Sư họ Mai tên Trực, quê ở Phước Đường, Long Đàm, là con người anh bà Linh Cảm thái hậu vợ vua Lý Thái Tông. Thuở nhỏ Sư rất thông minh và hiếu học, nghe ở chùa Mật Nghiêm trong bản quận có vị Trưởng lão giỏi về tướng số liền đến nhờ xem. Trưởng lão xem xong bảo:
– Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là vị thiện Bồ-tát, bằng không thì việc thọ yểu khó giữ.
Cảm ngộ lời đoán này, Sư từ giã cha mẹ đến ấp Tiêu Sơn thọ giáo với Trưởng lão Định Hương. Ở đây phục dịch nhiều năm để thâm nghiêm thiền học. Sư thường trì kinh Viên Giác tinh thông pháp tam quán. Một đêm, trong thiền định, Sư thấy Bồ-tát Văn-thù cầm dao mổ bụng Sư, rửa ruột và trao cho diệu dược. Từ đây, những sở tập trong tâm rõ ràng khế hợp, sâu được ngôn ngữ tam-muội, giảng kinh thuyết pháp thao thao.
Về sau, Sư tìm đến phía tả kinh đô Thăng Long dựng một ngôi chùa để hiệu là Cát Tường và trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tìm đến tham vấn rất đông.
Có vị Tăng hỏi:
– Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?
Sư đáp:
– Trùng dương cúc nở dưới rào,
Trên cành oanh hót thanh tao dịu dàng.
(Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.)
Tăng thưa:
– Cảm tạ Thầy chỉ dạy, học nhân chẳng hội, xin lại nêu bày ra?
Sư đáp:
– Ngày thì vầng nhật chiếu,
Đêm đến ánh trăng soi.
(Trú tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh.)
Tăng hỏi:
– Đã được chân chỉ của Thầy, còn huyền cơ thì dạy thế nào?
Sư đáp:
– Bưng thau nước đầy không chú ý,
Một lúc sẩy chân hối ích gì.
(Bất thận thủy bàn kình mãn khứ,
Nhất tao tha điệt hối hà chi.)
Tăng hỏi:
– Tất cả chúng sanh từ đâu mà đến? Sau khi chết đi về đâu?
Sư đáp:
– Rùa mù dùi vách đá,
Trạnh què trèo núi cao.
(Manh qui xuyên thạch bích,
Ba miết thướng cao sơn.)
– Tâm và pháp cả hai đều quên, tánh tức chân; thế nào là chân?
Sư đáp:
– Hoa núi mưa sa, thần nữ khóc,
Tre sân gió thổi, Bá Nha đờn.
(Vũ trích nham hoa thần nữ lệ,
Phong xao đình trúc Bá Nha cầm.)
Sư có soạn “Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn”, vua Lý Nhân Tông đưa bản thảo cho sứ thần sang Trung Hoa dâng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Triết Tông trao cho các vị Cao tọa pháp sư ở chùa Tướng Quốc xem. Xem xong, các ngài tâu vua Tống rằng:
– Đây là nhục thân Bồ-tát ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào.
Vua Tống liền sắc sao lại một bản, bản chánh trả lại cho Vua ta. Sứ thần về kinh tâu lại, triều đình càng kính nể và khen thưởng Sư.
Tháng 9 năm Quảng Hựu thứ sáu (1090) đời Lý Nhân Tông, Sư không bệnh gọi môn đồ vào dạy:
– Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, bốn đại hòa hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái, xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi, hãy nghe ta nói kệ:
Thân như tường vách đã lung lay,
Đau đáu người đời luống xót thay.
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc,
Sắc không ẩn hiện, mặc vần xoay.
(Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm suy di.)
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ chín mươi hai tuổi, năm mươi sáu tuổi hạ.
Tác phẩm gồm có:
– Tán Viên Giác Kinh.
– Thập Nhị Bồ-tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng.
– Tham Đồ Hiển Quyết một quyển.
– Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn.