Sư họ Nhan, người ở kinh đô, là anh của Hoàng phi Chương Phụng, vốn người không ưa cái đẹp xa xỉ bên ngoài, chỉ thích giữ khí tiết thanh cao của mình. Năm đầu niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059), Sư từ bỏ thế tục, đến tham vấn với Thiền Lão thiền sư ở Tiên Du. Ngay một câu nói của thầy, Sư nhận được yếu chỉ. Từ đó, năm tháng miệt mài, Sư dốc hết ý chí vào thiền học, chưa bao lâu tiếng tăm vang xa khắp nơi.
Về sau, Sư trụ chùa Quán Đỉnh núi Không Lộ, thường mang một y nạp, ăn uống rất đạm bạc. Sư cùng tăng Minh Huệ kết bạn đồng tu. Người đời cho là “Hàn Sơn, Thập Đắc tái thế”. Công bộ Thượng thơ Đoàn Văn Khâm rất kính trọng Sư, có làm thơ tặng:
Chống gậy non cao bỏ sáu trần,
Ở yên huyễn mộng hỏi phù vân.
Ân cần không cách tham Trừng, Thập
Trót vướng bầy cò lớp mũ cân.
(Quải tích nguy phong bãi lục trần,
Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân.
Ân cần vô kế tham Trừng, Thập
Sách bán trâm anh tại lộ quần.)
Khoảng niên hiệu Quảng Hựu (1085-1091) đời Lý Nhân Tông, Sư qui tịch. Đoàn Văn Khâm thương tiếc làm lời văn điếu rằng:
Lánh chợ vào rừng tóc bạc phơ,
Non cao rũ áo ngát hương thừa,
Chùn khăn những muốn hầu bên chiếu,
Treo dép đà nghe khép cửa chùa.
Trăng rọi sân trai chim khắc khoải,
Tháp không bia chữ, mộ thờ ơ,
Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót!
Non nước ngoài am đó dáng xưa.
(Ngô Tất Tố)
(Lâm man bạch thủ độn kinh thành,
Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh,
Kỷ nguyện tịnh trung xu trượng tịch,
Hốt văn di lý yểm thiền quynh.
Trai đình u điểu không đề nguyệt,
Cơ tháp thùy nhân vi tác minh,
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.)