa thì tốn một trăm, ba bữa tốn một trăm rưỡi là thêm phần hao phí của thí chủ. Nên bớt một phần để sống đơn sơ. Vì ăn là để sống tạm qua ngày mà tu hành, gọi là khắc kỷ. Khắc kỷ là hạn chế những nhu cầu không cần thiết của con người.

Tóm lại người thực sự tu hành phải dứt hết những tâm xấu xa ô trược, không buông lung theo dục lạc thế gian. Nếu không được như vậy thì thà chẳng tu còn hơn. Cho nên Phật nói thà chẳng mặc áo ca-sa, chứ mặc rồi mà làm không đúng thì không xứng đáng.

Pháp Cú 10.

Rời bỏ những điều uế trược, giữ gìn giới luật tinh nghiêm khắc kỷ và chân thành, người như thế thì đáng mặc áo ca-sa. 

Rời bỏ những điều uế trược, là dẹp bỏ hết những ý niệm xấu xa trong tâm, giữ giới luật tinh nghiêm trong sạch và lúc nào cũng thành thật khắc kỷ. Người như thế mới xứng đáng mặc áo ca-sa, mới xứng đáng là một người tu.

Pháp Cú 11.

Phi chân tưởng là chân thật, chân thật thấy là phi chân, cứ tư duy một cách tà vạy, người như thế không thể nào đạt đến chân thật. 

Thế nào là phi chân? Chân thật mà lầm tưởng là không chân thật đó là phi chân. Chúng ta cứ suy nghĩ sai lầm thì không bao giờ đạt được lẽ thật hay chân lý. Người phàm phu ngu mê, thấy thân đẹp đẽ quý báu, rồi sanh ra kiêu mạn, đó là phi chân tưởng là chân thật, đức Phật cho đó là tưởng điên đảo. Tại sao? Đức Phật dạy thân này không đẹp đẽ quý báu, chỉ là một đãy da hôi thúi, chứa đựng toàn đồ bẩn thỉu. Thử kiểm điểm từ đầu đến chân, như con mắt có ghèn là sạch hay dơ? Cũng vậy ở lỗ tai thì cứt ráy, ở mũi thì nước mũi, ở miệng thì đàm dãi… Tất cả những thứ đó đều là dơ, cho tới các bộ phận khác cũng vậy. Thân dơ dáy bẩn thỉu mà lầm tưởng sạch quý là điên đảo không đúng sự thật, cho nên gọi là phi chân. Hơn nữa, khi tưởng thân sạch sẽ thì sanh ra ngã mạn tự cao.

Đức Phật dạy phải thấy cho được lẽ thật, thân ô uế biết là ô uế, thân vô thường sanh diệt từng phút giây thì biết sanh diệt từng phút giây. Người đời không thấy, cứ lầm tưởng là thường còn, cho nên bao nhiêu ý niệm sai lầm cứ tiếp diễn, không bao giờ thấy được lẽ thật. Nếu biết đúng lẽ thật thì chúng ta sẽ đạt được chân lý.

Pháp Cú 12.

Chân thật nghĩ là chân thật, phi chân biết là phi chân. Cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật. 

Cái gì thật biết là thật, cái gì không thật biết là không thật, người hiểu đúng như vậy thì mau đạt đến chân lý. Nếu người nào suy nghĩ sai lầm thì suốt đời không bao giờ thấy được lẽ thật. Hiện tại có rất nhiều người hiểu theo quan niệm sai lầm nên mới gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Nếu người biết thức tỉnh, biết nghĩ đúng sự thật, đó là người trí dễ đạt được lý chân thật.

Pháp Cú 13.

Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột thế nào; kẻ tâm không tu tất bị tham dục lọt vào cũng thế. 

Khi làm nhà, dù nhà ngói hay nhà lá, nếu lợp không kín thì nhất định trời mưa phải bị dột. Cũng vậy, người tâm không biết tu thì tham dục lọt vào, cũng như nhà lợp không kín bị nước mưa chảy vào. Cho nên người không biết tu tập thì nhất định sẽ bị tham dục lôi cuốn, không thể nào tránh khỏi.

Pháp Cú 14.

Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa đột; kẻ tâm khéo tu tất không bị tham dục lọt vào. 

Nhà khéo lợp kín thì không bị mưa dột, kẻ tâm khéo tu thì không bị tham dục lọt vào, chắc chắn như vậy. Trong kinh A-hàm, Phật nói thí dụ như cái bình rỗng, người ta đổ nước, đổ đất vào, vì nó là bình không, nên đổ cái gì vào cũng được. Nếu bình đã đầy thì đem những thứ khác đổ vào không được. Cũng vậy, mình nếu khéo tu thì tham dục không chen vào được, ngoại ma không xâm nhập được. Nếu tâm mình không khéo tu thì nó xâm nhập một cách dễ dàng. Khéo tu là thế nào? Thí dụ như người niệm Phật, chỉ nhớ một câu Nam-mô A-di-đà Phật, không nhớ gì khác, cho nên tham sân si không chen vào được.

Phương pháp niệm Phật là giữ tâm không hở trống, cũng như mái nhà lợp kín thì nước mưa không chảy vào. Cũng vậy tâm không hở trống thì tham dục không lọt vào. Thí dụ có người làm cho mình buồn, nhưng lo niệm Phật thì quên buồn, nếu không niệm Phật, nhớ hoài câu nói đó cho là có ý khinh mình nên sanh phiền não. Vì vậy nhớ câu niệm Phật để tâm không nhớ cái khác, đó là phương tiện.

Phương pháp tu nào của nhà Phật cũng là phương tiện. Thí dụ tu pháp môn Mật tông là trì chú, hành giả đi, đứng, nằm, ngồi mọi oai nghi đều phải trì chú, nghĩa là tâm luôn luôn không rời câu chú, đó cũng là một phương tiện, làm cho tâm không bị tham dục lọt vào.

Người tu thiền có phương tiện gì không? Người tham thiền phải luôn luôn gìn giữ tâm mình bằng cách dùng trí quán hay đi, đứng, nằm, ngồi nhớ câu kinh Phật dạy, đó gọi là chánh tư duy. Hoặc giả có người không nhớ câu kinh, mà đi đứng nằm ngồi chỉ nhớ thân này như mộng huyễn không thật, thân này do tứ đại giả hợp, thân này là vô thường, nay còn mai mất, xét tới xét lui điều đó thì tâm không nghĩ chuyện khác. Thành ra Phật nói vô lượng pháp môn đều nhắm chung một chỗ là giữ tâm, không cho tham, sân, si chen vào. Cho nên ở đây đức Phật nói nếu mái nhà lợp kín thì mưa khỏi dột, cũng vậy nếu tâm khéo tu thì tham sân si không xen vào được. Đó là chỗ chính yếu.

Pháp Cú 15.

Ở chỗ này ăn năn tiếp ở chỗ khác cũng ăn năn, kẻ làm điều ác nghiệp cả hai nơi đều ăn năn. Vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sanh ra ăn năn và chết mòn. 

Pháp Cú 16.

Ở chỗ này vui tiếp chỗ khác vui, kẻ làm điều thiện nghiệp cả hai nơi đều an vui. Vì thấy thiện nghiệp mình gây ra, người kia sanh ra an lạc và cực lạc

Nếu ở chỗ này ăn năn là hối hận trách cứ mình… Tới chỗ khác cũng vậy, vì mình đã làm các nghiệp ác thì đi tới đâu cũng nhớ trong lòng, thành ra không lúc nào yên ổn, cả hai nơi đều bất an. Sự bất an ấy là do thấy ác nghiệp mình đã gây, cho nên bị lương tâm cắn rứt. Thí dụ như có những người bồng bột, tạo những điều ác, tới chừng tỉnh thức thì thấy ray rứt trong lòng, thấy ai cũng xấu hổ, không bao giờ an ổn.

Nói nơi này nơi kia là chỉ cho hiện tại và vị lai. Hiện tại bị cắn rứt bởi những hành động ác, khi nhắm mắt thì nghiệp đó vẫn theo để buồn khổ nơi một thế giới khác, chứ không phải hết. Cho nên người muốn hết khổ thì phải dừng nghiệp ác. Vì vậy câu sau Phật nói rằng, người ở chỗ này an vui tiếp ở chỗ khác cũng an vui. Kẻ làm thiện nghiệp thì ở hai nơi đều an vui, vì thấy nghiệp thiện mình đã làm. Như vậy làm việc thiện thì nơi nào cũng an vui.

Như hôm nào đi đường thấy đứa bé rớt xuống ao, liền nhảy xuống cứu rồi đưa về cho cha mẹ nó. Mỗi lần nhớ lại việc cứu được đứa bé thì vui, vì đã làm được một việc thiện. Ngược lại, nếu người làm ác thì đi nơi nào việc ác cũng còn, không bao giờ mất. Nghiệp ác hay nghiệp thiện sẽ theo mình chẳng những trong đời này mà cả đời sau. Vì vậy người Phật tử phải dè dặt, không bao giờ dám làm điều ác.

Pháp Cú 17.

Ở chỗ này than buồn tiếp ở chỗ khác cũng than buồn, kẻ gây điều ác nghiệp cả hai nơi đều than buồn. Nghĩ rằng tôi đã tạo ác vì vậy nên nó than buồn. Hơn nữa còn than buồn vì phải đọa vào cõi khổ. 

Lúc bình sanh tạo nghiệp ác làm khổ rất nhiều người. Khi đau nặng biết mình sắp chết thì tâm không an ổn và rất sợ hãi. Họ khổ vì đau đớn và nhớ lại những việc làm trong quá khứ, con đường sắp đến rất mờ mịt.

Ngược lại nếu hiện giờ làm những điều tốt cho mọi người, thì khi sắp chết rất an ổn. Thí dụ có người khi hay tin mai xuống tàu ra Côn Đảo vì họ là tội phạm. Khi sắp đi buồn rầu, vì ra đó khổ sở, lại xa gia đình. Cũng có người khác hay tin mai đi Côn Đảo, nhưng đi với tính cách du lịch, chừng vài hôm thì về. Khi sửa soạn đi trong lòng họ rất vui vì sẽ biết thêm cảnh lạ, núi non biển cả. Thành ra cùng là đi mà người đau khổ, người lại an vui. Cũng vậy, người biết tu khi sắp chết tâm bình an, còn người không biết tu, khi sắp chết bao nhiêu cái khổ vây quanh. Khổ vì sắp đặt việc gia đình chưa xong, vì nghiệp chướng tạo trong đời sống, vì luyến tiếc tài sản, hoặc thương mến thân bằng quyến thuộc v.v… Nếu sắp ra đi mà khổ thì biết rằng tương lai của họ rất đen tối. Nếu sắp ra đi mà trong lòng an vui thì biết tương lai sáng sủa.

Pháp Cú 18.

Ở chỗ này hoan hỷ, tiếp ở chỗ khác cũng hoan hỷ, kẻ tu hành phước nghiệp cả hai nơi đều hoan hỷ, nghĩ rằng tôi đã tạo phước vì vậy nên nó hoan hỷ, hơn nữa còn hoan hỷ vì được sinh vào cõi lành. 

Ở chỗ này hoan hỷ ở chỗ khác cũng hoan hỷ, cả hai nơi đều hoan hỷ, vì tự thấy rằng mình đã tạo phước nghiệp. Thí dụ một hôm gặp hai người đang gây sự, mình khuyên can cho họ dừng, đó là đã làm được một việc phước nên cảm thấy vui. Khi sắp chết, kiểm điểm lại trong đời sống, từng làm những điều lành thì càng vui vẻ, hơn nữa còn hoan hỷ vì được sanh vào cõi lành. Cho nên nếu chúng ta làm nghiệp lành thì nơi nào cũng hoan hỷ. Ngược lại làm nghiệp ác thì nơi nào cũng đau khổ.

Nói gọn lại người làm ác hiện tại và vị lai đều đau khổ, người làm lành thì hiện tại và vị lai đều an vui. Cho nên chúng ta muốn tìm sự an vui không gì hơn phải nỗ lực làm những điều lành, đó là nguồn cội của sự an vui.

Pháp Cú 19.

Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành theo thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa-môn, khác nào kẻ chăn bò chỉ lo đếm bò cho người khác để lấy công, chứ sữa thịt của bò thì không hưởng được. 

Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành theo, nghĩa là tay gõ mõ miệng tụng liên miên, nhưng khi buông dùi mõ xuống, bước ra khỏi bàn thờ Phật thì miệng nói lời dữ, thân tạo điều dữ, không biết hạn chế ba nghiệp của mình cho trong sạch. Người tụng kinh như vậy không có phước đức nhiều, vì tụng mà còn buông lung tâm ý. Hơn nữa nếu tụng kinh mà cứ chạy theo ngũ dục thế gian thì việc tụng kinh không có nhiều lợi ích. Cho nên nói rằng chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa-môn. Đức Phật ví họ như kẻ chăn bò, nghĩa là chỉ chăn bò cho chủ, mà không có quyền hưởng thịt, sữa của con bò.

Ở đây đức Phật muốn chỉ, người tu phải nương lời đức Phật dạy để hiểu rồi áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Thí dụ đức Phật dạy không sát sanh, không nói lời hung dữ thì bớt sát sanh và nói những lời hòa nhã chân thật. Tụng kinh mà những lời Phật dạy không làm thì gọi là buông lung, sự tu hành không được kết quả theo sở nguyện của mình, chẳng khác nào như kẻ chăn bò, chỉ biết đếm bò cho chủ, mà không hưởng lợi.

Pháp Cú 20.

Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, trừ diệt tham sân si, tâm hiền lành thanh tịnh giải thoát, xa bỏ thế dục thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần ích lợi của Sa-môn. 

Đức Phật dạy tuy tụng ít kinh mà thường y theo lời Phật dạy để tu hành, hiểu biết đúng theo ý nghĩa của kinh, trừ diệt tham sân si, ăn ở hiền lành, tâm thanh tịnh không ô nhiễm và không bị ngũ dục thế gian ràng buộc, thì dù sống trong hiện tại, hay sau khi chết sanh nơi nào người đó cũng hưởng phần lợi ích của Sa-môn.

Chúng ta y theo lời Phật dạy, áp dụng trong cuộc sống hằng ngày để buông bỏ tham sân si, tập tâm từ bi thanh tịnh giải thoát, như vậy là người biết tu.

Nếu người tụng kinh suốt ngày, mà không buông bỏ tham sân si, không biết tập tâm hiền lành và xa bỏ thế dục… người đó tuy thấy như tu nhiều mà sự thật lợi ích không nhiều.

Thí dụ như cô giáo dạy học trò khi ra đường gặp các bậc trưởng thượng phải giở nón cúi đầu chào. Một học trò nhớ lời cô giáo, khi ra đường gặp ai cũng nói, trò phải có lễ phép, gặp người trưởng thượng phải giở nón chào, nhưng nó chỉ nói mà không làm. Học trò khác không lặp lại lời cô giáo mà mỗi khi thấy người lớn nó giở nón cúi đầu chào. Vậy hai đứa bé đó đứa nào biết áp dụng lời cô giáo? Đứa thứ hai tuy không lặp lại lời cô giáo mà biết giở nón cúi đầu chào là nó đã áp dụng thực hành.

Cũng vậy, chúng ta là người tu theo Phật, nếu Phật dạy câu nào nghe câu đó, rồi đem áp dụng và tu đúng. Tuy không tụng kinh gõ mõ hằng ngày nhưng mình vẫn là người tu. Ngược lại gõ mõ tụng kinh liên miên, mà buông ra rồi thì Phật dạy một đàng làm một ngả, tuy nói tu mà chưa tu đúng. Đây là điều đức Phật đã nhắc tới nhắc lui cho chúng ta biết, nhưng lâu rồi chúng ta cũng hơi quên, nên hiểu lầm cho rằng gõ mõ tụng kinh nhiều là tu, mà quên thực hành đúng đắn theo lời Phật dạy.

Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.