Sư họ Lữ, quê ở Chu Minh, xuất gia hồi thuở nhỏ, theo học với Thiền sư Đa Bảo. Sư theo hầu thầy ngót hai mươi bốn năm, thâm hiểu Thiền chỉ. Trong nhóm môn đồ của Đa Bảo, Sư là người xuất sắc nhất.
Một hôm Sư hỏi thầy:
– Làm sao thấy được Chân tâm?
Đa Bảo đáp:
– Là ngươi tự nhọc.
Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, thưa:
– Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con.
– Người hội chưa?
– Đệ tử hội rồi lại đồng chưa hội.
– Cần phải gìn giữ cái ấy.
Sư bịt tai, xây lưng đứng.
Đa Bảo liền nạt: Đi!
Sư sụp xuống lạy.
Đa Bảo dạy:
– Về sau ngươi lại giống một kẻ điếc để tiếp người.
Bấy giờ Đô tướng Thành hoàng sứ tên Nguyễn Tuân rất quí mến Sư, thỉnh Sư về trụ trì chùa Cảm Ứng, ở Tiêu Sơn, phủ Thiên Đức. Học chúng các nơi vân tập đông đảo, Sư có công lớn trong việc giáo hóa người.
Đến ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Dần nhằm niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ ba đời Lý Thái Tông (1051), Sư gọi đồ chúng lại từ biệt và để kệ:
Xưa nay không xứ sở
Xứ sở là chân tông.
Chân tông như thế huyễn
Huyễn có là không không.
(Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông
Chân tông như thị huyễn
Huyễn hữu tức không không.)
Dạy kệ xong, Sư im lặng mà hóa.